Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN BÌNH TÂN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 10/2009/QĐ-UBND

Bình Tân, ngày 06 tháng 7 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CỦA QUẬN VÀ 10 PHƯỜNG

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN BÌNH TÂN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
Xét đề nghị của Trưởng Phòng Nội vụ quận Bình Tân tại Tờ trình số 344/TTr- NV ngày 01 tháng 7 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của quận và 10 phường.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 07 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận, Trưởng Phòng Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thuộc quận và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 10 phường chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Chính

 

QUY CHẾ

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ VIÊN CHỨC CỦA QUẬN VÀ 10 PHƯỜNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2009 của Ủy ban nhân dân quận Bình Tân)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định về đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng sau (gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức):

1. Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thuộc quận.

2. Cán bộ, công chức đang làm việc tại Ủy ban nhân dân 10 phường.

Điều 2. Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng là trang bị kiến thức về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và các kiến thức bổ trợ khác, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Điều 3. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn từng chức vụ, tiêu chuẩn nghiệp vụ của từng ngạch, chức danh cán bộ, công chức, viên chức; căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

Chương II

NỘI DUNG, HÌNH THỨC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

Điều 4. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gồm:

1. Lý luận chính trị.

2. Kiến thức pháp luật, kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước.

3. Kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ.

4. Kiến thức tin học, ngoại ngữ và các kiến thức bổ trợ khác.

Điều 5. Chương trình, giáo trình, tài liệu sử dụng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức gồm:

1. Loại chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh cán bộ, công chức;

2. Các chương trình, tài liệu bồi dưỡng nâng cao, cập nhật kiến thức:

a) Chương trình, tài liệu bổ sung kiến thức theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh cán bộ, công chức;

b) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ;

c) Chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý;

d) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng thi nâng ngạch, chuyển ngạch; chương trình tài liệu dành cho công chức dự bị.

3. Các chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ, và kiến thức bổ trợ khác theo tiêu chuẩn ngạch.

Điều 6. Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng

1. Đào tạo, bồi dưỡng để thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nhằm bổ sung nguồn nhân lực thường xuyên cho các cơ quan nhà nước, đảm bảo yêu cầu của từng ngạch công chức, chức danh cán bộ quản lý.

2. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước để bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý hay ngạch công chức cao hơn.

3. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và các kiến thức bổ trợ khác như ngoại ngữ, tin học… để đáp ứng yêu cầu phát triển liên tục của nhiệm vụ.

4. Các loại hình đào tạo, bồi dưỡng trên được tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: tập trung, bán tập trung, vừa học, vừa làm, đào tạo từ xa…

Chương III

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN LỢI CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG LĨNH VỰC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

Điều 7. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức

1. Cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ lý luận; kiến thức, kỹ năng hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và các kiến thức bổ trợ khác theo quy định.

2. Cán bộ, công chức, viên chức đang giữ chức vụ thuộc ngạch, chức danh nào phải đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ kiến thức quy định cho chức vụ và ngạch, chức danh đó.

3. Cán bộ, công chức, viên chức sau khi đã được đào tạo, bồi dưỡng mà tự ý bỏ việc hoặc chuyển công tác khỏi khu vực nhà nước vì lý do cá nhân thì phải bồi thường cho cơ quan, tổ chức sử dụng cán bộ, công chức các chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Nhà nước.

Điều 8. Quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức

1. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan bố trí thời gian và kinh phí theo chế độ quy định.

2. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức theo nguyện vọng cá nhân mà được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo, bồi dưỡng thì được cơ quan hỗ trợ về thời gian và kinh phí tùy theo khả năng và điều kiện cho phép.

3. Trong thời gian được cử đi dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được hưởng nguyên lương và các chế độ khác theo quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

Điều 9. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được sử dụng từ ngân sách nhà nước cấp; đóng góp của cơ quan cử cán bộ, công chức đi học; đóng góp của cá nhân cử đi học.

Việc quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo các quy định tài chính hiện hành.

Điểu 10. Ủy ban nhân dân quận tổ chức xét duyệt để đề cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của quận (kể cả những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức chỉ xin hỗ trợ thời gian đi học, kinh phí tự túc).

Điều 11. Phòng Nội vụ là đầu mối phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch và các cơ quan có liên quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân quận quản lý và thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của quận có trách nhiệm:

- Rà soát, nắm lại trình độ, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của quận để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.

- Tổ chức hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, theo dõi, tổng hợp kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của quận.

- Dự trù kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận phê duyệt.

Điều 12. Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thuộc quận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 10 phường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị; thực hiện chế độ báo cáo kết quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm về Phòng Nội vụ để theo dõi, tổng hợp và xây dựng kế hoạch đào tạo trình Ủy ban nhân dân quận./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 10/2009/QĐ-UBND về Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của quận và 10 phường do Ủy ban nhân dân quận Bình Tân ban hành

  • Số hiệu: 10/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/07/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Huỳnh Văn Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 76
  • Ngày hiệu lực: 13/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản