- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Thông tư 03/2008/TT-BKH hướng dẫn Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quyết định 281/2007/QĐ-BKH ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ yếu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1085/QĐ-UBND | Kiên Giang, ngày 20 tháng 5 năm 2014 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông báo số 1876-TB/TU ngày 26 tháng 3 năm 2014 của Tỉnh ủy về ý kiến kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòn Đất đến năm 2020;
Căn cứ Biên bản số 113/BB-HĐTĐ ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòn Đất đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 111/TTr-SKHĐT ngày 24 tháng 4 năm 2014 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòn Đất đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòn Đất đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Phát huy, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, trước hết là nội lực để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ yếu như: Lúa, tôm, khai thác đá, du lịch... Tập trung đầu tư, kết hợp giữa đầu tư theo chiều rộng đi đôi với đầu tư theo chiều sâu một cách hợp lý nhằm phát triển nông nghiệp chất lượng cao với mô hình sản xuất tổng hợp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản, chế biến nông sản, cơ khí sửa chữa, các ngành dịch vụ đáp ứng yêu cầu phát triển.
2. Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo; phát triển y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.
3. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
4. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, có giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong bố trí quy hoạch, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với quy hoạch bố trí dân cư đô thị và nông thôn.
1. Mục tiêu tổng quát
Tập trung khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của huyện để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Thực hiện có hiệu quả các vấn đề văn hóa - xã hội, trong đó chăm lo tốt hơn cho an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường quốc phòng an ninh đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững mạnh toàn diện.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Về phát triển kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13% - 13,5% thời kỳ 2011-2015 và 12,5% - 13% thời kỳ 2016-2020. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 2.300 USD và 3.620 USD năm 2020.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực bền vững, đến năm 2015 cơ cấu các ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ lần lượt là 68% - 10,7% - 21,3%; đến năm 2020 là 53,1% - 15,7% - 31,2%.
- Năm 2015, sản lượng lúa đạt 1.037.980 tấn, sản lượng thủy sản đạt 84.990 tấn; đến năm 2020, sản lượng lúa đạt 1.050.582 tấn, sản lượng thủy sản đạt 111.451 tấn.
- Đến năm 2015, có 3 xã (Mỹ Lâm, Sơn Kiên, Thổ Sơn) đạt xã nông thôn mới, các xã còn lại đạt 50% tiêu chí trở lên. Đến năm 2020, có thêm 9 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
2.2. Về phát triển xã hội
- Giảm tỷ lệ sinh bình quân hàng năm từ 0,2‰ để đến năm 2015 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 9,4‰, đến năm 2020 là 8,8‰.
- Đến năm 2015: Đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, 100% trạm y tế có bác sĩ. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 7% vào năm 2015 và 3% năm 2020.
- Hàng năm giải quyết việc làm cho 3.000 - 3.500 lao động, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46% vào năm 2015 và 66% năm 2020, trong đó đào tạo nghề là 40% - 56%.
- Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh là 85% vào năm 2015 và 98% vào năm 2020. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện đến năm 2015 là 98%, đến năm 2020 là 99%.
- Năm 2020 có trên 80% nhà kiên cố và bán kiên cố.
- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2015 là 75% và 90% vào năm 2020.
- Đến năm 2020, các cụm công nghiệp, bệnh viện, khu đô thị mới có hệ thống xử lý chất thải, nước thải đảm bảo tiêu chuẩn. Các hộ dân cư có nhà vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh.
III. Định hướng phát triển ngành, lĩnh vực
1. Ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản
Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao với mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất tổng hợp trên đất lúa với các loại cây trồng như: Rau màu, khoai lang, dưa hấu… Hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao cung cấp cho các nhà máy chế biến đường, khóm của tỉnh.
Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung với các loại trâu, bò, heo, gia cầm. Tập trung phát triển ngành nghề khai thác thủy sản theo hướng đánh bắt xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đầu tư hệ thống thủy lợi, điện và các điều kiện sản xuất khác để phát triển nuôi tôm, trong đó chú ý mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi tôm lúa; đồng thời mở rộng diện tích nuôi các loại nhuyễn thể ven bãi triều; nuôi cua, nuôi cá trong các ao, hồ và trong ruộng lúa, trong rừng.
Trồng, chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất đảm bảo độ che phủ và kết hợp trồng cây phân tán cung cấp một phần nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ, phục vụ phát triển du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng nông thôn mới với cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội hoàn chỉnh, tổ chức sản xuất với quy mô tập trung, hiệu quả kinh tế bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, chất lượng ngày càng cao.
2. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguyên liệu và lợi thế sẵn có của huyện với các ngành công nghiệp: Khai thác đá, chế biến than bùn, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, cơ khí đóng tàu. Nâng cao hiệu quả các ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: Sản xuất dụng cụ sinh hoạt bằng đất nung, sửa chữa nhỏ. Tập trung đầu tư và kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư cụm công nghiệp Lình Huỳnh gắn vùng nguyên liệu với các khu cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá.
3. Phát triển thương mại - dịch vụ:
- Phát triển đa dạng các loại hình tổ chức và phương thức hoạt động thương mại, phát triển các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh và các loại hình doanh nghiệp thương mại lớn với hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại. Phát triển thương mại hàng hóa gắn kết với đầu tư, sản xuất và tiêu thụ. Phát triển hình thức mua bán tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại. Đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, xây dựng mới chợ Vạn Thanh (xã Thổ Sơn), Kinh Hãng (xã Mỹ Thuận), Kiên Hảo (xã Mỹ Hiệp Sơn), chợ cầu Số 2 (xã Mỹ Lâm), chợ xã Hòn Sóc, Sơn Bình, Đập Đá (xã Mỹ Phước).
- Tập trung nguồn lực đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của huyện. Trước mắt nâng cao hiệu quả hoạt động các điểm du lịch. Lập quy hoạch chi tiết và kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư dự án du lịch Hang Hòn, chùa Hòn Quéo; phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống gốm sứ ở thị trấn Hòn Đất. Phát triển các loại hình du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, đồng bộ với tuyến du lịch trọng điểm Rạch Giá - Hòn Đất - Kiên Lương - Hà Tiên. Ngoài đầu tư phát triển các loại hình du lịch cần đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, khu vui chơi giải trí tại các điểm du lịch này.
- Phát triển vận tải đồng bộ từ vận tải thủy bộ, vận tải hàng hóa, hành khách, mở rộng tuyến vận tải liên huyện, liên vùng, phát triển số lượng phương tiện vận tải đi đôi với nâng cao chất lượng phương tiện và phong cách phục vụ văn minh, hiện đại.
- Thực hiện nhanh phổ cập các dịch vụ bưu chính viễn thông có chất lượng trên toàn huyện, hoàn thiện mạng lưới điểm phục vụ, trạm viễn thông; đa dạng hóa dịch vụ đến tất cả các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã, phát triển bưu chính theo hướng hoàn thiện chất lượng phục vụ. Xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với công nghệ tiên tiến, độ phủ đến các xã, ấp với thông lượng lớn, tốc độ chất lượng cao; phổ cập các dịch vụ viễn thông và internet, ưu tiên phát triển nhanh các dịch vụ mới. Xây dựng hệ thống thư viện, thư viện điện tử cho các điểm bưu điện văn hóa xã. Đẩy mạnh việc cung ứng truy cập internet trong cộng đồng và mở rộng đến các điểm văn hóa xã.
- Mở rộng số lượng và quy mô hệ thống ngân hàng tới địa bàn các xã trong huyện nhằm đáp ứng yêu cầu giao dịch thuận tiện cho người dân. Hệ thống ngân hàng phát triển đa dạng với các hình thức huy động vốn nhằm thu hút vốn nhàn rỗi trong dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất tiếp cận với nguồn vốn vay, đặc biệt là chương trình vay vốn cho người nghèo, đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay cho sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống.
- Dịch vụ bảo hiểm: Tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng các loại dịch vụ bảo hiểm trên địa bàn huyện. Khuyến khích sự hợp tác giữa các công ty bảo hiểm với các tổ chức tín dụng trong huyện nhằm cung cấp dịch vụ bảo hiểm đến người dân một cách hiệu quả.
4. Nguồn nhân lực và các vấn đề xã hội:
4.1. Dân số, lao động, giảm nghèo và an sinh xã hội
- Thực hiện tốt Chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ sinh hàng năm từ 0,2‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 0,94% vào năm 2015 và 0,88% năm 2020, để đến năm 2020 dân số toàn huyện đạt khoảng 190.000 người. Năm 2015, tỷ lệ dân số đô thị chiếm 20,2% dân số, đến năm 2020 chiếm tỷ lệ 26,3% dân số.
- Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Đến năm 2015, tỷ trọng lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng và dịch vụ lần lượt là 69% - 11,6% - 19,4% và đến năm 2020 là 61,6% - 15,4% - 23%. Hàng năm giải quyết việc làm cho 3.000 - 3.500 lao động, giảm tỷ lệ lao động chưa có việc làm còn 2% - 1,5%. Đến năm 2015, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 46%, năm 2020 đạt 66%.
- Thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách của Nhà nước thuộc chương trình giảm nghèo. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3% năm 2015 và 1,5% năm 2020.
- Thực hiện tốt công tác chăm lo cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng, hoàn thành kế hoạch xây dựng nhà tình nghĩa. Hàng năm hỗ trợ vốn và hướng dẫn sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống của các gia đình chính sách. Đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo hỗ trợ người nghèo. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc.
4.2. Giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Tiếp tục thực hiện đổi mới chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí trong huyện ngang bằng với trình độ chung của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sắp xếp, quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp các cấp, đến năm 2015 các xã đều có trường mầm non, nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia từ 50 - 80%, thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tăng tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp, hạn chế thấp nhất tỷ lệ học sinh bỏ học. Duy trì kết quả phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Đổi mới công tác quản lý giáo dục, bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Tăng cường công tác hướng nghiệp dạy nghề, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên, hội khuyến học từ huyện đến cơ sở và trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn.
4.3.Y tế
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, quan tâm đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ y tế. Đầu tư, nâng cao chất lượng điều trị của Bệnh viện huyện; củng cố, tăng cường tuyến y tế cơ sở, phấn đấu 100% trạm y tế có bác sĩ, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ y tế ấp. Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tăng cường chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ. Vận động nhân dân mua bảo hiểm y tế và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế tự nguyện cho hộ cận nghèo, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển sự nghiệp y tế, tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, đảm bảo hoạt động theo đúng pháp luật. Đầu tư, tăng cường trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế Bệnh viện huyện, trạm y tế các xã, phấn đấu đạt 14,3 giường bệnh và 3 bác sĩ/vạn dân vào năm 2015; đến năm 2020 là 17,2 giường và 4,7 bác sĩ/vạn dân.
4.4. Văn hóa - Thể dục thể thao
Tiếp tục củng cố, nâng lên chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tích cực tranh thủ và huy động mọi nguồn lực từ nhiều nguồn bằng nhiều hình thức thích hợp, xây dựng thiết chế văn hóa, thể dục thể thao ở huyện, xã. Mở rộng hơn nữa phong trào thể dục thể thao trong nhân dân, nâng tỷ lệ dân số tập luyện thể thao thường xuyên đạt 26% năm 2015 và 30% năm 2020. Tăng cường quản lý nhà nước các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên lĩnh vực này, đặc biệt đối với các tụ điểm gần trường học.
4.5. Khoa học công nghệ
Thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất kinh doanh. Trong nông nghiệp, tập trung đầu tư ứng dụng chuyển giao công nghệ mới về giống cây trồng, vật nuôi, mô hình sản xuất đa canh tổng hợp hiệu quả và bền vững, kỹ thuật về chế biến hải sản, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ sinh học, áp dụng các tiến bộ trong sản xuất công nghiệp để nâng cao giá trị hàng hóa, tăng sức cạnh tranh đồng thời thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ứng dụng công nghệ mới về quản lý ô nhiễm môi trường, sản xuất bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các tài nguyên không tái tạo. Tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của huyện, trước hết quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học quản lý của huyện, có chính sách thu hút lao động có trình độ kỹ thuật về công tác tại huyện. Kiện toàn tổ chức, tăng cường lực lượng đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, khuyến ngư, khuyến nông... để chuyển giao nhanh kiến thức cho người dân.
5. Phát triển kết cấu hạ tầng
5.1. Thủy lợi
Đầu tư xây dựng hệ thống đê biển, kênh cấp 1, kênh cấp 2, thủy lợi nội đồng và xây dựng các trạm bơm điện trên địa bàn huyện phù hợp với quy hoạch thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên theo hướng đa mục tiêu, kiểm soát lũ, ngăn mặn, ngọt hóa, thau chua xổ phèn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp - dịch vụ. Phát triển hệ thống thủy lợi gắn với bố trí dân cư và phát triển mạng lưới giao thông. Đầu tư xây dựng cảng cá, khu neo đậu tránh bão Lình Huỳnh, bến cá Vàm Răng.
5.2. Phát triển hệ thống giao thông
- Đầu tư hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ (QL), tỉnh lộ (ĐT) trên địa bàn huyện như: QL.80, đường hành lang ven biển phía Nam, đường bộ ven biển, đường tỉnh kênh Tám Ngàn (ĐT.970), đường tỉnh Tri Tôn - Hòn Đất (ĐT.969), đường Gàn Gừa - Thổ Sơn - Lình Huỳnh (ĐT.963B).
- Quy hoạch hệ thống đường huyện (ĐH): Nâng cấp toàn bộ ĐH.Sơn Bình đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng; nâng cấp tuyến ĐH.Nam Thái Sơn, ĐH.Mỹ Thái, ĐH.Mỹ Hiệp Sơn, ĐH.Kiên Hảo đạt tiêu chuẩn cấp VI đồng bằng.
- Tuyến đường xã: Quy hoạch đạt cấp B đường giao thông nông thôn, mặt đường rộng 2,5m, nền rộng 4,5m, kết cấu mặt đường bê tông xi măng hoặc láng nhựa, các cầu trên tuyến đường xã đảm bảo trọng tải tối thiểu 2,5T. Đối với những tuyến đường thôn, ấp của xã xây dựng đạt cấp C với mặt đường rộng 2m, nền rộng 3m, lộ giới 18m. Ở những xã có điều kiện, khuyến khích xây dựng cấp cao hơn (A hoặc VI). Mục tiêu đến năm 2015 có 100% đường đến trung tâm các xã được nhựa hóa, 50% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Giai đoạn đến năm 2015, xây dựng mới 92,9km, nâng cấp 25,8km. Giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng mới 218,6km, nâng cấp 193,4km.
- Đường thủy: Kết hợp với hệ thống thủy lợi, nạo vét các tuyến giao thông thủy hiện nay. Các tuyến kênh vận tải thủy cấp III phải đảm bảo tĩnh không cầu bắc ngang tối thiểu 7m, khẩu độ 30m; tuyến kênh vận tải thủy cấp IV tối thiểu 6m, khẩu độ 25m; tuyến kênh vận tải thủy cấp V tối thiểu 3,5m, khẩu độ 20m.
5.3. Điện
Giai đoạn đến năm 2015, xây dựng 173,8km đường dây trung thế, 103,6km đường dây hạ thế và các trạm biến áp có tổng công suất là 20.196KVA. Giai đoạn 2016-2020 đầu tư 260,7km đường dây trung thế, 417,12km đường dây hạ thế và các trạm biến áp có tổng công suất là 25.000KVA.
5.4. Cấp nước - vệ sinh môi trường
- Cấp nước đô thị: Nâng công suất trạm cấp nước thị trấn Hòn Đất lên 10.000 - 15.000m3/ngày, sử dụng từ nguồn cấp nước Rạch Giá; về lâu dài có thể bổ sung từ nhà máy nước Sông Hậu II và III, kết nối với hệ thống cấp nước Kiên Giang. Đầu tư hệ thống cung cấp nước cho các đô thị: Sóc Sơn, Thổ Sơn, Mỹ Lâm.
- Cấp nước nông thôn: Đến năm 2015, nâng công suất cụm cấp nước Vạn Thanh 30m3/h, Lình Huỳnh 50m3/h, Bình Giang 20m3/h, Bình Sơn 20m3/h. Đầu tư xây mới cụm cấp nước Mỹ Thái 30m3/h, Mỹ Thuận 50m3/h, Mỹ Hiệp Sơn 50m3/h, Mỹ Phước 50m3/h. Giai đoạn 2016-2020, đầu tư cụm cấp nước cụm xã Bình Sơn 120m3/h, Mỹ Hiệp Sơn 180m3/h, Thổ Sơn 80m3/h, Nam Thái Sơn 260m3/h.
- Xử lý chất thải rắn: Nâng cao hiệu quả hoạt động nhà máy xử lý rác hiện hữu tại xã Mỹ Lâm, đồng thời nâng công suất đạt 600 - 700 tấn/ngày vào năm 2020. Xây dựng lò đốt rác y tế đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định. Tại trung tâm các xã, cụm dân cư tập trung xây dựng các bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh quy mô khoảng 01 ha. Các khu chăn nuôi tập trung cần xây dựng hầm biogas để tận dụng làm khí đốt và bảo vệ môi trường.
6. Quốc phòng an ninh
Thực hiện Đề án quy hoạch xây dựng khu vực phòng thủ huyện từ năm 2011 đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Trong đó tập trung xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần; tiềm lực kinh tế và tiềm lực quốc phòng - an ninh.
IV. Định hướng phát triển không gian, lãnh thổ
1. Định hướng sử dụng đất
- Đến năm 2015 diện tích đất nông nghiệp toàn huyện đạt khoảng 83.258ha; đến năm 2020 đạt khoảng 83.998ha.
- Đất lâm nghiệp: Đến năm 2015, diện tích đất lâm nghiệp toàn huyện là 12.659ha, đến năm 2020 đạt khoảng 11.919ha, trong đó bao gồm: 4.827ha đất rừng sản xuất và 7.092ha đất rừng phòng hộ.
- Đất phi nông nghiệp: Định hướng đến năm 2015 diện tích đất phi nông nghiệp của huyện là 7.764ha và năm 2020 là 8.064ha.
2. Định hướng phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn
2.1. Định hướng phát triển hệ thống đô thị
- Thị trấn Hòn Đất là đô thị loại V và là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Hòn Đất, có diện tích 3.295ha, quy mô dân số đến năm 2025 dự kiến khoảng 25.000 - 30.000 người.
- Tập trung đầu tư, phát triển đô thị Thổ Sơn thành trung tâm dịch vụ, du lịch của huyện gắn với phát triển cụm du lịch Hòn Đất - Hòn Me - Hòn Quéo. Đến năm 2025, trở thành đô thị loại V với quy mô dân số dự kiến khoảng 5.000 - 7.000 người.
- Phát triển thị trấn Sóc Sơn thành đô thị loại V, với quy mô dân số vào năm 2025 dự kiến là 35.000 - 40.000 người và là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện dự kiến chia tách sau năm 2015.
- Phát triển đô thị Mỹ Lâm thành trung tâm kinh tế của huyện dự kiến chia tách sau năm 2015, quy mô dân số đến năm 2025 dự kiến khoảng 10.000 người.
2.2. Định hướng phát triển dân cư nông thôn
- Dự báo đến năm 2020, dân cư nông thôn của huyện khoảng 140.000 người, trong đó dân cư tập trung tại các trung tâm chiếm 45 - 50% dân số, còn lại phân bố theo cụm, tuyến.
- Bố trí các điểm dân cư phải thuận lợi cho phát triển sản xuất và giao thương hàng hóa, đảm bảo sinh hoạt và ổn định đời sống lâu dài của người dân nông thôn. Lựa chọn và bố trí xây dựng các khu, điểm dân cư phải có đầy đủ quỹ đất xây dựng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cơ bản được đầu tư hoàn chỉnh.
2.3. Định hướng điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã
Thực hiện theo Đề án quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt. Phương án, lộ trình chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính sẽ được cụ thể trong đề án của từng giai đoạn, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương.
V. Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư (phụ lục kèm theo)
1. Giải pháp về huy động vốn
Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòn Đất đến năm 2020 là 38.013 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 là 12.546 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 25.467 tỷ đồng, bao gồm các nguồn:
- Nguồn vốn ngân sách nhà nước: Gồm vốn ngân sách Trung ương và địa phương chiếm 30% tổng vốn đầu tư. Nguồn vốn này chủ yếu tập trung đầu tư các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng xã hội, tạo động lực cho phát triển.
- Nguồn vốn dân doanh có tác động lớn trong đầu tư phát triển kinh tế của huyện, nguồn vốn này chiếm trên 45% tổng vốn đầu tư.
- Nguồn vốn kêu gọi đầu tư: Chủ yếu đầu tư các dự án trong cụm công nghiệp, khu đô thị, dân cư và một số dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Nguồn vốn này chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư.
2. Phát triển nguồn nhân lực
Quan tâm phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tập trung xây dựng nông thôn mới và đào tạo nguồn nhân lực của địa phương. Trước hết nâng cao chất lượng giáo dục các cấp, nâng cao mặt bằng dân trí của huyện ngang bằng với mức bình quân chung của toàn vùng. Mở rộng quy mô đào tạo nghề, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cán bộ công chức quản lý nhà nước, cán bộ sự nghiệp y tế, giáo dục trên địa bàn huyện. Phát huy nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực ngoài huyện với chính sách đãi ngộ khuyến khích phù hợp. Đào tạo nguồn nhân lực theo hướng vừa kết hợp đào tạo theo kế hoạch của Nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo.
3. Phát triển khoa học công nghệ
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án sản xuất nhằm đưa nhanh tiến bộ khoa học vào sản xuất trên cơ sở gắn kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ và liên kết “bốn nhà”. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, tài sản, trí tuệ theo hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO).
- Tăng cường năng lực hoạt động của mạng lưới khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công... từ huyện đến cơ sở. Thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người sản xuất, tiến bộ trong canh tác, sản xuất kinh doanh, bảo quản sau thu hoạch, chế biến nông thủy sản, sử dụng hiệu quả tài nguyên không tái tạo.
- Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, điện khí hóa trong sản xuất, kết hợp giữa đổi mới công nghệ với bảo vệ môi trường sinh thái. Làm tốt công tác xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học của huyện.
4. Phát triển các thành phần kinh tế
- Phối hợp thực hiện tốt việc sắp xếp, cổ phần hóa đổi mới doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn huyện. Đổi mới, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của công ty có vốn nhà nước.
- Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân theo các loại hình doanh nghiệp, thực hiện tốt cơ chế chính sách, kêu gọi đầu tư, hoàn thiện môi trường kinh doanh, huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, khai thác các tiềm năng của huyện.
- Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể theo cơ chế thị trường. Đa dạng các loại hình hợp tác sản xuất kinh doanh tổng hợp và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ hợp tác và Hợp tác xã.
- Phát triển các mô hình trang trại nhằm đưa kinh tế của huyện phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phù hợp với quy hoạch nông nghiệp - nông thôn.
5. Nâng cao năng lực quản lý điều hành chính quyền các cấp
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong đó, nâng lên chất lượng hiệu quả cơ chế 1 cửa và 1 cửa liên thông. Thực hiện tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước từ huyện đến cơ sở theo hướng ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với quy hoạch, đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức lại đơn vị hành chính. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện, nhất là các khiếu kiện có liên quan đến đất đai. Thực hiện tốt Luật Cán bộ, công chức, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Điều 2. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòn Đất căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện nêu trong quy hoạch được phê duyệt có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Tuyên truyền, phổ biến công khai, rộng rãi các mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo nội dung quy hoạch được duyệt đến các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế - chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện được biết, thực hiện.
2. Tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch này và các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực liên quan. Lập các kế hoạch 5 năm, hằng năm; các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trọng điểm; các dự án cụ thể để tập trung đầu tư, bố trí ưu tiên đầu tư một cách hợp lý.
3. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh nghiên cứu ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện địa phương nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
4. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch; xử lý kịp thời những bất cập và đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình mới, hòa nhập vào xu thế phát triển chung của tỉnh và cả nước.
Điều 3. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân huyện Hòn Đất trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển ngành, lĩnh vực theo quy hoạch trên địa bàn huyện; hỗ trợ và tạo điều kiện cho huyện hoàn thành các mục tiêu quy hoạch đề ra.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòn Đất và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| CHỦ TỊCH |
CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HÒN ĐẤT GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 1085/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
STT | DANH MỤC CÁC DỰ ÁN |
A | CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC DO TRUNG ƯƠNG, TỈNH, HUYỆN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN |
1 | Quốc lộ 80, đường hành lang ven biển phía Nam |
2 | Đường ven biển |
3 | Các tuyến tỉnh lộ: Tám Ngàn, Tri Tôn - Hòn Đất, Gàn Gừa - Thổ Sơn - Lình Huỳnh |
4 | Các tuyến đường huyện và xã |
5 | Tuyến đê biển đoạn qua địa bàn huyện |
6 | Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản Vàm Răng - Ba Hòn |
7 | Cảng cá, khu neo đậu tàu cá tránh bão Lình Huỳnh, bến cá Vàm Răng |
8 | Hệ thống thủy lợi kinh cấp 1, cấp 2 |
9 | Chương trình xây dựng nông thôn mới |
10 | Chương trình kiên cố hóa trường lớp |
11 | Xây dựng thiết chế văn hóa thể thao huyện - xã |
12 | Đầu tư bệnh viện huyện, trạm y tế xã |
13 | Xây dựng trung tâm hành chính huyện mới chia tách |
B | CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ TỪ NGUỒN VỐN NGOÀI NGÂN SÁCH |
1 | Các dự án về vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát triển rau màu, chăn nuôi gia súc, nuôi tôm - cá, vùng nguyên liệu cho chế biến đường, khóm, chế biến gỗ |
2 | Các dự án về sản xuất gạch không nung, khai thác đá, khai thác than bùn, chế biến gạo, thủy sản |
3 | Phát triển cụm du lịch Hòn Đất - Hòn Me - Hòn Quéo |
4 | Cụm công nghiệp Lình Huỳnh |
5 | Khu đô thị Thổ Sơn |
6 | Khu dân cư tập trung xã Lình Huỳnh |
7 | Nghĩa trang nhân dân |
8 | Trung tâm thương mại huyện - chợ xã |
- 1Luật phòng, chống tham nhũng 2005
- 2Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2005
- 3Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 6Thông tư 03/2008/TT-BKH hướng dẫn Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quyết định 281/2007/QĐ-BKH ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ yếu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 7Luật cán bộ, công chức 2008
- 8Quyết định 1228/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đến năm 2020
- 9Quyết định 1229/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đến năm 2020
Quyết định 1085/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang đến năm 2020
- Số hiệu: 1085/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/05/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
- Người ký: Lê Văn Thi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 20/05/2014
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực