Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1037/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 29 tháng 3 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN MƯỜNG LÁT, TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2045

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 44/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù và các quy định của pháp luật có liên quan;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 1606/SXD-QH ngày 16 tháng 3 năm 2021 về việc nhiệm vụ lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045 (kèm theo Tờ trình số 24/TTr-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2021 của UBND huyện Mường Lát).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045, với những nội dung chính sau:

1. Phạm vi, quy mô, ranh giới lập quy hoạch

- Ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Mường Lát với 8 đơn vị hành chính cấp xã (01 thị trấn và 7 xã), ranh giới lập quy hoạch cụ thể như sau:

Phía Bắc giáp tỉnh Sơn La;

Phía Nam và Đông giáp huyện Quan Hóa;

Phía Tây và Tây Bắc giáp: Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

- Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 812,41 km2.

- Quy mô dân số năm 2019 khoảng 39.948 người.

2. Quan điểm, mục tiêu quy hoạch

2.1. Quan điểm

- Tuân thủ Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và các định hướng lớn về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 03/02/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phù hợp với các quy hoạch cấp trên, các quy hoạch ngành, lĩnh vực; kế thừa các quy hoạch, đề án đã và đang triển khai trên địa bàn huyện.

- Việc lập quy hoạch xây dựng Vùng huyện Mường Lát phải đảm bảo mục tiêu an ninh - quốc phòng. Công tác đối ngoại và trật tự an toàn xã hội vùng biên giới Quốc gia. Phát triển kinh tế cửa khẩu kết hợp với xây dựng tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào.

- Đánh giá kỹ các tiềm năng nổi trội, các cơ hội phát triển của huyện với tầm nhìn dài hạn. Khai thác tối đa lợi thế của huyện Mường Lát; Phải phù hợp với khả năng huy động vốn, sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương và các nguồn lực từ bên ngoài trên tất cả các lĩnh vực.

- Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội của huyện Mường Lát gắn liền với việc giữ gìn môi trường, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện.

2.2. Mục tiêu lập quy hoạch

- Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, các quy hoạch ngành của tỉnh trên địa bàn huyện, làm căn cứ để định hướng các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo; Loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, thống nhất các quy hoạch trên địa bàn huyện làm công cụ để chỉ đạo toàn diện và thống nhất quản lý, là cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công, thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Mường Lát; Là cơ sở pháp lý để tổ chức lập quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xã, quy hoạch các khu chức năng trên địa bàn huyện.

- Tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn, khu chức năng và hệ thống công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo từng giai đoạn đến năm 2030, 2045. Xây dựng Mường Lát theo các giai đoạn đến năm 2030 và theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2020-2030; 2030-2045 trở thành huyện phát triển kinh tế bền vững.

3. Tính chất, chức năng, vai trò của vùng

Là vùng sinh thái rừng đầu nguồn; vừng sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng cây gỗ lớn, bền vững gán với chế biến sâu và xây dựng thương hiệu sản phẩm, hình thành các sản phẩm chủ lực. Phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi đại gia súc, tập trung trang trại, gia trại gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Vùng Phát triển dịch vụ - du lịch: Đa dạng các sản phẩm du lịch thắng cảnh, sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa lễ hội có nhiều nét độc đáo của khu vực biên giới... lễ hội có nhiều trò chơi dân gian mang đậm tính nhân văn bản địa, kết hợp du lịch trải nghiệm, khám phá tự nhiên, khám phá lịch sử văn hóa dân tộc.

Có vai trò quan trọng đảm bảo an ninh môi trường sinh thái; an ninh nguồn nước; quốc phòng, an ninh và đại đoàn kết các dân tộc thuộc vùng miền núi tỉnh Thanh Hóa (theo Nghị quyết số 58-NQ-TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045); vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền núi cao phía Tây tỉnh.

4. Yêu cầu về dự báo sơ bộ quy mô vùng

Cơ sở để dự báo quy mô phát triển vùng huyện dựa trên: Các điều kiện tự nhiên, tiềm năng đất đai và quỹ đất xây dựng; hiện trạng về phát triển kinh tế, những khu vực kinh tế chủ đạo của huyện và từng địa bàn; Tình hình đầu tư công nghiệp, dân cư và phát triển đô thị, phân bố công trình hạ tầng xã hội, tăng trưởng dân số, xây dựng và quản lý đô thị, nông thôn, vv...

4.1. Yêu cầu lựa chọn chỉ tiêu về hạ tầng xã hội & hạ tầng kỹ thuật:

Các chỉ tiêu kỹ thuật tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng hiện hành. Trong đó lưu ý:

- Hệ thống hạ tầng xã hội bao gồm: Hệ thống dịch vụ - công cộng: y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại và các công trình dịch vụ - công cộng cần tính toán quy mô theo các công hình cấp vùng.

- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm: Hệ thống giao thông; Hệ thống chiếu sáng công cộng; Hệ thống thông tin liên lạc (hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động); Hệ thống cấp nước; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải (XLNT); Hệ thống quản lý chất thải rắn (CTR); Hệ thống vệ sinh công cộng; Hệ thống nhà tang lễ, nghĩa trang và cơ sở hỏa tang đảm bảo tiêu chí của đô thị và nông thôn.

4.2. Dự báo sơ bộ về quy mô dân số:

- Dân số hiện trạng khu vực quy hoạch năm 2020 khoảng 40.000 người, Dân số đô thị khoảng: 7.316 người. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 18,3%.

- Dự báo đến năm 2025: dân số toàn huyện khoảng: 41.300 người, dân số đô thị khoảng 8.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 19,0%.

- Dự báo đến năm 2030: dân số toàn huyện đạt khoảng 42.500 người, dân số đô thị khoảng 9.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 21,0%.

- Dự báo đến năm 2045: quy mô dân số toàn huyện khoảng 46.500 người, dân số đô thị khoảng 12.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 25,5%.

4.3. Dự báo sơ bộ về quy mô đất đai:

Dự kiến chỉ tiêu đất xây dựng đô thị khoảng 200 - 250m2/người.

- Dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2025 khoảng 840ha - 1,050ha;

- Dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 860ha - 1,075ha;

- Dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2045 khoảng 940ha - 1.175ha.

(Các dự báo sẽ được nghiên cứu cụ thể trong quá trình lập quy hoạch).

5. Nội dung yêu cầu nghiên cứu

Nội dung yêu cầu nghiên cứu đồ án quy hoạch xây dựng vùng thực hiện theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng, các yêu cầu cụ thể như sau:

5.1. Yêu cầu về phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, hiện trạng:

- Phân tích, đánh giá liên kết giữa huyện Mường Lát với các huyện trong vùng liên huyện số 6, đặc biệt là vai trò liên kết kinh tế, xã hội với nước CHDCND Lào qua cửa khẩu Tén Tằn, từ đó có những giải pháp phù hợp kết nối hiệu quả, cùng phát triển.

- Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng kinh tế xã hội, hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn, sử dụng đất đai, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, môi trường và những yếu tố mang tính đặc thù của vùng huyện Mường Lát. Luận chứng khoa học về những tiềm năng nổi trội của huyện, từ đó có đánh giá tổng hợp về những cơ hội cũng như thách thức của huyện Mường Lát trong thời kỳ mới.

- Đánh giá về các điều kiện tự nhiên như: Khí hậu, thủy văn, địa hình địa mạo, địa chất công trình, địa chất thủy văn... để xác định các khu vực có quỹ đất xây dựng thuận lợi, các khu vực cần kiểm soát phát triển.

- Nghiên cứu, đánh giá những khu vực có nguy cơ lũ lụt cao, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao làm cơ sở để có biện pháp ứng phó phù hợp.

- Đánh giá tình hình phát triển các đô thị, các điểm dân cư nông thôn, tỷ lệ đô thị hóa, thực trạng quản lý đô thị; các cơ sở kinh tế chủ yếu phát triển vùng (công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông, dịch vụ, du lịch, thương mại, khoa học công nghệ, đào tạo...); hệ thống hạ tầng xã hội để làm cơ sở để xác định cơ cấu phát triển không gian.

- Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường, bao gồm: hiện trạng hệ thống giao thông từ đường xã trở lên, hiện trạng chuẩn bị kỹ thuật, thoát nước và xử lý nước thải, thu gom và xử lý CTR, công nghệ xử lý nước thải, CTR của các đô thị, các cụm công nghiệp, hiện trạng nghĩa trang, hiện trạng về tiêu thụ điện, nguồn điện và lưới điện, hiện trạng môi trường tự nhiên (nước, không khí, đất, hệ sinh thái...) và môi trường xã hội.

- Rà soát và đánh giá các đề án, các cơ chế chính sách quản lý và phát triển theo quy hoạch của tỉnh, các quy hoạch xây dựng đã có, dự án đầu tư cấp Quốc gia, cấp tỉnh, các dự án cấp huyện đã và đang triển khai. Đánh giá tính hiệu quả, sự phù hợp với tổng thể chung trong thời kỳ mới.

5.2. Yêu cầu về định hướng phát triển không gian vùng:

- Định hướng phát triển không gian vùng phải phù hợp với định hướng chung của tỉnh, trong đó yêu cầu xác định rõ vai trò huyện Mường Lát trong vùng liên huyện số 6 của tỉnh (gồm các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước).

- Đối với phân vùng phát triển: rà soát lại các vùng phát triển theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, đề xuất các vùng phát triển phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng khu vực gắn với việc bố trí các khu chức năng, các khu vực sản xuất. Xác định các vùng phát triển; hạn chế phát triển; các vùng bảo tồn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

- Đối với tổ chức hệ thống đô thị và nông thôn:

Về hệ thống đô thị: Trên cơ sở định hướng Quy hoạch hệ thống đô thị toàn tỉnh trong quy hoạch tỉnh dự kiến phát triển 3 đô thị trên địa bàn toàn huyện gồm: thị trấn Mường Lát (gồm thị trấn Mường Lát cũ và đô thị Tén Tằn), đô thị Trung Lý, đô thị Mường Lý. Làm rõ tính chất chức năng của các đô thị, xác định quy mô các đô thị đảm bảo tiêu chí quy định tại Nghị quyết 1210/2016/NQ-UBTVQH gắn với sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính.

Về phát triển nông thôn: Phát triển hệ thống khu dân cư nông thôn phù hợp với yêu cầu phát triển nông thôn mới, hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực và tiết kiệm đất đai.

- Đối với các khu chức năng: Rà soát cập nhật theo phương án quy hoạch của các ngành đang triển khai để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, đề xuất các nội dung cần điều chỉnh và bổ sung nếu có trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển trên địa bàn huyện. Trong đó tập trung nghiên cứu các khu vực thuận lợi cho phát triển du lịch, nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp - TTCN.

Đối với các khu vực phát triển du lịch: phát triển du lịch tâm linh đến chùa Đại Hóa, Đền thờ Tư Mã Hai Đào, nghiên cứu các loại hình du lịch phù hợp với văn hóa và phong tục tập quán của địa phương, khai thác và phát huy các nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn. Kết hợp các loại hình du lịch trải nghiệm thiên nhiên, khám phá văn hóa vùng miền, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí chất lượng cao.

Đối với các khu vực phát triển nông, lâm nghiệp: Nghiên cứu xây dựng các vùng sản xuất, chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; Phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế và môi trường, đa dạng hóa các sản phẩm lâm nghiệp, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh.

5.3. Yêu cầu về định hướng hệ thống hạ tầng xã hội:

- Xác định quy mô và vị trí các công trình hạ tầng xã hội mang ý nghĩa cấp vùng huyện và một số công trình hạ tầng xã hội phục vụ vùng liên huyện như: các trung tâm giáo dục, đào tạo, văn hóa, nghệ thuật, y tế, TDTT...

- Phân bổ và xác định quy mô các hệ thống công trình hạ tầng xã hội của huyện gồm: Trung tâm giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế, thể dục thể thao có quy mô lớn, trung tâm thương mại, dịch vụ cấp vùng, khu vực bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa là điểm mạnh của huyện.

5.4. Yêu cầu về định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng:

- Về định hướng giao thông: Phân tích mô hình giao thông, xác định khung giao thông vùng, các công trình đầu mối giao thông quan trọng liên kết với các khu vực trọng điểm của tỉnh. Đối với giao thông nội huyện, lựa chọn khung giao thông để phát triển các khu vực mới và các đô thị dự kiến hình thành, tạo mối liên hệ hợp lý giữa đô thị với khu vực nông thôn.

- Về định hướng chuẩn bị kỹ thuật: Phân tích, đánh giá về địa hình, các biến động về địa chất, cảnh báo các vùng cấm và hạn chế xây dựng, xác định các khu vực thuận lợi xây dựng, hạn chế tác động đến địa hình tự nhiên.

Xác định các lưu vực, hướng thoát nước chính và các công trình tiêu thoát nước đầu mối. Các giải pháp giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

- Về định hướng quy hoạch cấp nước: Đánh giá về tài nguyên nước mặt và nước ngầm, nghiên cứu quy mô và công suất các công trình đầu mối cấp nước. Tính toán bổ sung nhu cầu cấp nước cho các khu vực dự kiến là đô thị; trung tâm huyện lỵ. Đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước và công trình đầu mối, đặc biệt là nguồn nước ngầm.

- Về định hướng quy hoạch cấp điện: Dự báo bổ sung nhu cầu phụ tải điện, bao gồm: Phụ tải điện sinh hoạt, điện công trình công cộng, điện sản xuất, điều chỉnh lưới truyền tải điện và phân phối điện theo nhu cầu phụ tải mới. Đề xuất khai thác sử dụng các nguồn năng lượng mới và tái tạo.

- Về định hướng quy hoạch thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang: Dự báo, điều chỉnh bổ sung, công suất, quy mô của các trạm xử lý nước, trạm bơm cho các khu vực dự kiến phát triển đô thị. Nghiên cứu điều chỉnh bổ sung quy mô, công suất một số công trình đầu mối xử lý chất thải rắn, và nghĩa trang cấp vùng huyện.

5.5. Yêu cầu về đánh giá môi trường chiến lược và các yêu cầu khác:

- Đánh giá các tác động tích cực, tiêu cực đến môi trường do quy hoạch tạo ra. Đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đế môi trường. Xác định các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động và quản lý, giám sát môi trường. Các nội dung yêu cầu nghiên cứu thực hiện theo Luật xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014; Nghị định 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng.

- Dự báo xu hướng các vấn đề môi trường do tác động của phân bố đô thị, dân cư, các hoạt động kinh tế, mạng lưới hạ tầng kỹ thuật trong vùng; nêu các vấn đề môi trường đã và chưa được giải quyết trong đồ án quy hoạch. Đánh giá sự thống nhất giữa các quan điểm, mục tiêu của quy hoạch xây dựng và các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường; dụ báo, so sánh tác động môi trường của các phương án quy hoạch.

- Tổng hợp, đề xuất, sắp xếp thứ tự ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu, cải thiện các vấn đề môi trường còn tồn tại trong đồ án quy hoạch; đề xuất các vùng bảo vệ môi trường (khu vực bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hành lang xanh, vùng di sản, lưu vực nguồn nước...).

6. Hồ sơ sản phẩm

6.1. Hồ sơ địa hình phục vụ lập quy hoạch

Sử dụng bản đồ địa hình tỉnh Thanh Hóa tỷ lệ 1/100.000 sẵn có để thực hiện bản đồ vị trí và mối quan hệ liên vùng;

Sử dụng bản đồ địa hình số tỷ lệ 1/25.000 và tỷ lệ 1/10.000 của Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam có hiệu chỉnh, bổ sung để thực hiện hồ sơ quy hoạch.

6.2. Hồ sơ quy hoạch

a) Thành phần và nội dung hồ sơ bản vẽ:

- Sơ đồ vị trí và liên hệ vùng: Vị trí, ranh giới của vùng, mối quan hệ về tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường có ảnh hưởng tới vùng quy hoạch. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình theo tỷ lệ thích hợp.

- Các sơ đồ hiện trạng vùng: Điều kiện tự nhiên; hiện trạng phân bố dân cư và sử dụng đất; hiện trạng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường cấp vùng. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000.

- Các sơ đồ về phân vùng và định hướng phát triển không gian vùng: Xác định các vùng phát triển, bảo tồn, hạn chế phát triển, vùng cấm phát triển; tổ chức hệ thống các đô thị, các khu vực dân cư nông thôn; phân bố, xác định quy mô các không gian phát triển công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp; các vùng nghỉ ngơi du lịch, khai thác, bảo vệ thiên nhiên, tôn tạo, các vùng di tích lịch sử văn hóa và các chức năng khác, phân bố cơ sở kinh tế - kỹ thuật cấp vùng. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000.

- Các sơ đồ định hướng hạ tầng kỹ thuật cấp vùng: Giao thông, cao độ nền, thoát nước mặt, cung cấp năng lượng, viễn thông, cấp nước, quản lý chất thải và nghĩa trang. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000.

- Các bản vẽ về đánh giá môi trường chiến lược. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình theo tỷ lệ thích hợp.

b) Phần văn bản gồm:

- Thuyết minh tổng hợp;

- Tờ trình xin phê duyệt quy hoạch;

- Dự thảo Quyết định, quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch;

- Các văn bản pháp lý có liên quan.

6.3. Yêu cầu về hồ sơ

- Bản đồ minh họa trong thuyết minh được thu nhỏ theo khổ giấy A3, in màu;

- Bản đồ dùng cho việc báo cáo thẩm định, phê duyệt, in màu theo tỷ lệ;

- Số lượng tài liệu dùng báo cáo thẩm định theo yêu cầu của hội nghị.

- Hồ sơ trình duyệt lập thành 8 bộ in màu theo tỷ lệ, kèm theo 04 bộ hồ sơ màu in khổ A0 (chủ đầu tư, các cơ quan thẩm định, quản lý), 04 đĩa CD ghi toàn bộ nội dung bản vẽ và các văn bản liên quan.

7. Kinh phí thực hiện

- Kinh phí lập quy hoạch: Giao UBND huyện Mường Lát tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán lập quy hoạch theo quy định tại Thông tư số 20/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.

- Nguồn vốn lập quy hoạch: Vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ theo Quyết định số 621/QĐ-UBND ngày 22/02/2021.

8. Tổ chức thực hiện

- Cơ quan phê duyệt quy hoạch: UBND tỉnh Thanh Hóa.

- Cơ quan Chủ đầu tư và trình hồ sơ: UBND huyện Mường Lát.

- Cơ quan tổ chức thẩm định: Sở Xây dựng Thanh Hóa.

- Đơn vị lập quy hoạch: Lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định hiện hành.

- Thời gian thực hiện đồ án quy hoạch: Trước ngày 30/9/2021 (theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 17478/UBND-CN ngày 16/12/2020).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND huyện Mường Lát; Viện trưởng Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa và Thủ trưởng các ngành, các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2 Quyết định;
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, CN.
H1.(2021)QDPD_NV QHVH Muong Lat

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Xuân Liêm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1037/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045

  • Số hiệu: 1037/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/03/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Mai Xuân Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản