Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
ỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 102/2008/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 26 tháng 9 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC CHỐNG BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Chỉ thị số 853/1997/CT-TTg ngày 11/10/1997 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới và Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả;
Căn cứ ý kiến của Ban Chỉ đạo 127 TW tại công văn số 36/BCĐ-QLTT ngày 03/9/2008 về việc phối hợp dừng phương tiện giao thông giữa Cảnh sát giao thông đường bộ và lực lượng Quản lý thị trường;
Xét đề nghị của Sở Công Thương tại tờ trình số 368/SCT-TTr ngày 17 tháng 9 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế phối hợp trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở: Công Thương, Khoa học Công nghệ, Tài chính, Y tế, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Cục Thuế và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận
- Như: Điều3;
- VP Chính phủ, Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- BCĐ 127 TW (Bộ Công Thương);
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TPKT,TKCT, PVP.KT

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hạnh

 

QUY ĐỊNH

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC CHỐNG BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 102/2008/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2008 của UBND tỉnh Bắc Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định về nguyên tắc, trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Điều 2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được pháp luật quy định, thủ trưởng các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về những việc sau đây:

1. Thực hiện đầy đủ các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn về công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại.

2. Lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong ngành, địa phương trực tiếp quản lý.

3. Thủ trưởng các ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về những vi phạm pháp luật trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại xảy ra trong ngành, địa phương quản lý.

Điều 3. Theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, các ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm chủ động tổ chức phối hợp hoạt động với các cơ quan hữu quan để đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại theo đúng quy định của pháp luật.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CƠ QUAN THUỘC UBND TỈNH VÀ UBND HUYỆN, THÀNH PHỐ

Điều 4. Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại các ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc chấp hành pháp luật và các quy định về chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao.

2. Phối hợp với cơ quan nhà nước, các cấp, các lực lượng chức năng để tổ chức công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại theo từng lĩnh vực. Ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và xử lý kịp thời diễn biến bất thường có thể xảy ra trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

3. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý những vụ việc theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Trách nhiệm cụ thể của từng ngành

1. Sở Công Thương

- Sở Công Thương là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127 tỉnh, giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố phối hợp trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái pháp luật khác; xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường có trách nhiệm đề xuất với Giám đốc Công an tỉnh khi phát hiện phương tiện giao thông có chở hàng lậu, hàng cấm, hàng giả và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với đề xuất của mình.

2. Công an tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng công an trên địa bàn tỉnh tổ chức điều tra, xác minh phát hiện và xử lý theo pháp luật các vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại như: buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, đầu cơ nâng giá, đặc biệt các vụ việc lớn hoạt động có tổ chức, các đường dây, ổ nhóm phạm tội trong lĩnh vực này.

- Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng thuộc các ngành, các cấp để đấu tranh ngăn chặn, xử lý các vụ buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái pháp luật khác trên địa bàn tỉnh. Đề xuất với Ban Chỉ đạo 127 tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh những biện pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại.

- Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm xem xét, giải quyết ngay đề nghị dừng phương tiện giao thông có chở hàng lậu, hàng cấm, hàng giả của Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh.

- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và các lực lượng khác, phối hợp kịp thời với các lực lượng chức năng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại dừng các phương tiện vận tải để kiểm tra xử lý khi có căn cứ chắc chắn trên phương tiện vận tải đó đang vận chuyển hàng lậu, hàng cấm và hàng giả.

3. Sở Khoa học - Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, nhãn hiệu hàng hoá và sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng dụng cụ đo lường, vi phạm các quy định về nhãn hiệu hàng hoá.

- Chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật phục vụ kịp thời cho việc kiểm tra, thử nghiệm, giám định về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá làm cơ sở cho việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.

4. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý giá, hoá đơn chứng từ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh.

- Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan chức năng trong việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật. Thẩm định và thanh toán kịp thời các khoản chi phí phục vụ cho công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

- Tổ chức định giá và bán đấu giá hàng hoá, tang vật bị xử lý, tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định. Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố định giá và bán đấu giá hàng hoá, tang vật vi phạm hành chính theo quy định.

5. Sở Y tế

Tổ chức thanh tra, kiểm tra hoặc chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng thuộc các ngành, các cấp có thẩm quyền trong việc chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và kinh doanh trái pháp luật về hành nghề y, dược và vệ sinh an toàn thực phẩm.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tổ chức thanh tra, kiểm tra hoặc chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng thuộc các ngành, các cấp có thẩm quyền trong việc chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và kinh doanh trái pháp luật về sản xuất, gia công, vận chuyển, kinh doanh buôn bán, dịch vụ các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, cây, con giống, kiểm dịch động vật và lĩnh vực kiểm lâm.

7. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Tổ chức thanh tra, kiểm tra hoặc chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng thuộc các ngành, các cấp có thẩm quyền trong việc chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và kinh doanh trái pháp luật về lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch.

8. Cục Thuế tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước, các lực lượng chức năng của các ngành, các cấp trong việc chống buôn lậu, kinh doanh trốn thuế.

Điều 6. Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố

1. Chỉ đạo và tổ chức phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước thuộc địa bàn; phối hợp với các lực lượng thuộc các ngành của tỉnh thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, và gian lận thương mại trong phạm vi địa bàn quản lý.

2. Kịp thời kiến nghị với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy chế, các biện pháp có liên quan đến công tác phối hợp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Chương III

QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC NGÀNH, CƠ QUAN THUỘC UBND TỈNH VÀ UBND HUYỆN, THÀNH PHỐ

Điều 7. Theo yêu cầu trong từng thời kỳ của công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái pháp luật khác trên địa bàn tỉnh công tác phối hợp tập trung vào các nội dung sau:

1. Xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp công tác tuyên truyền giáo dục; trao đổi, cung cấp thông tin; bố trí lực lượng, phương tiện kỹ thuật để kiểm tra, bắt giữ và xử lý các vụ về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái pháp luật khác.

2. Phối hợp hoặc tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện các biện pháp cưỡng chế chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Thẩm quyền tổ chức phối hợp

1. Đối với từng đợt công tác theo từng chuyên đề và vụ việc cần huy động lực lượng và phương tiện phối hợp kiểm tra với quy mô lớn:

Trên phạm vi toàn tỉnh: Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hoặc giao cho thủ trưởng các cơ quan có thẩm quyền chủ trì, tổ chức lực lượng phối hợp liên ngành để kiểm tra.

Trên địa bàn các huyện, thành phố: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố quyết định hoặc giao cho thành viên Ban Chỉ đạo huyện, thành phố chủ trì, tổ chức lực lượng phối hợp liên ngành để kiểm tra.

2. Thủ trưởng các cơ quan nhà nước dưới đây được quyền yêu cầu sự phối hợp, đồng thời huy động người và phương tiện thuộc đơn vị mình trực tiếp quản lý để tham gia phối hợp lực lượng trong việc thực hiện công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, cụ thể:

- Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo 127 tỉnh;

- Trưởng các phòng có chức năng kiểm tra, kiểm soát thuộc Công an tỉnh;

- Trưởng Công an huyện, thành phố;

- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường;

- Đội trưởng Đội quản lý thị trường;

- Chánh thanh tra các sở, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 127 tỉnh;

- Cục trưởng Cục Thuế;

- Chi cục trưởng Chi cục: Kiểm lâm; Thú y; Bảo vệ thực vật; Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng và Chi cục Thuế huyện, thành phố;

- Chủ tịch UBND và Trưởng Công an xã, phường, thị trấn.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Khen thưởng và kỷ luật

Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được khen thưởng theo chế độ chung của nhà nước; nếu có hành vi sách nhiễu, dung túng, bao che, tiêu cực thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm:

1. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong ngành và địa phương mình.

2. Căn cứ Quy chế này, UBND các huyện, thành phố ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan thuộc UBND huyện, thành phố, lực lượng chức năng ở địa phương.

Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu khó khăn, vướng mắc yêu cầu các cơ quan kịp thời phản ảnh về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 102/2008/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành

  • Số hiệu: 102/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/09/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Bùi Văn Hạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/10/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản