Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1081/QĐ-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 17 tháng 08 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC KHUYẾN NGHỊ THEO CƠ CHẾ RÀ SOÁT ĐỊNH KỲ PHỔ QUÁT (UPR) CHU KỲ 2 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Quyết định số 2057/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Cổng TTĐT Bộ LĐTBXH;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Ngoại giao;
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền (Bộ CA);
- Lưu: VT, HTQT(TH).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đào Hồng Lan

 

KẾ HOẠCH CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC KHUYẾN NGHỊ THEO CƠ CHẾ RÀ SOÁT ĐỊNH KỲ PHỔ QUÁT (UPR) CHU KỲ 2 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1081/QĐ-LĐTBXH ngày 17/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) là cơ chế được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thiết lập năm 2007 nhằm đánh giá thường xuyên một cách toàn diện, khách quan tình hình thực hiện các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền của tất cả 193 nước thành viên Liên hợp quốc thông qua các báo cáo quốc gia. Báo cáo UPR được các quốc gia thành viên thực hiện theo chu kỳ 04 năm và tiến hành bảo vệ trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Tại Khóa họp thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ngày 20 tháng 6 năm 2014, Việt Nam đã bảo vệ thành công Báo cáo UPR chu kỳ 2 trong bối cảnh vừa trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 với số phiếu cao nhất trong số các ứng cử viên. Sau phiên họp rà soát, Việt Nam chấp nhận 182 khuyến nghị trong tổng số 227 khuyến nghị từ các nước. Các khuyến nghị được chấp nhận xuất phát từ chính sách và cam kết nhất quán của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về quyền con người, đặc biệt là cam kết tự nguyện của Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Do đó, việc nghiêm túc thực hiện các nội dung khuyến nghị đã chấp nhận là một yêu cầu bắt buộc và cần được ưu tiên trong kế hoạch công tác của các bộ, ngành.

Ngày 30 tháng 5 năm 2014, Văn phòng Chính phủ có công văn số 954/VPCP-NC thông báo về việc chấp thuận các khuyến nghị UPR chu kỳ 2 và phân công cho các bộ, ngành thực hiện.

Ngày 23 tháng 11 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2057/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Kế hoạch này giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để triển khai các khuyến nghị Việt Nam đã chấp nhận.

Trong kế hoạch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao làm đầu mối báo cáo về quyền con người và chủ trì thực hiện các khuyến nghị liên quan đến người lao động, các đối tượng dễ bị tổn thương, gồm phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, các quyền kinh tế - xã hội liên quan đến giảm nghèo, an sinh xã hội và phối hợp thực hiện các khuyến nghị khác, tập trung ở các nhóm vấn đề sau:

1. Quyền kinh tế - xã hội và văn hóa gồm quyền của người lao động, quyền tiếp cận an sinh xã hội, giáo dục, y tế, chống lao động cưỡng bức, tạo cơ hội việc làm và thị trường lao động;

2. Hợp tác quốc tế về quyền con người, đặc biệt liên quan đến phát huy và bảo vệ quyền của phụ nữ, phòng, chống mua bán người;

3. Đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương gồm phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng thuộc chính sách bảo trợ xã hội, kể cả nạn nhân bị mua bán người;

4. Thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người bao gồm việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, việc tuân thủ cơ chế báo cáo của các cơ quan Công ước;

5. Gia nhập các Công ước quốc tế về quyền con người trong lĩnh vực có liên quan gồm các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di cư và các thành viên gia đình họ;

6. Tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người, vấn đề giới, bình đẳng giới và không phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Thể hiện sự quan tâm, nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người, các cam kết quốc tế về quyền con người trong lĩnh vực lao động và xã hội.

- Xác định các giải pháp, hành động cụ thể để thực hiện các khuyến nghị đã được Việt Nam chấp nhận thuộc nhiệm vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2018.

- Xác định trách nhiệm cụ thể của mỗi đơn vị, cơ quan trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện các khuyến nghị, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan từ trung ương tới địa phương.

- Làm cơ sở để các đơn vị lồng ghép trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch công tác của Bộ trong giai đoạn 2016 - 2020.

- Làm cơ sở để theo dõi, rà soát, báo cáo về tình hình quyền con người và vận động các nguồn lực trong nước và quốc tế cho việc thực hiện các công tác liên quan đến quyền con người trong lĩnh vực lao động và xã hội.

III. MỤC TIÊU

- Đảm bảo thực hiện có hiệu quả quyền con người trong lĩnh vực lao động và xã hội.

- Nâng cao nhận thức về trách nhiệm thực hiện công tác đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực lao động và xã hội của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức trong xã hội.

IV. NỘI DUNG

1. Tăng cường nâng cao nhận thức về thực hiện quyền con người

- Đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách, quy định của pháp luật về quyền con người cho các bên liên quan và cộng đồng để nâng cao ý thức thực hiện các chính sách, quy định pháp luật về quyền con người trong lĩnh vực lao động và xã hội.

- Nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vấn đề giới, bình đẳng giới và không phân biệt đối xử trên cơ sở giới, xây dựng, củng cố các chính sách và chiến lược nâng cao nhận thức về giới.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người trong lĩnh vực lao động và xã hội.

2. Xem xét và phê chuẩn các công ước quốc tế về quyền con người

Lập kế hoạch, triển khai nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về khả năng phê chuẩn các công ước về quyền của người lao động, đặc biệt là Công ước số 87 về quyền tự do lập hội, Công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức, Công ước số 189 về lao động giúp việc gia đình, Công ước số 159 về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của người khuyết tật và Công ước của Liên hợp quốc về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di cư và thành viên gia đình họ.

3. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người

Tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật, chính sách về người lao động, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và đề xuất các sửa đổi, bổ sung cần thiết để đảm bảo quyền con người theo hướng phù hợp các quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 và các công ước Việt Nam đã phê chuẩn.

4. Thực hiện nghĩa vụ quốc tế về quyền con người

- Rà soát, đánh giá và tổng hợp báo cáo đúng thời hạn định kỳ về việc thực hiện các công ước gồm: Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, các công ước về lao động của ILO.

- Tiếp tục chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc ban hành kèm theo Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật ban hành kèm theo Quyết định số 1100/QĐ-TTg ngày 21 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức xây dựng kế hoạch và chủ trì triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.

- Đối với các Công ước của ILO, phản hồi, tổ chức thực hiện các yêu cầu và bình luận của các Ủy ban chuyên gia về áp dụng các công ước và khuyến nghị của ILO.

5. Đảm bảo quyền con người của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương

- Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường xây dựng các chính sách, biện pháp và ưu tiên nguồn lực cho việc tiếp cận bình đẳng an sinh xã hội, các dịch vụ y tế, giáo dục và nhà ở và các dịch vụ công khác của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số. Tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 theo Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 theo Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ làm việc liên quan đến việc bảo vệ quyền của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em, người khuyết tật và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nâng cao năng lực cho các thanh tra viên về nghiệp vụ thanh tra đối với lĩnh vực trẻ em và xã hội.

- Tiếp tục chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020 theo Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 2361/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em 2016 - 2020 theo Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1023/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu, đề xuất các chính sách và biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực, mua bán, lạm dụng bao gồm cả lao động trẻ em, các biện pháp giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em; nghiên cứu, triển khai các biện pháp thay thế cho việc tước đoạt sự tự do của trẻ em và cung cấp các chương trình cải tạo, giáo dưỡng người chưa thành niên vi phạm pháp luật; rà soát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, địa phương, ngành để đảm bảo lồng ghép các Mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện quyền trẻ em.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo vấn đề bình đẳng giới được lồng ghép trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ trong các lĩnh vực, tăng cường tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho phụ nữ nông thôn và lao động nữ trong khu vực phi chính thức; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về bình đẳng giới; xây dựng và tổ chức thực hiện đề án phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

- Phối hợp với Bộ Công an trong việc thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương triển khai các biện pháp tăng cường hỗ trợ tái hòa nhập đối với những nạn nhân bị mua bán trở về, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc thực thi các quy định pháp luật của Việt Nam về các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.

6. Tiếp tục tăng cường và bảo vệ các quyền con người trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc thực thi quy định của pháp luật Việt Nam về quyền của người lao động và cấm lao động cưỡng bức; chủ trì tổ chức triển khai Chương trình hành động quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020; tổ chức hướng dẫn và thi hành Luật an toàn, vệ sinh lao động, trong đó bao gồm các đối tượng không có quan hệ lao động.

- Tiếp tục chủ trì, đôn đốc công tác triển khai các chính sách, pháp luật về việc làm; chủ trì, phối hợp triển khai Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 theo Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp triển khai Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 theo Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, đề xuất và thực hiện các chính sách, biện pháp phát triển thị trường lao động thông qua các hoạt động tăng cường năng lực hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, thực hiện các chương trình hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, thanh niên, lao động nông thôn.

- Chủ trì triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); triển khai Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020” theo Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu đề xuất các biện pháp giảm nghèo cho lao động di cư.

- Chủ trì lập và đề xuất các kế hoạch tăng cường nguồn lực trong nước và khai thác hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế trong việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội; xây dựng, đề xuất các chính sách, biện pháp hiện đại hóa và hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng an toàn, hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới và khu vực; xây dựng và đề xuất các chính sách đảm bảo mức sống tối thiểu và hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn.

7. Hợp tác quốc tế về quyền con người

- Tham gia tích cực vào các cơ chế nhân quyền khu vực và quốc tế (chủ động đưa ra sáng kiến, cung cấp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm...), đặc biệt là các cơ chế liên quan đến phát huy và bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em, bảo vệ lao động di cư và phòng, chống mua bán người.

- Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các chính sách quyền con người, tích cực chia sẻ thông tin và các bài học kinh nghiệm về thành tựu giảm nghèo và các kết quả khác trong thực hiện và bảo vệ quyền con người.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan trong việc mời và làm việc với các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này theo phân công tại phụ lục 1, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động, chương trình, đề án đảm bảo tiến độ, Mục tiêu đề ra; kiểm Điểm kết quả thực hiện và định kỳ báo cáo Bộ (qua Vụ Hợp tác quốc tế) trước ngày 01 tháng 11 hằng năm.

2. Các cơ quan, đơn vị phối hợp có trách nhiệm phối hợp với đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động được giao theo đề nghị của đơn vị chủ trì và báo cáo kết quả với Bộ qua đơn vị chủ trì và Vụ Hợp tác quốc tế.

3. Vụ Kế hoạch - Tài chính rà soát, đảm bảo các hoạt động trong kế hoạch được lồng ghép vào kế hoạch công tác hàng năm của các đơn vị và bố trí kinh phí trên cơ sở cân đối ngân sách được giao.

4. Vụ Hợp tác quốc tế là đơn vị chủ trì, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này, định kỳ báo cáo trình Bộ trước ngày 15 tháng 11 hằng năm để thông báo cho Bộ Ngoại giao tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ./.

 

PHỤ LỤC

PHÂN CÔNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC KHUYẾN NGHỊ THEO CƠ CHẾ RÀ SOÁT ĐỊNH KỲ PHỔ QUÁT (UPR) CHU KỲ 2 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1081/QĐ-LĐTBXH ngày 17/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

TT

Nội dung thực hiện

Khuyến nghị UPR liên quan

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

1. Tăng cường nâng cao nhận thức về thực hiện quyền con người

Đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách, quy định của pháp luật về quyền con người cho các bên liên quan và cộng đồng để nâng cao ý thức thực hiện các chính sách, quy định pháp luật về quyền con người trong lĩnh vực lao động và xã hội

61, 63, 64

Các đơn vị theo sự phân công

Các cơ quan, đơn vị liên quan, các đơn vị báo chí, thông tin thuộc Bộ

Thường xuyên

Nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vấn đề giới, bình đẳng giới và không phân biệt đối xử trên cơ sở giới, xây dựng, củng cố các chính sách và chiến lược nâng cao nhận thức về giới

44, 48, 49

Các đơn vị theo lĩnh vực được phân công

Các cơ quan, đơn vị liên quan, các đơn vị báo chí, thông tin thuộc Bộ

Thường xuyên

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người trong lĩnh vực lao động và xã hội

81, 82, 83

Vụ Bình đẳng giới

Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, các đơn vị báo chí, thông tin thuộc Bộ; Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các cơ quan liên quan tại địa phương

Thường xuyên

2. Xem xét và phê chuẩn các công ước quốc tế về quyền con người

Lập kế hoạch, triển khai nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về khả năng phê chuẩn các công ước về quyền của người lao động, đặc biệt là Công ước số 87 về quyền tự do lập hội, Công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức, Công ước số 189 về lao động giúp việc gia đình, Công ước số 159 về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của người khuyết tật và Công ước của Liên hợp quốc về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di cư và thành viên gia đình họ

1, 9, 18, 19, 21, 22, 24, 28

Vụ Pháp chế

Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Việc làm, Vụ Lao động - Tiền lương, Vụ Hợp tác quốc tế, các đơn vị trong Bộ, các Bộ, ngành có liên quan

Theo lộ trình đã báo cáo

3. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người

Tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật, chính sách về người lao động, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và đề xuất sửa đổi, bổ sung cần thiết để đảm bảo quyền con người theo hướng phù hợp các quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 và các công ước Việt Nam đã phê chuẩn

32, 129, 29

 

 

Thường xuyên

- Về người khuyết tật, người cao tuổi

32, 129

Cục Bảo trợ xã hội

Vụ Pháp chế, các cơ quan, đơn vị liên quan

- Về trẻ em, lao động trẻ em

39, 129, 29

Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Vụ Pháp chế, các cơ quan, đơn vị liên quan

- Về người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài

32, 129, 29

Cục Quản lý lao động ngoài nước

Vụ Pháp chế, các cơ quan, đơn vị liên quan

- Về chống lao động cưỡng bức

29

Vụ Pháp chế

Vụ Lao động - Tiền lương, các cơ quan, đơn vị liên quan

 

- Về bình đẳng giới

32, 129

Vụ Bình đẳng giới

Vụ Pháp chế, các cơ quan, đơn vị liên quan

 

- Về pháp luật lao động

32, 129

Vụ Pháp chế

Các cơ quan, đơn vị liên quan

 

4. Thực hiện nghĩa vụ quốc tế về quyền con người

Rà soát, đánh giá và tổng hợp báo cáo đúng thời hạn định kỳ về việc thực hiện các công ước gồm: Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, các công ước về lao động của ILO

68

Vụ Pháp chế

Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Việc làm, Cục Bảo trợ xã hội, Vụ Lao động - Tiền lương, Vụ Hợp tác quốc tế, các cơ quan, đơn vị liên quan

Theo thời hạn báo cáo

Tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc ban hành kèm theo Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ

69

Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, các cơ quan liên quan khác

Theo lộ trình đã phê duyệt

Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật ban hành kèm theo Quyết định số 1100/QĐ-TTg ngày 21 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ

68, 205

Cục Bảo trợ xã hội

Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, các cơ quan liên quan khác

Theo lộ trình đã cam kết

Tổ chức xây dựng kế hoạch và chủ trì triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ

68

Vụ Bình đẳng giới

Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, các cơ quan liên quan khác

Theo chu kỳ báo cáo

5. Đảm bảo quyền con người của các nhóm dễ bị tổn thương

Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường xây dựng các chính sách, biện pháp và ưu tiên nguồn lực cho việc tiếp cận bình đẳng an sinh xã hội, các dịch vụ y tế, giáo dục và nhà ở và các dịch vụ công khác của các nhóm đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số. Tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 theo Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 theo Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ làm việc liên quan đến việc bảo vệ quyền của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em, người khuyết tật và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nâng cao năng lực cho các thanh tra viên về nghiệp vụ thanh tra đối với lĩnh vực trẻ em và xã hội

47, 48, 49, 54, 55, 56, 86, 79, 185, 186, 205, 206, 207, 216

Cục Bảo trợ xã hội

Liên Hiệp hội người khuyết tật Việt Nam, Vụ Pháp chế, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, Hội người cao tuổi Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố

Thường xuyên và theo kế hoạch trong khuôn khổ các chương trình đã được phê duyệt

Nâng cao năng lực cho các thanh tra viên về nghiệp vụ thanh tra đối với lĩnh vực trẻ em và xã hội

54

Thanh tra Bộ

Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Cục Bảo trợ xã hội, các cơ quan, đơn vị liên quan

Thường xuyên

Tiếp tục chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020 theo Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 2361/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em 2016 - 2020 theo Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1023/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu, đề xuất các chính sách và biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực, mua bán, lạm dụng bao gồm cả lao động trẻ em, các biện pháp giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em; nghiên cứu, triển khai các biện pháp thay thế cho việc tước đoạt sự tự do của trẻ em và cung cấp các chương trình cải tạo, giáo dưỡng người chưa thành niên vi phạm pháp luật; rà soát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, địa phương, ngành để đảm bảo lồng ghép các Mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện quyền trẻ em

47, 48, 55, 121, 206, 124, 125, 192

Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Viện Khoa học Lao động và Xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan

Thường xuyên và theo kế hoạch trong khuôn khổ các chương trình đã được phê duyệt

Tiếp tục tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo vấn đề bình đẳng giới được lồng ghép trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ trong các lĩnh vực, tăng cường tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho phụ nữ nông thôn và lao động nữ trong khu vực phi chính thức; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về bình đẳng giới; xây dựng và tổ chức thực hiện đề án phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới

84, 85, 87, 88, 119, 179

Vụ Bình đẳng giới

Vụ Pháp chế, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan

Thường xuyên và theo kế hoạch trong khuôn khổ các chương trình đã được phê duyệt

Phối hợp với Bộ Công an trong việc thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương triển khai các biện pháp tăng cường hỗ trợ tái hòa nhập đối với những nạn nhân bị mua bán trở về, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em

122, 124, 125, 126

Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội

Vụ Pháp chế, Cục Bảo trợ xã hội, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Tham mưu cảnh sát, Cục Quản lý xuất nhập cảnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan

Thường xuyên và theo kế hoạch trong khuôn khổ các chương trình đã được phê duyệt

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc thực thi các quy định pháp luật của Việt Nam về các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội

48

Thanh tra Bộ

Vụ Pháp chế, Cục Bảo trợ xã hội, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Cục Quản lý lao động ngoài nước và các cơ quan, đơn vị có liên quan

Thường xuyên

6. Tiếp tục tăng cường và bảo vệ các quyền con người trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc thực thi quy định của pháp luật Việt Nam về quyền của người lao động và cấm lao động cưỡng bức

180

Thanh tra Bộ

Vụ Pháp chế, Các cơ quan, đơn vị có liên quan

Thường xuyên

Tiếp tục chủ trì, đôn đốc công tác triển khai các chính sách, pháp luật về việc làm; chủ trì, phối hợp triển khai Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 theo Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp triển khai Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 theo Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, đề xuất và thực hiện các chính sách, biện pháp phát triển thị trường lao động thông qua các hoạt động tăng cường năng lực hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, thực hiện các chương trình hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, thanh niên, lao động nông thôn

181

Cục Việc làm

Vụ Pháp chế, Cục Bảo trợ xã hội, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, các cơ quan, đơn vị có liên quan

Thường xuyên và theo kế hoạch trong khuôn khổ các chương trình được phê duyệt

Chủ trì triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); triển khai Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020” theo Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu đề xuất các biện pháp giảm nghèo cho lao động di cư

57, 186, 220, 221, 223, 215

Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo

Vụ Pháp chế, Cục Bảo trợ xã hội, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Vụ Kế hoạch - Tài chính; Cục Việc làm; Tổng cục Dạy nghề; Cục Quản lý lao động ngoài nước, Các bộ, ngành liên quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban Dân tộc và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan

Thường xuyên và theo kế hoạch trong khuôn khổ các chương trình được phê duyệt

Chủ trì tổ chức triển khai Chương trình hành động quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020; tổ chức hướng dẫn và thi hành Luật an toàn, vệ sinh lao động, trong đó bao gồm các đối tượng không có quan hệ lao động

33, 185, 86

Cục An toàn lao động

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Vụ Pháp chế, các cơ quan, đơn vị có liên quan khác

Theo các Mục tiêu của Chương trình và kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ trì xây dựng và đề xuất các kế hoạch tăng cường nguồn lực trong nước và khai thác hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế trong việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội

184

Cục Bảo trợ xã hội

Bộ Tài chính, Vụ Pháp chế và các cơ quan, đơn vị liên quan

Thường xuyên

Xây dựng và đề xuất các chính sách đảm bảo mức sống tối thiểu và hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn

183

Cục Bảo trợ xã hội

Vụ Pháp chế, Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan, đơn vị liên quan

Thường xuyên và theo yêu cầu

Xây dựng, đề xuất các chính sách, biện pháp hiện đại hóa và hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng an toàn, hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới và khu vực

182

Vụ Bảo hiểm xã hội

Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các bộ, ngành có liên quan khác và Vụ Pháp chế

Theo lộ trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

7. Hợp tác quốc tế về quyền con người

Tham gia tích cực vào các cơ chế nhân quyền khu vực và quốc tế (chủ động đưa ra sáng kiến, cung cấp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm...), đặc biệt là các cơ chế liên quan đến phát huy và bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em, bảo vệ lao động di cư và phòng, chống mua bán người

123

Vụ Hợp tác quốc tế

Vụ Pháp chế, Vụ Bình đẳng giới, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và các đơn vị, cơ quan khác có liên quan

Thường xuyên

Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các chính sách quyền con người, tích cực chia sẻ thông tin và các bài học kinh nghiệm về thành tựu giảm nghèo và các kết quả khác trong thực hiện và bảo vệ quyền con người

77

Vụ Hợp tác quốc tế

Vụ Pháp chế, các đơn vị, cơ quan liên quan

Thường xuyên

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan trong việc mời và làm việc với các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc

70

Vụ Hợp tác quốc tế

Vụ Pháp chế, các đơn vị, cơ quan liên quan

Thường xuyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1081/QĐ-LĐTBXH năm 2016 Kế hoạch thực hiện khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 1081/QĐ-LĐTBXH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/08/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Đào Hồng Lan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản