Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1070/QĐ-UBND

Hậu Giang, ngày 19 tháng 4 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ NGÃ BẢY, THỊ XÃ NGÃ BẢY, TỈNH HẬU GIANG ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ V/v lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ V/v quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị;

Căn cứ Quyết định số 959/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2011 của UBND tỉnh Hậu Giang V/v phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến năm 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 369/TTr-SXD ngày 13 tháng 4 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, với các nội dung chính như sau:

1. Tên đồ án quy hoạch:

Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến năm 2025.

2. Vị trí liên hệ vùng:

Khu đất lập quy hoạch nằm tại trung tâm thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang có tứ cận tiếp giáp như sau:

- Đông giáp huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

- Tây và Nam giáp huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

- Bắc giáp huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

3. Tính chất đô thị:

Đô thị Ngã Bảy là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, y tế, dịch vụ và du lịch; đồng thời là đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh và liên tỉnh, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng phía Đông tỉnh Hậu Giang và một số lĩnh vực đối với các huyện lân cận của tỉnh Sóc Trăng.

4. Định hướng phát triển dân số:

- Dân số toàn thị xã Ngã Bảy năm 2010 là 58.483 người.

- Dự báo dân số đến năm 2015 là khoảng 80.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 60.000 người, dân số ngoại thị 20.000 người.

- Dự báo dân số đến năm 2020 là khoảng 112.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 180.000 người dân số ngoại thị 22.000 người.

- Dự báo dân số đến năm 2025 là khoảng 163.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 139.000 người dân số ngoại thị 24.000 người.

5. Nhu cầu phát triển đất xây dựng:

Trên cơ sở dự báo quy mô dân số đô thị Ngã Bảy và theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam, dự kiến quy mô đất đai xây dựng đô thị như sau:

- Năm 2015 là khoảng từ 648ha đến 996ha.

- Năm 2020 là khoảng từ 972ha đến 1.494ha.

- Năm 2025 là khoảng từ 1.501ha đến 2.307ha.

6. Định hướng phát triển không gian và phân khu chức năng:

6.1. Định hướng phát triển không gian đô thị:

- Hướng phát triển đô thị mở rộng hơn về phía thành phố Cần Thơ và sông Hậu.

- Bổ sung thêm cơ cấu đô thị, gồm có cấp đô thị và cấp đơn vị ở, có trung tâm đô thị và trung tâm đơn vị ở.

- Chỉnh sửa lại vị trí Khu hành chính thị xã theo chủ trương của UBND tỉnh.

- Điều chỉnh vị trí Công viên thị xã và bỏ hồ cảnh quan do đã có rất nhiều sông rạch.

- Khu trung tâm tài chính và trung tâm giao dịch thương mại được điều chỉnh lại là Khu dân cư thương mại.

- Khu công nghiệp được di dời ra ngoài nội thị, chỉ giữ lại những nhà máy đã xây dựng, không mở rộng thêm.

- Tận dụng tối đa các công trình đã và đang xây dựng để tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng.

- Khai thác tối đa cảnh quan sông nước để tạo thành đô thị có nét đặc thù riêng nhằm phát triển du lịch và dịch vụ thương mại.

- Điều chỉnh Vành Đai 2 để hai cầu trên sông Cái Côn cách xa hơn, nhờ đó khai thác được nhiều quỹ đất hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Quy hoạch trục giao thông chính toàn thành để nối liền các dòng sông lại với nhau.

- Đặc điểm nổi bật nhất của đô thị Ngã Bảy là sông nước và cây xanh, có thể xem là đô thị sông nước, đô thị sinh thái.

- Vì vậy cần phải khai thác tối đa nét đặc thù riêng của đô thị. Chính đặc thù riêng này là động lực lớn nhất để thúc đẩy đô thị phát triển nhanh và bền vững.

Đô thị được phân khu chức năng như sau:

6.1.1. Công trình cấp đơn vị ở:

Mỗi đơn vị ở có một trung tâm đơn vị ở, tại trung tâm đơn vị ở có các công trình công cộng phục vụ đời sống hằng ngày cho dân cư trong đơn vị ở, các công trình cụ thể như sau:

- Khu hành chính phường diện tích khoảng 3.000m2. Khu hành chính phường gồm có: trụ sở UBND phường, công an phường và phường đội.

- Trạm y tế phường diện tích khoảng 1.000m2.

- Trung tâm văn hoá phường diện tích khoảng 2.500m2.

- Sân luyện tập thể dục thể thao diện tích khoảng 10.000m2.

- Công viên cây xanh diện tích khoảng 40.000m2.

- Trường mầm non diện tích khoảng 15.000m2, tại trung tâm có 1 trường diện tích 5.000m2.

- Trường tiểu học diện tích khoảng 19.500m2.

- Trường trung học cơ sở diện tích khoảng 16.500m2.

- Chợ tại đơn vị ở khoảng 2.000m2, khi quy hoạch chi tiết sẽ xác định vị trí cụ thể.

- Tổng diện tích trung tâm đơn vị ở khoảng: 97.500m2.

Các phường đã xây dựng trụ sở UBND và các công trình khác thì vẫn giữ hiện trạng, tại trung tâm đơn vị ở sẽ trừ lại công trình đó.

6.1.2. Khu hành chính thị xã diện tích khoảng 10 ha:quy hoạch cặp đường vành đai 1. Khu hành chính thị xã gồm có trụ sở UBND thị xã và các phòng ban của thị xã, cơ quan Đảng và Đoàn thể của thị xã. Ngoài ra còn có nhà ăn, nhà khách, khu thể dục thể thao.

6.1.3. Công trình an ninh, quốc phòng:

- Công an thị xã: vị trí trụ sở Công an thị xã cặp đường vành đai 1 và đường số 1 (đường có tuyến điện cao thế) thuộc phường Hiệp Thành, trong khu đất này có cả phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, tổng diện tích khoảng 4ha.

- Huyện đội: đang xây dựng tại vị trí cặp Quốc lộ 1A và đường Vành đai 1 thuộc xã Hiệp Lợi, vị trí này đúng theo quy hoạch đã phê duyệt. Diện tích khoảng 6,8ha.

6.1.4. Công trình văn hóa và di tích lịch sử diện tích khoảng 4,8ha:

Khu văn hóa của thị xã gồm có các công trình:

- Nhà văn hóa thị xã diện tích khoảng 5.000m2.

- Nhà thiếu nhi thị xã diện tích khoảng 10.000m2.

- Nhà hát diện tích khoảng 10.000m2.

- Thư viện diện tích khoảng 5.000m2.

- Nhà triển lãm diện tích khoảng 10.000m2.

Hiện trạng đã có Trung tâm văn hóa - thông tin - thể thao, nhà văn hóa thiếu nhi và thư viện thị xã. Tuy nhiên các công trình này chỉ đủ phục vụ quy mô dân số hiện trạng, tương lai dân số tăng thêm thì phải xây dựng thêm khu văn hóa mới bên cạnh khu thể dục thể thao.

- Trùng tu lại khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Liên Hiệp Đình chiến.

6.1.5. Công trình thể dục thể thao diện tích khoảng 15ha:

Trung tâm thể dục thể thao vẫn quy hoạch tại vị trí cũ, gồm có các công trình sau:

- Sân bóng đá có khán đài diện tích khoảng 2,5ha.

- Nhà thi đấu đa năng và các sân bóng đá mini, sân quần vợt, sân bóng chuyền, sân bóng rổ… diện tích khoảng 10,54ha.

6.1.6. Công trình giáo dục:

Công trình giáo dục gồm có:

- Trường mầm non, trường tiểu học và trường trung học cơ sở đã quy hoạch tại trung tâm đơn vị ở.

- Trường trung học phổ thông quy hoạch 2 đơn vị ở học chung 1 trường, dân số 2 đơn vị ở khoảng 40.000 người, diện tích đất xây dựng khoảng 2,4ha. Phường nào đã có trường trung học phổ thông thì vẫn giữ vị trí đó để mở rộng thêm.

- Tại vị trí trường dạy nghề hiện trạng được quy hoạch thành khu giáo dục chuyên nghiệp khoảng 10ha.

- Trung tâm bồi dưỡng chính trị vẫn giữ vị trí hiện trạng, diện tích khoảng 1ha.

6.1.7. Công trình y tế:

- Trạm y tế phường được quy hoạch tại trung tâm phường, các phường đã có trạm y tế thì vẫn giữ vị trí cũ.

- Bỏ bệnh viện đa khoa thị xã Tân Hiệp cũ, bỏ trung tâm y tế dự phòng cặp bờ kênh Xẻo Vong.

- Khu y tế quy hoạch tại vị trí đang xây dựng Bệnh viện Đa khoa bao gồm các công trình:

+ Bệnh viện Đa khoa 650 giường, diện tích đất khoảng 6,52ha.

+ Trung tâm y tế diện tích khoảng 2ha

+ Nhà hộ sinh diện tích khoảng 2.460m2

Tổng diện tích khoảng: 8,6ha

6.1.8. Công viên cây xanh đô thị:

Đối diện khu hành chính được quy hoạch quảng trường kết hợp công viên, diện tích khoảng 11ha.

Tại trung tâm các đơn vị ở đã có quy hoạch công viên.

Cặp theo 7 nhánh sông, kênh, rạch được quy hoạch các đường giao thông cách bờ khoảng 20m để làm công viên cặp bờ. Đây là cách làm để bảo vệ bờ sông, kênh, rạch không bị nhà ở lấn chiếm và gây ô nhiễm nguồn nước, đồng thời để phát huy đặc thù cảnh quan sông nước của thị xã Ngã Bảy.

Tổng diện tích công viên cây xanh: khoảng 151ha.

6.1.9. Khu dịch vụ thương mại:

Chợ tại trung tâm các đơn vị ở đã có quy hoạch các chợ nhỏ để phục vụ trong bán kính khoảng 1km. Khi quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sẽ xác định vị trí chợ cụ thể.

Chợ của thị xã đã được xây dựng từ lâu, theo quy hoạch vẫn giữ vị trí cũ và cải tạo nâng cấp.

Tại vị trí chợ nổi có quy hoạch chợ trên bờ để kết hợp phục vụ khách du lịch.

Chợ nổi tại nút giao bảy ngã đã được hình thành lâu đời vẫn tiếp tục duy trì điểm này, đồng thời quy hoạch thêm chợ nổi tại Ba Ngàn.

Các công trình dịch vụ thương mại khác được quy hoạch chen lẫn trong khu dân cư gọi là khu dân cư thương mại.

Các khu dân cư thương mại được quy hoạch nhà liên kế phố để kết hợp ở và dịch vụ thương mại.

Trong khu dân cư thương mại còn có các công trình như ngân hàng, tài chính, văn phòng làm việc, siêu thị, khách sạn… Khi lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sẽ xác định cụ thể tuỳ theo nhu cầu của thị trường.

6.1.10. Khu du lịch sinh thái:

Đặc điểm lớn nhất của thị xã Ngã Bảy là nơi hội tụ của 7 dòng sông, kết hợp với cây ăn trái đặc sản tươi tốt quanh năm là điều kiện tốt nhất để làm du lịch sinh thái.

Khu du lịch sinh thái vẫn giữ vị trí quy hoạch cũ, nằm giữa kênh Lái Hiếu và kênh Búng Tàu.

Cặp theo sông Cái Côn cũng quy hoạch thành tuyến dân cư dịch vụ du lịch.

Tại các vườn cây ăn trái các xã cũng là điểm du lịch sinh thái.

6.1.11. Khu dân cư:

Trừ các khu công trình công cộng và hạ tầng kỹ thuật còn lại là khu dân cư.

Khu dân cư mật độ cao kết hợp làm dịch vụ thương mại được quy hoạch tại trung tâm đô thị.

Dân cư mật độ thấp được quy hoạch cách xa khu trung tâm, là khu dân cư tiếp giáp đất nông nghiệp.

6.1.12. Khu làng nghề truyền thống:

Khu làng nghề truyền thống kết hợp dịch vụ du lịch được quy hoạch cặp sông Cái Côn.

6.1.13. Khu tiểu thủ công nghiệp:

Cụm tiểu thủ công nghiệp nằm cặp kênh Búng Tàu tại khu vực 5, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy có diện tích khoảng 31,6ha.

Khu tiểu thủ công nghiệp tập trung được quy hoạch cặp sông Cái Côn, diện tích khoảng 11ha.

Ngoài ra, các ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường cũng có thể sản xuất tại hộ gia đình.

6.1.14. Khu công nghiệp:

Khu công nghiệp được quy hoạch cách xa nội thị, cặp sông Cái Côn và ĐT 927C, giáp ranh huyện Châu Thành diện tích khu công nghiệp tập trung khoảng 124ha. Cặp theo đường Quảng Lộ Phụng Hiệp do giao thông thủy bộ đều thuận lợi, có thể hình thành khu công nghiệp phân tán theo tuyến.

Khu công nghiệp theo quy hoạch cũ đã xây dựng một số nhà máy, tạm thời giữ lại, không mở rộng khu công nghiệp này vì có thể gây ô nhiễm môi trường nội thị.

6.1.15. Công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật:

- Bến xe được quy hoạch tại giao lộ giữa đường Vành Đai 2 và đường vào trung tâm đô thị. Giai đoạn đầu quy hoạch bến xe tại đường Vành Đai 1, tương lai sẽ trở thành bến xe nội thành và bãi đậu xe của đô thị.

- Bến tàu được quy hoạch trên sông Cái Côn trong khu dân cư thương mại, gồm có bến tàu khách, tàu hàng hoá.

- Bến tàu du lịch được quy hoạch nhiều điểm để thuận tiện cho khách du lịch. Tại bến tàu du lịch kết hợp dịch vụ thương mại phục vụ du lịch.

- Nhà máy cấp nước vẫn giữ vị trí hiện trạng để mở rộng nâng cấp.

- Các trạm xử lý nước thải vẫn giữ theo quy hoạch cũ.

- Bãi rác sử dụng chung với bãi rác tại xã Tân Long huyện Phụng Hiệp.

- Nghĩa trang nhân dân được quy hoạch phía sau nghĩa trang liệt sĩ hiện trạng.

7. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật:

7.1. Chuẩn bị kỹ thuật đất:

- Cao độ hiện trạng:

+ Đất nông nghiệp: từ +0,5m đến +1,0m;

+ Đất thổ cư: từ +1,2m đến +1,5m;

+ Cao độ mặt đường nội thị: từ +1,2m đến +1,8m;

- Tần suất lũ 5% là +1,53m.

- Cao độ san lấp mặt bằng theo Quyết định số 2443/QĐ-UBND ngày 29/06/2011 của UBND thị xã Ngã Bảy như sau:

+ Khu vực 1: cao độ san lấp +2,1m trong phạm vi:

◦ Đông Bắc giáp kênh Ba Ngàn và đất dân (đường Vành Đai 2);

◦ Đông Nam giáp sông Cái Côn;

◦ Tây Bắc giáp đất dân (đường Vành đai 2);

◦ Tây Nam giáp kênh Xẻo Vong.

+ Khu vực 2: cao độ san lấp +1,9m trong phạm vi:

◦ Đông Bắc giáp đất dân (đường Vành đai 2);

◦ Đông Nam giáp đất dân (đường Vành đai 2);

◦ Tây Bắc giáp sông Cái Côn;

◦ Tây Nam giáp kênh Sóc Trăng.

+ Khu vực 3:cao độ san lấp +2,1m trong phạm vi:

◦ Đông Bắc giáp kênh Sóc Trăng;

◦ Đông Nam giáp đất dân (ranh quy hoạch);

◦ Tây Bắc giáp kênh Quảng lộ Phụng Hiệp;

◦ Tây Nam giáp ranh quy hoạch (kênh Sáo Láo).

+ Khu vực 4: cao độ san lấp +2,1m trong phạm vi:

◦ Đông Nam giáp kênh Quảng lộ Phụng Hiệp

◦ Tây Bắc giáp kênh Lái Hiếu

◦ Tây Nam giáp đất dân (ranh quy hoạch).

- Hệ số đầm chặt là 1,22.

- Độ dốc địa hình đối với mặt phủ tự nhiên: i£ 0,1%.

7.2. Giao thông:

7.2.1. Giao thông đường bộ:

a) Giao thông đối ngoại:

- Đường Vành đai 2 lộ giới: 57m (6m-9m-2m-10.5m-2m-10.5m-2m-9m-6m).

- Phía bên ngoài nội thị có dãy cây xanh cách ly đối với đường Vành đai 2 là 20m tính từ lộ giới.

- Đường Vành đai 1 lộ giới: 40m (6m-12m-4m-12m-6m).

- ĐT 927 và 927C khi đi vào thị xã được mở rộng lộ giới 34m.

b) Giao thông nội thị:

- Trong đô thị có 2 trục chính lộ giới 40m:

+ Trục dọc là trục nối đường Quốc lộ 1A và đường Vành đai 1, đi suốt chiều dọc của đô thị.

+ Trục vòng là trục xuất phát tại Khu hành chính thị xã từ điểm giao nhau với đường Vành Đai 1 đi vòng quanh đô thị nối liền kênh Xẻo Vong, kênh Xẻo Môn, kênh Lái Hiếu, kênh Búng Tàu, kênh Sóc Trăng, sông Cái Côn và đi theo đường Vành đai 1 quay trở lại điểm xuất phát.

- Trục chính khu vực và đường nội bộ khu dân cư:

Các trục đường còn lại là trục chính khu vực và đường nội bộ khu dân cư, lộ giới từ 15m đến 35m, chiều rộng lòng đường tối thiểu 2 làn xe ô tô, vỉa hè rộng tối thiểu 4m. Các đường trong khu đô thị cũ không có khả năng mở rộng thì vẫn giữ theo lộ giới cũ.

- Tuyến xe công cộng:

Xe công cộng được tổ chức chạy theo trục chính toàn thành gồm có trục dọc và trục vòng đô thị.

- Bến xe:

Giai đoạn 1 bến xe liên tỉnh được quy hoạch cặp đường Vành đai 1 gần nút giao với đường QL1A.

Đến giai đoạn 2 thì đường Vành Đai 1 trở thành đường nội thị, bến xe của giai đoạn 1 sẽ trở thành bến xe nội thành, còn bến xe liên tỉnh sẽ được dời ra đường Vành đai 2, chỗ tiếp giáp giữa đường Vành Đai 2 và đường vào nội thành.

7.2.2. Giao thông đường thủy:

- Giao thông thủy gồm có vận tải hành khách, hàng hoá và du lịch. Trên bảy dòng sông của thị xã đều có khả năng làm giao thông thủy, trong đó vận tải hàng hoá và du lịch trên sông là quan trọng nhất.

- Bến tàu hành khách và hàng hoá tại khu chợ.

- Bến tàu du lịch được quy hoạch tại nhiều điểm trên các dòng sông để thuận tiện cho khách du lịch trên sông, khi quy hoạch chi tiết sẽ xác định vị trí cụ thể. Bến tàu chính được quy hoạch tại khu du lịch sinh thái và khu chợ nổi Ba Ngàn.

- Kho tàng bến bãi công nghiệp và vật liệu xây dựng được đặt tại khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

7.2.3. Các yêu cầu kỹ thuật an toàn giao thông:

- Bán kính đường cong của bó vỉa tại giao lộ: R ≥ 12m đối với các tuyến giao thông cấp khu vực và R ≥ 8m đối với các tuyến giao thông nội bộ.

- Vát góc công trình tại vị trí giao lộ được căn cứ theo Mục 4.3.4 của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng.

- Cầu, cống giao thông khi xây dựng trong khu quy hoạch phải đảm bảo an toàn theo quy định về độ tĩnh không thông thuyền.

- Cao độ đỉnh gờ bó vỉa từ: cao độ mép đường thấp hơn cao độ đỉnh gờ bó vĩa 0,20m.

- Độ dốc mặt đường và kết cấu đường theo TCVN; vỉa hè trồng cây xanh, lát gạch Block có độ dốc 1,5%.

7.3. Hệ thống cấp nước:

- Hệ thống cung cấp nước sạch đô thị phải bảo đảm thỏa mãn các yêu cầu về chất lượng, áp lực, lưu lượng phục vụ cho các mục đích: sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ, tưới cây, rửa đường và chữa cháy.

- Trước mắt trong giai đoạn ngắn hạn đến năm 2015 nâng cấp nhà máy hiện hữu đạt công suất 22.000 m3/ngày.đêm để phục vụ cho nhu cầu dùng nước trong đô thị. Theo quy hoạch dài hạn nhà máy nước được dời đến vị trí mới theo hướng Đông Bắc nằm cặp sông Cái Côn và đường vành đai 2, có vị trí ở đầu dòng nước so với đô thị, nguồn nước mặt nơi đây có chất lượng tốt và thuận tiện cho việc tổ chức bảo vệ, vệ sinh nguồn nước. Vị trí xây dựng nhà máy nước có địa chất công trình tốt, có bờ và lòng sông ổn định, ít thay đổi dòng chảy. Đến năm 2025 xây dựng nhà máy nước đạt công suất 35.000 m3/ngày.đêm.

- Tổng như cầu dùng nước cho toàn khu quy hoạch đến năm 2025 theo kết quả tính toàn là 14.456m3/ngày.đêm.

- Bố trí hệ thống ống chính Ø650, Ø500, Ø400, Ø300, Ø200, Ø150 theo trục chính đô thị cấp nước cho các khu dân cư và khu công nghiệp, tận dụng các hệ thống ống cấp nước hiện hữu đang còn tốt và phù hợp với quy hoạch.

7.4. Cấp điện và chiếu sáng:

a) Nguồn điện:từ đường dây trung thế 3 pha 22kV của trạm biến áp hiện hữu 110/22kV.

b) Tuyến trung thế 22kV ngầm: để đảm bảo mỹ quan và an toàn trong khu vực nói riêng và cho đô thị nói chung vì vậy tuyến trung áp được thiết kế đi ngầm. Các xuất tuyến được bố trí thành mạng dọc theo các trục lộ giao thông. Đảm bảo hành lang an toàn cho tuyến và tuân thủ theo các qui chuẩn ngành.

Tuyến trung áp ngầm: 38 km

c) Tuyến hạ thế 0,4kV ngầm:sử dụng cáp đồng bọc chống thấm, cách điện Cu/XLPE/PVC. Cáp được luồn trong ống nhựa chịu lực chôn ngầm dọc theo vĩa hè đến các tủ phân phối hạ áp trong khu vực. Tủ điện phân phối có kích thước 500x800x350 dày 1,5mm được sơn phủ tỉnh điện, tủ được phân bố với khoảng cách trung bình từ 30-40m. Móng tủ bằng bê tông có kích thước 600x300x350 tại mỗi tủ điều lắp sẵn ống nhựa PVC 114 dài khoảng 1m chờ phục vụ cho công tác đấu nối nhánh rẽ từ tủ phân phối vào nhà ,mỗi tủ phân phối phải sử dụng 1 cọc tiếp đất Ø16 dài 2,4m kết hợp với cáp đồng trần C 25mm2 nối vỏ tủ để bảo vệ chống giật. Rãnh cáp phù hợp với từng mạch cáp đơn 1,2,3. Cáp luồn trong ống PVC chôn trực tiếp trong đất khoảng 0,85m có lót cát đệm nylon báo hiệu và gạch làm dấu.

Tuyến hạ áp ngầm: 230 km

d) Trạm biến áp:

Dọc theo tuyến trung thế đặt trạm biến áp các trạm được cấp điện từ ít nhất 2 tuyến (trừ các trạm cục) và các trạm được đặt tại trung độ phụ tải. Máy biến áp loại 3pha 22/0,4KV. Loại MBA phân phối ngoài trời làm mát tự nhiên, có nấc điều chỉnh điện áp không tải + 2x2,5%.

Lắp mới 14 trạm biến áp phục vụ cho khu vực (28 x 4.000kVA/trạm).

Trạm có dung lượng:112.000kVA (công suất theo yêu cầu là 112.000kVA)

7.5. Thoát nước và vệ sinh môi trường:

7.5.1. Hệ thống thoát nước mưa:

- Nước mưa được thu gom vào hố ga và được hệ thống cống bêtông cốt thép đặt dưới vĩa hè dẫn đến kênh rạch gần nhất. Cống thoát nước mưa sử dụng cống bê tông cốt thép đúc sẵn có đường kính từ Ø400÷Ø800.

7.5.2. Hệ thống thoát nước thải sinh hoạt:

- Khu xử lý nước thải công nghiệp được quy hoạch trong khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- Nước thải sinh hoạt được thu gom từ công trình dân dụng dẫn vào hệ thống cống riêng đặt dưới vĩa hè và dẫn đến 4 khu xử lý nước thải đặt ngoài nội thị. Nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn sẽ được xả trực tiếp ra kênh rạch gần nhất.

- Nước thải y tế được xử lý cục bộ trước khi đưa vào hệ thống thoát nước thải chung.

- Tổng lưu lượng nước thải đến năm 2025 của toàn khu khoảng Q = 8.896m3/ngày.đêm. Nước thải sau khi xử lý đạt đạt tiêu chuẩn loại A (theo quy định hiện hành) thì mới được xả ra kinh rạch, sông ngòi.

- Ống dẫn nước thải sinh hoạt sử dụng ống PVC hoặc ống gang có đường kính từ Ø200 ÷ Ø600.

7.5.3. Quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường:

- Rác thải công nghiệp được xe chuyên dùng đến từng nhà máy thu gom và vận chuyển đến bãi rác Tân Long để xử lý.

- Rác sinh hoạt từ hộ gia đình và công trình công cộng được thu gom đưa đến điểm trung chuyển rác tại trung tâm đơn vị ở, hàng ngày có xe chuyên dùng đến nhận rác và chuyển đến bãi rác Tân Long để xử lý.

- Rác y tế được đốt bằng lò đốt rác y tế.

- Nghĩa trang liệt sỹ hiện trạng nằm cặp Quốc lộ 1A thuộc xã Hiệp Lợi.

- Nghĩa trang nhân dân được quy hoạch phía sau nghĩa trang liệt sỹ.

- Nhà tang lễ được quy hoạch gần nghĩa trang liệt sỹ.

7.6. Đánh giá môi trường chiến lược:

Dự báo, đánh giá được các tác động xấu đối với môi trường, các vấn đề về môi trường đã và chưa được giải quyết và đề xuất được hướng giải quyết đối với các vấn đề môi trường còn tồn đọng trong đồ án quy hoạch.

8. Quy hoạch xây dựng đợt đầu (giai đoạn 2011-2015).

- Nhằm quản lý mức đầu tư của đô thị trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải giới hạn không gian phát triển và tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho giai đoạn từ nay đến năm 2015.

- Các bản đồ quy hoạch xây dựng đợt đầu là cơ sở cụ thể để phục vụ công tác quản lý xây dựng đô thị, quản lý sử dụng đất, làm tiền đề cho công tác quy hoạch chi tiết, công tác chuẩn bị kế hoạch đầu tư xây dựng.

- Các chương trình đầu tư và dự án đầu tư cụ thể như sau:

8.1. Phạm vi quy hoạch xây dựng đợt đầu:

Đợt đầu sẽ xây dựng hoàn chỉnh khu trung tâm đô thị được giới hạn bởi đường Vành Đai 1 và trục chính toàn thành đường vòng nối bảy dòng sông.

Ngoài khu trung tâm còn xây dựng thêm ở những nơi có đường giao thông thuận lợi như cặp theo Quốc lộ 1A hướng đi thành phố Cần Thơ và thành phố Sóc Trăng, đường Quảng lộ Phụng Hiệp, ĐT 927, 927C.

Diện tích đất xây dựng đợt đầu khoảng: 987 ha

8.2. Các công trình dân dụng xây dựng đợt đầu:

8.2.1. Khu dân cư thương mại:

Quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng khu dân cư thương mại trong đó gồm các công trình nhà ở, dịch vụ thương mại, các công trình phục vụ đời sống hằng ngày và hạ tầng kĩ thuật.

8.2.2. Khu hành chính thị xã: Quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng Khu hành chính thị xã trong đó bao gồm trụ sở UBND thị xã, trụ sở Thị ủy, các cơ quan đoàn thể và các công trình phụ trợ.

8.2.3. Trung tâm đơn vị ở số 1, số 3, số 5 và số 6:

Quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng trung tâm đơn vị ở trong đó gồm các công trình cấp đơn vị ở để phục vụ đời sống hàng ngày trong bán kính phục vụ 500m như trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, khu văn hoá thể dục thể thao, công viên.

8.2.4. Khu trung tâm thể dục thể thao:

Khu trung tâm thể dục thể thao gồm các công trình như sân vận động, sân bóng đá mini, sân quần vợt, sân cầu lông, sân bóng chuyền, nhà thi đấu đa năng…

8.2.5. Khu văn hoá:

- Tận dụng Khu văn hóa cũ đã có Trung tâm văn hóa, nhà văn hóa thiếu nhi và thư viện. Tại Khu văn hóa mới đầu tư xây dựng thêm Khu Hội chợ triển lãm.

- Trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Liên hiệp Đình chiến.

8.2.6. Công trình giáo dục:

- Xây dựng thêm trường phổ thông trung học tại đơn vị ở số 1, số 3 và số 5.

- Mở rộng trường dạy nghề và trung tâm bồi dưỡng chính trị.

8.2.7. Công trình y tế:

- Xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng bệnh viện đa khoa 200 giường.

- Xây dựng trung tâm y tế thị xã bên cạnh Bệnh viện đa khoa.

8.2.8. Công viên, quãng trường:

- Xây dựng công viên thị xã và quãng trường trước Khu hành chính thị xã.

- Xây dựng các công viên cặp bờ sông.

8.2.9. Khu du lịch sinh thái:

- Quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hướng dẫn dân xây dựng khu du lịch sinh thái tập trung và các khu dịch vụ du lịch, khu làng nghề truyền thống, chợ nổi, bến tàu du lịch… để thu hút khách du lịch.

- Đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng sinh thái (Resort).

8.2.10. Công trình an ninh quốc phòng:

- Xây dựng hoàn chỉnh huyện đội mới.

- Đầu tư xây dựng trụ sở công an thị xã và trạm cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

8.2.11. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp:

- Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong đó có Khu xử lý nước thải để xây dựng Khu công nghiệp tập trung tại phường Hiệp Thành, Khu công nghiệp mới tại xã Tân Thành.

- Đầu tư xây dựng hạ tầng để xây dựng Khu tiểu thủ công nghiệp cặp bờ sông Cái Côn

8.2.12. Hạ tầng kỹ thuật:

- Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông Khu trung tâm đô thị ĐT 927C và một số tuyến đường khác ngoài trung tâm. Xây dựng bến xe liên tỉnh tại vị trí mới giai đoạn 1.

- Xây dựng bờ kè và công viên trên các sông trong phạm vi nội thị.

- Xây dựng bờ kè, công viên, hồ xáng thổi.

- Xây dựng các bến tàu khách, tàu hàng hoá, tàu du lịch và các kho tàng bến bãi trên sông.

- Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống điện trung hạ thế, chiếu sáng trong trung tâm và các khu công nghiệp.

- Mở rộng nhà máy cấp nước và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cấp nước Khu trung tâm đô thị.

- Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mưa trong trung tâm đô thị.

- Xây dựng Khu xử lý nước thải số 3, số 4 và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước thải Khu trung tâm đô thị.

- Xây dựng nghĩa trang nhân dân và nhà tang lễ.

Điều 2: Giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, UBND thị xã Ngã Bảy và các ngành có liên quan xem xét, thẩm tra Quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch trình UBND tỉnh ban hành, chỉ đạo thực hiện công bố quy hoạch theo Luật Quy hoạch đô thị.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 07 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang V/v phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.

Điều 4.Giám đốc Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4
- Lưu: VT, KTTH . NgH
D/NgH/QD/QH/dc Do thi Nga Bay

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Liên Khoa

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1070/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến năm 2025

  • Số hiệu: 1070/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/04/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Nguyễn Liên Khoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/04/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản