Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỂN THÔNG
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 05/2007/QĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 06 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Thực hiện uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4092/VPCP-KG ngày 23 tháng 07 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ về Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến 2015 và 2020;
Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Chiến lược Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam đến năm 2020” với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (bao gồm nhân lực làm việc trong các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin; nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin; nhân lực cho đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin) là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phải đảm bảo chất lượng, đồng bộ, chuyển dịch nhanh về cơ cấu theo hướng tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao, tăng cường năng lực công nghệ thông tin quốc gia.

b) Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phải gắn kết chặt chẽ với quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đổi mới giáo dục đại học. Đổi mới cơ bản và toàn diện đào tạo nhân lực công nghệ thông tin theo hướng hội nhập và đạt trình độ quốc tế, tạo được chuyển biến cơ bản về chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

c) Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, phát huy mọi nguồn lực trong nước và tranh thủ các nguồn lực ngoài nước cho phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

Phát triển mạnh nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đảm bảo có đủ nhân lực phục vụ nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng kinh tế tri thức và xã hội thông tin, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cung cấp nhân lực công nghệ thông tin cho thị trường lao động quốc tế.  

Hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của hệ thống đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, nâng trình độ đào tạo nhân lực công nghệ thông tin của nước ta tiếp cận trình độ quốc tế và tham gia thị trường đào tạo nhân lực quốc tế. Từng bước trở thành một trong những nước cung cấp nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ  quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

b) Mục tiêu cụ thể

Tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng và số lượng giảng viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở dạy nghề. Đến năm 2015, ở bậc đại học, cao đẳng đảm bảo tỷ lệ 15 sinh viên có 1 giảng viên công nghệ thông tin; 70% giảng viên đại học và trên 50% giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sĩ trở lên, trên 50% giảng viên đại học và ít nhất 10% giảng viên cao đẳng có trình độ tiến sĩ. Đến năm 2020, trên 90% giảng viên đại học và trên 70% giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sĩ trở lên, trên 75% giảng viên đại học và ít nhất 20% giảng viên cao đẳng có trình độ tiến sĩ.

Tạo được chuyển biến đột phá về chất lượng đào tạo. Phấn đấu đến năm 2015 đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông ở bậc đại học đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN; 80% sinh viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông tốt nghiệp ở các trường đại học trong nước có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế. Đến năm 2020 đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông tại nhiều trường đại học đạt trình độ quốc tế; 90% sinh viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ giáo viên dạy tin học cho các cơ sở giáo dục phổ thông. Đến năm 2015, toàn bộ học sinh các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và 80% học sinh các trường tiểu học được học tin học. Đảm bảo dạy tin học cho 100% học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông vào năm 2020. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo. Đến năm 2015, 100% giáo viên các cấp có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho giảng dạy.

Đẩy mạnh đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Từ nay đến năm 2015, cung cấp cho các doanh nghiệp này 250.000 người có chuyên môn về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Trong số đó, 50% có trình độ cao đẳng, đại học và 5% có trình độ Thạc sỹ trở lên.

Tăng cường đào tạo nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin. Từ nay đến năm 2015, cung cấp cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở nghiên cứu, bệnh viện, … 530.000 cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin có trình độ cao đẳng hoặc tương đương trở lên.

Không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin cho toàn xã hội. Đến năm 2015, tất cả cán bộ, công chức, viên chức các cấp, 100% cán bộ y tế, 80% lao động trong các doanh nghiệp và trên 50% dân cư có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin. Các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có giám đốc công nghệ thông tin, được đào tạo theo quy định của Nhà nước. Đến năm 2020, 90% lao động trong các doanh nghiệp và trên 70% dân cư có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin.

II. CÁC NHIỆM VỤ

1. Phát triển đội ngũ giảng viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông

a) Mục tiêu: Đáp ứng nhu cầu giảng viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề.

b) Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung 21.000 giảng viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề với 50% có trình độ Thạc sỹ trở lên. Thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học về công nghệ thông tin” và dự án “Hỗ trợ triển khai các chương trình liên kết đào tạo công nghệ thông tin với các trường đại học nước ngoài” trong “Chương trình phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin ở Việt Nam từ nay đến năm 2010” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 331/QĐ-TTg ngày 6/4/2004.

2. Phát triển đội ngũ  giáo viên dạy tin học cho các cơ sở giáo dục phổ thông

a) Mục tiêu: Đáp ứng nhu cầu giáo viên dạy tin học cho các cơ sở giáo dục phổ thông.

b) Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung 38.000 giáo viên dạy tin học cho các cơ sở giáo dục phổ thông.

3. Chuẩn hóa các trình độ đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông

a) Mục tiêu: Chuẩn hóa các trình độ đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông.

b) Nội dung: Xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn về các trình độ đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; chuẩn về ngoại ngữ trong đào tạo công nghệ thông tin; quy định điều kiện hoạt động đào tạo và cấp chứng chỉ công nghệ thông tin. Xây dựng và triển khai thực hiện dự án hệ thống sát hạch trình độ công nghệ thông tin.

4. Phát triển đội ngũ nghiên cứu về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông

a) Mục tiêu: Tăng cường năng lực nghiên cứu về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông.

b) Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện dự án đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho cán bộ nghiên cứu trong các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông.

5. Xây dựng và phát triển đội ngũ giám đốc công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước

a) Mục tiêu: Đáp ứng nhu cầu giám đốc công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.

b) Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện dự án đào tạo giám đốc công nghệ thông tin cho các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của Nhà nước.

6. Đào tạo các tài năng về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông

a) Mục tiêu: Phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và phát triển các tài năng về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông.

b) Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện dự án phát hiện các tài năng trẻ, tổ chức bồi dưỡng và đào tạo các tài năng nhằm phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông của đất nước.

7. Đào tạo nhân lực trình độ cao về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông

a) Mục tiêu: Đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông và nhu cầu cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở nghiên cứu, trường học, bệnh viện.

b) Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo 135.000 – 140.000 người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, với 8 – 10% có trình độ Thạc sỹ trở lên phục vụ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; đào tạo và bồi dưỡng 530.000 người có trình độ cao đẳng hoặc tương đương trở lên về công nghệ thông tin có khả năng làm cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin.

8. Đào tạo nghề về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông

a) Mục tiêu: Đáp ứng nhu cầu nhân lực được đào tạo nghề cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

b) Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề các trình độ về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông cho 105.000 – 110.000 người. Thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin ở bậc trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề” trong “Chương trình phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin ở Việt Nam từ nay đến năm 2010”.

9. Phát triển nhân lực công nghệ thông tin trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng

a) Mục tiêu: Đáp ứng nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin trong các đơn vị quân đội và công an.

b) Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện dự án phát triển nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin trong các đơn vị quân đội và công an.

10. Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức

a) Mục tiêu: Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội.

b) Nội dung: Thực hiện dự án “Đào tạo về quản lý công nghệ thông tin và phổ cập tin học cho cán bộ, công chức và viên chức” trong “Chương trình phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin ở Việt nam từ nay đến năm 2010”.

11. Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho giáo viên, cán bộ trong ngành giáo dục và đào tạo

a) Mục tiêu: Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho giáo viên, cán bộ ngành giáo dục và đào tạo phục vụ đổi mới phương thức dạy và học

b) Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện dự án đào tạo và bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên đại học và cao đẳng, giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học và mẫu giáo.

12. Dạy tin học cho sinh viên, học sinh các cấp

a) Mục tiêu: Đảm bảo việc dạy tin học cho sinh viên đại học, cao đẳng, học sinh trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và học sinh phổ thông.

b) Nội dung: Triển khai thực hiện dự án “Đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin cho các chuyên ngành”, dự án “Nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin ở bậc trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề”, đề án “Dạy tin học và ứng dụng công nghệ thông tin trong trường phổ thông” trong “Chương trình phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin ở Việt nam từ nay đến năm 2010”, xây dựng và triển khai thực hiện dự án phát triển mạng và các dịch vụ giáo dục, đào tạo trên Internet.

13. Phổ cập tin học cho nhân dân

a) Mục tiêu: Nâng cao năng lực sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin cho nhân dân trong cả nước.

b) Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện dự án phổ cập tin học cho nhân dân, nhằm phổ biến kiến thức, đào tạo về sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và những người khuyết tật.

14. Xây dựng trường đại học công nghệ thông tin và truyền thông đạt đẳng cấp quốc tế

a) Mục tiêu: Xây dựng trường đại học công nghệ thông tin và truyền thông đạt đẳng cấp quốc tế

b) Nội dung: Xây dựng trường đại học công nghệ thông tin và truyền thông đạt đẳng cấp quốc tế. Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đào tạo đại học công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông bằng tiếng Anh theo hướng 1 năm học tiếng Anh và 3-4 năm học chuyên môn bằng tiếng Anh.

15. Xây dựng hệ thống thông tin nhân lực công nghệ thông tin

a) Mục tiêu: Xây dựng hệ thống thông tin nhân lực công nghệ thông tin phục vụ phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

b) Nội dung: Xây dựng hệ thống thông tin nhân lực công nghệ thông tin. Tổ chức thực hiện nghiên cứu dự báo về thị trường lao động công nghệ thông tin, hỗ trợ các cơ sở đào tạo, các cơ quan, đơn vị sử dụng nhân lực công nghệ thông tin.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ thông tin

- Đẩy mạnh đổi mới đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông ở bậc đại học theo Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.

- Ban hành cơ chế đặc thù cho đào tạo nhân lực công nghệ thông tin.

- Ban hành các tiêu chuẩn ngành nghề, chức danh về công nghệ thông tin, chức danh cán bộ quản lý công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước.

- Phát triển mô hình đào tạo theo nhu cầu đặt trước của các doanh nghiệp, các tổ chức; mô hình gắn kết đào tạo, nghiên cứu với sản xuất của các doanh nghiệp lớn.

- Xây dựng chương trình khung đào tạo công nghệ thông tin, bảo đảm sự liên thông của các cấp học, tăng tỷ lệ thực hành ở các môn học công nghệ thông tin, loại bỏ các chương trình lạc hậu không đáp ứng yêu cầu. Tiếp thu có chọn lọc và triển khai đào tạo theo các chương trình đào tạo tiên tiến của thế giới.

- Tổ chức khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông tại các trường đại học.

2. Tăng cường đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin

- Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội đầu tư cho đào tạo nhân lực công nghệ thông tin.

- Đổi mới việc huy động nguồn lực và cơ chế tài chính cho đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông ở bậc đại học theo Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.

- Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho đào tạo Tiến sỹ, Thạc sỹ về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và giảng dạy tin học cho học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông.

- Tiếp tục sử dụng ngân sách Nhà nước (Đề án 322) để gửi cán bộ đi đào tạo bậc cao về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và hỗ trợ triển khai các chương trình đào tạo phối hợp với trường đại học nước ngoài.

- Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho một số cơ sở đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, trước mắt tập trung cho các trường đại học trọng điểm.

- Khuyến khích đầu tư vào đào tạo nhân lực công nghệ thông tin theo hướng: Dịch vụ giáo dục chất lượng cao được thu học phí cao; Cơ sở đào tạo được hưởng ưu đãi trong hoạt động đào tạo tương đương với doanh nghiệp sản xuất phần mềm. Ban hành chính sách thuế phù hợp để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

- Xây dựng cơ chế thu hút và lưu giữ chuyên gia công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông trình độ cao ở nước ngoài (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài) vào làm việc tại Việt Nam hoặc làm việc vì sự phát triển của công nghệ thông tin Việt Nam.

- Ban hành cơ chế giành một tỉ lệ thích hợp trong 1% ngân sách nhà nước hàng năm chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để triển khai các nghiên cứu về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông.

- Ban hành chính sách ưu đãi về thu nhập cho nhân lực công nghệ thông tin làm việc trong các cơ quan nhà nước; chính sách ưu đãi đối với cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, giáo viên công nghệ thông tin tại các vùng khó khăn.

- Nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ đào tạo công nghệ thông tin.

3. Mở rộng quy mô đào tạo nhân lực công nghệ thông tin

- Mở rộng quy mô đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông tại khu vực các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Tại các vùng kinh tế trọng điểm, thành lập mới một số cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; thu hút đầu tư thành lập trường đại học 100% vốn nước ngoài; liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Tăng cường năng lực đào tạo công nghệ thông tin cho các cơ sở đào tạo hiện có và thành lập mới một số cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ thông tin tại các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.

- Đa dạng hóa các hình thức đào tạo nhân lực công nghệ thông tin: đào tạo chính quy tập trung, tại chức, bổ túc, đào tạo từ xa, vv...nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin.

- Khuyến khích mở rộng quy mô và tăng cường chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ công nghệ thông tin. Ban hành chính sách cho phép đào tạo liên thông giữa các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ với các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin bậc đại học trong nước, chính sách về công nhận trình độ công nghệ thông tin cho những người chưa qua đào tạo nhưng đã tự học và có trình độ nhất định; công nhận trình độ công nghệ thông tin tương đương dựa trên các thỏa thuận song phương và đa phương về giáo dục và đào tạo.

- Khuyến khích đào tạo bằng thứ 2 về công nghệ thông tin. Triển khai chương trình 4+1, các ngành khác được đào tạo thêm 1 năm về công nghệ thông tin.

- Ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo cho sinh viên, học sinh giỏi, người tàn tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng ưu tiên khác.

4. Tăng cường dạy tiếng Anh và dạy công nghệ thông tin bằng tiếng Anh

- Khuyến khích các trường đại học giảng dạy công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông bằng tiếng Anh. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án giảng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông.

- Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ tiếng Anh cho đội ngũ giảng viên, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông để đảm bảo đủ trình độ giảng dạy bằng tiếng Anh.

- Thu hút giáo viên nước ngoài,  người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ cao vào giảng dạy công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông bằng tiếng Anh.

- Tăng cường năng lực dạy tiếng Anh ở các trường có đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

- Thúc đẩy các hình thức liên kết đào tạo chất lượng cao, trao đổi giảng viên, chuyên gia với nước ngoài.

5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy và học

- Nhà nước hỗ trợ việc biên soạn và “số hóa” chương trình, giáo trình, sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, phục vụ cho việc học tập của học sinh, sinh viên; hỗ trợ giáo viên, sinh viên và học sinh trong hệ thống giáo dục quốc dân truy nhập Internet tại các cơ sở giáo dục.

- Triển khai nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy và học. Xây dựng chuẩn về các thiết bị, phần mềm cho dạy tin học và dạy các môn học khác.

- Đẩy mạnh xây dựng các tài nguyên giáo dục, đào tạo trên mạng Internet.

- Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục phổ thông ở các vùng khó khăn.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai quy hoạch và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch; định kỳ tổng hợp kết quả báo cáo Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù cho đào tạo nhân lực công nghệ thông tin; chủ trì thực hiện các nhiệm vụ:

- Phổ cập tin học cho nhân dân;

- Chuẩn hóa các trình độ đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông;

- Xây dựng hệ thống thông tin nhân lực công nghệ thông tin.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bố trí ngân sách cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; xây dựng cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin:

- Chính sách thuế phù hợp để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin;

- Chính sách hỗ trợ đào tạo cho sinh viên, học sinh giỏi, người tàn tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng ưu tiên khác;

- Chính sách hỗ trợ giáo viên, sinh viên và học sinh trong hệ thống giáo dục quốc dân truy cập Internet tại các cơ sở giáo dục;

- Chính sách ưu đãi về thu nhập cho nhân lực công nghệ thông tin làm việc trong các cơ quan nhà nước; ưu đãi đối với cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, giáo viên công nghệ thông tin tại các vùng khó khăn;

- Cơ chế giành một tỉ lệ thích hợp trong 1% ngân sách nhà nước hàng năm chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để triển khai các nghiên cứu về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì:

a) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin:

- Chính sách cho phép đào tạo liên thông giữa các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ với các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin bậc đại học trong nước;

- Chính sách về công nhận trình độ công nghệ thông tin cho những người chưa qua đào tạo nhưng đã tự học và có trình độ nhất định; công nhận trình độ công nghệ thông tin tương đương dựa trên các thỏa thuận song phương và đa phương về giáo dục và đào tạo;

- Chính sách hỗ trợ biên soạn và “số hóa” chương trình, giáo trình, sách giáo khoa và tài liệu tham khảo về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông;

- Chính sách thu hút giáo viên nước ngoài,  người Việt Nam ở nước ngoài vào giảng dạy công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông bằng tiếng Anh.

b) Thực hiện các nhiệm vụ:

- Phát triển đội ngũ giảng viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông;

- Phát triển đội ngũ giáo viên dạy tin học cho các cơ sở giáo dục phổ thông;

- Đào tạo các tài năng về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông;

- Đào tạo nhân lực trình độ cao về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông;

- Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho giáo viên, cán bộ trong ngành giáo dục, đào tạo;

- Dạy tin học cho sinh viên, học sinh các cấp;

- Xây dựng đại học công nghệ thông tin và truyền thông đẳng cấp quốc tế.

c) Xây dựng và triển khai mô hình đào tạo theo nhu cầu đặt trước của các doanh nghiệp, các tổ chức; mô hình gắn kết đào tạo, nghiên cứu với sản xuất của các doanh nghiệp lớn; xây dựng chương trình khung đào tạo công nghệ thông tin, bảo đảm sự liên thông của các cấp học; xây dựng chuẩn về các thiết bị, phần mềm cho dạy tin học và dạy các môn học khác; tổ chức khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông tại các trường đại học.

d) Xây dựng và triển khai các kế hoạch 5 năm và hàng năm về đào tạo nhân lực công nghệ thông tin trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; kế hoạch giảng dạy tin học trong các cơ sở gíáo dục phổ thông.

e) Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

4. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn ngành nghề, chức danh về công nghệ thông tin, chức danh cán bộ quản lý công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước; chủ trì thực hiện các nhiệm vụ:

- Xây dựng và phát triển đội ngũ giám đốc công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước;

- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành cơ chế thu hút và lưu giữ chuyên gia công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông trình độ cao ở nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; chủ trì thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; xây dựng và triển khai các kế hoạch 5 năm và hàng năm về đào tạo nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ sở dạy nghề.

6. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện nhiệm vụ phát triển đội ngũ nghiên cứu về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông.

7. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ trì thực hiện nhiệm vụ phát triển nhân lực công nghệ thông tin trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng.

8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cân đối, tổng hợp các nguồn lực trong kế hoạch nhà nước hàng năm cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

9. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức và viên chức thuộc quyền quản lý.

10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phổ cập tin học cho nhân dân địa phương.

11. Các tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, vv…), các tổ chức xã hội, nghề nghiệp phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thúc đẩy phổ cập tin học cho toàn xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị.

12. Các doanh nghiệp chủ động tổ chức đào tạo công nghệ thông tin cho người lao động trong doanh nghiệp và tham gia đào tạo phục vụ nhu cầu xã hội.

13. Các cơ sở giáo dục và đào tạo căn cứ vào quy hoạch xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm, chủ động triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo phục vụ nhu cầu xã hội.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
- Thủ tướng CP và các Phó Thủ tướng CP (b/c);
- Văn phòng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Toà án ND tối cao; Viện kiểm sát ND tối cao;
- UBND, Sở BCVT các tỉnh, T.P trực thuộc Trung ương;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Website Chính phủ
- Lưu: VT, Viện CL BCVT&CNTT

BỘ TRƯỞNG




Lê Doãn Hợp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 05/2007/QĐ-BTTTT phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 05/2007/QĐ-BTTTT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/10/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Lê Doãn Hợp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 766 đến số 767
  • Ngày hiệu lực: 24/11/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản