Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 100/2003/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC: ĐIỀU CHỈNH BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 72/2001/QĐ-UB NGÀY 17 THÁNG 9 NĂM 2001 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Chính phủ về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;
Căn cứ Quyết định số 72/2001/QĐ-UB ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Ủy ban nhân dân Thành phố quy định về trình tự, thủ tục tổ chức công tác bồi thường thiệt hại, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố;
Xét đề nghị của Thường trực Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố tại Tờ trình số 206/TTr-BCĐ ngày 01 tháng 7 năm 2003.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Điều chỉnh, bổ sung một số Điều của Quyết định số 72/2001/QĐ-UB ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Ủy ban nhân dân Thành phố quy định về trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện công tác bồi thường thiệt hại, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố, như sau:

1/ Sửa đổi khoản 3, Điều 3 như sau:

3/. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng Giải phóng mặt bằng và các bộ phận giúp việc cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện).

a/- Hội đồng Giải phóng mặt bằng làm việc theo nguyên tắc tập thể. Trong trường hợp có những phát sinh mới ngoài chính sách đã quy định thì Chủ tịch Hội đồng Giải phóng mặt bằng báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện), xin ý kiến Thường trực Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố, các ngành có liên quan để giải quyết hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xin ý kiến chỉ đạo.

b/- Ủy ban nhân dân quận (huyện) quyết định thành lập Tổ công tác để giúp việc cho Hội đồng Giải phóng mặt bằng quận (huyện). Thành phần Tổ công tác gồm:

- Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm Tổ trưởng.

- Cán bộ địa chính (xã, phường, thị trấn) làm Tổ phó.

- Đại diện Chủ đầu tư làm Tổ viên.

- Tổ trưởng dân phố hoặc Trưởng thôn làm Tổ viên.

- Đại diện Phòng Tài chính - Vật giá làm Tổ viên.

- Đai diện phòng Địa chính Nhà đất và đô thị làm Tổ viên.

- Từ 01 đến 02 người là đại diện những người có nhà, đất bị thu hồi (thành phần tham gia Hội đồng Giải phóng mặt bằng) làm Tổ viên.

c/- Ủy ban nhân dân quận (huyện) quyết định thành lập Tổ chuyên trách giải phóng mặt bằng để giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) thẩm định phương án giải phóng mặt bằng theo đúng chính sách của Nhà nước và quy dịnh của Ủy ban nhân dân Thành phố, lập Tờ trình (kèm theo dự thảo Quyết định) trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) quyết định phê duyệt; đồng thời là đầu mối giúp Ủy ban nhân dân quận (huyện) kiểm tra, đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện với Thường trực Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố.

Thành phần Tổ Chuyên trách (là cán bộ, công chức trong định mức biên chế của quận, huyện) gồm:

- Lãnh đạo Phòng Tài chính - Vật giá làm Tổ trưởng,

- Lãnh đạo Phòng Địa chính Nhà đất và đô thị làm Tổ phó,

- Cán bộ Phòng Tài chính - Vật giá làm Tổ viên,

- Cán bộ Phòng Địa chính Nhà đất và đô thị làm Tổ viên.

- Tùy theo công việc giải phóng mặt bằng từng loại dự án, Ủy ban nhân dân quận (huyện) điều động cán bộ, công chức là đại diện các phòng chức năng có liên quan, tham gia làm tổ viên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) quy định chế độ làm việc của Tổ Chuyên trách. Những quận (huyện) có khối lượng giải phóng mặt bằng nhỏ và không thường xuyên, thì không nhất thiết phải thành lập Tổ chuyên trách, nhưng phải phân công một Phòng chức năng làm đầu mối tổng hợp, kiểm tra.

d/- Kinh phí hoạt động của Hội đồng Giải phóng mặt bằng, Tổ Công tác, Tổ chuyên trách được trích trong kinh phí tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án.

2/ Bổ sung Khoản 4, Điều 3 về nhiệm vụ của Hội đồng Giải phóng mặt bằng quận (huyện) như sau:

1/. Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) đề xuất giá bồi thường thiệt hại về đất ở, đất chuyên dùng, báo cáo Hội đồng thẩm định xem xét, trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt; tổ chức xét duyệt từng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định.

3/ Sửa đổi Điểm b, Khoản 2, Điều 4 như sau:

b/. Trong thời hạn 07 ngày kể từ khi nhận được Tờ trình của Ủy ban nhân dân quận (huyện) về giá đất ở và đất chuyên dùng làm căn cứ lập phương án bồi thường thiệt hại; cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ; quỹ nhà ở, đất ở, giá bán nhà (hoặc giá thu tiền sử dụng đất) và nguyên tắc bố trí tái định cư cho dự án, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm chủ trì cùng các ngành liên quan thuộc Hội đồng thẩm định và Thường trực Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định phê duyệt các nội dung (là các điều kiện để Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng):

- Giá bồi thường thiệt hại về đất ở và đất chuyên dùng theo thời điểm thu hồi đất.

- Quỹ nhà ở, đất ở tái định cư (nơi tái định cư) và nguyên tắc bố trí tái định cư cho các hộ gia đình.

- Giá nhà ở, đất ở bố trí tái định cư phù hợp với giá bồi thường thiệt hại.

- Chính sách hỗ trợ di chuyển khác (nếu có).

- Quy định về thời gian, tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày Hội đồng thẩm định họp, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá lập Tờ trình báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định các nội dung thẩm định. Nếu có sự khác nhau giữa Hội đồng thẩm định thành phố và Ủy ban nhân dân quận (huyện) thì báo cáo các ý kiến khác nhau và quan điểm của Sở Tài chính - Vật giá để Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

c/. Ủy ban nhân dân Thành phố ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện), căn cứ quy định của Nhà nước và Ủy ban nhân dân Thành phố về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, ra quyết định xác định cụ thể giá bồi thường, hỗ trợ làm căn cứ lập phương án bồi thường thiệt hại đất nông nghiệp cho từng dự án. Trường hợp đặc thù chưa được quy định trong các chính sách, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) phải thống nhất với Thường trực Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện.

4/ Sửa đổi Điểm b, Khoản 1, Điều 6 như sau:

Ủy ban nhân dân Thành phố ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) quyết định phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư được thực hiện bằng các nguồn vốn khác nhau.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) tự chịu hoàn toàn trách nhiệm về Quyết định phê duyệt của mình. Những trường hợp vướng mắc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố để xem xét trả lời hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi quyết định phê duyệt phương án, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) có trách nhiệm gửi quyết định phê duyệt và hồ sơ bồi thường thiệt hại, tái định cư cho Thường trực Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng để kiểm tra, giám sát; gửi quyết định phê duyệt cho Sở Tài chính - Vật giá và Sở Địa chính Nhà đất để theo dõi việc sử dụng vốn và làm thủ tục về nhà, đất.

5/ Sửa đổi Khoản 3 Điều 8 như sau:

3/- Trường hợp sau khi đã có Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện), nếu công dân không thống nhất và tiếp tục khiếu nại tới Ủy ban nhân dân Thành phố thì giao Thanh tra thành phố kiểm tra, kết luận, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

Trong thời gian các cơ quan chức năng xem xét đơng khiếu nại, Người bị thu hồi đất và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan vẫn phải thực hiện phương án giải phóng mặt bằng đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện ) phê duyệt, thực hiện việc di chuyển và bàn giao đất đúng tiến độ.

6/ Bổ sung Khoản 3 Điều 11 như sau:

d/. Khi đã đủ điều kiện để thực hiện giải phóng mặt bằng ( chính sách giá bồi thường, hỗ trợ, nơi tái định cư), Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện ) phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tiến độ giải phóng mặt bằng, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quyết định phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại, tái định cư theo quy định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố, Thường trực Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận (huyện ); các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận
- Như điều 3
- Thủ tướng  Chính phủ
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực HĐND
- Đ/c Bí thư Thành ủy
- Chủ tịch Hoàng Văn Nghiên (để báo cáo)
- Các Phó chủ tịch UBND TP
- Văn phòng Thành ủy
- Các PVP, TCV, TD, THKT, Nth
- Lưu VT
  

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



 
Lê Quý Đôn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 100/2003/QĐ-UB bổ sung Quyết định 72/2001/QĐ-UB về trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện công tác bồi thường thiệt hại, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 100/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/08/2003
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Quý Đôn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/08/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản