Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 105/2003/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 06 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ QUY ĐỊNH MỨC PHẠT ĐỐI VỚI MỘT SỐ HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC VỆ SINH VÀ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 18 tháng 11 năm 2002 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 26/CP ngày 26 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ về bảo vệ môi trường; Nghị định số 46/CP ngày 06 ngày 8 năm 1996 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về y tế; Nghị định số 49/CP ngày 15 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự; Nghị định số 48/CP ngày 05 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý xây dựng, quản lý nhà và công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị; Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ;
Thực hiện Nghị quyết số 40/2003/NQ-HĐ ngày 28 tháng 3 năm 2003 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa VI, kỳ họp lần thứ 11 (bất thường);
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 949/TTr-STP ngày 05 tháng 5 năm 2003;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Mục đích và phạm vi áp dụng:
1. Quyết định này quy định mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh, môi trường xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường trật tự kỷ cương, xây dựng nếp sống văn minh đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.
2. Những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh, môi trường không được quy định tại Quyết định này, nhưng Chính phủ có quy định thì áp dụng theo các quy định của Chính phủ để xử phạt.
Điều 2.- Mức phạt đối với một số hành vi vi phạm về giữ vệ sinh chung:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng đối với hành vi khạc nhổ trên đường phố, nơi công cộng.
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
2.1- Đổ rác, phế thải, xác động vật ra đường phố, nơi công cộng hoặc xuống cống rãnh, sông, biển, rạch, ao hồ;
2.2- Không thực hiện các quy định về quét dọn, thu gom rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở, cơ quan, doanh trại, doanh nghiệp;
2.3- Đổ nước hoặc để nước bẩn chảy ra làm mất vệ sinh khu tập thể, lề đường, lòng đường, nhà ga, bến tàu, bến xe, nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông;
2.4- Tiểu tiện, đại tiện ở nơi công cộng;
2.5- Tắm, giặt, phơi phóng nơi công cộng;
2.6- Để gia súc, các loại động vật khác phóng uế gây mất vệ sinh ở nơi công cộng;
2.7- Điều khiển xe vệ sinh công cộng không đúng thời gian hoặc đậu xe không đúng địa điểm quy định;
2.8- Thu gom, vận chuyển rác không đúng thời gian quy định hoặc không đảm bảo vệ sinh, môi trường.
3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
3.1- Không thu dọn vệ sinh sau khi đốn hạ cây, làm bồn cho cây xanh trên vỉa hè, tiểu đảo, nạo vét bùn, đất, rác cặn từ cống rãnh thoát nước;
3.2- Thi công công trình ngầm hoặc các công trình khác trên đường phố nhưng không dọn sạch mặt đường trước 6 giờ sáng hôm sau;
3.4- Chủ nguồn thải không trang bị thùng rác để phân loại theo hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về rác.
Điều 3.- Mức phạt đối với các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
1.1- Những người làm công việc liên quan trực tiếp đến kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm, các loại nước uống, rượu, bia và thuốc hút đang mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da hoặc các bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
1.2- Người sử dụng lao động sử dụng người đang mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da hoặc các bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế để làm công việc liên quan trực tiếp đến kinh doanh, sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, các loại nước uống, rượu bia và thuốc hút.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
2.1- Bán thực thẩm, các loại nước uống, rượu, bia và thuốc hút đã quá hạn sử dụng;
2.2- Đưa vào lưu thông, buôn bán những sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật bị bệnh, động vật chết;
2.3- Bán gia súc hoặc thịt gia súc có bệnh dịch;
2.4- Bán thịt gia súc và các sản phẩm khác có ướp hàn the hoặc các loại phụ gia cấm sử dụng khác.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu sản xuất, phụ gia thực phẩm và nước dùng để sản xuất, chế biến thành phẩm lương thực, thực phẩm, nước uống, rượu, bia và thuốc hút không bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh hoặc ngoài danh mục Bộ Y tế cho phép.
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm, các cơ sở ăn uống, giải khát, nhà ăn tập thể không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh khi kinh doanh, chế biến lương thực, thực phẩm hoặc sử dụng các nguyên, vật liệu, chất phụ gia không đúng tiêu chuẩn quy định, gây ngộ độc thực phẩm.
Điều 4.- Mức phạt đối với một số hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
1.1- Đóng đinh, treo đèn, treo bảng quảng cáo, biển hiệu và căng cột dây vào cây xanh đô thị;
1.2- Làm hư hại bó vỉa, bồn cỏ gốc cây xanh đô thị;
1.3- Dùng các chất độc hại hoặc chất thông thường với khối lượng lớn để phá hoại cây xanh đô thị.
2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
2.1- Vận chuyển đất, đá, cát, sỏi, rác, các loại vật liệu, phế liệu, chất gây ô nhiễm môi trường nhưng không che đậy hoặc có che đậy nhưng làm rơi vãi, làm mất vệ sinh trên đường phố;
2.2- Điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe có kết cấu tương tự mà để dính bùn, đất, chất bẩn ở bánh xe, thân xe gây bẩn, mất mỹ quan đường phố;
2.3- Để rác tập kết tại các bãi rác trung chuyển lan ra đường giao thông, vỉa hè, nơi công cộng;
2.4- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp xử lý theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trước khi thải chất thải ở dạng rắn, lỏng, khí ra ngoài;
2.5- Đốn hạ cây xanh đô thị trái phép.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
3.1- Thải khói, bụi, khí độc quá giới hạn cho phép;
3.2- Thải mùi hôi thối vào không khí;
3.3- Thải dầu mỡ, hóa chất độc hại, chất phóng xạ vượt quá giới hạn cho phép, vất rác, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi trùng độc hại vào nguồn nước.
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi:
4.1- Không chấp hành quyết định di dời đối với cơ sở sản xuất gây ô nhiễm;
4.2- Gây ra sự cố rò rỉ dầu, cháy nổ dầu và tràn dầu.
Điều 5.- Áp các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác:
Ngoài hình thức phạt tiền quy định tại Điều 2, Điều 3 và Điều 4 của Quyết định này, tổ chức và cá nhân vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác quy định tại xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ: Nghị định số 26/CP ngày 26 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường; Nghị định số 46/CP ngày 06 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về y tế; Nghị định số 49/CP ngày 15 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự; Nghị định số 48/CP ngày 05 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý xây dựng, quản lý nhà và công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị; Nghị định số 15/2003/ NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ.
Điều 6.- Điều khoản thi hành:
1. Quyết định này áp dụng trong thời gian Chính phủ chưa ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực trật tự, an toàn đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận-huyện, phường-xã, thị trấn, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Giám đốc Công an thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và quy định tại Quyết định này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các sở-ngành, quận-huyện phải kịp thời phản ánh để Ủy ban nhân dân thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Quyết định 139/2005/QĐ-UBND bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân thành phố về xử lý vi phạm hành chính do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 165/2003/QĐ-UB ban hành biểu mẫu việc xử phạt vi phạm hành chính theo các Quyết định 105/2003/QĐ-UB, 106/2003/QĐ-UB, 107/2003/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Công văn 1610/VP-PC năm 2003 đính chính Quyết định 105/2003/QĐ-UB về mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh và môi trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 165/2003/QĐ-UB ban hành biểu mẫu việc xử phạt vi phạm hành chính theo các Quyết định 105/2003/QĐ-UB, 106/2003/QĐ-UB, 107/2003/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Nghị định 26-CP năm 1996 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường
- 4Nghị định 46-CP năm 1996 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về y tế
- 5Nghị định 49-CP năm 1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự
- 6Nghị định 48-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý xây dựng, quản lý nhà và công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị
- 7Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002
- 8Nghị định 15/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ
Quyết định 105/2003/QĐ-UB quy định mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh và môi trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 105/2003/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/06/2003
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Thanh Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra