Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số : 05/2007/QĐ-NHNN

Hà Nội, ngày  30  tháng  01  năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN NHỮNG THAY ĐỔI CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN PHẢI ĐƯỢC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHẤP THUẬN

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2004;
Căn cứ Luật Hợp tác xã năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân; Nghị định số 69/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2001/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác
,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trình tự, thủ tục thực hiện những thay đổi của Quỹ tín dụng nhân dân phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nơi nhận
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Ban lãnh đạo NHNN (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (02 bản);
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Văn phòng đại diện tại 17 BCD-TPHCM;
- Hiệp hội QTDND Việt Nam;
- Lưu VP, Vụ PC, Vụ Các TCTDHT.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Trần Minh Tuấn

 


NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

 

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN NHỮNG THAY ĐỔI CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN PHẢI ĐƯỢC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHẤP THUẬN
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2007/QĐ-NHNNngày  30/01/2007 của  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về trình tự, thủ tục khi Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (sau đây gọi chung là Quỹ tín dụng nhân dân) thực hiện những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

2. Việc tăng, giảm vốn hỗ trợ của Nhà nước cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân tại Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

Điều 2. Những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận

Quỹ tín dụng nhân dân phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thay đổi một trong những điểm sau:

1. Tên của Quỹ tín dụng nhân dân.

2. Tăng, giảm vốn điều lệ vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Địa điểm đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện.

4. Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động.

5. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và Tổng Giám đốc (Giám đốc).

Điều 3. Thẩm quyền chấp thuận những thay đổi

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét và có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận những thay đổi nêu tại Quy định này của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương.

2. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh) xem xét và có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận những thay đổi nêu tại Quy định này của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn.

Điều 4. Nơi nhận hồ sơ chấp thuận thay đổi

Khi thực hiện những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Quỹ tín dụng nhân dân lập hồ sơ xin chấp thuận gửi Ngân hàng Nhà nước như sau:

1. Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác).

2. Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở gửi Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh trên địa bàn.

Chương 2

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1 TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THAY ĐỔI TÊN CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN

Điều 5. Điều kiện được thay đổi tên

1. Quỹ tín dụng nhân dân được thay đổi tên phù hợp với hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.

2. Việc thay đổi tên, tên dự kiến thay đổi phải được Đại hội thành viên nhất trí thông qua và phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về đổi tên.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị chấp thuận thay đổi tên của Quỹ tín dụng nhân dân

Khi có nhu cầu thay đổi tên, Quỹ tín dụng nhân dân gửi Ngân hàng Nhà nước 01 bộ hồ sơ gồm:

1. Văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị (hoặc người được uỷ quyền) đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc thay đổi tên; trong đó nêu rõ sự cần thiết phải thay đổi tên và tên dự kiến thay đổi của Quỹ tín dụng nhân dân;

2. Văn bản uỷ quyền của Chủ tịch Hội đồng quản trị (đối với trường hợp ủy quyền);

3. Nghị quyết của Đại hội thành viên về việc thay đổi tên và tên dự kiến thay đổi của Quỹ tín dụng nhân dân.

Điều 7. Thời gian chấp thuận và thủ tục sau khi được chấp thuận

1. Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, Ngân hàng Nhà nước xem xét giải quyết việc đề nghị thay đổi tên của Quỹ tín dụng nhân dân như sau:

a) Trường hợp không chấp thuận đề nghị đổi tên thì phải có văn bản giải thích lý do không chấp thuận;

b) Trường hợp chấp thuận đề nghị đổi tên thì ra Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động cho Quỹ tín dụng nhân dân về việc thay đổi tên gọi cũ bằng tên gọi mới.

2. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Quỹ tín dụng nhân dân phải tiến hành các công việc sau:

a) Đăng ký đổi tên Quỹ tín dụng nhân dân với cơ quan đăng ký kinh doanh;

b) Tổ chức Đại hội thành viên để thông qua Điều lệ đã được sửa đổi, bổ sung về đổi tên Quỹ tín dụng nhân dân;

c) Đề nghị Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định chuẩn y Điều lệ đã được Đại hội thành viên thông qua theo quy định;

d) Thông báo việc đổi tên cho các đơn vị, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật;

đ) Đăng báo Trung ương (đối với Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương), báo địa phương (đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở) trong 03 số liên tiếp về việc đổi tên Quỹ tín dụng nhân dân;

e) Thực hiện các công việc khác có liên quan.

Mục 2 TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TĂNG, GIẢM VỐN ĐIỀU LỆ VƯỢT MỨC QUY ĐỊNH CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Điều 8. Điều kiện tăng, giảm vốn điều lệ vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước

1. Quỹ tín dụng nhân dân được tăng, giảm vốn điều lệ vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi tắt là tăng, giảm vốn điều lệ) khi việc tăng, giảm vốn điều lệ không làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân; không dẫn đến vi phạm quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn; việc giảm vốn điều lệ không làm tổng số vốn điều lệ giảm dưới mức vốn pháp định.

2. Việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ và mức vốn điều lệ dự kiến tăng hoặc giảm phải được Đại hội thành viên nhất trí thông qua.

Điều 9. Hồ sơ đề nghị chấp thuận tăng, giảm vốn điều lệ

Khi có nhu cầu tăng, giảm vốn điều lệ, Quỹ tín dụng nhân dân gửi Ngân hàng Nhà nước 01 bộ hồ sơ gồm:

1. Văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị (hoặc người được uỷ quyền) đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc tăng, giảm vốn điều lệ; trong đó nêu rõ sự cần thiết phải tăng, giảm vốn điều lệ và mức vốn điều lệ dự kiến tăng, giảm;

2. Văn bản uỷ quyền của Chủ tịch Hội đồng quản trị (đối với trường hợp ủy quyền);

3. Nghị quyết của Đại hội thành viên về việc tăng, giảm vốn điều lệ và mức vốn điều lệ dự kiến tăng, giảm;

4. Phương án tăng, giảm vốn điều lệ.

Điều 10. Thời hạn chấp thuận và thủ tục sau khi được chấp thuận

1. Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, Ngân hàng Nhà nước xem xét và có văn bản chấp thuận hay không chấp thuận việc tăng, giảm vốn điều lệ (Mẫu số 1, 2); Trường hợp không chấp thuận, văn bản trả lời phải giải thích lý do không chấp thuận.

2. Sau khi có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Quỹ tín dụng nhân dân phải tiến hành các công việc sau:

a) Đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh về tăng, giảm vốn điều lệ đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận;

b) Thực hiện tăng, giảm vốn điều lệ theo phương án;

c) Đề nghị Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định chuẩn y vốn điều lệ theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện các công việc khác có liên quan.

Mục 3 TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THAY ĐỔI ĐỊA ĐIỂM ĐẶT TRỤ SỞ CHÍNH, SỞ GIAO DỊCH, CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN

Điều 11. Điều kiện được thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện

1. Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương được thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện trong những trường hợp địa điểm hiện tại không còn phù hợp với hoạt động.

2. Việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Quỹ tín dụng nhân dân phải được Đại hội thành viên nhất trí thông qua. Việc thay đổi địa điểm đặt sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương phải được Hội đồng quản trị nhất trí thông qua.

3. Địa điểm dự kiến đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện của Quỹ tín dụng nhân dân phải được Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

Điều 12. Thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở

1. Khi có nhu cầu thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở gửi Ngân hàng Nhà nước 01 bộ hồ sơ gồm:

a) Văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị (hoặc người được uỷ quyền) đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, trong đó nêu rõ sự cần thiết phải thay đổi và địa điểm dự định chuyển đến;

b) Văn bản uỷ quyền của Chủ tịch Hội đồng quản trị (đối với trường hợp ủy quyền);

c) Nghị quyết của Đại hội thành viên về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính;

d) Trường hợp Quỹ tín dụng nhân dân chuyển trụ sở chính sang địa bàn xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) khác trong phạm vi địa bàn hoạt động thì phải có văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân xã nơi chuyển đi và nơi dự định chuyển đến;

đ) Bản sao văn bản (có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền) về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng nhà, đất hợp pháp của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở tại địa điểm dự định đặt trụ sở chính.

2. Thời hạn chấp thuận

Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, Ngân hàng Nhà nước xem xét giải quyết việc đề nghị thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở như sau:

a) Trường hợp không chấp thuận phải có văn bản giải thích lý do không chấp thuận;

b) Trường hợp chấp thuận thì ra Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động cho Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính.

3. Thủ tục sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận

Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở phải tiến hành các công việc sau:

a) Đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh;

b) Niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, thông báo trên đài phát thanh xã và đăng báo địa phương trong 03 số liên tiếp về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính; Trường hợp chuyển trụ sở chính sang địa bàn xã khác thì phải niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã và thông báo trên đài phát thanh xã cả nơi đi và nơi đến;

c) Tiến hành sửa đổi, bổ sung Điều lệ về thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính để trình Đại hội thành viên gần nhất thông qua;

d) Đề nghị Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định chuẩn y Điều lệ đã được Đại hội thành viên thông qua;

đ) Thông báo việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính cho các đơn vị, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện các công việc khác có liên quan.

Điều 13. Thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương

1. Khi có nhu cầu thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương gửi Ngân hàng Nhà nước 01 bộ hồ sơ gồm:

a) Văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị (hoặc người được uỷ quyền) đề nghị thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, trong đó nêu rõ sự cần thiết phải thay đổi và địa điểm dự định chuyển đến;

b) Văn bản uỷ quyền của Chủ tịch Hội đồng quản trị (đối với trường hợp ủy quyền);

c) Nghị quyết của Đại hội thành viên về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính; Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc thay đổi địa điểm đặt sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện;

d) Văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và văn bản nêu ý kiến của Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương tại địa phương;

Trường hợp Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương chuyển trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện đến nơi không cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và văn bản nêu ý kiến của Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh cả nơi đi và nơi đến về việc thay đổi địa điểm nói trên;

đ) Bản sao văn bản (có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền) về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng nhà, đất hợp pháp của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương tại địa điểm dự định đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện.

2. Thời hạn chấp thuận

Trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, Ngân hàng Nhà nước xem xét giải quyết việc đề nghị thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương như sau:

a) Trường hợp không chấp thuận phải có văn bản giải thích lý do không chấp thuận;

b) Trường hợp chấp thuận thì ra văn bản chấp thuận việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương.

3. Thủ tục sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận

 Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương phải tiến hành các công việc sau:

a) Đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh;

b) Đăng báo Trung ương và báo địa phương (nơi đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện) trong 03 số liên tiếp về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện; trường hợp chuyển trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện đến nơi không cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải đăng báo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cả nơi đi và nơi đến về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện;

c) Tiến hành sửa đổi, bổ sung Điều lệ về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính để trình Đại hội thành viên gần nhất thông qua;

d) Đề nghị Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định chuẩn y Điều lệ đã được Đại hội thành viên thông qua;

đ) Thông báo việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện cho các đơn vị, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện các công việc khác có liên quan.

Mục 4 TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THAY ĐỔI NỘI DUNG, PHẠM VI VÀ THỜI HẠN HOẠT ĐỘNG

Điều 14. Điều kiện thay đổi nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động

1. Điều kiện thay đổi nội dung hoạt động

Quỹ tín dụng nhân dân được thay đổi nội dung hoạt động xuất phát từ yêu cầu thực tế và khả năng trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ. Việc thay đổi nội dung hoạt động không được làm thay đổi tính chất, mục tiêu hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân, phải tuân thủ theo đúng quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và được Đại hội thành viên (đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở) hoặc Hội đồng quản trị (đối với Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương) nhất trí thông qua.

2. Điều kiện thay đổi phạm vi hoạt động

Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được thay đổi phạm vi hoạt động khi có nhu cầu thu hẹp hay mở rộng địa bàn hoạt động. Việc thay đổi phạm vi hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế, trình độ quản lý của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, khả năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, được Đại hội thành viên nhất trí thông qua và được Ủy ban nhân dân xã và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thành phố trực thuộc tỉnh nơi Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở dự kiến mở rộng hay thu hẹp phạm vi hoạt động chấp thuận.

3. Điều kiện thay đổi thời hạn hoạt động

Quỹ tín dụng nhân dân được thay đổi thời hạn hoạt động trong trường hợp hết thời hạn ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động nhưng Quỹ tín dụng nhân dân vẫn có nhu cầu hoạt động hoặc Quỹ tín dụng nhân dân có nhu cầu rút ngắn thời hạn hoạt động đã được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động. Việc thay đổi thời hạn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân phải được Đại hội thành viên nhất trí thông qua.

Điều 15. Hồ sơ đề nghị chấp thuận thay đổi nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động

1. Khi có nhu cầu thay đổi nội dung hoạt động, Quỹ tín dụng nhân dân  gửi Ngân hàng Nhà nước 01 bộ hồ sơ gồm:

a) Văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị (hoặc người được uỷ quyền) đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc thay đổi nội dung hoạt động; trong đó nêu rõ sự cần thiết phải thay đổi và nội dung dự kiến xin thay đổi;

b) Văn bản uỷ quyền của Chủ tịch Hội đồng quản trị (đối với trường hợp ủy quyền);

c) Nghị quyết Đại hội thành viên (đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở) hoặc Nghị quyết Hội đồng quản trị (đối với Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương) về việc thay đổi  nội dung hoạt động.

2. Khi có nhu cầu thay đổi phạm vi hoạt động, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở gửi Ngân hàng Nhà nước 01 bộ hồ sơ gồm:

a) Văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị (hoặc người được uỷ quyền) đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc thay đổi phạm vi hoạt động; trong đó nêu rõ sự cần thiết phải thay đổi và dự kiến xin thay đổi phạm vi hoạt động;

b) Văn bản uỷ quyền của Chủ tịch Hội đồng quản trị (đối với trường hợp ủy quyền);

c) Nghị quyết Đại hội thành viên  về việc thay đổi phạm vi hoạt động.

3. Khi có nhu cầu thay đổi thời hạn hoạt động, Quỹ tín dụng nhân dân gửi Ngân hàng Nhà nước 01 bộ hồ sơ gồm:

a) Văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị (hoặc người được uỷ quyền) đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc thay đổi thời hạn hoạt động; trong đó nêu rõ sự cần thiết phải thay đổi và thời hạn dự kiến xin thay đổi;

b) Văn bản uỷ quyền của Chủ tịch Hội đồng quản trị (đối với trường hợp ủy quyền);

c) Nghị quyết Đại hội thành viên về việc thay đổi thời hạn hoạt động.

Điều 16. Thời hạn chấp thuận và thủ tục sau khi được chấp thuận

1. Thời hạn chấp thuận

Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, Ngân hàng Nhà nước xem xét giải quyết việc đề nghị thay đổi nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân như sau:

a) Trường hợp không chấp thuận phải có văn bản giải thích lý do không chấp thuận;

b) Trường hợp chấp thuận:

- Đối với thay đổi nội dung hoạt động:

Trường hợp Giấy phép thành lập và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân đã được Ngân hàng Nhà nước cấp ghi chung là hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng hoặc được huy động vốn, cho vay vốn và thực hiện các hoạt động ngân hàng khác khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép thì Ngân hàng Nhà nước ra văn bản chấp thuận về việc thay đổi nội dung hoạt động (mẫu số 3, 4) và không phải ra Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động cho Quỹ tín dụng nhân dân.

Trường hợp Giấy phép thành lập và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân đã được Ngân hàng Nhà nước cấp có ghi từng nội dung hoạt động nghiệp vụ cụ thể của Quỹ tín dụng nhân dân (huy động vốn, cho vay vốn, …) mà không có nội dung ghi cho phép Quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng khác khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép thì Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động cho Quỹ tín dụng nhân dân về nội dung đề nghị thay đổi.

Trường hợp nội dung hoạt động thay đổi thuộc loại hoạt động nghiệp vụ ngân hàng phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thì Ngân hàng Nhà nước không phải ra văn bản chấp thuận hoặc Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động cho Quỹ tín dụng nhân dân mà thực hiện cấp Giấy phép các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng nói trên cho Quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

- Đối với việc thay đổi phạm vi, thời hạn hoạt động thì Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động cho Quỹ tín dụng nhân dân về nội dung đề nghị thay đổi.

2. Thủ tục sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận

Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Quỹ tín dụng nhân dân phải tiến hành các công việc sau:

a) Thông báo nội dung  thay đổi (nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động) cho các đơn vị, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật;

b) Đăng báo trung ương (đối với Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương), báo địa phương (đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở) trong 03 số liên tiếp về nội dung thay đổi;

c) Tiến hành sửa đổi, bổ sung Điều lệ về việc thay đổi phạm vi, thời hạn hoạt động để trình Đại hội thành viên gần nhất thông qua;

d) Đề nghị Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định chuẩn y Điều lệ đã được Đại hội thành viên thông qua;

đ) Thực hiện các công việc khác có liên quan.

Mục 5 TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THAY ĐỔI THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ,THÀNH VIÊN BAN KIỂM SOÁT VÀ TỔNG GIÁM ĐỐC (GIÁM ĐỐC)

Điều 17. Thay đổi Chủ tịch và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị

1. Thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị

a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng quản trị bị Ngân hàng Nhà nước tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết, các thành viên Hội đồng quản trị còn lại có trách nhiệm tổ chức họp Hội đồng quản trị để cử một thành viên Hội đồng quản trị tạm thời đảm nhiệm nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị và báo cáo ngay bằng văn bản với Ngân hàng Nhà nước; Thành viên Hội đồng quản trị được cử ra tạm thời đảm nhiệm nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm trong thời gian đảm nhiệm nhiệm vụ nói trên trước Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị và trước pháp luật về các quyết định của mình. Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng quản trị bị Ngân hàng Nhà nước tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết, Hội đồng quản trị phải triệu tập Đại hội thành viên bất thường để quyết định và tiến hành các thủ tục bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết và bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị mới theo quy định hiện hành.

b) Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị xin từ chức phải có đơn gửi Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị phải tổ chức họp để xem xét, trình Đại hội thành viên gần nhất quyết định và tiến hành các thủ tục miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị cũ và bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị mới theo quy định hiện hành.

2. Thay đổi các thành viên khác trong Hội đồng quản trị

a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày thành viên Hội đồng quản trị bị Ngân hàng Nhà nước tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết, Hội đồng quản trị phải tổ chức họp để thông báo thành viên Hội đồng quản trị bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết. Hội đồng quản trị phải trình Đại hội thành viên gần nhất quyết định và tiến hành các thủ tục bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị đã bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị mới theo quy định hiện hành.

b) Thành viên Hội đồng quản trị xin từ chức phải có đơn gửi Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị phải tổ chức họp để xem xét, trình Đại hội thành viên gần nhất quyết định và tiến hành các thủ tục miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị đã xin từ chức và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị mới theo quy định hiện hành.

c) Trường hợp bị giảm quá một phần ba số thành viên Hội đồng quản trị hoặc không đủ số thành viên Hội đồng quản trị tối thiểu theo quy định của Điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân thì trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày không đủ số lượng thành viên Hội đồng quản trị theo quy định, Hội đồng quản trị phải triệu tập Đại hội thành viên bất thường để quyết định và tiến hành thực hiện các thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị cũ và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị mới theo quy định hiện hành.

Điều 18. Thay đổi Trưởng Ban và các thành viên khác trong Ban kiểm soát

1. Thay đổi Trưởng Ban kiểm soát

a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày Trưởng Ban kiểm soát bị Ngân hàng Nhà nước tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết, các thành viên Ban kiểm soát còn lại có trách nhiệm tổ chức họp Ban kiểm soát để cử một thành viên Ban kiểm soát tạm thời đảm nhiệm nhiệm vụ của Trưởng Ban kiểm soát và báo cáo ngay bằng văn bản với Ngân hàng Nhà nước; Thành viên Ban kiểm soát được cử ra tạm thời đảm nhiệm nhiệm vụ của Trưởng Ban kiểm soát phải chịu trách nhiệm trong thời gian đảm nhiệm nhiệm vụ nói trên trước Đại hội thành viên, Ban kiểm soát và trước pháp luật về các quyết định của mình. Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày Trưởng Ban kiểm soát bị Ngân hàng Nhà nước tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết, Hội đồng quản trị tiến hành triệu tập Đại hội thành viên bất thường để quyết định và tiến hành các thủ tục bãi nhiệm Trưởng Ban kiểm soát đã bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết và bầu Trưởng Ban kiểm soát mới theo quy định hiện hành.

Trường hợp Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở chỉ có một kiểm soát viên chuyên trách, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày kiểm soát viên chuyên trách bị Ngân hàng Nhà nước tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết, Hội đồng quản trị phải tiến hành triệu tập Đại hội thành viên bất thường để quyết định và tiến hành các thủ tục bãi nhiệm kiểm soát viên chuyên trách đã bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết và bầu kiểm soát viên chuyên trách mới theo quy định hiện hành.

b) Trưởng Ban kiểm soát xin từ chức phải có đơn gửi đến Ban kiểm soát. Ban kiểm soát phải tổ chức họp để xem xét, trình Đại hội thành viên gần nhất quyết định và tiến hành các thủ tục miễn nhiệm Trưởng Ban kiểm soát xin từ chức và bầu Trưởng Ban kiểm soát mới theo quy định hiện hành.

Trường hợp Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở chỉ có một kiểm soát viên chuyên trách, kiểm soát viên xin từ chức phải có đơn gửi Hội đồng quản trị; Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Hội đồng quản trị tiến hành triệu tập Đại hội thành viên bất thường để quyết định và tiến hành các thủ tục miễn nhiệm kiểm soát viên chuyên trách xin từ chức và bầu kiểm soát viên chuyên trách mới theo quy định hiện hành.

2. Thay đổi các thành viên khác trong Ban kiểm soát

a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày thành viên Ban kiểm soát bị Ngân hàng Nhà nước tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết, Ban kiểm soát phải tổ chức họp để thông báo thành viên Ban kiểm soát bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết. Ban kiểm soát phải trình Đại hội thành viên gần nhất quyết định và tiến hành các thủ tục bãi nhiệm thành viên Ban kiểm soát đã bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết và bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát mới theo quy định hiện hành.

b) Trường hợp thành viên Ban kiểm soát xin từ chức phải có đơn gửi Ban kiểm soát. Ban kiểm soát phải tổ chức họp để xem xét, trình Đại hội thành viên gần nhất quyết định và tiến hành các thủ tục miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát xin từ chức và bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát mới theo quy định hiện hành.

c) Trường hợp bị giảm quá một phần ba số thành viên Ban kiểm soát, trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày không đủ số lượng thành viên Ban kiểm soát theo quy định, Hội đồng quản trị phải triệu tập Đại hội thành viên bất thường để quyết định và tiến hành các thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên Ban kiểm soát cũ và bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát mới theo quy định hiện hành.

Điều 19. Thay đổi Giám đốc

1. Đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở thành lập một bộ máy vừa quản lý vừa điều hành

a) Trường hợp Giám đốc bị Ngân hàng Nhà nước tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết, Hội đồng quản trị phải cử ngay một Phó Giám đốc tạm thời đảm nhiệm công việc của Giám đốc và xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 của Quy định này.

b) Trường hợp Giám đốc có đơn xin từ chức, Hội đồng quản trị phải xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 của Quy định này.

2. Đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở thành lập riêng bộ máy quản lý và bộ máy điều hành

a) Trường hợp Giám đốc do Hội đồng quản trị bổ nhiệm: Khi Giám đốc bị Ngân hàng Nhà nước tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết, Hội đồng quản trị phải cử ngay một Phó Giám đốc đảm nhiệm công việc của Giám đốc. Trong thời hạn tối đa 60 ngày làm việc kể từ ngày Giám đốc bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết, Hội đồng quản trị phải tổ chức họp để quyết định, tiến hành các thủ tục miễn nhiệm Giám đốc đã bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc bị chết, bổ nhiệm Giám đốc mới và trình Ngân hàng Nhà nước chuẩn y.

b) Trường hợp Giám đốc được ký hợp đồng thuê: Khi Giám đốc có những vi phạm bị chấm dứt hợp đồng hoặc bị chết, Hội đồng quản trị phải cử ngay một Phó Giám đốc đảm nhiệm công việc của Giám đốc. Trong thời hạn tối đa 60 ngày làm việc kể từ ngày Giám đốc bị chấm dứt hợp đồng hoặc bị chết, Hội đồng quản trị phải tổ chức họp để quyết định chấm dứt hợp đồng thuê đối với Giám đốc cũ và quyết định thuê Giám đốc mới, trình Ngân hàng Nhà nước chuẩn y.

c) Trường hợp Giám đốc có đơn xin từ chức: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày đơn xin từ chức được chấp nhận, Hội đồng quản trị phải tổ chức họp để tiến hành các thủ tục miễn nhiệm (hoặc chấm dứt hợp đồng thuê giám đốc cũ) và quyết định bổ nhiệm (hoặc quyết định thuê) Giám đốc mới theo quy định hiện hành.

3. Trường hợp thay đổi Tổng Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương được thực hiện theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 20. Hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thay đổi các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát và các thành viên khác trong Ban kiểm soát, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân

Trước khi tổ chức Đại hội thành viên để thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị (hoặc Giám đốc đối với Quỹ tín dụng nhân dân thành lập một bộ máy vừa quản lý vừa điều hành), các thành viên khác trong Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát, các thành viên khác trong Ban kiểm soát hoặc trước khi họp Hội đồng quản trị để thay đổi Giám đốc, Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân lập hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước gồm:

1. Văn bản của Hội đồng quản trị đề nghị thay đổi các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên khác trong Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát, các thành viên khác trong Ban kiểm soát và Giám đốc; Văn bản đề nghị phải giải thích lý do thay đổi;

2. Biên bản họp Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát về việc thay đổi các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên khác trong Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát, các thành viên khác trong Ban kiểm soát và Giám đốc;

3. Bản chính Đơn xin từ chức hoặc Đơn xin thay thế người đại diện của pháp nhân (nếu có);

4. Danh sách trích ngang của những người được dự kiến bố trí vào các chức danh sẽ thay đổi (Mẫu số 5);

5. Các văn bản liên quan khác.

Điều 21. Thời hạn chấp thuận và thủ tục sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận

1. Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, Ngân hàng Nhà nước xem xét và có văn bản trả lời chấp thuận hay không chấp thuận việc thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên khác trong Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát, các thành viên khác trong Ban kiểm soát và Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân (Mẫu số 6, 7). Trường hợp không chấp thuận, văn bản trả lời phải giải thích lý do không chấp thuận.

2. Sau khi có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Quỹ tín dụng nhân dân phải tiến hành các công việc sau:

a) Hội đồng quản trị triệu tập Đại hội thành viên để bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc cũ (đối với Quỹ tín dụng nhân dân thành lập một bộ máy vừa quản lý vừa điều hành), các thành viên khác trong Hội đồng quản trị cũ, Trưởng Ban kiểm soát, các thành viên khác trong Ban kiểm soát cũ và bầu các chức danh mới thay thế theo quy định của pháp luật;

Trường hợp Giám đốc do Hội đồng quản trị bổ nhiệm: Sau khi có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng quản trị phải họp để quyết định miễn nhiệm, cách chức Giám đốc cũ và bổ nhiệm Giám đốc mới;

Trường hợp Giám đốc do Hội đồng quản trị ký hợp đồng thuê: Sau khi có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng quản trị phải họp để quyết định chấm dứt hợp đồng thuê Giám đốc cũ và ký hợp đồng thuê Giám đốc mới;

b) Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày Đại hội thành viên thông qua việc bãi nhiệm, miễn nhiệm và bầu các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc (đối với Quỹ tín dụng nhân dân thành lập một bộ máy vừa quản lý vừa điều hành), các thành viên khác trong Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát, các thành viên khác trong Ban kiểm soát hoặc kể từ ngày Hội đồng quản trị họp ra quyết định miễn nhiệm, cách chức hoặc chấm dứt hợp đồng thuê Giám đốc cũ và bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng thuê Giám đốc mới, Quỹ tín dụng nhân dân phải hoàn tất hồ sơ theo quy định đề nghị Ngân hàng Nhà nước chuẩn y các chức danh thay đổi;

c) Đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật, danh sách Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Quỹ tín dụng nhân dân với cơ quan đăng ký kinh doanh;

d) Thông báo việc thay đổi thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc cho các đơn vị, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật;

đ) Thực hiện các công việc khác có liên quan.

Chương 3

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Tổ chức thực hiện

Các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, các Quỹ tín dụng nhân dân căn cứ vào Quy định này để thực hiện đúng về trình tự, thủ tục khi Quỹ tín dụng nhân dân thực hiện những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

 

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đã ký : Trần Minh Tuấn

Mẫu số 1

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH TỈNH, TP VIỆT NAM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: ....... /NHNN- ……..

V/v tăng (giảm) VĐL

của QTDND cơ sở

 

….........., ngày …. tháng …..  năm .........

Kính gửi: Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

Xét hồ sơ đề nghị tăng (giảm) vốn điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở….……….., Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố……………. có ý kiến như sau:

Chấp thuận (hoặc không chấp thuận) đề nghị của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ................ được tăng (giảm) vốn điều lệ là: …………………………..

(Lý do không chấp thuận): ………………….………………………………. …

Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ……………………. có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục khi thực hiện việc tăng (giảm) vốn điều lệ./.

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, ...

GIÁM ĐỐC

Mẫu số 2


NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

VIỆT NAM

-

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
  Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: ….. /NHNN

Hà Nội, ngày      tháng.....  năm ...

 

V/v tăng (giảm) VĐL

của QTDND TW

Kính gửi: Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương

            Xét hồ sơ đề nghị tăng (giảm) vốn điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có ý kiến như sau:

Chấp thuận (hoặc không chấp thuận) đề nghị của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương được tăng (giảm) vốn điều lệ là ………………………………..  

(Lý do không chấp thuận): ………………………………………………… ...............………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục khi thực hiện việc tăng (giảm) vốn điều lệ./.

Nơi nhậ:
- Như trên;
- Lưu VP

THỐNG ĐỐC

,


Mẫu số 3

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
CHI NHÁNH TỈNH, TP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: .......  /NHNN-  ..…..

 

, ngày …… tháng …… năm .......

V/v thay đổi nội dung

hoạt động của QTDND cơ sở

Kính gửi: Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở…….

Xét hồ sơ đề nghị thay đổi nội dung hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở........................………………… Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố ………………………  có ý kiến như sau:

Chấp thuận (hoặc không chấp thuận) đề nghị được thay đổi các nội dung sau: ………………..

(Lý do không chấp thuận): ……………………………………………………

Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ....................... có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục khi thực hiện những thay đổi đã được chấp thuận tại văn bản này./.

Nơi nhận: -
 Như trên;
- Lưu VT

GIÁM ĐỐC


Mẫu số 4

 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚ VIỆT NAM          

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số:……./NHNN

Hà Nội, ngày …… tháng.....  năm

V/v thay đổi nội dung

hoạt động của QTDND TW

 Kính gửi: Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương

Xét hồ sơ đề nghị thay đổi nội dung hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có ý kiến như sau:

Chấp thuận (hoặc không chấp thuận) đề nghị được thay đổi các nội dung sau: …………………………………………………

…………………………………………………… (Lý do không chấp thuận):

Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục khi thực hiện những thay đổi đã được chấp thuận tại văn bản này./.

Nơi nhận:
Như trên;
 Lưu VP

THỐNG ĐỐC

Mẫu số 5

QTDND

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM    Độc lập - Tự do -  Hạnh phúc

 

DANH SÁCH TRÍCH NGANG NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC DỰ KIẾNBỐ TRÍ VÀO CÁC CHỨC DANH SẼ THAY ĐỔI

Số TT

Họ và tên

Ngày, tháng, năm sinh

Trình độ văn hóa

Trình độ chuyên môn

Thời gian công tác trong lĩnh vực kinh tế,

Tài chính, Ngân hàng (kể cả thời gian công tác tại QTDND)

Khen thưởng

Kỷ luật

Chức danh đang  đảm nhiệm

Chức danh dự kiến  đảm nhiệm

Ghi chú

Nam

Nữ

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

01

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

02

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

.., ngày  .....…  tháng …… năm ………

 

TM. Hội đồng quản trị

Chủ tịch

 


Mẫu số 6

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM CHI NHÁNH TỈNH, TP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: ....... /NHNN

..., ngày ….. tháng ……năm .......

V/v thay đổi TV HĐQT, TV

BKS, GĐ của QTDND cơ sở

Kính gửi: Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở…………...

Xét hồ sơ đề nghị thay đổi ……………………………… (thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc) của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở........................………………… Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố ………………………  có ý kiến như sau:

Chấp thuận (hoặc không chấp thuận) đề nghị được thay đổi các chức danh sau: ………………..

(Lý do không chấp thuận): ………………………………………

Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ....................... có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục khi thực hiện những thay đổi đã được chấp thuận tại văn bản này./.

  Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT,

GIÁM ĐỐC


Mẫu số 7

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: ……./NHNN

Hà Nội, ngày ……. tháng ....... năm ..

V/v thay đổi TV HĐQT, TV

BKS của QTDND TW

Kính gửi: Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương

Xét hồ sơ đề nghị thay đổi ……………………………… (thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát) của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có ý kiến như sau:

Chấp thuận (hoặc không chấp thuận) đề nghị được thay đổi các chức danh sau: …………………………………………………

(Lý do không chấp thuận): ……………………………………………………………………………………..

Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục khi thực hiện những thay đổi đã được chấp thuận tại văn bản này./.

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VP

THỐNG ĐỐC

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 05/2007/QĐ-NHNN Quy định về trình tự, thủ tục thực hiện những thay đổi của Quỹ tín dụng nhân dân phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 05/2007/QĐ-NHNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/01/2007
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Trần Minh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 79 đến số 80
  • Ngày hiệu lực: 27/02/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/06/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản