Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1036/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 14 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH NGHĨA TRANG THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng;

Căn cứ Thông tư 12/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù;

Căn cứ Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 36/BXD-HTKT ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ Xây dựng về việc cho ý kiến nội dung đồ án quy hoạch nghĩa trang thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Công văn số 7589/VPCP-KTN ngày 12 tháng 9 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ về việc chủ trương điều chỉnh cục bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 4115/TTr-SXD ngày 30 tháng 12 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nội dung chính như sau:

1. Phạm vi và đối tượng lập quy hoạch:

a) Phạm vi lập quy hoạch: Bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Cần Thơ với diện tích khoảng 1.438 km2.

b) Đối tượng lập quy hoạch: Hệ thống nghĩa trang nhân dân, nhà tang lễ và cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

2. Quan điểm và mục tiêu lập quy hoạch:

a) Quan điểm:

- Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) của thành phố Cần Thơ; Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan.

- Quy hoạch nghĩa trang nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống hạ tầng xã hội của thành phố; phù hợp với quy định hiện hành có liên quan; bảo vệ môi trường, hiệu quả sử dụng đất, cảnh quan, sinh thái.

- Quy hoạch theo hướng văn minh hiện đại, có kế thừa và phát huy các giá trị tiến bộ trong văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán truyền thống.

- Phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố;

- Khuyến khích đầu tư, đáp ứng nhu cầu an táng của người dân thành phố.

b)  Mục tiêu quy hoạch:

- Cụ thể hóa định hướng phát triển nghĩa trang trong đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

- Dự báo nhu cầu nghĩa trang nhân dân, nhà tang lễ và cơ sở hỏa táng. Làm cơ sở cho việc hoạch định, quản lý, phát triển; triển khai các dự án đầu tư hệ thống nghĩa trang, nhà tang lễ và cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố.

3. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật:

Trên cơ sở thực hiện theo Quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định hiện hành, và cụ thể:

- Chỉ tiêu tỷ lệ táng theo hình thức hỏa táng đến năm 2030:

+ Tại khu vực đô thị: Tối thiểu 30%;

+ Tại khu vực nông thôn: Tối thiểu 5%.

- Chỉ tiêu đất an táng: Mộ phần hung táng và chôn cất một lần tối đa 5m2/mộ; mộ phần cát táng tối đa 3m/mộ; Mộ chôn cất lọ tro cốt sau hỏa táng tối đa 3m2/mộ.

- Chỉ tiêu nhà tang lễ: Tối thiểu 250.000 dân/một nhà tang lễ theo Quy chuẩn QCVN 01:2008/BXD.

- Các chỉ tiêu quy hoạch khác tuân thủ theo quy định Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

- Các chỉ tiêu áp dụng, tính toán cho mỗi công trình nghĩa trang cấp 1, 2 và 3 thực hiện theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 07-10:2016/BXD và Tiêu chuẩn thiết kế Nghĩa trang đô thị TCVN 7956:2008.

4. Dự báo nhu cầu:

a) Hình thức táng:

- Đến năm 2020:

+ Tại khu vực đô thị: Tỷ lệ táng tập trung chiếm 30%; Hỏa táng chiếm 25% và táng phân tán (chuyển về khu vực nông thôn) chiếm 45%;

+ Tại khu vực nông thôn: Tỷ lệ táng tập trung chiếm 5%; Hỏa táng chiếm 5% và táng phân tán chiếm 90%.

- Đến năm 2030:

+ Tại khu vực đô thị: Tỷ lệ táng tập trung chiếm 40%; Hỏa táng chiếm 45% và táng phân tán (chuyển về khu vực nông thôn) chiếm 15%;

+ Tại khu vực nông thôn: Tỷ lệ táng tập trung chiếm 15%; Hỏa táng chiếm 20% và táng phân tán chiếm 65%.

b) Nhu cầu táng:

- Đến năm 2020: Nhu cầu táng dự báo khoảng 6.010 trường hợp/năm;

- Đến năm 2030: Nhu cầu táng dự báo khoảng 8.174 trường hợp/năm.

5. Quy hoạch hệ thống nghĩa trang tập trung:

a) Nghĩa trang tại khu vực quận Ô Môn và quận Bình Thủy:

- Vị trí: Tại khu vực giáp ranh phường Trường Lạc, quận Ô Môn và phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, gần Quốc lộ 91B.

- Phạm vi phục vụ: Bao gồm các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, các thị trấn: Phong Điền, Thới Lai; một phần quận Thốt Nốt.

- Quy mô: Tối thiểu là 100 ha, tối đa 150 ha, có thể phân kỳ đầu tư đáp ứng theo nhu cầu trong từng giai đoạn.

- Tính chất: Phục vụ nhu cầu táng mới và quy tập các nghĩa trang, phần mộ phân tán.

- Loại hình nghĩa trang: Nghĩa trang hỗn hợp có khu vực hỏa táng, hung táng, cát táng, chôn 1 lần. Tỷ lệ đất chôn cất 1 lần tối đa 30% diện tích chôn cất. Nghĩa trang phải đầu tư các công trình phục vụ: đài hỏa táng, khu lưu tro, nhà tang lễ, các công trình tâm linh, có phân khu nhiều khu vực riêng để phục vụ theo tôn giáo, dân tộc.

b) Nghĩa trang tại huyện Vĩnh Thạnh:

- Vị trí: Tại xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, gần Đường tỉnh 922, đường dẫn cầu Cần Thơ 2 và đường cao tốc Cần Thơ – An Giang dự kiến.

- Phạm vi phục vụ: Quận Thốt Nốt, các thị trấn: Vĩnh Thạnh, Thạnh An, Cờ Đỏ.

- Quy mô: Tối thiểu là 30 ha, tối đa 50 ha, có thể phân kỳ đầu tư đáp ứng theo nhu cầu trong từng giai đoạn.

- Tính chất: Phục vụ cho nhu cầu táng mới và quy tập các nghĩa trang. Phân chia nhiều khu vực để phục vụ theo tôn giáo, dân tộc. Đặc biệt cần quan tâm
ưu tiên về tỷ lệ diện tích khu vực chôn cất dành cho người Công giáo để di dời
các khu nghĩa trang Công giáo tại quận Thốt Nốt và hỗ trợ các giáo xứ lân cận về vấn đề chôn cất.

- Loại hình nghĩa trang: Nghĩa trang hỗn hợp có khu vực hỏa táng, hung táng, cát táng, chôn 1 lần. Có các công trình phục vụ: đài hỏa táng, khu lưu tro, nhà tang lễ, các công trình tâm linh.

c) Nghĩa trang tại quận Cái Răng:

- Vị trí: Tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, gần đường vành đai dự kiến của thành phố.

- Phạm vi phục vụ: Quận Cái Răng, thị trấn Phong Điền và một phần quận Ninh Kiều.

- Quy mô: Tối thiểu là 30 ha, tối đa 50 ha, có thể phân kỳ đầu tư đáp ứng theo nhu cầu trong từng giai đoạn.

- Tính chất: Phục vụ cho nhu cầu táng mới và quy tập các nghĩa trang; là quỹ đất nghĩa trang dự phòng của thành phố.

- Loại hình nghĩa trang: Nghĩa trang hỗn hợp có khu vực hỏa táng, hung táng, cát táng, chôn 1 lần. Có các công trình phục vụ: đài hỏa táng, khu lưu tro, nhà tang lễ, các công trình tâm linh.

6. Quy hoạch hệ thống nhà tang lễ:

a) Quy mô nhà tang lễ tối thiểu 01 ha, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định;

b) Vị trí xây dựng nhà tang lễ phải đảm bảo phù hợp theo vị trí đề xuất trong đồ án quy hoạch nghĩa trang hoặc được nghiên cứu cụ thể trong các đồ án quy hoạch xây dựng;

c) Đầu tư hệ thống nhà tang lễ trong giai đoạn đến năm 2020: Xây dựng các nhà tang lễ tại các nghĩa trang tập trung xây dựng mới và tại các trung tâm đô thị; nâng cấp cải tạo đạt chuẩn quy định đối với các nhà tang lễ hiện hữu;

d) Đầu tư hệ thống nhà tang lễ trong giai đoạn đến năm 2025: Bổ sung nhà tang lễ phục vụ khu vực trung tâm đô thị; đồng thời, xây dựng các nhà tang lễ tại các thị trấn thuộc huyện;

đ) Đầu tư hệ thống nhà tang lễ trong giai đoạn đến năm 2030: Bổ sung nhà tang lễ phục vụ khu vực trung tâm đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển tại địa phương.

7. Quy hoạch cơ sở hỏa táng:

a) Quy mô cơ sở hỏa táng phù hợp theo dây chuyền công nghệ sử dụng; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định;

b) Công nghệ hỏa táng phải được cấp thẩm quyền thẩm định, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan theo quy định;

c) Vị trí xây dựng cơ sở hỏa táng phải đảm bảo phù hợp theo vị trí đề xuất trong đồ án quy hoạch nghĩa trang hoặc được nghiên cứu cụ thể trong các đồ án quy hoạch xây dựng;

d) Đầu tư cơ sở hỏa táng trong giai đoạn đến năm 2020: Xây dựng các cơ sở hỏa táng tại các nghĩa trang tập trung xây dựng mới; nâng cấp cải tạo đạt chuẩn quy định đối với các cơ sở hỏa táng hiện hữu;

đ) Đầu tư cơ sở hỏa táng trong giai đoạn đến năm 2025: Nâng cấp công suất phục vụ đối với các cơ sở hỏa táng; bổ sung cơ sở hỏa táng phục vụ khu vực nông thôn vùng sâu;

e) Đầu tư cơ sở hỏa táng trong giai đoạn đến năm 2030: Tiếp tục nâng cấp công suất phục vụ đối với các cơ sở hỏa táng; bổ sung cơ sở hỏa táng phục vụ khu vực nông thôn vùng sâu.

8. Cải tạo và nâng cấp nghĩa trang và cơ sở hỏa táng hiện hữu:

a) Nghĩa trang và cơ sở hỏa táng hiện hữu được phép tồn tại, nâng cấp cải tạo phải phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Không thuộc phạm vi đô thị và phát triển đô thị; hoặc nằm trong phạm vi phát triển đô thị nhưng chưa có kế hoạch triển khai. Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật tối thiểu, không gây ô nhiễm môi trường và còn đủ quỹ đất để sử dụng.

b) Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp nghĩa trang và cơ sở hỏa táng phải đảm bảo ưu tiên cải thiện nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chất lượng vệ sinh môi trường, cây xanh cách ly.

c) Nghĩa trang hiện hữu nằm trong khu vực đô thị và phát triển đô thị không được phép mở rộng diện tích nghĩa trang phục vụ cho mục đích tạo thêm quỹ đất an táng.

9. Đóng cửa, di dời nghĩa trang hiện hữu:

a) Nghĩa trang hiện hữu nằm trong khu vực phát triển đô thị không còn diện tích sử dụng phải tiến hành đóng cửa. Quá trình đóng cửa phải thực hiện đầy đủ các nội dung nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 23/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng.

b) Nghĩa trang hiện hữu phải di dời khi gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan nghiêm trọng không có khả năng khắc phục, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng; khu vực có nguy cơ sạt lở. Khu vực có vị trí thuộc phạm vi thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

c) Chính sách và các nội dung nhiệm vụ quy định đối với việc di dời được thực hiện theo quy định pháp luật.

10. Các dự án ưu tiên đầu tư:

a) Giai đoạn đến năm 2020:

- Đầu tư xây dựng đồng bộ nghĩa trang tại khu vực quận Ô Môn và quận Bình Thủy; nghĩa trang tại huyện Vĩnh Thạnh;

- Đầu tư xây dựng Nhà tang lễ phục vụ các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn và Thốt Nốt;

- Đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng phục vụ cho khu đô thị trung tâm thành phố Cần Thơ; Cải tạo các cơ sơ hỏa táng hiện hữu;

- Vốn đầu tư: 785 tỷ đồng.

b) Giai đoạn đến năm 2025:

- Đầu tư xây dựng mở rộng nghĩa trang tại khu vực quận Ô Môn và quận Bình Thủy; nghĩa trang tại huyện Vĩnh Thạnh; đầu tư xây dựng đồng bộ nghĩa trang tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng;

- Bổ sung đầu tư nhà tang lễ phục vụ khu đô thị trung tâm thành phố Cần Thơ và các thị trấn: Vĩnh Thạnh, Thạnh An, Cờ Đỏ, Thới Lai, Phong Điền;

- Đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng phục vụ toàn bộ các khu vực quận, huyện trên địa bàn thành phố;

- Vốn đầu tư: 940 tỷ đồng.

c) Giai đoạn đến năm 2030:

- Hoàn thiện quy mô các nghĩa trang tập trung;

- Bổ sung đầu tư nhà tang lễ phục vụ khu đô thị trung tâm thành phố;

- Đầu tư xây dựng nâng công suất cơ sở hoả táng đã đầu tư; đầu tư bổ sung cơ sở hỏa táng phục vụ khu vực nông thôn;

- Vốn đầu tư: 920 tỷ đồng.

d) Nguồn vốn đầu tư:

Tổng vốn đầu tư các giai đoạn là 2.645 tỷ đồng. Vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, vốn doanh nghiệp và vốn khác.

11. Quy hoạch nghĩa trang tầm nhìn đến năm 2050:

- Hoàn thành di dời nghĩa trang trong đô thị; nâng cấp hoàn thiện về quy mô, hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, đạt chuẩn vệ sinh môi trường, thân thiện, gắn kết cảnh quan thiên nhiên đối với các nghĩa trang tập trung và các nghĩa trang khác.

- Tiếp tục phát triển bổ sung hệ thống nhà tang lễ trong khu vực trung tâm đô thị.

- Nâng cấp phát triển công nghệ hỏa táng tiên tiến. Bổ sung nâng cấp công suất phục vụ của các cơ sở hỏa táng đã được xây dựng đồng bộ ở các quận, huyện.

12. Đánh giá môi trường chiến lược:

Các nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng hoạt động sẽ phát sinh nhiều tác động nguy hại đến môi trường không khí, nguồn nước, đất, môi trường xã hội, quá trình thực hiện phải:

- Lựa chọn giải pháp thiết kế, xây dựng và sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tối ưu về mặt đảm bảo môi trường.

- Nâng cao năng lực quản lý sử dụng nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cộng đồng dân cư.

Xây dựng kế hoạch hành động quản lý chất lượng môi trường tại các nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố và các hành động khác.

Điều 2.

Giao Sở Xây dựng, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức thực hiện:

1. Công bố đồ án quy hoạch này để các tổ chức, cá nhân có liên quan biết và thực hiện theo quy hoạch; danh mục các dự án thu hút đầu tư.

2. Đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư; khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng và an táng tập trung; danh mục các nghĩa trang di dời thuộc khu vực phát triển đô thị theo từng giai đoạn.

3. Tổ chức quản lý, triển khai các nội dung theo quy hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Thành Thống

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1036/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 1036/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/04/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Võ Thành Thống
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/04/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản