BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1099/QĐ-BHXH | Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN TRỊ MẠNG TRONG HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
- Căn cứ Nghị định số 100/2002/NĐ-CP ngày 06/12/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Căn cứ Quyết định số 3582/QĐ-BHXH ngày 26/12/2006 của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành Quy định về quản lý hoạt động công nghệ thông tin trong hệ thống BHXH Việt Nam;
- Theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Quy định chung về quản trị mạng
1. Quản trị mạng phải có hai tài khoản (account) trên mạng. Một tài khoản quản trị và một tài khoản người sử dụng bình thường có tên (username) và mật khẩu (password) đăng ký riêng biệt. Khi làm việc thông thường trên mạng (không phải các công việc quản trị mạng), người quản trị phải đăng nhập với tên người sử dụng thông thường và phải tuân thủ mọi quy định giành cho người sử dụng thông thường. Không được sử dụng tên đăng ký quản trị trong trường hợp công việc thực hiện không đòi hỏi quyền quản trị để đảm bảo an ninh và an toàn dữ liệu.
2. Tất cả những công việc đã thực hiện, quản trị mạng đều phải ghi chép đầy đủ trong nhật ký bảo hành, bảo trì. Đối với những thay đổi về mặt thiết bị, chương trình cũng như cơ cấu tổ chức, quản trị mạng đều phải cập nhật vào hồ sơ mạng để nội dung hồ sơ luôn phản ánh đúng thực trạng của mạng.
3. Hạn chế đăng nhập và thực hiện các công việc quản trị trên nhiều máy trạm khác nhau. Trong trường hợp bắt buộc phải đăng nhập với tên quản trị trên máy trạm khác, nhất thiết phải kiểm tra virus trước khi login để ngăn chặn khả năng virus tấn công và chiếm quyền kiểm soát hệ thống mạng.
4. Quản trị mạng chịu trách nhiệm bảo quản hồ sơ mạng, mọi tài liệu kỹ thuật, đĩa cài đặt và cấu hình của mọi thiết bị phần cứng, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng trên mạng.
Điều 2. Quy định về an ninh, an toàn dữ liệu
1. Để đảm bảo an toàn dữ liệu, mọi máy chủ và máy trạm đều phải được bảo vệ bằng bộ lưu điện và ổn áp. Các phòng đặt máy phải trang bị đầy đủ máy điều hòa nhiệt độ, máy hút bụi, hút ẩm. Thực hiện vệ sinh lau chùi định kỳ đối với các thiết bị máy tính và môi trường làm việc. Tuân thủ mọi yêu cầu về môi trường do nhà cung cấp thiết bị đề ra.
2. Đối với những dữ liệu quan trọng, phải thực hiện cơ chế sao lưu định kỳ bằng các thiết bị lưu trữ chuyên dụng. Khi thiết lập chế độ sao lưu cụ thể, thực hiện chế độ sao lưu theo quy định của BHXH Việt Nam.
Cần thiết lập cơ chế máy chủ hoặc ổ đĩa dự phòng, đường cáp dự phòng hay hệ thống nguồn dự phòng để hoạt động của mạng không bị gián đoạn khi xảy ra sự cố.
3. Phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ mật khẩu đã quy định để đảm bảo an ninh mạng. Địa điểm và vị trí đặt máy phải được bảo vệ về mặt vật lý, đặc biệt là nơi đặt máy chủ và cất giữ dữ liệu sao lưu. Những người không có trách nhiệm không được tiếp cận và làm việc trên các thiết bị máy tính.
4. Hạn chế tối đa làm việc trực tiếp trên máy chủ. Tuyệt đối không cài ứng dụng không cần thiết lên máy chủ. Có chế độ theo dõi chặt chẽ máy chủ, giảm thiểu khả năng xảy ra sự cố làm ngưng trệ hoạt động của toàn bộ mạng.
Điều 3. Quản trị mạng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở Trung ương (Cấp I) là người đại diện chính thức trong tất cả các hoạt động có liên quan đến môi trường mạng (Network) của hệ thống BHXH Việt Nam, do một hoặc một nhóm cán bộ có đủ trình độ năng lực đảm nhiệm, có nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển tổng thể cho các hoạt động quản trị mạng trong hệ thống BHXH Việt Nam trình Lãnh đạo BHXH Việt Nam phê duyệt và tổ chức thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ thông tin của ngành.
2. Lập hồ sơ kỹ thuật, thiết kế hệ thống cho hệ thống mạng diện rộng của ngành và mạng nội bộ (LAN) tại cơ quan BHXH Việt Nam ở Trung ương. Quản lý toàn bộ các hồ sơ, các thông tin về hệ thống mạng trong toàn hệ thống BHXH. Có trách nhiệm tổ chức đánh giá công tác quản trị mạng trong hệ thống BHXH hàng năm.
3. Thiết lập phần mềm hệ thống quản trị mạng trên máy chủ để quản lý các nhóm làm việc (workgroup), người dùng (user), cấp phát và quản lý các địa chỉ mạng (IP Address), tên miền (Domain) thống nhất trong hệ thống BHXH Việt Nam nhằm phân bố các địa chỉ IP và tên miền một cách hiệu quả. Hướng dẫn người dùng (user) công tác khai báo thông tin địa chỉ mạng, địa chỉ Internet, tên miền, kiểm tra kết nối mạng.
4. Quy định các tiêu chuẩn, cấu hình chuẩn, tên, địa chỉ...của hệ thống mạng, máy chủ, bộ định tuyến, modem...và các thiết bị có kết nối vào mạng máy tính của BHXH các địa phương và BHXH Việt Nam. Thiết lập và duy trì hệ thống cho các máy chủ dịch vụ như DNS Server, DHCP Server, File Server Web Server, Mail Server, Antivirus Server. Trực tiếp quản trị máy chủ website trong trường hợp BHXH Việt Nam tự triển khai máy chủ Web, phối hợp với người quản trị website để vận hành website an toàn, thông suốt, thông báo cho quản trị Web các lỗ hổng bảo mật phát hiện được để kịp thời phối hợp khắc phục.
5. Theo dõi và duy trì hoạt động 24 giờ/ngày liên tục trong năm đối với hệ thống mạng. Lập kế hoạch thường xuyên và định kỳ duy trì, sửa chữa và cập nhật tài liệu kiến trúc mạng máy tính như hệ thống chuyển mạch tại trung tâm và các nhánh, hệ thống máy chủ mạng, hệ thống cấp truyền dẫn, hệ thống tín hiệu truyền dẫn, xử lý các yêu cầu về di chuyển, thêm, thay đổi, tài khoản sử dụng mạng hoặc các máy tính hay các hệ thống mạng của các đơn vị CNTT.
6. Quản lý các cơ sở dữ liệu an toàn, khai thác có hiệu quả. Có quyền từ chối hoặc ngừng bất kỳ 1 kết nối hoặc truy cập nào mà quản trị mạng cho là bất hợp pháp và làm phương hại đến hệ thống mạng để đảm bảo an toàn mạng, từ chối các truy nhập không lành mạnh, có nội dung xấu... sử dụng mạng vào việc riêng, chơi trò chơi...
7. Phối hợp với các Phòng, Ban nghiệp vụ đảm bảo cho mọi hoạt động của các thiết bị mạng, các máy tính đang kết nối mạng, bảo vệ tài nguyên, các thông tin, dữ liệu trên mạng trong phạm vi quản lý. Thường xuyên theo dõi kiểm tra, phát hiện kịp thời các vấn đề bất thường để có biện pháp xử lý tức thời. Phải đảm bảo an toàn cháy nổ, có biện pháp cụ thể phòng chống các sự cố do chập điện hoặc do thiên tai để đảm bảo sự ổn định của hệ thống mạng không làm gián đoạn các công việc đang xử lý trên mạng.
8. Phối hợp với các Phòng, Ban chuyên môn trong công tác tổ chức các lớp tập huấn CNTT cho cán bộ đảm nhiệm công tác quản trị mạng tại các đơn vị CNTT. Xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn, vận hành các thiết bị đầu mối mạng nhằm đảm bảo hệ thống được vận hành thống nhất và dễ cài đặt sử dụng.
9. Thẩm định hồ sơ kỹ thuật, thiết kế hệ thống mạng của các Dự án xây dựng hệ thống mạng tại BHXH các tỉnh, thành phố và Văn phòng BHXH Việt Nam. Trực tiếp hướng dẫn quản trị mạng và hỗ trợ kỹ thuật quản trị mạng cho BHXH tỉnh, thành phố (Cấp 2) chưa đủ điều kiện và năng lực.
Điều 4. Quản trị mạng của BHXH tỉnh, thành phố (cấp II): là người đại diện chính thức trong tất cả các hoạt động có liên quan đến môi trường mạng (Network) tại đơn vị mình do một hoặc một nhóm cán bộ có đủ trình độ năng lực đảm nhiệm, có nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Chịu trách nhiệm thiết lập hệ thống thư mục và file trên máy chủ, khai báo và thiết lập hệ thống User, gán mật khẩu ban đầu và phân quyền thích hợp. Các công việc này phải thực hiện đúng quy định do quản trị mạng cấp 1 đề ra để đảm bảo tính thống nhất trên toàn hệ thống.
2. Chịu trách nhiệm giải quyết các sự cố về mạng, ứng dụng chạy trên mạng khi người dùng có yêu cầu. Quản trị mạng có thể tư vấn và giúp đỡ người dùng thực hiện các thao tác truy nhập mạng, thoát khỏi mạng, thay đổi mật khẩu... trong công việc hàng ngày. Biên soạn các tài liệu hướng dẫn sử dụng mạng an toàn phù hợp với điều kiện của địa phương
3. Trong trường hợp công việc do quản trị mạng cấp 1 trực tiếp quản lý, cán bộ được giao nhiệm vụ quản trị mạng cấp 2 phải có sự liên hệ thường xuyên với nhóm cán bộ chuyên trách quản trị mạng cấp 1, đặc biệt là khi xảy ra sự cố nghiêm trọng với máy chủ, đối với những thay đổi lớn về mặt tổ chức mạng và hệ thống trên máy chủ như thay đổi hệ thống người sử dụng, nhóm người sử dụng, cài đặt nâng cấp các ứng dụng quan trọng chạy trên mạng, cải đặt thêm các phần mềm mới lên máy chủ, thay đổi nâng cấp thiết bị mạng... không tự ý thực hiện nếu chưa có ý kiến của quản trị mạng cấp 1.
4. Có nhiệm vụ khởi động, tắt máy chủ và các ứng dụng chạy trên máy chủ do mình quản lý. Khi cần tắt máy chủ hoặc các ứng dụng mạng (vào cuối ngày làm việc hoặc khi thực hiện công việc bảo trì, sửa chữa), phải kiểm tra những kết nối hiện tại và gửi thông báo đến những người sử dụng đang truy cập mạng hoặc ứng dụng để họ kịp thời kết thúc công việc một cách an toàn, không làm hỏng, mất dữ liệu hay treo máy.
5. Chịu trách nhiệm tiến hành Backup dữ liệu theo lịch quy định, bảo quản dữ liệu sao lưu, quản lý các máy in mạng và hàng đợi in. Nếu đi công tác vắng, có thể ủy quyền cho một đồng nghiệp đủ năng lực thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cần thiết thuộc trách nhiệm của mình.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Quyết định này.
2. Quản trị mạng của BHXH Việt Nam do Tổng giám đốc quyết định; Quản trị mạng của BHXH các tỉnh, thành phố do Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố quyết định sau khi có ý kiến thỏa thuận của BHXH Việt Nam.
3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TỔNG GIÁM ĐỐC |
- 1Quyết định 742/QĐ-BHXH năm 2015 về Quy chế hoạt động kiểm toán nội bộ trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- 2Quyết định 09/QĐ-BHXH năm 2016 quy định về đánh giá và xếp loại thực hiện chi tiền thưởng, chi bổ sung thu nhập đối với công, viên chức hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- 3Công văn 1634/VPCP-KGVX năm 2017 thông tin báo nêu về chi phí hệ thống bảo hiểm xã hội và kéo dài tuổi hưu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Nghị định 100/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- 2Quyết định 3582/QĐ-BHXH năm 2006 ban hành Quy định về quản lý hoạt động Công nghệ thông tin trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 3Quyết định 742/QĐ-BHXH năm 2015 về Quy chế hoạt động kiểm toán nội bộ trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- 4Quyết định 09/QĐ-BHXH năm 2016 quy định về đánh giá và xếp loại thực hiện chi tiền thưởng, chi bổ sung thu nhập đối với công, viên chức hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- 5Công văn 1634/VPCP-KGVX năm 2017 thông tin báo nêu về chi phí hệ thống bảo hiểm xã hội và kéo dài tuổi hưu do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 1099/QĐ-BHXH năm 2007 về chế độ quản trị mạng trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Số hiệu: 1099/QĐ-BHXH
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/08/2007
- Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Người ký: Nguyễn Huy Ban
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 20/08/2007
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực