Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 103/2000/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 103/2000/QĐ-TTG NGÀY 25 THÁNG 8 NĂM 2000 VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN GIỐNG THUỶ SẢN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ và phát triển giống thuỷ sản nhằm:

1. Sản xuất đủ giống đạt tiêu chuẩn chất lượng, giá cả phù hợp cung cấp cho nghề nuôi trồng thuỷ sản trong nhân dân, bao gồm các giống nuôi nước ngọt, nước lợ, nước mặn, trong nội địa và trên biển;

2. Bảo vệ và phát triển nguồn giống sinh sản tự nhiên đảm bảo tài nguyên thuỷ sản phát triển bền vững.

Điều 2. Khoa học, công nghệ giống thuỷ sản phải đáp ứng yêu cầu phục vụ nuôi trồng và phát triển nguồn lợi theo hướng:

1. Đối với các loại thuỷ sản đã có công nghệ sản xuất giống nhân tạo, phải bảo đảm sản xuất đủ giống, giống tốt, sạch bệnh để cung cấp tại chỗ cho các vùng trong cả nước. Hạn chế đến mức thấp nhất việc vận chuyển giống từ vùng này sang vùng khác để đảm bảo chất lượng và hạ giá thành con giống.

2. Đối với loại thuỷ sản có triển vọng nuôi có hiệu quả, công nghệ sản xuất giống đã có kinh nghiệm bước đầu, nhưng chưa hoàn thiện thì phải khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện để áp dụng trong sản xuất đại trà.

3. Đối với các loại thuỷ sản có triển vọng nuôi có hiệu quả, nhưng trước mắt việc nghiên cứu để tạo ra công nghệ sản xuất giống nhân tạo còn khó khăn thì phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này, đồng thời khuyến khích việc nhập khẩu để có đủ giống cho nhu cầu nuôi trồng trong nhân dân.

Việc nhập khẩu giống thuỷ sản không thuộc danh mục cấm (do Bộ Thương mại công bố theo đề nghị của Bộ Thuỷ sản) thì không cần giấy phép, nhưng phải làm thủ tục kiểm dịch theo quy định của pháp luật.

4. Đối với các vùng có nguồn giống tự nhiên phải quy hoạch và có quy chế quản lý cụ thể, có kế hoạch bổ sung giống sinh sản nhân tạo đưa vào tự nhiên.

Điều 3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu về sử dụng đất, mặt nước để đầu tư sản xuất giống thuỷ sản được Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cấp chính quyền địa phương ưu tiên giải quyết và được hưởng các chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất.

Điều 4. Đầu tư và tín dụng

1. Ngân sách Nhà nước (bao gồm cả vốn sự nghiệp) đầu tư cho:

a) Các Viện, Trung tâm nghiên cứu thuỷ sản thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nguồn gien thuỷ sản;

b) Sản xuất giống gốc;

c) Nhập khẩu giống gốc, giống mới, giống quý có khả năng thuần hoá để sản xuất rộng rãi; nhập công nghệ sản xuất giống có năng suất và chất lượng cao, trước hết tập trung vào công nghệ sản xuất giống các loài nuôi chủ yếu, có khả năng xuất khẩu;

d) Sản xuất giống để thả vào vùng nước tự nhiên ở những nơi được quy hoạch. Bộ Thuỷ sản, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các địa phương làm quy hoạch và xây dựng đề án bảo vệ các bãi đẻ tự nhiên của các loài thuỷ sản trình Chính phủ quyết định;

đ) Xây dựng một số trung tâm giống quốc gia cần thiết ở các vùng;

e) Tăng kinh phí khuyến ngư cho Trung ương và địa phương, bảo đảm mức kinh phí hàng năm khoảng 20 tỷ đồng (trong đó Trung ương 10 tỷ đồng), trước hết ưu tiên cho việc chuyển giao công nghệ sản xuất giống thuỷ sản.

f) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành một phần vốn ngân sách của địa phương để hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất giống thuỷ sản.

Việc đầu tư phát triển giống bằng nguồn chi ngân sách nêu trên (a, b, c, d, đ) phải có dự án cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải cân đối trong kế hoạch hàng năm, bảo đảm đủ vốn cho các dự án này.

2. Vốn tín dụng.

a) Tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước: từ năm 2000 đến 2005 dành khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển để cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay, trong đó ưu tiên cho hộ gia đình có nhu cầu vay để sản xuất giống thuỷ sản, bao gồm vốn xây dựng cơ bản và vốn lưu động.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn tín dụng của Nhà nước phải lập dự án vay vốn. Các dự án này nếu không có yêu cầu thuê đất thì chủ dự án tự quyết định. Nếu cần thuê đất thì dự án phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấp thuận. Việc thực hiện dự án không phải qua đấu thầu.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn tín dụng của Nhà nước được dùng tài sản hình thàh bằng vốn vay để thế chấp; mỗi dự án được vay không quá 1,0 tỷ đồng; thời gian thu hồi vốn tối đa không quá 5 năm; lãi suất tiền vay theo quy định hiện hành của Quỹ hỗ trợ phát triển;

b) Tín dụng thương mại: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay đủ vốn để sản xuất giống thuỷ sản; lãi suất tiền vay và thời gian vay vốn theo quy định hiện hành; mức vay dưới 50 triệu đồng thì không phải thế chấp. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuỳ theo điều kiện cụ thể của tỉnh, thành phố hỗ trợ một phần lãi suất tiền vay cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất giống.

c) Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ưu tiên dành kinh phí cho các dự án thử nghiệm về sản xuất giống thuỷ sản; Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia ưu tiên cấp tín dụng với điều kiện thuận lợi hoặc với lãi suất ưu đãi cho việc nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ về sản xuất giống.

Điều 5. Thực hiện ưu đãi và miễn giảm các loại thuế theo quy định của Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 Quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi).

Điều 6. Bộ Thuỷ sản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan nghiên cứu và đào tạo trong ngành thuỷ sản và huy động lực lượng khoa học ngoài ngành tham gia nghiên cứu tạo giống, sản xuất giống. Khyến khích các cơ quan nghiên cứu, đào tạo giúp đỡ hoặc hợp tác, liên doanh, liên kết với hộ gia đình, cá nhân về sản xuất giống thuỷ sản.

Điều 7. Bộ Thuỷ sản có quy hoạch, kế hoạch đào tạo cán bộ kỹ thuật (kể cả đào tạo ở nước ngoài), để có cán bộ đầu ngành về giống thuỷ sản; trong kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm ưu tiên đầu tư cho các Viện, Trung tâm nghiên cứu, để các cơ sở này sớm có đủ điều kiện và trình độ nghiên cứu về giống ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế.

Các chương trình khuyến ngư phải tăng cường đào tạo, tập huấn cho nông dân, ngư dân kiến thức về sản xuất giống, phòng trừ dịch bệnh, nâng cao chất lượng giống.

Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu thuê chuyên gia nước ngoài chuyển giao công nghệ sản xuất giống.

Bộ Thuỷ sản phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm tốt công tác quản lý nhà nước về giống thuỷ sản.

Điều 8. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 9. Các Bộ trưởng các Bộ: Thuỷ sản, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thương mại, Giáo dục và Đào tạo; Trưởng ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Công Tạn

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 103/2000/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích phát triển giống thuỷ sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 103/2000/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/08/2000
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Công Tạn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 36
  • Ngày hiệu lực: 09/09/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 03/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản