Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 104-CT

Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ GIAI ĐOẠN I THANH TOÁN CÔNG NỢ 

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG 

Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tiếp theo quyết định số 88-CT ngày 30 tháng 3 năm 1991,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bản đề án giai đoạn I thanh toán công nợ giữa các đơn vị tổ chức kinh tế.

Điều 2. Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương vạch kế hoạch tiến hành, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện chi tiết nội dung bản đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các Bộ, uỷ ban Nhà nước, cơ quan thuộc Hội đồng bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

ĐỀ ÁN

GIAI ĐOẠN I THANH TOÁN CÔNG NỢ GIỮA CÁC ĐƠN VỊ, TỔ CHỨC KINH TẾ
(Ban hành kèm theo quyết định số 104-CT ngày 10 tháng 4 năm 1991của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Vấn đề cấp bách hiện nay là tình hình nợ nần dây dưa, chiếm dụng vốn lẫn nhau diễn ra phổ biến và nghiêm trọng dẫn đến tình trạng mất khả năng chi trả, có nguy cơ đổ vỡ dây chuyền các cơ sở kinh tế, gây tác động nghiêm trọng đến hệ thống ngân hàng, làm tê liệt các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là:

1. Việc quyết định thành lập, cấp giấy phép hoạt động các xí nghiệp, tổ chức kinh tế không chấp hành đúng các thủ tục quy định; nhiều đơn vị không có hoặc không đủ vốn hoạt động, cán bộ quản lý không có năng lực, làm ăn thua lỗ, không bảo toàn được vốn (nhất là trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu, các xí nghiệp đời sống, các quỹ tín dụng...).

2. Ngân hàng chưa chuyển kịp sang cơ chế mới, chưa làm được chức năng trung tâm thanh toán, tổ chức thanh toán ngân hàng hầu như bị tê liệt.

3. Việc mua chịu, bán chịu vật tư, hàng hoá và việc vay mượn tiền giữa các đơn vị tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Nhiều đơn vị lạm dụng quyền tự chủ tài chính, lợi dụng hợp đồng kinh tế để ký kết sai trái, không lành mạnh. Việc chấp hành kỷ luật thanh toán không nghiêm.

4. Hậu quả do cơ chế kinh tế cũ để lại còn nặng nề, cơ chế mới chưa được xác lập đầy đủ, luật pháp của Nhà nước còn thiếu và không được chấp hành nghiêm, thiếu các văn bản pháp quy và cơ chế điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với kinh tế thị trường: Luật thương mại, Luật phá sản, cơ chế tài chính xí nghiệp, cơ chế thanh toán, tín dụng, tiền mặt ...

Cùng với việc thanh toán nợ trong giai đoạn này, các cơ quan chức năng của Nhà nước phải gấp rút ban hành một số văn bản pháp quy nhằm điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế đối với các xí nghiệp và tổ chức kinh tế, ngăn chặn tình trạng tiếp tục phát sinh nợ nần dây dưa, chiếm dụng vốn lẫn nhau, lành mạnh hoá tình hình tài chính của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh tế.

Do tình hình công nợ giữa các tổ chức kinh tế rất phức tạp, diễn ra trên diện rộng, nhiều thành phần cho nên tổ chức việc thanh toán phải chia nhiều giai đoạn. Lấy kết quả giai đoạn trước làm điều kiện và tiền đề giải quyết giai đoạn sau.

Vì vậy, đề án này tập trung trong giai đoạn một những vấn đề sau đây:

II. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Xác định đúng tình hình nợ nần lòng vòng, chiếm dụng vốn lẫn nhau, cả bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ (sau đây gọi tắt là công nợ); xác định trách nhiệm cá nhân và làm sáng tỏ các nội dung dưới đây:

- Công nợ với Ngân sách Nhà nước.

- Công nợ với Ngân hàng.

- Công nợ với các tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh.

- Công nợ giữa các xí nghiệp quốc doanh với nhau (đặc biệt là công nợ giữa các tổ chức xuất, nhập khẩu, với Bộ Thương nghiệp và Bộ Tài chính).

- Phân loại nợ của các đơn vị có khả năng thu hồi và chưa có khả năng thu hồi.

2. Tiến hành thanh toán công nợ để giải toả một phần vốn bị đọng (trong các khoản công nợ) làm lành mạnh hoá tình hình tài chính của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. (Sau đây gọi tắt là các đơn vị)

3. Từ việc thanh toán công nợ, xem xét tình hình kinh tế tài chính và đánh giá hiệu quả của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đề ra các chủ trương biện pháp thích hợp theo hướng: đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép, đối với những đơn vị thành lập không hợp pháp không đủ các điều kiện cần thiết để hoạt động; xử lý các đơn vị làm ăn thua lỗ kéo dài do quản lý yếu kém và hành vi tiêu cực khác.

4. Đồng thời với việc thanh toán công nợ, phải chấn chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chế độ, thể lệ về tín dụng, thanh toán, về tài chính xí nghiệp... theo pháp luật, khắc phục cơ bản tình trạng phát sinh nợ dây dưa, lòng vòng.

III. PHạM VI, đốI TượNG, PHươNG PHáP THANH TOáN CôNG Nợ

1. Phạm vi thanh toán công nợ trong giai đoạn này là các khoản nợ trong nước đã quá hạn bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ về mua, bán vật tư, hàng hoá, cung ứng dịch vụ, tín dụng; góp vốn đầu tư, liên doanh, liên kết đã thành nợ. Những khoản nợ trên phát sinh trên cơ sở hợp đồng kinh tế hoặc các giấy tờ cam kết khác.

2. Đối tượng thanh toán nợ trong giai đoạn I này là các xí nghiệp quốc doanh đang hoạt động. Các xí nghiệp quốc doanh đã ngừng hoạt động để thanh lý, được xử lý theo quyết định số 315-HĐBT ngày 1 tháng 9 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng.

3. Phương pháp thanh toán nợ trong giai đoạn I là thanh toán bù trừ.

Tổng số nợ phải trả và tổng số nợ phải thu của mỗi xí nghiệp quốc doanh đủ điều kiện thanh toán (đúng đối tượng đã được xác minh, được chấp thuận) được bù trừ cho nhau, số chênh lệch (hiệu số) sẽ thanh toán như sau:

- Chênh lệch phải thu: được thanh toán từ nguồn vốn bù trừ. Số tiền này đơn vị phải sử dụng theo trật tự ưu tiên sau đây:

a) Trả nợ quá hạn cho Ngân hàng.

b) Trả nợ quá hạn cho các tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh.

c) Trả nợ ngân sách.

d) Chuyển vào tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng cho đơn vị được hưởng.

Chênh lệch phải trả: Đơn vị phải trả tiền ngay bằng cách trích tài khoản tiền gửi, nếu tài khoản tiền gửi chưa đủ thì đơn vị phải lập thủ tục vay thanh toán bù trừ tại Ngân hàng để chuyển tiền vào tài khoản thanh toán bù trừ mở tại Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước ban hành chế độ tín dụng đối với loại cho vay thanh toán này.

4. Giai đoạn I tiến hành theo các bước sau đây:

Bước 1: Thành lập Ban chỉ đạo từ trung ương đến địa phương; in chứng từ xác minh và tài liệu; tổ chức phổ biến quyết định, đề án và kế hoạch triển khai; tập huấn cán bộ.

Bước 1 phải hoàn thành trước ngày 20 tháng 5 năm 1991.

Bước 2: Kiểm kê, xác minh nợ, xử lý, tổng hợp và chuẩn bị các phương án thanh toán nợ.

Bước 2 phải kết thúc trước ngày 30 tháng 8 năm 1991.

Trong bước này đồng thời với việc xác minh nợ, Ban Chỉ đạo Trung ương đôn đốc các Bộ chức năng ban hành hoặc dự thảo trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành các văn bản pháp quy về thanh toán, tín dụng tiền mặt, tài chính xí nghiệp, quản lý các xí nghiệp quốc doanh, phá sản, thế chấp v.v...

Bước 3: Tổ chức thanh toán nợ trong cả nước theo các điểm 1, 2, 3 của mục III bản Đề án này.

Nội dung triển khai các bước ở mỗi cấp (trung ương, tỉnh, huyện) do Ban Chỉ đạo Tổng thanh toán nợ Trung ương quy định trong kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Việc thanh toán công nợ là công việc phải làm gấp, nhưng rất phức tạp, đòi hỏi phải tập trung chuyên gia nhiều ngành, và phải chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ.

a) Thành lập Ban chỉ đạo Tổng Thanh toán nợ của Trung ương, theo quyết định số 88-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Ban chỉ đạo Tổng thanh toán nợ trung ương có các nhiệm vụ:

- Lập và chỉ đạo kế hoạch triển khai thanh toán nợ trong cả nước.

- Đôn đốc các Bộ chức năng soạn thảo các cơ chế mới để trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

- Tổ chức tập huấn phổ biến kế hoạch triển khai thanh toán nợ cho các ngành, các địa phương thực hiện.

- Đôn đốc kiểm tra việc thực hiện kế hoạch triển khai.

- Tổ chức việc thanh toán nợ trong cả nước, quyết toán và tổng kết thanh toán nợ giai đoạn I.

- Kiến nghị xử lý tiếp các khoản nợ chưa thanh toán được trong gia đoạn I.

- Thành lập tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo Tổng thanh toán nợ trung ương gồm các Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, chuyên viên lấy từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Trọng tài kinh tế Nhà nước và một số chuyên viên khác.

Số cán bộ, chuyên viên trưng tập ở các ngành quy định như sau:

- Ngân hàng Nhà nước 8 người, trong đó ít nhất phải có một Vụ trưởng (3 người làm việc tại Hà Nội và 5 người làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh).

- Bộ Tài chính 4 người, trong đó ít nhất phải có một Vụ trưởng hoặc Phó Vụ trưởng (2 người làm việc tại Hà Nội, 2 người làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh).

- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước 2 người (1 người làm việc tại Hà Nội, 1 người làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh).

- Trọng tài kinh tế Nhà nước 2 người (1 người làm việc tại Hà Nội và 1 ngưòi làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh).

Tổ chuyên viên làm việc theo chế độ chuyên trách trong thời gian của giai đoạn I, từ ngày 1 tháng 4 năm 1991 đến ngày 31 tháng 12 năm 1991.

Nhiệm vụ của tổ chuyên viên:

- Dự thảo các văn bản chỉ đạo việc thanh toan nợ trong cả nước.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh toán nợ.

- Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện đề án này.

- Tổ chức việc thu thập, sử lý, tổng hợp và phân tích các thông tin về thanh toán công nợ trong cả nước.

- Đề xuất và dự thảo các văn bản về chủ trương, chính sách, phương án thanh toán công nợ trình Ban chỉ đạo Tổng thanh toán nợ Trung ương xem xét.

- Thực hiện việc thanh toán nợ và quyết toán giai đoạn I thanh toán nợ trong cả nước theo chỉ thị của Ban chỉ đạo Tổng thanh toán nợ Trung ương.

- Lập dự toán chi phí thanh toán nợ giai đoạn I và thực hiện các chi phí theo dự toán được Ban chỉ đạo Tổng thanh toán nợ Trung ương phê duyệt.

Tổ chuyên viên do một tổ trưởng điều khiển, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các Phó Ban chỉ đạo Tổng thanh toán nợ Trung ương và có 2 bộ phận đặt trụ sở tại 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội và 17 Bến Chương Dương, thành phố Hồ Chí Minh.

Phương tiện làm việc và đi lại của tổ chuyên viên do Ngân hàng Nhà nước Trung ương bố trí.

Ngoài số chuyên viên trưng tập suốt cả giai đoạn I khi có nhu cầu, Ban chỉ đạo Tổng thanh toán nợ trung ương sẽ trưng tập thêm chuyên gia của các ngành có liên quan (Ngân hàng, Tài chính, Kế hoạch Nhà nước, Trọng tài kinh tế, Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân...).

b) Thành lập Ban thanh toán nợ ở các Bộ theo quy định tại điều 2 quyết định số 88-CT của Chủ tịch Hồi đồng Bộ trưởng:

Ban thanh toán nợ các Bộ có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trực thuộc chấp hành nghiêm chỉnh quyết định, đề án, kế hoạch triển khai và các quy định của Ban chỉ đạo Tổng Thanh toán nợ trung ương.

Ban Thanh toán nợ của Bộ do Bộ trưởng, hoặc thứ trưởng thường trực làm Trưởng ban; các Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Tài vụ và một số Tổng giám đốc Liên hiệp xí nghiệp, Tổng Công ty trực thuộc làm Uỷ viên.

c) ở mỗi tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (từ đây gọi chung là tỉnh) thành lập một Ban Thanh toán nợ (Ban thanh toán nợ) do Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch thường trực) làm Trưởng ban, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh làm Phó ban, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch, Giám đốc Sở Tài chính và Chủ tịch Trọng tài kinh tế làm Uỷ viên.

Nhiệm vụ của ban thanh toán nợ tỉnh:

- Tiếp nhận, triển khai thực hiện quyết định, đề án, kế hoạch triển khai và các quy định của Ban chỉ đạo Tổng thanh toán nợ trung ương.

- Tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh toán nợ trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Tổng Thanh toán nợ trung ương.

- Tổ chức việc kê khai, đối chiếu, xác minh nợ; tập hợp các bảng kê khai các thẻ xác nhận nợ của các đơn vị đóng trụ sở trên địa bàn tỉnh, nộp trực tiếp, đúng thời hạn quy định cho Ban chỉ đạo Tổng thanh toán nợ trung ương (các tỉnh từ Quảng trị trở vào nộp tại 17 Bến Chương Dương, quân I thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh từ Quảng Bình trở ra nộp tại 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội).

- Kiểm tra, phúc tra việc thanh toán nợ; tổ chức sắp xếp lại các xí nghiệp quốc doanh trực thuộc địa phương để triển khai thực hiện cơ chế mới.

- Quyết toán và tổng kết đợt thanh toán nợ giai đoạn I trên địa bàn, gửi báo cáo cho Ban Chỉ đạo Tổng thanh toán, nợ trung ương đúng hạn quy định.

Ban thanh toán nợ tỉnh phải họp giao ban thường xuyên và khi kết thúc mỗi bước công tác, để rút kinh nghiệm chỉ đạo và báo cáo kịp thời tình hình thực hiện về Ban chỉ đạo Tổng thanh toán nợ trung ương.

Giúp việc Ban Thanh toán nợ tỉnh có một tổ chuyên viên từ 6 đến 10 người, trưng tập từ các ngành Ngân hàng, Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Trọng tài kinh tế tỉnh.

Tổ chuyên viên làm việc theo chế độ chuyên trách tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước tỉnh; Ngân hàng Nhà nước tỉnh bố trí các phương tiện làm việc đi lại.

d) ở mỗi quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (từ đây gọi chung là huyện), nếu số xí nghiệp quốc doanh nhiều thì có thể thành lập Ban thanh toán nợ huyện.

Ban thanh toán nợ huyện do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện làm Trưởng ban, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng công thương (quận, thị xã) hoặc giám đốc chi nhánh ngân hàng nông nghiệp (huyện) làm phó Ban, Trưởng phòng tài chính và Trưởng phòng kế hoạch của huyện làm Uỷ viên. Ban Thanh toán nợ huyện có thể trưng tập từ 2 đến 4 cán bộ có năng lực ở các ngành Ngân hàng, Tài chính huyện giúp việc.

Việc thành lập Ban thanh toán nợ huyện (hay không thành lập) do Ban Thanh toán nợ tỉnh quyết định. ở những huyện không thành lập Ban Thanh toán nợ huyện, Ban Thanh toán nợ tỉnh sẽ trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị kê khai xác minh, thanh toán nợ theo kế hoạch hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Tổng thanh toán nợ trung ương.

2. Các cán bộ trưng tập thực hiện đề án này từ trung ương đến huyện được hưởng lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp như đang công tác ở đơn vị và do đơn vị có cán bộ trả; được hưởng phụ cấp lưu trú, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp làm ngoài giờ lấy từ nguồn kinh phí thanh toán nợ do Ban Chỉ đạo Tổng thanh toán nợ trung ương quy định.

3. Kinh phí cho thanh toán công nợ giai đoạn I, được phép trích một phần nghìn trong tổng số nợ đã thu được và do đơn vị được thanh toán chịu.

Kinh phí ban đầu do Ngân hàng Nhà nước tạm ứng.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 104-CT năm 1991 về giai đoạn I thanh toán công nợ do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 104-CT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/04/1991
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: 31/05/1991
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 10/04/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản