Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 106/2005/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 08 tháng 09 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2006-2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về vệc phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010;

Theo đề nghị của Thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2006 -2010 trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.

Điều 2. Căn cứ vào kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2006-2010, Thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh tham mưu UBND tỉnh về nội dung cải cách hành chính cho từng năm, đồng thời giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện và hàng năm có báo cáo kết quả về UBND tỉnh biết để có ý kiến chỉ đạo.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, các thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục KTVB-Bộ Tư pháp
- Ban CĐ CCHC của Chính phủ (b/c)
- Vụ CCHC-Bộ Nội vụ (b/c)
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c)
- CT, PCT
- Như điều 3
- LĐVP, CV:NC
- Lưu

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Tấn Hưng

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2006-2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 106/2005/QĐ-UBND ngày 8/9/2005 của UBND tỉnh Bình Phước)

Để tiếp tục thực hiện các nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước của Chính phủ đến năm 2010. UBND tỉnh đề ra kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2006-2010 sau đây:

I. CẢI CÁCH THỂ CHẾ HÀNH CHÍNH

1. Thường xuyên rà soát và hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật theo từng lĩnh vực ở các cấp các ngành để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp hoặc chồng chéo, trùng lắp.

Rà soát lại để hủy bỏ hoặc đề nghị hủy bỏ các quy định bắt buộc cá nhân phải nộp bản sao giấy tờ có công chứng của phòng công chứng Nhà nước trong hồ sơ đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, hồ sơ có liên quan về đất đai, xây dựng nhà ở, đăng ký kinh doanh, hồ sơ tuyển sinh, tuyển dụng giải quyết chính sách và các công tác khác về công chứng, chứng thực theo Nghị định 75/2000/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Cung cấp cho cán bộ, công chức đầy đủ thông tin về chính sách pháp luật Nhà nước để làm cơ sở giải quyết công việc theo chức trách và thẩm quyền.

3. Mở rộng dịch vụ tư vấn pháp luật cho nhân dân, cho người nghèo, người thuộc diện chính sách và đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa.

II. CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH:

1. Rà soát thủ tục hành chính:

Thường xuyên và theo định kỳ hàng quý tiến hành rà soát các thủ tục hành chính (hồ sơ, biểu mẫu, quy trình, thời gian giải quyết) ỏ những lĩnh vực bức xúc có liên quan đến tổ chức và công dân như: hoạt động đầu tư, đăng ký kinh doanh, đất đai, xây dựng - nhà ở, công chứng, chứng thực, hộ khẩu, hộ tịch, thuế, hải quan, thi tuyển công chức, tuyển sinh ... để kịp thời bãi bỏ, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những thủ tục chồng chéo, mâu thuẫn không cần thiết gây phiền hà cho tổ chức, công dân và khó khăn cho địa phương.

2. Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”

Hoàn thiện và mở rộng cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” trong việc giải quyết công việc của tổ chức, công dân ở các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp theo tinh thần Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

- Ở cấp tỉnh triển khai áp dụng thực hiện cơ chế “một cửa” ở các Sở, đảm bảo đến năm 2010 tất cả các sở, ngành đều áp dụng thực hiện cơ chế “một cửa” trong giải quyết công việc của tổ chức và công dân.

- Ở cấp huyện: Kiện toàn Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, theo đó một số lĩnh vực quy định áp dụng thực hiện theo cơ chế “một cửa” mà hiện nay số lượng hồ sơ không nhiều thì kiến nghị với Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế “một cửa” tại phòng chuyên môn. Tùy theo tình hình đặc điểm cụ thể ở huyện, thị và trong cơ sở trình độ chuyên môn của công chức, Chủ tịch UBND huyện, thị quyết định việc điều động công chức đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoặc giao cho phòng chuyên môn cửa người đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Khẩn trương rà soát lại quy chế làm việc giữa văn phòng UBND huyện, thị với các phòng chuyên môn có liên quan đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trong việc giải quyết hồ sơ thủ tục cho tổ chức, công dân để sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

- Ở cấp xã: Các huyện, thị còn các xã, phường, thị trấn chưa áp dụng thực hiện cơ chế “một cửa” thì phải triển khai thực hiện, đảm bảo trong năm 2006, tất cả các xã phường, thị trấn đều phải áp dụng thực hiện cơ chế “một cửa” trong giải quyết công việc của tổ chức công dân.

3. Ban hành cơ chế kiểm tra đối với cán bộ, công chức thực hiện công tác tiếp nhận và giải quyết công việc của dân; xử lý nghiêm người có hành vi sách nhiễu, hách dịch, vô trách nhiệm, khen thưởng những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Quy định cụ thể rõ trách nhiệm cá nhân trong khi thi hành công vụ.

Tổ chức đường dây nóng (đặt tại Sở Nội vụ) để tiếp nhận thông tin phản ánh từ công dân trong việc sách nhiễu, thiếu trách đối với công chức khi tiếp nhận giải quyết công việc theo yêu cầu của công dân.

III. CẢI CÁCH TỔ CHỨC BỘ MÁY:

1. Căn cứ vào quy định của Trung ương về tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện, thị xã được sắp xếp lại theo Nghị định số 171/2004/NĐ-CP và Nghị định số 172/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 của Chính phủ để ban hành mới và hướng dẫn Quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

2. Trên cơ sở những quy định của Trung ương về phân cấp quản lý Nhà nước, tiến hành thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước giữa chính quyền cấp tỉnh với chính quyền cấp huyện và giữa chính quyền cấp huyện với chính quyền cấp xã ở các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng - nhà ở, hộ tịch, chứng thực, vốn đầu tư, tổ chức bộ máy các cơ quan hiện đang quản lý song trùng giữa tỉnh và huyện..., nhằm nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền các cấp, tăng cường mối quan hệ và trách nhiệm của các cấp chính quyền với nhân dân trong tỉnh.

3. Cải tiến phương thức quản lý, lề lối làm việc của cơ quan hành chính các cấp:

- Xây dựng và triển khai thực hiện quy chế phối hợp trong sự vận hành của bộ máy hành chính các cấp của tỉnh. Định rõ phận sự, thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về kết quả hoạt động của bộ máy, trong đó có cả nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc lĩnh vực do mình quản lý.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công vụ, thực hiện nghiêm túc tuần làm việc 40 giờ; thực hiện việc đeo thẻ công chức khi thi hành công vụ, phải xem tiêu chí trên là một trong những chỉ tiêu thi đua để đánh giá công chức hàng năm.

- Nâng cao chất lượng các cuộc họp, hội nghị thông qua quy chế làm việc, giảm bớt các cuộc hội, họp để dành nhiều thời gian cho công tác kiểm tra cơ sở.

4. Hiện đại hóa nền hành chính:

- Hoàn thành việc nối mạng tin học trong nội bộ các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; giữa các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh với cơ quan chuyên môn cấp huyện, giữa cơ quan chuyên môn cấp tỉnh với UBND huyện, thị xã, tiến tới thực hiện theo dõi thống kê, thông tin báo cáo qua mạng.

- Hiện đại hóa công sở, bảo đảm trang thiết bị và điều kiện làm việc tương đối hiện đại cho các cơ quan hành chính các cấp đi đôi với nâng cao trình độ năng lực công chức, viên chức.

IV. ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

1. Đổi mới công tác quản lý công chức viên chức:

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công chức, viên chức, thực hiện việc quản lý công chức viên chức bằng hệ thống tin học ở các cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện.

- Xây dựng cơ cấu công chức, viên chức hợp lý gắn liền với chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp làm cơ sở cho việc định biên và xây dựng phát triển đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

- Trên cơ sở các hướng dẫn của Trung ương thực hiện việc phân cấp quản lý công chức, viên chức, mở rộng quyền quản lý công chức, viên chức đối với cấp huyện, thị xã.

2. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức:

- Triển khai thực hiện đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh giai đoạn 2005-2010. Hàng năm có chương trình nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho từng đối tượng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng thực hành, đặc biệt chú trọng đến kỹ năng hành chính khi thực hiện công vụ.

- Ban hành và triển khai thực hiện chính sách đào tạo bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực.

- Chú trọng đào tạo, đào tạo nâng cao cho đội ngũ giảng viên Trường Chính trị, đảm bảo chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng thuộc thẩm quyền.

- Bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên kiêm chức tại các Sở, ban ngành, nâng cao kỹ năng sư phạm.

- Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình và phương thức đào tạo, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh và đối tượng được đào tạo.

3. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức cán bộ, công chức.

Trên cơ sở quy chế công vụ được Trung ương ban hành, tiến hành xây dựng tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức khi tiếp xúc với tổ chức và công dân để giải quyết công việc hành chính, tăng cường các biện pháp giáo dục cán bộ công chức về tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm, tận lực, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ công chức. Đưa các hành vi của cán bộ công chức khi tiếp xúc với tổ chức, công dân (trong quan hệ hành chính) làm một trong các tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức hàng năm.

V. CẢI CÁCH TÀI CHÍNH CÔNG

1. Bảo đảm quyền quyết định ngân sách địa phương cho HĐND cấp huyện, cấp xã:

Trên cơ sở quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, tiến hành phân cấp cho HĐND huyện, thị xã quyết định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã cho phù hợp, tạo điều kiện cho chính quyền cấp huyện và chính quyền cấp xã chủ động xử lý các công việc của địa phương mình.

2. Khoán biên chế, kinh phí quản lý hành chính và áp dụng cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu:

- Hoàn thành việc khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg ngày 17/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ cho tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước trong tỉnh.

- Hoàn thành việc áp dụng cơ chế tự chủ về tài chính theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ đối với các đơn vị sự nghiệp có thu thuộc tỉnh và huyện, thị.

3. Triển khai thực hiện thí điểm việc xã hội hóa đối với các ngành giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao theo tinh thần Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 04 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao.

VI. TUYÊN TRUYỀN CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, chương trình cải cách hành chính của tỉnh theo giai đoạn và từng năm trong toàn thể cán bộ công chức viên chức của đơn vị cơ quan đơn vị mình và trong nhân dân bằng nhiều hình thức và phương tiện trên các thông tin đại chúng. Sở Nội vụ (Thường trực Ban chỉ đạo CCHC) phối hợp với Đoàn Thanh niên Công sản Hồ Chí Minh để hàng năm có tổ chức các buổi giao lưu tìm hiểu về nội dung cải cách hành chính trong công chức, viên chức.

VII. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

1. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính cấp tỉnh, huyện; phân công, phân nhiệm rõ ràng trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo; thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra việc cải cách hành chính ở các cấp, các ngành tại địa phương.

2. Thành lập bộ phận (hoặc phòng) chuyên trách công tác cải cách hành chính (đặt tại Sở Nội vụ) để giúp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh thực hiện có hiệu quả chương trình kế hoạch công tác cải cách hành chính của Chính phủ và kế hoạch thực hiện cải cách hành chính hàng năm trên địa bàn tỉnh. Bộ phận chuyên trách này có kinh phí hoạt động riêng do ngân sách cấp.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2006-2010

1. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chung việc triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2006-2010.

2. Sở Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan để giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo hướng dẫn các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2006-2010, tham mưu đề xuất với UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện nội dung cải cách hành chính của tỉnh theo từng năm.

3. Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã căn cứ vào kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2006-2010 để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của ngành mình, địa phương mình bảo đảm thực hiện có kết quả và thiết thực, đồng thời gởi kế hoạch thực hiện về Sở Nội vụ (cơ quan thường trực BCĐCCHC tỉnh) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Sở Nội vụ phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm theo dõi tiến độ, định kỳ báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ./.