Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 08/2009/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 03 tháng 4 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ HỘ NGHÈO VỀ NHÀ Ở TỈNH BẠC LIÊU (GIAI ĐOẠN 2009 - 2012)

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;
Căn cứ Công văn số 2561/BXD-QLN ngày 23 tháng 12 năm 2008 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 35/TTr-SXD ngày 18 tháng 3 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tỉnh Bạc Liêu (Giai đoạn 2009 - 2012) với những nội dung như sau:

1. Đối tượng: Theo quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ (Do huyện phê duyệt danh sách theo bình xét của ấp, xã).

2. Quy mô đề án:

- Diện tích sử dụng nhà 28m2; giá trị 18 triệu đồng/căn; kết cấu: Khung cột bê tông đúc sẵn; mái lợp Fibrociment; xà gồ gỗ dầu; vách mặt tiền xây tường có cửa sổ, cửa đi lá sách…; niên hạn sử dụng trên 10 năm;

- Tổng số hộ nghèo được hỗ trợ là 6.256 hộ (Danh sách chi tiết kèm theo Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở).

3. Tổng nguồn vốn để thực hiện đề án: 112,608 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách Trung ương: 37,977 tỷ đồng;

- Vốn đối ứng của tỉnh Trung ương hỗ trợ: 7,5954 tỷ đồng (Do là tỉnh được Trung ương bổ sung cân đối ngân sách trên 70% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2008);

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 50,048 tỷ đồng;

- Vốn huy động khác: 16,9876 tỷ đồng;

(Vốn huy động khác chi tiết kèm theo đề án)

Điều 2. Phạm vi áp dụng:

Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được áp dụng đối với các hộ thuộc diện đối tượng quy định tại Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 đang cư trú tại khu vực nông thôn. Trong đó:

- Tổng số hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số 566 hộ;

- Tổng số hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo là người kinh: 5.690 hộ.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

2. Đối với vốn vay, hộ dân trực tiếp ký khế ước vay vốn theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội và quy định hiện hành;

3. Ban Giảm nghèo cấp xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ dân xây dựng nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở theo quy định của Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và vận động các hộ dân tự xây dựng nhà ở. Đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn (Già cả, neo đơn, tàn tật…) không thể tự xây dựng nhà ở thì Ban Giảm nghèo cấp xã tổ chức xây dựng nhà cho các đối tượng này;

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của cấp xã và báo cáo kết quả về Sở Xây dựng (Hàng quý);

5. Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện của cấp xã, cấp huyện, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng (02 quý 01 lần).

6. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án có vấn đề khó khăn, vướng mắc, các nghành, địa phương liên hệ với cơ quan thường trực (Sở Xây dựng) để được hướng dẫn và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý kịp thời.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo các cấp của tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Bạc Liêu; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các ngành chức năng có liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Hồng Phương

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ HỘ NGHÈO VỀ NHÀ Ở

(Kèm theo Quyết định số 08/2009/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)

I. MỞ ĐẦU:

1. Khái quát:

Bạc Liêu là một tỉnh vừa được tái lập năm 1997, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội là một tỉnh xa trung tâm thành phố, các khu công nghiệp phát triển chậm, giao thông đi lại khó khăn…. tỉnh Bạc Liêu có 07 huyện, thị, 64 xã, phường, thị trấn và 500 khóm ấp. Tổng số hộ là 168.232 hộ với 847.892 nhân khẩu, trong đó dân tộc Khơme là 13.538 hộ với 67.535 nhân khẩu, dân tộc Hoa có 4.097 hộ với 21.374 khẩu…;

Theo số liệu điều tra thì năm 2006 toàn tỉnh có 31.998 hộ nghèo chiếm 20,08%, trong đó có 1.697 hộ nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng, 4.540 hộ nghèo dân tộc Khơme; trên 10 ngàn hộ thuộc diện trợ cấp xã hội và có trên 27 ngàn hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở, tỉnh có 14 xã Chương trình 135; 01 xã bãi ngang; 32 xã thuộc vùng khó khăn, bên cạnh tỉnh còn 16.948 hộ cận nghèo (Theo số liệu điều tra năm 2008);

Trong thời gian qua với sự chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cùng với sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành địa phương trong tỉnh, các tầng lớp nhân dân, các nhà hảo tâm đã tích cực ủng hộ cuộc vận động đóng góp vào “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” và “Quỹ Vì người nghèo”, gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, trong đó vấn đề giải quyết nhà ở cho hộ nghèo, nhất là hộ chính sách, người có công với cách mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên và được coi là khâu đột phá quan trọng.

2. Sự cần thiết phải lập Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở:

Thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, có thể nói đây là chủ trương lớn đúng đắn hợp lòng dân nhất là hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Tỉnh Bạc Liêu là một tỉnh còn nghèo trong thời gian qua với việc đẩy mạnh phong trào vận động xây dựng nhà ở quá lớn, có thể nói quá sức mình, tuy nhiên trong thực tế hộ nghèo phát sinh mới, hộ đã xây dựng trước đây đã hư hỏng, qua khảo sát nhu cầu về nhà ở của các hộ nghèo khu vực nông thôn trong tỉnh như sau:

TT

Đơn vị hành chính

Tổng số hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010 tại thời điểm hiện nay

Tổng số hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở và nhu cầu vay vốn tín dụng để làm nhà ở

Có nhu cầu hỗ trợ nhà ở

Có nhu cầu vay vốn tín dụng làm nhà ở

1

Thị xã Bạc liêu

1.166

143

143

2

Huyện Hòa Bình

2.305

484

484

3

Huyện Vĩnh Lợi

1.874

379

379

4

Huyện Giá Rai

2.612

574

574

5

Huyện Phước Long

4.764

1589

1589

6

Huyện Đông Hải

5.293

2267

2267

7

Huyện Hồng Dân

3.229

820

820

 

Tổng cộng

21.243

6.256

6.256

Qua bảng tổng hợp trên cho thấy trong tổng số 21.243 hộ nghèo thì có tới 6.256 hộ nghèo cần được hỗ trợ nhà ở, chiếm tỷ lệ 29,45% hộ nghèo toàn tỉnh, hộ nghèo có nhu cầu vay vốn tín dụng để làm nhà ở là 6.256 hộ, chiếm tỷ lệ 29,45% hộ nghèo toàn tỉnh, trong đó:

- Hộ nghèo có công với cách mạng là: 407 hộ;

- Hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là: 566 hộ;

- Hộ nghèo nằm trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai là: 343 hộ;

- Hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn là: 4.812 hộ;

- Hộ nghèo thuộc vùng đặc biệt khó khăn là: 441 hộ;

- Hộ nghèo còn lại là: 646 hộ.

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực hỗ trợ hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các cấp, các ngành, của toàn xã hội.

Tiếp tục thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, giảm bớt phần khó khăn, giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của nước ta, trong đó có hỗ trợ về nhà ở. Vì vậy, việc lập Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở là công việc cần thiết có tính cấp bách nhằm giúp hộ nghèo có điều kiện an cư, lạc nghiệp, tập trung cho sản xuất góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ổn định an ninh trật tự và chính trị của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

3. Các căn cứ để lập đề án:

- Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;

- Công văn số 2561/BXD-QLN ngày 23 tháng 12 năm 2008 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;

- Phiếu chuyển số 36/PC-VP ngày 09 tháng 01 năm 2009 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Căn cứ nhu cầu thực tế của tỉnh.

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NHÀ Ở VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN HỖ TRỢ HỘ NGHÈO VỀ NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU:

1. Nhận xét, đánh giá thực trạng nhà ở của các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu:

Điểm xuất phát nền kinh tế của tỉnh chủ yếu là nông nghiệp, gần 75% hộ dân cư sống ở nông thôn, cơ cấu chuyển dịch chậm, năng suất lao động thấp, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng của một số huyện còn nhiều khó khăn nghèo nàn.

Do tác động của các chính sách về y tế, giáo dục, đầu tư cho phát triển, Nhà nước chưa cân đối giữa các khu vực thành thị, nông thôn, giữa các ngành kinh tế. Mặt khác trình độ học vấn, nhận thức của một số bộ phận hộ nghèo còn nhiều hạn chế, tình trạng đông con, tồn tại nhiều tập tục lạc hậu là nguyên nhân làm cho hộ nghèo gặp nhiều khó khăn.

Qua khảo sát tình hình đời sống dân cư năm 2006, nguyên nhân nghèo do thiếu vốn sản xuất khoảng 65%, thiếu kiến thức kinh nghiệm làm ăn 70%, thiếu đất sản xuất khoảng 30%, đông con khoảng 24%, đau ốm bệnh tật 32%

Đại đa số hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tập trung vùng nông thôn vùng sâu, vùng xa, số nhà tạm bợ chiếm trên 45%, sinh hoạt ăn ở phân tán do di dân, tách hộ nghèo sau khi lập gia đình… làm tăng hộ nghèo và nhu cầu nhà ở là một vấn đề không tránh khỏi.

a) Về số lượng nhà ở:

Trong thời gian qua với sự lãnh đạo, điều hành kiên quyết của Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu vừa đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vừa phát triển, đời sống nhân dân nhìn chung đã nâng lên rõ nét, diện mạo nông thôn đổi mới, điện nước sinh hoạt, lộ nông thôn được xây dựng đều khắp đã đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho người dân. Đặc biệt Tỉnh ủy đã quan tâm dồn sức chỉ đạo phong trào vận động xây dựng “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ Vì người nghèo” đã mang lại những hiệu quả nhân văn sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nếu chỉ tính năm 2001 - 2008 toàn tỉnh vận động “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” được trên 33 tỷ đồng, xây dựng 1.749 căn nhà tình nghĩa và hỗ trợ sửa chữa cho 807 gia đình chính sách có công với cách mạng thật sự có khó khăn về nhà ở; “Quỹ Vì người nghèo” đã vận động được 135,6 tỷ đồng xây dựng 25.275 căn nhà tình thương trong đó có 4.473 căn nhà đồng bào dân tộc Khơme theo Chương trình 134 được duyệt;

Về số lượng có thể nói tỉnh đã vận động xây dựng cơ bản nhằm giải quyết khó khăn cho hộ nghèo thật sự có khó khăn về nhà ở đã góp phần không nhỏ đến việc ăn ở, thúc đẩy hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

b) Về chất lượng nhà ở:

Sau khi chọn thống nhất mẫu mã khung nhà ở, giao các huyện thị tiến hành xây dựng cụ thể sau:

- Xây một căn nhà tình thương cho hộ người kinh là 05 triệu đồng/căn; trong đó: Tỉnh hỗ trợ 1,5 triệu đồng/căn, ngân sách huyện, thị hỗ trợ 0,5 triệu đồng/căn, vận động cộng đồng 2 triệu đồng/căn và đóng góp gia đình thân nhân 01 triệu đồng/căn;

- Xây dựng một căn nhà tình thương cho đồng bào dân tộc Khơme 07 triệu đồng/căn trở lên; trong đó: Nguồn Trung ương hỗ trợ Chương trình 134 là 05 triệu đồng/căn và ngân sách huyện, thị + vận động 2 triệu đồng/căn.

Nhìn chung việc xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo ăn ở sinh hoạt có tuổi thọ từ 7 - 10 năm.

c) Về điều kiện nơi ở của các hộ nghèo:

Đã qua thực tế điều kiện nơi ở của hộ nghèo gặp không ít khó khăn, có hộ không có đất xây dựng nhà, có hộ mượn đất của người thân, các nhu cầu phục vụ đời sống của nhân dân còn yếu kém như đường, trường, trạm… từ những thực tế trên đây, tỉnh đã dồn sức chỉ đạo xây dựng các cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ đời sống nhân dân nói chung trong đó có hộ nghèo được hưởng lợi, có thể nói sau một thời gian ngắn bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới đời sống sinh hoạt của người dân được nâng lên rõ nét.

2. Các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo cải thiện nhà ở do Nhà nước ban hành đang thực hiện tại tỉnh Bạc Liêu:

- Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn: Căn cứ chủ trương này tỉnh đã xây dựng và phê duyệt Đề án hỗ trợ xây dựng 4.540 căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo với giá trị mỗi căn nhà là 7 triệu đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 5 triệu đồng, vận động họ tộc và gia đình 2 triệu đồng, kết quả đã thực hiện xây dựng được 4.473 căn;

- Chính sách gây “Quỹ Vì người nghèo”: Tỉnh giao trách nhiệm cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức vận động từ nhiều nguồn, bằng nhiều hình thức, sau đó căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng huyện, thị để phân bổ. Ủy ban nhân dân các huyện, thị có trách nhiệm sử dụng nguồn hỗ trợ này xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo thật sự khó khăn về nhà ở mỗi căn trị giá 05 triệu đồng (Trong đó tỉnh hỗ trợ 1,5 triệu đồng; ngân sách huyện, thị 0,5 triệu đồng; vận động cộng đồng 02 triệu đồng; gia đình đóng góp 01 triệu đồng), kết quả đã thực hiện xây dựng được 25.504 căn;

- Chính sách vận động “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”: Ủy ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức vận động từ nhiều nguồn, bằng nhiều hình thức phong phú như: Tổ chức đêm ca nhạc gây quỹ, vận động CB - CC, vận động qua thư ngỏ... căn cứ nguồn hỗ trợ thu được, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách người có công với cách mạng (Người thờ cúng liệt sỹ, thương binh 1/4, 2/4,… ) theo thứ tự ưu tiên, mỗi căn xây dựng mới trị giá từ 15 đến 17 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ từ 8 đến 10 triệu đồng để sửa chữa các căn nhà bị hư hỏng. Kết quả đã thực hiện xây dựng được 1.749 căn nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa 807 căn cho các đối tượng là người có công với cách mạng.

Tỉnh Bạc Liêu chỉ tập trung chỉ đạo phong trào vận động xây dựng “Quỹ Vì người nghèo” xây dựng nhà tình thương là chính, bởi lẽ ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, song trong những năm qua đạt được những kết quả nêu trên là đáng trân trọng, ngoài ra ở một số huyện, thị trong tỉnh, ngoài việc hỗ trợ từ nguồn vận động còn hỗ trợ cho hộ nghèo về vốn, phương tiện mua bán, giống cây con để phát triển sản xuất… một số đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tỉnh còn gắn kết các chính sách Chương trình Giảm nghèo như chính sách mua Bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, giảm miễn học phí cho học sinh nghèo, tổ chức trợ giúp pháp lý, dạy nghề cho người nghèo. Đẩy mạnh khuyến nông - lâm - ngư, vay vốn ưu đãi và các chính sách Bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 67/CP. Nhìn chung các hộ nghèo được xây dựng nhà ở và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo đã góp phần cho họ được cải thiện ăn ở sinh hoạt rõ nét đẩy mạnh được công tác giảm nghèo trong thời gian qua.

3. Nhận xét, đánh giá về các chính sách hỗ trợ người nghèo cải thiện nhà ở:

a) Ưu điểm:

- Trong thời gian qua được Đảng, Nhà nước ta từ Trung ương đến cơ sở dành đặc biệt quan tâm tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững;

- Thể hiện đạo lý “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam biết chia sẻ lúc khó khăn;

- Nhân dân đồng tình hưởng ứng, chính sách đáp ứng nguyện vọng của nhân dân mang lại hiệu quả về chính trị, kinh tế - xã hội cao.

b) Hạn chế tồn tại:

- Công tác tuyên truyền, vận động trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, có một số nơi các chủ trương chính này chưa thâm nhập trong quần chúng nhân dân nhất là hộ nghèo được hưởng lợi;

- Một số địa phương trong vận động chưa thường xuyên, chưa nắm trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo vận động mang lại hiệu quả cao, vẫn còn một số nơi nặng về thành tích báo cáo, nên việc xác định đối tượng cần xây dựng nhà ở, hỗ trợ các điều kiện khác chưa chính xác thiếu dân chủ;

- Sự phối hợp các ngành trong việc triển khai thực hiện phong trào nhà ở cho hộ nghèo thiếu đồng bộ chưa nhất quán cao.

4. Tình hình và kết quả triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu:

a) Kết quả hỗ trợ: (Chủ yếu nguồn vận động):

- Tổng số vốn huy động: 135,6 tỷ đồng trong đó:

+ Vốn ngân sách TW = 22 tỷ đồng;

+ Vốn ngân sách ĐP = 11 tỷ đồng;

+ Vốn huy động khác = 102,6 tỷ đồng.

- Số nhà đã hỗ trợ 25.275 căn.

- Về chất lượng nhà ở diện tích 36m2, mái lợp tole, vách lá, nền lát gạch tàu, vách trước xây, đòn tay gỗ dầu, tuổi thọ bình quân 7 - 10 năm.

(Xem chi tiết tại phụ lục 1- DEAN)

5. Nhận xét đánh giá chung về thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở:

a) Về ưu điểm:

- Chính sách hỗ trợ hộ nghèo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hợp lòng dân, đã được sự đồng tình cao, hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh;

- Những chính sách trên mang lại hiệu quả thiết thực cải thiện điều kiện ăn ở phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo cho hàng chục ngàn hộ nghèo, góp phần thúc đẩy KT - XH phát triển;

- Nâng nhận thức người dân về truyền thống đạo lý người Việt Nam củng cố thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em đang sinh sống trong tỉnh.

b) Hạn chế, tồn tại, phân tích nguyên nhân và biện pháp khắc phục:

- Còn một số nơi trong công tác xét chọn đối tượng xây dựng nhà ở thiếu dân chủ, chưa đúng đối tượng, báo cáo thành tích xây dựng nhà như bố thí không trách nhiệm dẫn đến hiện tượng còn thắc mắc, so bì của người dân;

- Tồn tại một số hộ nghèo thiếu chủ động vươn lên, còn trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, thiếu giáo dục ở cộng đồng;

- Một số nơi chưa công khai quỹ đóng góp của nhân dân trên báo, đài, danh sách dán tại cơ quan, địa phương, xây dựng chưa đúng đối tượng, tạo tâm lý một số người đóng góp có sự nghi ngờ.

Nguyên nhân:

- Một số ngành, một bộ phận cán bộ Đảng viên và nhân dân chưa thật sự thông suốt chủ trương này, thiếu sự đồng cảm và chưa thấy hết trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xem việc đóng góp như một gánh nặng từ đó thiếu quan tâm chỉ đạo và tham gia thực hiện;

- Một số hộ nghèo không chí thú làm ăn, còn rượu chè, cờ bạc, vướng vào các tệ nạn xã hội nhất là đối tượng là hộ nghèo trong độ tuổi lao động, chính vì thế nhân dân chưa đồng tình cao với việc hỗ trợ xây dựng nhà cho những đối tượng này;

- Phong trào xây dựng khá dài cùng với những sơ hở trong việc bình chọn đối tượng đã tạo ra tâm lý ỷ lại của một bộ phận hộ nghèo, có một số lợi dụng chủ trương, chính sách, lợi dụng lòng nhân ái cộng đồng không tự lực phấn đấu vươn lên thậm chí có khả năng nhưng tìm mọi lý do để đặt vấn đề để Nhà nước hỗ trợ… gây bất bình trong nhân dân.

Biện pháp khắc phục: Đảm bảo việc bình chọn đối tượng xây dựng nhà công khai dân chủ, phân loại đối tượng nào xây dựng nhà trước, sau rõ ràng; vận động gây quỹ đến đâu thông báo rộng rãi đến đó. Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương đến tận người dân nhất là đối tượng là hộ nghèo từ thành thị đến nông thôn vùng sâu, vùng xa hiểu, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích chạy theo báo cáo mà trong khi nhân dân còn nghèo, còn khó khăn về nhà ở chưa có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, kịp thời xử lý những đơn vị cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm với dân, quan liêu, mệnh lệnh và cố tình làm sai chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

III. ĐÁNH GIÁ MÔ HÌNH HUY ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ NGUỒN LỰC CỦA TỈNH BẠC LIÊU TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN HỖ TRỢ HỘ NGHÈO VỀ NHÀ Ở:

1. Về mô hình huy động nguồn lực:

Trên cơ sở hộ nghèo không có khả năng tự lo nhà ở, có nhu cầu nhà ở các khóm ấp, xã, phường, thị trấn tiến hành xét chọn công khai trước dân, hộ nào xây dựng trước, sau. Từ kết quả vận động, tỉnh tổng hợp phân bổ theo yêu cầu chỉ tiêu các huyện, thị, các huyện, thị chỉ đạo xây dựng nhà hoặc giao cho chủ hộ chọn hình thức xây dựng, quản lý vật tư, thực hiện theo khuôn mẫu thiết kế và giá trị từng loại nhà.

2. Về quản lý nguồn huy động:

Thống nhất trên cơ sở số tiền vận động được gửi vào tài khoản “Quỹ Vì người nghèo” tại Kho bạc tỉnh và huyện, thị. Tỉnh hỗ trợ theo kế hoạch, họp Ban chỉ đạo có quyết định chuyển vốn cho đơn vị qua tài khoản;

Nhìn chung phong trào vận động “Quỹ Vì người nghèo” để chăm lo xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở được tổ chức rộng rãi, được nhân dân trong và ngoài tỉnh đồng tình, sẵn sàng chia sẻ. Tổ chức bằng nhiều hình thức vận động qua thư ngỏ của Ban chỉ đạo tỉnh, tổ chức đêm văn nghệ… việc quản lý quỹ này khá chặt chẽ chưa có dấu hiệu tiêu cực xảy ra. Chất lượng xây dựng nhà tình thương của tỉnh từng bước được cải thiện tốt hơn, tuổi thọ kéo dài.

3. Về thực hiện quản lý sử dụng, cấp phát, thanh toán nguồn vốn hỗ trợ:

Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn vốn huy động khác từ doanh nghiệp, cộng đồng… được phân cấp về cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã quản lý và tổ chức triển khai thực hiện; phải đảm bảo cấp phát đúng đối tượng hộ nghèo, thanh quyết toán đúng quy định. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phát vay kịp thời cho đối tượng hộ nghèo đủ điều kiện cho vay thông qua các tổ chức chính trị, xã hội hoặc trực tiếp cho vay;

Đối với các chương trình quốc gia như Chương trình 134/TTg, 135/TTg, Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát tình hình thực hiện một cách chặt chẽ. Ban Điều hành chương trình thường xuyên kiểm tra để nắm vững tình hình và uốn nắn kịp thời các sai lệch. Ngoài ra Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành có liên quan thường xuyên kiểm tra, yêu cầu báo cáo định kỳ và đột xuất;

Công tác phối hợp thực hiện các chương trình quốc gia vì người nghèo của Trung ương được Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai khá tốt: Các sở, ngành chức năng phân khai nguồn vốn, chuyển vốn, thanh quyết toán kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. Hàng quý, ban điều hành các chương trình đều họp sơ kết với các huyện để nắm bắt kết quả thực hiện, lắng nghe các góp ý và kiến nghị của địa phương. Bên cạnh đó ban điều hành các chương trình cũng quan tâm đến công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với hộ Khơmer nghèo, đề cao vai trò giám sát việc thực hiện của quần chúng và các đoàn thể xã hội, vận động sự hỗ trợ của cộng đồng vì Chương trình Giảm nghèo của tỉnh.

4. Về cách thức hỗ trợ:

a) Xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết:

- Đối với hộ có khả năng tự xây dựng thì Nhà nước giao vốn trực tiếp hoặc cung cấp vật tư để hộ tự thực hiện, vận động cộng đồng giúp đỡ ngày công lao động (Hoặc vần công) để xây dựng nhà dưới sự giám sát của chính quyền địa phương;

- Đối với những hộ không thể đứng ra xây cất, Nhà nước đầu tư xây dựng hoàn thành và bàn giao nhà cho hộ (Chủ hộ quản lý kiểm tra vật tư).

b) Về xây dựng nhà tình nghĩa: Nguồn vốn hỗ trợ được phân cấp về cho địa phương thực hiện xây dựng nhà ở (Hộ chính sách quản lý vật tư), sau đó bàn giao lại cho các gia đình chính sách được hỗ trợ nhà ở.

Các hộ được hỗ trợ nếu có điều kiện huy động thêm từ đóng góp của gia đình, dòng họ thì có thể xây dựng nhà quy mô và chất lượng cao hơn tiêu chuẩn mẫu nhà quy định.

5. Đánh giá chung về mô hình huy động và quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện việc hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở:

Cùng với sự quan tâm hỗ trợ trên 22 tỷ đồng của Trung ương cho Chương trình 134, tỉnh đã vận động thêm để xây dựng được 4.473 căn nhà cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đạt cơ bản đề án được duyệt. Ngoài ra tỉnh còn tập trung cho công tác giảm nghèo nhất là chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo thật sự có khó khăn về nhà ở, vào những năm 1990, thị xã Bạc Liêu đã khởi xướng phong trào xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương… từ đó đã trở thành phong trào của tỉnh, kết quả từ năm 2001 - 2008 toàn tỉnh đã vận động được 113,6 tỷ đã xây dựng được 20.802 căn nhà cho hộ nghèo (Trừ Đề án Chương trình 134). Nhìn chung việc vận động “Quỹ Vì người nghèo” đã được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đồng tình hưởng ứng, việc xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hỗ trợ đều đúng đối tượng và có chất lượng, có thể nói đã góp phần rất lớn cho hộ nghèo có chỗ nơi ăn ở ổn định hơn từ đó phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, song vẫn còn một số nơi việc ủng hộ đóng góp xây dựng nhà còn hạn chế do đối tượng được hỗ trợ còn trông chờ, ỷ lại, phó thác cho Nhà nước, xây dựng cho đối tượng ưu tiên chưa theo thứ tự, ràch mạch còn tình cảm thân quen…;

Phong trào vận động “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” toàn tỉnh đã trở thành phong trào rộng rãi toàn diện, xuất phát từ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” toàn tỉnh đã vận động trên 33 tỷ đồng xây dựng 1.749 căn nhà tình nghĩa trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng thật sự khó khăn về nhà ở theo tiêu chí Ủy ban nhân dân tỉnh quy định là người thờ cúng liệt sỹ, thương binh 1/4, 2/4…, đến nay cơ bản đã hoàn thành. Qua quá trình thực hiện, việc huy động quản lý tốt đã mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tuy nhiên vẫn còn hạn chế là việc xét chọn đối tượng để xây dựng nhà tình nghĩa ở nơi này, nơi nọ chưa chặt chẽ, một số cơ quan chức năng chưa thật sự quan tâm…

Tóm lại: Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương về công tác giảm nghèo nói chung, hỗ trợ nhà cho hộ chính sách người có công cách mạng, hộ nghèo nói riêng của tỉnh đã trở thành phong trào mạnh mẽ mang ý nghĩa tốt, huy động được sự đóng góp của nhiều thành phần, nhiều đối tượng trong và ngoài tỉnh với đạo lý “Lá lành đùm lá rách” “Nhường cơm xẻ áo” đã chung tay góp sức giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tuy nhiên việc huy động nguồn lực tại chỗ còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng của từng địa phương, chưa giúp nhiều cho hộ nghèo về những điều kiện vốn, giống cây trồng… để họ vươn lên nhanh hơn;

Công tác quản lý sử dụng nguồn lực được thực hiện khá tốt, đảm bảo hỗ trợ đến tận hộ gia đình không thất thoát tiêu cực; nguồn vốn hỗ trợ cấp phát kịp thời và đầy đủ, có kiểm tra giám sát chặt chẽ, thanh và quyết toán đúng quy định.

IV. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA ĐỀ ÁN:

1. Quan điểm hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở:

- Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở nhằm mục đích cùng với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo để có nhà ở ổn định, an toàn và từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo một cách bền vững;

- Chương trình giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp các ngành và là đạo lý của toàn xã hội. Nhiệm vụ này có tính chất đặc thù phục vụ cho đối tượng là đồng bào nghèo nên ngoài việc phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” ở địa phương cần có sự hỗ trợ của Trung ương, tinh thần tương thân tương ái của các tổ chức xã hội trong và ngoài nước.

2. Mục tiêu, nguyên tắc hỗ trợ:

- Tập trung hỗ trợ cho 6.256 hộ nghèo có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở và nhu cầu vay vốn tín dụng làm nhà ở;

- Hỗ trợ trực tiếp đến hộ gia đình để xây dựng nhà ở theo đối tượng quy định;

- Bảo đảm công khai, công bằng và minh bạch đến từng hộ gia đình trên cơ sở pháp luật và chính sách Nhà nước; phù hợp với phong tục tập quán của mỗi dân tộc, vùng, miền, bảo tồn bản sắc văn hóa của từng dân tộc; phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương;

- Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà từ đạt tiêu chuẩn tối thiểu về nhà ở cho hộ nghèo trở lên, đảm bảo điều kiện an toàn ổn định nơi cư trú tối thiểu trong thời gian là 10 năm.

3. Yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở xây dựng mới:

Theo tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng chính phủ về Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở: Nhà có diện tích tối thiểu 24m2; tuổi thọ công trình ≥ 10 năm. Tỉnh Bạc Liêu thiết kế 04 mẫu nhà theo chi tiết như sau:

* Loại 1:

- Diện tích 4m x 7m = 28m2;

- Kết cấu: Loại nhà trệt cấu tạo 2 mái (Kèm theo thiết kế mẫu nhà):

+ Móng bê tông đá 1 x 2 M200;

+ Nền đắp cát, tôn cao 0.15m so với cote tự nhiên, lát gạch tàu 300 x 300;

+ Cột bê tông đúc sẵn 120 x 120;

+ Vách mặt tiền nhà xây gạch ống dày 100, vách bao che còn lại xây gạch ống dày 100 cao 1m trên đóng tol lạnh 3,5 zem; găng vách bằng gỗ dầu;

+ Mái Fibro cement, đỡ mái gỗ dầu;

+ Tổng giá trị: 18 triệu đồng/căn.

* Loại 2:

- Diện tích 4m x 7m = 28m2;

- Kết cấu: Loại nhà trệt cấu tạo 1 mái (Kèm theo thiết kế mẫu nhà):

+ Móng bê tông đá 1 x 2 M200;

+ Nền đắp cát, tôn cao 0.15m so với cote tự nhiên, lát gạch tàu 300 x 300;

+ Cột bê tông đúc sẵn 120 x 120;

+ Vách mặt tiền nhà xây gạch ống dày 100, vách bao che còn lại xây gạch ống dày 100 cao 1m trên đóng tol lạnh 3,5 zem; găng vách bằng gỗ dầu;

+ Mái Fibro cement, đỡ mái gỗ dầu.

- Tổng giá trị: 19 triệu đồng/căn.

* Loại 3:

- Diện tích 4m x 8m = 32m2:

- Kết cấu: Loại nhà trệt cấu tạo 2 mái (Kèm theo thiết kế mẫu nhà):

+ Móng bê tông đá 1 x 2 M200;

+ Nền đắp cát, tôn cao 0.15m so với cote tự nhiên, lát gạch tàu 300 x 300;

+ Cột bê tông đúc sẵn 120 x 120;

+ Vách mặt tiền nhà xây gạch ống dày 100, vách bao che còn lại xây gạch ống dày 100 cao 1m trên đóng tol lạnh 3,5 zem; găng vách bằng gỗ dầu.

+ Mái Fibro cement, đỡ mái gỗ dầu.

- Tổng giá trị: 20 triệu đồng/căn.

* Loại 4:

- Diện tích 4m x 8m = 32m2:

- Kết cấu: Loại nhà trệt cấu tạo 1 mái (Kèm theo thiết kế mẫu nhà):

+ Móng bê tông đá 1 x 2 M200;

+ Nền đắp cát, tôn cao 0.15m so với cote tự nhiên, lát gạch tàu 300 x 300;

+ Cột bê tông đúc sẵn 120 x 120;

+ Vách mặt tiền nhà xây gạch ống dày 100, vách bao che còn lại xây gạch ống dày 100 cao 1m trên đóng tol lạnh 3,5 zem; găng vách bằng gỗ dầu;

+ Mái Fibro cement, đỡ mái gỗ dầu.

- Tổng giá trị: 21 triệu đồng/căn.

4. Mức hỗ trợ, mức vay để làm nhà ở:

4.1. Mức hỗ trợ:

Ngân sách Trung ương hỗ trợ 6.000.000 đồng/hộ. Đối với những hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn thì ngân sách Trung ương hỗ trợ 07 triệu đồng/hộ. Các địa phương có trách nhiệm hỗ trợ thêm ngoài phần ngân sách Trung ương hỗ trợ và huy động cộng đồng giúp đỡ các hộ làm nhà ở;

Do có khó khăn về ngân sách nên năm 2008 tỉnh Bạc Liêu được bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương trên 70% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương. Theo hướng dẫn tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì khi thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo nhà ở ngân sách Trung ương sẽ bổ sung phần vốn đối ứng 20% cho tỉnh.

4.2. Mức vay và phương thức cho vay:

- Mức vay: Hộ dân có nhu cầu được vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà ở, mức vay tối đa là 08 triệu đồng/hộ, lãi suất vay 3%/năm. Trong thời gian ân hạn, người dân không phải trả nợ, trả lãi. Hộ dân bắt đầu trả nợ vay từ năm thứ sáu trở đi, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số đã vay;

- Phương thức cho vay: Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phương thức ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị, xã hội, việc quản lý vốn bằng tiền, ghi chép kế toán và tổ chức giải ngân đến người vay do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

5. Đối tượng được hỗ trợ hộ nghèo nhà ở:

Đối tượng được hỗ trợ về nhà ở phải hội đủ các điều kiện:

- Là hộ nghèo (Theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010, đang cư trú tại địa phương, có danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 có hiệu lực thi hành);

- Hộ chưa có nhà ở hoặc có nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở;

- Hộ không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc nghèo, đời sống khó khăn và theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác.

6. Phạm vi áp dụng:

Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được áp dụng đối với các hộ thuộc diện đối tượng quy định tại Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 đang cư trú tại khu vực nông thôn.

7. Số lượng hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh:

a) Tổng số hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010: Gồm 21.243 hộ, trong đó số hộ nghèo tại khu vực nông thôn: 20.480 hộ.

b) Tổng số hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ về nhà ở tại khu vực nông thôn (Tính đến thời điểm Quyết định số 167/TTg có hiệu lực thi hành):

Gồm 6.256 hộ, xác định cụ thể theo từng loại sau:

- Tổng số hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ về nhà ở là đồng bào dân tộc thiểu số 566 hộ;

- Tổng số hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ về nhà ở là người kinh: 5.690 hộ;

- Tổng số hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ về nhà ở đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng đặc biệt khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ): 441 hộ, trong đó:

+ Hộ là đồng bào dân tộc thiểu số: 123 hộ;

+ Hộ là người kinh: 318 hộ.

8. Phân loại đối tượng ưu tiên:

a) Hộ gia đình có công với cách mạng: 407 hộ;

b) Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số: 564 hộ;

c) Hộ gia đình trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai: 249 hộ;

d) Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (Già cả, neo đơn, tàn tật…): 4.352 hộ;

đ) Hộ gia đình đang sinh sống trong vùng đặc biệt khó khăn: 48 hộ;

e) Các hộ gia đình còn lại: 636 hộ;

9. Nguồn vốn thực hiện:

Ngoài các nguồn vốn quy định tại Quyết định số 167/QĐ-TTg , tỉnh Bạc Liêu còn dự kiến huy động thêm các nguồn vốn từ quỹ “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phát động cùng dòng họ và của chính hộ gia đình để hỗ trợ và hoàn thành Đề án xây dựng nhà ở cho người nghèo.

10. Tổng số vốn yêu cầu và phân khai nguồn vốn thực hiện:

Tổng số vốn cần có để thực hiện: 112,608 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách Trung ương: 37,977 tỷ đồng;

- Vốn ngân sách Trung ương bổ sung vốn đối ứng cho địa phương: 7,5954 tỷ đồng;

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 50,048 tỷ đồng;

- Dự kiến vốn huy động tại địa phương từ quỹ “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và từ các doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vận động: 12 tỷ đồng;

- Dự kiến vốn huy động cộng đồng, dòng họ và của chính hộ gia đình được hỗ trợ: 4,9876 tỷ đồng.

11. Cách thức thực hiện:

a) Bình xét và phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở:

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo khóm ấp thực hiện việc bình xét đối tượng và phân loại đối tượng ưu tiên theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, đồng thời tổng hợp danh sách hộ được hỗ trợ, có nhu cầu vay vốn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt gửi Sở Xây dựng tổng hợp, lập đề án trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

b) Cấp vốn làm nhà ở:

Căn cứ số vốn được phân bổ từ ngân sách Trung ương, vốn do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và từ các doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vận động phân bổ cho địa phương và các nguồn huy động được, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu sẽ phân bổ cho các huyện, thị xã, đồng thời gửi danh sách vay vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để thực hiện cho vay;

Đối với những hộ dân mà mức hỗ trợ từ nguồn vốn do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam huy động mà mức hỗ trợ chưa đủ so với mức vay theo quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg thì được xét vay số còn thiếu;

Căn cứ số vốn được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ, Ủy ban nhân dân cấp huyện phân bổ vốn hỗ trợ cho cấp xã;

Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Đối với vốn vay, hộ dân trực tiếp ký khế ước vay vốn theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

c) Thực hiện xây dựng nhà ở:

Ủy ban nhân dân cấp xã giao cho Ban Giảm nghèo cấp xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ dân xây dựng nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở theo quy định của Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và vận động các hộ dân tự xây dựng nhà ở. Đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn (Già cả, neo đơn, tàn tật…) không thể tự xây dựng nhà ở thì Ban Giảm nghèo cấp xã tổ chức xây dựng nhà cho các đối tượng này.

Trong phạm vi Đề án này, tỉnh Bạc liêu đề nghị hỗ trợ nhà ở theo mẫu nhà loại 1, chi tiết như sau:

- Diện tích 4m x 7m = 28m2;

- Kết cấu: Loại nhà trệt cấu tạo 2 mái (Kèm theo thiết kế mẫu nhà):

+ Móng bê tông đá 1 x 2 M200;

+ Nền đắp cát, tôn cao 0.15m so với cote tự nhiên, lát gạch tàu 300 x 300;

+ Cột bê tông đúc sẵn 120 x 120;

+ Vách mặt tiền nhà xây gạch ống dày 100, vách bao che còn lại xây gạch ống dày 100 cao 1m trên đóng tol lạnh 3,5 zem; găng vách bằng gỗ dầu;

+ Mái Fibro cement, đỡ mái gỗ dầu;

+ Tổng giá trị: 18 triệu đồng/căn.

Tùy tình hình vốn của dân hoặc huy động dòng họ bỏ ra mà có thể làm nhà tốt hơn theo mẫu 2, 3, 4.

12. Tiến độ thực hiện:

* Năm 2009:

Hoàn thành các công tác chuẩn bị và thực hiện hỗ trợ nhà ở cho: 971 hộ thuộc đối tượng ưu tiên 1 và 2.

* Năm 2010:

Thực hiện hỗ trợ nhà ở cho: 4.601 hộ thuộc diện ưu tiên 3 và 4.

* Năm 2011 và 2012:

Thực hiện hỗ trợ cho 684 hộ gồm các đối tượng còn lại.

Chú trọng ưu tiên hỗ trợ trước cho các đối tượng chưa có nhà ở.

13. Tiến độ huy động vốn hàng năm:

Năm

Số hộ được hỗ trợ (Hộ)

Yêu cầu nguồn vốn (Triệu đồng)

Ghi chú

Tổng số

Vốn Trung ương

Vốn TW bổ sung vốn đối ứng cho ĐP

Vốn vay TD ưu đãi

Vốn huy động khác

2009

971

17.478,0

5.951,0

1.190,2

7.768,0

2.568,8

 

2010

4.601

82.818,0

27.874,0

5.574,8

36.808,0

12.561,2

 

2011

466

8.388,0

2.844,0

568,8

3.728,0

1.247,2

 

2012

218

3.924,0

1.308,0

261,6

1.744,0

610,4

 

* Năm 2009: (971 hộ)

Tổng số vốn cần có để thực hiện: 17,478 tỷ đồng:

- Vốn ngân sách Trung ương: 5,951 tỷ đồng;

- Vốn ngân sách Trung ương bổ sung vốn đối ứng cho địa phương: 1,1902 tỷ đồng;

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 7,768 tỷ đồng;

- Vốn huy động khác: 2,5688 tỷ đồng.

* Năm 2010: (6.601 hộ)

Tổng số vốn cần có để thực hiện: 82,818 tỷ đồng:

- Vốn ngân sách Trung ương: 27,874 tỷ đồng;

- Vốn ngân sách Trung ương bổ sung vốn đối ứng cho địa phương: 5,5748 tỷ đồng;

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 36,808 tỷ đồng;

- Vốn huy động khác: 12,5612 tỷ đồng.

* Năm 2011: (466 hộ)

Tổng số vốn cần có để thực hiện: 8,388 tỷ đồng:

- Vốn ngân sách Trung ương: 2,844 tỷ đồng;

- Vốn ngân sách Trung ương bổ sung vốn đối ứng cho địa phương: 0,5688 tỷ đồng;

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 3,728 tỷ đồng;

- Vốn huy động khác: 1,2472 tỷ đồng.

* Năm 2012: (218 hộ)

Tổng số vốn cần có để thực hiện: 3,924 tỷ đồng:

- Vốn ngân sách Trung ương: 1,308 tỷ đồng;

- Vốn ngân sách Trung ương bổ sung vốn đối ứng cho địa phương: 0,2616 tỷ đồng;

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 1,744 tỷ đồng;

- Vốn huy động khác: 0,6104 tỷ đồng.

14. Về cơ chế quản lý:

Sau khi đề án được phê duyệt, nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ được phân bổ cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã quản lý và tổ chức triển khai thực hiện:

- Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế dân chủ, tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện đề án tại địa phương thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ và Ban Giảm nghèo cấp tỉnh đồng thời tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện chính sách theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Chính phủ;

- Các ngành chức năng có liên quan theo nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc và giám sát chặt chẽ việc thực hiện Đề án này;

- Các cấp chính quyền cấp huyện, cấp xã phải nâng cao năng lực công tác xóa đói giảm nghèo. Lựa chọn cán bộ có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình với sự nghiệp xóa đói giảm nghèo của địa phương để thực hiện nhiệm vụ này;

- Cương quyết xử lỷ nghiêm minh các cá nhân, tổ chức làm sai chính sách, gây mất công bằng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước;

- Đề cao vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể và giám sát nhân dân để kịp thời phát hiện các sai phạm và có chấn chỉnh uốn nắn;

- Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân tự lực vươn lên, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước;

- Triển khai đồng thời các chương trình xóa đói giảm nghèo khác để giúp các hộ nghèo, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, có đủ khả năng hoàn trả vốn vay để cất nhà.

15. Tổ chức thực hiện:

* Ban chỉ đạo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo cấp tỉnh:

- Kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo cấp tỉnh để chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án này;

- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo chính sách đến được hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực; đảm bảo hộ nghèo có nhà ở sau khi được hỗ trợ theo quy định của Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ;

- Triển khai đồng thời các chương trình xóa đói giảm nghèo khác để giúp các hộ nghèo, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, có đủ khả năng hoàn trả vốn vay để cất nhà.

* Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Cử cán bộ tham gia vào Ban điều phối chương trình hỗ trợ nhà ở cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các hộ nghèo về nhà ở;

- Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Trên cơ sở kiện toàn Ban Giảm nghèo cấp huyện) để giúp cho Ủy ban nhân dân huyện triển khai tốt Đề án này;

- Chỉ đạo Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện tuyên truyền về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài của địa phương, pa nô áp phích, tờ rơi. Tổ chức công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng được thụ hưởng chính sách;

- Tổ chức xét duyệt đối tượng hỗ trợ của đề án; tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ và tổ chức giải ngân đúng tiến độ, đối tượng của đề án;

- Phê duyệt danh sách hộ nghèo có nhu cầu vay vốn chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay khi hộ nghèo có nhu cầu cải thiện nhà ở theo mục tiêu của đề án;

- Theo dõi và chỉ đạo sâu sát việc tổ chức thực hiện của cấp xã, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện hỗ trợ hộ nghèo của các xã trên địa bàn huyện về số lượng hộ gia đình đã được hỗ trợ; số nhà ở đã được xây dựng; số tiền hỗ trợ đã cấp cho các hộ gia đình; số tiền cho vay và báo cáo những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện lên Ban Điều phối chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cấp tỉnh và Sở Xây dựng (3 tháng/lần).

* Ủy ban nhân dân xã:

- Bình xét, lập danh sách các hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo thứ tự ưu tiên trên địa bàn;

- Kiện toàn Ban Giảm nghèo cấp xã để thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;

- Tổ chức vận động sự tự thân đóng góp từ hộ được hỗ trợ nhà ở hoặc kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng, từ dòng họ để giúp hộ nghèo đủ điều kiện hoàn thành nhà ở như mẫu thiết kế của đề án, giảm bớt phần vốn vay từ Ngân hàng Chính sách;

- Tổ chức thực hiện việc lập Biên bản xác nhận hoàn thành cho từng giai đoạn và Biên bản xác nhận hoàn thành căn nhà:

- Lập hồ sơ hoàn công cho từng hộ được hỗ trợ nhà ở, bao gồm:

+ Trích danh sách có tên hộ nghèo được hỗ trợ;

+ Đơn xin đăng ký hỗ trợ nhà ở của hộ gia đình;

+ Biên bản xác nhận hoàn thành giai đoạn mỗi giai đoạn 01 bản (Phần móng, thân, mái và hoàn thiện);

+ Biên bản xác nhận công trình hoàn thành (01bản);

+ Các chứng từ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ;

+ Các chứng từ vay vốn để làm nhà ở;

+ Ảnh căn nhà (Kích thước 10cm x 15cm) trước khi hỗ trợ (Chụp toàn cảnh nhà và người đại diện hộ gia đình);

+ Ảnh căn nhà (Kích thước 10cm x 15cm) sau khi hoàn thành hỗ trợ (Chụp toàn cảnh nhà và người đại diện hộ gia đình).

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn xã về số lượng hộ gia đình đã được hỗ trợ; số nhà ở đã được xây dựng; số tiền hỗ trợ đã cấp cho các hộ gia đình; số tiền cho vay và báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện trên địa bàn xã lên Ban Điều phối chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cấp huyện;

- Đôn đốc và hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội thu hồi khoản nợ vay của các hộ gia đình nghèo được hỗ trợ nhà ở đã vay.

* Sở Xây dựng:

- Có trách nhiệm phối hợp với các các sở, ngành và chính quyền địa phương có liên quan xây dựng hoàn chỉnh đề án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng;

- Hướng dẫn mẫu mã và kỹ thuật xây dựng theo mô hình nhà ở của Đề án cho cấp huyện. Theo dõi phản hồi thông tin của đối tượng được hỗ trợ liên quan đến mô hình nhà ở thông qua Ủy ban nhân dân cấp huyện, kịp thời điều chỉnh các nội dung không phù hợp để đảm bảo sự thích nghi của công trình theo tập quán sinh hoạt, đặc thù riêng của từng địa phương;

- Soạn thảo các mẫu biểu hướng dẫn cho cấp xã về kiểm nhận hoàn thành giai đoạn mỗi giai đoạn 01 bản (Phần móng, thân, mái và hoàn thiện), kiểm nhận hoàn thành công trình;

- Theo dõi tiến độ thực hiện của đề án, kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo cấp tỉnh và cấp thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc của cấp huyện để có sự hướng dẫn, giải quyết kịp thời đảm bảo triển khai thành công đề án.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của cấp xã, cấp huyện, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Xây dựng 6 tháng/lần.

* Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Có trách nhiệm phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức điều tra xác định hộ nghèo có khó khăn về nhà ở làm cơ sở thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn;

- Phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan tiếp tục triển khai cuộc vận động, đóng góp “Quỹ Vì người nghèo”, đảm bảo bổ sung kinh phí như kế hoạch về nhu cầu vốn (nguồn huy động khác) để thực hiện đề án.

* Sở Tài nguyên và Môi trường:

Có trách nhiệm phối hợp với các huyện, thị xã rà soát quỹ đất, lập kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo chưa có đất ở để đảm bảo điều kiện xây dựng nhà theo Đề án này.

* Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Căn cứ theo kế hoạch hằng năm để cân đối vốn hỗ trợ về nhà ở, đất ở.

* Sở Tài Chính:

Hướng dẫn và kiểm tra các huyện, thị xã về việc quản lý sử dụng vốn cấp phát từ các nguồn theo quy định tài chính.

* Ngân hàng Chính sách, xã hội chi nhánh Bạc Liêu:

Có trách nhiệm hỗ trợ cho vay vốn để làm nhà ở theo danh sách phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

* Cục Thống kê:

Có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức điều tra tình trạng nhà ở làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhà ở.

* Các tổ chức, đoàn thể:

Thông qua các cơ sở trực thuộc để tổ chức thực hiện vận động cho các mục tiêu của đề án; triển khai giám sát việc thực hiện, nắm bắt thông tin phản hồi của đối tượng hưởng lợi từ đề án; đề xuất các giải pháp khả thi để đảm bảo tính chính xác, công bằng và dân chủ khi triển khai thực hiện đề án.

* Đối tượng hưởng lợi của Đề án:

Phải tuân thủ các quy định của chính quyền địa phương trong việc triển khai đề án, cam kết sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích làm nhà ở, tích cực tham gia sản xuất để có đủ khả năng hoàn trả đúng hạn vốn vay từ chính sách của đề án;

Trong quá trình thực hiện đề án, có vấn đề gì khó khăn, vướng mắc, các ngành, các địa phương chủ động báo cáo về cơ quan thường trực (Sở Xây dựng) để kịp thời trao đổi, có biện pháp tháo gỡ và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo.

V. KIẾN NGHỊ VÀ KẾT LUẬN:

1. Kiến nghị:

- Bạc Liêu là tỉnh nông nghiệp, do đặc thù này nên tỉnh còn tồn tại một số cụm dân cư nông thôn trên địa bàn các thị trấn, thị xã. Đối tượng phục vụ của đề án là các hộ nghèo thuộc khu vực nông thôn, các đối tượng hộ nghèo thuộc khu vực nói trên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để cải thiện về nhà ở. Đề nghị Bộ Xây dựng cho phép mở rộng đối tượng phục vụ của đề án đến các cụm dân cư nông thôn hiện có trong đô thị, cụ thể là 757 hộ với nhu cầu vốn là 13,626 tỷ đồng;

- Trước tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu và khó khăn trong nước, khả năng từ nay đến năm 2012 sẽ còn phát sinh thêm hộ nghèo (Hoặc tái nghèo), trong khi danh sách hỗ trợ tại đề án là kết quả điều tra năm 2008, do đó đề án cần dự báo số liệu hỗ trợ cho các đối tượng phát sinh để đảm bảo tính thống nhất về chủ trương chính sách của Nhà nước. Các hộ nghèo được hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ người nghèo đã triển khai trước đây, do mức hỗ trợ không đáng kể, thời gian thực hiện đã quá lâu, nên nhiều trường hợp nhà ở xuống cấp nghiêm trọng mà hộ không có khả năng tự tái tạo lại nhà ở, nhưng lại không thuộc đối tượng hỗ trợ theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên rất cần sự quan tâm của Chính phủ. Dự kiến tổng số hộ phát sinh phải giải quyết nhà ở theo tiêu chí 167/CP là 3.003 hộ với nhu cầu vốn là 54,054 tỷ đồng;

- Kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ phê duyệt cấp kinh phí lập, thẩm định, phê duyệt và giám sát việc tổ chức thực hiện đề án = 0,5% tổng giá trị đề án tương đương 563.040.000 đồng. Việc sử dụng chi phí này sẽ hạch toán theo quy định ngành Tài chính.

2. Kết luận:

Vấn đề hỗ trợ người nghèo về nhà ở là trăn trở lớn nhất đối với các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp. Mặc dù công tác xóa đói giảm nghèo là mối quan tâm hàng đầu, song việc triển khai còn chậm, kết quả không khả quan, tính chất giảm nghèo không bền vững, tình trạng tái nghèo là không ít. Việc giúp đỡ hộ nghèo về nhà ở là vô cùng cần thiết, là điều kiện cơ bản để các hộ an cư và an tâm sản xuất. Bên cạnh đó, trách nhiệm của chính quyền các cấp cần quan tâm triển khai đồng bộ các chương trình khác nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp hộ nghèo có công việc ổn định, sản xuất hiệu quả, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.

VI. PHỤ LỤC:

1. Kết quả vận động xây dựng nhà tình thương của tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn năm 2001 - 2008 (Phụ lục 1 - DEAN);

2. Bảng tổng hợp số lượng hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở tại khu vực nông thôn - thống kê theo tất cả các đối tượng (Phụ lục 2a - DEAN);

3. Bảng tổng hợp số lượng hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở tại khu vực nông thôn - thống kê theo một loại đối tượng ưu tiên (Phụ lục 2b - DEAN);

4. Danh sách chi tiết các hộ nghèo thuộc thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở tại khu vực nông thôn - thống kê theo tất cả các đối tượng (Phụ lục 3a - DEAN);

5. Danh sách chi tiết các hộ nghèo thuộc thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở tại khu vực nông thôn - thống kê theo một loại đối tượng ưu tiên (Phụ lục 3b - DEAN);

6. Bảng phân tích nhu cầu vốn thực hiện đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, năm 2009 - 2012 (Phụ lục 4 - DEAN);

7. Bảng tổng hợp nhu cầu vốn thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, năm 2009 - 2012 (Phụ lục 5 - DEAN)

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 08/2009/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tỉnh Bạc Liêu (Giai đoạn 2009 - 2012) do Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành

  • Số hiệu: 08/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/04/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
  • Người ký: Bùi Hồng Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản