ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 102/2003/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 06 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NGÀNH THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2005
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Chỉ thị số 19/2001/CT-UB ngày 20 tháng 7 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội thành phố từ năm 2001 đến năm 2005;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại tại Tờ trình số 2019/TM-KH.XNK ngày 08 tháng 7 năm 2002 và Tờ trình số 1797/TM-KH.XNK ngày 30 tháng 5 năm 2003 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Phê duyệt triển khai thực hiện chương trình mục tiêu phát triển ngành Thương mại trên địa bàn thành phố đến năm 2005 như sau :
1.1- Mục tiêu chung : Phấn đấu đạt mức tăng bình quân 10%/năm đối với tổng mức hàng hóa bán ra và tăng bình quân 22%/năm đối với kim ngạch xuất khẩu.
1.2- Triển khai thực hiện các chương trình và dự án phát triển ngành thương mại (danh sách các chương trình và dự án ban hành kèm theo Quyết định này).
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình và dự án cần nhanh chóng triển khai kế hoạch, tổ chức thực hiện. Kinh phí thực hiện được lấy từ kinh phí hoạt động do ngân sách thành phố cấp cho các đơn vị.
Điều 3.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chánh-Vật giá, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ và Môi Trường, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông Nghiệp Sàigòn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bến Thành, Tổng Giám đốc Liên Hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố, Giám đốc Công ty Lương thực thành phố, Trưởng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư-Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận Thủ Đức, quận Tân Bình, quận 8, quận 10 và huyện Hóc Môn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
DANH MỤC
CÁC CHƯƠNG TRÌNH VÀ DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH THƯƠNG MẠI ĐẾN NĂM 2005
(Ban hành kèm theo Quyết định số /2003/QĐ-UB ngày tháng 6 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố)
A- CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH THƯƠNG MẠI.
I.- CHƯƠNG TRÌNH HOÀN THIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI :
1- Tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành thương mại, trong đó đặc biệt chú ý việc sắp xếp lại hệ thống thương mại quốc doanh.
2- Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật, hỗ trợ mọi thành phần kinh tế hoạt động bình đẳng trong nền kinh tế thị trường và thực hiện tốt lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
3- Phát triển hệ thống thông tin kinh tế-thương mại, phục vụ thiết thực hoạt động quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp.
4- Xây dựng các định chế hỗ trợ phát triển xuất khẩu như thành lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu thành phố, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa.
5- Tiếp tục thực hiện cải tiến thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường kinh doanh thương mại.
Giao Sở Thương mại chủ trì phối hợp với Ban Đổi mới Quản lý Doanh nghiệp thành phố, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính-Vật giá, Cục Quản lý Doanh nghiệp Nhà nước, Liên Hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố nghiên cứu đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề trên.
II.- CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO SỨC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP VÀ NGÀNH HÀNG, PHỤC VỤ TỐT NHU CẦU TIÊU DÙNG NỘI ĐỊA VÀ ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU :
1- Thực hiện chương trình xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP, SA 8000, giao Sở Thương Mại chủ trì phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ và Môi Trường xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền tiêu chuẩn ISO, HACCP, SA 8000 cho 100% số doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và hỗ trợ để có khoảng 30% doanh nghiệp đăng ký thực hiện chương trình quản lý chất lượng ISO, HACCP, SA 8000 mỗi năm, từ năm 2003 đến năm 2005.
2- Đào tạo nguồn nhân lực, giao Sở Thương mại chủ trì phối hợp với các trường Đại học, trường Dạy nghề và các Hiệp hội ngành nghề liên quan nghiên cứu đề xuất, xây dựng chương trình đào tạo cán bộ quản lý ngành thương mại cho phù hợp với nhu cầu phát triển dịch vụ-thương mại trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
III.- CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG :
1- Tổ chức kênh lưu thông bán buôn, bán lẻ, giao Tổng công ty Thương mại Sài Gòn chủ trì phối hợp với Liên hiệp Hợp Tác Xã Thương mại, các Sở-Ngành liên quan lập phương án tổ chức kênh lưu thông phân phối bán buôn bán lẻ, đồng thời liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất để tạo nguồn hàng, đủ sức chi phối trên thị trường trong nước.
2- Hình thành các đại lý bán hàng ở nước ngoài, giao Sở Thương maị chủ trì phối hợp với Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tại thành phố và các doanh nghiệp xuất khẩu lập phương án khảo sát xây dựng hệ thống đại lý bán hàng ở nước ngoài tại một số thị trường trọng điểm.
3- Xây dựng chương trình hành động “hướng vào xuất khẩu” thời kỳ 2003-2005, giao Sở Thương mại chủ trì phối hợp với các Sở-Ngành, các Tổng Công ty, các Hiệp hội ngành nghề liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đến năm 2005.
B.- CÁC DỰ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH THƯƠNG MẠI.
1- Xây dựng các trung tâm thương mại, giao Sở Thương mại chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc quy hoạch chi tiết vị trí các Trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết, Sở Thương mại phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Công ty Nông Nghiệp Sàigòn, Tổng Công ty Bến Thành, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu đề xuất chính sách, giải pháp huy động vốn và lập dự án xây dựng các trung tâm thương mại.
2- Hình thành và phát triển Trung tâm Giao dịch gạo, giao Sở Thương mại chủ trì cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Công ty Nông Nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Công ty Lương Thực miền Nam, Công ty Lương thực thành phố, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nghiên cứu xây dựng mô hình hoạt động sàn giao dịch mặt hàng gạo.
3- Quy hoạch hệ thống siêu thị bán lẻ, giao Sở Thương Mại chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các quận-huyện lập quy hoạch mạng lưới siêu thị bán lẻ trên toàn địa bàn thành phố.
4- Quy hoạch phát triển hệ thống chợ, giao Sở Thương mại chủ trì thực hiện đề án “Quy hoạch chợ trên địa bàn thành phố”, đồng thời kiểm tra tiến độ xây dựng ba chợ đầu mối theo thời hạn đã quy định ; cụ thể:
4.1- Chợ đầu mối phía Bắc (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) do Công ty Thương mại Tổng hợp Hóc Môn làm chủ đầu tư.
4.2- Chợ đầu mối phía Đông (phường Tam Bình, quận Thủ Đức) do Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức làm chủ đầu tư.
4.3- Chợ đầu mối phía Nam (Khu Thương mại Bình Điền tại phường 7, quận 8, Khu đô thị Nam Sài Gòn) do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn làm chủ đầu tư.
5- Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ngành Thương mại :
5.1- Dự án xây dựng Trung tâm Thương mại Quốc tế tại bán đảo Thủ Thiêm, giao Sở Thương mại chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm nghiên cứu xây dựng dự án Trung tâm Thương mại Quốc tế.
5.2- Dự án Nâng cấp Trung tâm Hội chợ Triễn lãm quốc tế Tân Bình có diện tích sàn sử dụng từ 6.000 m2 lên 20.000 m2, giao Sở Thương mại chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Trung tâm Hội chợ Triễn lãm và Ủy ban nhân dân quận Tân Bình xây dựng dự án.
5.3- Dự án xây dựng Trung tâm Hội chợ Triễn Lãm Kỳ Hoà có diện tích mặt bằng xây dựng 10.000 m2 (4 tầng), giao Sở Thương mại chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Trung tâm Hội chợ Triễn lãm, Ủy ban nhân dân quận 10 xây dựng dự án.
5.4- Dự án xây dựng hệ thống Thương mại điện tử, giao Sở Thương mại chủ trì phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường xây dựng dự án.
C.- TIẾN ĐỘ THỜI GIAN THỰC HIỆN :
Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng các Chương trình, Dự án nêu trên cần hoàn thành và trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 15 tháng 9 năm 2003./.
Quyết định 102/2003/QĐ-UB triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển ngành Thương mại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2005 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 102/2003/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/06/2003
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Thanh Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/06/2003
- Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực