Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2009/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 25 tháng 02 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;

Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 612/TTr-STTTT ngày 09/9/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Thị Nga

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 07/2009/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2009 của UBND tỉnh Đồng Nai)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai là cơ quan quản l‎ý Nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh bao gồm: Quản l‎ý báo chí của tỉnh; cấp phép và quản l‎ý hoạt động của các văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí Trung ương, báo chí địa phương khác hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện chức năng quản l‎ý Nhà nước về hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh.

Sở Ngoại vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hoạt động báo chí của các tổ chức nước ngoài được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Công tác quản l‎ý Nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

1. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí ở địa phương theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Tham gia xem xét các đề nghị của cơ quan chủ quản về việc đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.

3. Quản l‎ý hoạt động của các cơ quan báo chí, nhà báo trên địa bàn tỉnh; quản lý và hỗ trợ việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí.

4. Quản lý và cấp phép hoạt động:

a) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ nhà báo cho phóng viên thuộc các cơ quan báo chí của tỉnh có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

b) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động báo chí, giấy phép xuất bản các ấn phẩm báo chí theo quy định của pháp luật cho các cơ quan báo chí và cơ quan, tổ chức khác của địa phương.

5. Kiến nghị các chính sách, chế độ về hoạt động báo chí. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ về báo chí.

6. Tổ chức quản l‎ý thông tin báo chí.

7. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chế độ lưu chiểu theo quy định của Luật Báo chí và quy định tại Điều 16 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

8. Xem xét cho phép các cơ quan báo chí Trung ương, các cơ quan báo chí địa phương khác đặt văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

9. Thanh tra, kiểm tra hoặc chủ trì phối hợp kiểm tra việc thực hiện Luật Báo chí và xử l‎ý vi phạm các quy định về báo chí.

10. Nhắc nhở và kiểm tra các tổ chức, người có trách nhiệm và cơ quan báo chí trả lời hoặc cải chính trên báo.

Điều 3.

Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan với nước ngoài có hoạt động thông tin, xuất bản, phát hành các ấn phẩm mang tính báo chí trên địa bàn tỉnh phải chấp hành đúng quy định pháp luật về báo chí và các quy định có liên quan.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú

1. Cơ quan báo chí có nhu cầu thành lập văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phải có đủ điều kiện về nhân sự, trụ sở và phải được sự đồng ‎ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, phải thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Nai và Bộ Thông tin và Truyền thông biết.

2. Các cơ quan báo chí Trung ương, cơ quan báo chí của địa phương khác có nhu cầu hoạt động tại tỉnh Đồng Nai phải làm thủ tục xin phép mở văn phòng đại diện. Hồ sơ xin cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện của cơ quan báo chí gồm:

a) Công văn của cơ quan báo chí nêu rõ: Tên đơn vị, mục đích, nhiệm vụ, thời gian hoạt động, địa điểm đặt trụ sở, đối tượng phục vụ, phạm vi và phương thức phát hành;

b) Văn bản đồng ý của cơ quan chủ quản;

c) Bản sao công chứng giấy phép thành lập cơ quan báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;

d) Quyết định thành lập văn phòng đại diện và quyết định bổ nhiệm cán bộ quản lý;

e) Lý lịch của Trưởng đại diện hoặc người phụ trách;

g) Danh sách trích ngang của cán bộ, phóng viên, nhân viên;

h) Hồ sơ liên quan đến địa điểm đặt trụ sở: Giấy xác nhận quyền sở hữu nhà hoặc hợp đồng thuê, mượn nhà của chủ sở hữu với cơ quan báo chí (kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật hiện hành). Nếu thuê, mượn nhà thuộc sở hữu của Nhà nước để làm trụ sở thì phải có văn bản đồng ý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Sở Xây dựng).

3. Trường hợp cơ quan báo chí không có văn phòng đại diện thì khi cử phóng viên thường trú phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông biết.

4. Khi thay đổi địa điểm, người đứng đầu văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cơ quan báo chí phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông biết.

Điều 5. Quản lý phóng viên

Thủ trưởng các cơ quan báo chí địa phương, người phụ trách văn phòng đại diện chịu trách nhiệm về đội ngũ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên do báo giới thiệu hoạt động nghiệp vụ. Các cơ quan báo chí địa phương chọn cộng tác viên là người Việt Nam đang ở nước ngoài hoặc người có quốc tịch nước ngoài phải có báo cáo và được sự đồng ý của cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 6. Nguyên tắc phát tin

1. Thực hiện nghiêm chỉnh Điều 10 của Luật Báo chí.

2. Báo chí đưa tin về chủ trương, chính sách, quyết định, văn bản pháp luật của tỉnh Đồng Nai phải căn cứ vào nguồn tin chính thức của cơ quan và người có thẩm quyền, thực hiện theo quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của tỉnh Đồng Nai được ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND ngày 04/01/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

3. Khi đưa tin về các vụ án đã có quyết định khởi tố và đang trong quá trình điều tra, báo chí phải thực hiện theo đúng khoản 2, Điều 7 của Luật Báo chí.

Điều 7. Chế độ lưu chiểu báo chí

Báo chí, bản tin xuất bản và phát hành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thực hiện chế độ lưu chiểu theo quy định của Luật Báo chí và tại Điều 16 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ, phải ghi rõ: Báo chí nộp lưu chiểu, số lượng phát hành, ngày, giờ nộp lưu chiểu, chữ ký của Tổng Biên tập hoặc người được ủy quyền.

Đài Phát thanh - Truyền hình có trách nhiệm lưu giữ nội dung thông tin đã truyền dẫn, phát sóng trong thời gian bốn mươi lăm ngày kể từ ngày truyền dẫn, phát sóng.

Điều 8. Họp báo

1. Tất cả các tổ chức, công dân muốn họp báo tại tỉnh Đồng Nai phải báo bằng văn bản với Sở Thông tin và Truyền thông trước hai mươi bốn (24) giờ đồng hồ (trong giờ hành chính) trước khi họp báo.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ủy quyền cho Sở Thông tin và Truyền thông xem xét cho phép họp báo đối với các nội dung hoạt động đã có chủ trương của cấp thẩm quyền.

Các cuộc họp báo có người nước ngoài tham dự, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Ngoại vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cho phép họp báo.

Các cuộc họp báo ở tỉnh Đồng Nai có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông phải đăng ký giấy phép tại Sở Thông tin và Truyền thông.

2. Nội dung văn bản xin phép họp báo phải ghi rõ: Tổ chức (hoặc cá nhân) xin phép họp báo, mục đích, nội dung, người chủ trì, đối tượng, thời gian và địa điểm tổ chức họp báo.

3. Việc họp báo chỉ được tổ chức sau khi cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí đồng ý bằng văn bản.

4. Các cơ quan, tổ chức, đoàn đại biểu, cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu họp báo tại tỉnh Đồng Nai phải thực hiện các quy định về hoạt động báo chí nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 9. Quảng cáo

Báo chí được đăng, phát sóng quảng cáo. Nội dung quảng cáo phải tách biệt với nội dung tuyên truyền. Việc đăng, phát quảng cáo trên báo chí phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo.

Điều 10. Chế độ báo cáo

Các cơ quan báo chí địa phương, văn phòng đại diện phải định kỳ báo cáo tình hình hoạt động (tháng, quý, năm); báo cáo số lượng cán bộ, phóng viên của đơn vị mình và những báo cáo đột xuất với Sở Thông tin và Truyền thông. Khi có sự thay đổi về nhân sự, trụ sở phải có văn bản báo cáo cho Sở Thông tin và Truyền thông.

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 11. Khen thưởng trong lĩnh vực báo chí

Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Hội Nhà báo, Sở Thông tin và Truyền thông xem xét, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và Bộ Thông tin và Truyền thông khen thưởng đối với cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức và công dân có thành tích và cống hiến vào hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về thi đua - khen thưởng.

Điều 12. Xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí

1. Thanh tra chuyên ngành của Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh. Việc xử lý vi phạm và thẩm quyền xử phạt, thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Quyết định xử lý vi phạm về hoạt động báo chí được thông báo đến cơ quan chủ quản báo chí. Cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí tiếp thu và có hình thức kiểm điểm, xử lý theo thẩm quyền.

3. Khi có khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với báo chí của tỉnh, các cơ quan nhận được đơn thư sẽ xử lý theo Luật Báo chí và Luật Khiếu nại tố cáo, thông báo kết quả xử lý cho Sở Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13.

Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng với các ngành liên quan tổ chức hướng dẫn triển khai và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

Điều 14.

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc; các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện và các tổ chức báo chí kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội trên địa bàn tỉnh và theo quy định của pháp luật./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 07/2009/QĐ-UBND về Quy định quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu: 07/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/02/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Huỳnh Thị Nga
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản