Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2007/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 23 tháng 3 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ V/v phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 676/2006/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NN&PTNT ngày 08 tháng 8 năm 2006 của Liên Bộ Uỷ ban Dân tộc, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn V/v hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BNN ngày 15 tháng 01 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn V/v hướng dẫn thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc và miền núi thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010;

Xét đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký, các văn bản trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, Thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đăng Đạo

 

QUY ĐỊNH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ-UBND ngày 23 tháng 3 năm 2007 của UBND tỉnh Lai Châu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này hướng dẫn và cụ thể hoá một số nội dung của Thông tư liên tịch số 676/2006/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 8 tháng 8 năm 2006 của Liên Bộ Uỷ ban Dân tộc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư số 01/2007/TT-BNN ngày 15/01/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Lai Châu nhằm đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, có hiệu quả.

Điều 2. Quy định trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư và các bên tham gia Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (sau đây gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II) trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 3. Những nội dung không quy định tại văn bản này được thực hiện theo những quy định tại Thông tư liên tịch số 676/2006/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT; Thông tư số 01/2007/TT-BNN ngày 15/01/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư số 01/2006/TT-BXD ngày 17/5/2006 của Bộ Xây dựng; và các quy định hiện hành khác của tỉnh, các Bộ ngành Trung ương, của Chính phủ.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Đối tượng đầu tư hỗ trợ:

1. Các xã đặc biệt khó khăn thuộc đối tượng thụ hưởng Chương trình 135 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

2. Các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II được quyết định đầu tư theo Chương trình 135.

Điều 5. Quy định thực hiện các dự án, chính sách:

1. Quy định đối với Dự án phát triển cơ sở hạ tầng:

1.1. Phân cấp quản lý:

1.1.1. Giao UBND các huyện, thị quyết định đầu tư các công trình thuộc Chương trình 135 có tổng mức đầu tư không quá 3 tỷ đồng.

1.1.2. Chủ đầu tư:

UBND các huyện, Thị xã làm chủ đầu tư các công trình thuộc Chương trình 135 giai đoạn II.

Căn cứ vào kết quả xếp loại xã làm chủ đầu tư theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, UBND huyện, Thị xã phân cấp cho UBND xã làm chủ đầu tư các công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản tổng mức đầu tư dưới 300 triệu đồng.

1.2. Quản lý Dự án:

1.2.1. Ban quản lý Dự án cấp huyện:

UBND các huyện, thị không thành lập mới Ban quản lý Dự án Chương trình 135. Sử dụng Ban quản lý Dự án hiện có của huyện để giúp chủ đầu tư điều hành, tổ chức thực hiện Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn.

1.2.2. Ban quản lý Dự án cấp xã:

UBND các huyện, thị căn cứ trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ xã để quyết định thành lập Ban quản lý Dự án cấp xã. Trong trường hợp không thành lập Ban quản lý Dự án cấp xã, UBND các huyện giao cho Ban quản lý Dự án của huyện giúp xã điều hành, tổ chức thực hiện các công trình thuộc phạm vi xã làm chủ đầu tư. Nếu Ban quản lý Dự án cấp huyện không thể đảm nhiệm, cho phép chủ đầu tư được thuê các tổ chức tư vấn để điều hành, giám sát công trình.

1.3. Quy hoạch xây dựng công trình cơ sở hạ tầng:

Giao cho UBND các huyện, thị xã lập quy hoạch tổng thể về cơ sở hạ tầng đối với tất cả các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II và chịu trách nhiệm tổ chức phê duyệt quy hoạch. Sau khi phê duyệt quy hoạch yêu cầu các huyện gửi hồ sơ về Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc để tổng hợp theo dõi. Hồ sơ phê duyệt quy hoạch thực hiện đầy đủ như giai đoạn I.

Trong quá trình triển khai kế hoạch hàng năm nếu có những vấn đề không phù hợp so với quy hoạch, các đơn vị báo cáo UBND huyện xem xét, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, đồng thời báo cáo bằng văn bản về cơ quan Thường trực Chương trình 135 của tỉnh để tổng hợp, theo dõi.

Kế hoạch được phê duyệt chậm nhất vào ngày 30/4/2007. Từ kế hoạch năm 2007 trở đi phải được thực hiện theo quy hoạch mới được phê duyệt.

1.4. Thực hiện đầu tư xây dựng công trình:

1.4.1. Đối với công trình đường giao thông dân sinh:

- Loại công trình đường giao thông dân sinh không có các công trình cầu, cống trên tuyến: định mức hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng/km.

- Loại công trình đường dân sinh có các công trình cầu, cống trên tuyến định mức hỗ trợ như sau:

+ Phần mở đường: hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng/km;

+ Các công trình trên tuyến: thực hiện theo thiết kế kỹ thuật và dự toán thực tế được phê duyệt.

- Chi phí khảo sát thiết kế, lập dự toán cho cả hai loại trên được tính bằng 3,5% tổng giá trị công trình.

1.4.2. Đối với công trình chợ tại trung tâm xã:

Chỉ xem xét đầu tư đối với những xã có khoảng cách xa chợ hiện có của huyện hoặc trung tâm cụm xã tối thiểu là 5km và thấy thực sự cần thiết. Tập trung hỗ trợ xây dựng nhà chợ chính bao gồm: phần khung chợ, mái chợ và san tạo mặt bằng ban đầu.

1.4.3. Nhà sinh hoạt cộng đồng:

Chỉ đầu tư khi xét thấy phù hợp với điều kiện cụ thể của xã và thôn bản. Các xã và thôn bản được đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng chỉ khi có đủ từ 30 hộ trở lên.

1.4.4. Các nội dung đầu tư còn lại (ngoài 3 loại công trình trên) thực hiện theo quy định hiện hành.

1.5. Phân bổ vốn hàng năm:

Định mức để các huyện, thị làm căn cứ phân bổ vốn theo xã, thôn bản có cấp độ khó khăn khác nhau như sau:

+ Xã được xếp vào loại I: mức vốn được cấp tối thiểu không dưới 500 triệu đồng và tối đa không quá 600 triệu đồng/ xã/năm.

+ Xã được xếp vào loại II: mức vốn được cấp tối thiểu không dưới 700 triệu đồng và tối đa không quá 900 triệu đồng/xã/năm.

2. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất:

2.1. Phân bổ vốn: Định mức phân bổ vốn theo cấp độ khó khăn của từng xã đã được các huyện phân loại thực hiện như sau:

+ Xã được xếp vào loại I: mức vốn được cấp tối thiểu không dưới 100 triệu đồng và tối đa không quá 110 triệu đồng/ xã/năm.

+ Xã được xếp vào loại II: mức vốn được cấp tối thiểu không dưới 120 triệu đồng và tối đa không quá 130 triệu đồng/xã/năm.

2.2. Định mức hỗ trợ:

- Mức hỗ trợ cho hộ: Hỗ trợ không quá 1 triệu đồng/hộ/năm. Tỷ lệ hỗ trợ 100% giá giống và cước vận chuyển.

- Mức hỗ trợ cho nhóm hộ: Hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/dự án.

Hàng năm, UBND các huyện, Thị xã căn cứ Thông tư hướng dẫn số 01/2007/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để định hướng các xã lập kế hoạch hỗ trợ cho phù hợp.

3. Dự án đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ và tập huấn nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng:

3.1. Hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ và tập huấn:

Tập trung vào 3 loại hình:

3.1.1. Loại hình thứ nhất: bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ xã để thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư các chương trình, dự án. Thời gian bồi dưỡng 1 tháng/lớp, tại các cơ sở đào tạo của huyện, tỉnh.

Đối tượng: công chức xã, cán bộ chuyên trách và không chuyên trách cấp xã, cán bộ nguồn trong diện qui hoạch của xã (ưu tiên cán bộ có trình độ văn hoá từ trung học cơ sở trở lên).

3.1.2. Loại hình thứ hai: mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về quản lý hành chính Nhà nước, giám sát các công trình cho cán bộ xã. Thời gian tập huấn từ 5 - 8 ngày/ lớp, địa điểm mở tại huyện, xã.

Đối tượng đào tạo: công chức xã, cán bộ chuyên trách của xã; cán bộ được cấp trên tăng cường về giúp xã; các thành viên trong ban quản lý và ban giám sát xã; trưởng các thôn bản; người có uy tín trong cộng đồng của thôn, bản.

3.1.3. Loại hình thứ ba: mở các lớp tập huấn nhằm truyền đạt kiến thức khoa học kỹ thuật giúp người dân làm công tác khuyến nông, khuyến lâm; kiến thức xây dựng các mô hình sản xuất. Thời gian tập huấn từ 3 - 5 ngày/ lớp, địa điểm mở tại xã, thôn bản.

Ngoài phần lý thuyết, lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình dự án khác để xây dựng 1 mô hình để nhân dân thực hành và nhân rộng như: mô hình chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây lương thực, cây công nghiệp v.v...

+ Đối tượng tập huấn: trưởng các thôn bản và người dân tại các thôn bản.

3.2. Phân cấp quản lý: Tùy theo từng loại hình đào tạo, UBND tỉnh sẽ giao cho các đơn vị có đủ điều kiện trực tiếp thực hiện.

4. Chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật:

Giao Cơ quan thường trực Chương trình 135 giai đoạn II của tỉnh chủ trì phối hợp với các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tư Pháp, Văn hoá - Thông tin, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Uỷ ban Dân số - Gia đình và trẻ em xây dựng kế hoạch thực hiện Chính sách hàng năm gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt. Hướng dẫn thực hiện các nội dung của chính sách giai đoạn 2006 - 2010 giao cơ quan thường trực chịu trách nhiệm xây dựng.

Điều 6. Cơ chế quản lý, thanh toán vốn:

Cơ chế quản lý, thanh toán vốn thực hiện theo những quy định tại công văn số 2849/KBNN-KHTH ngày 29/12/2006 của Kho bạc Nhà nước V/v hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn Chương trình 135 giai đoạn II.

Điều 7. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp:

Hàng năm được sử dụng kinh phí của Chương trình để chi cho hoạt động của Ban chỉ đạo. Giao Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính dự kiến phân bổ kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp trình UBND tỉnh phê duyệt.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Tổ chức bộ máy quản lý từ tỉnh đến xã:

1. Ở cấp tỉnh:

Giúp việc cho UBND tỉnh là Ban chỉ đạo Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010 được thành lập theo Quyết định số 1385/QĐ-UBND ngày 06/10/2006 của UBND tỉnh Lai Châu.

Nhiệm vụ của các thành viên Ban chỉ đạo được thực hiện theo Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 tỉnh Lai Châu (Quyết định số 1787/QĐ-UBND ngày 04/12/2006 của UBND tỉnh Lai Châu).

2. Ở cấp huyện:

Giao cho UBND huyện quyết định thành lập Ban chỉ đạo Chương trình 135 giai đoạn II của huyện và xây dựng qui chế hoạt động của Ban chỉ đạo. UBND các huyện, Thị xã giao Phòng Dân tộc là Cơ quan Thường trực Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010. Cơ quan thường trực huyện có trách nhiệm tham mưu giúp UBND huyện quản lý, chỉ đạo, kiểm tra và tổng hợp báo cáo thực hiện chương trình trên địa bàn huyện.

3. Ở cấp xã:

Căn cứ điều kiện thực tế và năng lực cán bộ của từng xã, UBND huyện xem xét ban hành quyết định thành lập Ban quản lý Dự án theo đề nghị của UBND xã.

Các xã củng cố, kiện toàn lại Ban giám sát của xã. Nhiệm vụ của Ban giám sát xã thực hiện theo hướng dẫn của Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai đến các xã năm 2006.

Điều 9. Chế độ báo cáo:

1. Biểu mẫu báo cáo:

Giao cơ quan Thường trực Chương trình 135 của tỉnh sau khi có hướng dẫn về hệ thống biểu bảng tổng hợp báo cáo theo mẫu chung sẽ chủ động thống nhất với các ngành liên quan hướng dẫn chi tiết bằng văn bản đến các đơn vị.

2. Thời gian báo cáo:

UBND các huyện, Thị xã có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện Chương trình theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm về cơ quan thường trực Chương trình 135 của tỉnh (Ban Dân tộc) để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo, UBND tỉnh và cơ quan thường trực Chương trình 135 của Trung ương.

Điều 10. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc chưa phù hợp đề nghị phản ánh bằng văn bản về Cơ quan thường trực Chương trình 135 của tỉnh để nghiên cứu, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh bổ sung kịp thời./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 06/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Lai Châu

  • Số hiệu: 06/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/03/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Nguyễn Đăng Đạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/04/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 04/05/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản