Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1099/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI BÀ ĐEN, TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2035

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Văn bản số 82/BC-BXD ngày 20 tháng 8 năm 2018 của Bộ Xây dựng về Báo cáo thẩm định đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035;

Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh tại Tờ trình số 1885/TTr-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2018 trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035 với những nội dung chính như sau:

1. Phạm vi, ranh giới, quy mô:

a) Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch:

Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen nằm trên địa bàn phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh, xã Thạnh Tân thuộc thành phố Tây Ninh và một phần của xã Suối Đá, xã Phan thuộc Huyện Dương Minh Châu, có phạm vi ranh giới, như sau:

- Phía Đông Bắc: Giáp xã Tân Hưng, huyện Tân Châu và xã Suối Đá, Huyện Dương Minh Châu, giới hạn bởi đường Khedol - Suối Đá;

- Phía Tây Bắc: Giáp xã Tân Bình, giới hạn bởi Đường tỉnh ĐT 785;

- Phía Tây Nam: Giáp phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, giới hạn bởi Đường tỉnh ĐT 784;

- Phía Đông Nam: Giáp phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh và xã Phan, Huyện Dương Minh Châu, giới hạn bởi Đường tỉnh ĐT 790.

Quy mô lập quy hoạch khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen là 2.903,79 ha.

b) Phạm vi nghiên cứu mở rộng bao gồm các khu vực lân cận trong vùng ảnh hưởng của khu du lịch gồm các khu vực hồ Dầu Tiếng; Tòa Thánh Cao Đài; Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam; vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát; cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát; kết nối các tuyến du lịch quốc tế đi Cam-pu-chia đi các nước láng giềng khác.

2. Tính chất:

- Là khu du lịch cấp quốc gia gắn với các di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia được bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.

- Là khu du lịch được xây dựng đồng bộ với các khu chức năng thương mại, du lịch; văn hóa, thể thao; vui chơi giải trí tổng hợp; dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp; phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, thiên nhiên, môi trường sinh thái... phù hợp yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

3. Các dự báo phát triển:

Dự báo quy mô khách đến năm 2025 khoảng 5.000.000 lượt khách, đến năm 2035 khoảng 8.000.000 lượt khách; quy mô lao động đến năm 2035 khoảng 4.000 người, quy mô dân cư trong khu vực quy hoạch khoảng 4.000 dân.

Đến năm 2035, quy mô đất xây dựng các khu chức năng đạt khoảng 1000 ha.

4. Định hướng phát triển không gian và sử dụng đất:

a) Phân khu chức năng

- Quan điểm phát triển :

+ Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên; phát triển đa dạng các loại hình du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về du lịch văn hóa - tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao nhằm thu hút đầu tư, khắc phục tính thời vụ trong khai thác, phát triển du lịch; hướng tới xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen trở thành một trung tâm du lịch đặc sắc, có chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao.

+ Hình thành Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen đồng bộ về dịch vụ du lịch, hạ tầng kỹ thuật và môi trường; kết nối hài hòa với không gian đô thị của thành phố Tây Ninh và các khu vực phụ cận, tạo nên một tổng thể đô thị - du lịch mang sắc thái riêng của tỉnh Tây Ninh đối với vùng thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

- Phân khu chức năng và định hướng phát triển không gian:

Định hướng hình thành các không gian chức năng của khu du lịch với yêu cầu quản lý về tầng cao không quá 03 tầng, đảm bảo yêu cầu phát triển và bảo tồn của Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, phù hợp và tôn trọng điều kiện địa hình, tự nhiên của khu vực. Cụ thể gồm:

+ Các khu chức năng phục vụ du lịch:

. Khu tâm linh, di tích: Bảo vệ, tôn tạo phát huy giá trị các công trình di tích, tôn giáo hiện hữu; cải tạo, chỉnh trang các công trình phụ trợ (nhà ga, cáp treo, máng trượt, nhà ăn,...); kết nối với khu vực ven chân núi phía Nam để phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch tâm linh. Quy mô khoảng 29,57 ha; mật độ xây dựng công trình tối đa 10%, tầng cao tối đa 02 tầng (trường hợp hạng mục công trình có chức năng, yêu cầu đặc biệt sẽ được xem xét, đề xuất cụ thể trong quy hoạch chi tiết sau khi có thỏa thuận với cơ quan chức năng).

. Khu tham quan chuyên đề, lưu trú, nghỉ dưỡng, thương mại và dịch vụ du lịch trên đỉnh núi: Trên cơ sở khai thác tiềm năng về khí hậu, cảnh quan sinh thái tại đỉnh núi, hình thành các khu công viên chuyên đề, không gian trưng bày ngoài trời, bảo tàng, công trình tâm linh kết hợp với các công trình lưu trú, dịch vụ du lịch cao cấp, hướng tới tạo lập không gian tham quan, du lịch sinh thái mang đặc trưng riêng tại Núi Bà Đen. Quy mô khoảng 88,90 ha, trong đó, diện tích xây dựng cơ sở lưu trú chiếm khoảng 25%; mật độ xây dựng tối đa 25%; tầng cao tối đa 03 tầng (trường hợp hạng mục công trình có chức năng, yêu cầu đặc biệt sẽ được xem xét, đề xuất cụ thể trong quy hoạch chi tiết sau khi được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền).

. Khu lưu trú, nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Phụng và núi Đất: Quy mô khoảng 48,15 ha; trong đó, diện tích xây dựng cơ sở lưu trú chiếm khoảng 30%; mật độ xây dựng tối đa 30%; tầng cao tối đa 03 tầng.

. Các khu chức năng du lịch sinh thái quanh chân núi: Quy mô khoảng 685,55 ha; trong đó, diện tích xây dựng cơ sở lưu trú chiếm khoảng 10%; mật độ xây dựng tối đa 25%; tầng cao tối đa 3 tầng. Bao gồm 03 khu vực chính:

Khu vực ven chân núi phía Nam, bố trí các chức năng thương mại, dịch vụ lưu trú phục vụ du lịch tâm linh quần thể Chùa Bà hiện hữu và là đầu mối kết nối khu tâm linh, di tích, tôn giáo với khu tham quan chuyên đề trên đỉnh núi thông qua hệ thống cáp treo hiện đại, đảm bảo lưu thông theo các hướng tuyến trong khu du lịch. Quy mô toàn khu khoảng 77,05 ha, trong đó, diện tích xây dựng cơ sở lưu trú chiếm khoảng 30%; mật độ xây dựng tối đa 40%; tầng cao tối đa 03 tầng (trường hợp hạng mục công trình có chức năng, yêu cầu đặc biệt sẽ được xem xét, đề xuất cụ thể trong quy hoạch chi tiết sau khi được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền).

Khu vực ven chân núi phía Đông, tiếp giáp đường Khedol - Suối Đá: Có quy mô khoảng 389,64 ha, hình thành các công viên sinh thái theo chủ đề như công viên các loài bướm, các loài chim; vườn thú Safari; vườn thực vật; các khu nghiên cứu môi trường,... và các khu thương mại dịch vụ du lịch phục vụ các hoạt động du lịch dã ngoại. Diện tích xây dựng các hạng mục công trình phục vụ du lịch chiếm khoảng 5%.

Khu vực quanh sườn núi phía Tây Nam: Quy mô 218,86 ha. Là khu vực khai thác lợi thế về điều kiện địa hình và cảnh quan tự nhiên, tổ chức các khu công viên sinh thái theo chủ đề, phát triển khu làng văn hóa, vườn thảo dược và công viên sinh thái ven hồ kết hợp thể thao mạo hiểm, hoạt động dã ngoại và bố trí hệ thống công trình dịch vụ thương mại phục vụ du lịch, bao gồm các khu:

(1) Khu nghỉ dưỡng, lưu trú trên sườn núi Phụng và núi Đất: Phát triển khu nghỉ dưỡng, lưu trú cao cấp và thương mại, dịch vụ kết hợp công viên, vườn dạo,... để phục vụ du lịch, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, khí hậu khu du lịch Núi Bà. Quy mô khoảng 92,90 ha, trong đó, diện tích đất xây dựng cơ sở lưu trú chiếm khoảng 30%; mật độ xây dựng tối đa 25%; tầng cao tối đa 03 tầng.

(2) Khu làng văn hóa, vườn thảo dược và công viên sinh thái ven hồ: Quy mô khoảng 100 ha; mật độ xây dựng tối đa 10%; tầng cao tối đa 02 tầng.

(3) Khu công viên chuyên đề dọc tuyến đường bộ lên đỉnh Núi Bà: Quy mô khoảng 25,96 ha; mật độ xây dựng tối đa 5%; tầng cao tối đa 02 tầng.

Khu thể dục thể thao, sân golf và các dịch vụ phụ trợ kết hợp lưu trú tại khu vực Ma Thiên Lãnh: Quy mô khoảng 325,25 ha; trong đó, quy mô đất sân golf 36 lỗ có quy mô khoảng 236 ha, đất dịch vụ kết hợp lưu trú phục vụ sân golf khoảng 62,25 ha. Mật độ xây dựng tối đa 40% đối với khu đất thương mại dịch vụ, lưu trú phục vụ du lịch sân golf và tối đa 10% tại khu vực sân golf; tầng cao tối đa toàn khu 03 tầng.

+ Khu dân cư phục vụ khu du lịch:

Tổ chức các khu nhà ở thấp tầng, mật độ thấp; các khu nhà phố kết hợp thương mại dịch vụ và hệ thống các công trình công cộng nhằm cải thiện, nâng cao điều kiện môi trường sống cho khu dân cư hiện hữu; đồng thời khai thác hiệu quả quỹ đất tại vị trí tiếp giáp với khu vực nội thị thành phố Tây Ninh nhằm chỉnh trang, quản lý kiến trúc cảnh quan tại không gian cửa ngõ hiện hữu của khu du lịch. Quy mô khoảng 78,15 ha, dân số khoảng 4.000 người; tỷ lệ đất nhóm nhà ở chiếm khoảng 40% diện tích khu vực, dành quỹ đất bố trí công trình phục vụ đơn vị ở, hệ thống công viên cây xanh và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

+ Đất khác:

. Đất rừng đặc dụng có quy mô 1.123,41 ha được kiểm soát tuân thủ theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

. Đất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái quy mô khoảng 423,09 ha, có vị trí tại khu vực chân núi phía Tây, tiếp giáp tuyến đường tỉnh 784 và 785. Tại đây, kết hợp bố trí một số công trình dịch vụ, chế biến nông sản tại chỗ (chiếm khoảng 2% diện tích) nhằm phục vụ hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp quảng bá đặc sản địa phương.

b) Quy hoạch sử dụng đất:

TT

Loi đất

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

I

Đất các khu chức năng hỗn hợp phục vụ du lịch

1.177,42

40,55

II

Đất dân cư thương mại phục vụ khu du lịch

78,15

2,69

III

Đất hạ tầng kỹ thuật

101,72

3,50

IV

Đất khác (đất rừng và đất nông nghiệp)

1.546,50

53,26

 

Tổng cộng

2.903,79

100,00

5. Định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường

a) Định hướng giao thông

- Quy hoạch hệ thống giao thông đối ngoại bao gồm các trục đường chính:

+ Đường Suối Đá - Khedol có lộ giới 45 m;

+ Đường tỉnh ĐT 785 (đoạn qua khu vực) lộ giới 63 m;

+ Đường tỉnh ĐT 784 có lộ giới 63 m;

+ Đường tỉnh ĐT 790 lộ giới 60,0 m.

- Hệ thống đường nội bộ có lộ giới từ 25,0 - 40,0 m, từ 2 đến 4 làn xe.

- Các công trình đầu mối giao thông:

+ Hệ thống cáp treo: Quy hoạch 03 tuyến cáp treo từ chân núi lên đỉnh núi.

+ Hệ thống bến, bãi đỗ xe: Quy hoạch 06 bãi đỗ xe tập trung trong khu du lịch, chủ yếu tập trung tại vị trí nhà ga cáp treo với tổng diện tích khoảng 47 ha.

+ Định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng kết nối thành phố Tây Ninh, thị trấn Dương Minh Châu và xã Tân Hưng..., tổ chức tuyến giao thông từ Núi Bà Đen - thị trấn Dương Minh Châu - Phước Đông, chạy dọc Đường tỉnh 784.

b) Định hướng chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng

- Quy hoạch cao độ nền:

+ Cao độ thiết kế tại các giao lộ được tính toán đảm bảo thoát nước tự nhiên và an toàn cho các phương tiện giao thông lưu thông.

+ Cốt xây dựng cho toàn khu và từng phân khu chức năng được xác định trên cơ sở tôn trọng cao độ hiện trạng nhằm đảm bảo ổn định cho nền đường, bảo vệ cảnh quan tự nhiên và giảm khối lượng san lấp. San lấp cục bộ một số vị trí, tạo bề mặt thuận lợi để xây dựng các công trình kiến trúc, tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn và đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Quy hoạch thoát nước mặt:

+ Giải pháp thoát nước mưa: Thiết kế hệ thống thoát nước riêng với nước thải sinh hoạt, nước mưa trên bề mặt dự án thấm tự nhiên và gom về hệ thống cống dọc theo các trục giao thông trước khi thoát vào các suối quanh khu vực.

+ Hướng tiêu thoát nước chính: Khu du lịch có 04 hướng tiêu thoát nước chính gồm: Suối Ông Tuấn, suối Vàng, suối Núc, suối Già Nai và kênh tiêu suối Tre. Các hồ nước có vai trò tạo kiến trúc cảnh quan đồng thời điều tiết nước trong khu vực, nhằm giảm lượng nước chảy tràn và bổ sung lượng nước ngầm.

c) Định hướng cấp điện

- Nguồn cung cấp điện giai đoạn đầu: Từ trạm 220/110KV Tây Ninh và 110/22KV Tây Ninh công suất 2x63MVA, theo đường dây 22kV hiện hữu dọc theo đường tỉnh ĐT 790.

Khi phụ tải toàn bộ dự án được phủ kín, xây dựng trạm 110/22kV công suất 40 MVA.

- Tổng nhu cầu sử dụng điện toàn khu là Ptt = 45,68 MW (Stt = 54 MVA).

- Định hướng quy hoạch cấp điện:

+ Tuyến trung thế 22KV: Giai đoạn đầu từ tuyến trung thế 22kV hiện hữu trên đường tỉnh ĐT 790 và 785 thuộc trạm 110/22kV Tây Ninh và trạm Tây Ninh 2 kéo đến; trong giai đoạn dài hạn, đầu tư trạm 110/22kV công suất 40MVA.

+ Các tuyến 22kV làm mới sử dụng loại cáp ngầm đảm bảo tuân thủ theo quy định kỹ thuật chuyên ngành.

+ Xây dựng trạm biến áp phân phối 22/0,4 KV; mạng lưới cáp hạ thế 0,4KV cấp cho công trình bố trí đi ngầm, ứng với công suất từng loại phụ tải dùng các loại cáp tương ứng.

+ Mạng lưới cấp điện chiếu sáng: Sử dụng thiết bị cấp điện có tính thẩm mỹ cao, tiết kiệm năng lượng.

d) Định hướng cấp nước

- Tổng nhu cầu cấp nước toàn Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh dự kiến khoảng 7.900 m3/ngày đêm.

- Nguồn cấp nước:

Sử dụng chung với thành phố Tây Ninh từ nguồn nước lấy từ hồ Dầu Tiếng. Giai đoạn đầu, nước cấp cho khu du lịch từ tuyến ống vận chuyển từ nhà máy cấp nước hiện hữu của thành phố Tây Ninh. Trong giai đoạn dài hạn, xây dựng nhà máy nước ở phía Bắc Núi Bà, công suất 52.000 m3/ngày đêm.

- Giải pháp thiết kế mạng lưới đường ống cấp nước:

+ Thiết kế mới mạng lưới đường ống cấp nước cho toàn khu, ống cấp nước sử dụng ống HDPE. Mạng lưới cấp nước được xây dựng đồng bộ với hệ thống thoát nước, cấp điện và cống ngầm khác.

+ Bố trí trụ cứu hỏa trên các tuyến ống có đường kính lớn hơn Φ100 đảm bảo khoảng cách giữa các trụ cứu hỏa ≤ 150 m. Bố trí trụ cứu hỏa tại các ngã giao của tuyến đường nội bộ nhằm thuận tiện cho việc chữa cháy.

+ Khu vực cáp treo và khu tiếp đón khách dưới chân núi được đấu nối với hệ thống cấp nước đô thị; công trình ven sườn núi, trên đỉnh núi đề xuất sử dụng các trạm bơm tăng áp trung gian để đua nước từ dưới chân núi lên đến đỉnh núi phục vụ cho nhu cầu hàng ngày.

đ) Định hướng thoát nước thải và vệ sinh môi trường

- Lưu lượng nước thải toàn khu khoảng 4.910 m3/ngày đêm.

- Các phương án thoát nước:

+ Xây dựng hệ thống thoát nước thải, nước mưa riêng biệt. Nước thải trước khi thải vào hệ thống thoát nước phải được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại và được xử lý đảm bảo đạt loại A theo quy định hiện hành trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

+ Đối với các công trình dưới chân núi, nước thải được thu gom, đưa về trạm xử lý; đối với công trình lưu trú, dịch vụ du lịch trên sườn dốc và đỉnh núi, nước thải được xử lý cục bộ trong từng công trình, sau đó được thu gom và xử lý theo từng cụm công trình, đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.

- Xử lý chất thải rắn:

Chất thải rắn từ hộ dân, công trình dịch vụ du lịch được thu gom hàng ngày, phân loại tại nguồn, tách chất thải rắn hữu cơ, nguy hại để xử lý riêng; chuyển về các trạm trung chuyển sau đó chuyển về khu xử lý chất thải rắn của tỉnh. Tại trạm trung chuyển, bố trí các bô rác kín, có nắp đậy hợp vệ sinh, khoảng cách ly an toàn môi trường của trạm trung chuyển chất thải rắn tối thiểu là 20 m.

e) Định hướng thông tin liên lạc

- Đầu tư xây dựng mới một hệ thống viễn thông hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ với mạng viễn thông quốc gia, vị trí tổng đài phải lắp đặt ở những nơi có lưu lượng tập trung và hiệu quả nhất.

- Thiết kế hệ thống cống bể thông tin để phục vụ cho các tuyến cáp thông tin khi mạng cáp được triển khai cho đồng bộ. Cáp chính từ dàn phối dây đến các tủ cáp là cáp quang bố trí ngầm theo tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.

g) Các biện pháp bảo vệ môi trường

- Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến không gian quy hoạch cụ thể giảm tiêu thụ năng lượng trong quá trình vận hành các công trình, thiết kế các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng; sử dụng năng lượng tái tạo (mặt trời, gió,...), công nghệ thông minh: thiết kế, công nghệ và hành vi kết nối với nhau.

- Thiết kế hạ tầng xanh, sử dụng các hệ sinh thái giảm tải cho hệ thống thoát nước; tăng cường khả năng thấm nước xuống đất; các dự án có nồng độ carbon thấp; xây dựng công trình kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

- Phân vùng cảnh quan chú trọng tới đặc điểm cảnh quan của môi trường tự nhiên, tôn trọng cảnh quan rừng, sông suối; mặt cắt cảnh quan cần chú ý đến cao độ địa hình và công trình không cản trở dòng thoát nước mặt.

- Thực hiện đánh giá tác động môi trường các dự án theo quy định: Dự án khu dân cư, hệ thống trạm xử lý nước thải, các công trình lưu trú và xây dựng sân golf.

- Nước thải được thu gom theo đường cống thoát nước riêng, nước thải được xử lý phải đảm bảo 100% tỷ lệ nước thải phát sinh trong khu vực, nước thải trước khi xả vào nguồn tiếp nhận phải đạt tiêu chuẩn cột A theo quy định hiện hành. Việc xả nước thải vào nguồn tiếp nhận; việc thu gom chất thải rắn tại các hộ gia đình, từng công trình; việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn nguy hại; không khí, tiếng ồn; ô nhiễm trong quá trình xây dựng các dự án phải được kiểm soát chặt chẽ.

- Đối với khu vực sân golf: Hạn chế tối đa việc áp dụng thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ, kiểm soát đúng quy định.

- Lập và thực hiện nghiêm kế hoạch quản lý và giám sát môi trường; chương trình giám sát môi trường định kỳ; chương trình quản lý và giám sát môi trường của từng dự án, giám sát của cơ quan chức năng.

6. Phân kỳ đầu tư

Đầu tư xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen theo quy hoạch chung được duyệt theo 02 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2019 - 2025: Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch tại các khu chức năng có không gian đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch, tạo động lực phát triển đồng bộ toàn khu du lịch.

- Giai đoạn 2 từ sau năm 2025 đến 2035, đầu tư xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng các khu chức năng và quản lý phát triển theo quy hoạch xây dựng được duyệt.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh: Tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch chung xây dựng; chủ động phối hợp với các bộ, ngành thực hiện và hoàn thiện theo đúng trình tự, quy định hiện hành về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, sử dụng đất các đơn vị quốc phòng trong phạm vi ranh giới khu du lịch; ban hành Quy định quản lý theo Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen được duyệt và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch theo đúng quy định hiện hành; tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng, làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng công trình trong khu du lịch theo quy định pháp luật.

2. Giao các bộ, ngành:

- Bộ Xây dựng hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh định kỳ rà soát tình hình triển khai thực hiện quy hoạch.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh các trình tự, thủ tục điều chỉnh vị trí thực hiện dự án sân golf từ Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời về Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen theo đúng quy định để đảm bảo đủ cơ sở hình thành và đầu tư xây dựng sân golf.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng quản lý, phát triển rừng đặc dụng tại khu vực Núi Bà Đen, làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

- Bộ Quốc phòng hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh trong chuyển đổi vị trí, bổ sung công trình quốc phòng trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ an ninh quốc phòng.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh hoàn thiện các quy trình, thủ tục pháp lý để tổ chức thực hiện quy hoạch chung được duyệt, triển khai đầu tư xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035 theo đúng quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch Công Thương, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường;
- Ủy ban Dân tộc;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tây Ninh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, NN, KTTH, QHĐP, KGVX, NC;
- Lưu: VT, CN (2).XH

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1099/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1099/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/09/2018
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trịnh Đình Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/09/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản