Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 10 tháng 01 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2015 ĐẠT MỤC TIÊU ĐÔ THỊ HÓA 25%

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị 2009;

Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thanh hóa, các huyện thị, Thành phố, các khu công nghiệp đến năm 2010 và 2020 đã được phê duyệt;

Căn cứ Quyết định số 3023/2006/QĐ-UBND ngày 24/10/2006 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa;

Căn cứ Quyết định số 3643/QĐ-UBND ngày 15/10/2009, của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chương trình nâng cấp, phát triển đô thị;

Căn cứ Quyết định số 1815/QĐ-UBND ngày 09/5/2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc Phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán lập Đề án xây dựng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 đạt mục tiêu đô thị hóa 25%;

Xét Tờ trình số 2730/SXD-PTĐT ngày 20/10/2011 và Văn bản số 3307/SXD-PTĐT ngày 14/12/2011 của Sở Xây dựng về việc báo cáo cáo xin phê duyệt đề án xây dựng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 đạt mục tiêu đô thị hóa 25%,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 đạt mục tiêu đô thị hóa 25%, với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Định hướng phát triển hệ thống đô thị của tỉnh Thanh Hóa đến 2015

1.1. Phương án phát triển hệ thống đô thị của tỉnh Thanh Hóa đến 2015:

Kết hợp giữa việc đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đô thị, với việc tập trung mở rộng địa giới một số đô thị trọng yếu như Thanh Hóa, Sầm Sơn, Bỉm Sơn và nhanh chóng thành lập các đô thị mới. Tổng dân số đô thị gia tăng theo hướng này có thể đạt tới 300-350 nghìn dân.

Dự báo quy mô và số lượng các loại đô thị như sau:

* Đô thị loại I: Thành phố Thanh Hóa và khu vực mở rộng: Hiện tại: 208.055 người, dự báo 2015: 330.000 người

* Đô thị loại II, III: Đô thị Nghi Sơn - Tĩnh Gia: Quy mô dân số hiện tại: thị trấn Tĩnh Gia: 4.725 người, dự kiến mở rộng KKT Nghi Sơn đến thị trấn Tĩnh Gia để thành lập thị xã, dự báo 2015: 120.000 người;

Thị xã Bỉm Sơn: Quy mô dân số hiện tại: 53.459 người, dự báo 2015: 100.000 người;

Thị xã Sầm Sơn hiện tại: 53.652 người, dự báo 2015: 100.000 người

* Đô thị loại IV: Đô thị Ngọc Lặc: Quy mô dân số: Hiện tại: 6.571 người, dự báo 2015: 30.000 người;

Đô thị Lam Sơn - Sao Vàng: Quy mô dân số: Hiện tại: 15.443 người, dự báo 2015: 22.000 người. Trong đó: Lam Sơn: 12.000 người; Sao Vàng: 10.000 người.

* Nhóm đô thị loại V: Quy mô dân số tính toán 2015: 3.000 - 5.000 người/đô thị.

+ Các đô thị loại V- thị trấn huyện lỵ, công nghiệp, dịch vụ: 104.100 người.

+ 17 đô thị thành lập mới, loại V - thị trấn công nghiệp, dịch vụ: 85.500 người.

Tổng cộng dân số đô thị đến năm 2015: 908.100 người/3.696.000 dân số toàn tỉnh.

Tỷ lệ đô thị hóa đến 2015 đạt: 25%.

1.2. Mở rộng địa giới hành chính, nâng cấp các đô thị hiện có:

1.2.1. Thành phố Thanh Hóa: Mở rộng địa giới hành chính sang 19 xã, thị trấn (bao gồm: Hoằng Lý, Hoằng Long, Hoằng Quang, Hoằng Anh, Hoằng Đại và thị trấn Tào Xuyên thuộc huyện Hoằng Hóa; Đông Lĩnh, Đông Tân, Đông Hưng, Đông Vinh và thị trấn Nhồi thuộc huyện Đông Sơn; Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Thiệu Vân thuộc huyện Thiệu Hóa; Quảng Thịnh, Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Cát thuộc huyện Quảng Xương). Đưa khoảng 119.800 người (kể cả thị trấn Nhồi và Tào Xuyên) vào dân số đô thị của thành phố; Đến năm 2015 dân số thành phố đạt khoảng 330.000 dân. Tổ chức thực hiện tốt đề án nâng cấp thành phố Thanh Hóa thành đô thị loại I;

1.2.2. Thị xã Sầm Sơn: Mở rộng địa giới hành chính sang 6 xã (gồm: Quảng Thọ, Quảng Châu, Quảng Vinh, Quảng Minh, Quảng Hùng và Quảng Đại thuộc huyện Quảng Xương. Đưa khoảng 40.450 người vào dân số Đô thị của thị xã. Đến năm 2015 dân số thị xã đạt khoảng 100.000 dân. Tổ chức thực hiện tốt đề án nâng cấp thị xã sầm Sơn thành đô thị loại III.

1.2.3. Thị xã Bỉm Sơn: Đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, thu hút khoảng 12-15 000 lao động vào đô thị. Đạt đô thị loại III trước năm 2015, quy mô dân số khoảng 100 000 dân vào năm 2015;

1.2.4. Khu kinh tế Nghi Sơn - thị trấn Còng, huyện Tĩnh Gia:

Giai đoạn đầu, lập quy hoạch và lập đề án hình thành mới các thị trấn: Hải Bình, Nghi Sơn, Hải Thanh, Hải Ninh thành đô thị loại V; nâng cấp và mở rộng thị trấn Còng sang xã Nguyên Bình, Bình Minh, Hải Hòa, Hải Nhân. Trên cơ sở hình thành và phát triển các thị trấn trên (theo Quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh Bắc Nghệ và Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tĩnh Gia) đến hoặc sau 2015, lập đề án thành lập thị xã hoặc thành phố đô thị loại III trực thuộc tỉnh, quy mô dân số khoảng 120.000 người.

1.2.5. Đô thị trung tâm miền Tây Thanh Hóa - thị trấn Ngọc Lặc:

Giai đoạn đầu, điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thị trấn Ngọc Lặc sang các xã: Quang Trung, Ngọc Liên, Ngọc Sơn và một phần xã Ngọc Khê và Thúy Sơn hình thành đô thị mới trung tâm vùng miền núi Tây Thanh Hóa. Đưa khoảng 20.000 dân vào dân số đô thị. Dân số đô thị là khoảng 30.000 người. Nâng cấp thị trấn huyện lỵ Ngọc Lặc từ đô thị loại V lên đô thị loại IV.

1.2.6. Đô thị công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng: điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thị trấn Lam Sơn và thị trấn Sao Vàng sang các xã: Xuân Thắng, Thọ Xương, Xuân Bái, Thọ Lâm để kết nối Lam Sơn với Sao Vàng. Dân số hiện tại 39.000.000 người. Đến 2015, lập đề án nâng cấp thành thị xã công nghiệp - đô thị loại III, quy mô dân số khoảng 50.000.000 người.

1.2.7. Điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính 11 thị trấn huyện lỵ: Lang Chánh, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Nga Sơn, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Hậu Lộc, Thạch Thành, Nông Cống, Thiệu Hóa. Trong đó, các huyện lỵ: Lang Chánh, Thọ Xuân, Thạch Thành, Hà Trung đã được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đến 2025; các thị trấn: Thiệu Hóa, Yên Định, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc đang triển khai quy hoạch chung xây dựng theo nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt; riêng thị trấn Nông Cống đang lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng. Các thị trấn đã có quy hoạch được phê duyệt phải triển khai ngay đề án nâng cấp và mở rộng địa giới trình Chính phủ phê duyệt.

1.3. Cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các đô thị hiện có

Bao gồm 17 thị trấn huyện lỵ và thị trấn công nghiệp còn lại (cụ thể xem bảng tổng hợp dự báo phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến 2015 đạt mục tiêu đô thị hóa 25% kèm theo). Các thị trấn trên cần tập trung phát triển các ngành kinh tế tạo thị, đặc biệt là thương mại, dịch vụ, công nghiệp và du lịch để nâng cao chức năng kinh tế của thị trấn và gia tăng dân số đô thị; từng bước đầu tư cải tạo chỉnh trang, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên để phát triển bền vững.

1.4. Thành lập đô thị mới

Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến 2020 theo Quyết định số 3023/2006/QĐ-UBND ngày 24/10/2006 và ý kiến tham gia bằng văn bản của các huyện, thị xã, thành phố, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tiến hành lập quy hoạch chung xây dựng và đề án thành lập thị trấn cho 30 đô thị mới, gồm: Bãi Trành (Như Xuân); Nưa, Thiều-Dân Lý, Đà - Thọ Dân, Thọ Sơn, Sim - Hợp Thành, Vân Sơn, Đồng Tiến (Triệu Sơn); Bà Triệu, Diêm Phố, Hòa Lộc (Hậu Lộc); Đồng Tâm, Điền Lư (Bá Thước); Tiên Trang (Quảng Xương); Nghĩa Trang, Hải Tiến (Hoằng Hóa); Kiểu, Định Tân (Yên Định); Yên Mỹ, Trường Sơn (Nông Cống); Cửa Đặt (Thường Xuân); Na Mèo (Quan Sơn); Tén Tằn (Mường Lát); Thạch Quảng (Thạch Thành); Xuân Lai (Thọ Xuân); Hà Lĩnh, Hà Long (Hà Trung); Hải Thanh, Hải Ninh, Hải Bình (Tĩnh Gia),

Quy mô dân số mỗi đô thị từ 4.000 - 15.000 người (cụ thể xem bảng tổng hợp dự báo phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến 2015 đạt mục tiêu đô thị hóa 25% kèm theo). Đến nay chỉ có 9 đô thị: Bãi Trành, Hải Bình, Hải Tiến, Nưa, Bà Triệu, Tiên Trang, Cửa Đạt, Thạch Quảng, Na Mèo là đã có quy hoạch được duyệt, vì vậy phải tiến hành ngay việc lập quy hoạch chung xây dựng cho các đô thị còn lại, làm cơ sở lập đề án thành lập thị trấn trình Chính phủ phê duyệt Mục tiêu đến năm 2014 hoàn thành việc thành lập tối thiểu 17 đô thị mới

1.5. Nhận xét tổng quát

Với định hướng phát triển trên, tổng dân số đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 sẽ đạt khoảng 908.100 người/3.696.000 dân số toàn tỉnh, đạt tỷ lệ đô thị hóa 25%. Trong đó, dân số đô thị hiện tại khoảng 448.560 người, dân số đô thị tăng thêm do mở rộng địa giới khoảng 330.000 người; dân số đô thị tăng tự nhiên khoảng 20.000 người (448.560 người x 0.9% x 5 năm= 20.185 người); dân số tăng cơ học khoảng 89.540 người. Tỷ lệ tăng cơ học trung bình hàng năm khoảng 4%/năm (89.540/448.560/5 năm= 3.99%/năm).

2. Các chương trình phát triển hệ thống đô thị Thanh Hóa đến 2015

2.1. Chương trình phát triển kinh tế đô thị

- Các ngành trong tỉnh và chính quyền đô thị phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để tìm biện pháp xây dựng và phát triển kinh tế của từng đô thị.

- Hướng phát triển chính của kinh tế thuộc 5 cụm đô thị động lực là đầu tư xây dựng công nghiệp tập trung có qui mô lớn, kĩ nghệ cao, có tác động mạnh đến phát triển kinh tế của tỉnh và cả nước. Chú trọng sản xuất hàng xuất khẩu, phát triển mạnh dịch vụ - du lịch và thương mại.

- Đối với các đô thị khác chủ yếu phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng, phát triển công nghiệp nhẹ, Tiểu công nghiệp từ nguồn vật liệu của địa phương để sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Phát triển dịch vụ - thương mại - du lịch, chú trọng đến nông thôn và tạo điều kiện cho nông nghiệp nông thôn phát triển

2.2. Chương trình phát triển hệ thống hạ tầng kĩ thuật đô thị một cách đồng bộ

- Khẩn trương cải tạo nâng cấp các hệ thống giao thông trong tỉnh để tạo ra mối quan hệ giao lưu giữa các đô thị thuận lợi, rút ngắn khoảng cách giữa các đô thị bao gồm cả đường bộ, đường thủy và đường biển.

- Cải tạo nâng cấp các tuyến đường nội thị, xây dựng các tuyến đường mới theo qui hoạch để tạo sự phát triển cho đô thị động lực.

- Tất cả các đô thị trong tỉnh đều có điện lưới quốc gia.

- Hiện đại hóa nhanh chóng mạng thông tin liên lạc từ các đô thị đến các nơi trong nước và quốc tế, tăng bình quân máy điện thoại theo đầu người.

- Đến năm 2015 tất cả các đô thị đều có nước sạch, 100% dân số đô thị được dùng nước sạch.

- Đảm bảo môi trường đô thị trong lành, không bị ô nhiễm.

2.3. Xây dựng chương trình Phát triển nhà ở và công trình hạ tầng xã hội

Cho từng đô thị trong tỉnh và xác lập cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp, chủ yếu tại các đô thị lớn: thành phố Thanh hóa, thị xã Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn, Đô thị Ngọc Lặc và một số khu công nghiệp sẽ xây dựng với quy mô lớn.

2.4. Cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng các đô thị hiện có:

Các đô thị hiện có cần triển khai những mặt công tác sau:

- Điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng, xác định tiềm năng, lợi thế, động lực phát triển.

- Lập QHXD cho đô thị 15-20 năm tới, xác định các dự án ưu tiên đầu tư.

- Xác lập cơ chế chính sách, giải pháp tổ chức triển khai thực hiện, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm. Phân công trách nhiệm, phân cấp quản lí, qui chế quản lí giám sát.

2.5. Xây dựng chương trình quản lý đô thị bao gồm:

- Nghiên cứu lập quy hoạch chung, qui hoạch chi tiết tất cả các đô thị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ quản lý và chỉ đạo xây dựng.

- Xử lý các tồn đọng và vi phạm, lập lại trật tự kỷ cương trong xây dựng và quản lý đô thị.

- Xác định rõ chức năng nhiệm vụ của chính quyền đô thị và các ngành trong việc xây dựng, quản lý đô thị, xây dựng cơ chế chính sách phát triển đô thị.

- Đẩy mạnh công tác quản lí đô thị, tích cực chuẩn bị điều kiện về qui hoạch phát triển đô thị mới như lập qui hoạch xây dựng, lập hồ sơ thủ tục nâng cấp và chuyển loại đô thị để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phấn đấu trong giai đoạn 2011-2015 toàn tỉnh công nhận thêm 15 đô thị mới (loại V) và giai đoạn 2010 - 2020 có thể thêm 15-20 đô thị mới đồng thời chuyển lên loại I được 01 đô thị, lên loại II đợc 02 đô thị, lên loại III được 03 đô thị. Đến 2020 số đô thị loại IV, V toàn tỉnh có từ 60- 65 đô thị.

- Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý đô thị có trình độ chuyên môn phù hợp để thực thi nhiệm vụ.

3. Các giải pháp phát triển đô thị

3.1. Các nhóm giải pháp chính

- Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

- Nhóm giải pháp về đầu tư phát triển đô thị chú trọng về các giải pháp thu hút, hấp dẫn và xúc tiến đầu tư cho các đô thị

- Nhóm giải pháp quản lý xây dựng theo quy hoạch và quản lý đô thị đặc biệt là về các thiết chế quản lý, bộ máy nhân sự, nguồn nhân lực, cơ chế vận hành cho các cơ quan quản lý quy hoạch, tăng cường năng lực quản lý của chính quyền đô thị.

- Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách phát triển đô thị cho toàn hệ thống, cho riêng các nhóm đô thị và cụ thể cho các đô thị trọng điểm

3.2. Giải pháp về nguồn vốn

Để phát triển đô thị cần huy động cả 3 nguồn vốn sau: nguồn vốn ngân sách tỉnh và Trung ương, nguồn vốn thu hút đầu tư nước ngoài và nguồn vốn của dân. Để huy động, tạo nguồn và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn này, đề xuất một số giải pháp:

- Tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm có sức lan tỏa lớn.

- Về nguồn vốn từ kêu gọi đầu tư: việc gia tăng nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước phụ thuộc 3 yếu tố: Quy trình tốt, cơ chế tốt, hạ tầng tốt, môi trường sạch, nguồn nhân lực tốt.

- Về nguồn vốn huy động từ dân: Huy động tối đa nguồn vốn phát triển đô thị từ người dân đô thị bằng cơ chế chính sách xã hội hóa và xem trọng vai trò của cộng đồng trong phát triển đô thị. Đây là quy luật tất yếu trong diễn trình đô thị hóa không chỉ ở Việt Nam. Việc huy động nguồn vốn của dân phải thuộc về chính quyền đô thị, các chủ trương chính sách, sáng kiến của chính quyền đô thị sẽ tác động rất lớn tới nguồn vốn huy động từ dân. Để thu hút nguồn vốn này cần thành lập các trung tâm thu hút, xúc tiến đầu tư của các đô thị (chủ yếu là nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp và người dân đô thị).

3.3. Chính sách tài chính ưu đãi gồm:

- Chính sách ưu đãi đầu tư (với dự án xã hội hóa)

+ Ưu đãi trong việc cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất với mức giá ưu đãi tối đa.

+ Giao đất hoặc cho thuê đất là đất sạch để xây dựng công trình xã hội hóa;

- Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng công trình hạ tầng như:

+ Quy định cụ thể danh mục ngành khuyến khích đầu tư đối với ngành hưởng ngân sách đảm nhận nay khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm tham gia đầu tư.

+ Chính sách ưu đãi về tài chính tập trung vào ưu đãi về nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư như thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn giảm trong thời gian nhất định, mức thuế thấp). Thuế xuất nhập khẩu (miễn hoặc giảm). Chính sách hỗ trợ liên quan đến đất đai (miễn giảm tiền thuế đất, tiền sử dụng đất).

+ Chính sách cho vay tín dụng đối với một số dự án cụ thể

+ Hỗ trợ giúp mang tính chất gián tiếp khác như hỗ trợ về nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới.

4. Kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện.

4.1. Kế hoạch hành động:

- UBND thành phố Thanh Hóa:

Trên cơ sở Quy hoạch chung điều chỉnh thành phố Thanh hóa đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 16/01/2009, UBND thành phố Thanh Hóa chủ động phối hợp với các Sở: Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các UBND huyện: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn và Thiệu hóa lập hồ sơ điều chỉnh địa giới hành chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu: năm 2012 hoàn thành việc điều chỉnh địa giới thành phố. Hoàn thành đề án nâng cấp Thành phố Thanh Hóa thành đô thị loại I trước 2015.

- UBND thị xã Sầm Sơn:

Trên cơ sở Quy hoạch chung điều chỉnh được duyệt UBND thị xã Sầm Sơn chủ động phối hợp với các Sở: Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Quảng Xương lập đề án điều chỉnh địa giới hành chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước năm 2013.

- UBND thị xã Bỉm Sơn:

Lập, trình duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị xã đến năm 2025, sau khi QHC được duyệt chủ động phối hợp với các Sở: Nội vụ, Xây dựng và các đơn vị liên quan hoàn thành đề án nâng cấp thị xã Bỉm Sơn thành đô thị loại III trước 2015.

- UBND huyện Thọ Xuân:

Hoàn chỉnh Quy hoạch chung đô thị Lam Sơn - Sao Vàng để trình UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2012. Trên cơ sở Quy hoạch chung điều chỉnh được duyệt, UBND huyện chủ động phối hợp với các Sở: Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan lập hồ sơ điều chỉnh địa giới hành chính thị trấn Lam Sơn - Sao Vàng và thị trấn huyện lỵ Thọ Xuân trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu: năm 2013 hoàn thành việc điều chỉnh địa giới đô thị.

- UBND huyện Ngọc Lặc:

Trên cơ sở Quy hoạch chung đô thị trung tâm vùng miền núi phía Tây được UBND tỉnh phê duyệt tại QĐ số 2309/QĐ-UBND ngày 24/8/2005, UBND huyện chủ động phối hợp với các Sở: Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan lập hồ sơ điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thị trấn Ngọc Lặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai đề án nâng cấp thị trấn Ngọc Lặc thành thị xã Ngọc Lặc.

Mục tiêu: năm 2012 hoàn thành việc điều chỉnh địa giới đô thị.

- UBND huyện Tĩnh Gia và Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn:

Sau khi QHC xây dựng đô thị trung tâm vùng huyện Tĩnh Gia và quy hoạch chung xây dựng đô thị Hải Ninh được duyệt. UBND huyện Tĩnh Gia chủ trì phối hợp với các Sở: Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường lập hồ sơ thành lập đô thị Hải Bình, Hải Thanh, Hải Ninh; Ban quản lý KKT Nghi Sơn chủ trì phối hợp với các Sở: Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường lập hồ sơ điều chỉnh địa giới hành chính đô thị Còng - Nghi Sơn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu: năm 2012-2013 hoàn thành việc điều chỉnh địa giới và thành lập các đô thị để đến hoặc sau 2015, Ban quản lý KKT Nghi Sơn chủ trì tiến hành lập đề án thành lập thành phố đô thị loại III Nghi Sơn - Tĩnh Gia.

- UBND các huyện: Lang Chánh, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Nga Sơn, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Hậu Lộc, Thạch Thành, Nông Cống, Thiệu Hóa, Yên Định:

Chủ động phối hợp với các ngành liên quan lập đề án điều chỉnh địa giới hành chính thị trấn huyện lỵ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu: năm 2012 hoàn thành việc điều chỉnh địa giới đô thị.

- UBND của các huyện thị:

Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng đô thị được duyệt, chủ động tạo nguồn vốn để cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các đô thị; phối hợp với các ngành liên quan lập Quy hoạch chung xây dựng và đề án thành lập 30 đô thị mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (cụ thể xem bảng tổng hợp dự báo phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến 2015 đạt mục tiêu đô thị hóa 25% kèm theo).

Mục tiêu: năm 2014 hoàn thành việc thành lập 17 đô thị mới.

4.2. Kế hoạch và phân bổ kinh phí cho công tác lập quy hoạch chung xây dựng và các đề án mở rộng địa giới hành chính và thành lập các đô thị mới

- Tổng kinh phí trong kế hoạch 2011-2015 khoảng 38 tỷ đồng

Trong đó:

+ Kinh phí cho công tác lập Quy hoạch chung xây dựng khoảng: 25 tỷ đồng;

+ Kinh phí cho công tác lập Đề án mở rộng địa giới hành chính và lập Đề án thành lập đô thị mới khoảng: 13 tỷ đồng.

- Nguồn vốn từ Ngân sách và được phân bổ cho từng đô thị theo kế hoạch từng năm cho chủ đầu tư của các quy hoạch và các đề án trên, đồng thời các chủ đầu tư chủ động tìm nguồn vốn để phối hợp thực hiện.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án của Tỉnh:

Thành phần: Chủ tịch UBND Tỉnh - Trưởng ban; Phó Chủ tịch UBND Tỉnh - Phó ban; Giám đốc Sở Xây dựng - Thường trực Ban chỉ đạo; Các ủy viên và Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài Chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và Chủ tịch UBND các huyện có đô thị được thành lập mới hoặc mở rộng.

2. Trách nhiệm của các ngành liên quan:

- Sở Xây dựng: là cơ quan đầu mối, thường trực Ban chỉ đạo thực hiện đề án; Chủ đầu tư lập quy hoạch các khu đô thị mới, có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tiến độ thực hiện lập quy hoạch xây dựng, đề án điều chỉnh, mở rộng địa giới và thành lập đô thị mới; tiến độ thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và kế hoạch hành động phát triển đô thị của đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo thực hiện đúng các mục tiêu đã được xác định;

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các đô thị và kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án có quy mô lớn của các đô thị mới, các dự án đầu tư có sử dụng đất.

- Sở Tài chính: tham mưu bố trí vốn cho công tác khảo sát, lập điều chỉnh Quy hoạch chung và Quy hoạch chi tiết xây dựng các đô thị mới, cơ chế chính sách miễn giảm tiền thuê đất, khai thác quỹ đất.

- Sở Nội vụ: chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện nghiên cứu, sắp xếp lại bộ máy tổ chức cấp phòng, ban của huyện đảm bảo phù hợp với phân cấp trong quản lý hiện nay, theo hướng tăng cường vai trò của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, đồng thời phải gắn với kế hoạch đào tạo, bổ sung biên chế, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ công chức trực tiếp làm công tác quản lý quy hoạch, xây dựng tại địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn hiện nay. Hướng dẫn UBND cấp huyện lập và thẩm định trình duyệt các đề án mở rộng địa giới hành chính và thành lập các đô thị mới.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì công tác kiểm tra, xử lý vi phạm quản lý sử dụng đất đai, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đất trong đô thị, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi về đất cho các dự án.

- Sở Giao thông Vận tải: Chủ trì đề xuất và triển khai đầu tư xây dựng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua đô thị hoặc kết nối với đô thị.

- Sở Công thương: Chủ trì công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong đô thị.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư về du lịch vào các khu đô thị.

- Sở Tư pháp: Thẩm định nội dung và thể thức văn bản theo đúng quy định của pháp luật;

- Sở Thông tin Truyền thông: Chủ trì phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và UBND các huyện thị thông tin, tuyên truyền đến mọi cán bộ và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là trong các khu đô thị.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Thông tin Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các ngành, các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 3;
- T.Trực Tỉnh ủy, HĐND (để báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan;
- Lưu: VT, CN (40b).
T12 Đề án đô thị hóa 25%

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hồi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 108/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đề án phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 đạt mục tiêu đô thị hóa 25%” do tỉnh Thanh Hóa ban hành

  • Số hiệu: 108/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/01/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hồi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/01/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản