Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/2003/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 01 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ VIỆC PHÂN CẤP VÀ QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ THỦ TỤC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DỜI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT - KINH DOANH GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh ;
Căn cứ quyết định số 28/QĐ-UB ngày 03/01/2002 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu công nghiệp tập trung và vùng phụ cận ;
Căn cứ Nghị quyết số 22/2002/NQ-HĐ ngày 29/6/2002 của Hội đồng nhân dân thành phố về đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp và vùng phụ cận ;
Căn cứ quyết định số 81/2002/QĐ-UB ngày 08/7/2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành “Một số chính sách tài chính cho việc di dời các cơ sở sản xuất-kinh doanh gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung và vùng phụ cận” ;
Căn cứ quyết định số 80/2002/QĐ-UB ngày 08/7/2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt đề án thực hiện chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu công nghiệp và vùng phụ cận ;
Theo đề nghị của Ban chỉ đạo di dời cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường thành phố tại tờ trình số 1019/TTr-BCĐ ngày 30/12/2002;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành quy định về phân cấp và trình tự thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường thành phố (đính kèm).

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo công tác di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thành phố, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá thành phố, Cục trưởng Cục Thuế thành phố, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Địa chính-Nhà đất, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển đô thị thành phố, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Giám đốc các Sở quản lý chuyên ngành, Tổng Giám đốc các Tổng Công ty, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và Giám đốc các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường thành phố phải di dời theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 
Nơi nhận :
- Như điều 3  
- TT/TU, TT.HĐND/TP
- Thường trực UBND.TP
- Văn phòng Thành ủy
- VPHĐ-UB : các PVP
- Tổ TH, VX, ĐT, CNN, PC
- Lưu (CNN-H)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Quốc Bình

 

 

QUY ĐỊNH

VIỆC PHÂN CẤP VÀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DỜI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2003/QĐ-UB ngày 10 tháng 01 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

BÁN MẶT BẰNG NHÀ XƯỞNG

Điều 1.- Thủ tục chuyển nhượng mặt bằng nhà xưởng: (Được quy định tại điểm 1, mục A, điều 3 Quyết định số 81/2002/QĐ-UB)

Các doanh nghiệp Nhà nước (Trung ương và địa phương), Công ty Cổ phần, Công ty Trách nhiệm hữu hạn và Hợp tác xã có vốn của ngân sách Nhà nước tham gia (có phần đất của mặt bằng nhà, xưởng thuộc sở hữu Nhà nước) khi chuyển nhượng mặt bằng nhà, xưởng phải có các hồ sơ thủ tục sau đây :

- Phương án xử lý bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Bộ Tài chính; Ủy ban nhân dân thành phố).

- Các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu, giao tài sản, quản lý và sử dụng tài sản của cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ chủ quản; Ủy ban nhân dân thành phố hoặc cơ quan chủ quản).

- Bản vẽ hiện trạng vị trí đất do đơn vị có chức năng lập và được Sở Địa chính-Nhà đất kiểm tra nội nghiệp.

- Bản vẽ hiện trạng nhà, xưởng và biên bản kiểm tra đánh giá tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà xưởng do đơn vị có chức năng cấp (các Công ty hoặc đơn vị có đăng ký kinh doanh thực hiện việc đo vẽ nhà, xưởng và đánh giá chất lượng còn lại của nhà xưởng).

- Văn bản đề nghị định giá nhà, xưởng để bán phục vụ việc di dời của doanh nghiệp.

Sau khi hoàn tất các hồ sơ, thủ tục nêu trên đơn vị gởi cho cơ quan có chức năng để thực hiện việc định giá và bán đấu giá theo quy định như sau :

+ Việc định giá nhà đất phải thông qua một trong các tổ chức sau :

• Hội đồng định giá và bán đấu giá nhà xưởng thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố Hồ Chí Minh (tại số 142 Nguyễn Thị Minh Khai quận 3).

• Các tổ chức có chức năng thẩm định giá của Nhà nước.

+ Việc bán đấu giá phải thông qua Hội đồng định giá và bán đấu giá của thành phố Hồ Chí Minh hoặc theo sự phân cấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Trường hợp các cơ sở sản xuất kinh doanh không thực hiện việc bán nhà xưởng và chuyển quyền sử dụng đất (như quy định trên đây) thì phải có tờ trình gởi Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm thành phố xin chuyển mục đích sử dụng khác như làm nhà ở, văn phòng làm việc... theo quy hoạch của thành phố. Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm thành phố có nhiệm vụ xem xét, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

Điều 2.- Quản lý và sử dụng số tiền thu được từ việc chuyển nhượng mặt bằng : (Được quy định tại điểm 2, mục A, điều 3, Quyết định số 81/2002/QĐ-UB)

2.1- Đối với doanh nghiệp Nhà nước (Trung ương và địa phương):

2.1.1- Phần giá trị quyền sử dụng đất được nộp vào tài khoản tạm giữ “Tiền sử dụng đất bán mặt bằng, nhà xưởng của doanh nghiệp” mở tại Kho bạc Nhà nước thành phố, số 37 Nguyễn Huệ quận 1. Giá trị quyền sử dụng đất nộp vào tài khoản tạm giữ được xác định như sau :

+ Nếu giá bán bằng giá xác định ban đầu thì nộp đúng giá đã bán được.

+ Nếu giá bán cao hơn giá xác định ban đầu thì phần chênh lệch giá bán được phân chia theo tỷ lệ khi định giá.

Ví dụ: Giá bán nhà-đất được xác định để bán đấu giá là 1.000.000.000đồng. Trong đó:

- Giá trị nhà là 400.000.000đồng.

- Giá trị đất là 600.000.000đồng.

Giá bán thực tế (đấu giá) 1.400.000.000đồng vậy chênh lệch giá bán là: 400.000.000đồng (1.400.000.000 – 1.000.000.000), phần chênh lệch giá bán 400.000.000đồng được tăng thêm cho giá trị đất.

- Như vậy giá trị quyền sử dụng đất nộp vào tài khoản tạm giữ là 1.000.000.000đồng và giá trị nhà là: 400.000.000đồng.

+ Đơn vị nộp tiền phải ghi rõ tên, tài khoản và nơi đăng ký tài khoản của mình.

+ Đơn vị nhận tiền: Sở Tài chánh-Vật giá thành phố Hồ Chí Minh tài khoản: 945.90.00.00036, tại Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh.

+ Nội dung nộp tiền:

• Nếu bên mua trực tiếp nộp ghi: Tiền sử dụng đất mua mặt bằng, nhà xưởng số...........đường.......phường..... quận ............. thành phố Hồ Chí Minh, của (bên bán)..., theo Quyết định số ........./ ngày........ của (cơ quan cho phép bán)...

• Nếu bên bán trực tiếp nộp ghi: Tiền sử dụng đất bán mặt bằng, nhà xưởng số...........đường.......phường..... quận ............. thành phố Hồ Chí Minh, theo Quyết định số ......../ ngày........ của (cơ quan cho phép bán)...

2.1.2- Căn cứ dự án đầu tư xây dựng cơ sở mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 về bổ sung Nghị định số 52 và Quyết định số 82/2001/QĐ-UB ngày 19/9/2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về một số quy định tạm thời để cải tiến công tác quản lý dự án đầu tư trong nước), doanh nghiệp được sử dụng số tiền tạm giữ cho việc đầu tư xây dựng cơ sở mới.

2.1.3- Việc cấp phát số tiền tạm giữ nêu trên được thực hiện theo tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp, cụ thể là:

- Đợt 1 : Được ứng tối đa 30% giá trị hợp đồng thi công công trình, nhưng không quá 30% số tiền sử dụng đất bán mặt bằng-nhà xưởng của doanh nghiệp đã nộp vào tài khoản tạm giữ tại Sở Tài chính - Vật giá thành phố.

- Đợt 2 : Khi có khối lượng công trình hoàn thành được nghiệm thu sẽ được ứng tiếp đến 65% giá trị hợp đồng thi công công trình, nhưng không quá 65% số tiền sử dụng đất bán mặt bằng-nhà xưởng của doanh nghiệp đã nộp vào tài khoản tạm giữ tại Sở Tài chính - Vật giá thành phố.

- Đợt 3 : Khi công trình đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng, doanh nghiệp sẽ được thanh toán phần giá trị còn lại (trên cơ sở số quyết toán vốn đầu tư của doanh nghiệp), nhưng không quá tổng số tiền sử dụng đất bán mặt bằng-nhà xưởng của doanh nghiệp còn lại trong tài khoản tạm giữ tại Sở Tài chính - Vật giá thành phố.

2.1.4- Thủ tục cấp phát số tiền tạm giữ (nêu trên) gồm có :

- Quyết định duyệt dự án đầu tư.

- Quyết định duyệt thiết kế dự toán.

- Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu hoặc chỉ định thầu.

- Hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư với bên nhận thầu thi công xây lắp.

- Biên bản nghiệm thu khối lượng xây lắp hoàn thành.

- Công văn gởi Sở Tài chánh-Vật giá thành phố đề nghị thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành từ nguồn tiền sử dụng đất bán mặt bằng nhà xưởng của doanh nghiệp (đã nộp vào tài khoản tạm giữ).

2.2- Đối với Công ty Cổ phần, Công ty Trách nhiệm hữu hạn và Hợp tác xã có vốn ngân sách Nhà nước tham gia :

2.2.1- Thủ tục nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước: được thực hiện như đã hướng dẫn đối với doanh nghiệp Nhà nước (tại điểm 2.1.1 mục 2.1 trên đây).

2.2.2- Nếu đơn vị có nhu cầu vay lại số tiền đã nộp (nêu trên) phải có tờ trình gởi Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm thành phố.

Căn cứ đề nghị của các đối tượng nêu tại điểm 2.2 trên đây, Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm thành phố xem xét và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định cho vay lại (tối đa không quá số tiền sử dụng đất đơn vị đã nộp vào tài khoản tạm giữ) với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng cơ sở mới tại khu công nghiệp tập trung và vùng phụ cận theo dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt. Việc cho vay được thực hiện theo cơ chế Ngân sách ủy thác sang Quỹ Đầu tư phát triển Đô thị thành phố để cho vay theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.

Chương 2:

TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI

Điều 3.- Trình tự và thủ tục thực hiện hỗ trợ lãi vay :

3.1- Trong trường hợp vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở mới (Được quy định tại điểm 1, mục B, điều 3, Quyết định số 81/2002/QĐ-UB):

Việc hỗ trợ lãi vay được phân cấp thực hiện như sau:

3.1.1- Đối với doanh nghiệp Nhà nước (Trung ương và địa phương) và Công ty Cổ phần (có vốn Nhà nước tham gia):

- Giao cho Ban chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường thành phố căn cứ danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh phải di dời (theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố), căn cứ Quyết định số 80/2002/QĐ-UB và Quyết định số 81/2002/QĐ-UB ngày 08/7/2002 của Ủy ban nhân dân thành phố và kế hoạch di dời hoặc dự án di dời của các doanh nghiệp Nhà nước (Trung ương và địa phương) và Công ty Cổ phần (có vốn Nhà nước tham gia) để xem xét kế hoạch di dời (hoặc dự án di dời) và xác định chính sách ưu đãi di dời ô nhiễm trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Thủ tục để thực hiện hỗ trợ lãi vay gồm có:

- Quyết định phê duyệt kế hoạch di dời (hoặc dự án di dời) và phê duyệt chính sách ưu đãi di dời của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư (nếu doanh nghiệp di dời trong địa bàn thành phố) do Ủy ban nhân dân thành phố cấp.

- Hồ sơ liên quan đến việc đầu tư xây dựng mới như : Quyết định phê duyệt dự án đầu tư; quyết định phê duyệt thiết kế - dự toán của cấp có thẩm quyền (theo quy định của Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ và Quyết định số 82/2001/QĐ-UB ngày 19/9/2001 của Ủy ban nhân dân thành phố), biên bản nghiệm thu công trình hoàn thành....

- Hồ sơ liên quan đến việc vay vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng tại địa điểm mới như: Hợp đồng vay vốn, hợp đồng nhận nợ (kèm chứng từ giải ngân của bên cho vay), phiếu tính lãi tiền vay của bên cho vay, chứng từ trả nợ gốc và lãi vay của bên vay.

- Công văn gửi Sở Tài chánh-Vật giá đề nghị cấp bù lãi vay (trong công văn cần ghi rõ tài khoản của doanh nghiệp mở tại tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư vay vốn).

3.1.2- Đối với các đối tượng còn lại (Công ty Trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân; hợp tác xã và hộ sản xuất cá thể):

Giao cho Ủy ban nhân dân quận-huyện căn cứ danh sách các cơ sở sản xuất - kinh doanh phải di dời (theo Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố), và kế hoạch di dời (hoặc dự án di dời) của các chủ đầu tư có dự án đầu tư xây dựng cơ sở mới với tổng mức vốn đầu tư từ 5 tỷ đồng trở xuống thuộc phạm vi quản lý của địa phương để phê duyệt kế hoạch di dời (hoặc dự án di dời) và quyết định cụ thể chính sách ưu đãi di dời theo quy định tại Quyết định số 81/2002/QĐ-UB và Quyết định số 80/2002/QĐ-UB ngày 08 tháng 7 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở mới có tổng mức vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng giao cho Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm thành phố phê duyệt kế hoạch di dời (hoặc dự án di dời) và xác định chính sách ưu đãi di dời ô nhiễm trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Thủ tục để thực hiện hỗ trợ lãi vay gồm có:

- Quyết định phê duyệt kế hoạch di dời (hoặc dự án di dời) và phê duyệt chính sách ưu đãi di dời của Ủy ban nhân dân quận-huyện.

- Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư do Ủy ban nhân dân quận-huyện cấp (nếu các cơ sở sản xuất - kinh doanh di dời trong địa bàn thành phố).

- Hồ sơ liên quan đến việc đầu tư xây dựng cơ sở mới như: Giấy phép xây dựng nhà xưởng mới (tại khu quy hoạch của thành phố hoặc vùng phụ cận) do cấp thẩm quyền cấp, hợp đồng thuê đất (nếu có), hồ sơ về dự án đầu tư (nếu có), thiết kế-dự toán, hợp đồng thi công xây dựng cơ sở mới...

- Hồ sơ liên quan đến việc vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở mới như: Phương án vay vốn, kế hoạch trả nợ và lãi vay đã được tổ chức tín dụng thẩm định và đồng ý cho vay, hợp đồng vay vốn, hợp đồng nhận nợ (kèm chứng từ giải ngân của bên cho vay) chứng từ trả nợ gốc và lãi vay, phiếu tính lãi tiền vay của ngân hàng...

- Công văn gởi phòng Tài chính-kế hoạch quận-huyện (đối với dự án đầu tư có tổng mức vốn đầu tư từ 5 tỷ đồng trở xuống) hoặc Sở Tài chánh-Vật giá thành phố (đối với dự án đầu tư có tổng mức vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng) đề nghị cấp bù lãi vay (trong công văn ghi rõ tài khoản của doanh nghiệp mở tại ngân hàng vay vốn).

3.2- Trong trường hợp vay vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố: (Được quy định tại điều 6, Quyết định số 81/2002/QĐ-UB)

Các đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại khu công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp để phục vụ (toàn bộ) cho các đối tượng di dời ô nhiễm theo chủ trương của thành phố, sẽ được thành phố hỗ trợ 100% lãi vay đầu tư nhưng không vượt quá lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của 4 Chi nhánh Ngân hàng Thương mại quốc doanh tại thành phố Hồ Chí Minh (gồm Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương thành phố Hồ Chí Minh; Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh; Sở giao dịch II Ngân hàng Công thương Việt Nam; Sở giao dịch II Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) đối với 3 loại dự án sau đây :

- Xây dựng đường giao thông.

- Xây dựng nhà máy xử lý nước thải trung tâm.

- Xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cán bộ công nhân viên chức của các doanh nghiệp di dời như: Nhà trẻ, mẫu giáo, phòng khám bệnh.

Giao cho Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm thành phố căn cứ quyết định giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại khu công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của Ủy ban nhân dân thành phố và các dự án đầu tư xây dựng (3 loại dự án nêu trên) đã được cấp thẩm quyền phê duyệt để xem xét, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt mức hỗ trợ lãi vay cho chủ đầu tư.

Thủ tục để thực hiện hỗ trợ lãi vay gồm có:

- Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ cho đơn vị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại khu công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của thành phố.

- Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố về mức hỗ trợ lãi vay (cho việc đầu tư xây dựng 3 loại dự án đã nêu trên đây).

- Hồ sơ liên quan đến việc đầu tư xây dựng (3 loại) dự án trên đây như: Quyết định duyệt dự án của cấp có thẩm quyền, quyết định duyệt thiết kế-dự toán, quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, các hợp đồng kinh tế, lệnh khởi công, biên bản nghiệm thu khối lượng công trình...

- Hồ sơ liên quan đến việc vay vốn đầu tư xây dựng (3 loại) dự án trên đây như: Hợp đồng vay vốn, khế ước nhận nợ (kèm chứng từ giải ngân của bên cho vay), phiếu tính lãi tiền vay của bên cho vay, chứng từ trả nợ gốc và lãi vay của chủ đầu tư (bên vay).

- Công văn gởi Sở Tài chánh-Vật giá thành phố đề nghị thanh toán hỗ trợ lãi vay (trong công văn ghi rõ tài khoản của bên vay (chủ đầu tư dự án) mở tại ngân hàng nơi chủ đầu tư vay vốn).

3.3- Trong trường hợp vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê hoặc bán cho công nhân: (Được quy định tại điều 7, Quyết định số 81/2002/QĐ-UB)

Đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh sử dụng nhiều công nhân, (từ 1.000 người trở lên) khi di dời gặp khó khăn về nhà ở cho công nhân, nếu có vay vốn đầu tư xây dựng nhà để cho thuê hoặc bán cho công nhân của mình, sẽ được Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và quyết định hỗ trợ lãi vay với mức 3%/năm, thời gian hỗ trợ không quá 3 năm.

Việc hỗ trợ lãi vay được phân cấp thực hiện như sau:

3.3.1- Đối với các doanh nghiệp Nhà nước (Trung ương và địa phương) và Công ty Cổ phần (có vốn Nhà nước tham gia):

- Giao cho Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm thành phố căn cứ dự án đầu tư xây dựng nhà ở của doanh nghiệp, để xem xét trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư xây dựng nhà ở cho doanh nghiệp.

- Các thủ tục thực hiện hỗ trợ lãi vay được quy định như điểm 3.1.1 trên đây.

3.3.2- Đối với các đối tượng còn lại (Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Doanh nghiệp tư nhân và Hợp tác xã và hộ sản xuất cá thể) :

Giao cho Ủy ban nhân dân quận-huyện căn cứ dự án đầu tư xây dựng nhà ở của các chủ đầu tư có dự án đầu tư xây dựng nhà ở với tổng mức vốn đầu tư từ 5 tỷ đồng trở xuống, để xem xét và phê duyệt chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở cho các cơ sở sản xuất-kinh doanh thuộc địa bàn quản lý của mình.

Đối với chủ đầu tư có dự án đầu tư xây dựng nhà ở có tổng mức đầu tư từ 5 tỷ đồng trở lên giao cho Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm thành phố xác định chính sách ưu đãi này trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

- Các thủ tục pháp lý để được hỗ trợ lãi vay trong trường hợp này được quy định giống như điểm 3.1.2 trên đây.

Điều 4.- Trình tự và thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ lao động:

4.1- Đối với lao động mới tuyển dụng tại địa phương di dời đến (Được quy định tại điều 8, Quyết định số 81/2002/QĐ-UB)

Thủ tục để thực hiện chính sách này gồm có:

+ Danh sách số lao động mới được tuyển dụng tại địa điểm di dời đến (trong thời gian từ năm 2002 đến 2004).

+ Bản sao hộ khẩu thường trú của người lao động mới được tuyển dụng tại địa phương mà cơ sở sản xuất - kinh doanh di dời đến.

+ Hợp đồng lao động giữa cơ sở sản xuất - kinh doanh với người lao động mới được tuyển dụng từ 1 năm trở lên.

+ Phương án đào tạo, nâng cao tay nghề (của cơ sở sản xuất - kinh doanh) đối với số lao động mới được tuyển dụng.

Việc hỗ trợ lao động mới được tuyển dụng được phân cấp thực hiện như sau:

4.1.1- Đối với doanh nghiệp Nhà nước (Trung ương và địa phương) và Công ty cổ phần (có vốn Nhà nước tham gia) :

- Khi hoàn tất các thủ tục nêu tại điểm 4.1 trên đây doanh nghiệp gởi Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm thành phố xem xét trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định mức hỗ trợ.

Căn cứ quyết định phê duyệt mức hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tài chánh-Vật giá thành phố kiểm tra và cấp phát khoản chi hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

4.1.2- Đối với các đối tượng còn lại (Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Doanh nghiệp tư nhân, Hợp tác xã và các hộ sản xuất cá thể):

- Khi hoàn tất các thủ tục nêu tại điểm 4.1 trên đây, cơ sở sản xuất - kinh doanh nào thuộc đối tượng đã phân cấp cho các quận-huyện quyết định chính sách ưu đãi di dời thì gởi cho Ủy ban nhân dân quận-huyện đó xem xét quyết định mức hỗ trợ này.

Căn cứ quyết định duyệt mức hỗ trợ của Ủy ban nhân dân quận-huyện, phòng Tài chánh-Kế hoạch quận-huyện kiểm tra và cấp phát khoản kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh.

- Đối với các đối tượng còn lại (không phân cấp cho quận-huyện) giao Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm thành phố xem xét trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định mức hỗ trợ cho các đơn vị.

Căn cứ quyết định duyệt mức hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tài chánh-Vật giá thành phố kiểm tra và cấp phát cho các đơn vị.

4.2- Đối với lao động nghỉ việc khi Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện di dời có kết hợp sắp xếp lại doanh nghiệp (Được quy định tại điều 9, Quyết định số 81/2002/QĐ-UB):

- Đối với Doanh nghiệp Nhà nước Trung ương quản lý: Sau khi có quyết định di dời của cấp có thẩm quyền, doanh nghiệp liên hệ Bộ chuyên ngành hoặc Tổng Công ty Nhà nước để được hướng dẫn lập và thẩm định hồ sơ trình Bộ Tài chính xem xét giải quyết cụ thể các chính sách hỗ trợ cho số lao động dôi dư từ “Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư” do Bộ Tài chính quản lý theo Quyết định số 85/2002/QĐ- BTC ngày 01/7/2002 của Bộ Tài chính về việc “Ban hành quy chế quản lý và sử dụng quỹ”.

- Đối với Doanh nghiệp Nhà nước địa phương quản lý: Sau khi có quyết định di dời của Ủy ban nhân dân thành phố, doanh nghiệp liên hệ Sở Tài chánh-Vật giá thành phố để được hướng dẫn lập và thẩm định hồ sơ trình Bộ Tài chính quyết định các chính sách hỗ trợ đối với số lao động dôi dư từ Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư do Bộ Tài chính quản lý.

Điều 5.- Trình tự và thủ tục để thực hiện chính sách ưu đãi về thuế (Được quy định tại điều 4 Quyết định số 81/2002/QĐ-UB):

Để thực hiện chính sách ưu đãi về thuế quy định tại điều 4 quyết định số 81/2002/QĐ-UB , các cơ sở sản xuất - kinh doanh phải được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư. Về thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư được thực hiện theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ cụ thể là:

- Đối với hợp tác xã, cá nhân và nhóm kinh doanh hoạt động theo Nghị định số 66/HĐBT ngày 02/3/1992 của Hội đồng Bộ trưởng:

+ Tiếp nhận và thụ lý hồ sơ: Ủy ban nhân dân quận-huyện.

+ Cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư: Ủy ban nhân dân thành phố.

- Đối với doanh nghiệp tư nhân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Công ty Cổ phần, Công ty hợp danh, Liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp Nhà nước thuộc địa phương quản lý, doanh nghiệp thuộc các tổ chức chính trị-xã hội, hội nghề nghiệp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thành lập:

+ Tiếp nhận và thụ lý hồ sơ: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố.

+ Cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư: Ủy ban nhân dân thành phố.

- Đối với doanh nghiệp do cơ quan Trung ương quyết định thành lập:

+ Tiếp nhận và thụ lý hồ sơ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

+ Cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, các cơ sở sản xuất- kinh doanh liên hệ với cơ quan thuế trực tiếp quản lý về việc nộp thuế của cơ sở sản xuất - kinh doanh để thực hiện việc miễn, giảm thuế, miễn tiền thuê đất.

- Nếu cơ sở sản xuất - kinh doanh do Cục Thuế thành phố quản lý thì trực tiếp liên hệ với phòng quản lý theo ngành của Cục Thuế thành phố để được thực hiện các chính sách ưu đãi đã được quy định trong giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.

- Nếu cơ sở sản xuất - kinh doanh do Chi cục Thuế quận - huyện nào quản lý thì trực tiếp liên hệ với Chi cục Thuế quận-huyện đó để được thực hiện các chính sách ưu đãi đã quy định trong giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.

- Cục Thuế thành phố và các Chi cục Thuế quận-huyện phải có công văn trả lời cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh ngay sau khi nhận được đầy đủ bản sao hợp lệ giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.

- Riêng về tiền thuê đất: Các cơ sở sản xuất - kinh doanh liên hệ trực tiếp với Chi cục Thuế quận-huyện nơi đóng thuế, để được thực hiện việc miễn tiền thuê đất (nếu đơn vị có thuê đất của Nhà nước).

Điều 6.- Trình tự và Thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dời khác (Được quy định tại điều 10 Quyết định số 81/2002/QĐ-UB):

Thủ tục để thực hiện gồm có:

- Danh sách cán bộ công nhân viên chức hoặc số lao động hiện có của cơ sở sản xuất - kinh doanh.

- Bảng thanh toán lương hàng tháng (đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh) hoặc Bảng thanh toán tiền công hàng tháng (đối với hộ cá thể).

Việc hỗ trợ di dời khác được phân cấp thực hiện như sau:

6.1- Đối với doanh nghiệp Nhà nước (Trung ương và địa phương) và Công ty cổ phần (có vốn Nhà nước tham gia)

- Sau khi có đủ các thủ tục nêu trên, doanh nghiệp gởi cho Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm thành phố xem xét, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định mức hỗ trợ cho từng đơn vị.

- Căn cứ quyết định duyệt mức hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tài chánh-Vật giá thành phố kiểm tra và cấp phát khoản chi hỗ trợ này.

6.2- Đối với các đối tượng còn lại (Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Doanh nghiệp tư nhân, Hợp tác xã và Hộ sản xuất cá thể) :

- Sau khi có đủ các thủ tục nêu tại điểm 6 trên đây, các cơ sở sản xuất- kinh doanh nào thuộc đối tượng đã phân cấp cho quận-huyện quyết định chính sách ưu đãi di dời thì gởi cho Ủy ban nhân dân quận-huyện đó xem xét quyết định mức hỗ trợ này.

Căn cứ quyết định duyệt mức hỗ trợ của Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phòng Tài chánh-Kế hoạch quận-huyện kiểm tra và cấp phát cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh.

- Đối với các đối tượng còn lại (không phân cấp cho quận-huyện) giao Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm thành phố xem xét trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định mức hỗ trợ cho các đơn vị.

Căn cứ quyết định duyệt mức hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tài chánh-Vật giá thành phố kiểm tra và cấp phát khoản chi hỗ trợ này.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7.- Việc kiểm tra và cấp phát các khoản ưu đãi nêu trong Quyết định này được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ của các cơ sở sản xuất - kinh doanh gởi đến.

Điều 8.- Hàng năm căn cứ tiến độ thực hiện chương trình di dời ô nhiễm của thành phố, Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm thành phố có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Sở-ngành liên quan và Ủy ban nhân dân quận-huyện để đề xuất bố trí kế hoạch vốn cho chương trình di dời ô nhiễm, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét phê duyệt.

Điều 9.- Định kỳ hàng qúy, Cục Thuế thành phố, Sở Tài chánh-Vật giá thành phố, Ủy ban nhân dân quận-huyện và Phòng Tài chánh-Kế hoạch quận-huyện có nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện các nội dung công việc theo chức năng nhiệm vụ được giao trong Quyết định này gởi Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm thành phố tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 10.- Tổ chức thực hiện :

1- Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm thành phố có nhiệm vụ thực hiện và triển khai quyết định này cho các đơn vị có liên quan để thực hiện kịp thời các chính sách ưu đãi di dời ô nhiễm môi trường của thành phố cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn thành phố.

2- Các Bộ - ngành Trung ương, các Sở-ban-ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận-huyện có nhiệm vụ thực hiện và hướng dẫn đầy đủ các thủ tục thực hiện các chính sách ưu đãi di dời ô nhiễm đã quy định trong quyết định này cho các đối tượng liên quan thuộc quyền quản lý của mình thực hiện.

3- Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc phải điều chỉnh bổ sung cho phù hợp thực tế, Ban chỉ đạo di dời ô nhiễm, Thủ trưởng các Sở-ban-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và các cơ sở sản xuất - kinh doanh phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết./.

 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 08/2003/QĐ-UB phân cấp và quy định trình tự thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất - kinh doanh gây ô nhiễm môi trường Thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 08/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/01/2003
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Mai Quốc Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản