Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 1076/QĐ-UB-NC

TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 04 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính ngày 30 tháng 11 năm 1989 của Hội đồng Nhà nước;
Căn cứ Pháp lệnh Nhà ở ngày 26 tháng 3 năm 1991 của Hội đồng Nhà nước;
Căn cứ Chỉ thị số 74/CT ngày 13 tháng 3 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố khoá IV kỳ họp thứ 17 ngày 30 tháng 10 năm 1993;
Căn cứ đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp và Kiến trúc sư Trưởng thành phố tại tờ trình số 349/TT-LS ngày 14 tháng 3 năm 1994,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.

Nay ban hành bản “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh ”.

Điều 2.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bãi bỏ Quyết định số 20/QĐ-UB ngày 19 tháng 01 năm 1988 của Ủy ban nhân dân thành phố và các quy định khác vủa Ủy ban nhân dân thành phố trái với bản quy định này.

Điều 3.

Các ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Kiến trúc sư Trưởng thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Sang

 

QUY ĐỊNH

VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1076/ QĐ-UB -NC ngày 13 tháng 4 năm 1994 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh )

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Mọi trường hợp xây dựng, sửa chữa công trình trên địa bàn thành phố có vi phạm về xây dựng được quy định tại các Chương II, III dưới đây đều bị xử phạt hành chính theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính của Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 30 tháng 11 năm 1989 và theo quy định này.

Viên chức Nhà nước cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm các quy định về tiêu chuẩn kiến trúc, sẽ bị xử phạt theo các quy định về chế độ trách nhiệm của công chức, nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.

Tổ chức cá nhân hành nghề thiết kế, thi công xây dựng không có giấy phép hành nghề hoặc vi phạm quy định về thiết kế, thi công sẽ bị xử phạt theo quy định riêng.

Điều 2.

Viện chức Nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện việc kiểm tra, xử phạt vi phạm về xây dựng phải chấp hành đúng quy định này và các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính được quy định trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính của Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 30 /11 /1989 và Nghị định số 141/HĐBT ngày 25 /4 /1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Điều 3.

Chủ công trình, chủ đơn vị thi công công trình (gọi tắt là chủ thầu xây dựng) vi phạm về xây dựng phải chấp hành quyết định xử phạt của viên chức hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Nếu chủ công trình là tổ chức, cơ quan Nhà nước thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức đó chịu trách nhiệm chấp hành Quyết định xử phạt.

Chủ công trình là tổ chức, cá nhân nước ngoài có vi phạm về xây dựng tại thành phố cũng bị xử phạt theo quy định này, ngoại trừ những trường hợp được giải quyết bằng con đường ngoại giao theo quy định tại khoản 3 điều 5 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 4.

Khi bị lập biên bản về vi phạm xây dựng, chủ công trình và chủ thầu xây dựng phải đình chỉ ngay việc xây dựng, sửa chữa công trình để chấp hành Quyết định xử phạt của cơ quan hay người có thẩm quyền xử phạt.

Trong trường hợp xây dựng, sửa chữa công trình không có giấy phép, chủ công trình, chủ thầu xây dựng phải đình chỉ ngay việc xây dựng, sửa chữa cho đến khi được cấp giấy phép theo quy định.

Điều 5.

Quy định này được áp dụng đối với mọi hành vi vi phạm về xây dựng trên địa bàn thành phố xảy ra sau ngày ban hành quy định.

Đối với các vụ vi phạm về xây dựng xảy ra trước ngày ban hành quy định này vẫn áp dụng quy định trước đây để xử phạt. Trong trường hợp quy định mới có hình thức và mức xử phạt nhẹ hơn thì được áp dụng.

Chương II

HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT

Điều 6.

Chủ công trình xây dựng, sửa chữa không có giấy phép theo quy định (trừ những trường hợp vi phạm được quy định tại điều 7 dưới đây) thì bị phạt tiền theo các mức sau đây:

1/ Xây dựng công trình không có giấy phép bị phạt tiền 1.000.000 đồng, nếu vi phạm lần thứ hai thì bị phạt tiền gấp đôi.

2/ Sửa chữa công trình không có giấy phép bị phạt tiền 500.000 đồng, nếu vi phạm lần thứ hai thì bị phạt tiền gấp đôi.

Điều 7.

Chủ công trình vi phạm xây dựng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền 50.000 đồng, nếu vi phạm lần thứ 2 thì bị phạt tiền gấp đôi.

1/ Tự ý xây dựng nhà tạm thời (bằng vật liệu nhựa, tôn, gỗ, tranh, tre, nứa, lá).

2/ Tự ý nâng lều quán để kinh doanh buôn bán.

3/ Tự ý đục tường rào, tường nhà trổ cửa đi ra đường.

4/ Tự ý đục tường trổ cửa công trình, xây dựng thêm các bộ phận kiến trúc công trình như cầu thang, ô thông gió, mái che, ống thoát nước, tường rào.

Điều 8.

Chủ thầu xây dựng, sửa chữa công trình có vi phạm về xây dựng như quy định tại các điều 6, 7 thì bị phạt tiền bằng mức phạt tiền đối với chủ công trình.

Điều 9.

Chủ công trình xây dựng, sửa chữa công trình sai với nội dung giấy phép được cấp và hoạ đồ thiết kế được duyệt đính kèm theo giấy phép (trừ các trường hợp được quy định tại điều 10 dưới đây) thì bị phạt tiền theo các mức sau đây:

1/ Xây dựng, sửa chữa công trình bán kiên cố (cấp 3, 4) sai nội dung giấy phép thì bị phạt tiền 200.000 đồng, nếu vi phạm lần thứ hai thì bị phạt tiền gấp đôi.

2/ Xây dựng, sửa chữa công trình kiên cố (cấp 1, 2) sai nội dung giấy phép thì bị phạt tiền 500.000 đồng, nếu vi phạm lần thứ hai thì bị phạt tiền gấp đôi.

Điều 10.

Chủ công trình xây dựng, sửa chữa công trình sai nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền 100.000 đồng, nếu vi phạm lần thứ hai thì bị phạt tiền gấp đôi.

1/ Xây dựng thêm một số bộ phận kiến trúc công trình như vách ngăn, tủ tường, phòng vệ sinh, cầu thang trong phạm vi diện tích và chu vi công trình được phép xây dựng (không làm tăng thêm diện tích xây dựng công trình so với diện tích ghi trong giấy phép).

2/ Xây dựng, sửa chữa công trình sai lệch về vị trí của các bộ phận kiến trúc trong phạm vi diện tích, chu vi và vị trí công trình được phép xây dựng (không làm tăng thêm diện tích xây dựng công trình so với diện tích xây dựng ghi trong giấy phép).

Điều 11.

Chủ thầu xây dựng, sửa chữa công trình có vi phạm về xây dựng như quy định tại các điều 9, 10 thì bị phạt tiền bằng mức phạt tiền đối với chủ công trình.

Điều 12.

Chủ công trình vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền 50.000 đồng, nếu vi phạm lần thứ hai thì bị phạt tiền gấp đôi.

1/ Xây dựng, sửa chữa công trình, có giấy phép nhưng không niêm yết số và ngày tháng năm của giấy phép tại địa điểm xây dựng.

2/ Tiếp tục xây dựng các phân kiến trúc lên trên hầm vệ sinh tự hoại nhưng không báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiểm tra và cho phép xây dựng tiếp phần bên trên hầm vệ sinh tự hoại theo quy định (trừ trường hợp xây dựng, sửa chữa công trình không có giấy phép).

Điều 13.

Chủ công trình ký hợp đồng thi công xây dựng với các cá nhân, đơn vị không có giấy phép hành nghề thi công thì bị phạt tiền 200.000 đồng, nếu vi phạm lần thứ hai thì bị phạt tiền gấp đôi.

Điều 14.

Chủ thầu xây dựng có giấy phép hành nghề khi xây dựng, sửa chữa công trình không niêm yết tên chủ thầu xây dựng tại địa điểm xây dựng, sửa chữa công trình thì bị phạt tiền 50.000 đồng, nếu vi phạm lần thứ hai thì bị phạt tiền gấp đôi.

Điều 15.

Chủ thầu xây dựng, sửa chữa công trình không thực hiện việc bao che công trình xây dựng theo quy định thì bị phạt tiền 100.000 đồng, nếu vi phạm lần thứ hai thì bị phạt tiền gấp đôi.

Điều 16.

Chủ công trình xây dựng, sửa chữa công trình nhưng không có hoạ đồ thiết kế, thi công (được lập theo đúng hoạ đồ thiết kế kiến trúc được duyệt đính kèm theo giấy phép) thì bị phạt tiền 200.000 đồng, nếu vi phạm lần thứ hai thì bị phạt tiền gấp đôi.

Công trình chỉ được tiếp tục xây dựng, sửa chữa sau khi đã có đủ hồ sơ thiết kế thi công nêu trên.

Điều 17.

Chủ công trình không đảm bảo việc hoàn thành xây dựng, sửa chữa công trình theo thời gian quy định, để công trình trong tình trạng xây dựng, sửa chữa dở dang thì bị phạt tiền 200.000 đồng và phải cam kết hoàn thành công trình trong thời gian được gia hạn, nếu vi phạm lần thứ hai thì bị phạt tiền gấp đôi.

Điều 18.

Chủ công trình không báo cáo cho cơ quan cấp giấy phép xây dựng để lập biên bản kiểm tra công trình hoàn thành theo thời hạn quy định thì bị phạt tiền 200.000 đồng.

Điều 19.

Hình thức phạt bổ sung:

1/ Chủ công trình có hành vi vi phạm về xây dựng lần thứ ba sẽ bị thu hồi hoặc tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng.

2/ Chủ thầu xây dựng, sửa chữa công trình có hành vi vi phạm về xây dựng lần thứ ba sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề thi công.

3/ Cùng một hành vi vi phạm, nếu chủ công trình vi phạm đến lần thứ ba thì bị tịch thu vật liệu và phương tiện xây dựng tại địa điểm xây dựng, sửa chữa công trình.

Việc thực hiện tịch thu vật liệu và phương tiện xây dựng phải theo đúng quy định tại điều 16 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Chương III

VIỆC ÁP DỤNG NHỮNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH KHÁC VÀ CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN

A. BUỘC THÁO DỠ CÔNG TRÌNH, BUỘC KHÔI PHỤC HIỆN TRẠNG KIẾN TRÚC

Điều 20.

Ngoài việc phải chấp hành các hình thức xử phạt quy định tại các điều 6, 7, 9, 10, 12, 13, 16, 17, 18, 19, chủ công trình còn bị buộc phải tháo dỡ công trình nếu vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1/ Xây dựng trên đất chiếm dụng của người khác đang có quyền sử dụng đất hợp pháp, hoặc chiếm dụng đất công cộng, đất do Nhà nước đang trực tiếp quản lý sử dụng.

2/ Kiến trúc xây dựng vi phạm lộ giới, ranh giới lối đi công cộng, khoảng cách bảo vệ mép bờ kênh, sông rạch đã quy định.

3/ Kiến trúc xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ công trình kỹ thuật đô thị như đường dây điện, cáp điện, cáp điện thoại ngầm, đường ống thoát nước công cộng, giếng ngầm.

4/ Vi phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều 12.

5/ Kiến trúc vi phạm quy định về môi trường, môi sinh.

6/ Kiến trúc vi phạm tĩnh không an toàn của đường bay.

7/ Kiến trúc vi phạm an toàn giao thông đường thủy, đường bộ.

8/ Kiến trúc vi phạm nằm trong khu vực đã có quyết định giải toả, quy hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố.

9/ Các vi phạm thuộc các chi tiết kiến trúc tại mặt ngoài công trình do sai quy định hoặc vi phạm quy định về mỹ quan đô thị.

Điều 21.

Trong trường hợp chỉ một phần kiến trúc công trình vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 điều 20 thì chỉ phải tháo dỡ một phần kiến trúc đó.

Điều 22.

Chủ công trình tự ý đục tường rào, tường nhà, mở cửa đi ra đường, tự ý dựng nhà tạm thời, lều quán, ngoài việc phải chấp hành hình thức xử phạt bằng tiền theo điều 7, còn phải khôi phục lại tình trạng kiến trúc theo nguyên trạng.

B. BUỘC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI:

Điều 23.

Chủ công trình phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm về xây dựng gây ra. Mức bồi thường thiệt hại do Chủ công trình vi phạm và bên bị thiệt hại thoả thuận.

Trong trường hợp cơ quan cấp phép xây dựng và cơ quan giám định Nhà nước về xây dựng đã có ý kiến giải quyết về chuyên môn kỹ thuật xây dựng để thực hiện mà hai bên không thoả thuận được mức bồi thường, thì hai bên lập hồ sơ trình Toà án có thẩm quyền xét xử theo quy định của Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.

C. TẠM GIỮ NGƯỜI THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Điều 24.

Trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời những hành vi gây rối trật tự công cộng tại địa điểm xây dựng, sửa chữa công trình, người gây rối trật tự công cộng bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Chương IV

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM XÂY DỰNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ PHẠT

Điều 25.

Thẩm quyền xử phạt, trách nhiệm kiểm tra giám sát:

1/ Ủy ban nhân dân quận, huyện:

- Ủy ban nhân dân quận, huyện trong phạm vi quyền hạn của mình tổ chức thực hiện có hiệu quả việc phát hiện, ngăn chặn và xử phạt các hành vi vi phạm về xây dựng xảy ra tại quận, huyện.

- Ủy ban nhân dân quận, huyện được quyền quyết định xử phạt mọi trường hợp vi phạm về xây dựng theo hình thức xử phạt được quy định tại các chương II, III.

2/ Lực lượng cảnh sát trật tự:

- Lực lượng cảnh sát trật tự có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, lập biên bản về vi phạm xây dựng, báo cáo Ủy ban nhân dân quận, huyện sở tại để quyết định những hình thức xử phạt cần thiết, được quyền phạt tiền các trường hợp vi phạm được quy định tại điều 7, 8, 12, 13, 14, 15, chương II.

- Lực lượng cảnh sát trật tự quận, huyện thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm xây dựng của Ủy ban nhân dân quận, huyện trong trường hợp chủ công trình, chủ thầu xây dựng không tự giác chấp hành quyết định xử phạt.

Điều 26.

Lập biên bản về vi phạm xây dựng.

1/ Việc lập biên bản về vi phạm xây dựng phải theo đúng quy định tại điều 21 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và theo mẫu quy định thống nhất.

2/ Biên bản về vi phạm phải ghi rõ vi phạm xây dựng lần thứ mấy, những thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra, nội dung đã bị xử phạt trong những lần trước đó (nếu có).

3/ Cơ quan, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm xây dựng phải ra lệnh buộc đình chỉnh ngay hành vi vi phạm và phải ghi rõ vào biên bản.

Điều 27.

Quyết định xử phạt vi phạm xây dựng.

1/ Kể từ ngày lập biên bản về vi phạm xây dựng, cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền xử phạt phải ra Quyết định xử phạt đối với người, tổ chức đã vi phạm xây dựng, trong thời hạn sau đây:

+ 24 giờ đối với trường hợp vi phạm được quy định tại các điều 12, 13, 14, 15.

+ 15 ngày đối với trường hợp vi phạm được quy định tại điều 20.

+ 03 ngày đối với các trường hợp khác.

2/ Cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải thi hành ngay Quyết định xử phạt kể từ ngày được giao Quyết định xử phạt.

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Quyết định xử phạt có hiệu lực mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành.

Trong trường hợp buộc tháo dỡ công trình, Quyết định xử phạt phải ghi rõ thời hạn để cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải thi hành xong việc tháo dỡ công trình, thời hạn này không quá 30 ngày kể từ ngày Quyết định xử phạt có hiệu lực.

3/ Hình thức và nội dung Quyết định xử phạt vi phạm xây dựng phải theo đúng quy định tại điều 28 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

4/ Quyết định xử phạt vi phạm xây dựng phải ghi rõ việc áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm hay tiếp tục xây dựng, sửa chữa, các phần kiến trúc phải tháo dỡ (nếu có), các khoản tiền phải bồi thường thiệt hại (nếu có).

5/ Quyết định xử phạt vi phạm xây dựng phải được gửi cho Kiến trúc sư Trưởng thành phố.

6/ Quyết định xử phạt vi phạm xây dựng được giao cho lực lượng cảnh sát trật tự để thu tiền phạt và cưỡng chế thi hành Quyết định trong trường hợp chủ công trình, chủ thầu xây dựng không tự giác chấp hành Quyết định xử phạt.

Điều 28.

Hết thời hạn quy định cho chủ công trình, chủ thầu xây dựng phải thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm xây dựng mà chủ công trình, chủ thầu xây dựng không thi hành, lực lượng cảnh sát trật tự thực hiện cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt theo thẩm quyền được quy định tại điều 25.

Chủ công trình vi phạm phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt và chịu mọi thiệt hại về công trình (nếu có) khi bị cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt.

Điều 29.

Trong khi thực hiện Quyết định xử phạt hoặc cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm, lực lượng cảnh sát trật tự lập biên bản và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý về hình sự.

Điều 30.

Việc xử lý vật liệu xây dựng, phương tiện xây dựng bị tịch thu và tiền nộp phạt được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 3, 4, điều 33 và điều 35 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 31.

Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải tuyệt đối tuân thủ theo các quy định tại điều 22, 23 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Chương V

KHEN THƯỞNG – KỶ LUẬT

Điều 32. Khen thưởng.

1/ Người có thành tích trong việc phát hiện vi phạm xây dựng được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước và được thưởng tiền bằng 15% số tiền phạt.

2/ Người thi hành công vụ có thành tích được khen thưởng theo chế độ chung đối với cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước.

Điều 33. Kỷ luật.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm xây dựng vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà vi phạm các quy định về xử phạt vi phạm xây dựng, người không có thẩm quyền xử phạt vi phạm xây dựng mà phạt thì tuỳ theo tính chất, mức độ của vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại về vật chất cho Nhà nước, tổ chức hoặc công dân thì phải bồi thường.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 34.

Kiến trúc sư Trưởng thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan trong phạm vi quản lý ngành mình, có trách nhiệm hỗ trợ Ủy ban nhân dân quân, huyện và lực lượng cảnh sát trật tự thực hiện xử phạt vi phạm xây dựng trên địa bàn thành phố.

Điều 35.

Kiến trúc sư Trưởng thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng đô thị, được quyền kiểm tra các công trình xây dựng, sửa chữa trên địa bàn thành phố.

_ Kiến trúc sư Trưởng thành phố có quyền ra Quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm xây dựng và yều cầu Ủy ban nhân dân quân, huyện, lực lượng cảnh sát trật tự ra Quyết định xử phạt hành vi vi phạm xây dựng, đặc biệt là các công trình vi phạm trong các trường hợp quy định tại điều 20.

_ Kiến trúc sư Trưởng thành phố, khi xét thấy Quyết định xử phạt vi phạm xây dựng chưa đảm bảo đúng quy định, có quyền kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét lại các Quyết định xử phạt.

_ Kiến trúc sư Trưởng thành phố có trách nhiệm theo dõi và giám sát việc xử phạt vi phạm xây dựng trên địa bàn thành phố, được quyền kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét xử lý hành chính đối với các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm xây dựng nhưng không được thực hiện nhiệm vụ, gây hậu quả xấu trong quản lý quy hoạch xây dựng đô thị.

Điều 36.

Chiến sĩ cảnh sát khu vực khi làm nhiệm vụ quản lý hành chính ở địa phương, nếu phát hiện những địa điểm đang thi công xây dựng, sửa chữa phải báo ngay cho lực lượng cảnh sát trật tự quận, huyện biết để kiểm tra.

Điều 37.

Giám đốc Công an thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quân, huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo lực lượng cảnh sát trật tự thực hiện việc kiểm tra và xử phạt vi phạm xây dựng theo quy định.

Điều 38.

Kiến trúc sư Trưởng thành phố căn cứ vào tình hình quy hoạch và phát triển xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố, các quy định của Nhà nước, phối hợp với các ngành có liên quan xem xét và trình Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh, bổ sung các điều khoản của quy định này cho phù hợp với tình hình thực tế.

Điều 39.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo Quyết định xử phạt được thực hiện theo các điều 36, 37, 38 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính của Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 30 tháng 11 năm 1989.

 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1076/QĐ-UB-NC năm 1998 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 1076/QĐ-UB-NC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/04/1994
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trương Tấn Sang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản