Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2018/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 12 tháng 06 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH ĐỂ CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE MÔ TÔ HẠNG A1 CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1195/TTr-SGTVT ngày 21 tháng 5 năm 2018.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về tổ chức đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ GTVT (b/c);
- Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Sở: GTVT, Tư pháp;
- Báo QN, Đài PTTH QN;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Hội người khuyết tật tỉnh;
- CPVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTN(3).Hùng KTN (46).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Văn Thu

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH ĐỂ CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE MÔ TÔ HẠNG A1 CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 12 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về tổ chức đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 đối với người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ quan quản lý công tác đào tạo, sát hạch lái xe; cơ sở đào tạo lái xe; trung tâm sát hạch lái xe và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch lái xe mô tô hạng A1 cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Chương II

ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH ĐỂ CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE

Điều 4. Quy định về đào tạo

1. Điều kiện của cơ sở đào tạo

a) Yêu cầu chung

Các cơ sở đào tạo lái xe được Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép đào tạo hoặc phê duyệt phương án hoạt động đào tạo lái xe mô tô hai bánh hạng A1.

b) Yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật

Hệ thống phòng học chuyên môn: Cơ sở đào tạo lái xe có thể bố trí 01 phòng học chung Pháp luật giao thông đường bộ và Kỹ thuật lái xe, bảo đảm diện tích tối thiểu 50m2, không quá 35 bàn ghế. Phòng học pháp luật giao thông đường bộ có thiết bị nghe nhìn (màn hình, máy chiếu), tranh vẽ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, sa hình. Phòng học kỹ thuật lái xe có hình hoặc tranh vẽ mô tả các thao tác lái xe cơ bản.

Cơ sở đào tạo lái xe sử dụng xe mô tô ba bánh của người khuyết tật đã được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký, biển số làm xe tập lái cho người khuyết tật học lái xe đúng quy định.

Sân tập lái phải bảo đảm diện tích để bố trí đủ tình huống các bài học theo nội dung chương trình đào tạo; kích thước các hình tập lái xe phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ; bề mặt các làn đường và hình tập lái được thảm nhựa hoặc bê tông xi măng, có đủ vạch sơn kẻ đường và bảo đảm theo đúng quy định. Cơ sở thực hiện chức năng đào tạo và sát hạch có thể sử dụng sân sát hạch để đào tạo lái xe.

c) Yêu cầu về giáo viên

Có phẩm chất, tư cách đạo đức tốt; có đủ sức khỏe theo quy định; có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, trừ trường hợp đã tốt nghiệp các trường: cao đẳng, đại học sư phạm; cao đẳng, đại học sư phạm kỹ thuật.

Giáo viên giảng dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp và trình độ A về tin học; giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy hạng tương ứng hạng đào tạo trở lên.

Giáo viên giảng dạy thực hành phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên và có giấy phép lái xe hạng tương ứng, đủ thời gian từ 05 năm trở lên (trừ giáo viên đã được cấp giấy chứng nhận thực hành lái xe). Giáo viên dạy thực hành lái xe phải qua tập huấn nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành.

d) Tài liệu phục vụ đào tạo và quản lý đào tạo

Có đủ giáo trình đào tạo lái xe phù hợp với giáo trình khung đào tạo lái xe do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành.

Cơ sở đào tạo lái xe mô tô hạng A1 cho người khuyết tật sử dụng danh sách học viên đăng ký sát hạch làm tài liệu quản lý đào tạo.

2. Điều kiện đối với người học lái xe

a) Là công dân Việt Nam thuộc đối tượng là người khuyết tật (chỉ áp dụng đối với những người khuyết tật ở tứ chi), có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Nam có nhu cầu đào tạo, sát hạch lấy giấy phép lái xe mô tô hạng A1 để điều khiển xe mô tô 3 bánh dành cho người khuyết tật.

b) Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe phải đủ 18 tuổi trở lên), đảm bảo sức khỏe theo quy định hiện hành.

3. Hình thức đào tạo lái xe

Người học có thể tự học lý thuyết và thực hành, nhưng phải đăng ký tại các cơ sở được phép đào tạo để được ôn luyện; trường hợp có nhu cầu học tập trung đăng ký với cơ sở đào tạo để được học theo nội dung, chương trình quy định của Bộ Giao thông vận tải.

4. Hồ sơ của người học lái xe

a) Bản sao giấy xác nhận khuyết tật (xuất trình bản chính khi kiểm tra hồ sơ)

b) Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân

c) Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định nhưng phải ghi rõ tình trạng khuyết tật của người học và kết luận đủ điều kiện sức khỏe lái xe mô tô hạng A1 (theo danh sách các cơ sở khám bệnh chữa bệnh đủ điều kiện sức khỏe cho người lái xe được công bố trên cổng thông tin điện tử của các Sở Y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về y tế các Bộ ngành).

Người học lái xe khi đến nộp hồ sơ được cơ sở đào tạo chụp ảnh trực tiếp, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe.

Điều 5. Học phí đào tạo lái xe

Các cơ sở đào tạo xây dựng mức thu học phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT ngầy 27 tháng 5 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và niêm yết công khai tại cơ sở đào tạo.

Khuyến khích cơ sở đào tạo miễn hoặc giảm học phí đào tạo lái xe mô tô hạng A1 cho các học viên là người khuyết tật.

Điều 6. Sát hạch lái xe

1. Hồ sơ dự sát hạch lái xe

Cơ sở đào tạo lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

a) Hồ sơ quy định tại Khoản 4, Điều 4 của Quy định này;

b) Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch.

2. Nội dung và quy trình sát hạch lái xe

a) Việc sát hạch để cấp giấy phép mô tô hạng A1 cho người khuyết tật được thực hiện tại Trung tâm sát hạch hoặc sân sát hạch có đủ các hạng mục công trình cơ bản, phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch cơ giới đường bộ.

Người dự sát hạch sử dụng xe mô tô ba bánh của người khuyết tật đã được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký, biển số làm xe sát hạch. Kích thước lớn nhất của xe không vượt quá giới hạn sau: Chiều dài 2,5m, chiều rộng 1,2m, chiều cao 1,4m.

Hình sát hạch lái xe mô tô hạng A1 cho người khuyết tật là hình chữ chi, do 04 hình bình hành nối tiếp nhau theo chiều ngược lại và hình tròn giới hạn, có kích thước như sau:

BCM (m) là chiều rộng ở đỉnh hình chữ chi: BCM = bM + 0,6 (m). Trong đó, bM (m) là chiều rộng của xe cơ giới dùng để sát hạch.

LCM (m) là chiều dài hình bình hành tính theo phương nằm ngang: LCM = 1,5aM. Trong đó, aM (m) là chiều dài toàn bộ của xe cơ giới dùng để sát hạch.

Trên đường trục tâm của 02 điểm A và B quay cung R = 3m.

Hình bài sát hạch lái xe mô tô hạng A1 cho người khuyết tật

b) Sát hạch lý thuyết: Sát hạch bằng phương pháp trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy vi tính theo phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việc Nam; phòng sát hạch lý thuyết có camera giám sát quá trình sát hạch.

Bộ đề, đáp án sát hạch lý thuyết do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành, chuyển giao.

Thời gian sát hạch lý thuyết: 15 phút.

Thang điểm: 20 điểm.

Điểm đạt: Từ 16 điểm trở lên.

Thí sinh dự sát hạch lái xe mô tô hạng A1 cho người khuyết tật đã có giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật do ngành Giao thông vận tải cấp còn thời hạn sử dụng, được miễn sát hạch lý thuyết.

c) Sát hạch kỹ năng lái xe trong hình

Thí sinh đã đạt phần lý thuyết mới được sát hạch phần thực hành.

Phần sát hạch thực hành lái xe trong hình phải thực hiện đúng trình tự và các bước thực hiện: Thí sinh dừng xe trước vạch xuất phát, chờ hiệu lệnh của sát hạch viên; Khi có hiệu lệnh xuất phát, điều khiển xe tiến qua hình chữ chi; Tiến qua hình chữ chi và quay vòng trở lại hình chữ chi (quay đầu xe trở lại trong phạm vi đường tròn hạn chế cuối hình chữ chi theo chiều quay kim đồng hồ).

Yêu cầu đạt được của thí sinh: Đi đúng trình tự bài sát hạch; Bánh xe không được đề lên vạch cản giới hạn hình sát hạch; Xe không được chết máy trong quá trình sát hạch; Hoàn thành bài sát hạch trong hình: 10 phút; Tốc độ xe chạy quá không quá 20 km/h.

Các lỗi bị trừ điểm: Đi không đúng trình tự bài sát hạch, bị truất quyền sát hạch; Bánh xe đè vào vạch giới hạn hình sát hạch, mỗi lần trừ 05 điểm;

Bánh xe đi ra ngoài vạch giới hạn hình sát hạch, truất quyền sát hạch; Điều khiển xe bị rung giật mạnh, mỗi lần bị trừ 05 điểm; Thời gian thực hiện bài sát hạch quá 10 phút, cứ 01 phút bị trừ 05 điểm; Xử lý không hợp lý gây tai nạn bị truất quyền sát hạch; Xe bị chết máy, mỗi lần bị trừ 05 điểm; Không hoàn thành bài sát hạch bị truất quyền sát hạch; Điểm trừ sát hạch dưới 80 điểm bị truất quyền sát hạch.

d) Công nhận kết quả:

Thang điểm: 100 điểm.

Điểm đạt: Từ 80 điểm trở lên.

e) Xét công nhận kết quả:

Thí sinh đạt cả lý thuyết và thực hành thì được công nhận trúng tuyển.

Thí sinh không được công nhận trúng tuyển, được đăng ký với cùng một Ban quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe để sát hạch lại. Hồ sơ sát hạch được cơ sở đào tạo lưu giữ để sử dụng cho lần sát hạch tiếp theo.

Thí sinh không đạt lý thuyết thì không được sát hạch thực hành.

Thí sinh đạt lý thuyết nhưng không đạt thực hành thì được bảo lưu kết quả sát hạch lý thuyết một lần trong thời gian 01 năm đối với kỳ sát hạch tiếp theo. Nếu sát hạch lại thực hành vẫn không đạt, thì phải đăng ký sát hạch lại lý thuyết và thực hành.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Chỉ đạo cơ quan quản lý sát hạch phối hợp với cơ sở đào tạo lập kế hoạch và phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan thông báo công khai địa điểm, thời gian tổ chức học, sát hạch cấp giấy phép giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho người khuyết tật để mọi người biết, tham gia; lưu trữ giấy khám sức khỏe của người khuyết tật và lập danh sách người khuyết tật có đủ điều kiện, được phép dự sát hạch theo quy định.

2. Tổ chức kỳ sát hạch đúng thời gian, địa điểm và chỉ đạo Tổ sát hạch phối hợp với Trung tâm sát hạch lái xe tổ chức kỳ sát hạch đảm bảo chất lượng theo quy định.

3. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Chỉ đạo các Phòng chức năng của địa phương phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ sở đào tạo lái xe mô tô trên địa bàn tỉnh trong việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho người khuyết tật theo đúng quy định.

2. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến việc tổ chức đào tạo, sát hạch lái xe cho người khuyết tật để nhân dân được biết, tham gia.

Điều 9. Trách nhiệm của các cơ sở đào tạo

1. Đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị giảng dạy theo quy định.

2. Thông báo phương án hoạt động đào tạo với Sở Giao thông vận tải, nơi tổ chức đào tạo để thực hiện việc giám sát, quản lý.

3. Lập danh sách người khuyết tật đăng ký sát hạch đủ điều kiện theo quy định. Khi phát hiện có sự khác nhau về tình trạng của người khuyết tật giữa giấy khám sức khỏe và thực tế thì cơ sở đào tạo lái xe phối hợp với cơ sở y tế cấp giấy khám sức khỏe xác minh để thực hiện theo quy định.

4. Phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến để nhân dân biết, thực hiện đúng theo Quy định này.

Điều 10. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan

Ban An toàn giao thông tỉnh, Hội Người khuyết tật, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam, Báo Quảng Nam, Cổng thông tin điện tử tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các ngành, địa phương, đơn vị phản ảnh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 06/2018/QĐ-UBND quy định về tổ chức đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 06/2018/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/06/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Đinh Văn Thu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/06/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản