Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 09/2009/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 09 tháng 02 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ CỦA TỈNH ĐANG HỌC TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP TRONG CẢ NƯỚC.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài Chính, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Giáo dục & Đào tạo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình liên tịch số 641 TTr/LS-DT-NV-TC-GD&ĐT ngày 16 tháng 12 năm 2008,
Trên cơ sở Công văn số 49/HĐND-CTHD ngày 21/01/2009 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc cho ý kiến về Tờ trình số 209/TTr-UBND ngày 15/01/2009 của UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chế độ trợ cấp đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số của tỉnh đang học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trong cả nước”.

Điều 2. Chế độ quy định tại Quyết định này được áp dựng kể từ năm học 2008 - 2009 trở đi.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 75/2005/QĐ-UBND ngày 14/11/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc ban hành Quy định chế độ trợ cấp đối với học sinh dân tộc thiểu số ở các thôn, xã, miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4; 
- Ủy Ban Dân tộc;  
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Nội vụ;            
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND Tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội;
- Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Đài Phát thanh truyền hình;
- Báo Bình Thuận;
- Sở Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Lưu: VT, TH, KT, VX. Huy (35b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ CỦA TỈNH ĐANG HỌC TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP TRONG CẢ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2009/QĐ-UBND ngày 09/02/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận).

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Quy định này được áp dụng đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số của tỉnh đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trong cả nước. Cụ thể như sau:

1. Học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số sinh sống và có hộ khẩu từ 05 năm liên tục trở lên (tính đến thời điểm năm đầu nhập học) tại những địa bàn sau:

a) Huyện Tuy Phong, gồm: Xã Phan Dũng; thôn 03 - xã Phong Phú; thôn Vĩnh Sơn - xã Vĩnh Hảo.

b) Huyện Bắc Bình, gồm: Xã Phan Sơn; xã Phan Lâm; xã Phan Điền; xã Phan Tiến.

c) Huyện Hàm Thuận Bắc, gồm: Xã Đông Giang; xã Đông Tiến; xã La Dạ; thôn Dân Hiệp - xã Thuận Hòa; thôn Ku Kê - xã Thuận Minh.

d) Huyện Hàm Thuận Nam, gồm: Xã Hàm Cần; xã Mỹ Thạnh.

e) Huyện Hàm Tân, gồm: Thôn Tân Quang - xã Sông Phan; thôn Bà Giêng - xã Tân Đức; thôn Láng Gòn - xã Tân Xuân; thôn Suối Máu - xã Tân Hà; thôn Dân tộc - xã Tân Phúc.

f) Huyện Tánh Linh, gồm: Xã La Ngâu; thôn 01 - xã Măng Tố, thôn Đồng Me - xã Đức Thuận; thôn 04 - xã Đức Bình; thôn Trà Cụ và thôn Tân Thành - thị trấn Lạc Tánh; thôn 01 và thôn 02 - xã Gia Huynh; thôn Tà Pứa - xã Đức Phú, thôn 02 - xã Suối Kiết.

g) Huyện Đức Linh, gồm: Thôn 04 - xã Trà Tân; thôn 07 - xã Đức Tín; thôn 09 - xã Mê Pu.

2. Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số là con Thương binh, con Liệt sĩ, con gia đình có công cách mạng, con gia đình thuộc diện hộ nghèo (có sổ hộ nghèo) có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Đối tượng không áp dụng

 Các đối tượng được nêu tại Điều 1 Quy định này, nếu thuộc diện cử tuyển đã được hưởng chế độ trợ cấp theo Nghị định 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính Phủ hoặc đang học Dự bị đại học thì không thuộc đối tượng áp dụng theo Quy định này.

Chương II.

CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP, TRÁCH NHIỆM CÔNG TÁC VÀ BỒI HOÀN KINH PHÍ

Điều 3. Chế độ trợ cấp

Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng nêu tại Điều 1 của Quy định này được ngân sách của tỉnh trợ cấp như sau:

1. Trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho mỗi học sinh, sinh viên:

a) Đại học, Cao Đẳng: Mức lương tối thiểu chung của Nhà nước x 80%.

b) Trung cấp chuyên nghiệp: Mức lương tối thiểu chung của Nhà nước x 70%.

c) Số tháng được hưởng trợ cấp trong một năm học là 10 tháng.

2. Trợ cấp tiền tàu xe:

Hàng năm mỗi học sinh, sinh viên được trợ cấp tiền tàu xe bằng phương tiện ôtô để về thăm gia đình vào dịp hè và dịp tết Nguyên đán hoặc tết Cổ truyền của từng dân tộc, theo giá cước quy định hiện hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng không quá bốn lượt đi và về/năm.

Địa điểm, cự ly tính mức trợ cấp: Học sinh, sinh viên thuộc huyện nào thì lấy trung tâm huyện lỵ đó để tính tiền tàu xe đến bến xe của thị trấn, thị xã hoặc thành phố nơi có trường mà học sinh, sinh viên đang theo học.

3. Vào đầu mỗi năm học mới, mỗi học sinh, sinh viên được trợ cấp một lần bằng mức lương tối thiểu chung của Nhà nước cùng thời điểm để mua sách, vở, đồ dùng học tập.

Điều 4. Trách nhiệm của đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp

1. Học sinh, sinh viên được hưởng chế độ trợ cấp theo Quy định này, sau khi tốt nghiệp ra trường phải trở về phục vụ công tác tại địa phương theo sự phân công của cơ quan có thẩm quyền.

2. Thời gian học sinh, sinh viên chờ phân công công tác theo quy định tại khoản 1 Điều này tối đa là 06 tháng, kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp. Quá thời hạn 06 tháng mà không nhận được sự phân công công tác từ cơ quan có thẩm quyền thì học sinh, sinh viên có quyền tự đi tìm việc làm và không phải bồi hoàn kinh phí mà ngân sách tỉnh đã hỗ trợ trong suốt thời gian đi học.

3. Khi ra trường, nếu được nhà trường tiếp tục cử đi học tập ở trình độ cao hơn thì trong thời gian đó vẫn được hưởng các khoản trợ cấp như quy định tại Điều 3 của Quy định này.

Điều 5. Bồi hoàn kinh phí trợ cấp

Học sinh, sinh viên được hưởng chế độ trợ cấp theo Quy định này phải có trách nhiệm bồi hoàn kinh phí trợ cấp trong những trường hợp sau đây:

1. Bị kỷ luật buộc thôi học hoặc tự ý bỏ học không có lý do chính đáng.

2. Không chấp hành sự phân công công tác của cơ quan có thẩm quyền.

3. Người có thời gian làm việc chưa đủ 60 tháng (đối với trình độ đại học, cao đẳng) và chưa đủ 36 tháng (đối với trình độ trung cấp) theo sự phân công công tác của cơ quan có thẩm quyền mà xin thôi việc hoặc tự ý bỏ việc.

Điều 6. Mức bồi hoàn kinh phí trợ cấp

1. Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 và 2 Điều 5 của Quy định này: Phải bồi hoàn 100% các khoản trợ cấp đã được tỉnh hỗ trợ.

2. Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 5 của Quy định này: Phải bồi hoàn 50% các khoản trợ cấp đã được tỉnh hỗ trợ.

Chương III.

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 7. Khen thưởng

Trong thời gian học tập, nếu học sinh, sinh viên đạt thành tích học tập tốt (cả năm) và được nhà trường xác nhận kết quả học tập thì được xét khen thưởng. Việc khen thưởng được áp dụng ngay từ học kỳ đầu của năm học tiếp theo, hoặc thưởng một lần bằng cả năm học nếu đã tốt nghiệp. Cụ thể như sau:

1. Thưởng thêm 50% mức trợ cấp thường xuyên hàng tháng nếu kết quả học tập cả năm đạt loại khá (tiên tiến).

2. Thưởng thêm 100% mức trợ cấp thường xuyên hàng tháng nếu kết quả học tập cả năm đạt loại giỏi (xuất sắc).

Điều 8. Xử lý vi phạm

1. Trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm nội quy, quy chế, kỷ luật của nhà trường, những quy định của chính quyền địa phương nơi học sinh, sinh viên đang trong thời gian cư trú để theo học và đã bị xử lý theo thẩm quyền quy định của nhà trường hoặc chính quyền địa phương thì tùy theo tính chất, mức độ để xem xét việc cắt, giảm chế độ trợ cấp thường xuyên hàng tháng từ 50% đến 100%. Đồng thời, không được nhận trợ cấp tiền tàu xe trong năm học đó cũng như không được xét khen thưởng theo Quy định này. Việc xét lại để hưởng các khoản trợ cấp của tỉnh theo quy định chỉ khi bản thân học sinh, sinh viên được cơ quan đã xử lý công nhận có tiến bộ.

2. Trường hợp học sinh, sinh viên bị lưu ban, nợ học phần, nợ tín chỉ quá 30% tổng số tín chỉ, học phần đã học trong năm thì năm học đó chỉ được hưởng 50% trợ cấp thường xuyên hàng tháng, những trợ cấp khác vẫn được hưởng theo Quy định này.

Chương IV.

KINH PHÍ THỰC HIỆN, PHƯƠNG THỨC CHI TRẢ, THANH, QUYẾT TOÁN VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Kinh phí thực hiện, phương thức chi trả và thanh, quyết toán

1. Kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp theo Quy định này do ngân sách tỉnh đảm bảo.

2. Căn cứ số lượng đối tượng được trợ cấp và kế hoạch UBND tỉnh giao hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh lập dự toán gửi Sở Tài chính xem xét, cấp kinh phí để trực tiếp chi trả cho đối tượng và thanh quyết toán theo chế độ tài chính hiện hành.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quy định này.

2. Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, không phù hợp với tình hình thực tế thì Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm phản ảnh kịp thời cho UBND tỉnh để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 09/2009/QĐ-UBND về chế độ trợ cấp đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số của tỉnh đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong cả nước do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 09/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/02/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/02/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 02/06/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản