Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 109/QĐ-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 6 năm 1982 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TỔ CHỨC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27 tháng 10 năm 1962;
- Căn cứ Nghị định số 24-CP ngày 2.2.1976 của Hội đồng Chính phủ ban hành bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chánh quyền Nhà nước cấp tỉnh, thành phố trong lĩnh vực quản lý kinh tế;
- Căn cứ quyết định số 312-CP ngày 1.10.1980 của Hội đồng Chính phủ về tăng cường quản lý thị trường;
- Theo đề nghị của đồng chí Trưởng ban Tổ chức chánh quyền thành phố.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Về tổ chức quản lý thị trường ở thành phố được quy định như sau :
Ban quản lý thị trường thành phố trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban quản lý thị trường Quận, Huyện trực thuộc Ủy ban nhân dân Quận, Huyện. Đội kiểm soát và Quản lý thị trường Quận, huyện trực thuộc Ban quản lý quận, huyện và Tổ quản lý thị trường phường, xã trực thuộc Ủy ban nhân dân phường, xã (tại các phường, xã có đầu mối giao lưu hàng hóa hoặc có chợ hoặc có nhiều cơ sở sản xuất chế biến).
Điều 2. -
a/ Ban quản lý thị trường thành phố gồm một bộ phận chuyên trách và một bộ phận không chuyên trách đại diện các ngành, sở.
b/ Ban Quản lý thị trường thành phố có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây :
- Nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành và chỉ đạo thực hiện các chủ trương, biện pháp về quản lý thị trường ớ thành phố, cùng Sở Thương nghiệp chủ động, phối hợp với các ngành triển khai thực hiện các chủ trương và công tác cụ thể về quản lý, cải tạo, tổ chức lại thị trường thành phố.
- Trình Ủy ban nhân dân thành phố quy định việc quản lý các đối tượng kinh doanh hoạt động trên thị trường ; quản lý giá cả tại thành phố, quan hệ với các tỉnh nắm tình hình thị trường giúp Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với các tỉnh, quản lý thị trường khu vực.
- Giúp Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với các đoàn thể đi sâu tuyên truyền, giáo dục cho mọi người thông suốt các chủ trương, chánh sách quản lý thị trường của Nhà nước.
- Tổ chức đào tạo bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, củng cố, kiện toàn và kiểm tra hoạt động của các Ban quản lý thị trường và các Đội kiểm soát quản lý thị trường.
- Kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện và các ngành sản xuất kinh doanh của thành phố và Trung ương, các công ty kinh doanh các tỉnh trên địa bàn thành phố thực hiện tốt các chủ trương, chánh sách, biện pháp kế hoạch thống nhất về quản lý thị trường, báo cáo tình hình quản lý thị trường thành phố phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.
- Làm nòng cốt phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện và các đoàn thể để tiến hành đấu tranh chống bọn buôn lậu, bọn đầu cơ và các hoạt động phạm pháp kinh tế. Nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân thành phố xử lý những vụ vi phạm kinh tế có giá trị hàng hóa từ 30 ngàn đồng trở lên.
- Ban quản lý thị trường thành phố do đồng chí Phó Chủ Tịch Ủy ban n hân d ân thành phố làm Trưởng ban, có từ 1 đến 3 đồng chí làm Phó ban và Ủy viên chuyên trách, trong đó có 1 Phó ban Thường trực và 1 số Ủy viên không chuyên trách là đại diện của một số ngành chức năng như : tài chánh, vật giá, công đoàn, phụ nữ.
- Ban Quản lý thị trường thành phố có văn phòng và một số cán bộ giúp việc (tổng hợp, xử lý, đào tạo, cố vấn pháp luật kinh tế). Số cán bộ này không nhiều, là những cán bộ chọn lọc, có trình độ và phẩm chất.
- Kinh phí hoạt động của Ban quản lý thị trường do ngân sách thành phố đài thọ.
Điều 3.- Ban Quản lý thị trường quận, huyện :
a) Ban Quản lý thị trường quận huyện trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quản lý thị trường trên địa bàn quận, huyện.
b) Ban quản lý thị trường quận, huyện có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Nghiên cứu cụ thể hóa các chủ trương biện pháp của Ủy Ban nhân dân thành phố về quản lý thị trường để thi hành thống nhất trên địa bàn quận, huyện.
- Cùng thương nghiệp quận, huyện đề xuất với Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức lại các hoạt động mua bán, ăn uống, dịch vụ ở các chợ, các đường phố, các đầu mối giao thông trên địa bàn quận, huyện, nhằm thúc đẩy mở rộng hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, kiểm tra giám sát hoạt động của tư thương, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tiểu thương và tư nhân kinh doanh ăn uống dịch vụ.
Hướng dẫn Ủy Ban nhân dân phường, xã, Ban quản lý các chợ về công tác quản lý thị trường. Giáo dục tiểu thương, những người kinh doanh ăn uống, dịch vụ về chánh sách quản lý thị trường.
- Trực tiếp tổ chức quản lý và chỉ đạo hoạt động của Đội Kiểm soát quản lý thị trường quận, huyện. Phối hợp với các ngành chức năng ở quận, huyện, phường, xã, các Ban quản lý chợ, góp phần kiểm tra, giám sát việc chấp hành điều lệ về đăng ký kinh doanh, điều lệ thuế công thương nghiệp, quản lý giá cả và chỉ đạo đấu tranh chống bọn đầu cơ tích trữ, bọn buôn lậu và các vi phạm kinh tế khác. Và các hoạt động buôn bán trái phép của các tổ chức công ty của thành phố của các tỉnh khác và các tổ chức công ty ngành Trung ương trên địa bàn quận, huyện.
- Trong thời gian không quá 30 ngày, hoàn thành hồ sơ, thủ tục để đề nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện ra quyết định xử lý những vụ vi phạm kinh tế có giá trị hàng hóa dưới 30 ngàn đồng.
- Đôn đốc các cơ quan tiếp nhận hàng hóa bị xử lý do vi phạm về kinh tế và thanh toán với ngân sách.
- Giám sát hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh tế trên địa bàn quận, huyện.
- Kiểm tra đôn đốc các ngành, các phường, xã thực hiện tốt chủ trương về quản lý thị trường. Báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo công tác quản lý thị trường.
- Quản lý, sử dụng quỹ tiền thưởng đúng chánh sách. Nộp số tiền xử lý hàng hóa bị tịch thu và tiền phạt vào ngân sách thành phố sau khi đã trích tiền thưởng cho đơn vị theo chế độ quy định.
c) Ban Quản lý thị trường quận, huyện do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện làm Trưởng ban và có 1 đến 2 Phó ban, trong đó, có một chuyên trách và một số Ủy viên không chuyên trách là thành viên của các ngành chức năng : tài chánh, vật giá, công đoàn, phụ nữ quận, huyện. Ban Quản lý thị trường quận, huyện có văn phòng gọn nhẹ giúp cho Ban quản lý thị trường quận, huyện thực hiện công tác quản lý thị trường. Kinh phí hoạt động của Ban Quản lý thị trường quận, huyện và Đội kiểm soát quản lý thị trường quận, huyện do ngân sách quận, huyện đài thọ.
Điều 4.- Đội Kiểm soát quản lý thị trường quận, huyện :
a) Đội Kiểm soát quản lý thị trường quận, huyện trực thuộc Ban Quản lý thị trường quận, huyện, có một Đội trưởng điều khiển và 2 đến 3 Đội phó giúp việc cho Đội trưởng. Đội Trưởng, Đội phó do Trưởng Ban quản lý thị trường quận, huyện đề nghị, Ủy Ban nhân dân quận, huyện bổ nhiệm.
b) Nhiệm vụ, quyền hạn của các Đội kiểm soát quản lý thị trường quận, huyện được quy định riêng.
Điều 5.- Ở mỗi phường, xã có chợ hoặc có đầu mối giao lưu hàng hóa hoặc có nhiều cơ sở sản xuất chế biến được tổ chức một Tổ quản lý thị trường đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân phường, xã. Tổ quản lý thị trường phường, xã có một nhân viên chuyên trách và một số không chuyên trách, gồm có đại diện thanh niên, phụ nữ, thuế, tiểu thủ công nghiệp phường, xã. Trưởng Tổ quản lý thị trường phường, xã là đồng chí Phó Chủ Tịch Ủy ban nhân dân phường, xã.
- Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ quản lý thị trường phường, xã như sau :
- Giúp Ủy ban nhân dân phường, xã kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh mua bán dịch vụ ở địa phương, các đơn vị với các tổ chức mua bán của các quận, công ty thành phố, của các tỉnh khác và của Trung ương trên địa bàn phường, xã, quản lý giá cả, giáo dục tiểu thương và những người kinh doanh ăn uống dịch vụ ở chợ, đường phố.
- Giúp Ủy ban nhân dân phường, xã chỉ đạo công tác đấu tranh chống bọn buôn lậu, đầu cơ nâng giá.
- Lập hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân phường, xã xử phạt những vụ vi phạm kinh tế có giá trị hàng hóa dưới 2000 đồng và mức phạt tối đa là 200 đồng.
- Ủy ban nhân dân phường, xã được trích 25% tiền phạt và tiền truy thu thuế để thực hiện việc khen thưởng, số còn lại nộp vào ngân sách.
- Lương và các chế độ cấp phát khác của nhân viên quản lý thị trường phường, xã do ngân sách quận, huyện đài thọ.
Điều 6.- Ban Quản lý thị trường thành phố và quận, huyện cũng như các Đội Kiểm soát quản lý thị trường quận, huyện có con dấu riêng. Ban Quản lý thị trường thành phố, quận, huyện được mở tài khoản ở ngân hàng.
Điều 7.- Biên chế của các Ban Quản lý thị trường thành phố, quận, huyện, các Đội Kiểm soát quản lý thị trường quận, huyện do Ban Quản lý thị trường thành phố bàn bạc với Ban tổ chức chánh quyền thành phố trình Ủy ban nhân dân quyết định trên nguyên tắc gọn, nhẹ, trọng chất lượng.
Điều 8.- Các quy định trước trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 9.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng ban Tổ chức chánh quyền thành phố, Giám đốc các Sở Thương nghiệp, Sở Tài chánh, Công an thành phố, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp 1962
- 2Quyết định 312-CP năm 1980 về việc tăng cường quản lý thị trường do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 24-CP năm 1976 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
Quyết định 109/QĐ-UB năm 1982 về việc tổ chức quản lý thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh do ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 109/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 16/06/1982
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Đình Nhơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra