Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1095/QĐ-UBND | Lai Châu, ngày 30 tháng 08 năm 2016 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND ngày 28/7/2016 của HĐND tỉnh Lai Châu về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 720/TTr-SNN ngày 17/8/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu)
SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án
Trong những năm qua, nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lai Châu đã đạt được những kết quả quan trọng như: Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất; diện tích, năng suất, sản lượng của một số cây trồng chính không ngừng tăng qua các năm; an ninh lương thực được đảm bảo; bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Cao su, chè, lúa chất lượng và hình thành các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Phương thức chăn nuôi đã có những chuyển biến rõ nét. Công tác trồng rừng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng được quan tâm, tỷ lệ che phủ rừng ngày càng tăng. Hạ tầng phục vụ sản xuất được củng cố, nâng cao; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã dưới 5 tiêu chí; đời sống vật chất và tinh thần cư dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và không đồng đều giữa các vùng; tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ; thu nhập và đời sống của nông dân, những người làm nông nghiệp còn thấp; một số nơi, tổ chức tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới còn mang tính hình thức, thiếu chủ động, sáng tạo; một số tiêu chí đạt nhưng chưa bền vững,... Nguyên nhân là do nền sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ; các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc nên năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng hàng nông sản thấp và dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường; bên cạnh đó, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước ở một bộ phận nông dân.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo; bảo vệ rừng đầu nguồn sông Đà và bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn; đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2020 là: Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Lai Châu là rất cần thiết.
2. Những căn cứ xây dựng Đề án
Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 15/10/2008 của BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X); Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 10/4/2015 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 16/10/2015 của Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020;
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 về Ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 phê duyệt chương trình MTQG về XDNTM giai đoạn 2010 - 2020; số 240/QĐ-TTg ngày 28/01/2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lai Châu đến năm 2020; số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; số 588/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 về việc ban hành Tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;
Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 15/7/2016 của Tỉnh ủy Lai Châu về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND ngày 28/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ các quy hoạch ngành, lĩnh vực và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đề án phát triển nông thôn mới các xã.
3. Phạm vi Đề án: Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
4. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2016-2020.
TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH LAI CHÂU ĐẾN NĂM 2015
I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỈNH LAI CHÂU SAU HƠN 10 NĂM CHIA TÁCH TỈNH VÀ 02 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Từ một tỉnh đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm kinh tế thấp, kết cấu hạ tầng kém phát triển, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn; với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, sau 10 năm xây dựng phát triển, ngành nông nghiệp Lai Châu đã đạt được nhiều thành tích đáng kể:
- Cơ cấu kinh tế toàn ngành chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi-thủy sản, lâm nghiệp; phương thức sản xuất theo hướng thâm canh, hàng hóa tập trung ngày càng phát triển.
- Sản xuất lương thực có bước chuyển biến tích cực, nhiều giống lúa, ngô có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất; nhiều diện tích trước đây chỉ sản xuất 01 vụ hoặc để hoang hóa, nay đã được người dân đưa vào thâm canh tăng vụ. Đã phát triển trên 820 ha lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng tập trung, sử dụng 1-2 giống lúa thuần chất lượng cao; đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, tăng nhanh sản lượng lương thực, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2015 đạt 198.700 tấn tăng 88.700 tấn so với năm 2004; an ninh lương thực được đảm bảo và có một phần sản lượng hàng hóa chất lượng cao bán ra ngoài tỉnh.
- Cây cao su được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai với các nội dung: Tập trung hỗ trợ chuyển đổi đất, công lao động và hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Đến nay, toàn tỉnh đã có 03 công ty cao su trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư phát triển trên địa bàn với diện tích trên 13.000 ha, là tỉnh có diện tích cao su lớn nhất vùng miền núi phía Bắc.
- Tổ chức lại sản xuất ngành chè theo hướng gắn nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp đồng, hợp tác kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm nên đã hạn chế được tình trạng tranh mua, tranh bán. Củng cố và phát triển vùng nguyên liệu chè tập trung gắn với công nghiệp chế biến. Hiện nay, các công ty, doanh nghiệp, HTX chế biến chè được phân vùng nguyên liệu và tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi với bà con nông dân được trên 2.400 ha. Chè đã trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng đa dạng và phong phú, nhiều sản phẩm chè của tỉnh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có trên 3.500 ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt trên 23.000 tấn.
- Bước đầu thử nghiệm và triển khai có hiệu quả một số mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tạo tiền đề để đánh giá và nhân rộng trong giai đoạn tới như: Trồng 170 ha cây mắc ca tại khu vực huyện Tam Đường, Phát triển vùng quê tập trung với quy mô 3.000 ha tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên và Sìn Hồ (đến hết năm 2015, đã trồng được gần 550ha). Phát triển các vùng trồng cây ăn quả tập trung: Vùng cây ăn quả ôn đới tại các xã Giang Ma, Hồ Thầu (Tam Đường), vùng cam tập trung tại các xã Ban Giang - Bản Hon (Tam Đường) và Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ; vùng bơ tại các huyện Tân Uyên, Tam Đường, thành phố Lai Châu; vùng cây ăn quả nhiệt đới (xoài, dừa, vải, nhãn...) tại huyện Nậm Nhùn. Phát triển cây sơn tra thông qua việc lồng ghép bố trí trong cơ cấu giống của các dự án trồng rừng, hiện nay, tổng diện tích cây sơn tra của tỉnh trên 1.000 ha(1).
- Phát triển chăn nuôi đã được quan tâm chỉ đạo theo hướng bền vững: Công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được chủ động thực hiện, nhận thức của người chăn nuôi từng bước được nâng lên, người dân đã quan tâm làm chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn nên đã hạn chế tình trạng gia súc chết rét trong mùa Đông, đặc biệt là ở các xã vùng cao. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân đạt trên 4%/năm; một số giống vật nuôi như lợn lai hướng nạc, lợn ngoại có năng suất, tỷ lệ nạc cao đã được đưa vào nuôi tại các khu vực có điều kiện thuận lợi ở huyện Tam Đường, Than Uyên và Thành phố. Đặc biệt, đã có doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn thịt theo hướng công nghiệp, với quy mô lớn trên 2.000 con lợn/lứa và nhiều hộ gia đình phát triển chăn nuôi lợn quy mô trên 100 con lợn/năm góp phần quan trọng cung cấp sản phẩm thịt trên địa bàn tỉnh.
- Phát triển nuôi cá nước lạnh tập trung, hiện nay toàn tỉnh có 07 cơ sở nuôi cá nước lạnh với thể tích nuôi gần 30.000 m3. Đã làm chủ được quy trình kỹ thuật nuôi cá tầm đẻ trứng để sản xuất cá giống phục vụ yêu cầu phát triển nuôi cá nước lạnh và nuôi cá lồng trên các hồ thủy điện. Đến nay đã phát triển gần 10.000 m3 thể tích cá lồng với một số loài cá đặc sản như cá tầm, cá lăng, cá chiên. Đây là hướng đi mới, có triển vọng phát triển thành nghề sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao để khai thác có hiệu quả tiềm năng về mặt nước, khí hậu của tỉnh. Năm 2015, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 2.147 tấn.
- Thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ phát triển rừng giảm qua các năm. Công tác khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, trồng rừng với các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao (cây gỗ lớn, lát hoa, giổi, sấu), cây lâm sản ngoài gỗ (sơn tra, mắc ca, quế) được quan tâm chỉ đạo. Thực hiện tốt chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đem lại thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân, từ đó, người dân tập trung phát triển sản xuất, giảm tác động xấu đến tài nguyên rừng và góp phần tăng thêm diện tích rừng hàng năm. Năm 2015, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 46,4%, tăng 11% so năm 2004; tổng diện tích rừng hiện có 416.100 ha(2) (chưa tính diện tích cao su đã thành rừng là 9.049 ha), tăng 93.546 ha so năm 2004; số hộ được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là 68.625 hộ, bình quân thu nhập 2,12 triệu đồng/hộ/năm.
- Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư và cải tạo nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất, đặc biệt là hệ thống thủy lợi và giao thông phục vụ sản xuất. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 877 công trình thủy lợi phục vụ tưới cho 16.248 ha lúa vụ mùa, 6.205 ha lúa vụ Đông xuân, 1.160 ha cây màu, trên 226 ha thủy sản, đáp ứng trên 80% diện tích gieo cây; và có 803 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 75%.
(Chi tiết tại Phụ lục số 01)
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2011-2015
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động, triển khai chương trình: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; các huyện, thành phố, các xã đã ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo các cấp được thành lập, ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên.
Tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến huyện, thành phố, 100% các xã triển khai nội dung chương trình NTM gắn với cuộc vận động, lễ phát động thi đua. Tổ chức tuyên truyền trên 700 buổi với trên 128.768 lượt người tham gia.
2. Tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ thực hiện chương trình: Tổ chức 59 hội nghị tập huấn với trên 5.400 lượt người tham gia về: Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về XDNTM; hướng dẫn triển khai xây dựng quy hoạch nông thôn mới, tổ chức đánh giá 19 tiêu chí NTM, công tác tuyên truyền vận động trong xây dựng NTM...
3. Công tác huy động nguồn lực: Tổng nguồn vốn đầu tư cho nông thôn mới giai đoạn 2011-2015: 6.219 tỷ đồng, trong đó: vốn trực tiếp Chương trình: 289 tỷ đồng, chiếm 4,6%; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác: 5.328 tỷ đồng, chiếm 85,3%; vốn tín dụng: 465 tỷ đồng, chiếm 7,9%; vốn huy động từ các doanh nghiệp: 34 tỷ đồng, chiếm 0,5%; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư: 105 tỷ đồng, chiếm 1,7%.
4. Công tác lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới: Hoàn thành công tác lập quy hoạch chung và xây dựng đề án xây dựng NTM ở 100% số xã theo hướng dẫn của Trung ương, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố; triển khai thí điểm quy hoạch chi tiết, quy hoạch khu sản xuất tập trung ở một số xã trên cơ sở đó đánh giá hiệu quả và triển khai ở các xã còn lại trên địa bàn tỉnh.
5. Phát triển hạ tầng nông thôn: 96/96 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 93/96 xã có đường ô tô đến trung tâm đi được 4 mùa (còn 03 xã với 50km chưa được cứng hóa); 931 thôn bản có đường xe máy đi lại thuận tiện (còn 609 km chưa được cứng hóa); cứng hóa 865 km đường giao thông dân sinh, 76 km đường nội đồng; 348 km kênh mương thủy lợi được cứng hóa; đầu tư xây dựng mới và sửa chữa 801 công trình nước sinh hoạt tập trung; 96/96 xã có điện lưới quốc gia; 89/96 xã có điểm bưu điện văn hóa, tỷ lệ xã có điện thoại công cộng là 97%, 610 trạm BTS phủ sóng di động gần hết các xã vùng sâu, vùng biên giới. Tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 84,7%; số xã đạt tiêu chí chợ theo quy định là 89 xã.
6. Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân: An ninh lương thực được đảm bảo, củng cố và phát triển vùng nguyên liệu chè tập trung gắn với công nghiệp chế biến; phát triển vùng sản xuất tập trung trồng cây ăn quả, cây quế; phương thức chăn nuôi đã có những bước chuyển biến rõ nét, phát triển nuôi cá nước lạnh tập trung, nuôi cá lồng trên các hồ thủy điện mang lại hiệu quả kinh tế cao; thực hiện tốt công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, phát triển rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 khu vực nông thôn đạt 9,2 triệu đồng/người/năm.
7. Về giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường: Đã hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non, Trung học cơ sở, giáo dục Tiểu học đạt trên 99%; tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật đạt 40,11%. Hệ thống y tế phát triển khá đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở, với 8 bác sỹ/vạn dân, trên 50% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc, trên 50% số xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế, 100% trạm y tế có y sỹ đa khoa. Tỷ lệ thôn, bản đạt chuẩn văn hóa đạt 60%, gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt 80%. Cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa đạt 90%; trên 75% cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 32% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh.
8. Hệ thống chính trị: Toàn tỉnh có 2.203 cán bộ, công chức cấp xã, trong đó: Trình độ chuyên môn Trung cấp trở lên: 1.581/2.203 đạt 71%; trình độ văn hóa: Trung học phổ thông: 1.097/2.203 đạt 49,8%; trình độ lý luận chính trị từ Trung cấp trở lên 895/2.203 đạt 40,6%. 96/96 xã, có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định; có 92/96 xã Đảng bộ xã đạt tiêu chuẩn "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên theo quy định; có 94/96 Chính quyền xã đạt danh hiệu "Tập thể Lao động tiên tiến" trở lên;
An ninh trật tự xã hội được giữ vững, không có tổ chức, cá nhân hoạt động chống Đảng, chính quyền, phá hoại kinh tế; khiếu kiện đông người kéo dài, các thôn, bản ổn định; không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội và không phát sinh thêm người mắc tệ nạn xã hội trên địa bàn.
9. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới: Chương trình Nông thôn mới được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tích cực hưởng ứng tham gia; đến nay công tác lập, phê duyệt quy hoạch, đề án đã được thực hiện tại 96/96 xã. Bình quân tiêu chí chung toàn tỉnh đến hết năm 2015 đạt 11,08 tiêu chí/xã. Có 15 xã đạt chuẩn, 5 xã đạt 15-18 tiêu chí, 33 xã đạt 10-14 tiêu chí, 43 xã đạt 5-9 tiêu chí và không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đời sống nông dân và bộ mặt kinh tế nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là nông thôn vùng chè, vùng cao su, vùng có nhiều rừng tự nhiên và các vùng tập trung thâm canh, tăng vụ lúa, ngô.
(Chi tiết tại Phụ lục số 02, 03, 04)
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Những kết quả đạt được
- Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và chú trọng vào những sản phẩm có lợi thế để nâng cao giá trị gia tăng; cơ cấu cây trồng vật nuôi được chuyển đổi theo hướng tăng dần giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Sản phẩm nông nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích ngày càng tăng; phòng ngừa có hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; hình thành rõ nét một số vùng sản xuất tập trung. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt 5%/năm. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 9,22 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn 22,95% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015).
- Chương trình xây dựng nông thôn mới có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của Nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, được thể hiện thông qua việc hiến đất, góp công, góp tiền của Nhân dân. Hệ thống quản lý thực hiện Chương trình các cấp được thành lập, củng cố và kiện toàn; cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi...
- Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, nhất là giao thông, thủy lợi, nước sạch, mạng lưới điện và hệ thống thông tin. Các hoạt động dịch vụ ở nông thôn từng bước phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân. Một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến đã và đang hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho người dân.
2. Những hạn chế, yếu kém
- Một số nơi cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nơi chưa thực sự quyết liệt, bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp hoạt động đa số là kiêm nhiệm; năng lực quản lý điều hành của một số cán bộ trong triển khai thực hiện Chương trình chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Kinh tế nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; mô hình tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu theo chiều rộng, thông qua tăng vụ, tăng diện tích. Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh còn chậm, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng và hiệu quả còn thấp. Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới và thiếu bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thiếu đồng bộ; ý thức bảo vệ, quản lý khai thác các công trình sau đầu tư trên địa bàn nông thôn chưa cao. Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi còn nghèo nàn, chưa chủ động được giống cây trồng, vật nuôi đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh phục vụ cho sản xuất.
- Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, số lượng các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn ít, hiệu quả hoạt động của các HTX còn thấp; việc thực hiện liên doanh, liên kết 4 nhà còn hạn chế, chưa hình thành được nhiều sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có giá trị và thương hiệu trên thị trường, khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông sản còn thấp.
- Nông thôn còn tiềm ẩn một số yếu tố phức tạp; chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Thiết chế văn hóa cơ sở còn thiếu; vệ sinh môi trường nông thôn chưa được chú trọng, tình trạng chăn nuôi không có chuồng trại và không có hố ủ phân còn phổ biến, hộ gia đình không có nhà vệ sinh, rác thải chưa được xử lý làm môi trường sống bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cư dân nông thôn.
- Nguồn vốn đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu, việc tham gia đóng góp từ doanh nghiệp và Nhân dân còn rất hạn chế. Việc lồng ghép các chương trình, dự án trong xây dựng NTM chưa thực sự phát huy hiệu quả.
- Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa thường xuyên.
3. Nguyên nhân hạn chế, yếu kém
- Nông nghiệp, nông thôn Lai Châu xuất phát điểm thấp so với mặt bằng chung của cả nước, trình độ phát triển giữa các dân tộc không đồng đều; xa các trung tâm kinh tế lớn, địa hình chia cắt, trong khi cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là mạng lưới giao thông còn khó khăn là nguyên nhân làm tăng suất đầu tư, tăng giá thành sản phẩm, hạn chế trong thu hút đầu tư từ bên ngoài vào nông nghiệp, nông thôn. Dân cư thưa thớt, rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, do đó huy động vốn từ Nhân dân khó khăn.
- Việc vận dụng, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước vào thực tế ở một số địa phương còn chậm. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc chưa chặt chẽ; một bộ phận Nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước; một số cán bộ quản lý năng lực còn yếu và chưa thực sự quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể trong việc triển khai thực hiện có lúc, có nơi còn thiếu chủ động.
- Thiên tai, dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân; phong tục, tập quán canh tác lạc hậu tồn tại lâu đời, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình có hiệu quả vào sản xuất còn hạn chế; một số sản phẩm có lợi thế của tỉnh như: Lúa đặc sản địa phương, cá nước lạnh, cây dược liệu... chưa được quan tâm đúng mức nên đầu ra của sản phẩm chưa ổn định, giá trị thu được thấp.
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Các yếu tố trong nước
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và tiếp tục dành sự quan tâm cao để đầu tư, phát triển vùng miền núi, biên giới; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với các khó khăn, thách thức như: Ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp...; các nguồn lực cho đầu tư phát triển ngày càng hạn chế và sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các lĩnh vực khác như: Quỹ đất sản xuất nông nghiệp sẽ giảm; lao động có xu hướng chuyển dịch sang công nghiệp và dịch vụ...
2. Các yếu tố trong tỉnh
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo ngành nông nghiệp khai thác có hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế sẵn có. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được quan tâm, chú trọng; kịp thời tháo gỡ khó khăn, thách thức trong sản xuất, tạo đà cho tăng trưởng ngành nông nghiệp trong những năm tiếp theo; tình hình an ninh chính trị tiếp tục được đảm bảo, hệ thống chính trị ngày càng hoàn thiện, trình độ dân trí ngày càng nâng cao, khả năng tiếp cận thông tin được mở rộng; Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu “Phát triển nhanh và bền vững, đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc”.
Tuy nhiên, cùng với những thách thức chung của cả nước, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, suy thoái kinh tế; các lực lượng thù địch vẫn âm mưu thực hiện “Diễn biến hòa bình” trên địa bàn và tuyên truyền thực hiện nhà nước Mông, đặc biệt tại xã vùng khó khăn, trình độ dân trí thấp. Xã hội nông thôn ngày càng hội nhập sẽ phát sinh nhiều loại hình tội phạm, hình thức phạm tội và các tệ nạn xã hội mới... Do đó, đòi hỏi vừa có những ứng phó trước mắt kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; âm mưu phá hoại của lực lượng thù địch; đồng thời phải có những kế hoạch phát triển bền vững.
3. Tiềm năng, lợi thế và vai trò của nông nghiệp, nông thôn trong việc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
3.1. Về vị trí địa lý, đất đai và mặt nước
Lai Châu nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa và Điện Biên Phủ, có các quốc lộ 4D, QL32, QL12 và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nối Lai Châu với Hà Nội - Điện Biên - Lào Cai và Vân Nam - Trung Quốc là những điều kiện thuận lợi để Lai Châu khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế.
Toàn tỉnh hiện có 521.934,8 ha đất nông nghiệp, nhưng chủ yếu sản xuất một vụ, năng suất thấp, tiềm năng tăng vụ và tăng năng suất còn rất lớn, đặc biệt phát triển cây ngô trên chân ruộng lúa 01 vụ, tăng vụ lúa Đông Xuân...; diện tích đất trống, đồi núi trọc có thể khai thác để phát triển sản xuất nông nghiệp còn rất lớn, đây là tiềm năng để phát triển chè, cao su, quế, sơn tra, cây ăn quả, trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên...
Diện tích mặt nước của các hồ thủy điện trên 16.640 ha, có chất lượng nguồn nước tốt, thích hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung trên lòng hồ, theo phương thức nuôi lồng bè. Có nhiều dòng thác đổ từ các dãy núi đá cao xuống các thung lũng hẹp tạo thành dòng thác đẹp, có nguồn nước lạnh quanh năm, thích hợp cho nuôi cá nước lạnh (cá Tầm, cá Hồi) có giá trị kinh tế cao; kết hợp với các hồ lớn tại các công trình thủy điện có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp là điều kiện để khai thác, phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái, văn hóa.
3.2. Về khí hậu và nguồn tài nguyên, lao động
Tỉnh Lai Châu có khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, với nhiều tiểu vùng khí hậu, thích hợp sinh trưởng, phát triển và đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi với nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao như: Gạo (Séng cù, Tẻ râu), cây ăn quả ôn đới, cao su, chè, quế, sơn tra, miến dong, cây dược liệu (thảo quả, đỗ trọng, tam thất), hoa, cá nước lạnh... Với diện tích rừng lớn 416.100 ha, trong đó có 27.820 ha rừng đặc dụng rất đa dạng, phong phú về thành phần loài cây, với nhiều loài cây quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; đồng thời có thể kết hợp phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng cây dược liệu dưới tán rừng,...
Với lực lượng lao động phổ thông tại nông thôn lớn (trên 80% dân số) là nguồn lao động dồi dào cung cấp cho các ngành kinh tế khác đáp ứng nhu cầu về lao động cho các doanh nghiệp khi đầu tư tại tỉnh.
3.3. Vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lai Châu
Ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp đảm bảo an ninh lương thực, giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Với diện tích rừng lớn và ngày càng tăng, góp phần bảo vệ môi trường, chống sạt lở, xói mòn, rửa trôi, bảo vệ hệ sinh thái rừng đầu nguồn sông Đà, đồng thời cung cấp nguồn nước ổn định cho các công trình thủy điện lớn như Thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình. Sản xuất nông nghiệp cung cấp nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến; đồng thời là thị trường tiêu thụ lớn có tác động trực tiếp đến sản xuất ở các khu vực phi nông nghiệp.
1. Quan điểm
(1) Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới phải phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời phù hợp với phong tục tập quán của mỗi địa phương và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.
(2) Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải dựa trên cơ chế thị trường, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực theo hướng khai thác tốt các tiềm năng của từng địa phương, lợi thế của từng sản phẩm trên cơ sở phát huy cao nội lực, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trước hết là lao động, đất đai, mặt nước, rừng;
(3) Nhà nước tạo cơ chế chính sách, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, khoa học - công nghệ, thị trường, cung cấp thông tin, dịch vụ công, tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển bền vững.
(4) Phát triển nông nghiệp phải gắn liền với xây dựng nông thôn mới, gắn với xây dựng các cơ sở chế biến, dịch vụ và sắp xếp ổn định dân cư và giải quyết các vấn đề xã hội ở nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển.
(5) Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là quá trình khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi vừa phải kiên trì, vừa phải có bước đột phá và phải có sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Là cuộc vận động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, là giải pháp quan trọng đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc.
2. Mục tiêu đến năm 2020
2.1. Mục tiêu chung
Khai thác có hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thể để phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; từng bước chuyển nền sản xuất nông nghiệp từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ sản xuất nhỏ lẻ sang thâm canh, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; nâng cao giá trị sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại; gắn xây dựng nông thôn mới với quy hoạch nông nghiệp, đô thị; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Xây dựng nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Phấn đấu Nông nghiệp Lai Châu phát triển, nông thôn tiến bộ, nông dân cơ bản thoát nghèo.
2.2. Mục tiêu cụ thể
(1) Duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm nghiệp, thủy sản đạt 5-6%/năm.
(2) Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa với các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh; đảm bảo an ninh lương thực với tổng sản lượng lương thực 225.000 tấn; duy trì diện tích cây cao su hiện có; phấn đấu phát triển 6.000 ha chè (trong đó trồng mới 2.000 ha), 10.000 ha cây quế; trên 3.000 ha cây sơn tra, 500 ha cây ăn quả ôn đới.
(3) Tập trung nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản trong cơ cấu ngành nông nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc từ 5-6%/năm, tổng đàn gia súc đạt 410.000 con. Duy trì và phát triển vùng nuôi cá nước lạnh tập trung với thể tích nuôi 30.000m3, sản lượng 450 tấn; phát triển nuôi cá lồng trên các hồ thủy điện với tổng thể tích 30.000m3, sản lượng 600 tấn/năm.
(4) Gắn bảo vệ, phát triển rừng với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng mới trên 6.855 ha rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên trên 50%.
(5) Duy trì và triển khai đồng bộ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 96 xã. Phấn đấu đến năm 2020 có 35 - 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới (bao gồm cả 15 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015), thành phố Lai Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bình quân đạt 15,5 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 23 triệu đồng/người/năm (tăng 2,5 lần so với năm 2015).
III. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020
1. Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh
1.1. Trồng trọt
- Đẩy mạnh thực hiện hợp đồng, hợp tác kinh doanh giữa nông dân, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, đưa tổng sản lượng lương thực đạt 225.000 tấn, trong đó có 11.750 tấn lúa chất lượng cao(3).
- Tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích chè, quy mô trên 6.000 ha, trong đó trồng mới 2.000 ha, diện tích chè kinh doanh đưa vào khai thác 4.000 ha; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngành chè, đưa sản lượng chè búp tươi đạt trên 38.350 tấn.
- Phát triển các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa với một số loại cây trồng có lợi thế của tỉnh như:
+ Cây ăn quả ôn đới (đào, mận, lê, hồng, táo tây), quy mô 500 ha trên địa bàn các xã: Hồ Thầu, Giang Ma, Nùng Nàng của huyện Tam Đường; Sin Súi Hồ, Lản Nhì Thàng của huyện Phong Thổ.
+ Cây quế, quy mô 10.000 ha ở ven sông Nậm Mu, sông Đà, sông Nậm Na tại huyện Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn.
+ Cây sơn tra quy mô trên 3.000 ha ở những vùng có độ cao từ 1.000 m trở lên trên địa bàn các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ.
- Chăm sóc và bảo vệ trên 13.000 ha cao su, đến năm 2020 có 10.000 ha đưa vào khai thác, sản lượng mủ khô đạt 10.000 tấn.
1.2. Chăn nuôi: Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh; phát triển chăn nuôi có kiểm soát; chuyển từ mục tiêu chăn nuôi lấy sức kéo, tăng số lượng đàn sang sản xuất thực phẩm hàng hóa, có chất lượng; duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc từ 5-6%/năm, tổng đàn gia súc đạt 410.000 con. Tập trung phát triển chăn nuôi trâu ở các vùng có diện tích rừng tự nhiên lớn, phát triển đàn bò ở vùng núi thấp; chăn nuôi gia súc nhỏ, gia cầm theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Khuyến khích phát triển các vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
1.3. Thủy sản: Phát triển và tổ chức khai thác tốt diện tích nuôi cá truyền thống 1.000 ha; khai thác tiềm năng diện tích mặt nước trên các hồ thủy điện để phát triển nuôi cá lồng với các giống cá có giá trị kinh tế cao như: Cá tầm, cá lăng, cá chiên. Duy trì và phát triển vùng nuôi cá nước lạnh tập trung, thể tích nuôi 30.000m3, sản lượng 450 tấn; phát triển nuôi cá lồng trên các hồ thủy điện, thể tích 30.000m3, sản lượng 600 tấn. Khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản trên các hồ thủy điện. Phấn đấu, sản lượng thủy sản đạt trên 4.900 tấn.
1.4. Lâm nghiệp: Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; bảo vệ diện tích rừng hiện có 416.100 ha, thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và khoanh nuôi có trồng bổ sung. Quan tâm chỉ đạo công tác trồng rừng, phấn đấu trồng mới trên 6.855 ha rừng với các loại cây gỗ lớn, cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách chi trả DVMTR gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 50%, thu từ nguồn DVMTR trên 270 tỷ đồng/năm.
1.5. Xây dựng các dự án nông nghiệp trọng điểm để phát triển các sản phẩm nông sản có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa của tỉnh.
(Chi tiết tại Phụ lục số 05, 06)
2. Phát triển ngành nghề nông thôn, kinh tế tập thể, kinh tế trang trại; ưu đãi và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Gắn phát triển kinh tế trang trại, gia trại với xây dựng nông thôn mới. Đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ. Tăng cường phát triển thị trường, nguồn nhân lực, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề truyền thống. Tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, hộ gia đình vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất (đổi mới dây chuyền, đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất,...). Nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các thành phần kinh tế thông qua việc tiếp cận các thông tin về chính sách, tín dụng, thị trường, đất đai, kỹ thuật. Tổ chức lại sản xuất theo hướng chuỗi giá trị từ khâu đầu vào đến thị trường tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nông thôn để mỗi sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực cần có một hoặc một số doanh nghiệp, HTX đầu tư tổ chức phát triển sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị.
3. Phát triển dịch vụ nông nghiệp
3.1. Dịch vụ giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản chủ yếu
3.1.1. Giống cây trồng: Phát triển giống cây trồng theo hướng xã hội hóa và theo cơ chế thị trường nhằm tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng, giảm giá thành. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh. Tập trung sản xuất các giống lúa thuần chất lượng, giống lúa đặc sản địa phương; hình thành các vườn cây đầu dòng, vườn giống gốc cây công nghiệp, cây ăn quả, các vườn ươm đảm bảo phục vụ 50% nhu cầu giống trồng mới cho tỉnh.
3.1.2. Giống vật nuôi: Xây dựng vùng sản xuất giống vật nuôi có uy tín, chất lượng, đáp ứng nhu cầu giống vật nuôi cho Nhân dân trong tỉnh; phát triển dịch vụ chăn nuôi, thú y theo hướng xã hội hóa. Phát triển một số giống gia súc, gia cầm địa phương có lợi thế; xây dựng vùng chăn nuôi lợn nái trong Nhân dân, cơ sở chăn nuôi giống gia cầm với các giống có năng suất, chất lượng cao để sản xuất con giống nuôi thương phẩm lấy thịt, trứng.
3.1.3. Giống thủy sản: Phát triển sản xuất các loại cá giống, đáp ứng 50% nhu cầu nuôi đối với giống cá truyền thống và 100% giống cá nước lạnh.
3.1.4. Giống cây lâm nghiệp: Chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng, thích nghi với điều kiện khí hậu, thời tiết của tỉnh như: Lát hoa, giổi xanh, sơn tra, quế, mắc ca, vối thuốc, tống quá sủ... Cải tạo rừng giống chuyển hóa, lâm phần tuyển chọn, lựa chọn cây trội..., nhằm đảm bảo cung cấp đủ giống có chất lượng tốt phục vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh và cung ứng ra ngoài tỉnh. Xây dựng một số vườn ươm giống cây mắc ca tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ, các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ. Sử dụng vườn ươm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện để gieo ươm sản xuất giống.
3.2. Phát triển dịch vụ vật tư, kỹ thuật nông nghiệp
3.2.1. Dịch vụ vật tư kỹ thuật, phân bón, thuốc thú y, thuốc BVTV: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh dịch vụ nông nghiệp phục vụ sản xuất, chú trọng phát triển mở rộng đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa; phát triển các HTX dịch vụ vật tư, kỹ thuật nông nghiệp. Phấn đấu mỗi vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm: Lúa, chè, cây ăn quả thành lập một HTX dịch vụ vật tư, kỹ thuật nông nghiệp.
3.2.2. Dịch vụ khuyến nông: Phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chuyển giao các tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp cho các doanh nghiệp, HTX và người dân. Cung ứng cây, con giống đảm bảo chất lượng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, gắn kết người nông dân với thị trường, thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung.
IV. NHIỆM VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI ĐẾN NĂM 2020
1. Duy trì và nâng cao tiêu chí cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Hoàn thiện các công trình hạ tầng thiết yếu, thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường và đời sống văn hóa nông thôn; nâng cao chất lượng hệ thống chính trị và giữ vững an ninh trật tự xã hội.
2. Các nhiệm vụ ưu tiên cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới
- Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, hoàn thành 6 loại công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã dự kiến hoàn thành 19 tiêu chí.
- Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển sản xuất theo hướng tập trung hàng hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, duy trì và phát triển một số nghề truyền thống.
- Bảo vệ môi trường nông thôn: Giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường nông thôn trong quá trình phát triển sản xuất và công nghiệp hóa, xây dựng cảnh quang môi trường xanh - sạch - đẹp. Xây dựng các mô hình thí điểm về xử lý chất thải, nước thải, rác thải phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng.
- Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn: Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, phát triển các hoạt động văn hóa thể thao thiết thực cho người dân ở nông thôn. Xây dựng hương ước nêu cao tính tự giác, đoàn kết của cộng đồng, nhân rộng các mô hình lành mạnh hóa việc cưới, việc tang, chống hủ tục lạc hậu.
- Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn: Nâng cao hiệu lực quản lý, giám sát của chính quyền cơ sở, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; giải quyết các vấn đề nảy sinh trong nội bộ Nhân dân ở nông thôn; các thôn, bản xây dựng các nội quy, hương ước thôn bản về trật tự an ninh, phòng chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu...
- Nâng cao hiệu quả truyền thông, đào tạo đội ngũ cán bộ và tăng cường năng lực đánh giá, giám sát thực hiện chương trình.
3. Các nhiệm vụ chung cho 96 xã xây dựng nông thôn mới
- Hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
- Hoàn thiện hệ thống trường học trên địa bàn các xã đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn quốc gia; thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
- Thường xuyên đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sỹ tuyến cơ sở; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cư dân nông thôn; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trạm y tế tuyến xã.
- Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức đào tạo cán bộ đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ.
(Chi tiết tại Phụ lục số 07)
1. Đối với phát triển nông nghiệp
Tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020: 1.925.008 triệu đồng, trong đó:
+ Nguồn ngân sách Trung ương: 420.250 triệu đồng;
+ Nguồn vốn Ngân sách địa phương: 349.583 triệu đồng.
+ Nguồn vốn Quỹ dịch vụ môi trường rừng: 1.155.175 triệu đồng.
(Chi tiết tại Phụ lục số 06)
2. Đối với xây dựng nông thôn mới
Tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư vào nông thôn: 9.030.949 triệu đồng, gồm:
- Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 180.900 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương (nguồn tăng thu NS tỉnh): 46.000 triệu đồng.
- Vốn lồng ghép: 8.208.067 triệu đồng, trong đó:
+ Vốn đầu tư trong cân đối theo tiêu chí, định mức tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ: 3.045.101 triệu đồng
+ Đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất: 112.500 triệu đồng
+ Đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết: 114.000 triệu đồng
+ Chương trình MTQG giảm nghèo: 1.337.341 triệu đồng
+ Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các vùng: 3.173.425 triệu đồng
+ Chương trình mục tiêu hỗ trợ cho vốn đối ứng ODA cho các địa phương: 98.100 triệu đồng
+ Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư: 63.000 triệu đồng
+ Chương trình mục tiêu phát triển y tế địa phương: 63.000 triệu đồng
+ Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch: 60.300 triệu đồng
+ Chương trình mục tiêu Quốc phòng an ninh trên địa bàn trọng điểm: 141.300 triệu đồng.
- Nguồn vốn cộng đồng dân cư: 595.982 triệu đồng.
(Chi tiết tại Phụ lục số 08)
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, học tập, quán triệt Nghị quyết, biến chủ trương và chính sách thành nhu cầu phát triển của người dân; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện
Tổ chức quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tầm quan trọng và nội dung của phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đến các cấp, ngành, địa phương và toàn thể Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cán bộ quản lý nhà nước các cấp, doanh nghiệp và người dân. Trong đó tập trung tuyên truyền các nội dung về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực có lợi thế của tỉnh, của địa phương; thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu. Tuyên truyền sâu rộng cho nông dân thấy được họ chính là chủ thể trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp. Tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới phương pháp công tác kiểm tra, giám sát từ tỉnh đến cơ sở tình hình thực hiện, chú trọng sự tham gia giám sát của cộng đồng. Thường xuyên đánh giá, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn; động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện.
2. Xây dựng các đề án và quy hoạch đảm bảo tính khoa học và sát với thực tiễn
Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra đánh giá các quy hoạch đã được phê duyệt; rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch nông, lâm nghiệp, thủy sản, các quy hoạch xây dựng nông thôn mới hiện có cho phù hợp với thực tế của mỗi địa phương và thống nhất với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng các quy hoạch còn thiếu trên cơ sở nhu cầu thị trường và phát huy các sản phẩm lợi thế của địa phương. Trong thời gian tới tập trung nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp với du lịch sinh thái - văn hóa.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và các đề án, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt. Xây dựng các đề án, dự án mới như: Phát triển cây quế, cây sơn tra, cây ăn quả ôn đới để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
3. Giải pháp về đất đai
Thực hiện tốt các chính sách về đất đai, tổ chức giao và cho thuê đất đối với những diện tích đất hiện do nhà nước quản lý; thực hiện việc chuyển đổi các diện đất hoang hóa, đất đang canh tác kém hiệu quả sang canh tác các cây trồng có giá trị kinh tế, hiệu quả cao hơn.
Khuyến khích nông dân góp giá trị quyền sử dụng đất để hợp tác đầu tư cùng doanh nghiệp. Khuyến khích việc chuyển nhượng, tích tụ ruộng đất gắn với việc thực hiện các dự án đầu tư. Cải tạo và nâng cao hệ số sử dụng đất; thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương.
4. Giải pháp về khoa học kỹ thuật
Tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ; đưa các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với từng vùng sinh thái. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ nhu cầu sản xuất trong tỉnh; chú trọng sản xuất các giống lúa thuần chất lượng, lúa đặc sản địa phương. Áp dụng các quy trình tiên tiến vào sản xuất, sản xuất theo hướng đảm bảo ATVSTP, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đưa cơ giới hóa vào các khâu trong quá trình sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản. Gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm có lợi thế của tỉnh.
5. Giải pháp về tổ chức sản xuất
Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, theo nhu cầu của thị trường, xác định những địa bàn thuận lợi để xây dựng vùng chuyên canh có quy mô sản xuất hàng hóa lớn để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cơ giới hóa.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, hộ gia đình vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất (đổi mới dây chuyền, đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất). Nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các thành phần kinh tế thông qua việc tiếp cận các thông tin về chính sách, tín dụng, thị trường, đất đai, kỹ thuật.
6. Giải pháp về thị trường
Thị trường đầu vào (giống, vật tư, thức ăn, máy móc, dịch vụ KHKT): Phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi theo hướng xã hội hóa và tuân theo cơ chế thị trường. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất; có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến thức ăn nhằm khai thác các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có trên địa bàn; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan nghiên cứu, các đơn vị dịch vụ tham gia chuyển giao KHKT nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm: Tăng cường xây dựng hệ thống cung cấp thông tin, dự báo thị trường và thông tin quảng bá các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của Tỉnh; tham gia các hoạt động XTTM để thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Tạo cơ chế thuận lợi để tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh với người dân để tạo ra chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tốt chương trình liên kết 4 nhà.
7. Giải pháp về cơ chế chính sách
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách của Nhà nước đã ban hành để hỗ trợ phát triển sản xuất như: Chương trình 30a, 135, chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo cánh đồng lớn; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ tín dụng, đào tạo nghề, khuyến nông - khuyến lâm.
Rà soát, điều chỉnh các chính sách kịp thời phù với đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống, phù hợp với khả năng của ngân sách và các nguồn lực có thể huy động. Xây dựng chính sách thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh như: Chè, quế, sơn tra, cây ăn quả ôn đới; chính sách khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ để hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về chi trả DVMTR gắn với bảo vệ phát triển rừng và chương trình xây dựng nông thôn mới; cơ chế chính sách đặc thù để ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; rà soát sửa đổi, bổ sung các chính sách về huy động nguồn lực để thực hiện chương trình, trong đó ưu tiên xã còn nhiều khó khăn; tăng cường phân cấp cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực hiện.
8. Kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo và bộ máy giúp việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp
Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý hoạt động của các Ban Chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, hoàn thiện bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo.
9. Giải pháp về vốn
Huy động và tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, tạo khâu đột phá để phát triển. Thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nguồn vốn từ Quỹ dịch vụ môi trường rừng và các nguồn vốn hợp pháp khác; cân đối đủ nguồn lực đảm bảo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Ngoài nguồn vốn ngân sách từ các Chương trình mục tiêu của Trung ương bố trí hàng năm, ngân sách địa phương ưu tiên bố trí cho nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Tranh thủ huy động các nguồn vốn đóng góp khác của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng, bảo dưỡng công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Ngân hàng Chính sách xã hội, các Ngân hàng thương mại tập trung huy động nguồn vốn giúp cho các hộ nghèo có nhu cầu về vốn đều được vay vốn để phát triển sản xuất. Mở rộng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn cả về nguồn vốn, phạm vi và hình thức hoạt động với thủ tục đơn giản, linh hoạt về mức vay.
Việc quản lý sử dụng các nguồn vốn tuân thủ theo nguyên tắc quản lý tài chính, đảm bảo tính công khai dân chủ, có sự kiểm tra giám sát của các tổ chức, các cơ quan quản lý chức năng và Nhân dân, nhằm chống thất thoát, lãng phí.
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Trên cơ sở Đề án của tỉnh, xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; chủ động sử dụng, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư, hỗ trợ triển khai Đề án đạt hiệu quả cao nhất.
Định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên quan cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện của ngành, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; rà soát nghiên cứu đề xuất trình UBND tỉnh các cơ chế chính sách, đề án, quy hoạch, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện Đề án này.
- Phối hợp cùng UBMTTQVN và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền nội dung của Đề án này đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn rà soát và điều chỉnh bổ sung Quy hoạch sử dụng đất cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan tham mưu UBND tỉnh cân đối, phân bổ nguồn vốn đầu tư để thực hiện Đề án.
4. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh thu hút, huy động, sử dụng các nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện Đề án. Hướng dẫn việc thanh toán, quyết toán các nguồn vốn theo quy định.
5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh các cơ chế, chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; các dự án hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Định kỳ tổng hợp báo cáo theo quy định.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố rà soát, quản lý quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp theo quy định. Hướng dẫn các nhà đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường khi xây dựng dự án gắn với phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến với việc bảo vệ môi trường.
7. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền Đề án này.
8. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và UBND các huyện, thành phố cụ thể hóa các nhiệm vụ có liên quan tại Đề án này vào kế hoạch, chương trình hoạt động hàng năm; hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn, đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh trên thị trường.
9. Các sở, ngành và các đơn vị có liên quan: Căn cứ chức năng và nhiệm vụ của đơn vị và nội dung của Đề án này xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện.
10. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Chỉ đạo các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc và các cơ quan báo, đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức và Nhân dân tham gia thực hiện Đề án.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên: Phối hợp các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung của Đề án đến toàn thể đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Có kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền để thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới./.
MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2011-2015
STT | Chỉ tiêu | ĐVT | Mục tiêu KH 2011- 2015 | TH 2011 | TH 2012 | TH 2013 | TH 2014 | TH 2015 | Thực hiện 2011-2015 | So với mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2011-2015 |
I | CÁC CHỈ TIÊU ĐỊNH HƯỚNG CHUNG |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Thu nhập bình quân/người/năm (tính riêng cho người dân nông thôn) | Triệu đồng |
| 6,80 | 7,14 | 8,44 | 8,58 | 9,22 | 9,22 | Vượt KH |
2 | Tổng sản lượng lương thực có hạt | Nghìn tấn | 170,00 | 169,05 | 177,24 | 183,00 | 189,22 | 198,7 | 198,7 | Vượt KH |
- | Sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người | kg | 386 | 429 | 440 | 441 | 447 | 460 | 460 | Vượt KH |
3 | Giảm nghèo |
|
|
|
|
|
|
|
| Đạt KH |
- | Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo | % | 4-5%/năm | 7,91 | 7,1 | 4,6 | 3,74 | 4,73 | 5,62 | Vượt KH |
4 | Tỷ lệ che phủ rừng | % | 50 | 41,68 | 43 | 43,82 | 45,01 | 46,4 | 46,4 | Không đạt KH |
5 | Nông thôn mới |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Số xã đạt chuẩn nông thôn mới | Xã | 15 | 0 | 0 | 0 | 2 | 15 | 15 | Đạt KH |
- | Tiêu chí bình quân | Tiêu chí/xã |
| 2,58 | 4,06 | 6,67 | 9,92 | 11,08 | 11,08 | Vượt KH |
II | TRỒNG TRỌT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Tổng sản lượng lương thực có hạt | Nghìn tấn | 170 | 169 | 177 | 183 | 189 | 198,7 | 198,7 | Vượt KH |
| Trong đó: - Thóc | Nghìn tấn | 119 | 118 | 119 | 126 | 127 | 132,7 | 132,7 | Vượt KH |
| - Ngô | Nghìn tấn | 51 | 51 | 58 | 57 | 62 | 66 | 66 | Vượt KH |
2 | Một số cây trồng chính |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.1 | Cây lương thực có hạt |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Lúa cả năm: + Diện tích | Ha | 29.450 | 29.292 | 28.788 | 30.252 | 30.443 | 30.924 | 30.924 | Vượt KH |
| + Năng suất | Tạ/ha | 40 | 40 | 41 | 42 | 41,75 | 42,91 | 42,91 | Vượt KH |
| + Sản lượng | Tấn | 118.630 | 117.980 | 119.258 | 125.660 | 127.100 | 132.702 | 132.702 | Vượt KH |
| - Ngô cả năm: + Diện tích | Ha | 20.548 | 19.983 | 21.416 | 21.152 | 22.123 | 22.644 | 22.644 | Vượt KH |
| + Năng suất | Tạ/ha | 25 | 26 | 27 | 27 | 28,01 | 29,12 | 29 | Vượt KH |
| + Sản lượng | Tấn | 51.370 | 51.073 | 57.982 | 57.340 | 61.967 | 65.939 | 65.939 | Vượt KH |
2.2 | Rau đậu các loại: - Diện tích | Ha | 3.000 | 2.087 | 2.222 | 2.289 | 2.349,00 | 2.995 | 2.995 | Không đạt KH |
| - Sản lượng | Tấn | 25.500 | 14.444 | 16.006 | 12.899 | 13.042,00 | 19.716 | 19.716 | Không đạt KH |
2.3 | Cây công nghiệp ngắn ngày |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Lạc: + Diện tích | Ha | 2.000 | 1.650 | 1.674 | 1.634 | 1.664 | 1.789 | 1.789 | Không đạt KH |
| + Năng suất | Tạ/ha | 11 | 10 | 11 | 10 | 10,88 | 11,18 | 11 | Vượt KH |
| + Sản lượng | Tấn | 2.200 | 1.653 | 1.805 | 1.704 | 1.810 | 2.000 | 2.000 | Không đạt KH |
| - Đậu tương: + Diện tích | Ha | 3.000 | 2.632 | 2.485 | 2.380 | 2.316 | 2.255 | 2.255 | Không đạt KH |
| + Năng suất | Tạ/ha | 11 | 10 | 10 | 9 | 10,45 | 10,65 | 11 | Không đạt KH |
| + Sản lượng | Tấn | 3.300 | 2.574 | 2.387 | 2.226 | 2.420 | 2.400 | 2.400 | Không đạt KH |
2.4 | Cây công nghiệp dài ngày |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Cây chè: Tổng diện tích | Ha | 3.200 | 3.015 | 3.151 | 3.273 | 3.072 | 3.501 | 3.501 | Vượt KH |
| Trong đó: + DT trồng mới | Ha | 300 | 42 | 137 | 122 | 137 | 481 | 919 | Vượt KH |
| + DT kinh doanh | Ha | 2.864 | 2.356 | 2.401 | 2.373 | 2.487 | 2.612 | 2.612 | Không đạt KH |
| + Năng suất | Ta/ha | 70 | 84 | 83 | 84 | 85 | 88 | 88 | Vượt KH |
| + SL chè búp tươi | Tấn | 23.800 | 19.804 | 19.875 | 19.973 | 21.218 | 23.010 | 23.010 | Không đạt KH |
| - Cây cao su: Tổng diện tích | Ha | 20.000 | 8.137 | 9.267 | 11.138 | 12.593 | 13.125 | 13.125 | Không đạt KH |
| Trong đó: + DT trồng mới | Ha | 13.000 | 2.468 | 1.201 | 1.870 | 1.557 | 532 | 7.626 | Không đạt KH |
2.5 | Cây ăn quả: + Diện tích | Ha | 1.500 | 1.334 | 1.350 | 1.657 | 1.741 | 1.791 | 1.791 | Vượt KH |
| + Sản lượng | Tấn | 5.100 | 3.913 | 4.050 | 1.693 | 2.902 | 3.388 | 3.388 | Không đạt KH |
II | CHĂN NUÔI |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Tổng đàn gia súc | Con | 440.683 | 263.672 | 274.639 | 288.410 | 300.950 | 319.100 | 319.100 | Không đạt KH |
| Đàn trâu | Con | 130.404 | 85.001 | 89.267 | 92.870 | 95.610 | 100.720 | 100.720 | Không đạt KH |
| Đàn bò | Con | 19.059 | 14.901 | 14.946 | 15.280 | 15.860 | 17.120 | 17.120 | Không đạt KH |
| Đàn lợn | Con | 291.220 | 163.770 | 170.426 | 180.260 | 189.480 | 201.260 | 201.260 | Không đạt KH |
2 | Tốc độ tăng đàn gia súc | % | 6-6,5% | 1,5 | 4,2 | 5,0 | 4,3 | 6,0 | 4,2 | Không đạt KH |
3 | Tổng đàn gia cầm | Nghìn con | 1.275 | 996 | 907 | 980 | 883 | 1.333 | 1.333 | Vượt KH |
4 | Thịt hơi các loại | Nghìn tấn | 44,8 | 8,3 | 6,9 | 9,6 | 11,0 | 12,8 | 48,5 | Vượt KH |
III | THỦY SẢN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Tổng sản lượng thủy sản | Tấn | 12.124 | 1.275 | 1.861 | 1.748 | 1.861 | 2.148 | 8.892 | Không đạt KH |
| Trong đó: - Khai thác | Tấn | 2.650 | 110 | 191 | 205 | 191 | 338 | 1.035 | Không đạt KH |
| - Nuôi trồng | Tấn | 9.474 | 1.165 | 1.670 | 1.543 | 1.670 | 1.810 | 7.857 | Không đạt KH |
2 | DT nuôi trồng thủy sản | Ha | 1.261 | 639 | 675 | 747 | 823 | 830 | 830 | Không đạt KH |
IV | LÂM NGHIỆP |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Tỷ lệ che phủ rừng | % | 50 | 41,7 | 43,0 | 43,8 | 45,0 | 46,4 | 46,4 | Không đạt KH |
2 | Tổng diện tích rừng hiện có | Ha | 480.657 | 390.981 | 393.567 | 398.763 | 406.377 | 416.100 | 416.100 | Không đạt KH |
2.1 | Rừng tự nhiên |
| 415.295 | 362.038 | 371.825 | 381.058 | 388.221 | 381.307 | 381.307 | Không đạt KH |
| Trong đó: - Rừng sản xuất | Ha | 113.500 | 107.918 | 130.983 | 141.773 | 144.960 | 124.042 | 124.042 | Vượt KH |
| - Rừng phòng hộ | Ha | 273.567 | 225.892 | 212.614 | 211.057 | 215.033 | 229.446 | 229.446 | Không đạt KH |
| - Rừng đặc dụng | Ha | 28.228 | 28.228 | 28.228 | 28.228 | 28.228 | 27.820 | 27.820 | Không đạt KH |
2.2 | Rừng trồng tập trung | Ha | 45.362 | 28.942 | 21.742 | 17.705 | 18.156 | 8.305 | 8.305 | Không đạt KH |
| - Rừng sản xuất | Ha | 36.327 | 20.953 | 11.815 | 8.825 | 9.099 | 4.402 | 4.402 | Không đạt KH |
| - Rừng phòng hộ | Ha | 9.035 | 7.990 | 9.927 | 8.880 | 9.057,00 | 3.903 | 3.903 | Không đạt KH |
| Trong đó trồng rừng mới | Ha | 20.000 | 1.506 | 1.775 | 1.472 | 1.079 | 2.295 | 6.655 | Không đạt KH |
| - Rừng sản xuất | Ha |
| 824 | 1.535 | 860 | 441,00 | 1.762 | 4.562 |
|
| - Rừng phòng hộ | Ha |
| 682 | 240 | 612 | 638,00 | 533 | 2.093 |
|
2.3 | Cây cao su | Ha | 20.000 | 8.137 | 9.267 | 11.138 | 12.593 | 13.125 | 13.125 | Không đạt KH |
2.4 | Rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp | Ha |
|
|
|
|
| 26.487 | 26.487 | Vượt KH |
V | PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh | % | 90 | 65,4 | 69,46 | 71,37 | 73 | 75 | 75 | Không đạt KH |
D | PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Hợp tác xã |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1 | Tổng số hợp tác xã | HTX |
| 42 | 52 | 42 | 43 | 34 | 34 |
|
1.2 | Tổng số thành viên hợp tác xã | Người |
| 502 | 728 | 451 | 365 | 365 | 365 |
|
1.3 | Tổng số lao động trong hợp tác xã | Người |
| 336 | 479 | 401 | 409 | 316 | 316 |
|
2 | Tổ hợp tác |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.1 | Tổng số tổ hợp tác | Tổ hợp tác |
| 35 | 59 | 59 | 63 | 69 | 69 |
|
| Trong đó: Số tổ hợp tác đăng ký chứng thực |
|
|
| 2 | 2 | 2 | 2 | 2 |
|
2.2 | Tổng số thành viên tổ hợp tác | Người |
| 315 | 535 | 535 | 603 | 621 | 621 |
|
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2011-2015
TT | Tên tiêu chí | Nội dung tiêu chí | Tỷ lệ đạt chuẩn theo tiêu chí | Kết quả thực hiện | Giai đoạn 2011-2015 | ||||
Năm 2011 | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 | |||||
I | Tỷ lệ đạt chuẩn theo Quyết định 491/QĐ-TTg |
|
|
|
|
|
|
| |
1 | Quy hoạch và thực hiện quy hoạch | 1.1. Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ | Đạt | 13 | 91 | 96 | 96 | 96 | 96 |
1.2. Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới | |||||||||
1.3. Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa tốt đẹp | |||||||||
2 | Giao thông | 2.1. Tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT | 100% | 0 | 1 | 1 | 18 | 34 | 34 |
2.2. Tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT | 50% | ||||||||
2.3. Tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. | 100% (50% cứng hóa) | ||||||||
2.4. Tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện | 50% | ||||||||
3 | Thủy lợi | 3.1. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh | Đạt | 33 | 38 | 43 | 69 | 77 | 77 |
3.2. Tỷ lệ km trên mương do xã quản lý được kiên cố hóa | 50% | ||||||||
4 | Điện | 4.1. Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện | Đạt | 15 | 15 | 15 | 34 | 52 | 52 |
4.2. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn | 95% | ||||||||
5 | Trường học | Tỷ lệ trường học các cấp: mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia | 70% | 0 | 2 | 10 | 22 | 33 | 33 |
6 | Cơ sở vật chất văn hóa | 6.2. Nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VH-TT-DL | Đạt | 0 | 0 | 1 | 14 | 37 | 37 |
6.3. Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ VH-TT-DL | 100% | ||||||||
7 | Chợ nông thôn | Chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng | Đạt | 6 | 6 | 5 | 5 | 5 | 5 |
8 | Bưu điện | 8.1. Có điểm phục vụ bưu chính viễn thông | Đạt | 20 | 21 | 53 | 69 | 82 | 82 |
8.2. Có Internet đến thôn | Đạt |
|
|
|
|
|
| ||
9 | Nhà ở dân cư | 9.1. Nhà tạm, dột nát | Không | 2 | 3 | 5 | 13 | 32 | 32 |
9.2. Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng | 75% |
|
|
|
|
|
| ||
10 | Thu nhập | Thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh | 1,2 - 1,5 lần đối với từng khu vực | 4 | 7 | 9 | 39 | 43 | 43 |
11 | Hộ nghèo | Tỷ lệ hộ nghèo | 10% | 1 | 1 | 1 | 16 | 29 | 29 |
12 | Cơ cấu lao động | Tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp | 45% | 0 | 13 | 65 | 92 | 92 | 92 |
13 | Hình thức tổ chức sản xuất | Có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả | Có | 17 | 18 | 30 | 83 | 83 | 83 |
14 | Giáo dục | 14.1. Phổ cập giáo dục trung học | Đạt | 13 | 13 | 60 | 79 | 85 | 85 |
14.2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) | 70% | ||||||||
14.3. Tỷ lệ lao động qua đào tạo | > 20% | ||||||||
15 | Y tế | 15.1. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế | 20% | 54 | 58 | 56 | 36 | 47 | 47 |
15.2. Y tế xã đạt chuẩn quốc gia | Đạt | ||||||||
16 | Văn hóa | Xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ VH-TT-DL | Đạt | 1 | 9 | 11 | 43 | 56 | 56 |
17 | Môi trường | 17.1. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia | 70% | 0 | 1 | 2 | 6 | 16 | 16 |
17.2. Các cơ sở SX-KD đạt tiêu chuẩn về môi trường | Đạt | ||||||||
17.3. Không có các hoạt động suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp | Đạt | ||||||||
17.4. Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch | Đạt | ||||||||
17.5. Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định | Đạt | ||||||||
18 | Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh | 18.1. Cán bộ xã đạt chuẩn | Đạt | 28 | 29 | 39 | 43 | 66 | 66 |
18.2. Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định | Đạt | ||||||||
18.3. Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” | Đạt | ||||||||
18.4. Các tổ chức đoàn thể chính trị của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên | Đạt | ||||||||
19 | An ninh, trật tự xã hội | An ninh, trật tự xã hội được giữ vững | Đạt | 50 | 50 | 78 | 82 | 88 | 88 |
II | Thực hiện bộ tiêu chí |
|
|
|
|
|
|
| |
1 | Số huyện đạt chuẩn NTM | Huyện | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | |
2 | Kết quả đạt chuẩn tiêu chí theo xã | Xã |
|
|
|
|
|
| |
2.1 | Số xã đạt chuẩn (19 tiêu chí) NTM | Xã | 0 | 0 | 0 | 2 | 13 | 15 | |
2.2 | Số xã đạt 18 tiêu chí | Xã | 0 | 0 | 0 | 0 | 1 | 1 | |
2.3 | Số xã đạt 17 tiêu chí | Xã | 0 | 0 | 0 | 1 | 1 | 1 | |
2.4 | Số xã đạt 16 tiêu chí | Xã | 0 | 0 | 1 | 3 | 3 | 3 | |
2.5 | Số xã đạt 15 tiêu chí | Xã | 0 | 0 | 0 | 3 | 3 | 3 | |
2.6 | Số xã đạt 14 tiêu chí | Xã | 0 | 0 | 1 | 4 | 3 | 3 | |
2.7 | Số xã đạt 13 tiêu chí | Xã | 0 | 2 | 1 | 3 | 2 | 2 | |
2.8 | Số xã đạt 12 tiêu chí | Xã | 0 | 1 | 0 | 7 | 11 | 11 | |
2.9 | Số xã đạt 11 tiêu chí | Xã | 1 | 0 | 4 | 7 | 12 | 12 | |
2.10 | Số xã đạt 10 tiêu chí | Xã | 0 | 1 | 8 | 13 | 13 | 11 | |
2.11 | Số xã đạt 9 tiêu chí | Xã | 0 | 1 | 6 | 14 | 13 | 13 | |
2.12 | Số xã đạt 8 tiêu chí | Xã | 3 | 6 | 11 | 13 | 12 | 12 | |
2.13 | Số xã đạt 7 tiêu chí | Xã | 0 | 6 | 12 | 13 | 9 | 9 | |
2.14 | Số xã đạt 6 tiêu chí | Xã | 6 | 7 | 16 | 6 |
|
| |
2.15 | Số xã đạt 5 tiêu chí | Xã | 6 | 9 | 14 | 7 |
|
| |
2.16 | Số xã đạt 4 tiêu chí | Xã | 13 | 11 | 11 |
|
|
| |
2.17 | Số xã đạt 3 tiêu chí | Xã | 11 | 16 | 8 |
|
|
| |
2.18 | Số xã đạt 2 tiêu chí | Xã | 19 | 13 | 3 |
|
|
| |
2.19 | Số xã đạt 1 tiêu chí | Xã | 19 | 15 |
|
|
|
| |
2.19 | Số xã đạt 0 tiêu chí | Xã | 15 | 8 |
|
|
|
| |
III | Một số chỉ tiêu chủ yếu |
|
|
|
|
|
|
| |
1 | Thu nhập BQ/người/năm (tr.đ) | Triệu đồng | 6,8 | 7,14 | 8,44 | 8,58 | 9,22 | 9,22 | |
2 | Tỷ lệ hộ nghèo (%) | % | 46,72 | 38,48 | 33,11 | 28,65 | 22,95 | 22,95 | |
3 | Tỷ lệ lao động qua đào tạo (%) | % | 32,5 | 35 | 36,4 | 38,28 | 40,11 | 40,11 | |
4 | Tỷ lệ người dân tham gia BHYT (%) | % | 91,5 | 93,1 | 93,5 | 93,1 | 92,7 | 92,7 | |
5 | Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia (%) | % | 65,4 | 69,46 | 71,37 | 73 | 75 | 75 |
KẾT QUẢ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2011-2015
ĐVT: Triệu đồng
STT | Nội dung chỉ tiêu | Tổng cộng | Kết quả thực hiện qua các năm | ||||
2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | |||
Tổng cộng | 6.259.669 | 1.543.029 | 931.219 | 853.670 | 2.319.415 | 612.336 | |
1 | Ngân sách trung ương | 216.845 | 12.902 | 15.821 | 15.250 | 83.872 | 89.000 |
- | Trái phiếu Chính phủ | 162.000 |
|
|
| 79.000 | 83.000 |
- | Đầu tư phát triển | 18.980 | 1.800 | 8.900 | 8.280 |
|
|
- | Sự nghiệp kinh tế | 35.865 | 11.102 | 6.921 | 6.970 | 4.872 | 6.000 |
2 | Ngân sách địa phương | 72.492 | - | 500 | - | 38.012 | 33.980 |
- | Tỉnh | 63.980 |
|
|
| 30.000 | 33.980 |
- | Huyện | 8.512 |
| 500 |
| 8.012 |
|
- | Xã | - |
|
|
|
|
|
3 | Vốn lồng ghép | 5.437.193 | 1.525.067 | 856.628 | 823.374 | 1.824.559 | 407.565 |
4 | Vốn tín dụng | - |
|
|
|
|
|
5 | Vốn doanh nghiệp | 54.952 |
| 25.997 | 2.837 | 5.052 | 21.066 |
6 | Vốn cộng đồng dân cư | 154.220 | 5.060 | 8.642 | 12.129 | 67.664 | 60.725 |
7 | Nguồn khác | 323.967 |
| 23.631 | 80 | 300.256 |
|
TT | Tên huyện, thành phố | Nguồn vốn giải ngân và thực hiện (tr.đồng) | |||||||||||||||
Tổng vốn | Quy hoạch | Xây dựng cơ sở hạ tầng | Phát triển sản xuất | Tuyên truyền, vận động | Đào tạo, tập huấn | Dạy nghề cho lao động | Quản lý | Nội dung khác | |||||||||
Giao thông | Thủy lợi | Điện | Trường học | Cơ sở vật chất văn hóa | Chợ | Bưu điện | Môi trường | ||||||||||
Tổng cộng | 314.860 | 69.828 | 166.333 | 53.799 | 550 | 5.137 | 3.749 | 735 | - | 5.728 | 3.032 | 1.438 | 2.520 | 824 | 1.187 |
| |
1 | Thành phố Lai Châu | 8.153 | 780 | 1.068 | 4.848 | 550 |
|
|
|
| 385 |
|
| 422 | 4 | 96 |
|
2 | Huyện Than Uyên | 52.812 | 18.410 | 17.005 | 13.941 |
|
|
|
|
| 1.639 | 795 | 28 | 181 | 714 | 99 | 50 |
3 | Huyện Tân Uyên | 44.737 | 15.462 | 14.532 | 11.978 |
|
| 300 |
|
| 824 | 1.367 | 36 | 153 |
| 85 | 386 |
4 | Huyện Tam Đường | 48.783 | 14.501 | 20.896 | 10.769 |
|
| 1.120 |
|
| 980 | 150 | 52 | 164 |
| 151 |
|
5 | Huyện Phong Thổ | 41.075 | 10.357 | 23.637 | 6.053 |
|
|
|
|
| 360 | 200 | 56 | 235 |
| 177 | 620 |
6 | Huyện Sìn Hồ | 46.347 | 5.644 | 37.856 |
|
| 250 | 1.000 |
|
| 590 | 370 | 116 | 365 |
| 156 | 50 |
7 | Huyện Nậm Nhùn | 33.402 | 1.209 | 27.250 |
|
| 1.750 | 1.329 | 735 |
| 770 | 100 | 40 | 125 |
| 94 |
|
8 | Huyện Mường Tè | 37.552 | 3.465 | 24.089 | 6.210 |
| 3.137 |
|
|
| 180 | 50 | 52 | 220 |
| 149 | 50 |
9 | Sở Nông nghiệp và PTNT | 1.999 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1058 | 655 | 106 | 180 |
|
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2016-2020
STT | Chỉ tiêu | Đơn vị tính | TH 2011- 2015 | Mục tiêu KH 2016- 2020 | KH 2016 | KH 2017 | KH 2018 | KH 2019 | KH 2020 | Ước TH 2016-2020 |
I | CÁC CHỈ TIÊU ĐỊNH HƯỚNG CHUNG |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Thu nhập bình quân/người/năm (tính riêng cho người dân nông thôn) | Triệu đồng | 9,22 |
| 11,99 | 14,75 | 17,52 | 20,28 | 23,05 | 23,05 |
2 | Tổng sản lượng lương thực có hạt | Nghìn tấn | 198,7 | 200 | 200 | 206 | 211 | 219 | 225 | 225 |
- | Sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người | kg | 460 | 463 | 454 | 459 | 461 | 479 | 492 | 492 |
3 | Giảm nghèo |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo | % | 5,62 | 3 | 3,2 | 3,1 | 3 | 2,9 | 2,8 | 3 |
4 | Tỷ lệ che phủ rừng | % | 46,4 | 50,0 | 46,8 | 47,6 | 48,4 | 49,3 | 50,0 | 50,0 |
5 | Nông thôn mới |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Số xã đạt chuẩn nông thôn mới | Xã | 15 | 38 | 21 | 25 | 29 | 33 | 38 | 38 |
- | Tiêu chí bình quân | Tiêu chí/xã | 11,08 | 15,5 | 11,9 | 12,82 | 13,75 | 14,65 | 15,5 | 15,5 |
II | TRỒNG TRỌT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Tổng sản lượng lương thực có hạt | Nghìn tấn | 198,7 | 200 | 200 | 206 | 211 | 219 | 225 | 225 |
| Trong đó: - Thóc | Nghìn tấn | 132,7 |
| 131 | 133 | 133 | 134 | 133 | 133 |
| - Ngô | Nghìn tấn | 66 |
| 69 | 73 | 78 | 85 | 92 | 92 |
2 | Một số cây trồng chính |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.1 | Cây lương thực có hạt |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Lúa cả năm: + Diện tích | Ha | 30.924 |
| 30.511 | 29.050 | 28.500 | 28.300 | 28.000 | 28.000 |
| + Năng suất | Tạ/ha | 42,9 |
| 43,0 | 45,7 | 46,5 | 47,3 | 47,6 | 47,6 |
| + Sản lượng | Tấn | 132.702 |
| 131.197 | 132.759 | 132.525 | 133.859 | 133.280 | 133.280 |
| - Ngô cả năm:+ Diện tích | Ha | 22.664 |
| 22.688 | 23.615 | 24.730 | 26.200 | 27.600 | 27.600 |
| + Năng suất | Tạ/ha | 29,1 |
| 30,3 | 31,0 | 31,7 | 32,5 | 33,2 | 33,20 |
| + Sản lượng | Tấn | 65.998 |
| 68.804 | 73.207 | 78.394 | 85.150 | 91.632 | 91.632 |
2.2 | Rau đậu các loại: - Diện tích | Ha | 2.995 |
| 2.565 | 2.593 | 2.627 | 2.653 | 2.685 | 2.685 |
| - Sản lượng | Tấn | 19.716 |
| 16.117 | 16.275 | 16.528 | 16.626 | 16.848 | 16.848 |
2.3 | Cây công nghiệp ngắn ngày |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Lạc: + Diện tích | Ha | 1.789 |
| 1.681 | 1.891 | 1.901 | 1.921 | 1.941 | 1.941 |
| + Năng suất | Tạ/ha | 11,2 |
| 10,8 | 11,4 | 11,6 | 11,7 | 11,8 | 12 |
| + Sản lượng | Tấn | 2.000 | - | 1.815 | 2.156 | 2.204 | 2.247 | 2.299 | 2.299 |
| - Đậu tương: + Diện tích | Ha | 2.255 |
| 2.141 | 2.464 | 2.484 | 2.514 | 2.524 | 2.524 |
| + Năng suất | Tạ/ha | 10,6 |
| 10,1 | 11,0 | 11,2 | 11,2 | 11,4 | 11 |
| + Sản lượng | Tấn | 2.400 |
| 2.162 | 2.714 | 2.773 | 2.824 | 2.866 | 2.866 |
2.4 | Cây công nghiệp dài ngày |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Cây chè: Tổng diện tích | Ha | 3.501 | 4.500 | 4.051 | 4.551 | 5.051 | 5.551 | 6.021 | 6.021 |
| Trong đó: + DT trồng mới | Ha | 919 |
| 550 | 500 | 500 | 500 | 470 | 2.520 |
| + DT kinh doanh | Ha | 2.612 |
| 2.749 | 2.871 | 2.956 | 3.506 | 4.006 | 4.006 |
| + Năng suất | Ta/ha | 88,1 |
| 87,5 | 89,2 | 93,4 | 95,2 | 96 | 96 |
| + SL chè búp tươi | Tấn | 23.010 |
| 24.051 | 25.607 | 27.606 | 33.374 | 38.375 | 38.375 |
| - Cây cao su: Tổng diện tích | Ha | 13.079 |
| 13.270 | 13.270 | 13.270 | 13.270 | 13.270 | 13.270 |
| Trong đó: + DT trồng mới | Ha | 7.626 |
| 191 |
|
|
|
| 191 |
| + DT kinh doanh | Ha | 900 |
| 2.943 | 5.496 | 7.986 | 9.116 | 10.986 | 10.986 |
| + Năng suất | Tấn/ha | 1,10 |
| 1,10 | 1,10 | 1,10 | 1,10 | 1,19 | 1,19 |
| + Sản lượng | Tấn | 990 |
| 3.237 | 6.046 | 8.785 | 10.028 | 13.018 | 13.018 |
2.5 | Cây ăn quả: + Diện tích | Ha | 1.791 |
| 1.862 | 1.870 | 1.833 | 1.853 | 1.890 | 1.890 |
| + Sản lượng | Tấn | 3.388 |
| 3.849 | 4.059 | 4.093 | 4.288 | 4.512 | 4.512 |
II | CHĂN NUÔI |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Tổng đàn gia súc | Con | 319.100 | - | 335.100 | 351.000 | 369.100 | 388.600 | 410.000 | 410.000 |
| Đàn trâu | Con | 100.720 |
| 101.465 | 102.900 | 105.500 | 107.900 | 110.500 | 110.500 |
| Đàn bò | Con | 17.120 |
| 17.735 | 16.400 | 16.600 | 16.900 | 17.200 | 17.200 |
| Đàn lợn | Con | 201.260 |
| 215.900 | 231.700 | 247.000 | 263.800 | 282.300 | 282.300 |
2 | Tốc độ tăng đàn gia súc | % | 4,2 |
| 5,0 | 4,7 | 5,2 | 5,3 | 5,5 | 5,1 |
3 | Tổng đàn gia cầm | Nghìn con | 1.333 |
| 1.357 | 1.383 | 1.409 | 1.436 | 1.463 | 1.463 |
4 | Thịt hơi các loại | Nghìn tấn | 48,5 |
| 13,52 | 15,10 | 16,90 | 19,00 | 21,50 | 86 |
III | THỦY SẢN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Tổng sản lượng thủy sản | Tấn | 8.892 |
| 2.285 | 3.403 | 3.894 | 4.375 | 4.917 | 18.874 |
| Trong đó: - Khai thác | Tấn | 1.035 |
| 344 | 510 | 755 | 880 | 1.023 | 3.512 |
| - Nuôi hồng | Tấn | 7.857 |
| 1.941 | 2.893 | 3.139 | 3.495 | 3.894 | 15.362 |
2 | DT nuôi trồng thủy sản | Ha | 830 |
| 840 | 850 | 860 | 925 | 1.010 | 1.010 |
IV | LÂM NGHIỆP |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Tỷ lệ che phủ rừng | % | 46,4 | 50,0 | 46,8 | 47,6 | 48,4 | 49,3 | 50,0 | 50,00 |
2 | Tổng diện tích rừng hiện có | Ha | 416.100 |
| 421.126 | 427.251 | 432.851 | 438.351 | 443.751 | 443.751 |
2.1 | Rừng tự nhiên |
| 381.307 |
| 383.108 | 388.157 | 393.157 | 398.157 | 403.157 | 403.157 |
| Trong đó: - Rừng sản xuất | Ha | 124.042 |
| 124.542 | 126.041 | 128.041 | 130.041 | 132.041 | 132.041 |
| - Rừng phòng hộ | Ha | 229.446 |
| 230.746 | 234.296 | 237.296 | 240.296 | 243.296 | 243.296 |
| - Rừng đặc dụng | Ha | 27.820 |
| 27.820 | 27.820 | 27.820 | 27.820 | 27.820 | 27.820 |
2.2 | Rừng trồng tập trung | Ha | 8.305 |
| 11.531 | 12.607 | 13.207 | 13.707 | 14.107 | 14.107 |
| - Rừng sản xuất | Ha | 4.402 |
| 7.278 | 7.954 | 8.154 | 8.354 | 8.554 | 8.554 |
| - Rừng phòng hộ | Ha | 3.903 |
| 4.253 | 4.653 | 5.053 | 5.353 | 5.553 | 5.553 |
- | Trong đó trồng rừng mới | Ha | 6.655 |
| 2.235 | 2.509 | 711 | 630 | 770 | 6.855 |
| - Rừng sản xuất | Ha | 4.562 |
|
| 360 | 261 | 210 | 300 | 1.131 |
| - Rừng phòng hộ | Ha | 2.093 |
| 350 | 370 | 450 | 420 | 470,0 | 2.060 |
| - Trồng rừng thay thế |
|
|
| 1.885 | 1.779 |
|
|
|
|
2.3 | Cây cao su | Ha | 13.125 |
| 13.316 | 13.316 | 13.316 | 13.316 | 13.316 | 13.316 |
2.4 | Rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp | Ha | 26.487 |
| 26.487 | 26.487 | 26.487 | 26.487 | 26.487 | 26.487 |
V | PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh | % | 75 |
| 77 | 79 | 81 | 83 | 85 | 85 |
D | PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Hợp tác xã |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1 | Tổng số hợp tác xã | HTX | 34 |
| 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 48 |
1.2 | Tổng số thành viên hợp tác xã | Người | 365 |
| 528 | 540 | 552 | 564 | 576 | 576 |
1.3 | Tổng số lao động trong hợp tác xã | Người | 316 |
| 352 | 360 | 368 | 376 | 384 | 384 |
2 | Tổ hợp tác |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.1 | Tổng số tổ hợp tác | Tổ hợp tác | 69 |
| 74 | 79 | 84 | 89 | 94 | 94 |
2.2 | Tổng số thành viên tổ hợp tác | Người | 621 |
| 666 | 711 | 756 | 801 | 846 | 846 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
ĐVTV: Triệu đồng
Stt | Danh mục dự án | Tổng cộng | Chia theo năm | Nguồn vốn | ||||
2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | ||||
I | Vốn sự nghiệp | 1.852.252 | 268.672 | 397.105 | 398.050 | 398.256 | 390.170 |
|
1 | Hỗ trợ phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (lúa chất lượng cao, chè, quế, sơn tra) | 345.083 | - | 88.717 | 88.717 | 87.868 | 79.782 | NSĐP hỗ trợ nông nghiệp giai đoạn 2017-2021 |
- | Hỗ trợ phát triển sản xuất lúa chất lượng cao | 12.800 |
| 3.200 | 3.200 | 3.200 | 3.200 | NSĐP hỗ trợ nông nghiệp giai đoạn 2017-2021 |
- | Đề án phát triển cây chè | 168.790 |
| 42.840 | 42.840 | 42.840 | 40.270 | NSĐP hỗ trợ nông nghiệp giai đoạn 2017-2021 |
- | Dự án phát triển cây quế | 130.560 |
| 32.640 | 32.640 | 32.640 | 32.640 | NSĐP hỗ trợ nông nghiệp giai đoạn 2017-2021 |
- | Dự án phát triển cây Sơn tra | 14.688 |
| 3.672 | 3.672 | 3.672 | 3.672 | NSĐP hỗ trợ nông nghiệp giai đoạn 2017-2021 |
- | Dự án phát triển cây ăn quả ôn đới | 18.245 |
| 6.365 | 6.365 | 5.516 |
| NSĐP hỗ trợ nông nghiệp giai đoạn 2017-2021 |
2 | Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm | 3.000 | 600 | 600 | 600 | 600 | 600 | NSĐP, NSTW |
3 | Hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên | 1.504.169 | 268.072 | 307.788 | 308.733 | 309.788 | 309.788 | Nguồn vốn ĐT chương trình BVPTR bền vững; DVMTR |
- | Hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên | 1.155.175 | 212.023 | 235.788 | 235.788 | 235.788 | 235.788 | Nguồn dịch vụ môi trường rừng |
- | Hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên | 348.994 | 56.049 | 72.000 | 72.945 | 74.000 | 74.000 | NSTW, nguồn vốn sự nghiệp chương trình BVPTR bền vững |
II | Vốn đầu tư | 72.756 | 4.466 | 13.100 | 19.660 | 18.580 | 16.950 |
|
1 | Hỗ trợ khai hoang | 3.000 |
| 750 | 750 | 750 | 750 | NSĐP hỗ trợ nông nghiệp giai đoạn 2017-2021 |
2 | Hỗ trợ trồng rừng | 69.756 | 4.466 | 12.350 | 18.910 | 17.830 | 16.200 | Nguồn vốn ĐT chương trình BVPTR bền vững (Công văn số 916/BKHĐT-TH ngày 05/02/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Tổng cộng | 1.925.008 | 273.138 | 410.205 | 417.710 | 416.836 | 407.120 |
|
NHIỆM VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
STT | Tên tiêu chí | Nội dung tiêu chí | Tỷ lệ đạt chuẩn theo Quyết định 491/QĐ-TTg | Tỷ lệ đạt chuẩn theo Quyết định 1018/QĐ-UBND | Giai đoạn 2011-2015 | Định hướng phát triển | ||||
Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | ||||||
1 | Quy hoạch và thực hiện quy hoạch | 1.1.Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ | Đạt | Đạt | 96 | 96 | 96 | 96 | 96 | 96 |
1.2. Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới | ||||||||||
1.3. Quy hoạch phát triển các khu dàn cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa tốt đẹp | ||||||||||
2 | Giao thông | 2.1. Tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT | 100% | 100% | 34 | 38 | 55 | 68 | 72 | 83 |
2.2. Tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT | 50% | 50% | ||||||||
2.3. Tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. | 100% (50% cứng hóa) | 100% (50% cứng hóa) | ||||||||
2.4. Tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện | 50% | 50% | ||||||||
3 | Thủy lợi | 3.1. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh | Đạt | Đạt | 77 | 76 | 85 | 90 | 91 | 95 |
3.2. Tỷ lệ km trên mương do xã quản lý được kiên cố hóa | 50% | 50% | ||||||||
4 | Điện | 4.1. Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện | Đạt | Đạt | 52 | 55 | 58 | 62 | 68 | 76 |
4.2. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn | 95% | 95% | ||||||||
5 | Trường học | Tỷ lệ trường học các cấp: mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia | 70% | 70% | 33 | 43 | 52 | 66 | 73 | 76 |
6 | Cơ sở vật chất văn hóa | 6.2. Nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VH-TT-DL | Đạt | Đạt | 37 | 46 | 61 | 71 | 74 | 78 |
6.3. Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ VH-TT-DL | 100% | 100% | ||||||||
7 | Chợ nông thôn | Chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng | Đạt | Đạt | 5 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 |
8 | Bưu điện | 8.1. Có điểm phục vụ bưu chính viễn thông. | Đạt | Đạt | 82 | 87 | 88 | 89 | 89 | 95 |
8.2. Có Internet đến thôn | Đạt | Đạt |
|
|
|
|
|
| ||
9 | Nhà ở dân cư | 9.1. Nhà tạm, dột nát | Không | Không | 32 | 40 | 46 | 51 | 60 | 69 |
9.2. Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng | 75% | 75% |
|
|
|
|
|
| ||
10 | Thu nhập | Thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh | Thu nhập bình quân đầu người/năm | từ 1,2-1,5 lần tùy khu vực | 43 | 47 | 53 | 59 | 63 | 72 |
11 | Hộ nghèo | Tỷ lệ hộ nghèo | 10% | 10% | 29 | 34 | 41 | 45 | 53 | 63 |
12 | Cơ cấu lao động | Tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp | 45% | 45% | 92 | 91 | 92 | 92 | 92 | 93 |
13 | Hình thức tổ chức sản xuất | Có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả | Có | Có | 83 | 83 | 88 | 89 | 89 | 89 |
14 | Giáo dục | 14.1. Phổ cập giáo dục trung học | Đạt | Đạt | 85 | 84 | 86 | 92 | 92 | 92 |
14.2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) | 70% | 70% | ||||||||
14.3. Tỷ lệ lao động qua đào tạo | > 20% | > 20% | ||||||||
15 | Y tế | 15.1. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế | 20% | 20% | 47 | 55 | 63 | 73 | 79 | 84 |
15.2. Y tế xã đạt chuẩn quốc gia | Đạt | Đạt |
|
|
|
|
|
| ||
16 | Vân hóa | Xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ VH-TT-DL | Đạt | Đạt | 56 | 57 | 75 | 81 | 88 | 94 |
17 | Môi trường | 17.1. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia | 70% | 70% | 16 | 28 | 32 | 38 | 47 | 61 |
17.2. Các cơ sở SX-KD đạt tiêu chuẩn về môi trường | Đạt | Đạt | ||||||||
17.3. Không có các hoạt động suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp | Đạt | Đạt | ||||||||
17.4. Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch | Đạt | Đạt | ||||||||
17.5. Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định | Đạt | Đạt | ||||||||
18 | Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh | 18.1. Cán bộ xã đạt chuẩn | Đạt | Đạt | 66 | 82 | 89 | 95 | 95 | 95 |
18.2. Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định | Đạt | Đạt | ||||||||
18.3. Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh" | Đạt | Đạt | ||||||||
18.4. Các tổ chức đoàn thể chính trị của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên | Đạt | Đạt | ||||||||
19 | An ninh, trật tự xã hội | An ninh, trật tự xã hội được giữ vững | Đạt | Đạt | 88 | 89 | 91 | 91 | 91 | 93 |
II | Thực hiện bộ tiêu chí |
|
|
|
|
|
|
|
| |
1 | Số huyện đạt chuẩn NTM | Huyện |
| 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 1 | |
2 | Kết quả đạt chuẩn tiêu chí theo xã | Xã |
| 96 | 96 | 96 | 96 | 96 | 96 | |
2.1 | Số xã đạt chuẩn (19 tiêu chí) NTM | Xã |
| 15 | 21 | 25 | 29 | 33 | 38 | |
2.2 | Số xã đạt 18 tiêu chí | Xã |
| 0 | 1 | 1 | 1 | 1 | 2 | |
2.3 | Số xã đạt 17 tiêu chí | Xã |
| 1 | 1 | 1 | 2 | 2 | 2 | |
2.4 | Số xã đạt 16 tiêu chí | Xã |
| 2 | 1 | 1 | 2 | 3 | 3 | |
2.5 | Số xã đạt 15 tiêu chí | Xã |
| 1 | 1 | 2 | 3 | 5 | 5 | |
2.6 | Số xã đạt 14 tiêu chí | Xã |
| 2 | 2 | 3 | 4 | 6 | 10 | |
2.7 | Số xã đạt 13 tiêu chí | Xã |
| 4 | 3 | 4 | 5 | 7 | 12 | |
2.8 | Số xã đạt 12 tiêu chí | Xã |
| 6 | 7 | 8 | 9 | 13 | 13 | |
2.9 | Số xã đạt 11 tiêu chí | Xã |
| 7 | 10 | 12 | 14 | 13 | 11 | |
2.10 | Số xã đạt 10 tiêu chí | Xã |
| 15 | 26 | 24 | 17 | 13 | 0 | |
2.11 | Số xã đạt 9 tiêu chí | Xã |
| 14 | 10 | 8 | 10 | 0 | 0 | |
2.12 | Số xã đạt 8 tiêu chí | Xã |
| 13 | 6 | 7 | 0 | 0 | 0 | |
2.13 | Số xã đạt 7 tiêu chí | Xã |
| 11 | 6 | 0 | 0 | 0 | 0 | |
2.14 | Số xã đạt 6 tiêu chí | Xã |
| 4 | 1 | 0 | 0 | 0 | 0 | |
2.15 | Số xã đạt 5 tiêu chí | Xã |
| 1 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | |
2.16 | Số xã đạt 4 tiêu chí | Xã |
| 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | |
2.17 | Số xã đạt 3 tiêu chí | Xã |
| 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | |
2.18 | Số xã đạt 2 tiêu chí | Xã |
| 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | |
2.19 | Số xã đạt 1 tiêu chí | Xã |
| 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | |
3 | Kết quả đạt chuẩn theo từng tiêu chí |
|
|
|
|
|
|
|
| |
3.1 | Số xã đạt tiêu chí số 1 về quy hoạch | Xã |
| 96 | 96 | 96 | 96 | 96 | 96 | |
3.2 | Số xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông | Xã |
| 22 | 30 | 36 | 45 | 52 | 64 | |
3.3 | Số xã đạt tiêu chí số 3 về Thủy lợi | Xã |
| 65 | 68 | 71 | 73 | 77 | 82 | |
3.4 | Số xã đạt tiêu chí số 4 về Điện | Xã |
| 60 | 70 | 75 | 85 | 90 | 93 | |
3.5 | Số xã đạt tiêu chí số 5 về Trường học | Xã |
| 27 | 33 | 43 | 50 | 56 | 65 | |
3.6 | Số xã đạt tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hóa | Xã |
| 22 | 30 | 40 | 50 | 60 | 70 | |
3.7 | Số xã đạt tiêu chí số 7 về Chợ nông thôn | Xã |
| 81 | 85 | 87 | 90 | 92 | 93 | |
3.8 | Số xã đạt tiêu chí số 8 về Bưu điện | Xã |
| 79 | 79 | 82 | 85 | 89 | 90 | |
3.9 | Số xã đạt tiêu chí số 9 về Nhà ở dân cư | Xã |
| 24 | 32 | 44 | 50 | 60 | 70 | |
3.10 | Số xã đạt tiêu chí số 10 về Thu nhập | Xã |
| 45 | 45 | 47 | 52 | 57 | 60 | |
3.11 | Số xã đạt tiêu chí số 11 về Hộ nghèo | Xã |
| 25 | 29 | 31 | 37 | 42 | 47 | |
3.12 | Số xã đạt tiêu chí số 12 về Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên | Xã |
| 92 | 92 | 93 | 96 | 96 | 96 | |
3.13 | Số xã đạt tiêu chí số 13 về Hình thức tổ chức sản xuất | Xã |
| 95 | 95 | 96 | 96 | 96 | 96 | |
3.14 | Số xã đạt tiêu chí số 14 về Giáo dục | Xã |
| 83 | 85 | 88 | 90 | 92 | 93 | |
3.15 | Số xã đạt tiêu chí số 15 về Y tế | Xã |
| 38 | 45 | 51 | 57 | 63 | 68 | |
3.16 | Số xã đạt tiêu chí số 16 về Văn hóa | Xã |
| 65 | 70 | 75 | 77 | 82 | 85 | |
3.17 | Số xã đạt tiêu chí số 17 về Môi trường | Xã |
| 15 | 21 | 27 | 38 | 44 | 50 | |
3.18 | Số xã đạt tiêu chí số 18 về Hệ thống tổ chức chính trị | Xã |
| 49 | 55 | 60 | 63 | 70 | 78 | |
3.19 | Số xã đạt tiêu chí số 19 về An ninh trật tự xã hội | Xã |
| 81 | 85 | 89 | 90 | 92 | 92 | |
4 | Bình quân tiêu chí/xã |
|
| 11,08 | 11,9 | 12,82 | 13,75 | 14,65 | 15,5 | |
III | Một số chỉ tiêu chủ yếu |
|
|
|
|
|
|
|
| |
1 | Thu nhập BQ/người/năm | Triệu đồng | Triệu đồng | 9,22 | 11,99 | 14,75 | 17,52 | 20,28 | 23,05 | |
2 | Tỷ lệ hộ nghèo | % | % |
|
|
|
|
|
| |
3 | Tỷ lệ lao động qua đào tạo | % | % |
|
|
|
|
|
| |
4 | Tỷ lệ người dân tham gia BHYT | % | % | 93,2 |
|
|
|
|
| |
5 | Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh | % | % | 75 | 77 | 79 | 81 | 83 | 85 |
DỰ KIẾN CÁC NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Đ VT: Triệu đồng
STT | Nội dung chỉ tiêu | Tổng cộng | Phân kỳ đầu tư qua các năm | Ghi chú | ||||
2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | ||||
| TỔNG CỘNG | 9.030.949 | 1.889.407 | 1.743.113 | 1.806.881 | 1.795.974 | 1.795.574 |
|
1 | Ngân sách Trung ương | 180.900 | 121.500 | 15.150 | 13.990 | 14.820 | 15.440 |
|
- | Trái phiếu Chính phủ | 75.000 | 75.000 |
|
|
|
|
|
- | Đầu tư phát triển | 70.600 | 30.200 | 10.400 | 9.700 | 10.200 | 10.100 |
|
- | Sự nghiệp kinh tế | 35.300 | 16.300 | 4.750 | 4.290 | 4.620 | 5.340 |
|
2 | Ngân sách địa phương (nguồn tăng thu tỉnh) | 46.000 | 2.600 | 5.200 | 10.400 | 12.700 | 15.100 |
|
- | Tỉnh | 46.000 | 2.600 | 5.200 | 10.400 | 12.700 | 15.100 |
|
- | Huyện | - |
|
|
|
|
|
|
- | Xã | - |
|
|
|
|
|
|
3 | Vốn lồng ghép | 8.208.067 | 1.663.790 | 1.614.140 | 1.665.178 | 1.640.583 | 1.624.376 |
|
| + Vốn đầu tư trong cân đối theo tiêu chí, định mức tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ | 3.045.101 | 609.020 | 650.150 | 568.072 | 612.303 | 605.556 | Nguồn vốn theo Công văn số 916/BKHĐT-TH ngày 05/02/2016 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư |
| + Đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất | 112.500 | 22.500 | 25.600 | 19.400 | 23.680 | 21.320 | |
| + Đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết | 114.000 | 22.800 | 25.300 | 20.300 | 21.780 | 23.820 | |
| + Chương trình MTQG giảm nghèo | 1.337.341 | 267.468 | 275.150 | 259.786 | 280.170 | 254.767 | |
| + Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội các vùng | 3.173.425 | 654.120 | 553.830 | 715.540 | 615.250 | 634.685 | |
| + Chương trình mục tiêu hỗ trợ cho vốn đối ứng ODA cho các địa phương | 98.100 | 19.962 | 20.750 | 18.490 | 17.560 | 21.338 | Nguồn vốn theo Công văn số 916/BKHĐT-TH ngày 05/02/2016 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư |
| + Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư | 63.000 | 12.600 | 13.800 | 11.400 | 13.750 | 11.450 | |
| + Chương trình mục tiêu phát triển y tế địa phương | 63.000 | 13.310 | 11.340 | 11.890 | 13.860 | 12.600 | |
| + Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch: | 60.300 | 13.750 | 10.370 | 11.630 | 12.490 | 12.060 | |
| + Chương trình mục tiêu Quốc phòng an ninh trên địa bàn trọng điểm | 141.300 | 28.260 | 27.850 | 28.670 | 29.740 | 26.780 | |
4 | Vốn cộng đồng dân cư | 595.982 | 101.517 | 108.623 | 117.313 | 127.871 | 140.658 |
|
(1) Than Uyên 90,6 ha, Tân Uyên 517,7; Tam Đường 113,14, Phong Thổ 30 ha, Sìn Hồ 348 ha.
(2) Trong đó: rừng tự nhiên 403.962,81 ha, rừng trồng đã thành rừng 7.761,95 ha, rừng trồng chưa thành rừng 4.375,39 ha.
(3) Quy mô trên 2.350 ha ở các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, sử dụng 01 - 02 giống lúa thuần chất lượng/cánh đồng.
- 1Kế hoạch 69/KH-UBND thực hiện Chương trình 02/CTr-TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015” do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Kế hoạch 188/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" do thành phố Hà Nội ban hành
- 3Chỉ thị 22/CT-UBND năm 2016 về đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020
- 1Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004
- 2Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2009 về Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 800/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Kế hoạch 69/KH-UBND thực hiện Chương trình 02/CTr-TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015” do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 5Quyết định 240/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 8Quyết định 40/2015/QĐ-TTg về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Chỉ thị 26/CT-TTg năm 2015 về đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Công văn 916/BKHĐT-TH năm 2016 thông báo số kiểm tra kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 11Quyết định 558/QĐ-TTg năm 2016 về Tiêu chí huyện nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Nghị quyết 31/2016/NQ-HĐND thông qua đề án phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020
- 13Quyết định 1600/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Kế hoạch 188/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" do thành phố Hà Nội ban hành
- 15Chỉ thị 22/CT-UBND năm 2016 về đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020
Quyết định 1095/QĐ-UBND năm 2016 về phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020
- Số hiệu: 1095/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/08/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
- Người ký: Đỗ Ngọc An
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra