Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1030/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP XỬ LÝ THÔNG TIN, KHẮC PHỤC SỰ CỐ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03/12/2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20/12/2012;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23/11/2009;

Căn cứ Luật Thủ đô ngày 21/11/2012;

Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về việc quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình HTKT;

Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện;

Căn cứ Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT ngày 12/12/2013 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 1102/TTr-STTTT ngày 24/7/2014 và ý kiến giải trình tại Công văn số 1762/STTTT-BCVT ngày 16/10/2014 về việc phê duyệt Đề án xây dựng và vận hành hệ thống thông tin khắc phục sự cố công trình hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội và ban hành Quy chế phối hợp xử lý thông tin, khắc phục sự cố công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế phối hợp xử lý thông tin, khắc phục sự cố công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây có nội dung trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTTU, TTHĐND TP;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP; (để báo cáo)
- Các đ/c Phó Chủ tịch UBND TP;
- Sở XD, Sở GTVT; (để sao gửi các đơn vị quản lý, duy trì, vận hành hệ thống HTKT);
- Đài PTTH HN; Báo MNM, KTĐT; Cổng giao tiếp Điện tử HN;
- VPUB: các PCVP, các phòng CV, TTTHCB;
- Lưu: VT, XDGTthg.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Hùng

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP XỬ LÝ THÔNG TIN, KHẮC PHỤC SỰ CỐ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1030/QĐ-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh

1. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng cho Sở: Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã (gọi chung là các cơ quan quản lý nhà nước) và các đơn vị trực tiếp quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về nguyên tắc hoạt động, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị trực tiếp quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật trong công tác phối hợp xử lý thông tin, khắc phục sự cố công trình hạ tầng kỹ thuật (sau đây gọi là sự cố) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Công trình hạ tầng kỹ thuật (sau đây gọi là công trình HTKT) là công trình được xây dựng để bố trí, lắp đặt đường dây, cáp viễn thông, điện lực và chiếu sáng công cộng, đường ống cấp nước, thoát nước, cấp năng lượng: Hạ tầng giao thông đường bộ (vỉa hè, lòng đường, cầu) và hạ tầng công viên cây xanh trong khu vực các tuyến phố và các khu đô thị.

2. Sự cố công trình HTKT thông thường (gọi là sự cố thông thường) là những hư hỏng, lỗi nhỏ của công trình HTKT, các hạng mục của công trình thường xảy ra trong quá trình khai thác, vận hành công trình HTKT không đe dọa, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống và sinh hoạt của nhân dân.

3. Sự cố công trình HTKT nguy hiểm (gọi là sự cố nguy hiểm) là những hư hỏng lớn, lỗi nghiêm trọng của công trình HTKT, các hạng mục của công trình có thể gây những nguy hại cho đời sống và sinh hoạt của nhân dân.

4. Khắc phục sự cố công trình HTKT là việc khắc phục, sửa chữa hư hỏng công trình HTKT được phát hiện trong quá trình khai thác, sử dụng nhằm đảm bảo công trình hoạt động an toàn và mỹ quan đô thị.

5. Trung tâm thông tin khắc phục sự cố, (đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông), là đơn vị đầu mối để tiếp nhận thông tin hỗ trợ việc khắc phục, giám sát và chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo trì, duy tu hệ thống công trình HTKT của thành phố Hà Nội.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Các cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia thực hiện công tác quản lý công trình HTKT, kịp thời giải quyết, khắc phục các sự cố liên quan đến tài sản do nhiều đơn vị trực tiếp quản lý.

2. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị trực tiếp quản lý công trình HTKT trong công tác xử lý thông tin, khắc phục sự cố trên địa bàn Thành phố; Đảm bảo các công trình được vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả và đảm bảo mỹ quan đô thị.

3. Các đơn vị trực tiếp quản lý công trình sau khi tiếp nhận thông tin về sự cố công trình HTKT, chủ động kiểm tra, khắc phục sự cố, đảm bảo công trình vận hành an toàn, hiệu quả.

4. Thời gian hoàn thành chậm nhất sau 5 giờ đối với các sự cố nguy hiểm và 24 giờ đối với các sự cố thông thường tính từ ngày cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị trực tiếp quản lý công trình HTKT tiếp nhận thông tin về sự cố.

Điều 4. Quy trình phối hợp xử lý thông tin, khắc phục sự cố

1. Trung tâm thông tin khắc phục sự cố túc trực thường xuyên để ghi nhận thông tin về các sự cố công trình HTKT từ các tổ chức, cá nhân; Kiểm tra, phân loại thông tin và thông báo về các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị trực tiếp quản lý công trình HTKT.

2. Ngay khi tiếp nhận thông tin về sự cố, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị trực tiếp quản lý công trình kiểm tra, xác minh thông tin về sự cố, tổ chức khắc phục, sửa chữa sự cố đảm bảo công trình vận hành an toàn và hiệu quả; Thông tin tiến độ khắc phục, kết quả thực hiện và các yêu cầu hỗ trợ phối hợp khắc phục sự cố về Trung tâm thông tin khắc phục sự cố.

3. Đối với các sự cố phức tạp, phạm vi ảnh hưởng lớn liên quan tới nhiều cơ quan, đơn vị, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức họp bàn thống nhất giải pháp, phương án xử lý, khắc phục sự cố đạt hiệu quả. Trường hợp các cơ quan, đơn vị không thống nhất được phương án xử lý sự cố, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm báo cáo, đề xuất UBND Thành phố xem xét, quyết định.

Điều 5. Chế độ thông tin, lưu trữ

1. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện lưu trữ thông tin về sự cố, quá trình xảy ra và tiến độ khắc phục sự cố xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội. Định kỳ hàng quý và đột xuất báo cáo UBND Thành phố về công tác vận hành và khai thác hệ thống thông tin khắc phục sự cố.

2. Các cơ quan, đơn vị tham gia công tác xử lý thông tin, khắc phục sự cố phải kịp thời thông tin về kết quả xử lý, hướng giải quyết về Trung tâm thông tin khắc phục sự cố và Sở Thông tin và Truyền thông; Phải cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cần thiết nhằm kịp thời khắc phục, giải quyết sự cố.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Điều 6. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông

1. Chủ trì công tác vận hành, khai thác hệ thống thông tin khắc phục sự cố và thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác xử lý thông tin khắc phục sự cố.

2. Xây dựng, tổ chức bộ máy vận hành, khai thác hệ thống thông tin khắc phục sự cố, nhằm tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin từ các tổ chức, cá nhân phản ánh về các sự cố xảy ra trên địa bàn Thành phố; Xây dựng quy định về hoạt động của bộ máy vận hành và quy trình xử lý, khắc phục sự cố.

3. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trực tiếp quản lý, bảo trì công trình HTKT và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trong công tác khắc phục sự cố trên địa bàn.

4. Đối với các sự cố nằm trong phạm vi quản lý của UBND các quận huyện, thị xã theo phân cấp của UBND Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thông báo tới các UBND quận, huyện, thị xã để khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.

5. Tổ chức họp bàn giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai công tác khắc phục sự cố liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước, định kỳ báo cáo UBND Thành phố.

6. Thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng (các báo, đài trên địa bàn Thành phố, các đài phát thanh cấp huyện, cấp xã) về hoạt động của hệ thống thông tin khắc phục sự cố trên địa bàn Thành phố để nhân dân biết và hưởng ứng.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở xây dựng

1. Cử cán bộ làm đầu mối (bao gồm lãnh đạo và bộ phận giúp việc) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác khắc phục sự cố trên địa bàn Thành phố và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trực thuộc liên quan đến lĩnh vực quản lý: công viên cây xanh, chiếu sáng công cộng, cấp nước sạch, thoát nước thực hiện công tác quản lý công trình HTKT, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm chất lượng công trình và thời gian quy định.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Cử cán bộ làm đầu mối (bao gồm lãnh đạo và bộ phận giúp việc) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác khắc phục sự cố trên địa bàn Thành phố và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trực thuộc liên quan tiến lĩnh vực quản lý đường, hè, cầu thực hiện công tác quản lý công trình HTKT, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm chất lượng công trình và thời gian quy định.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Công thương

1. Cử cán bộ làm đầu mối (bao gồm lãnh đạo và bộ phận giúp việc) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác khắc phục sự cố trên địa bàn Thành phố và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trực thuộc, các đơn vị sản xuất, kinh doanh có công trình HTKT liên quan đến lĩnh vực quản lý ngành điện thực hiện công tác quản lý công trình HTKT, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm chất lượng, công trình và thời gian quy định.

Điều 10. Trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã

1. Chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan đơn vị có liên quan trong công tác khắc phục sự cố thuộc phạm vi quản lý của UBND quận, huyện, thị xã theo quy định.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trực tiếp quản lý công trình HTKT liên quan đến các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp quản lý do UBND Thành phố quy định, kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố đưa công trình vào vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả.

Điều 11. Trách nhiệm chung của các đơn vị trực tiếp quản lý công trình HTKT

1. Giám đốc, Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp quản lý công trình HTKT có trách nhiệm cử một cán bộ lãnh đạo làm đầu mối tiếp nhận, xử lý sự cố trên địa bàn Thành phố; Cán bộ lãnh đạo làm đầu mối chịu trách nhiệm xử lý sự cố đảm bảo đúng quy chuẩn kỹ thuật ngành và đúng thời gian quy định.

2. Đơn vị trực tiếp quản lý công trình HTKT có trách nhiệm huy động nhân lực, máy móc, thiết bị của đơn vị đảm bảo giải quyết khắc phục sự cố; Thông báo kết quả xử lý về Trung tâm thông tin khắc phục sự cố.

3. Chủ đầu tư công trình HTKT trong thời gian bảo hành và giai đoạn chưa bản giao công trình cho đơn vị quản lý công trình HTKT có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, phát hiện hư hỏng công trình, hạng mục công trình, tiếp nhận thông tin sự cố từ Trung tâm thông tin khắc phục sự cố đó yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị công trình sửa chữa, thay thế.

4. Đối với các sự cố liên quan tới nhiều đơn vị trực tiếp quản lý, các đơn vị có trách nhiệm phối hợp cùng giải quyết dứt điểm sự cố (phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan).

5. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống công trình HTKT do đơn vị trực tiếp quản lý đảm bảo công trình vận hành an toàn, an ninh, văn minh đô thị.

Điều 12. Trách nhiệm cụ thể của các đơn vị trực tiếp quản lý công trình HTKT

1. Trung tâm Giao dịch Công nghệ thông tin và Truyền thông Hà Nội (sau đây gọi là Trung tâm) - Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - Thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm thông tin khắc phục sự cố, có tránh nhiệm:

a) Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, chịu trách nhiệm vận hành và khai thác hệ thống thông tin, khắc phục sự cố trên địa bàn thành phố Hà Nội;

b) Tổ chức tiếp nhận thông tin sự cố từ các tổ chức, cá nhân; kiểm tra xử lý sơ bộ, phân loại, thông báo tới đơn vị trực tiếp quản lý công trình HTKT theo đúng quy trình vận hành và khai thác hệ thống thông tin khắc phục sự cố.

c) Có trách nhiệm sửa chữa, cải tạo sự cố công trình, hạng mục công trình HTKT được Sở Thông tin và Truyền thông giao quản lý theo đúng tiêu chuẩn ngành và quy định này.

d) Phối hợp cùng các đơn vị trực tiếp quản lý công trình HTKT để khắc phục các sự cố liên quan tới nhiều cơ quan, đơn vị; Báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong công tác khắc phục sự cố và các kiến nghị, để xuất về Sở Thông tin và Truyền thông để giải quyết.

đ) Định kỳ 1 tháng/1 lần và đột xuất báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông về hoạt động của hệ thống thông tin, khắc phục sự cố trên địa bàn Thành phố.

2. Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội có trách nhiệm quản lý, vận hành, phát triển hệ thống lưới điện trên địa bàn Thành phố. Ngay khi tiếp nhận thông tin sự cố liên quan đến phạm vi, lĩnh vực quản lý, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm xử lý, khắc phục sự cố, sửa chữa, bảo trì các vị trí có đường dây, cột điện, trạm biến áp, tủ điện... bị hư hỏng, chập cháy, gãy đổ.

3. Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội có trách nhiệm quản lý, vận hành hệ thống điện chiếu sáng công cộng dọc các tuyến đường, trong các vườn hoa, công viên, điện cấp cho hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn các quận nội thành (trừ chiếu sáng ngõ, ngách, khu vực dân cư đã có tủ điều khiển chiếu sáng độc lập) trên địa bàn Thành phố; Kịp thời khắc phục sự cố liên quan đến hệ thống dây, cột điện chiếu sáng trong thời gian quy định.

Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội có trách nhiệm quản lý, duy trì hệ thống cây bóng mát, vườn hoa, công viên trên địa bàn các quận nội thành. Các sự cố cây đổ. cành gãy trong phạm vi được giao quản lý phải được kịp thời xử lý, đảm bảo vệ sinh, cảnh quan môi trường.

4. Các đơn vị trực tiếp quản lý công trình HTKT thoát nước có trách nhiệm quản lý, duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn các quận (trừ hệ thống thoát nước trong các ngõ, ngách, khu dân cư); các tuyến thoát nước trên đường phố có đặt tên; các trục thoát nước chính của Thành phố đi qua địa bàn các quận; các tuyến thoát nước cho các đường phố đi qua ngõ ngách; các tuyến thoát nước chính cho khu tập thể, khu đô thị mới; hệ thống thoát nước trên địa bàn các huyện gồm hệ thống thoát nước tổng thể (hệ thống thoát nước chính, xương sống) trên các khu vực các huyện dự kiến phát triển đô thị theo quy hoạch; hệ thống thoát nước trên các tuyến đường tỉnh lộ, đường quốc lộ thuộc Thành phố quản lý. Các sự cố hệ thống thoát nước như hỏng, vỡ đường ống, cổng thoát nước gây ngập úng trên các tuyến hè, đường, ách tắc giao thông, các đơn vị trục tiếp quản lý phải nhanh chóng khắc phục, bảo dưỡng, thực hiện lưu thông dòng chảy đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị.

5. Các đơn vị trực tiếp quản lý công trình HTXT cấp nước sạch

Hệ thống cấp nước sạch tập trung tại các quận, thị xã Sơn Tây, tại các khu vực có sử dụng nguồn nước tập trung của Thành phố và cấp nước sạch nông thôn tập trung với các công trình có phạm vi phục vụ từ 2 xã trở lên do các đơn vị trực tiếp quản lý, duy tu, duy trì; khi xảy ra các sự cố dập, vở, hư hỏng hệ thống cấp nước, các đơn vị phải chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục sự cố trong thời gian quy định.

6. Các đơn vị trực tiếp quản lý công trình HTKT về viễn thông, internet, truyền hình cáp có trách nhiệm rà soát hệ thống cột, cống bể, hào kỹ thuật, dây, cáp thông tin của đơn vị để đánh dấu, đeo biển tài sản của đơn vị rõ ràng; Tiếp nhận thông tin sự cố, xác minh thông tin sự cố liên quan đến tài sản của đơn vị; xác định nguyên nhân, xử lý hoặc phối hợp xử lý, để công trình được đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định đảm bảo thông tin liên lạc an toàn, thông suốt.

7. Các đơn vị trực tiếp quản lý công trình HTKT giao thông đường bộ

Hệ thống lòng đường, vỉa hè, cầu trên hệ thống tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc (do Thành phố quản lý), đường tỉnh, đường đô thị từ cấp đường khu vực trở lên, một số tuyến giao thông quan trọng, các tuyến vành đai, các đường trục xảy ra sự cố giao thông đường bộ như hư hỏng hè, cầu, đường, xuất hiện nhiều vị trí bị nứt, sụt, lún, tạo hố nguy hiểm, gây cản trở giao thông của nhân dân; Các đơn vị trực tiếp quản lý phải kịp thời cải tạo, sửa chữa, đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt, an toàn cho người dân, tài sản công trình và vệ sinh môi trường.

Chương III

THANH TRA, KIỂM TRA VÀ KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 13. Thanh tra, kiểm tra

Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các đơn vị trực tiếp quản lý công trình HTKT trong công tác phối hợp xử lý thông tin, sửa chữa, khắc phục sự cố theo quy định tại Quy chế này.

Điều 14. Khen thưởng, kỷ luật

1. Các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xử lý thông tin, khắc phục sự cố trên địa bàn Thành phố được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

2. Các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ xử lý thông tin, khắc phục sự cố không tiến hành kiểm tra, sửa chữa, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khắc phục sự cố, gây khó khăn, chậm trễ trong công tác xử lý sự cố, gây hậu quả nghiêm trọng, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có các vấn đề nảy sinh, không phù hợp hoặc chưa được quy định rõ, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1030/QĐ-UBND năm 2015 về Quy chế phối hợp xử lý thông tin, khắc phục sự cố công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 1030/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/03/2015
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Quốc Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/03/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản