Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 101-TCQĐ/BH

Hà Nội, ngày 01 tháng 2 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TẮC BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM CỦA QUỸ TÍN DỤNG ĐỐI VỚI CÁC KHOẢN TIỀN GỬI CÓ KỲ HẠN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ vào Nghị định số 155-HĐBT ngày 15-10-1988 của Hội đồng Bộ trưởng (này là Chính phủ) quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 850-TCQĐ/TCCB ngày 01-12-1993 của Bộ Tài chính ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty bảo hiểm Việt Nam;
Theo đề nghị của ông Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy tắc bảo hiểm trách nhiệm của quỹ tín dụng đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn và tỷ lệ phí bảo hiểm.

Điều 2. Trên cơ sở cân nhắc đến kết quả kinh doanh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam được chủ động điều chính mức phí tăng hoặc giảm 20% so với tỷ lệ phí nói trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các ông Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Cân đối - Tài chính, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

 

QUY TẮC

BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN ĐỐI VỚI CÁC KHOẢN TIỀN GỬI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 101-TCQĐ/BH ngày 01-2-1994 của Bộ Tài chính)

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Quy tắc này áp dụng cho việc bảo hiểm trách nhiệm của quỹ tín dụng nhân dân đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn trong phạm vi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Trong Quy tắc này, các từ và cụm từ dưới đây được hiểu như sau:

- Quỹ tín dụng: Là quỹ tín dụng nhân dân được thành lập theo Quyết định số 390-TTg ngày 27-7-1993 của Chính phủ.

- Người gửi tiền: Là một thể nhân hoặc pháp nhân có bất kỳ khoản tiền nào gửi vào quỹ tín dụng theo hình thức tiền gửi có kỳ hạn.

- Tiền gửi: Là bất kỳ một hoặc các khoản tiền gửi có kỳ hạn tối thiểu là 3 tháng trở lên mà quỹ tín dụng nhận được trong hoạt động tiền gửi của mình, kể cả các khoản tiền gửi tại các tài khoản tiền gửi riêng biệt ở quỹ tín dụng được bảo hiểm. Tiền gửi không bao gồm các khoản tiền gửi không kỳ hạn, vốn cổ phần, vốn vay, vốn thanh toán và các khoản vốn khác.

- Phá sản: Là quỹ tín dụng không thể trả nợ một cách đầy đủ hoặc quỹ tín dụng không thể tiếp tục kinh doanh vì thiếu vốn. Các công việc kinh doanh của quỹ này phải được giao cho ban thanh lý tài sản xử lý, kể cả các tài sản còn lại theo đúng quy định tại các văn bản pháp lý về phá sản của Nhà nước.

- Giải thể: Có nghĩa là sự chấm dứt hoạt động hoặc tồn tại của một quỹ tín dụng. Có thể giải thể bằng cách tự nguyện hoặc bắt buộc.

- Giải thể tự nguyện: Là các cổ đông chấp thuận một nghị quyết tuyên bố giải thể do quỹ tín dụng đang bị đặt trong tình trạng có nguy cơ dẫn đến phá sản. Một người hoặc một nhóm người được chỉ định thu hồi các khoản nợ phải thu, bán các tài sản của quỹ để trang trải các khoản nợ phải trả. Trong quy tắc này không đề cập đến việc giải thể tự nguyện bởi lý do khác.

- Giải thể bắt buộc: Là quỹ bị buột phải giải thể do không tuân thủ các quy tắc, luật lệ của Nhà nước hoặc có thể do một chủ nợ đề nghị Toà án ra lệnh tuyên bố giải thể (vì quỹ tín dụng từ chối thanh toán và chỉ có cách này mới hy vọng thu hồi được tiền). Nếu lệnh này được ban ra thì Ban lãnh đạo của quỹ tín dụng bị phế truất và hoạt động của quỹ phải dừng lại. Các khiếu nại của tất cả các chủ nợ sẽ được thanh toán khi các khoản nợ phải thu đã thu được và các tài sản của quỹ được đem ra bán.

Chương 2:

NHỮNG RỦI RO ĐƯỢC BẢO HIỂM

Điều 3. Trên cơ sở những điều kiện quy định trong Quy tắc bảo hiểm này, BAOVIET có nghĩa vụ bồi thường cho những người gửi tiền có kỳ hạn trong các trường hợp:

a. Khi quỹ tín dụng bị phá sản.

b. Khi quỹ tín dụng giải thể bắt buộc.

c. Khi một quỹ tín dụng phải chấp hành một lệnh thanh lý vì một lý do khác với việc bị phá sản hay mất khả năng thanh toán.

d. Khi quỹ tín dụng giải thể tự nguyện do quỹ đang bị đặt trong tình trạng có nguy cơ dẫn đến phá sản.

e. Khi quỹ tín dụng không thể thực hiện việc thanh toán cho những người gửi tiền vì một lệnh của Toà án.

Chương 3:

NHỮNG RỦI RO LOẠI TRỪ

Điều 4. Trừ phi có thoả thuận riêng, BAOVIET không nhận trách nhiệm bồi thường trong những trường hợp sau đây:

a. Khi quỹ tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định tiền tệ, tín dụng, thanh toán đã nêu trong Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty Tài chính ban hành ngày 23-5-1990 hoặc các quy định hiện hành khác của Ngân hàng Nhà nước và Điều lệ hoạt động của quỹ.

b. Khi quỹ tín dụng giải thể tự nguyện vì những nguyên nhân khác với việc có nguy cơ dẫn đến phá sản.

c. Quỹ tín dụng phải ngừng hoạt động vì chiến tranh, nổi loạn, bạo loạn dân sự, nội chiến, khởi nghĩa, khủng bố, binh biến và đảo chính.

Chương 4:

KÝ KẾT HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Điều 5. Khi yêu cầu bảo hiểm, quỹ tín dụng gửi cho BAOVIET giấy yêu cầu bảo hiểm kèm theo các tài liệu sau đây:

a. Giấy phép hoạt động có hiệu lực.

b. Điều lệ và quy chế hoạt động.

c. Bản sao chụp các báo cáo tiền gửi, bảng tổng kết tài sản năm trước năm bảo hiểm.

d. Bản kê chi tiết các khoản tiền gửi có kỳ hạn năm trước năm bảo hiểm.

Điều 6. Khi nhận được giấy yêu cầu bảo hiểm cùng các tài liệu đính kèm BAOVIET phải thông báo cho quỹ tín dụng về việc chấp thuận bảo hiểm hoặc không chấp thuận bảo hiểm trong vòng năm ngày kể từ ngày nhận được giấy yêu cầu bảo hiểm.

Chương 5:

SỐ TIỀN BẢO HIỂM VÀ PHÍ BẢO HIỂM

Điều 7.

a. Số tiền bảo hiểm là số dư tiền gửi có kỳ hạn hàng quý của quỹ tín dụng tại từng thời điểm đóng phí bảo hiểm, đã trừ phần vượt quá số tiền gửi có kỳ hạn của mỗi thể nhân và pháp nhân quy định tại điểm b dưới đây.

b. Đối với tổng các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại quỹ tín dụng, số tiền bảo hiểm tối đa của một thể nhân không vượt quá 100.000.000đ và một pháp nhân không vượt quá 500.000.000đ.

Điều 8. Phí bảo hiểm đóng theo từng quý và được tính theo tỷ lệ phần trăm của số dư tiền gửi có kỳ hạn hàng quý bằng công thức sau:

X.r

P = x 90

360

Trong đó: * X: Số dư tiền gửi có kỳ hạn mỗi quý.

* r: Tỷ lệ phí bảo hiểm bằng 0,165%

* P: Phí bảo hiểm.

Trong mọi trường hợp phí bảo hiểm phải nộp không được thấp hơn 12.500đ.

Điều 9. Quỹ tín dụng phải đóng phí bảo hiểm cho BAOVIET trong vòng 10 ngày đầu của mỗi quý, trừ khi có thoả thuận khác bằng văn bản giữa BAOVIET và quỹ tín dụng.

Chương 6:

THỜI HẠN BẢO HIỂM VÀ HIỆU LỰC BẢO HIỂM

Điều 10. Tuỳ theo yêu cầu của quỹ tín dụng, BAOVIET có thể nhận bảo hiểm thời hạn một năm hoặc ngắn hạn nhưng không dưới 6 tháng dương lịch. Khi kết thúc thời hạn bảo hiểm, quỹ tín dụng có thể đóng phí tiếp và yêu cầu tái tục Hợp đồng bảo hiểm theo hướng dẫn của BAOVIET.

Điều 11. Hiệu lực bảo hiểm được ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc chấm dứt ngay khi:

a. Hết hạn 31/12 hàng năm.

b. Một trong hai bên thông báo cho bên kia việc huỷ hợp đồng bằng văn bản trước 30 ngày tính đến ngày dự định huỷ và được chấp thuận.

c. Quỹ tín dụng không thanh toán đúng hạn phí bảo hiểm mà không có sự chấp nhận trước bằng văn bản của BAOVIET.

Chương 7:

NGHĨA VỤ CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN

Điều 12.

a. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, quỹ tín dụng phải gửi cho BAOVIET bản sao bảng tổng kết tài sản, báo cáo số dư tiền gửi, báo cáo lãi - lỗ và thuyết minh chi tiết hoạt động của quỹ tín dụng trong năm bảo hiểm, phương hướng hoạt động kinh doanh năm tiếp sau của quỹ.

b. Khi có những thay đổi bất thường về phương hướng hoạt động kinh doanh, quỹ tín dụng phải thông báo ngay cho BAOVIET biết và trả thêm phí nếu có yêu cầu.

c. Quỹ tín dụng có trách nhiệm đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn cho BAOVIET.

Điều 13. Khi xảy ra rủi ro thuộc trách nhiệm bảo hiểm quỹ tín dụng phải:

a. Thông báo ngay cho BAOVIET bằng văn bản.

b. Thu thập và gửi cho BAOVIET các chứng từ sau:

+ Giấy yêu cầu bồi thường.

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm gốc.

+ Báo cáo thực trạng tài chính đến ngày xảy ra rủi ro được bảo hiểm.

+ Lệnh của Toà án, hoặc quyết định giải thể, hoặc quyết định thanh lý v.v...

+ Bản kê danh sách những người gửi tiền có kỳ hạn và các khoản tiền gửi có kỳ hạn chưa được thanh toán tính đến ngày xảy ra rủi ro được bảo hiểm.

Chương 8:

GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG

Điều 14. Trong những trường hợp cần thiết, BAOVIET được cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền nhằm giám định tình trạng mất khả năng thanh toán là nguyên nhân dẫn đến bị phá sản của quỹ tín dụng để xác định việc trả tiền bảo hiểm.

Điều 15. Trong vòng 01 tháng kể từ ngày nhận được giấy yêu cầu bồi thường của quỹ tín dụng và đầy đủ các chứng từ đã nêu trong Điều 13, BAOVIET sẽ giải quyết bồi thường trực tiếp cho những người gửi tiền.

Điều 16.

a. Giới hạn trách nhiệm của BAOVIET là số dư tiền gửi có kỳ hạn thực tế (chỉ tính gốc và không tính lãi) vào thời điểm ngừng kinh doanh để thanh lý quỹ theo quyết định nhưng không vượt quá số tiền bảo hiểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm và không quá số tiền quy định tại điểm b Điều 7 cho mỗi thể nhân và pháp nhân.

b. Nếu quỹ tín dụng cố ý kê khai bảo hiểm không trung thực thì khi tổn thất xảy ra BAOVIET sẽ chỉ bồi thường cho người gửi tiền số tiền theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và số tiền gửi thực tế (khi số tiền bảo hiểm thấp hơn) và tối đa là bằng số tiền gửi thực tế (khi số tiền bảo hiểm cao hơn).

Chương 9:

CHUYỂN QUYỀN ĐÒI NGƯỜI THỨ BA

Điều 17. Nếu rủi ro được bảo hiểm do lỗi của người thứ ba gây ra thì quỹ tín dụng phải bảo lưu và chuyển quyền đòi người thứ ba cho BAOVIET trong phạm vi số tiền mà BAOVIET đã giải quyết bồi thường.

Điều 18. Trong trường hợp quỹ tín dụng bị phá sản hay giải thể dẫn đến việc buộc phải thanh lý tài sản thì BAOVIET được thay thế hoàn toàn quyền đòi nợ hợp pháp của những người gửi tiền đối với số tiền gửi có kỳ hạn mà BAOVIET đã bồi thường theo giới hạn trách nhiệm quy định tại điểm a Điều 16 của quy tắc này.

Chương 10:

THỜI HẠN KHIẾU NẠI

Điều 19. Thời hạn để quỹ tín dụng đòi bồi thường BAOVIET là 01 năm kể từ ngày xảy ra rủi ro được bảo hiểm (trừ trường hợp có thoả thuận trước với BAOVIET). Quá thời hạn nói trên BAOVIET không có trách nhiệm giải quyết bồi thường bất kỳ khoản tiền nào dù đã được bảo hiểm tại quỹ tín dụng.

Chương 11:

XỬ LÝ TRANH CHẤP

Điều 20. Mọi tranh chấp giữa quỹ tín dụng và BAOVIET liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo quy tắc này nếu không giải quyết được bằng thương lượng sẽ được đưa ra Toà án tại nơi có trụ sở của quỹ tín dụng đã tham gia bảo hiểm để xét xử.