Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2009/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 27 tháng 6 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ GIẢI TỎA HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1856/QĐ-TTG NGÀY 27/12/2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về việc bổ sung, sửa đổi một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần;

Căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện nghĩa vụ quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;

Căn cứ Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;

Căn cứ Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Thông tư liên tịch số 14/2008/TTLT-BTC-BTNMT ngày 31 tháng 01 năm 2008 của liên Bộ Tài chính - Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý đường đô thị; Thông tư số 13/2005/TT-BGTVT ngày 01 tháng 11 năm 2005 của Bộ Giao thông Vận tải về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Thực hiện Thông báo số 730-TB/TU ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Tỉnh ủy Tuyên Quang, thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy ngày 16 tháng 4 năm 2009; Kết luận số 54-KL/TU ngày 27 tháng 4 năm 2009 của Tỉnh ủy Tuyên Quang về kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy (kỳ thứ 41);

Căn cứ Quyết định số 49/QĐ-UBND ngày 22 tháng 02 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết tồn tại, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;

Sau khi xem xét đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 575/TTr-STC ngày 27 tháng 5 năm 2009 về ban hành cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Công Thương; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Đỗ Văn Chiến

 

QUY ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ GIẢI TỎA HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1856/QĐ-TTG NGÀY 27/12/2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2009/QĐ-UBND ngày 27/6/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi: Quy định này quy định chính sách hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ "về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt".

2. Đối tượng áp dụng:

a) Tổ chức, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi toàn tỉnh vi phạm hành lang an toàn đường bộ phải giải tỏa theo quy định của pháp luật.

b) Các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, UBND các huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn; Tổ công tác liên ngành giải quyết tồn tại, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được thành lập tại Quyết định số 49/QĐ-UBND ngày 22/02/2008 của UBND tỉnh; cơ quan thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ.

Điều 2. Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ

1. Việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ đối với các tổ chức, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất để giải tỏa hành lang an toàn đường bộ theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được thực hiện theo đúng các quy định tại các văn bản:

- Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

- Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ về việc bổ sung, sửa đổi một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần;

- Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện nghĩa vụ quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;

- Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;

- Các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ, ngành liên quan và các Quy định hiện hành của UBND tỉnh về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mục đích phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

2. Việc hỗ trợ đối với tài sản trên đất vi phạm hành lang an toàn đường bộ được thực hiện theo mức hỗ trợ quy định tại Điều 3 bản Quy định này.

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nội dung và mức hỗ trợ

1. Nhà, công trình kiến trúc đã xây dựng vi phạm chỉ giới hành lang an toàn đường bộ nhưng được UBND cấp xã xác nhận là từ khi xây dựng chưa có văn bản ngăn chặn hoặc xử lý của cấp có thẩm quyền thì khi giải toả hành lang an toàn đường bộ được hỗ trợ 70% theo đơn giá bồi thường, hỗ trợ về nhà, vật kiến trúc và được hỗ trợ chi phí di chuyển theo đúng quy định của UBND tỉnh tại thời điểm giải tỏa.

2. Nhà, công trình kiến trúc xây dựng trên đất nằm trong chỉ giới hành lang an toàn đường bộ đã được bồi thường, hỗ trợ mà chưa tháo dỡ; nhà, vật kiến trúc thuộc diện tái lấn chiếm; nhà, vật kiến trúc khi xây dựng đã có văn bản ngăn chặn, xử lý của cấp có thẩm quyền thì không được bồi thường, hỗ trợ mà chủ tài sản phải tự tháo dỡ theo đúng thời hạn quy định của UBND cấp huyện; nếu không tự tháo dỡ thì cưỡng chế tháo dỡ theo quy định của pháp luật.

3. Cây cối hoa màu nằm trên diện tích đất vi phạm hành lang an toàn đường bộ thuộc diện giải toả do che khuất tầm nhìn hoặc không đảm bảo khoảng cách quy định tại Điều 25 Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ thì hỗ trợ chi phí phá dỡ, chặt hạ bằng 70% theo đơn giá bồi thường cây cối hoa màu của UBND tỉnh.

4. Trường hợp chủ tài sản đã nhận kinh phí hỗ trợ nhưng không tháo dỡ nhà, công trình kiến trúc, chặt hạ cây cối hoa màu để giải toả hành lang an toàn đường bộ trong thời hạn quy định của UBND cấp huyện về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ thì UBND cấp huyện phải thu hồi lại kinh phí đã hỗ trợ và tổ chức tháo dỡ nhà, công trình kiến trúc, chặt hạ cây cối hoa màu để giải toả hành lang đường bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Chi phí phục vụ việc giải toả hành lang an toàn đường bộ

1. Chi phí máy móc, thiết bị thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ nhà, công trình kiến trúc, cây cối hoa màu vi phạm hành lang an toàn đường bộ theo định mức, đơn giá hiện hành của nhà nước.

2. Chi hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ làm công tác kiểm kê giải toả hành lang an toàn đường bộ 20.000 đồng/người/ngày thực tế.

3. Cán bộ tự túc phương tiện đi làm công tác giải tỏa hành lang an toàn đường bộ cách trụ sở cơ quan từ 15 km trở lên thì được hỗ trợ bằng tiền để mua xăng xe với mức là 2,5 lít xăng A92/100 km thực tế đi công tác theo giá thị trường tại thời điểm đi công tác.

Điều 5. Nguồn kinh phí thực hiện:

- Các tuyến Quốc lộ: Vốn ngân sách Trung ương.

- Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị: Vốn ngân sách của tỉnh.

- Hệ thống đường huyện, đường xã: Vốn ngân sách của UBND các huyện, thị xã.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Quy định này được phổ biến rộng rãi đến toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh biết để thực hiện và giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan trong việc xét duyệt, chi trả, thanh toán bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ.

Điều 7. Giao trách nhiệm:

1. Sở Giao thông Vận tải:

a) Quy định cụ thể về thời điểm xây dựng công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ cho từng tuyến đường phải giải tỏa hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh để làm căn cứ tính mức hỗ trợ.

b) Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã xây dựng và thực hiện kế hoạch giải toả đối với các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị trên địa bàn tỉnh theo lộ trình tại Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

c) Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã tổng hợp kinh phí giải tỏa hành lang đường bộ các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh theo quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Tổ chức thực hiện việc rà soát lại diện tích đất trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân và tổ chức, xây dựng phương án thu hồi diện tích đã cấp.

b) Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ các tuyến Quốc lộ và hệ thống đường tỉnh, đường đô thị trình người có thẩm quyền phê duyệt.

3. Sở Tài chính:

a) Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc cân đối nguồn vốn ngân sách của tỉnh để thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ hệ thống đường tỉnh, đường đô thị theo quy định.

b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ các tuyến Quốc lộ và hệ thống đường tỉnh, đường đô thị theo quy định.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính xem xét việc cân đối nguồn vốn ngân sách của tỉnh để thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ hệ thống đường tỉnh, đường đô thị theo quy định.

5. Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức thẩm định dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ các tuyến Quốc lộ và hệ thống đường tỉnh, đường đô thị theo quy định.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:

a) Tuyên truyền, thông báo đến các tổ chức, cá nhân có công trình xây dựng trong hành lang an toàn đường bộ về các quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn đường bộ.

b) Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã quy định tại Khoản 10, Điều 2 Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

c) Lập dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị qua địa bàn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành có liên quan thẩm định theo đúng quy định hiện hành. Bố trí nguồn vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ hệ thống đường huyện, đường xã theo phân cấp quản lý đường bộ.

Điều 8. Quy định này là căn cứ để lập dự toán, thực hiện bồi thường, hỗ trợ và thanh toán, quyết toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết, yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo bằng văn bản về Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến giải quyết kịp thời./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 07/2009/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ theo Quyết định 1856/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

  • Số hiệu: 07/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/06/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Đỗ Văn Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản