Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 109/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 109/2003/QĐ-TTG NGÀY 05 THÁNG 6 NĂM 2003 VỀ VIỆC THÀNH LẬP CÔNG TY MUA, BÁN NỢ VÀ TÀI SẢN TỒN ĐỌNG CỦA DOANH NGHIỆP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 30 tháng 4 năm 1995;
Căn cứ Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ về quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với doanh nghiệp nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại tờ trình số 67 TTr/BTC ngày 29 tháng 11 năm 2002 về đề án thành lập Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Thành lập Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (gọi tắt là Công ty mua, bán nợ) để xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, vật tư ứ đọng kém, mất phẩm chất (dưới đây gọi tắt là nợ và tài sản tồn đọng) góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.

Điều 2. Công ty mua, bán nợ là doanh nghiệp nhà nước, hạch toán kinh tế độc lập, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các Ngân hàng Thương mại theo quy định của pháp luật.

Công ty mua, bán nợ có trụ sở chính tại Hà Nội và các chi nhánh, văn phòng đại diện tại một số tỉnh, thành phố.

Điều 3. Vốn hoạt động của Công ty mua, bán nợ bao gồm :

1. Vốn điều lệ của Công ty là : 2.000 (hai nghìn) tỷ đồng. Trong đó :

a) Ngân sách nhà nước cấp từ nguồn kinh phí cải cách doanh nghiệp nhà nước và các Ngân hàng Thương mại giai đoạn 2001 - 2003 là : 500 (năm trăm) tỷ đồng.

b) Số còn lại được ngân sách nhà nước bổ sung dần đến năm 2005.

2. Các nguồn vốn tự huy động khác gồm : vốn bổ sung từ lợi nhuận, vay tín dụng, phát hành trái phiếu, huy động từ các nguồn hợp pháp khác theo nhu cầu của hoạt động kinh doanh.

Điều 4. Đối tượng và phạm vi kinh doanh của Công ty mua, bán nợ là các khoản nợ và tài sản tồn đọng của các doanh nghiệp và các hoạt động khác quy định tại Điều 5 Quyết định này.

Điều 5. Các hoạt động kinh doanh của Công ty mua, bán nợ bao gồm :

1. Mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (bao gồm cả tài sản và quyền sử dụng đất được sử dụng để bảo đảm cho các khoản nợ) bằng các hình thức : thoả thuận trực tiếp, đấu thầu, đấu giá hoặc theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp nhận để xử lý các khoản nợ và tài sản đã loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

2. Xử lý các khoản nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận :

a) Tổ chức đòi nợ;

b) Bán các khoản nợ và tài sản bằng các hình thức : thoả thuận trực tiếp, đấu thầu, đấu giá;

c) Sử dụng các khoản nợ, tài sản để đầu tư dưới các hình thức : góp vốn cổ phần, góp vốn liên doanh, hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật;

d) Bảo quản, sửa chữa, nâng cấp tài sản để bán, cho thuê, đầu tư, tổ chức sản xuất kinh doanh, liên doanh khai thác tài sản.

3. Huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu mua nợ để mua một khoản nợ nhất định có giá trị lớn, có tài sản bảo đảm.

4. Tư vấn, môi giới xử lý nợ và tài sản tồn đọng.

5. Kinh doanh những ngành nghề khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của Công ty mua, bán nợ:

1. Công ty có các quyền :

a) Được thực hiện các quyền của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước;

b) Được khai thác các thông tin, dữ liệu có liên quan để phục vụ cho hoạt động mua, bán, tiếp nhận các khoản nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý chuyên ngành như : Cơ quan thuế, cơ quan tài chính doanh nghiệp, Ngân hàng Thương mại, cơ quan đăng ký kinh doanh, Trung tâm giao dịch chứng khoán... nhằm bảo đảm cho hoạt động mua, bán nợ và tài sản có hiệu quả;

c) Được xác lập quyền sở hữu, quyền quản lý theo quy định của pháp luật đối với tài sản đã mua và tiếp nhận;

d) Tham gia với các doanh nghiệp con nợ liên quan trong việc xây dựng và thực hiện phương án cơ cấu lại các khoản nợ, phương án tổ chức sản xuất kinh doanh nhằm khôi phục, phát triển các doanh nghiệp này để có nguồn trả nợ;

đ) Được yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đã sắp xếp, chuyển đổi sở hữu chuyển giao nợ và tài sản tồn đọng đã loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu kèm theo các tài liệu liên quan.

2. Công ty có các nghĩa vụ :

a) Thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước;

b) Cung cấp đầy đủ thông tin và tạo điều kiện cho khách hàng tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến hoạt động mua, bán các khoản nợ và tài sản tồn đọng do Công ty thực hiện;

c) Thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ và tài sản tồn đọng theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ hoặc được giao theo quy định hiện hành.

Điều 7. Những nội dung chủ yếu về cơ chế tài chính của Công ty mua, bán nợ.

1. Kinh doanh mua, bán nợ và tài sản tồn đọng theo giá thoả thuận, bảo đảm kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trường hợp Công ty thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ và tài sản tồn đọng tại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí.

2. Doanh thu, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của Công ty mua, bán nợ :

a) Doanh thu của Công ty bao gồm :

- Số tiền thực tế thu được do đòi nợ, do bán lại các khoản nợ;

- Tiền thu từ bán tài sản;

- Tiền thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Các khoản thu từ góp vốn liên doanh, góp vốn cổ phần, hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật;

- Phí và hoa hồng được hưởng từ các hoạt động tư vấn, môi giới xử lý nợ và tài sản tồn đọng;

- Giá trị thu hồi từ hoạt động bán cổ phần hoặc chuyển nhượng vốn góp;

- Tiền thu từ các hoạt động cho thuê, liên doanh khai thác tài sản;

- Tiền thu khác.

b) Chi phí kinh doanh của Công ty bao gồm :

- Chi phí mua nợ, tài sản;

- Chi phí đòi nợ;

- Chi phí tư vấn, môi giới xử lý nợ và tài sản tồn đọng;

- Chi phí cho hoạt động bán nợ, bán cổ phần và chuyển nhượng vốn góp;

- Chi phí bảo quản, đầu tư sửa chữa, nâng cấp tài sản;

- Chi phí khác có liên quan đến mua, bán, tiếp nhận xử lý nợ và tài sản tồn đọng;

- Chi phí quản lý Công ty.

c) Lợi nhuận và cơ chế phân phối lợi nhuận của Công ty thực hiện theo quy định đối với doanh nghiệp nhà nước.

3. Tiền lương, tiền thưởng của người lao động trong Công ty được xác định theo quy định đối với doanh nghiệp nhà nước.

Điều 8. Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định :

1. Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý và điều hành của Công ty.

2. Bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên trong Ban lãnh đạo của Công ty.

3. Cơ chế tài chính, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty.

4. Thí điểm thực hiện xử lý nợ và tài sản tồn đọng tại 20 doanh nghiệp nhà nước nằm trong chương trình cải cách có nợ và tài sản tồn đọng từ 5 tỷ đồng trở lên để rút kinh nghiệm và hoàn thiện cơ chế hoạt động của Công ty mua, bán nợ.

Điều 9. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc các Tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 109/2003/QĐ-TTg thành lập Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 109/2003/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/06/2003
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 62
  • Ngày hiệu lực: 11/07/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản