Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2006/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 01 tháng 03 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26-11-2003;

Căn cứ Luật Thanh tra, ngày 15-6-2004;

Căn cứ Luật khiếu nại, tố cáo ngày 02-12-1998, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo, ngày 15-6-2004;

Căn cứ Nghị định số 41/2005/NĐ-CP , ngày 23-5-2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thanh tra; Nghị định số 53/2005/NĐ-CP , ngày 19-4-2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật khiếu nại, tố cáo và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh và Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 1080/QĐ-UB, ngày 19-6-1996 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Chánh Thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Thanh tra Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra VBQPPL);
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Như điều 3;
- HĐND các huyện, thị xã;
- Lưu: VT, TH2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Hà Ban

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA TỈNH KON TUM.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2006/OĐ-UBND, ngày 01-3-2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Chương I

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 1. Vị trí, chức năng.

1. Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về công tác thanh tra và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Thanh tra tỉnh chịu sự chỉ đạo quản lý về hoạt động, tổ chức, biên chế của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

3. Thanh tra tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn.

1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, của các sở, ban, nghành chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh;

2. Thanh tra vụ việc có liên quan đến trách nhiệm của nhiều Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, nhiều sở, ngành;

3. Thanh tra vụ việc khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao;

4. Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;

5. Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về chống tham nhũng;

6. Hướng dẫn công tác, nghiệp vụ thanh tra hành chính đối với thanh tra huyện, thị xã, sở, ngành;

7. Báo cáo kết quả về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh;

8. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 7, Nghị định số 41/2005/NĐ-CP , ngày 25-3-2005 của Chính phủ và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

9. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hoặc kiến nghị hủy bỏ những quy định trái pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của Thanh tra tỉnh.

Hoạt động thanh tra phải tuân theo pháp luật; bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Chương II

CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ

Điều 4. Cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế của Thanh tra tỉnh.

Tổ chức bộ máy của Thanh tra tỉnh gồm có: Chánh Thanh tra, các Phó Chánh thanh tra và các phòng chuyên môn nghiệp vụ giúp việc cho Chánh Thanh tra. Việc bố trí cán bộ, công chức phải căn cứ vào chức danh, tiêu chuẩn, ngạch công chức theo quy định của pháp luật.

Các phòng chuyên môn nghiệp vụ:

1. Phòng Thanh tra kinh tế- xã hội;

2. Phòng Thanh tra xét khiếu tố;

3. Văn phòng.

Biên chế - quỹ tiền lương của Thanh tra tỉnh thuộc khu vực hành chính và hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra.

Chánh Thanh tra tỉnh là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Thanh tra Chính phủ và trước pháp luật về toàn bộ các mặt công tác của cơ quan. Chánh Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn:

1. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ tại Điều 2 của Quy định này bảo đảm kịp thời và đạt hiệu quả; đồng thời chịu trách nhiệm trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại mỗi kỳ họp theo luật định;

2. Quản lý, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, tài chính, tài sản, vật tư, tài liệu... của cơ quan theo các quy định hiện hành của Nhà nước;

3. Thực hiện tốt chính sách chăm lo đời sống vật chất và tinh thần; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ, công chức, lao động của cơ quan;

4. Làm chủ tài khoản cơ quan;

5. Chỉ đạo các phòng chuyên môn thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao;

6. Ban hành một số văn bản hướng dẫn các ngành, các cấp trong công tác thanh tra theo đúng thẩm quyền;

7. Phân công cho Phó Chánh Thanh tra phụ trách một số lĩnh vực công tác của cơ quan, ủy quyền giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền của Chánh Thanh tra khi Chánh Thanh tra vắng mặt;

8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 19, Luật Thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Phó Chánh Thanh tra.

1. Giúp việc cho Chánh Thanh tra và chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra toàn bộ nội dung công việc thuộc lĩnh vực được Chánh Thanh tra phân công; tham gia ý kiến với Chánh Thanh tra trong quá trình giải quyết công việc chung của cơ quan;

2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra khi Chánh Thanh tra đi vắng ủy quyền;

3. Được chủ tài khoản ủy quyền đăng ký chữ ký tại Kho bạc Nhà nước.

Chương III

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC.

Điều 7. Chế độ làm việc.

1. Xây dựng chương trình kế hoạch công tác.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, chương trình công tác của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch công tác từng thời kỳ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

2. Thời gian giải quyết công việc.

a- Những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, nếu pháp luật đã quy định thời gian giải quyết, thì phải giải quyết xong trong thời gian đó; nếu pháp luật không quy định thời gian giải quyết, thì trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, phòng chuyên môn phải nghiên cứu, đề xuất ý kiến trình Chánh Thanh tra (hoặc Phó Chánh Thanh tra phụ trách lĩnh vực được phân công, hoặc được ủy quyền) giải quyết và trả lời cho tổ chức hoặc công dân. Trường hợp chưa giải quyết hoặc không giải quyết được phải trả lời rõ lý do bằng văn bản để đương sự biết.

b- Những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh thì Chánh Thanh tra phải có văn bản đề nghị trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh. Nếu công việc liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp thì Chánh Thanh tra phải chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành trao đổi và thống nhất bằng văn bản trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

3. Chế độ soạn thảo, trình ký và ban hành văn bản.

Việc soạn thảo văn bản thực hiện đúng quy trình, thể thức văn bản. Nội dung văn bản phải rõ ràng, cụ thể và không được trái với quy định của pháp luật; ban hành văn bản phải đến đúng đối tượng thi hành trong văn bản.

a- Đối với văn bản thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, khi trình ký Chánh Thanh tra phải duyệt nội dung, thể thức và ký tắt. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm trình ký chính thức.

b- Đối với văn bản thuộc thẩm quyền của Chánh Thanh tra: Việc ký và ban hành văn bản do Chánh Thanh tra chịu trách nhiệm về nội dung và thể thức văn bản.

4. Chế độ thông tin báo cáo.

a- Hàng tháng, quý, 6 tháng, cả năm Chánh Thanh tra tỉnh thực hiện báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ với Ủy ban nhân dân tỉnh, Thanh tra Chính phủ theo đúng thời gian quy định.

b- Khi đi công tác ngoài tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh phải xin phép Ủy ban nhân dân tỉnh.

c- Khi có vấn đề đột xuất nảy sinh vượt quá thẩm quyền thì Chánh Thanh tra tỉnh phải báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý kịp thời.

5. Công tác lưu trữ.

Việc lưu trữ phải tiến hành thường xuyên, kịp thời và đúng chế độ quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 8. Mối quan hệ công tác.

1. Với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và Thanh tra Chính phủ.

- Chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân trong quá trình thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của Ủy ban nhân dân tỉnh về các mặt công tác được giao.

- Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về công tác chuyên môn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

2. Với các ngành, huyện, thị xã.

Thanh tra tỉnh có mối quan hệ phối hợp thực hiện quản lý giữa ngành với ngành, giữa ngành và huyện trong công tác thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và theo nhiệm vụ quy định tại Điều 2, Quy định này.

3. Đối với các Ban của Đảng và Chi bộ cơ quan.

- Thanh tra tỉnh có mối quan hệ phối hợp với các Ban của Đảng trong việc thực hiện các nghị quyết của cấp trên về công tác thanh tra; đồng thời thông qua các Ban của Đảng định kỳ báo cáo hoặc báo cáo đột xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác thanh tra trên địa bàn.

- Chịu sự chỉ đạo của Chi bộ cơ quan trong công tác chính trị, tư tưởng và các hoạt động chuyên môn của thanh tra.

4. Đối với các Đoàn thể.

Phối hợp với các Đoàn thể tổ chức vận động công chức, viên chức trong cơ quan tham gia các phong trào thi đua nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác chuyên môn và nhiệm vụ công tác đoàn thể.

Chánh Thanh tra thực hiện tốt các Quy chế hoạt động phối hợp với các Đoàn thể, quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thủ trưởng cơ quan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các Đoàn thể hoạt động, theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và Điều lệ của Đoàn thể.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 9. Cán bộ, công chức thuộc Thanh tra tỉnh hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và bản Quy định này thì được khen thưởng theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

Điều 10. Người không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc vi phạm các quy định của pháp luật và bản Quy định này thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy tố trước pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Điều 11. Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm quy định nhiệm vụ cụ thể và lề lối làm việc của các Phòng chuyên môn nghiệp vụ.

Chánh Thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức việc thực hiện Quy định này; trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 09/2006/QĐ-UBND Quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra tỉnh Kon Tum

  • Số hiệu: 09/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/03/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Hà Ban
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/03/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 06/07/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản