Hệ thống pháp luật

BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 102/2003/QĐ-BBCVT

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI CÁC QUI ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ CƯỚC KẾT CUỐI, HẠN MỨC LƯU LƯỢNG, CƯỚC KẾT NỐI ĐỐI VỚI ĐIỆN THOẠI IP QUỐC TẾ CHIỀU ĐẾN VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Bưu chính, Viễn thông;

Căn cứ Quyết định số 99/1998/QĐ-TTg ngày 26/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá và cước bưu chính, viễn thông;

Căn cứ Thông tư số 03/1999/TT-TCBĐ ngày 11/5/1999 của Tổng cục Bưu điện hướng dẫn thực hiện Nghị định số 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ về bưu chính và viễn thông và Quyết định số 99/1998/QĐ-TTg ngày 26/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá và cước bưu chính, viễn thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Cước kết cuối (Termination charge) điện thoại IP quốc tế của dịch vụ điện thoại IP quốc tế chiều đến Việt Nam là mức cước mà các nhà khai thác nước ngoài trả cho các doanh nghiệp Việt Nam được phép cung cấp dịch vụ điện thoại IP quốc tế để thực hiện việc kết cuối cuộc gọi tại Việt Nam.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại IP quốc tế được chủ động đàm phán, thoả thuận mức cước kết cuối quốc tế với các đối tác nước ngoài trên cơ sở:

- Đối với các doanh nghiệp cung cấp đồng thời cả dịch vụ điện thoại quốc tế PSTN và điện thoại IP quốc tế: mức cước không được thấp hơn 0,28 USD/phút;

- Đối với các doanh nghiệp chỉ cung cấp dịch vụ điện thoại IP quốc tế: mức cước không thấp hơn 0,27 USD/phút.

3. Cước kết cuối qui định tại Khoản 2 của Điều này được áp dụng cho mọi lưu lượng điện thoại IP kết cuối tại Việt Nam, không phân biệt cuộc gọi kết cuối tại mạng cố định hay mạng di động.

Điều 2.

1. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại IP quốc tế được phân bổ hạn mức lưu lượng điện thoại IP quốc tế đến Việt Nam trên cơ sở số POP phát triển tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (toàn bộ các mạng di động toàn quốc được tính là 1 POP) như sau:

- Từ 1 đến 4 POP: 4 triệu phút/tháng;

- Từ 5 đến 8 POP: 5 triệu phút/tháng;

- Từ 9 đến 12 POP: 7 triệu phút/tháng;

- Từ 13 đến 18 POP: 9 triệu phút/tháng;

- Từ 19 đến 25 POP: 11 triệu phút/tháng;

- Trên 25 POP: 12 triệu phút/tháng.

2. Hạn mức lưu lượng qui định tại Khoản 1 của Điều này được áp dụng cho mọi doanh nghiệp và tính chung cho mọi lưu lượng điện thoại IP chiều quốc tế đến Việt Nam của doanh nghiệp, không phân biệt lưu lượng này kết cuối tại mạng cố định hay di động, tại các tỉnh doanh nghiệp cung cấp điển thoại IP quốc tế đã phát triển POP hay chưa phát triển POP.

3. Các doanh nghiệp báo cáo Bộ Bưu chính, Viễn thông về số lượng các POP đang khai thác và việc đưa các POP mới vào hoạt động để Bộ Bưu chính, Viễn thông định kỳ công bố cho các doanh nghiệp.

4. Các doanh nghiệp được phép chủ động bù trừ lưu lượng trong hạn mức giữa các tháng trong quí (tính theo năm dương lịch từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) với mức không được vượt quá 10% của hạn mức lưu lượng được cấp cho tháng đó. Phần lưu lượng vượt trên 10% hạn mức lưu lượng của tháng được coi như lưu lượng vượt hạn mức của quí và phải chịu cước kết nối bổ sung qui định tại Khoản 2, Điều 3 của Quyết định này.

5. Căn cứ vào biến động tổng lưu lượng điện thoại quốc tế (IP và PSTN) về Việt Nam, căn cứ số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại IP quốc tế, Bộ Bưu chính, Viễn thông công bố việc tăng hoặc giảm hạn mức phù hợp với sự với biến động của thị trường.

Điều 3. Cước kết nối đối với điện thoại IP quốc tế chiều đến Việt Nam

1. Cước kết nối cơ bản:

a) Đối với cuộc gọi điện thoại IP quốc tế kết cuối trực tiếp vào mạng cố định nội tỉnh (bao gồm cả mạng vô tuyến nội thị), cước kết nối trả mạng nội tỉnh là 0,10 USD/phút;

b) Đối với cuộc gọi điện thoại IP quốc tế kết cuối vào mạng cố định nội tỉnh thông qua mạng đường dài liên tỉnh PSTN, ngoài cước kết nối trả mạng nội tỉnh là 0,10 USD/phút, doanh nghiệp trả mạng liên tỉnh cước kết nối 0,10 USD/phút;

c) Đối với cuộc gọi điện thoại IP quốc tế kết cuối trực tiếp vào mạng di động toàn quốc:

- Trường hợp mạng IP quốc tế của doanh nghiệp kết nối vào một (01) MSC cổng (MSC Gateway) của mỗi mạng, cước kết nối trả cho mạng di động tương ứng là 0,15 USD/phút;

- Trường hợp mạng IP quốc tế của doanh nghiệp kết nối vào tất cả các MSC cổng (MSC Gateway) của mỗi mạng, cước kết nối trả mạng di động tương ứng là 0,10 USD/phút;

d) Đối với cuộc gọi điện thoại IP quốc tế kết cuối vào mạng di động toàn quốc thông qua mạng đường dài liên tỉnh PSTN, ngoài cước kết nối trả mạng di động là 0,10 USD/phút, doanh nghiệp trả mạng liên tỉnh cước kết nối 0,10 USD/phút.

2. Cước kết nối bổ sung:

- Đối với lưu lượng điện thoại IP quốc tế chiều đến Việt Nam vượt hạn mức (tính theo quí), ngoài cước kết nối cơ bản qui định tại Khoản 1 của Điều này, các doanh nghiệp cung cấp điện thoại IP quốc tế phải trả cước kết nối bổ sung là 0,35 USD/phút.

- Bộ Bưu chính, Viễn thông sẽ có hướng dẫn về cơ chế quản lý, thu nộp khoản cước kết nối bổ sung này để các doanh nghiệp thực hiện theo qui định của Pháp lệnh bưu chính, viễn thông.

Điều 4. Báo cáo lưu lượng

1. Chậm nhất là vào ngày 20 hàng tháng, các doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo Bộ Bưu chính, Viễn thông các số liệu lưu lượng điện thoại quốc tế mạng PSTN và IP chiều Việt Nam đi quốc tế và chiều quốc tế đến Việt Nam đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, mạng chuyên dùng và mạng di động toàn quốc của tháng trước đó. Doanh nghiệp không báo cáo đầy đủ và đúng hạn sẽ bị giảm trừ hạn mức lưu lượng của tháng tiếp theo tháng báo cáo với mức là 3%.

2. Trên cơ sở báo cáo của doanh nghiệp, Bộ Bưu chính, Viễn thông định kỳ hàng quí công bố lưu lượng điện thoại quốc tế mạng PSTN và điện thoại IP quốc tế chiều Việt Nam đi quốc tế và chiều quốc tế đến Việt Nam.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2003 và thay thế quyết định số 66/2003/QĐ-BBCVT ngày 28/3/2003 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông.

Điều 6. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông, Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại IP quốc tế và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 6,
- Bộ trưởng Bộ BCVT ( để b/c ),
- Các Thứ trưởng Bộ BCVT,
- Lưu VP, KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG
THỨ TRƯỞNG




Đặng Đình Lâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 102/2003/QĐ-BBCVT Sửa đổi các qui định tạm thời về quản lý cước kết cuối, hạn mức lưu lượng, cước kết nối đối với điện thoại IP quốc tế chiều đến Việt Nam do Bộ Bưu chính Viễn thông ban hành

  • Số hiệu: 102/2003/QĐ-BBCVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/06/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Bưu chính Viễn thông
  • Người ký: Đặng Đình Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 01/06/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản