Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2007/QĐ-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ BỔ NHIỆM, CÔNG NHẬN, BỔ NHIỆM LẠI, CÔNG NHẬN LẠI, MIỄN NHIỆM, THÔI CÔNG NHẬN, TỪ CHỨC HIỆU TRƯỞNG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ, TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ VÀ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM DẠY NGHỀ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bổ nhiệm, công nhận, bổ nhiệm lại, công nhận lại, miễn nhiệm, thôi công nhận, từ chức hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và giám đốc trung tâm dạy nghề.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quyết định này.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Người đứng đầu cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị – xã hội; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hiệu trưởng các trường cao đẳng nghề, các trường trung cấp nghề, Giám đốc các trung tâm dạy nghề và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

Nguyễn Thị Hằng

 

QUY CHẾ

BỔ NHIỆM, CÔNG NHẬN, BỔ NHIỆM LẠI, CÔNG NHẬN LẠI, MIỄN NHIỆM, THÔI CÔNG NHẬN, TỪ CHỨC HIỆU TRƯỞNG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ, TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ VÀ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM DẠY NGHỀ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-BLĐTBXH, ngày 04 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự và thủ tục bổ nhiệm, công nhận, bổ nhiệm lại, công nhận lại, thôi công nhận, từ chức hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và giám đốc trung tâm dạy nghề.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quy chế này áp dụng đối với các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề (sau đây gọi tắt là trường), trung tâm dạy nghề (sau đây gọi tắt là trung tâm) công lập và tư thục.

2. Quy chế này không áp dụng đối với các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều 3. Nguyên tắc bổ nhiệm, công nhận, bổ nhiệm lại, công nhận lại, miễn nhiệm, thôi công nhận, từ chức

1. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trách nhiệm của hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và giám đốc trung tâm dạy nghề. Cán bộ được bổ nhiệm, công nhận, bổ nhiệm lại, công nhận lại phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Quy chế này.

2. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của trường, trung tâm và khả năng của cán bộ.

3. Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường, trung tâm.

4. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, giám đốc trung tâm dạy nghề khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm, công nhận phải được xem xét để bổ nhiệm lại, công nhận lại hoặc không bổ nhiệm lại, công nhận lại.

Chương 2:

TIÊU CHUẨN VÀ ĐIỀU KIỆN BỔ NHIỆM, CÔNG NHẬN HIỆU TRƯỞNG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ, TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ VÀ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM DẠY NGHỀ

 

Điều 4. Tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề

1. Tiêu chuẩn

a) Phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; lý lịch rõ ràng; có uy tín về chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực quản lý điều hành hoạt động nhà trường; có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao;

b) Học vị từ thạc sỹ trở lên đối với hiệu trưởng trường cao đẳng nghề và trình độ đại học trở lên đối với hiệu trưởng trường trung cấp nghề;

c) Đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý trường;

d) Thâm niên giảng dạy hoặc tham gia quản lý dạy nghề ít nhất là 5 năm.

2. Điều kiện

a) Đối với trường công lập: tuổi đời bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam, không quá 50 tuổi đối với nữ; thời gian bổ nhiệm mỗi nhiệm kỳ là 5 năm và không giữ quá hai nhiệm kỳ liên tục;

b) Đối với trường tư thục: Hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề không phải là công chức, viên chức nhà nước.

Điều 5. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, công nhận phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề.

1. Tiêu chuẩn

a) Phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; lý lịch rõ ràng; có uy tín về chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực quản lý lĩnh vực công tác phụ trách; có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao;

b) Trình độ đại học trở lên một chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực phụ trách. Riêng phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo ở trường cao đẳng nghề phải có học vị từ thạc sĩ trở lên.

2. Điều kiện

a) Đối với trường công lập: tuổi đời bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam, không quá 50 tuổi đối với nữ; thời gian bổ nhiệm mỗi nhiệm kỳ là 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại;

b) Đối với trường tư thục: Phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề không phải là công chức, viên chức nhà nước.

Điều 6. Tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm, công nhận giám đốc trung tâm dạy nghề

1. Tiêu chuẩn

a) Phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; lý lịch rõ ràng; có uy tín; có năng lực quản lý và am hiểu về dạy nghề; có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao;

b) Trình độ cao đẳng trở lên và được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý trung tâm.

2. Điều kiện

a) Đối với trung tâm công lập: Tuổi đời bổ nhiệm lần đầu đối với giám đốc trung tâm dạy nghề công lập không quá 55 tuổi đối với nam, không quá 50 tuổi đối với nữ; thời gian bổ nhiệm mỗi nhiệm kỳ là 5 năm;

b) Đối với trung tâm tư thục: Giám đốc trung tâm không phải là công chức, viên chức nhà nước.

Chương 3:

TRÌNH TỰ, HỒ SƠ, THẨM QUYỀN BỔ NHIỆM, CÔNG NHẬN, BỔ NHIỆM LẠI, CÔNG NHẬN LẠI, MIỄN NHIỆM, THÔI CÔNG NHẬN VÀ TỪ CHỨC HIỆU TRƯỞNG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ, TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ VÀ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM DẠY NGHỀ

Mục 1: TRÌNH TỰ, HỒ SƠ, THẨM QUYỀN BỔ NHIỆM HIỆU TRƯỞNG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ, TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ VÀ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM DẠY NGHỀ CÔNG LẬP

Điều 7. Trình tự bổ nhiệm

1. Trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề có nhu cầu bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giám đốc trung tâm, phải trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, số lượng và dự kiến phân công phụ trách công việc đối với chức vụ sẽ bổ nhiệm.

2. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền đồng ý, lãnh đạo trường, trung tâm đề xuất nhân sự cụ thể qua các bước sau:

a) Đối với nguồn nhân sự tại chỗ

- Hội đồng trường, tập thể lãnh đạo trung tâm đề xuất phương án nhân sự căn cứ vào nguồn cán bộ trong quy hoạch hoặc ý kiến giới thiệu của cán bộ viên chức trong trường, trung tâm để thảo luận, lựa chọn nhân sự. Khi bổ nhiệm một chức vụ có thể giới thiệu từ 1 đến 3 người để lựa chọn.

- Người đứng đầu trường, trung tâm tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để trao đổi, thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn cán bộ, viên chức bổ nhiệm; thông báo danh sách cán bộ viên chức được lãnh đạo giới thiệu; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác, nhận xét, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công phụ trách; cán bộ viên chức được giới thiệu trình bày về thực hiện nhiệm vụ nếu được bổ nhiệm và trả lời những vấn đề có liên quan.

Hội nghị cán bộ chủ chốt giới thiệu nhân sự bằng cách bỏ phiếu kín (phiếu tín nhiệm có giá trị tham khảo, không phải là căn cứ duy nhất để bổ nhệm). Phiếu tín nhiệm theo mẫu thống nhất được quy định kèm theo Quy chế này. Người chủ trì hội nghị làm trưởng ban kiểm phiếu và 2 cán bộ làm thành viên (không phải là người được lấy phiếu tín nhiệm) do hội nghị bầu. Biên bản kiểm phiếu phải có đầy đủ chữ ký của trưởng ban và 2 thành viên.

- Người đứng đầu trường, trung tâm tổ chức hội nghị liên tịch gồm: Bí thư Đảng ủy (hoặc bí thư Chi bộ), tập thể lãnh đạo trường, trung tâm, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, trưởng Ban nữ công (nếu có) thảo luận và biểu quyết. Người được đề nghị bổ nhiệm phải được đa số thành viên trong hội nghị tán thành.

- Người đứng đầu trường, trung tâm đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định bổ nhiệm.

b) Đối với nguồn nhân sự từ nơi khác

- Người đứng đầu trường, trung tâm hoặc thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 9 của Quy chế này, có trách nhiệm lựa chọn về nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh bổ nhiệm.

- Người đứng đầu trường, trung tâm làm việc với cơ quan, đơn vị nơi cán bộ được đề nghị bổ nhiệm đang công tác để tìm hiểu, xác minh lý lịch của cán bộ và trao đổi, thống nhất ý kiến về nhu cầu bổ nhiệm với cơ quan, đơn vị nơi cán bộ đó đang công tác.

- Người đứng đầu trường, trung tâm tổ chức hội nghị liên tịch gồm: bí thư Đảng ủy (hoặc bí thư Chi bộ), tập thể lãnh đạo trường, trung tâm để thảo luận và biểu quyết. Người được đề nghị bổ nhiệm phải được đa số thành viên trong hội nghị tán thành.

- Người đứng đầu trường, trung tâm đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định bổ nhiệm.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm

1. Tờ trình đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm.

2. Biên bản của hội nghị liên tịch đề nghị bổ nhiệm.

3. Biên bản hội nghị cán bộ chủ chốt (đối với bổ nhiệm nhân sự tại chỗ).

4. Sơ yếu lý lịch của người được đề nghị bổ nhiệm tự khai theo mẫu 2C/TCTW, bản kê khai tài sản và các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng của người được đề nghị bổ nhiệm kèm theo.

5. Bản nhận xét, đánh giá của tập thể đơn vị đối với người được đề nghị bổ nhiệm.

Điều 9. Thẩm quyền quyết định

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Người đứng đầu cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị – xã hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh) bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, giám đốc trung tâm dạy nghề công lập trực thuộc.

Mục 2: TRÌNH TỰ, HỒ SƠ VÀ THẨM QUYỀN CÔNG NHẬN HIỆU TRƯỞNG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ, TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ VÀ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM DẠY NGHỀ TƯ THỤC

Điều 10. Trình tự

1. Đối với trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề tư thục, hội đồng quản trị hoặc cá nhân sở hữu trường căn cứ tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề quy định tại Điều 4, Điều 5 Quy chế này, lựa chọn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

2. Đối với trung tâm dạy nghề tư thục, tổ chức hoặc những người góp vốn thành lập trung tâm hoặc cá nhân sở hữu trung tâm căn cứ tiêu chuẩn giám đốc trung tâm dạy nghề quy định tại Điều 6 Quy chế này, lựa chọn giám đốc.

Điều 11. Hồ sơ đề nghị công nhận

1. Công văn của hội đồng quản trị hoặc tổ chức hoặc cá nhân sở hữu trường, trung tâm đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận.

2. Biên bản họp của hội đồng quản trị trường hoặc tổ chức sở hữu trường, trung tâm.

3. Sơ yếu lý lịch của người được đề nghị tự khai vận dụng theo mẫu 2C/TCTW (có xác nhận của Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi cư trú) và các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng của người được đề nghị công nhận kèm theo.

Điều 12. Thẩm quyền công nhận

1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung cấp nghề tư thục và giám đốc trung tâm dạy nghề tư thục trên địa bàn.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề tư thục.

Mục 3: ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ, HỒ SƠ, THẨM QUYỀN BỔ NHIỆM LẠI, CÔNG NHẬN LẠI, MIỄN NHIỆM, THÔI CÔNG NHẬN, TỪ CHỨC HIỆU TRƯỞNG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ, TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ VÀ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM DẠY NGHỀ

Điều 13. Bổ nhiệm lại

1. Điều kiện bổ nhiệm lại

a) Hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ;

b) Đạt chuẩn chức danh lãnh đạo quy định tại thời điểm xem xét bổ nhiệm lại, đáp ứng được yêu cầu công tác trong thời gian tới;

c) Trường, trung tâm có nhu cầu;

d) Đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.

2. Trình tự bổ nhiệm lại

a) Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và giám đốc trung tâm dạy nghề công lập được bổ nhiệm lại tự kiểm điểm trách nhiệm trong thời gian giữ chức vụ, theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Quy chế đánh giá công chức hàng năm ban hành kèm theo Quyết định số 11/1998/QĐ-TCCP-CCVC ngày 05/12/1998 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ);

b) Tập thể lãnh đạo trường, trung tâm, cấp ủy, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn thành niên cộng sản Hồ Chí Minh, trưởng Ban nữ công (nếu có) đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ chủ chốt, đề xuất ý kiến bổ nhiệm lại hay không bổ nhiệm lại. Phiếu tín nhiệm theo mẫu thống nhất được quy định kèm theo Quy chế này.

3. Hồ sơ bổ nhiệm lại

a) Bản kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong thời gian giữ chức vụ;

b) Biên bản đánh giá góp ý kiến của hội nghị tập thể lãnh đạo trường, trung tâm, cấp ủy, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, trưởng Ban nữ công (nếu có) đối với các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề công lập;

c) Biên bản lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ chủ chốt;

d) Công văn (tờ trình) đề nghị của trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề lên cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm lại cán bộ.

4. Thẩm quyền quyết định bổ nhiệm lại

Cấp nào ra quyết định bổ nhiệm cán bộ thì cấp đó quyết định bổ nhiệm lại.

5. Cán bộ không được bổ nhiệm lại

Cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm ra quyết định bố trí công tác khác đối với cán bộ không được bổ nhiệm lại.

Điều 14. Công nhận lại

1. Điều kiện công nhận lại

a) Hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ;

b) Đạt chuẩn chức danh lãnh đạo quy định tại thời điểm xem xét công nhận lại, đáp ứng được yêu cầu công tác trong thời gian tới;

c) Trường, trung tâm có nhu cầu;

d) Đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.

2. Trình tự công nhận lại

a) Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và giám đốc trung tâm dạy nghề công lập được công nhận lại tự kiểm điểm trách nhiệm trong thời gian giữ chức vụ, vận dụng theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Quy chế đánh giá công chức hàng năm ban hành kèm theo Quyết định số 11/1998/QĐ-TCCP-CCVC ngày 05/12/1998 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ);

b) Hội đồng quản trị hoặc cá nhân sở hữu trường, trung tâm đánh giá và đề nghị công nhận lại hay không công nhận lại.

3. Hồ sơ công nhận lại

a) Bản kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong thời gian giữ chức vụ;

b) Bản đánh giá, góp ý kiến của hội đồng quản trị hoặc cá nhân sở hữu trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề tư thục;

c) Công văn (tờ trình) đề nghị của hội đồng quản trị hoặc cá nhân sở hữu trường, trung tâm lên cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận lại cán bộ.

4. Thẩm quyền quyết định công nhận lại

Cấp nào ra quyết định công nhận cán bộ thì cấp đó quyết định công nhận lại.

5. Cán bộ không được công nhận lại

Cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận phê duyệt việc không công nhận lại.

Điều 15. Từ chức, miễn nhiệm, thôi công nhận

1. Từ chức, miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và giám đốc trung tâm dạy nghề công lập

a) Từ chức

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và giám đốc trung tâm dạy nghề nếu tự nguyện xin thôi giữ chức vụ thì làm đơn từ chức gửi cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn 01 tháng kể từ khi nhận được đơn từ chức, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, quyết định.

Cán bộ sau khi từ chức được bố trí công tác khác.

b) Miễn nhiệm

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, giám đốc trung tâm dạy nghề do nhu cầu công tác hoặc trong các trường hợp khác như: sức khỏe không đảm bảo; không hoàn thành nhiệm vụ; vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhưng chưa đến mức thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức thì cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét miễn nhiệm và bố trí công tác khác không chờ hết thời gian bổ nhiệm.

2. Từ chức, thôi công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và giám đốc trung tâm dạy nghề tư thục

a) Từ chức

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, giám đốc trung tâm dạy nghề nếu tự nguyện xin thôi giữ chức vụ thì làm đơn từ chức gửi hội đồng quản trị hoặc cá nhân sở hữu trường, trung tâm xem xét đề nghị cơ quan có thẩm quyền thôi công nhận. Trong thời hạn 01 tháng kể từ khi nhận được đơn từ chức và đề nghị của hội đồng quản trị hoặc cá nhân sở hữu trường, trung tâm, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, quyết định.

b) Thôi công nhận

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, giám đốc trung tâm dạy nghề do nhu cầu công tác hoặc trong các trường hợp khác như: sức khỏe không đảm bảo; không hoàn thành nhiệm vụ; vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước thì hội đồng quản trị hoặc cá nhân sở hữu trường, trung tâm xem xét và đề nghị cơ quan có thẩm quyền thôi công nhận không chờ hết thời gian công nhận./.

 

 

 

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

Nguyễn Thị Hằng


PHIẾU TÍN NHIỆM

GIỚI THIỆU NHÂN SỰ BỔ NHIỆM

 

STT

Họ và tên

Năm sinh

Chức vụ, đơn vị công tác hiện tại

Chức vụ dự kiến bổ nhiệm

Đồng ý giới thiệu

Không đồng ý giới thiệu

 

 

 

 

 

 

 

Đồng chí đồng ý hoặc không đồng ý thì đánh dấu X vào ô tương ứng.

 

(không phải ký tên)


PHIẾU TÍN NHIỆM

GIỚI THIỆU NHÂN SỰ BỔ NHIỆM LẠI

 

STT

Họ và tên

Năm sinh

Chức vụ, đơn vị công tác hiện tại

Chức vụ dự kiến bổ nhiệm lại

Đồng ý giới thiệu

Không đồng ý giới thiệu

 

 

 

 

 

 

 

Đồng chí đồng ý hoặc không đồng ý thì đánh dấu X vào ô tương ứng.

 

(không phải ký tên)

 

(Công báo số 294+295 ngày 07/5/2007)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 10/2007/QĐ-BLĐTBXH ban hành quy chế bổ nhiệm, công nhận, bổ nhiệm lại, công nhận lại, miễn nhiệm, thôi công nhận, từ chức Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề, trường Trung cấp nghề và Giám đốc Trung tâm dạy nghề do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 10/2007/QĐ-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/04/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Hằng
  • Ngày công báo: 07/05/2007
  • Số công báo: Từ số 294 đến số 295
  • Ngày hiệu lực: 22/05/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 18/08/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản