Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
07/2000/QĐ-UB-NC | TP.Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 02 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA UBND THÀNH PHỐ VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2000 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng pháp luật năm 2000 ;
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ cho cán bộ, công chức và các đối tượng nhân dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ;
Theo đề nghị của Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2000 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Căn cứ vào Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2000 của thành phố, Ủy ban nhân dân các quận-huyện, các sở-ban-ngành, đoàn thể thành phố xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2000, kế hoạch quý của cơ quan, đơn vị mình.
Điều 3. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố căn cứ vào Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2000 của thành phố, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân các quận-huyện, sở-ban-ngành, đoàn thể thành phố trong việc thực hiện kế hoạch. Hàng quý có tổng hợp tình hình báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận-huyện, Giám đốc các sở-ban-ngành thành phố chịu trách nhiệm thực hiện quyết định này./.
Nơi nhận | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| TP.Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 02 năm 2000 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬTNĂM 2000 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07 /2000/QĐ-UB-NC ngày 01 tháng 02 năm 2000 của Ủy ban nhân dân thành phố)
I. Mục đích :
1. Nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật cho cán bộ-công chức trong bộ máy Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động trong các loại hình doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng, góp phần giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn dân cư và tại các cơ quan, đơn vị.
2. Thông qua công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật hình thành nếp sống có văn hóa, có kỷ cương và tác phong "Sống, làm việc theo Hiến pháp, Pháp luật". Đảm bảo sự đoàn kết nhất trí cao trong nhân dân, phục vụ cho công cuộc đổi mới của đất nước.
3. Coi việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là biện pháp phục vụ đắc lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng và những nhiệm vụ khác của địa phương. Gắn việc hiểu biết pháp luật với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.
II. Yêu cầu :
1. Các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị cần quán triệt lại Chỉ thị 02/1998/CT-TTg ngày 07 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay" để tổ chức thực hiện tốt công tác này ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
2. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần chỉ đạo tập trung, thường xuyên liên tục phù hợp với nhiệm vụ, tình hình, đặc điểm của từng địa phương, hỗ trợ cho địa phương, đơn vị hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm.
3. Nâng cao trách nhiệm của các Hội đồng phối hợp cấp thành phố, quận-huyện, sở-ngành. Thực hiện tốt việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai kế hoạch ; biện pháp, hình thức tuyên truyền. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, nhận xét để không ngừng nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
4. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần được gắn chặt với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đảm bảo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong thực hiện các quy định của pháp luật.
5. Phát huy tính tích cực, chủ động và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp trong phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở.
III. Nội dung, đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật :
1. Những nội dung văn bản pháp luật đã được Quốc hội thông qua từ năm 1999 trở về trước.
- Bộ luật Dân sự : Cần tập trung vào những quy định có liên quan nhiều đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, những loại quan hệ dân sự mà nhân dân thường giao dịch như : Các nguyên tắc của Bộ luật Dân sự, các quyền nhân thân phi tài sản ; Phần tài sản quyền sở hữu ; Phần Hợp đồng dân sự nghĩa vụ dân sự ; Phần thừa kế trong Bộ luật Dân sự.
- Bộ luật Lao động : Cần tập trung vào các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động ; Quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi ; Quy định về việc làm, Hợp đồng lao động ; Quy định về lao động nữ, về an toàn lao động và các quy định về việc giải quyết các tranh chấp lao động.
- Luật Hôn nhân gia đình : Cần tập trung vào các quy định về quyền và nghĩa vụ vợ chồng, trách nhiệm của cha mẹ, vợ chồng, con ; Các quy định về kết hôn, ly hôn, giám hộ, nuôi con nuôi,v.v... Khi tuyên truyền phổ biến Luật hôn nhân và gia đình, cần kết hợp phổ biến Nghị định 83/CP về đăng ký hộ tịch.
- Luật Đất đai : Cần tập trung làm rõ quy định về nội dung quyền sở hữu đất đai ; Việc phân loại đất ; Việc sử dụng các loại đất ; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Khi tuyên truyền phổ biến Luật đất đai năm 1993 cần chú ý đến một số điều bổ sung trong "Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đất đai" năm 1998 kết hợp phổ biến Nghị định 17/CP về việc thực hiện 5 quyền của người sử dụng đất.
- Luật Khiếu nại tố cáo : Cần làm rõ khái niệm khiếu nại, tố cáo ; trình tự thủ tục để thực hiện quyền khiếu nại tố cáo của công dân. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo của các cấp. Quyền giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc,v.v... Khi tuyên truyền, phổ biến Luật khiếu nại tố cáo cần kết hợp các quy định cụ thể trong Nghị định 64/CP hướng dẫn thực hiện Luật khiếu nại tố cáo.
- Luật Giáo dục : Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 1999 có liên quan nhiều đến ngành Giáo dục. Vì vậy cần tập trung vào các đối tượng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên. Khi tuyên truyền, phổ biến cần đi sâu vào các quy định về hệ thống giáo dục quốc dân, quy định về nhà trường và các cơ sở giảng dạy khác. Quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, người học,v.v...
Ngoài một số Luật đã nêu trên ; các quận-huyện, sở-ngành tùy thuộc vào nhu cầu của từng cơ quan đơn vị để tổ chức phổ biến các Luật khác như : Luật nghĩa vụ quân sự ; Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em ; Luật Môi trường ; Luật Mặt trận,v.v...
- Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính : Cần phân biệt rõ giữa hành chính và hình sự. Các hình thức xử phạt hành chính, xử lý hành chính ; Các quy định về thẩm quyền xử phạt, xử lý hành chính ; Khi tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính cần chú ý đến các mảng xử lý, xử phạt hành chính được quy định ở các Nghị định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh này.
- Pháp lệnh dân quân tự vệ và Pháp lệnh dự bị động viên : Cần làm rõ các quy định của Nhà nước về dân quân tự vệ. Đối tượng tham gia dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên. Quyền và nghĩa vụ của lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên.
- Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở : Cần làm rõ mục đích ý nghĩa của công tác hòa giải ; Các loại vụ việc được hòa giải, không được hòa giải ; Trình tự thủ tục hòa giải. Đồng thời làm rõ sự khác nhau của hòa giải cơ sở và hòa giải bắt buộc ở Tòa án, ở cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngoài những văn bản trên, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành rất nhiều Pháp lệnh trên nhiều lĩnh vực khác nhau do vậy các đơn vị địa phương tùy vào điều kiện hoàn cảnh và nhu cầu phục vụ cho chức năng, nhiệm vụ của mình để tuyên truyền, phổ biến cho phù hợp. Ví dụ đối với cán bộ công chức cần tuyên truyền 3 Pháp lệnh : Cán bộ công chức, Pháp lệnh chống tham nhũng, Pháp lệnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí,v.v...
2. Một số nội dung văn bản pháp luật có hiệu lực trong năm 2000 :
Trong năm 2000 cần tập trung tuyên truyền, phổ biến một số Luật đã được Quốc hội thông qua nhưng có hiệu lực trong năm 2000, như : Luật doanh nghiệp, Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất, Pháp lệnh thương phiếu và Pháp lệnh chất lượng hàng hóa. ngoài ra trong quý III, quý IV năm 2000 cần tập trung vào các Luật sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7 như Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi, Luật Khoa học công nghệ, Luật sửa đổi bổ sung một số điều trong Bộ luật tố tụng hình sự ; Luật Kinh doanh bảo hiểm ; Luật phòng chống ma túy, Luật về hoạt động giám sát Quốc hội ; Luật dân tộc ; Luật phòng cháy chữa cháy,v.v... Các Pháp lệnh như : Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp ; Pháp lệnh về phí, lệ phí ; Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ-công chức ; chống tham nhũng ; thi hành án dân sự, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi), Pháp lệnh về tôn giáo ; Pháp lệnh về thú y ; Pháp lệnh về Hợp đồng kinh tế (sửa đổi),v.v...
3. Đối tượng tuyên truyền phổ biến :
Tùy thuộc tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật quận-huyện, sở-ngành chỉ đạo cho các cơ quan ban ngành chức năng phân loại đối tượng để lựa chọn những chuyên đề pháp luật phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, chức năng, nhiệm vụ của mình để tuyên truyền, phổ biến cho phù hợp.
IV. Một số biện pháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm 2000 :
1. Về tổ chức :
Đối với Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật quận-huyện cần tổ chức rút kinh nghiệm sau một năm hoạt động, từ đó nâng cao trách nhiệm của các thành viên Hội đồng, tăng cường phối hợp để đạt hiệu quả cao trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kịp thời kiện toàn lại nhân sự phù hợp, ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng. Đối với các Sở chưa thành lập Hội đồng cần sớm thành lập để hoạt động theo quy định của Chính phủ.
2. Về hình thức, biện pháp tuyên truyền :
Biện pháp chủ yếu để tăng cường đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở vẫn là tuyên truyền miệng ; hội thi, hội thảo về những chuyên đề pháp luật ; biên soạn in ấn phát hành tài liệu tuyên truyền kết hợp với một số hình thức khác như khẩu hiệu, panô, áp phích, loa truyền thanh, phát thanh,v.v... Để thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền các quận-huyện cần có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, cụ thể ; cần đặt ra các chỉ tiêu thi đua cụ thể cho các đơn vị để đảm bảo tính liên tục thường xuyên trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
3. Đối với báo cáo viên pháp luật :
Sau khi có quyết định công nhận và cấp thẻ báo cáo viên pháp luật, Hội đồng phối hợp các cấp cần thông báo rộng rãi họ, tên, địa chỉ ; chuyên đề pháp luật đã đăng ký báo cáo của các báo cáo viên để các cơ quan, đơn vị có nhu cầu biết mà liên hệ. Báo cáo viên ở cấp nào do Hội đồng phối hợp cấp đó quản lý, điều động. Duy trì tốt chế độ báo cáo, hội họp và bồi dưỡng nghiệp vụ cho báo cáo viên để họ phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
4. Về tủ sách pháp luật :
Năm 1999, 303 xã-phường đều đã có tủ sách pháp luật, bước sang năm 2000 trên cơ sở kinh phí đã được cấp theo quy định, các xã-phường cần trang bị thêm các đầu sách theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Hội đồng phối hợp các quận-huyện cần chỉ đạo cho xã-phường có quy chế quản lý, sử dụng tủ sách. Có thông báo rộng rãi cho nhân dân đến mượn đọc và nghiên cứu, tránh tình trạng có tủ sách để làm hình thức, sử dụng không có hiệu quả.
5. Về hoạt động hòa giải cơ sở :
Thực hiện Pháp lệnh và Nghị định hướng dẫn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, các quận-huyện cần xây dựng kiện toàn lại các tổ hòa giải theo hướng : Nơi nào đã có và đang hoạt động thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã-phường ra quyết định công nhận danh sách hòa giải viên ; Nơi nào chưa thành lập thì Mặt trận Tổ quốc xã-phường phối hợp với Tư pháp tổ chức họp dân để bầu tổ hòa giải, công nhận hòa giải viên theo quy định. Mỗi quý các quận-huyện cần tổ chức bồi dưỡng một số kiến thức pháp luật cho các tổ viên tổ hòa giải. Hàng năm tổ chức tổng kết công tác hòa giải ở địa phương. Trong năm 2000 cần tổ chức tốt cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" ở cấp quận-huyện, thành phố. Ủy ban nhân dân phường-xã cần hỗ trợ một số phương tiện vật chất ; làm tốt việc biểu dương khen thưởng để hoạt động hòa giải đạt hiệu quả cao.
6. Về các hoạt động truyền thông :
Đài Truyền hình thành phố cần duy trì và cải tiến các chuyên mục pháp luật như : "Sống và làm việc theo pháp luật", "Kiến thức pháp luật", "An toàn giao thông", "An ninh trật tự" để phục vụ tốt hơn nhu cầu khán giả. Đài phát thanh, báo chí, tờ tin các quận-huyện cần có nhiều thông tin pháp luật đến bạn đọc. Hội Luật gia các quận-huyện phối hợp với các Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa thông tin thường xuyên đảm nhận một số trang pháp luật trên tờ tin địa phương phục vụ yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.
7. Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí :
Trung tâm trợ giúp pháp lý miễn phí thành phố thuộc Sở Tư pháp cần phối hợp với các đơn vị, có kế hoạch cụ thể để tăng cường trợ giúp pháp lý miễn phí tại trung tâm và các điểm cơ sở tại vùng sâu, vùng xa. Các cơ quan Tư pháp quận-huyện cần phối hợp với trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố tạo điều kiện thuận lợi để cộng tác viên trợ giúp pháp lý hoạt động tốt. Các văn phòng tư vấn pháp lý, văn phòng luật sư cần bố trí thời gian phù hợp để trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và diện chính sách.
8. Về chế độ họp, báo cáo của Hội đồng phối hợp :
- Định kỳ mỗi quý một lần Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật quận-huyện, sở-ngành tổ chức họp Hội đồng kiểm điểm đánh giá hoạt động trong quý, bàn biện pháp thực hiện kế hoạch công tác quý sau.
- Mỗi quý một lần, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật quận-huyện, sở-ngành có tổng hợp tình hình hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị, địa phương mình về cho thường trực Hội đồng phối hợp thành phố (số 143 Pasteur, quận 3).
- Tháng 12 năm 2000 tổ chức tổng kết năm về công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương và gửi báo cáo tổng kết về thường trực Hội đồng phối hợp thành phố./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1Chỉ thị 02/1998/CT-TTg về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 03/1998/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 07/2000/QĐ-UB-NC về Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2000 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 07/2000/QĐ-UB-NC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 01/02/2000
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Võ Viết Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra