Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2011/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 16 tháng 06 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 07/2010/QĐ-UBND NGÀY 16/3/2010 CỦA UBND TỈNH BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Nghị định số 81/2009/NĐ-CP ngày 12/10/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (sau khi đã thống nhất với các sở, ngành, địa phương) tại Văn bản số 981/STNMT-ĐKTK ngày 31/5/2011, kèm Báo cáo thẩm định số 408/STP-XDVB ngày 31/5/2011 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Hà Tĩnh ban hành tại Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 16/3/2010 của UBND tỉnh như sau:

1. Bổ sung khoản 2, Điều 2 về đối tượng áp dụng như sau:

“2. Người bị thu hồi đất, bị thiệt hại tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, được bồi thường đất, tài sản, được hỗ trợ và bố trí tái định cư theo quy định tại Văn bản này.

Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (hoặc Tổ chức làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) các cấp (sau đây gọi là Hội đồng bồi thường); Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (hoặc Tổ thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) cấp tỉnh và cấp huyện (sau đây gọi là Hội đồng thẩm định)”.

2. Sửa đổi khoản 1, Điều 5 về giá đất, diện tích để tính bồi thường và chi phí đầu tư vào đất còn lại như sau:

“1. Giá đất để tính bồi thường và việc tính chi phí đầu tư vào đất còn lại được thực hiện theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

a) Trường hợp diện tích đất bị thu hồi có được do đấu giá quyền sử dụng đất, thì giá đất để tính bồi thường là giá đất do UBND tỉnh quy định tại thời điểm thu hồi đất nhân với hệ số chênh lệch giữa giá đất trúng đấu giá chia cho giá đất được UBND tỉnh quy định tại thời điểm đấu giá. Hệ số chênh lệch tối đa được tính là 1,5; trường hợp hệ số chênh lệch lớn hơn mức 1,5 thì áp dụng mức 1,5.

b) Trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường về đất, người sử dụng đất không có hồ sơ, chứng từ về chi phí đã đầu tư vào đất thì cơ quan làm nhiệm vụ bồi thường căn cứ vào hiện trạng thực tế về san lấp mặt bằng, tôn tạo đất được giao, được thuê, thời gian còn lại chưa được sử dụng đất và giá đất để tính chi phí đầu tư còn lại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó:

- Về chi phí san lấp mặt bằng, chi phí tôn tạo đất được tính tối đa không quá 70% khối lượng thực tế san lấp, tôn tạo;

- Đối với đất nông nghiệp chi phí đầu tư còn lại vào đất được tính tối đa không quá 30% giá trị đất nông nghiệp cùng loại, cùng vị trí được bồi thường trên địa bàn”.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 14 về bồi thường nhà, công trình xây dựng trên đất như sau:

“4. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội:

Được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do các Bộ chuyên ngành ban hành; giá trị công trình xây dựng mới chủ đầu tư phải lập và trình cơ quan có thẩm quyền chuyên ngành thẩm định trước khi trình duyệt kinh phí bồi thường; phần vật tư, thiết bị của công trình bị tháo dỡ mà còn sử dụng được thì thu hồi giao cho chủ đầu tư công trình quản lý sử dụng; Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có trách nhiệm đề xuất cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng xác định giá trị còn lại của phần vật tư, thiết bị của công trình bị tháo dỡ và trừ vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của chủ đầu tư công trình.

Trong trường hợp công trình hạ tầng thuộc dự án phải di chuyển mà chưa được xếp loại vào cấp tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc sẽ nâng cấp tiêu chuẩn kỹ thuật thì cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư công trình đề xuất UBND tỉnh xác định cấp tiêu chuẩn kỹ thuật.

Các công trình có thiết bị, vật tư, phụ tùng phụ trợ trong dây chuyền hệ thống công nghệ khi tháo dỡ, lắp đặt địa điểm mới thì chi phí bồi thường áp dụng bao gồm: chi phí tháo lắp, vận chuyển, hao hụt, bảo quản, bảo dưỡng và chi phí lắp đặt mới tại thời điểm, mọi trách nhiệm quản lý sử dụng thuộc chủ sở hữu tài sản. Đơn giá áp dụng theo đơn giá xây dựng và lắp đặt hiện hành do UBND tỉnh quy định”.

4. Sửa đổi Điều 23 về Hỗ trợ di chuyển (chỉ áp dụng cho những hộ chấp hành di dời đúng tiến độ được duyệt) như sau:

“1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất, phải di chuyển chỗ ở đi nơi khác mà chấp hành việc di dời đúng tiến độ được duyệt thì được hỗ trợ kinh phí để di chuyển.

a) Mức hỗ trợ di chuyển cho hộ gia đình, cá nhân được quy định cụ thể như sau:

- Di chuyển trong phạm vi không quá 1 Km: 2.600.000 đồng/hộ

- Di chuyển trong phạm vi từ trên 1 Km - 5 Km: 4.000.000 đồng/hộ

- Di chuyển trong phạm vi trên 5 Km - 10 Km: 6.000.000 đồng/hộ

- Di chuyển trong phạm vi trên 10 Km - 15 Km: 8.500.000 đồng/hộ

- Di chuyển trên 15 Km: 12.000.000 đồng/hộ

b) Tổ chức đang sử dụng đất hợp pháp, cơ sở tôn giáo, đền chùa miếu mạo, nhà thờ tự được hỗ trợ kinh phí để tháo dỡ, di chuyển và lắp đặt, mức hỗ trợ căn cứ vào khối lượng, cung độ, giá cước vận chuyển và tính chất của từng loại thiết bị, Hội đồng bồi thường xây dựng và trình phê duyệt trong phương án bồi thường.

2. Hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở mà không còn chỗ ở khác thì trong thời gian chờ tạo lập chỗ ở mới (bố trí vào khu tái định cư) được hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm hoặc làm lán trại tạm:

a) Mức hỗ trợ: Khu vực nông thôn 800.000 đồng/hộ/tháng; khu vực đô thị 1.200.000 đồng/hộ/tháng.

b) Thời gian được hỗ trợ tính theo thực tế (tùy yêu cầu tiến độ dự án và yêu cầu về công tác bàn giao mặt bằng), nhưng tối đa không quá 06 tháng. Trường hợp do yêu cầu phải bàn giao mặt bằng trước kế hoạch di dời thì thời gian được hỗ trợ tối đa không quá 12 tháng.

3. Hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở, việc di chuyển được hộ gia đình, cá nhân tự nguyện thực hiện trước ngày được Hội đồng bồi thường thông báo di dời 15 ngày thì ngoài mức hỗ trợ theo quy định còn được thưởng tiến độ, mức thưởng 5.000.000 đ/hộ”.

5. Sửa đổi, bổ sung điểm c, điểm d, khoản 1 và khoản 4, Điều 25 về hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất như sau:

“1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (kể cả đất vườn, ao) thì được hỗ trợ ổn định đời sống theo quy định sau đây:

c) Đối với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp nhiều lần mà diện tích mỗi lần thu hồi chưa đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1 Điều 25 Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND thì được cộng dồn diện tích thu hồi của các lần lại để dự án tại thời điểm xem xét hỗ trợ và chỉ được hỗ trợ một lần; Trường hợp thu hồi đất để thực hiện nhiều dự án đầu tư, nếu cùng một thời điểm thì diện tích được tính hỗ trợ là tổng diện tích thu hồi của các dự án và dự án có diện tích thu hồi lớn nhất phải lập phương án hỗ trợ. Thời gian cộng dồn các dự án được tính bắt đầu kể từ ngày 01/7/2004.

d) Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu đang sinh sống tại địa phương tại thời điểm thu hồi đất quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 25 Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND được tính bằng tiền tương đương 30kg gạo trong 01 tháng theo thời giá trung bình ở địa phương tại thời điểm hỗ trợ.

Đối tượng, diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng để xác định hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 14, Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.

“4. Hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng đất nông nghiệp thì được hỗ trợ ổn định sản xuất, bao gồm: hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công, thương nghiệp. Mức hỗ trợ tính theo diện tích đất nông nghiệp được bồi thường 4.000 đ/m2.”.

6. Sửa đổi khoản 2, bổ sung khoản 3, Điều 26 về hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất vườn, ao không được công nhận là đất ở như sau:

“2. Hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, trong khu dân cư thuộc thị trấn, khu dân cư nông thôn; thửa đất nông nghiệp tiếp giáp với ranh giới phường, ranh giới khu dân cư thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp còn được hỗ trợ bằng 20% giá đất ở trung bình của khu vực có đất thu hồi theo quy định trong bảng giá đất của UBND tỉnh; diện tích được hỗ trợ không quá 05 (năm) lần hạn mức giao đất ở tại địa phương theo quy định hiện hành của UBND tỉnh và không vượt quá tổng diện tích thửa đất được bồi thường.

Giá đất ở trung bình của khu vực có đất bị thu hồi để tính hỗ trợ theo khoản này được tính theo nguyên tắc trung bình cộng các mức giá đất ở trong từng xã, phường, thị trấn. Hàng năm UBND huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào giá đất của địa phương đề xuất giá đất ở trung bình để trình UBND tỉnh phê duyệt ngay sau khi có quyết định ban hành giá đất mới.

3. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân khi thu hồi đất mà phần diện tích đất thu hồi đã được tính hỗ trợ tại khoản 1 thì diện tích còn lại không được tính hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 của Điều này”.

7. Sửa đổi khoản 1, Điều 27 về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm như sau:

“1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (không thuộc trường hợp quy định tại Điều 26 của Bản quy định kèm theo Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND) đủ điều kiện được bồi thường mà không có đất để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền theo quy định còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng tiền như sau:

a) Đối với đất trồng lúa, đất trồng cỏ dùng vào chăn nuôi, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây lâu năm khác, đất nuôi trồng thủy sản, đồng muối:

- Đối với các xã thuộc thành phố Hà Tĩnh: Mức hỗ trợ bằng 3,5 lần giá trị đất nông nghiệp bị thu hồi và không quá hạn mức giao đất tại địa phương;

- Đối với các xã thuộc thị xã Hồng Lĩnh: Mức hỗ trợ bằng 2,7 lần giá trị đất nông nghiệp bị thu hồi và không quá hạn mức giao đất tại địa phương;

- Đối với các xã thuộc huyện Thạch Hà và huyện Cẩm Xuyên tiếp giáp với ranh giới các phường thuộc thành phố Hà Tĩnh: Mức hỗ trợ bằng 2,7 lần giá trị đất nông nghiệp bị thu hồi và không quá hạn mức giao đất tại địa phương;

- Các khu vực còn lại: Mức hỗ trợ bằng 1,8 lần giá trị đất nông nghiệp bị thu hồi và không quá hạn mức giao đất tại địa phương;

Trường hợp các hộ bị thu hồi hết (100%) đất nông nghiệp mà phải di chuyển chỗ ở, mức hỗ trợ chuyển đổi nghề được tính tối đa đến 05 lần giá đất nông nghiệp, nhưng tối đa không vượt quá 130.000.000 đ/hộ.

b) Đối với đất lâm nghiệp:

Mức hỗ trợ bằng 1,5 lần giá trị đất lâm nghiệp bị thu hồi và không quá hạn mức giao đất tại địa phương.

Diện tích đất bị thu hồi được hỗ trợ là diện tích đất đã được nhà nước giao cho các hộ gia đình cá nhân bao gồm: đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật hoặc có trong phương án giao đất, chuyển đổi ruộng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp các hộ có nhu cầu hỗ trợ bằng đất ở hoặc nhà ở hoặc đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà có mức hỗ trợ theo quy định trên lớn hơn hoặc bằng giá trị đất ở, nhà ở hoặc đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thì tùy điều kiện cụ thể Hội đồng bồi thường xây dựng phương án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định”.

8. Sửa đổi khoản 1, khoản 4, khoản 5, bổ sung khoản 7, Điều 28 về hỗ trợ khác như sau:

“1. Ngoài việc hỗ trợ theo quy định, tùy thuộc vào tình hình thực tiễn và điều kiện cụ thể của từng dự án, Hội đồng bồi thường xem xét đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để đảm bảo có chỗ ở, ổn định đời sống và sản xuất cho người bị thu hồi đất; trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

“4. Hộ gia đình đang hưởng chế độ thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng phải di chuyển chỗ ở hoặc thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao; ngoài các khoản hỗ trợ quy định, được hỗ trợ thêm như sau:

a) Hộ có 02 thân nhân liệt sỹ, hộ nuôi dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống), hộ có ít nhất một thương binh hạng 1/4, bệnh binh hạng 1/4 thì được hỗ trợ 3.000.000 đ/hộ;

b) Hộ có một thân nhân liệt sỹ, có ít nhất một thương binh hạng 2/4, bệnh binh hạng 2/4, hộ hưởng chế độ chất độc da cam thì được hỗ trợ 2.500.000 đ/hộ;

c) Hộ có thương binh hạng 3/4 hoặc 4/4, bệnh binh hạng 3/4 hoặc 4/4, hộ gia đình có công với cách mạng, hộ gia đình neo đơn, già cả, đau ốm lâu dài, hộ gia đình nghèo được chính quyền địa phương xác nhận, được hỗ trợ 2.000.000 đ/hộ.

5. Hộ gia đình sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt nuôi trồng thủy, hải sản có mặt nước bị thu hồi nhưng không được bồi thường; hộ ngư nghiệp, hộ trực tiếp sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp mà phải chuyển đổi nghề nghiệp do di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ như sau: Hỗ trợ thiệt hại đối với những máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ có thể di chuyển nhưng không sử dụng được ở nơi tái định cư như: tàu, thuyền, lưới, ngư cụ đánh bắt, lồng, bè nuôi trồng thủy hải sản, đáy, đăng, nò… đặt cố định tại cửa sông cửa lạch, phương tiện vận tải đường sông, máy cày, máy xay xát, che ép mía, dụng cụ chế biến hải sản… mức hỗ trợ tối đa bằng 70% giá trị mới bình quân cùng loại trên địa bàn. Số lượng máy móc, thiết bị, dụng cụ… được hỗ trợ theo số lượng thực tế hộ đang sử dụng.

9. Sửa đổi Điều 33 về lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư như sau:

“9.1. Phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một nội dung của dự án đầu tư do Nhà đầu tư lập và được phê duyệt cùng với phê duyệt dự án đầu tư; trường hợp dự án đầu tư không phải trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt hoặc không phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì UBND cấp huyện nơi có đất có trách nhiệm xem xét, chấp thuận về phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB giúp Nhà đầu tư lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ngay sau khi có phương án thu hồi đất. Cụ thể, Chủ dự án tiến hành khảo sát khu vực dự án, tổ chức cắm mốc giải phóng mặt bằng, lập phương án tổng thể về bồi thường theo các nội dung chính sau:

- Diện tích các loại đất dự kiến thu hồi được xác định trên cơ sở bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính đã được xây dựng, nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc bản đồ địa chính đã biến động trên 40% thì Chủ đầu tư tiến hành đo đạc (hoặc trích đo) bản đồ địa chính khu vực dự án;

- Tổng số người sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất;

- Dự kiến số tiền bồi thường, hỗ trợ;

- Việc bố trí tái định cư (dự kiến về nhu cầu, địa điểm, hình thức tái định cư);

- Dự kiến thời gian và kế hoạch di chuyển, bàn giao mặt bằng.

Phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau khi được phê duyệt cùng dự án đầu tư, Chủ đầu tư phải gửi một bộ (bản sao có chứng thực) về UBND cấp huyện nơi có đất bị thu hồi để tiến hành thủ tục thông báo thu hồi đất theo quy định.

9.2. Lập phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được tiến hành ngay sau khi dự án đầu tư được xét duyệt hoặc chấp thuận. Nội dung các công việc như sau:

a) Trong thời gian không quá 45 ngày kể từ ngày dự án đầu tư được xét duyệt hoặc được chấp thuận, Hội đồng bồi thường phải hoàn thành việc kê khai, kiểm kê và xác định nguồn gốc đất đai.

b) Trong thời gian không quá 35 ngày kể từ ngày hoàn thành việc kê khai, kiểm kê và xác định nguồn gốc đất đai, phải hoàn thành việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Nội dung phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gồm:

- Tên, địa chỉ của người bị thu hồi đất;

- Diện tích loại đất, vị trí, nguồn gốc của đất bị thu hồi; số lượng, khối lượng, tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của loại tài sản bị thiệt hại;

- Các căn cứ có tính toán số tiền bồi thường, hỗ trợ như: giá đất tính bồi thường, giá tài sản, cây cối… tính bồi thường; số nhân khẩu, số lao động trong độ tuổi, số người được hưởng trợ cấp xã hội;

- Số tiền bồi thường, hỗ trợ;

- Việc bố trí tái định cư;

- Việc di dời các công trình của Nhà nước, tổ chức, cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư…;

- Việc di dời mồ mả.

c) Sau khi hoàn thành việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Hội đồng bồi thường tiến hành lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện như sau:

- Niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại trụ sở UBND cấp xã và tại các điểm sinh hoạt khu dân cư nơi có đất thu hồi để người bị thu hồi đất và những người khác có liên quan tham gia ý kiến;

- Việc niêm yết phải được lập thành biên bản có xác nhận của UBND cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, đại diện những người có đất bị thu hồi;

- Thời gian niêm yết và tiếp nhận ý kiến đóng góp ít nhất là 20 ngày, kể từ ngày đưa ra niêm yết.

d) Trong thời gian không quá 05 ngày kể từ ngày hoàn thành việc lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và nộp cho cơ quan thẩm định”.

10. Bổ sung Điều 36 về thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư như sau:

“10.1. Hồ sơ đề nghị thẩm định

Hồ sơ bồi thường, hỗ trợ tái định cư do Hội đồng bồi thường lập gửi về Hội đồng thẩm định hoặc Tổ thẩm định, bao gồm các loại hồ sơ sau đây:

a) Quyết định phê duyệt dự án đầu tư của cấp có thẩm quyền (bản sao).

b) Quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền (bản sao có chứng thực).

c) Phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gồm có:

- Bản thuyết minh về phương án bồi thường (trong đó nêu rõ về các vấn đề: căn cứ pháp lý và nguyên tắc cơ bản khi xây dựng hồ sơ; những đối tượng lập hồ sơ; căn cứ và cách thức để áp giá bồi thường, hỗ trợ đối với từng loại đất, tài sản, tuyến đường; nguồn chi trả; phương án tái định cư);

- Lập biên bản kiểm kê khối lượng đất đai, tài sản (trong biên bản phải xác định rõ diện tích, loại đất, vị trí, nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất; số lượng, khối lượng, tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản bị thiệt hại) có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng bồi thường (ký, đóng dấu), chủ hộ, Chủ tịch UBND cấp xã (ký, đóng dấu) nơi có đất bị thu hồi, đại diện hộ dân (theo Phụ lục 01 kèm theo Quyết định này);

- Biên bản áp giá phải có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng, chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án) và đóng dấu theo quy định (bản giấy và bản file), (theo Phụ lục 02 kèm theo Quyết định này);

- Bảng tổng hợp kinh phí bồi thường, hỗ trợ theo từng đối tượng (bản giấy và bản file) (theo Phụ lục 03 kèm theo Quyết định này);

- Các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất hoặc giấy xác nhận về nguồn gốc sử dụng đất của UBND cấp xã (đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất);

- Bản trích đo hoặc trích lục từ hồ sơ địa chính đối với thửa đất thu hồi;

- Đơn tự nguyện tái định cư (nếu có).

d) Biên bản niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

đ) Bản tổng hợp ý kiến đóng góp của người có đất bị thu hồi;

e) Tờ trình của Hội đồng bồi thường huyện, thành phố, thị xã hoặc Trung tâm Phát triển quỹ đất hoặc Tổ chức được giao làm công tác bồi thường (bản gốc).

g) Phương án bố trí tái định cư (nếu có).

Các loại hồ sơ quy định trên được lập thành 02 bộ nộp cho Hội đồng thẩm định (qua Tổ tư vấn giúp việc cho Hội đồng thẩm định).

10.2. Nội dung và tiêu chí thẩm định

a) Tiêu chí thẩm định:

- Thẩm định tính hợp pháp, hợp lý của các loại hồ sơ quy định tại điểm 10.1 của khoản này.

- Thẩm định việc áp dụng chính sách về bồi thường, hỗ trợ.

- Thẩm định nguồn gốc sử dụng đất; đối chiếu số liệu giữa biên bản kiểm kê, áp giá, bản đồ địa chính và bản xác định nguồn gốc sử dụng đất về diện tích, loại đất, vị trí thửa đất thu hồi.

- Thẩm định việc áp dụng đơn giá; đối chiếu số liệu giữa biên bản kiểm kê và áp giá.

- Thẩm định phương án bố trí tái định cư (nếu có).

b) Nội dung thẩm định:

- Tên, địa chỉ của người bị thu hồi đất;

- Diện tích, loại đất, vị trí, nguồn gốc của đất bị thu hồi; số lượng, khối lượng, tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản bị thiệt hại;

- Các căn cứ tính toán số tiền bồi thường, hỗ trợ như: giá đất tính bồi thường, giá nhà, công trình tính bồi thường, số nhân khẩu, số lao động trong độ tuổi, số lượng người được hưởng trợ cấp xã hội;

- Số tiền bồi thường, hỗ trợ;

- Việc bố trí tái định cư;

- Việc di dời các công trình của Nhà nước, tổ chức, cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư;

- Việc di dời mồ mả.

10.3. Thời hạn thẩm định hồ sơ và hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt

a) Thời hạn thẩm định hồ sơ:

- Chậm nhất là 10 ngày (tính từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định) Hội đồng thẩm định phải tổ chức thẩm định xong (không kể thời gian Hội đồng bồi thường bổ sung, sửa chữa hồ sơ) để trình UBND cùng cấp phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trường hợp công trình giải tỏa với quy mô lớn, phức tạp, cấp bách, Chủ tịch Hội đồng thẩm định thỏa thuận với Chủ tịch Hội đồng bồi thường về thời gian thẩm định (nhưng tối đa không quá 15 ngày).

- Căn cứ vào biên bản thẩm định và tờ trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Hội đồng thẩm định, UBND cùng cấp quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

b) Hồ sơ trình UBND cấp thẩm quyền phê duyệt dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ gồm có:

- Biên bản thẩm định của Hội đồng thẩm định hoặc Tổ thẩm định.

- Tờ trình của Hội đồng thẩm định hoặc Tổ thẩm định, trình UBND cấp thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

- Tờ trình kèm theo hồ sơ của Hội đồng bồi thường.

10.4. Triển khai Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức giải phóng mặt bằng.

a) Trong thời hạn không quá ba (03) ngày, kể từ ngày nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt, Hội đồng bồi thường có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường tại trụ sở UBND cấp xã và địa điểm sinh hoạt khu dân cư nơi có đất bị thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người có đất bị thu hồi; trong đó nêu rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, về bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho Hội đồng bồi thường.

b) Hội đồng bồi thường thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư.

c) Trong thời hạn hai mươi (20) ngày, kể từ ngày Hội đồng bồi thường thanh toán xong tiền bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất theo phương án đã được xét duyệt thì người có đất bị thu hồi phải bàn giao đất cho Hội đồng bồi thường.

Trường hợp việc bồi thường được thực hiện theo tiến độ thì chủ đầu tư được nhận bàn giao phần diện tích mặt bằng đã thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ để triển khai dự án.

Trường hợp chủ đầu tư và những người bị thu hồi đất đã thỏa thuận bằng văn bản thống nhất về phương án bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất hoặc khu đất thu hồi không phải giải phóng mặt bằng thì UBND cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, giao đất hoặc cho thuê đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.

10.5. Trường hợp nhà đầu tư thỏa thuận với người đang sử dụng đất

Thực hiện theo quy định tại Điều 39, 40, 41 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP, trong đó:

a) Trường hợp dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất nhưng nhà đầu tư đã chủ động đề nghị và được UBND tỉnh chấp nhận cho thực hiện theo phương thức tự thỏa thuận với người sử dụng đất thuộc phạm vi dự án để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì được thực hiện theo thỏa thuận đó.

Trường hợp sau 180 ngày, kể từ ngày có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh mà còn người sử dụng đất không đồng thuận với nhà đầu tư thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi diện tích đất mà nhà đầu tư chưa thỏa thuận được với người sử dụng đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định này;

b) Trường hợp dự án không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất:

- UBND các cấp và các cơ quan Nhà nước có liên quan không được ra quyết định thu hồi đất hoặc thực hiện các biện pháp không phù hợp với quy định của pháp luật để can thiệp vào việc thỏa thuận giữa Nhà đầu tư và người sử dụng đất. Trường hợp nhận được đề nghị của nhà đầu tư hoặc người sử dụng đất thì UBND cấp huyện chủ trì việc tiến hành thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất, chỉ đạo việc thực hiện các thủ tục về chuyển nhượng, thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất;

- Trường hợp người đang sử dụng đất không có các quyền chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì Nhà nước thực hiện thu hồi đất và tiến hành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người sử dụng đất theo quy định này”.

11. Sửa đổi, bổ sung Điều 41 về cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng như sau:

“Trường hợp người bị thu hồi đất không thực hiện Quyết định thu hồi đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không bàn giao đất đã có Quyết định thu hồi thì thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Đất đai khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại các Điều 29, 30 và 31 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ;

b) Quá ba mươi (30) ngày, kể từ thời điểm phải bàn giao đất quy định tại khoản 4, Điều 31, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP mà người có đất bị thu hồi không bàn giao đất cho Hội đồng bồi thường;

c) Sau khi đại diện của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động thuyết phục nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành việc bàn giao đất đã thu hồi cho Nhà nước;

d) Có quyết định cưỡng chế của UBND cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đã có hiệu lực thi hành;

đ) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế; trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế thì Hội đồng bồi thường phối hợp với UBND cấp xã niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất thu hồi.

Sau mười lăm (15) ngày, kể từ ngày giao trực tiếp quyết định cưỡng chế hoặc ngày niêm yết công khai quyết định cưỡng chế mà người bị cưỡng chế không bàn giao đất thì UBND cấp huyện chỉ đạo, tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật”.

Điều 2. Bổ sung thêm một số nội dung chưa quy định tại Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 16/3/2010 của UBND tỉnh, như sau:

1. Xử lý đối với một số trường hợp bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản như sau:

1.1. Diện tích đất nằm trong chỉ giới hành lang giao thông:

a) Trường hợp đất nằm trong chỉ giới hành lang giao thông đủ điều kiện cấp giấy CNQSD đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy CNQSD đất thì được bồi thường theo quy định hiện hành;

b) Trường hợp đất nằm trong chỉ giới hành lang giao thông đủ điều kiện cấp giấy CNQSD đất nhưng chưa được cấp giấy CNQSD đất thì chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn căn cứ hồ sơ địa chính và thực trạng quản lý, sử dụng để xem xét từng trường hợp cụ thể và lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ theo quy định;

c) Trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng phần đất nằm trong chỉ giới hành lang giao thông chưa được cấp giấy CNQSD đất thì chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn căn cứ hồ sơ chuyển nhượng và thực trạng thửa đất để xác định đối tượng và đề xuất lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định.

1.2. Các tổ chức, hộ gia đình có đất đai, tài sản, công trình xây dựng không nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án nhưng do việc triển khai dự án mà bị ảnh hưởng đến khả năng sử dụng thì được hỗ trợ như sau:

a) Đối với đất vườn, đất sản xuất nông nghiệp, đồng muối, nuôi trồng thủy sản mà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công công trình, nhưng sau khi thi công vẫn sản xuất được thì được hỗ trợ bằng giá trị sản lượng của một vụ thu hoạch đối với diện tích đất bị ảnh hưởng (giá trị sản lượng của một vụ thu hoạch được tính theo năng suất trung bình trong 03 năm trước liền kề của loại cây trồng, vật nuôi chính tại địa phương theo giá trung bình của nông sản cùng loại tại thời điểm thu hồi đất).

Trường hợp nếu diện tích bị ảnh hưởng không tiếp tục sản xuất được thì Hội đồng bồi thường đề nghị xem xét thu hồi đất và được bồi thường theo quy định.

b) Đối với các công trình của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gần kề công trình thi công tùy vào mức độ hạn chế sử dụng của công trình (tỷ lệ %) bị hư hỏng, xuống cấp của công trình, Hội đồng bồi thường đề xuất từng trường hợp cụ thể để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét mức hỗ trợ theo quy định.

1.3. Hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân, người lao động thuộc các nông, lâm trường trước đây (nay đã giải thể) và đã được các nông, lâm trường giao đất làm nhà ở và giao khoán diện tích đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản…, khi bị Nhà nước thu hồi đất thì UBND huyện, thành phố, thị xã căn cứ các chính sách đất đai qua các thời kỳ để lập phương án xử lý về quyền sử dụng đất trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

1.4. Bồi thường, hỗ trợ đối với đất đai, tài sản trong hành lang công trình lưới điện cao áp:

a) Đối với đất ở, các loại đất khác trong cùng thửa với đất ở của một chủ sử dụng trong hành lang an toàn lưới điện thuộc diện nhà nước không thu hồi đất mà bị hạn chế khả năng sử dụng đất thì được bồi thường, hỗ trợ một lần. Mức bồi thường, hỗ trợ bằng 80% mức bồi thường thu hồi đất đó tính trên diện tích đất nằm trong hành lang.

Trường hợp đất không đủ điều kiện bồi thường theo quy định của pháp luật về đất đai thì được hỗ trợ bằng 50% của giá trị được hỗ trợ theo quy định hiện hành.

b) Đối với nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân có một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong hành lang an toàn lưới điện được xây dựng trên đất đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định của pháp luật, trước ngày thông báo thực hiện dự án công trình lưới điện cao áp được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được bồi thường, hỗ trợ bằng 70% giá trị phần nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt tính trên diện tích nằm trong hành lang an toàn lưới điện, theo đơn giá UBND tỉnh ban hành tại thời điểm tính bồi thường, hỗ trợ.

c) Đối với cây lâu năm, cây rừng có trước khi thông báo thực hiện dự án công trình điện cao áp và trong hành lang an toàn lưới điện hoặc ngoài hành lang có nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn theo quy định mà phải chặt bỏ không được trồng mới hoặc chặt tỉa cây thì được bồi thường một lần; mức bồi thường tính theo số cây phải chặt bỏ, chặt tỉa nhân với đơn giá bồi thường do UBND tỉnh ban hành tại thời điểm bồi thường.

2. Trình tự, thủ tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư như sau:

2.1. Về việc thông báo thu hồi đất.

a) UBND cấp huyện thực hiện thông báo thu hồi đất theo thẩm quyền; UBND tỉnh ủy quyền cho UBND huyện thông báo thu hồi đất các trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

b) Nội dung thông báo thu hồi đất, gồm: lý do thu hồi đất và vị trí khu đất thu hồi trên cơ sở hồ sơ địa chính hiện có hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt và dự kiến về kế hoạch di chuyển; giao nhiệm vụ cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cho phép nhà đầu tư được tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư.

c) Việc thông báo thu hồi đất của UBND cấp huyện được thực hiện trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất, tại địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư có đất thu hồi.

2.2. Hoạt động của Hội đồng thẩm định

a) Hội đồng thẩm định cấp tỉnh do UBND tỉnh thành lập, Hội đồng thẩm định cấp tỉnh được thành lập Tổ giúp việc; Hội đồng thẩm định cấp huyện hoặc Tổ thẩm định cấp huyện do UBND cấp huyện thành lập; thành phần Hội đồng thẩm định cấp tỉnh, Hội đồng thẩm định cấp huyện hoặc Tổ thẩm định cấp huyện do cơ quan Tài nguyên và Môi trường đề nghị trên cơ sở thống nhất với cơ quan Tài chính và các ngành có liên quan cùng cấp. Thành viên của Hội đồng thẩm định, Tổ thẩm định cấp huyện không tham gia Hội đồng bồi thường.

b) Hội đồng thẩm định hoặc Tổ thẩm định làm việc theo hình thức kiêm nhiệm, dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng thẩm định hoặc Tổ trưởng Tổ thẩm định.

- Bộ phận thường trực và nơi làm việc của Hội đồng thẩm định, Tổ thẩm định cấp tỉnh đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường, sử dụng con dấu của Sở Tài nguyên và Môi trường để giao dịch.

- Bộ phận thường trực và nơi làm việc của Hội đồng thẩm định, Tổ thẩm định cấp huyện đặt tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, sử dụng con dấu của phòng Tài nguyên và Môi trường để giao dịch.

c) Các thành viên của Hội đồng thẩm định, Tổ thẩm định làm việc theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng hoặc Tổ trưởng Tổ thẩm định và chức năng thẩm định của ngành theo quy định tại Điều 38, Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND, mỗi thành viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch Hội đồng, Tổ trưởng Tổ thẩm định về nội dung thẩm định của mình.

d) Chủ tịch Hội đồng thẩm định hoặc Tổ trưởng Tổ thẩm định có thể ủy quyền cho Phó chủ tịch hoặc Tổ phó Tổ thẩm định trong trường hợp có lý do không điều hành Hội đồng thẩm định hoặc Tổ thẩm định, Phó chủ tịch Hội đồng hoặc Tổ phó Tổ thẩm định được ủy quyền phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng hoặc Tổ trưởng Tổ thẩm định và trước pháp luật về kết quả thẩm định của mình.

đ) Hội đồng thẩm định, Tổ thẩm định chỉ tiến hành thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng khi có đầy đủ hồ sơ thủ tục theo quy định tại điểm 11.1 mục 11 Điều 1 của Quy định này.

2.3. Hoạt động của Tổ tư vấn

Hội đồng thẩm định có thể thành lập Tổ tư vấn để thẩm tra hồ sơ, kiểm tra, hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ (có biên nhận) giúp Hội đồng thẩm định thẩm tra hồ sơ, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do Hội đồng bồi thường lập và trình, chuẩn bị báo cáo và tổ chức các cuộc họp của Hội đồng thẩm định.

a) Sau khi nhận đủ hồ sơ như quy định tại điểm 10.1 khoản 10 Điều 1 nêu trên, Tổ tư vấn tiến hành thẩm tra hồ sơ theo trách nhiệm đã được phân công, lập biên bản thẩm tra có đầy đủ chữ ký của các thành viên, dự thảo các văn bản để trình Hội đồng thẩm định xem xét quyết định.

b) Trong quá trình thẩm tra hồ sơ, nếu Tổ tư vấn phát hiện vấn đề cần làm rõ hoặc có khiếu nại cần kiểm tra lại thì đề xuất Hội đồng thẩm định cử đại diện hoặc cán bộ chuyên môn đến thực tế công trình để kiểm tra; kế hoạch kiểm tra được Hội đồng thẩm định thông báo trước với Chủ đầu tư và Hội đồng bồi thường để cùng phối hợp.

Nội dung thẩm tra phải được lập thành văn bản.

2.4. Giải quyết khiếu nại

a) Đối với Hội đồng bồi thường các huyện, thành phố, thị xã:

- Chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại về tính chính xác, đúng, đủ của số liệu kiểm kê, tính pháp lý của hồ sơ đất, tài sản được bồi thường, hỗ trợ hoặc không được bồi thường, hỗ trợ của các đối tượng.

- Giải quyết khiếu nại về việc áp giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và các chính sách hỗ trợ.

b) Đối với Hội đồng thẩm định.

- Giải quyết những khiếu nại về nội dung thẩm định theo thẩm quyền.

- Phối hợp với Hội đồng bồi thường để giải thích những khiếu nại liên quan đến công tác áp giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và các chính sách khác kèm theo.

2.5. Nguồn kinh phí đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

a) Nguồn kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ và Thông tư số 57/2010/TT-BTC ngày 16/4/2010 của Bộ Tài chính.

b) Nguồn kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định được trích 0,1% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên một lần thẩm định; mức trích tối thiểu 500 ngàn đồng và tối đa 20 triệu đồng trên một lần thẩm định.

2.6. Nội dung và mức chi cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

a) Chi cho việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Theo nội dung chi quy định tại Điều 4, Điều 5, Thông tư số 57/2010/TT-BTC ngày 16/4/2010 của Bộ Tài chính.

b) Chi thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

- Chi hội nghị: Chi hội nghị tổng kết, sơ kết, tập huấn, họp thường kỳ, họp đột xuất…; mức chi theo chế độ chi tiêu hội nghị hiện hành của Bộ Tài chính.

- Chi mua vật tư, văn phòng phẩm: Theo nhu cầu thực tế nhưng không vượt quá định mức theo quy định.

- Chi phụ cấp công tác phí: Chủ tịch Hội đồng thẩm định trên cơ sở nguồn thu và nhu cầu công tác để quyết định mức chi (theo hình thức công tác phí khoán) cho các thành viên Hội đồng thẩm định nhưng tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng.

- Chi phụ cấp làm thêm giờ (làm đêm, ngày lễ): Do tính chất cấp thiết của công việc Hội đồng được phép huy động các thành viên làm thêm giờ nhưng tối đa không quá 300 giờ/năm và được thanh toán theo chế độ hiện hành.

- Chi phụ cấp kiêm nhiệm: Chủ tịch Hội đồng thẩm định căn cứ nguồn kinh phí để quyết định mức chi phụ cấp cho các thành viên Hội đồng, nhưng tối đa không quá 30% tổng lương và phụ cấp hiện hưởng.

- Chi mua sắm trang thiết bị làm việc.

- Chi thuê phương tiện đi kiểm tra hiện trường.

- Chi khác (tiếp khách, tham quan học hỏi, khác).

2.7. Lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

a) Hội đồng bồi thường chịu trách nhiệm lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình Sở Tài chính (hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện) thẩm định theo quy định tại Điều 6, Thông tư số 57/2010/TT-BTC ngày 16/4/2010 của Bộ Tài chính. Hội đồng bồi thường có trách nhiệm chuyển kinh phí thẩm định cho Hội đồng thẩm định theo thông báo nộp tiền của Hội đồng thẩm định.

b) Đối với kinh phí phục vụ công tác thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

- Hội đồng thẩm định căn cứ các quy định về chế độ tài chính hiện hành và nội dung chi tại Quyết định này lập dự toán chi cho cả năm trình cơ quan Tài chính cùng cấp thẩm định để thực hiện.

- Hội đồng thẩm định căn cứ tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt và mức trích tại Quyết định này để gửi thông báo nộp tiền đến Hội đồng bồi thường. Hội đồng bồi thường căn cứ chứng từ chuyển tiền cho Hội đồng thẩm định để quyết toán kinh phí thẩm định vào kinh phí tổ chức việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

- Hội đồng thẩm định có trách nhiệm quyết toán kinh phí phục vụ công tác thẩm định với cơ quan tài chính theo quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Trường hợp không sử dụng hết kinh phí đã được trích thì được chuyển sang năm sau hoặc nộp vào ngân sách nhà nước.

- Hội đồng thẩm định được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc sử dụng tài khoản của Văn phòng UBND huyện (đối với Hội đồng thẩm định cấp huyện), Sở Tài nguyên và Môi trường (đối với Hội đồng thẩm định cấp tỉnh) để giao dịch.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ban hành.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Tổng cục Quản lý đất đai;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Cục Kiểm soát thủ tục hành chính;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh;
- Chánh, Phó VP/UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Các Phòng CM thuộc VP.UBND tỉnh;
- Website Chính phủ;
- Trung tâm Công báo - tin học;
- Lưu: VT, NL1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đình Sơn

 

Phụ lục số 1

UBND HUYỆN…….
HỘI ĐỒNG BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TĐC
DỰ ÁN…………………….
Biên bản số……….

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BIÊN BẢN KIỂM ĐẾM SỐ LƯỢNG
(Dự án…………..)

Thực hiện Quyết định số ……………… ngày … tháng … năm … của …………….. về việc phê duyệt dự án đầu tư ………….; Quyết định số ………../ …….. ngày …/…/… của UBND huyện ……….. về việc thành lập Hội đồng (Ban chuyên trách…) bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng công trình………….

Hôm nay, vào hồi ………. giờ, ngày …/…/… Hội đồng bồi thường …….. tiến hành kiểm đếm số lượng đất, tài sản, vật kiến trúc, mồ mả, cây cối, hoa màu của:

Hộ ông (bà):............................................................................................................................

Số CMND………….. do công an ……………. cấp ngày …… tháng …… năm ………..

Địa chỉ: số nhà …………. đường ………….. xóm …………, xã (phường, thị trấn) ……, huyện (thành phố, thị xã) ………………

Đối tượng chính sách: ………………..

I. ĐẤT ĐAI.

TT

Loại đất

Diện tích

Vị trí trong bảng giá đất

Hạng đất

Nguồn gốc (thời điểm sử dụng đất, các giấy tờ sử dụng đất kèm theo)

Ghi chú

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tỷ lệ đất thu hồi (so với tổng diện tích được giao):.......................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

II. NHÀ CỬA, VẬT KIẾN TRÚC

TT

Loại công trình, quy cách

Đơn vị tính

Khối lượng

Ghi chú

1

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

III. CÂY CỐI, HOA MÀU

TT

Tên, chủng loại

Đơn vị tính

Số lượng

Ghi chú

1

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

Biên bản đã được đại diện hộ gia đình, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và UBND xã thống nhất ký tên.

Biên bản được lập thành ….. bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ một bản./.

 

HỘI ĐỒNG BỒI THƯỜNG, HT, TĐC
Thành viên              Chủ tịch HĐ
(Ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu)

ĐD. HỘ GIA ĐÌNH
(Ký và ghi rõ họ tên)

UBND XÃ……….
CB địa chính             Chủ tịch UBND xã
(Ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu)

ĐẠI DIỆN THÔN, XÓM
(Ký và ghi rõ họ tên)

 

Phụ lục số 2

UBND HUYỆN…….
HỘI ĐỒNG BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TĐC
DỰ ÁN…………………….
Biên bản số……….

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BIÊN BẢN ÁP GIÁ BỒI THƯỜNG
(Dự án…………..)

Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về việc bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và mục đích phát triển kinh tế;

Căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất;

Căn cứ Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư; Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất;

Căn cứ Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 16/3/2010 của UBND tỉnh; Quyết định số ...../2011/QĐ-UBND ngày .../6/2011 của UBND tỉnh về việc Ban hành và sửa đổi bổ sung Quy định chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Hà Tĩnh;

Căn cứ Quyết định số ……./QĐ-UBND ngày ……/……/……. của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành Bảng giá các loại đất năm …… trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;

Căn cứ Quyết định số ……/201…/QĐ-UBND ngày …/…/2011 của UBND tỉnh về ban hành quy định áp dụng và bộ đơn giá bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả, cây cối, hoa màu khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ Quyết định số …/… ngày …/…/… của UBND huyện …..về việc thành lập Hội đồng (Ban chuyên trách…) bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng công trình……….

Căn cứ Biên bản kiểm đếm số lượng số ……. ngày …/…/…

Hôm nay, vào hồi ………giờ, ngày …/…/… Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư … tiến hành áp giá bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất, số lượng tài sản của:

Hộ ông (bà):............................................................................................................................

Số CMND:……………………Do công an…………….cấp ngày……tháng……năm………..

Số nhân khẩu:........................................................................................................................

Địa chỉ: số nhà…………., đường…………..xóm…………, xã (phường, thị trấn)……, huyện (thành phố, thị xã)………………

Đối tượng chính sách: ………………..

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Ghi chú

I. Đất đai

 

 

 

 

 

 

1.

 

 

 

 

 

 

2.

 

 

 

 

 

 

II. Nhà cửa, vật kiến trúc

 

 

 

 

 

 

1.

 

 

 

 

 

 

2.

 

 

 

 

 

 

III. Cây cối, hoa màu

 

 

 

 

 

 

1.

 

 

 

 

 

 

2.

 

 

 

 

 

 

IV. Mồ mả

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

V. Chế độ hỗ trợ

 

 

 

 

 

 

1.

 

 

 

 

 

 

2.

 

 

 

 

 

 

Tổng

 

 

 

 

 

 

 

Thành viên Hội đồng
(Ký và ghi rõ họ tên)

Chủ tịch HĐ
(Ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 


Phụ lục số 3

TỔNG KINH PHÍ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, GPMB

DỰ ÁN:…………………….
ĐOẠN/HẠNG MỤC:…………………………..
(Kèm theo Tờ trình số            ngày     tháng      năm     của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện…….)

Đơn vị tính: đồng

TT

Họ và tên

Địa chỉ

Giá trị bồi thường

Giá trị hỗ trợ

Tổng giá trị BT, HT

Ghi chú

Đất

Nhà cửa, vật kiến trúc

Cây cối, hoa màu

Hỗ trợ chuyển đổi nghề

Hỗ trợ di chuyển

Hỗ trợ khác (ghi rõ nội dung hỗ trợ)

Tổng tiền

Đất ở

Đất vườn

Nông nghiệp

Tổng tiền

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HỘI ĐỒNG BT, HT, TĐC HUYỆN…….

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 11/2011/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 07/2010/QĐ-UBND quy định chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Hà Tĩnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành

  • Số hiệu: 11/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/06/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Lê Đình Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/06/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 13/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản