Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1041/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “XÂY DỰNG VÀ ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN KỸ THUẬT” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA “NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” với những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN
1. Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015:
a) 4.000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) được xây dựng mới cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, trong đó có 80% TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, đạt tỷ lệ 45% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực.
b) 100% các sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) được quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN).
c) 5.000 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng TCVN, QCVN, được hướng dẫn xây dựng, áp dụng bộ tiêu chuẩn cơ sở.
d) Quy hoạch và xây dựng mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp (bao gồm các tổ chức chứng nhận, thử nghiệm, kiểm định, giám định) đạt chuẩn mực quốc tế và được thừa nhận trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đáp ứng nhu cầu đánh giá các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và sản phẩm, hàng hóa chủ lực.
đ) Ký kết và thực hiện các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với các nước, ưu tiên đối với sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có kim ngạch cao.
e) Đào tạo được đội ngũ chuyên gia làm nòng cốt cho hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp trong nước và tham gia hoạt động tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp trong khu vực và quốc tế.
2. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020:
a) 2.000 TCVN, được xây dựng mới cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, trong đó có 90% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, đạt tỷ lệ 60% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực.
b) Hoàn thiện hệ thống QCVN đối với các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2.
c) 5.000 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng TCVN, QCVN, được hướng dẫn xây dựng, áp dụng bộ tiêu chuẩn cơ sở.
d) Mở rộng mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế, được thừa nhận trong Liên minh châu Âu (EU). Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các khu vực kinh tế khác.
đ) 100% phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực đạt trình độ quốc tế.
e) Ký kết và thực hiện các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với các nước, ưu tiên đối với sản phẩm hàng hóa xuất, nhập khẩu mà nước ta chưa có điều kiện đánh giá sự phù hợp.
g) Đào tạo về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trong các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và quản lý, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ.
II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA DỰ ÁN
1. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
a) Xây dựng các quy hoạch TCVN, QCVN chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, sản phẩm, hàng hóa chủ lực giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020.
b) Tổ chức xây dựng, bổ sung sửa đổi TCVN, QCVN theo quy hoạch.
c) Phổ biến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp xây dựng và áp dụng bộ tiêu chuẩn cơ sở.
2. Hoạt động đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
a) Xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp cho giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020.
b) Xây dựng và phát triển mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp đáp ứng nhu cầu đánh giá các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, sản phẩm, hàng hóa chủ lực, đạt chuẩn mực quốc tế và được thừa nhận trong khu vực, quốc tế.
c) Lập và thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng các phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa đạt trình độ quốc tế; tăng cường năng lực cho mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế, được thừa nhận trong khu vực và quốc tế.
3. Đào tạo và hợp tác quốc tế
a) Đào tạo trong và ngoài nước cho thư ký, thành viên Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế; chuyên gia thử nghiệm, chứng nhận, giám định, kiểm định trong các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế.
b) Xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức đào tạo về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quản lý chất lượng trong các trường đại học, trường cao đẳng, dạy nghề và quản lý nghiệp vụ về khoa học và công nghệ.
c) Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp.
d) Ký kết và thực hiện các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với các nước, ưu tiên đối với các nhóm sản phẩm, hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu cao, hàng hóa nhập khẩu mà nước ta chưa có điều kiện đánh giá sự phù hợp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phương thức thực hiện Dự án
a) Hàng năm, căn cứ vào mục tiêu của Dự án, Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp, cân đối lập kế hoạch và dự toán chi ngân sách nhà nước của Dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với phần chi đầu tư) và Bộ Tài chính (đối với phần chi sự nghiệp). Dự toán chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ thuộc Dự án được giao trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, ngành. Các Bộ, ngành tổ chức thực hiện sau khi kế hoạch và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Cơ chế thực hiện một số nội dung chủ yếu của Dự án
- Xây dựng quy hoạch: Các Bộ, ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng quy hoạch quy chuẩn kỹ thuật theo lĩnh vực được phân công; Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng quy hoạch tiêu chuẩn quốc gia, quy hoạch mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp, định hướng cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện những nội dung liên quan trong các quy hoạch.
- Xây dựng TCVN, QCVN: Các Bộ, ngành tổ chức biên soạn dự thảo TCVN gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và công bố. Các Bộ, ngành tổ chức xây dựng và ban hành QCVN trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý.
- Đầu tư phát triển mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp: Các Bộ, ngành lập và duyệt dự án đầu tư phát triển mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp thuộc lĩnh vực được phân công theo quy định hiện hành của nhà nước về đầu tư phát triển; thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ trước khi phê duyệt dự án.
- Phổ biến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và áp dụng bộ tiêu chuẩn cơ sở: Các Bộ, ngành, chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và áp dụng bộ tiêu chuẩn cơ sở theo lĩnh vực được phân công.
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc triển khai các dự án của các Bộ, ngành.
2. Giải pháp về tài chính
Kinh phí thực hiện Dự án từ các nguồn sau:
a) Kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho xây dựng các quy hoạch; xây dựng TCVN, QCVN; đầu tư phát triển mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý nhà nước; đào tạo đội ngũ chuyên gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quản lý chất lượng và đánh giá sự phù hợp, chuyên gia tư vấn nòng cốt; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; tham gia hoạt động tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp trong khu vực và quốc tế.
b) Kinh phí của doanh nghiệp để đầu tư, tăng cường năng lực thử nghiệm trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; tổ chức áp dụng tiêu chuẩn; đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng và đánh giá sự phù hợp cho đội ngũ lãnh đạo, người lao động của doanh nghiệp.
c) Các nguồn kinh phí hợp pháp khác: Nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cho hoạt động đào tạo chuyên gia, tổ chức xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
3. Giải pháp về tổ chức nguồn nhân lực
a) Đẩy mạnh hoạt động đào tạo về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quản lý chất lượng; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và quản lý, nghiệp vụ khoa học và công nghệ.
b) Tuyển chọn, cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, hội thảo quốc tế; gửi cán bộ đi đào tạo tại các nước phát triển; trao đổi chuyên gia, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp.
c) Phối hợp với các tổ chức, hội nghề nghiệp phổ biến kiến thức, vận động cộng đồng cùng tham gia triển khai các nhiệm vụ của Dự án.
4. Giải pháp về hợp tác quốc tế
a) Tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm về hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng; nâng cao năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa đạt trình độ quốc tế, phục vụ cho triển khai các hoạt động đánh giá sự phù hợp.
b) Đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với các nước.
IV. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN DỰ ÁN
1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan thực hiện, điều hành toàn bộ hoạt động của Dự án.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ bố trí kinh phí thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 820/QĐ-BKHCN năm 2015 Phê duyệt Danh mục nhiệm vụ KH&CN đặt hàng thuộc Dự án Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng thuộc Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 để tuyển chọn bắt đầu thực hiện từ năm 2016 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 2Quyết định 2551/QĐ-TTg năm 2016 thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 2Quyết định 712/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 820/QĐ-BKHCN năm 2015 Phê duyệt Danh mục nhiệm vụ KH&CN đặt hàng thuộc Dự án Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng thuộc Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 để tuyển chọn bắt đầu thực hiện từ năm 2016 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 4Quyết định 2551/QĐ-TTg năm 2016 thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 1041/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1041/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 01/07/2011
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 403 đến số 404
- Ngày hiệu lực: 01/07/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra