Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1031/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 23 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM THỪA PHÁT LẠI TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự;

Căn cứ Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại;

Căn cứ Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”;

Căn cứ Quyết định, số 1531/QĐ-BTP ngày 24/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc chọn địa phương mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại;

Căn cứ Quyết định số 2498/QĐ-BTP ngày 11/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hải Phòng”;

Căn cứ Quyết định số 485/QĐ-BTP ngày 03/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại;

Căn cứ Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 02/01/2014 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về việc tổ chức thực hiện “Đề án thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hải Phòng”;

Xét đề nghị của Sở Tư pháp tại Công văn số 370/STP-BTTP ngày 09/5/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án thí điểm Thừa phát lại tại thành phố Hải Phòng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS;
- TTTU, Đoàn ĐBQH, TTHĐNDTP;
- Ban Chỉ đạo CCTPTP;
- CT, các PCT UBNDTP;
- VPTU, Ban Tuyên giáo TU;
- VP ĐĐBQH-HĐNDTP;
- Các Sở, ban, ngành thành phố;
- Bí thư các quận ủy, huyện ủy;
- UBND quận, huyện;
- TANDTP, VKSNDTP, Cục THADSTP;
- Đài PTTHHP, Báo HP, Báo ANHP, Báo PLVN tại HP, Cổng TTĐTTP;
- Các Văn phòng THừa phát lại;
- CPVP;
- CV: NC, TH;
- Lưu: VP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Khắc Nam

 

                                                                 KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM THỪA PHÁT LẠI TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1031/QĐ-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Xác định nhiệm vụ cụ thể của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cần tập trung tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2015 để thực hiện thành công chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương, trong đó có thành phố Hải Phòng.

2. Yêu cầu:

- Thực hiện theo đúng các nội dung của Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hải Phòng” đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 2498/QĐ-BTP ngày 11/10/2013.

- Việc tổ chức, thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại phù hợp với điều kiện cụ thể của thành phố.

- “Việc thực hiện thí điểm phải tuân thủ các quy định pháp luật, tham khảo một cách sáng tạo kinh nghiệm của các địa phương cùng thực hiện thí điểm; chú trọng tổng kết, đánh giá thực tiễn để có cơ sở báo cáo Chính phủ, Quốc hội về việc tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện thí điểm Thừa phát lại:

- Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại thành phố tổ chức quán triệt chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phổ biến các quy định pháp luật về việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố cho cán bộ lãnh đạo Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.

- Thời gian thực hiện: tháng 6 năm 2014.

2. Tăng cường hoạt động truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại:

2.1. Hoạt động truyền thông, phổ biến phải đạt được các mục tiêu chủ yếu sau:

- Nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân dân về chủ trương, chính sách thí điểm chế định Thừa phát lại;

- Tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự phối hợp chặt chẽ và hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động Thừa phát lại;

- Tăng khả năng tiếp cận thông tin và nhu cầu sử dụng dịch vụ do Thừa phát lại cung cấp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

2.2. Đối tượng của hoạt động truyền thông, phổ biến:

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương;

- Các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan nội chính;

- Cá nhân, doanh nghiệp, nhân dân thành phố, đặc biệt là nhân dân tại các địa bàn quận, huyện được chọn thí điểm đặt trụ sở của các Văn phòng Thừa phát lại theo Đề án đã được phê duyệt.

2.3. Nội dung truyền thông, phổ biến:

- Vị trí, vai trò, ý nghĩa, những tác động tích cực và sự cần thiết của Thừa phát lại trong đời sống pháp lý và xã hội dân sự hiện nay;

- Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Thừa phát lại và các quy định pháp luật, các văn bản liên quan đến thí điểm chế định Thừa phát lại;

- Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Thừa phát lại; cơ chế hoạt động, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan với Văn phòng Thừa phát lại trong quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn;

- Tình hình và kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại;

- Quyền và nghĩa vụ của cá nhân và doanh nghiệp, cách thức sử dụng dịch vụ Thừa phát lại;

- Thông tin về các Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập trên địa bàn thành phố;

- Các kinh nghiệm, mô hình hoạt động Thừa phát lại có hiệu quả ở các địa phương khác và một số nước trên thế giới.

2.4. Việc truyền thông cần được tổ chức thường xuyên trong suốt thời gian thực hiện thí điểm.

2.5. Một số nhiệm vụ trọng tâm:

2.5.1. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm giới thiệu về chế định Thừa phát lại:

Giao Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân quận Hồng Bàng, Ủy ban nhân dân quận Lê Chân, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để giới thiệu về chế định Thừa phát lại, tuyên truyền sâu rộng trong các cơ quan nội chính thành phố, Phòng Tư pháp quận, huyện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và tới nhân dân tại các địa bàn thực hiện thí điểm thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hải Phòng” đã được phê duyệt.

2.5.2. Xây dựng chuyên trang về Thừa phát lại trên Cổng thông tin điện tử thành phố:

- Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp.

- Thời gian thực hiện:

+ Việc xây dựng chuyên trang: Tháng 6 năm 2014.

+ Việc cập nhật thông tin: Trong suốt thời gian thí điểm (ít nhất 01 lần/tháng).

2.5.3. Thông tin giới thiệu về vị trí, vai trò, ý nghĩa và những nội dung chủ yếu của hoạt động Thừa phát lại và việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại trên sóng phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử và các phương tiện truyền thông khác.

- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng, các cơ quan thông tin đại chúng khác tại địa phương, các Văn phòng Thừa phát lại.

2.5.4. Biên soạn, phát hành tờ gấp, tài liệu phổ biến pháp luật về Thừa phát lại:

- Đơn vị chủ trì: Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố (Sở Tư pháp là cơ quan thường trực).

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân quận, huyện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

3. Tập huấn nghiệp vụ về Thừa phát lại:

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp thực hiện công tác tuyển chọn, tập huấn nghiệp vụ, tạo nguồn bổ nhiệm Thừa phát lại.

4. Bổ nhiệm, miễn nhiệm và cấp thẻ Thừa phát lại:

Sở Tư pháp tiếp nhận, thẩm định hồ sơ bổ nhiệm Thừa phát lại, đề nghị cấp thẻ Thừa phát lại, báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại thành phố và trình Bộ Tư pháp xem xét, bổ nhiệm, cấp thẻ Thừa phát lại.

5. Thành lập, đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại:

- Sở Tư pháp xét duyệt, thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo quy định pháp luật và theo quy hoạch, báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại thành phố và trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

- Số lượng Văn phòng Thừa phát lại được thành lập trong giai đoạn thí điểm theo quy hoạch được duyệt là từ 03 đến 05 Văn phòng; trước mắt cho phép thành lập 03 Văn phòng tại các quận, huyện sau:

+ Quận Hồng Bàng: 01 Văn phòng Thừa phát lại;

+ Quận Lê Chân: 01 Văn phòng Thừa phát lại;

+ Huyện Thủy Nguyên: 01 Văn phòng Thừa phát lại;

- Sở Tư pháp cấp giấy Đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại sau khi đã được Ủy ban nhân dân thành phố quyết định cho phép thành lập.

6. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động Thừa phát lại:

- Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại thành phố tổ chức họp với các cơ quan có liên quan và các văn phòng Thừa phát lại để có biện pháp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động Thừa phát lại.

- Thời gian thực hiện: định kỳ 6 tháng/lần hoặc đột xuất theo yêu cầu.

7. Tăng cường phối hợp, hỗ trợ trong việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại:

- Cục Thi hành án dân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng, Kho bạc Nhà nước thành phố, Cục Thuế thành phố, Cục Hải quan Hải Phòng, Bảo hiểm xã hội thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn: phối hợp, hỗ trợ và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của mình phối hợp, hỗ trợ hoạt động Thừa phát lại, cung cấp đầy đủ, nhanh chóng thông tin, số liệu phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo đề nghị của Thừa phát lại như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên của các cơ quan Thi hành án dân sự theo quy định.

- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố các hình thức hỗ trợ khác cho hoạt động Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại.

8. Kiểm sát, kiểm tra, giám sát hoạt động Thừa phát lại:

- Hoạt động kiểm sát, kiểm tra, giám sát hoạt động Thừa phát lại được thực hiện theo quy định về kiểm sát hoạt động tư pháp, quản lý nhà nước về Thừa phát lại và thông qua vai trò giám sát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhân dân.

- Đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tại Hải Phòng, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố: tham gia giám sát việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

9. Hợp tác trong nước và quốc tế về Thừa phát lại:

- Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố tham mưu tổ chức các đoàn đi công tác tại các địa phương cùng thực hiện thí điểm và tại một số nước có hoạt động thừa phát lại phát triển để trao đổi, học tập kinh nghiệm tổ chức, hoạt động, quản lý Thừa phát lại.

- Trước mắt giao Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố tham mưu, đề xuất tổ chức Đoàn công tác học tập kinh nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trong Quý III năm 2014,

10. Tổ chức: sơ kết và tổng kết việc thí điểm chế định Thừa phát lại:

10.1. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố trong việc sơ kết, tổng kết hoạt động Thừa phát lại theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tư pháp.

10.2. Nội dung sơ kết, tổng kết bám sát các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể đã nêu trong Đề án số 7272/ĐA-UBND ngày 02/10/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hải Phòng đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các cơ quan, tổ chức hữu quan trên địa bàn thành phố căn cứ Kế hoạch này có kế hoạch cụ thể của cơ quan, đơn vị mình để triển khai các nhiệm vụ được giao.

2. Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phối hợp và chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện trên địa bàn thành phố phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này; phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm sát hoạt động Thừa phát lại, tạo điều kiện cho hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn thành phố có hiệu quả.

3. Sở Nội vụ, Sở Tài chính đảm bảo biên chế, kinh phí để triển khai các công việc theo yêu cầu của hoạt động thí điểm Thừa phát lại và tại Kế hoạch này.

4. Giao Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch, kịp thời tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1031/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Đề án thí điểm Thừa phát lại tại thành phố Hải Phòng

  • Số hiệu: 1031/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/05/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Lê Khắc Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản