Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2013/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 07 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THÀNH PHẦN VÀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐNDUBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức;

Căn cứ Thông tư số 03/2006/TT-BNV ngày 08 tháng 02 năm 2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 145/TTr-SNV ngày 22 tháng 4 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thành phần và quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật đối với cán bộ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và bãi bỏ các nội dung quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức cấp xã tại Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2010 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế tuyển dụng, chế độ tập sự đối với công chức ở xã, phường, thị trấn; Quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La (từ Điều 15 đến Điều 20 Chương IV “Kỷ luật cán bộ, công chức cấp xã”).

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Thường trực UBND tỉnh;
- Cục kiểm tra VB-Bộ Tư pháp;
- Vụ Chính quyền địa phương-Bộ Nội vụ;
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo VP, CVCK ;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT, NC, D80b

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cầm Ngọc Minh

 

QUY ĐỊNH

THÀNH PHẦN VÀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND ngày 07/ 5/2013 của UBND tỉnh Sơn La)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Quy chế này quy định thành phần và quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật đối với cán bộ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La, bao gồm các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) khi có hành vi vi phạm pháp luật, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng phải xem xét xử lý kỷ luật theo một trong những hình thức sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Cách chức;

d) Bãi nhiệm

2. Miễn nhiệm, bãi nhiệm cán bộ chuyên trách HĐND và UBND cấp xã thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003.

3. Các chức danh cán bộ quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu được điều động sang làm ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác, hoặc đang nghỉ chờ giải quyết chế độ, mới phát hiện vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức quy định tại Khoản 1 Điều này thì Hội đồng kỷ luật được thành lập để xử lý kỷ luật cán bộ cũng áp dụng theo quy chế này.

4. Quy chế này không áp dụng đối với Cán bộ cấp xã giữ các chức vụ trong Đảng, Mặt trận, Đoàn thể khi vi phạm kỷ luật thì xử lý theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam và điều lệ của tổ chức chính trị - xã hội mà cán bộ là người giữ chức vụ trong tổ chức đó.

Điều 2. Nguyên tắc xem xét xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã

Nguyên tắc xem xét xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã thực hiện theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

Điều 3. Các trường hợp bị xử lý kỷ luật

1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ; đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ; những việc cán bộ không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008 trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.

2. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ; vi phạm việc thực hiện quy chế làm việc và những việc cán bộ cấp xã không được làm quy định tại các Điều 8, 9 và Điều 11 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ.

3. Vi phạm pháp luật bị Tòa án tuyên bố có tội hoặc bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm pháp luật.

4. Vi phạm việc quản lý và sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp. Gian dối trong kê khai hồ sơ lý lịch.

5. Trong trường hợp được cử đi học tập, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ vi phạm quy chế đào tạo.

6. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ cấp xã nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Các trường hợp khác theo quy định pháp luật.

Điều 4. Những trường hợp chưa xem xét kỷ luật; trường hợp không áp dụng các hình thức kỷ luật

Những trường hợp chưa xem xét kỷ luật; trường hợp không áp dụng các hình thức kỷ luật thực hiện theo quy định tại Điều 3, 4 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 năm 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

Chương II

HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT

Điều 5. Thành phần và thẩm quyền thành lập Hội đồng kỷ luật

1. Thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật:

Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét kỷ luật cán bộ vi phạm. Thành phần Hội đồng kỷ luật gồm 5 thành viên:

- Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện;

- Một ủy viên là đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức huyện ủy;

- Một ủy viên là đại diện lãnh đạo Liên đoàn lao động cấp huyện;

- Một ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là Trưởng phòng hoặc Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện;

- Một ủy viên là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã;

2. Những người có quan hệ gia đình với cán bộ cấp xã vi phạm kỷ luật không được tham gia thành viên Hội đồng kỷ luật, bao gồm:

a) Cha, mẹ đẻ;

b) Cha, mẹ vợ (hoặc chồng);

c) Cha, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng được pháp luật thừa nhận;

d) Vợ hoặc chồng của người vi phạm;

đ) Anh, chị, em ruột; anh, chị, em dâu (rể) được pháp luật thừa nhận;

e) Con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi được pháp luật thừa nhận.

3. Trong trường hợp Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND của cùng một đơn vị cấp xã đều vi phạm kỷ luật, thì Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ định một người là đại diện lãnh đạo thường trực HĐND hoặc UBND xã đó làm thành viên.

Trường hợp có nhiều cán bộ (quy định tại Khoản 1, Điều 1 của Quy chế này) trong cùng một đơn vị vi phạm kỷ luật, thì Hội đồng kỷ luật (được thành lập theo quy định tại Điều 3 của Quy chế này) được xem xét xử lý kỷ luật nhiều cán bộ vi phạm trong cùng một phiên họp. Biên bản cuộc họp được lập theo trình tự xem xét kỷ luật đối với từng cán bộ cấp xã vi phạm.

4. Các trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật:

a) Cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật bị phạt tù mà không được hưởng án treo;

b) Trường hợp cán bộ bị xem xét xử lý kỷ luật khi đã có kết luận về hành vi vi phạm pháp luật của cấp ủy, tổ chức Đảng theo quy định của phân cấp quản lý cán bộ thì không thành lập Hội đồng kỷ luật.

5. Trong thời gian hoạt động, Hội đồng kỷ luật được sử dụng con dấu của UBND cấp huyện và Hội đồng tự giải thế sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 6. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng kỷ luật và các thành viên Hội đồng kỷ luật

1. Chậm nhất sau 10 ngày, kể từ khi Hội đồng được thành lập, Chủ tịch Hội đồng phải tổ chức cuộc họp để xem xét việc kỷ luật. Hội đồng kỷ luật có chức năng, nhiệm vụ tư vấn cho Chủ tịch UBND cấp huyện áp dụng hình thức kỷ luật đối với cán bộ cấp xã vi phạm pháp luật, phù hợp với mức độ vi phạm và các hình thức kỷ luật do pháp luật quy định.

2. Trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng

a) Yêu cầu người vi phạm làm bản kiểm điểm, tường trình nội dung sự việc, tự nhận xét về tính chất và mức độ sai phạm, nguyên nhân, phương hướng khắc phục (nếu có) và tự đề xuất hình thức kỷ luật tương ứng đối với hành vi vi phạm;

b) Triệu tập và chủ trì cuộc họp Hội đồng kỷ luật;

c) Nghiên cứu hồ sơ, xem xét sự việc; liên hệ với các cơ quan chức năng điều tra, thanh tra, kiểm tra, nắm chắc sự việc để đưa ra Hội đồng kỷ luật;

d) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật ký ban hành các văn bản liên quan đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng hình thức kỷ luật đối với cán bộ.

3. Các ủy viên có nhiệm vụ, quyền hạn

a) Tham dự cuộc họp của Hội đồng và tham gia các ý kiến có liên quan;

b) Biểu quyết kiến nghị hình thức kỷ luật đối với cán bộ vi phạm.

4. Trách nhiệm của Thư ký Hội đồng kỷ luật

Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, ghi biên bản cuộc họp của Hội đồng kỷ luật.

Điều 7. Các thành phần được mời dự họp cùng Hội đồng kỷ luật

Tuỳ theo tính chất, mức độ, nội dung vi phạm pháp luật của cán bộ cấp xã, Hội đồng kỷ luật có thể mời đại diện lãnh đạo của cơ quan, tổ chức có liên quan dự cuộc họp của Hội đồng kỷ luật. Các thành phần mời dự họp được phát biểu ý kiến và đề xuất hình thức kỷ luật đối với cán bộ cấp xã vi phạm pháp luật nhưng không được biểu quyết về hình thức kỷ luật.

Điều 8. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỷ luật

Thực hiện theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

Điều 9. Quy trình xem xét kỷ luật

1. Công tác chuẩn bị họp Hội đồng kỷ luật.

a) Cán bộ cấp xã vi phạm kỷ luật phải làm bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật.

b) Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức và chủ trì cuộc họp để người vi phạm kỷ luật kiểm điểm trước tập thể UBND cấp xã (đối với trường hợp xem xét kỷ luật là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã) hoặc trước Thường trực HĐND và các Tổ trưởng Tổ Đại biểu HĐND cấp xã (đối với trường hợp xem xét kỷ luật là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch HĐND cấp xã).

c) Hồ sơ trình Hội đồng kỷ luật gồm:

- Bản tự kiểm điểm của người vi phạm kỷ luật;

- Biên bản cuộc họp kiểm điểm của người vi phạm trước tập thể UBND xã hoặc trước Thường trực HĐND và các Tổ trưởng Tổ Đại biểu HĐND cấp xã;

- Trích ngang sơ yếu lý lịch của người vi phạm kỷ luật;

- Các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc xem xét xử lý kỷ luật.

2. Người vi phạm kỷ luật được Hội đồng kỷ luật gửi giấy báo triệu tập trước khi Hội đồng kỷ luật họp 7 ngày.

Trường hợp nếu người vi phạm vắng mặt, thì phải có lý do chính đáng. Nếu đã gửi giấy báo 02 lần mà đương sự vẫn vắng mặt hoặc trường hợp người vi phạm kỷ luật không chịu viết bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật thì Hội đồng kỷ luật vẫn họp để xem xét và đề nghị hình thức kỷ luật.

Điều 10. Trình tự họp Hội đồng kỷ luật.

Thực hiện theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

Điều 11. Quyết định kỷ luật

1. Trình tự ra quyết định kỷ luật

a) Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có văn bản (kèm theo biên bản, các hồ sơ tài liệu có liên quan) gửi Chủ tịch UBND cấp huyện.

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ, tài liệu của Hội đồng kỷ luật, Chủ tịch UBND cấp huyện phải ra quyết định kỷ luật bằng văn bản.

c) Trường hợp hình thức đề nghị kỷ luật của Hội đồng kỷ luật khác với ý kiến của Chủ tịch UBND cấp huyện mà sau khi trao đổi, thảo luận không thống nhất thì Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định hình thức kỷ luật đối với cán bộ vi phạm và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

2. Quyết định kỷ luật phải ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành.

3. Sau 12 tháng kể từ ngày có Quyết định kỷ luật, nếu cán bộ không tái phạm hoặc không có những vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì đương nhiên được chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật. Cấp có thẩm quyền ban hành quyết định kỷ luật không phải ra Quyết định chấm dứt hiệu lực của Quyết định lỷ luật.

4. Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ cán bộ. Hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của cán bộ.

Điều 12. Khiếu nại

Cán bộ bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Điều 13. Quy định đối với cán bộ bị kỷ luật oan, sai

Trường hợp cán bộ cấp xã bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự mà đã được cấp có thẩm quyền kết luận là oan, sai thì ngoài việc được phục hồi về danh dự và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, còn được bố trí công tác phù hợp, được hưởng mức lương tương ứng với mức lương trước khi bị xử lý kỷ luật; thời gian thi hành quyết định kỷ luật mà sau đó được kết luận là oan, sai thì được tính vào thời gian để nâng bậc lương.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

- Tổ chức thực hiện việc xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã vi phạm kỷ luật ghi tại Khoản 1, Điều 1 Quy chế này.

- Các quy định liên quan đến thời hạn, thời hiệu, áp dụng hình thức kỷ luật và các quy định khác có liên quan đến việc xem xét kỷ luật, thi hành quyết định kỷ luật, chế độ chính sách đối với cán bộ trong thời gian thi hành kỷ luật được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp việc triển khai tổ chức thực hiện quy chế này, định kỳ cuối năm báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Giám đốc Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 07/2013/QĐ-UBND Quy định thành phần và Quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật đối với cán bộ cấp xã do tỉnh Sơn La ban hành

  • Số hiệu: 07/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/05/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Cầm Ngọc Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/05/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 15/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản