Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ VĂN HÓA | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 05-VH/QĐ | Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 1973 |
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN NGHỆ THUẬT CHUYÊN NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG.
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA
Căn cứ vào Nghị định số 135-CP ngày 29-9-1961 và Nghị định số 185-CP ngày 3-10-1970 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và sửa đổi tổ chức bộ máy của Bộ Văn hóa.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: - Nay ban hành bản quy chế về tổ chức và hoạt động của các Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp địa phương, kèm theo quyết định này.
Điều 2: - Các ông Giám đốc Sở Văn hóa, Trưởng Ty Văn hóa giúp Ủy ban Hành chánh khu, thành phố, tỉnh thi hành; các ông Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Cục trưởng Cục biểu diễn nghệ thuật chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA |
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN NGHỆ THUẬT CHUYÊN NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG
(Ban hành kèm theo quyết định của Bộ Văn hóa số 05-VH/QĐ ngày 8-2-1973)
Điều 1: - Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp địa phương là tổ chức nghệ thuật của Nhà nước; là lực lượng nòng cốt để xây dựng phong trào nghệ thuật địa phương và góp phần xây dựng nền nghệ thuật của cả nước.
Hoạt động của các đoàn nghệ thuật là nhằm mục đích phục vụ các nhiệm vụ chính trị, chiến đấu, sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa ở địa phương bằng cách:
- Góp phần giáo dục lòng yêu nước và tư tưởng tình cảm xã hội chủ nghĩa,
- Góp phần nâng cao kiến thức và thẩm mỹ cách mạng,
- Gìn giữ phát huy vốn nghệ thuật truyền thống của dân tộc ở địa phương, góp phần xây dựng nền nghệ thuật mới của cả nước,
- Gây không khí vui tươi, lành mạnh trong nhân dân.
Điều 2:- Muốn thành lập các đoàn nghệ thuật địa phương, phải có chỉ tiêu do Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố duyệt, được Bộ Văn hóa công nhận và có đủ điều kiện theo quy chế này.
Điều 3: - Các đoàn nghệ thuật địa phương đều có quyền được hưởng các chế độ và thực hiện nhiệm vụ theo quy định chung của Nhà nước và Bộ Văn hóa.
Điều 4: - Từ nay các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thành lập nếu không được Bộ Văn hóa công nhận, thì không được hưởng các chế độ đãi ngộ về hoạt động nghệ thuật mà Nhà nước và Bộ Văn hóa ban hành.
VỊ TRÍ, NHIỆM VỤ CỦA ĐOÀN NGHỆ THUẬT CHUYÊN NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG.
Điều 5: - Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp địa phương là một đơn vị sự nghiệp có thu, 1 đơn vị quản lý độc lập, có con dấu riêng; được quản lý toàn diện và trực tiếp về lao động, kế hoạch, tài vụ, v.v…của đoàn được coi như 1 đơn vị quốc doanh, 1 xí nghiệp của Ty, Sở Văn hóa.
Điều 6: - Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp địa phương có nhiệm vụ:
a) Dựa vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, dựa vào nhiệm vụ chính trị của địa phương để sáng tác, tổ chức sáng tác và lựa chọn tiết mục biễu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, chiến đấu, sản xuất và đáp ứng yêu cầu đòi hỏi về nghệ thuật của nhân dân địa phương, đồng thời làm nhiệm vụ doanh thu cho Nhà nước.
b) Trên cơ sở đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng và Nhà nước có kế hoạch sưu tầm, khai thác, chỉnh lý, cải biên, thể nghiệm và nâng cao vốn nghệ thuật cổ truyền của địa phương, góp phần làm phong phú thêm nền nghệ thuật cả nước.
c) Làm mẫu mực cho việc xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương; học tập phong trào văn nghệ quần chúng để làm cơ sở xây dựng tiết mục bổ sung cho đoàn.
- Hàng năm đoàn có chỉ tiêu kế hoạch giúp đỡ các tổ, đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở xã, cơ quan, trường học, xí nghiệp về các mặt sáng tạo, đạo diễn và biểu diễn.
d) Xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của Nhà nước. Và quản lý tài sản của Đoàn theo chế độ, nguyên tắc chung của Nhà nước.
e) Xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện, bồi dưỡng quan điểm, lập trường, đạo đức cách mạng và nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ cho cán bộ, diễn viên và công nhân trong đoàn.
g) Tổ chức quản lý và thường xuyên chăm lo đời sống cho đội ngũ cán bộ, diễn viên và công nhân trong đoàn.
Thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ, chính sách của Nhà nước và Bộ Văn hóa đã ban hành.
NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN NGHỆ THUẬT
A. Về tổ chức biên chế, trách nhiệm, quyền hạn của đoàn.
Điều 7: - Tổ chức Đoàn bao gồm:
- Đoàn trưởng và một hoặc hai đoàn phó,
- Đội diễn viên và đội nhạc,
- Tổ chuyên môn, tổ hậu đài và tổ hành chánh - quản trị.
Điều 8: - Trách nhiệm và quyền hạn của lãnh đạo đoàn, các đội, tổ trưởng, cán bộ, diễn viên, công nhân trong đoàn:
a) Đoàn trưởng chỉ đạo chung mọi mặt hoạt động của đoàn chủ yếu là nội dung chính trị và tổ chức hoạt động và trực tiếp chỉ đạo một phần công tác của đoàn như chỉ đạo nghệ thuật, hoặc chính trị tư tưởng, hoặc quản lý kinh tế tài chính.
Đoàn trưởng trên cơ sở lãnh đạo tập thể có quyền quyết định mọi mặt công tác của đoàn, đồng thời chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên về những quyết định của mình.
b) Đoàn phó giúp đoàn trưởng tham gia chỉ đạo chung và do đoàn trưởng phân công phụ trách từng phần công tác của đoàn như chỉ đạo chính trị tư tưởng, hoặc quản lý kinh tế tài chính, hoặc chỉ đạo nghệ thuật.
Đoàn phó có quyền quyết định công việc mình phụ trách theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và chế độ thủ trưởng.
c) Đội diễn viên và đội nhạc là lực lượng nồng cốt của đoàn có nhiệm vụ luyện tập, xây dựng tiết mục, biểu diễn phục vụ quần chúng theo kế hoạch của đoàn, và không ngừng nâng cao diễn xuất chung.
d) Tổ chuyên môn: bao gồm cán bộ sáng tác, đạo diễn, họa sĩ, chỉ huy nhạc có nhiệm vụ nghiên cứu và theo dõi các hoạt động nghệ thuật của Đoàn, tổ chức sáng tác, dàn dựng tiết mục, thiết kế mỹ thuật, lập chương trình biểu diễn. Hướng dẫn, huấn luyện cho diễn viên và nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn của đoàn.
e) Tổ hậu đài bao gồm công nhân kỹ thuật ánh sáng, phóng thanh, điện, máy nổ, công nhân dàn cảnh v.v… rất cần thiết trong công tác tổ chức biểu diễn, có nhiệm vụ thực hiện thiết kế mỹ thuật, lắp ráp sân khấu và đảm bảo kỹ thuật biểu diễn của đoàn.
g) Tổ hành chính - quản trị bao gồm cán bộ, nhân viên hành chính, quản trị, giao dịch, y sĩ, tiếp liệu, lái xe v.v… quan hệ mật thiết trong các hoạt động của đoàn, có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi và phục vụ cho các hoạt động, sáng tác, xây dựng tiết mục, biểu diễn và chăm lo đời sống cán bộ, diễn viên và công nhân trong đoàn.
Các đội trưởng, tổ trưởng có quyền quyết định các mặt công tác của tổ theo chương trình kế hoạch chung của đoàn.
Tất cả cán bộ, diễn viên và công nhân trong đoàn có quyền bàn bạc dân chủ phương hướng hoạt động, kế hoạch, chương trình công tác v.v… của đoàn.
Điều 9: - Tất cả cán bộ lãnh đạo, chuyên môn, diễn viên, hậu đài và hành chính – quản trị, căn cứ theo trách nhiệm công tác của mỗi người đều được học tập văn hóa, chính trị, đường lối, chính sách, triết học, mỹ học, lý luận văn học nghệ thuật và nghiệp vụ chuyên môn.
Điều 10: - Biên chế của mỗi đoàn:
- Các đoàn chèo, dân ca, cải lương và tuồng: từ 17 đến 55 người;
- Đoàn múa rối: từ 39 đến 42; kịch nói từ 42 đến 50 người;
- Đoàn ca múa nhạc từ 50 đến 65; ca múa nhạc kết hợp với một bộ môn kịch nói, hoặc dân ca, hoặc chèo từ 65 đến 82 người. (Biên chế các đoàn sẽ ghi rõ ở bản phụ lục biên chế mẫu kèm theo)([1]).
Biên chế này không kể cấp dưỡng, giữ trẻ và lái xe (sẽ bố trí theo nguyên tắc chung, xem bản phụ lục về biên chế kèm theo).
Điều 11: - Khi thành lập đoàn nhất thiết phải có cán bộ chỉ đạo nghệ thuật, sáng tác, đạo diễn, chỉ huy nhạc, diễn viên, công nhân kỹ thuật hậu đài có nghề và số cán bộ này phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ.
Từ nay trở đi cán bộ chuyên môn, diễn viên, nhạc công nhất thiết phải qua đào tạo trung cấp trở lên mới được tuyển dụng chính thức vào đoàn, trừ một số bộ môn do đào tạo chưa kịp, có thể tuyển dụng trong tổ chức của phong trào, nhưng phải được huấn luyện cơ bản, bằng cách kèm cặp và được sự thỏa thuận của Bộ Văn hoá.
Điều 12: - Các địa phương có trường đào tạo cán bộ nghệ thuật, diễn viên theo đúng chương trình trung cấp được Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và Bộ Văn hóa công nhận thì số học sinh này khi tốt nghiệp được bổ sung và tuyển dụng vào các đoàn.
Điều 13: - Để bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch, yêu cầu nâng cao chất lượng nghệ thuật, phục vụ được lâu dài, mỗi đoàn nghệ thuật phải trang bị phương tiện và xây dựng cơ sở vật chất cần thiết như:
- Có nhà tập cho đoàn, có sàn gỗ, tay vịn, gương soi cho đội múa;
- Có rạp với hệ thống trang bị thích hợp như phông màn, ánh sáng, phóng thanh, và phương tiện chống nóng, lạnh đảm bảo sức khỏe cho người xem và diễn viên;
- Có đủ nhạc cụ cần thiết cho đội nhạc (bao gồm cả giá nhạc và ghế ngồi đúng cỡ);
- Có xe ca chở người, xe tải chở dụng cụ;
- Từng bước xây dựng đủ nhà ăn, nhà ở, nhà giữ trẻ cho các đoàn.
Về trang bị luyện tập và bảo hộ lao động cho các đoàn, các đoàn phải nghiên cứu áp dụng theo những chế độ của Nhà nước và Bộ Văn hóa ban hành.
Điều 14: - Các đoàn nghệ thuật phải thực hiện đầy đủ kế hoạch thu, chi đồng thời phải được Ngân sách cấp phát đầy đủ, đúng kỳ hạn theo kế hoạch được duyệt các khoản chi về kiến thiết cơ bản, xây dựng tiết mục, lương và các khoản chi khác của đoàn.
Điều 15: - Các đoàn phải đề cao tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô, bảo quản tài sản, quản lý thu chi của đoàn theo chế độ, nguyên tắc chung của Nhà nước.
Điều 16:- Đoàn trưởng các đoàn có quyền ký hợp đồng biểu diễn nghệ thuật và các hợp đồng khác với các ngành, các cơ quan, và các địa phương theo quy định chung.
Điều 17: - Cán bộ, diễn viên và công nhân các đoàn nghệ thuật phải đảm bảo thời gian lao động theo chế độ chung và quy định của đoàn (thời gian lao động, nghỉ ngơi theo đặc điểm hoạt động nghệ thuật và lưu động của đoàn, Bộ sẽ có văn bản quy định sau).
Điều 18: - Hàng năm các đoàn được dành thời gian để luyện tập, xây dựng tiết mục trong phạm vi 3 tháng, còn 9 tháng biểu diễn phục vụ nhân dân và thực hiện chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.
Điều 19: - Căn cứ vào hoạt động biểu diễn của từng đoàn, ở từng địa phương khác nhau, số buổi biểu diễn trong 9 tháng quy định như sau (không kể hoạt động phân tán).
a) Các đoàn hoạt động lưu động, biểu diễn ngoài trời, giao thông vận chuyển khó khăn, thì số buổi biểu diễn quy định từ 80 đến 100 buổi.
b) Các đoàn hoạt động lưu động, biểu diễn ngoài trời, giao thông vận chuyển thuận lợi, thì số buổi biểu diễn quy định từ 110 đến 130 buổi.
c) Các đoàn hoạt động và lưu động, vừa tĩnh tại, giao thông, vận chuyển thuận lợi thì số buổi biểu diễn quy định từ 130 đến 150 buổi.
d) Các đoàn hoạt động tĩnh tại, biểu diễn trong rạp, thì số buổi biểu diễn quy định từ 180 đến 200 buổi.
Điều 20: - Tất cả cán bộ, diễn viên, công nhân viên trong đoàn được dành một số thời gian để sinh hoạt, học tập:
- Hàng ngày 1 giờ cho diễn viên tự rèn luyện.
- Hàng tuần 1 buổi toàn đoàn họp kiểm điểm công tác trong tuần.
- Hàng tháng từ 1đến 2 ngày, toàn đoàn học tập chính trị, thời sự, chế độ, chính sách.
- Hàng năm từ 3 đến 5 ngày họp sơ kết, tổng kết công tác và từ 7 đến 10 ngày ôn tập văn hoá.
- Thời gian học tập văn hóa, luyện tập quân sự, sinh hoạt các đoàn thể quần chúng theo quy định chung của Nhà nước.
Điều 21. – Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp địa phương chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ty, Sở Văn hóa về mọi mặt và chịu sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa (Cục biểu diễn nghệ thuật) về nghệ thuật.
Điều 22. – Khi có sự ủy nhiệm của Ty, Sở Văn hóa đoàn được trực tiếp quan hệ với ngành của tỉnh, thành phố để đặt quan hệ với ngành của tỉnh, thành phố để đặt quan hệ và giải quyết công tác chung của đoàn.
Điều 23. – Các Ty, Sở Văn hóa phải có kế hoạch từng bước củng cố các đoàn nghệ thuật hiện nay về tổ chức biên chế, trang bị phương tiện, xây dựng cơ sở vật chất và hoạt động theo quy chế này.
Điều 24. – Các Cục, Vụ, Công Ty cung cấp vật tư thuộc Bộ Văn hóa có nhiệm vụ giúp các đoàn về đào tạo huấn luyện cán bộ và diễn viên về phương hướng kế hoạch hoạt động và cung cấp vật tư chuyên dùng theo kế hoạch cho đoàn.
Điều 25. – Tất cả cán bộ, diễn viên, công nhân viên trong đoàn phải nghiêm chỉnh và gương mẫu thực hiện quy chế này. Phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hoạt động nghệ thuật ngoài đoàn phải có sự phân công của đoàn.
Điều 26. – Quy chế này áp dụng cho tất cả các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hiện có và các đoàn sẽ thành lập.
Điều 27. – Những quy định trước đây trái với quy chế này đều bãi bỏ.
([1]) Không in bản phụ lục biên chế.
- 1Thông tư 15/2021/TT-BVHTTDL bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- 2Quyết định 44/QĐ-BVHTTDL năm 2023 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2022
- 3Quyết định 268/QĐ-BVHTTDL năm 2024 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2023
- 1Thông tư 15/2021/TT-BVHTTDL bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- 2Quyết định 44/QĐ-BVHTTDL năm 2023 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2022
- 3Quyết định 268/QĐ-BVHTTDL năm 2024 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2023
Quyết định 05-VH/QĐ năm 1973 ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp địa phương của Bộ trưởng Bộ Văn Hoá
- Số hiệu: 05-VH/QĐ
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/02/1973
- Nơi ban hành: Bộ Văn hoá
- Người ký: Hoàng Minh Giám
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 3
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra