Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1025/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 05 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ TÀI "THỰC TRẠNG, CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG CỦA MẸ TỚI SUY DINH DƯỠNG TRẺ EM TỈNH BẮC GIANG VÀ HIỆU QUẢ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CAN THIỆP"

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000; Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 50/TTr-KHCN ngày 18 tháng 6 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề tài “Thực trạng, các yếu tố ảnh hưởng của mẹ tới suy dinh dưỡng trẻ em tỉnh Bắc Giang và hiệu quả một số biện pháp can thiệp”, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên đề tài: Thực trạng, các yếu tố ảnh hưởng của mẹ tới suy dinh dưỡng trẻ em tỉnh Bắc Giang và hiệu quả một số biện pháp can thiệp.

2. Cơ quan chủ trì: Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Bắc Giang.

3. Chủ nhiệm đề tài: Bác sỹ Chuyên khoa II Ngô Văn Hải

Đồng chủ nhiệm: Bác sỹ Chuyên khoa I Phan Thị Thi.

4. Thời gian thực hiện: 21 tháng (từ tháng 4/2013 đến tháng 12/2014).

5. Mục tiêu của đề tài:

- Phân tích thực trạng suy dinh dưỡng trẻ em từ 0-5 tuổi, xác định một số yếu tố ảnh hưởng của mẹ đến tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em từ 0-5 tuổi tại tỉnh Bắc Giang.

- Xây dựng và đánh giá hiệu quả của mô hình can thiệp nhằm cải thiện hành vi dinh dưỡng hợp lý của các bà mẹ, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tỉnh Bắc Giang.

6. Nội dung thực hiện:

6.1. Tổ chức điều tra cộng đồng tại các huyện Lục Nam và Yên Dũng, thu thập số liệu đánh giá thực trạng, các yếu tố ảnh hưởng đến suy dinh dưỡng trẻ em từ 0 - 5 tuổi tại tỉnh Bắc Giang.

- Xây dựng 06 mẫu phiếu điều tra

+ Điều tra trước can thiệp với 1962 phiếu gồm các đối tượng: thu thập thông tin và chỉ số nhân trắc của 1.540 trẻ từ 0 - 5 tuổi; thu thập thông tin về tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, kiến thức về dinh dưỡng khi mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ của 260 bà mẹ có trẻ từ 0 - 5 tuổi; phiếu xét nghiệm định lượng Hb của 35 trẻ 0 - 5 tuổi và 35 bà mẹ có trẻ từ 0 - 5 tuổi; điều tra 80 giáo viên mầm non của xã về kiến thức dinh dưỡng và nuôi con bằng sữa mẹ của cô giáo, kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; Phỏng vấn sâu 12 phiếu với 03 đối tượng: cán bộ lãnh đạo chính quyền, đoàn thể và y tế xã về hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

+ Điều tra sau can thiệp với 606 phiếu gồm các đối tượng: 260 bà mẹ có trẻ từ 0 - 5 tuổi (130 bà mẹ được can thiệp và 130 bà mẹ đối chứng); chỉ số nhân trắc (chiều cao, cân nặng) của 260 trẻ; 80 giáo viên mầm non tại xã can thiệp; 06 phiếu dành cho cán bộ lãnh đạo chính quyền, đoàn thể và y tế xã.

- Tập huấn công tác điều tra.

- Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra.

6.2. Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng của mẹ tới suy dinh dưỡng trẻ em tỉnh Bắc Giang và hiệu quả một số biện pháp can thiệp.

- Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng của mẹ tới suy dinh dưỡng trẻ em

+ Phân loại tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi: sử dụng các điểm ngưỡng độ lệch chuẩn dưới 2 Z-score (<-2 Z-score) so với quần thể tham chiếu của Tổ chức Y tế thế giới 2005 để được coi là bị suy dinh dưỡng;

+ Đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em theo cân nặng và chiều cao theo tuổi theo tiêu chuẩn mới của WHO đã và đang được áp dụng tại Việt Nam năm 2008;

+ Một số yếu tố ảnh hưởng của người mẹ tới suy dinh dưỡng trẻ em: kiến thức, thực hành về dinh dưỡng khi mang thai; nuôi con bằng sữa mẹ; chế biến bữa ăn bổ sung hợp lý; chăm sóc, dinh dưỡng khi trẻ mắc bệnh; bổ sung Vitamin A cho trẻ.

+ Phân tích, lập bảng, biểu đồ phân tích chỉ số Hb của bà mẹ và trẻ 0-5 tuổi.

- Xây dựng mô hình can thiệp bằng truyền thông giáo dục tích cực kết hợp với khám, tư vấn dinh dưỡng định kỳ cho trẻ em tại Trạm Y tế xã trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

+ Đối tượng can thiệp là bà mẹ có trẻ từ 0 - 5 tuổi, giáo viên mầm non, Ban chỉ đạo phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em cấp xã tại 2 huyện nghiên cứu, mỗi huyện chọn 1 xã can thiệp và 1 xã không can thiệp (đối chứng).

+ Nội dung can thiệp: Khám sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng, chế biến thực phẩm giàu dinh dưỡng, hướng dẫn cán bộ y tế xã phát hiện, điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em...

+ Tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền: Nói chuyện chuyên đề, truyền thông, tư vấn trực tiếp...

6.3. Xây dựng 04 chuyên đề khoa học.

- Chuyên đề 1: Thực trạng suy dinh dưỡng trẻ em từ 0-5 tuổi và các biện pháp dự phòng tại tỉnh Bắc Giang.

- Chuyên đề 2: Một số yếu tố người mẹ ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi tại tỉnh Bắc Giang.

- Chuyên đề 3: Đánh giá hiệu quả mô hình can thiệp bằng truyền thông giáo dục tích cực kết hợp với khám, tư vấn dinh dưỡng định kỳ cho trẻ tại Trạm Y tế xã trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tại tỉnh Bắc Giang.

- Chuyên đề 4: Các giải pháp phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi tại tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2020.

6.4. Tổ chức 02 hội thảo khoa học về nội dung nghiên cứu của đề tài.

6.5. Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài.

7. Sản phẩm của đề tài:

- Báo cáo khoa học về kết quả nghiên cứu của đề tài;

- 04 chuyên đề nghiên cứu khoa học;

- Kỷ yếu 02 Hội thảo Khoa học;

- Báo cáo kết quả mô hình các giải pháp can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi;

- Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra;

- Các sản phẩm khác: 1.800 phiếu điều tra thông tin, chỉ số nhân trắc trẻ em trước và sau can thiệp; kết quả phân tích Hb của 70 mẫu máu; 698 phiếu điều tra bà mẹ, giáo viên mầm non, cán bộ lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, y tế xã, Ban chỉ đạo phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ... trước và sau can thiệp.

8. Kinh phí thực hiện:

Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh: 216.000.000 đồng (Hai trăm mười sáu triệu đồng).

Điều 2. Cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm triển khai thực hiện đề tài đúng tiến độ và nội dung đã được phê duyệt.

Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và nghiệm thu đề tài theo đúng quy định của Nhà nước.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Bắc Giang; chủ nhiệm đề tài và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, TKCT, TH, TPKT, KT4.
- Sở KH&CN (2);
- Lưu: KT3, VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hạnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1025/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt đề tài “Thực trạng, các yếu tố ảnh hưởng của mẹ tới suy dinh dưỡng trẻ em tỉnh Bắc Giang và hiệu quả một số biện pháp can thiệp”

  • Số hiệu: 1025/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/07/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Bùi Văn Hạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản