Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2006/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 16 tháng 1 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUI ĐỊNH ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND 26/11/2003;

Căn Luật Xây dựng ngày 26/11/2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng;

Xét Báo cáo kết quả thẩm định văn bản của Sở Tư pháp tại văn bản số 2916/STP-VB ngày 13/12/2005;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại các văn bản số 264/SXD - KH ngày 29/9/2005, của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 376 CV/SKH - TĐ ngày 07/10/2005, của Sở Giao thông - Vận tải tại văn bản số 139 CV/SGT - KTTĐ ngày 08/10/2005, của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số1286/NN - XDCB ngày 14/10/2005, của Sở Tài chính tại văn bản số 1579 CV/TCĐT ngày 06/10/2005,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Qui định điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh ; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ; các tổ chức cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh và Thủ tr­ưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
- Như­ Điều 2;
- Bộ Xây dựng ;
- Văn phòng Chính phủ ;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp ;
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh (để B/c;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PTTH Hà Tĩnh;
- Đ/c Chủ tịch, các Đ/c PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Các Đ/c Phó VP/UB;
- L­ưu: VT-XD.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Văn Chất

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(ban hành kèm theo Quyết định số 05 /2006/QĐ - UBND ngày 16 /01/2006 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Qui định này quy định về điều kiện năng lực và phạm vi hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh chưa được xếp hạng theo quy định tại Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 và Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/2/2005 của Chính phủ.

2. Phạm vi hoạt động bao gồm công tác quản lý dự án đầu tư; khảo sát xây dựng; tư vấn lập dự án đầu tư, thiết kế qui hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng và thi công xây dựng công trình.

3. Yêu cầu tối thiểu về điều kiện năng lực, kinh nghiệm và phạm vi hoạt động quy định tại Chương II của văn bản này.

Điều 2. Đối với tổ chức tư vấn thiết kế qui hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, ngoài các yêu cầu về điều kiện năng lực theo quy định, người quản lý doanh nghiệp dưới đây phải có chứng chỉ hành nghề về lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp.

a) Một trong số những người quản lý doanh nghiệp đối với các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn;

b) Chủ doanh nghiệp hoặc Giám đốc đối với doanh nghiệp tư nhân;

c) Tất cả các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.

Điều 3. Các cá nhân đảm nhiệm các chức danh nêu tại các Điều 7, 8, 9, 10, 11, 12 của văn bản này và các cá nhân hành nghề độc lập về lập thiết kế xây dựng công trình, thiết kế qui hoạch xây dưng, khảo sát xây dựng và giám sát thi công xây dựng công trình phải có chứng chỉ hành nghề. Việc cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại Quyết định số 12/2005/QĐ-BXD ngày 15/4/2005 và Quyết định số 15/2005/QĐ-BXD ngày 25/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Người có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phải chịu trách nhiệm tuân thủ đúng quy định về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động của mình.

Điều 4. Cá nhân đăng ký trong hồ sơ doanh nghiệp để xác định năng lực của đơn vị phải có hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định của Bộ luật Lao động và phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã giao kết.

Trong thời gian thực hiện hợp đồng tại một doanh nghiệp, nếu người lao động muốn ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân khác thì phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các hợp đồng lao động đã giao kết với doanh nghiệp đó và phải báo cho người sử dụng lao động bằng văn bản.

Chương II

ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG

I. Đối với cá nhân

Điều 5. Chủ nhiệm lập dự án

1. Yêu cầu về năng lực kinh nghiệm:

a) Có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành đào tạo phù hợp với tính chất, yêu cầu của dự án;

b) Có thời gian liên tục 05 năm trở lên làm công tác tư vấn lập dự án hoặc thiết kế xây dựng.

2. Phạm vi hoạt động: Được làm chủ nhiệm lập báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình theo lĩnh vực chuyên môn được đào tạo. Nếu đã trực tiếp lập từ 05 Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình trở lên thì được làm chủ nhiệm lập dự án nhóm C cùng loại.

Điều 6. Giám đốc tư vấn quản lý dự án, Giám đốc Ban quản lý dự án

1. Yêu cầu về năng lực kinh nghiệm:

a) Có trình độ tốt nghiệp đại học trở lên (đối với dự án ở các xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Kỳ Anh, Giám đốc ban quản lý dự án yêu cầu có trình độ tốt nghiệp trung cấp trở lên) thuộc chuyên ngành đào tạo phù hợp với tính chất, yêu cầu của dự án;

b) Có thời gian liên tục làm công tác lập dự án, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng 05 năm trở lên và đã trực tiếp chủ trì thực hiện công tác lập dự án, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng từ 04 công trình trở lên thuộc loại chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình có yêu cầu kỹ thuật tương tự.

2. Phạm vi hoạt động:

Được làm Giám đốc tư vấn quản lý dự án, Giám đốc Ban quản lý dự án đối với dự án thuộc loại chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình.

Điều 7. Chủ nhiệm khảo sát xây dựng (khảo sát địa chất, địa hình)

1. Yêu cầu về năng lực kinh nghiệm:

a) Có chứng chỉ hành nghề kỹ sư về khảo sát xây dựng;

b) Đã trực tiếp tham gia thực hiện 04 nhiệm vụ khảo sát trở lên có qui mô công trình cấp IV cùng loại đối với khảo sát địa chất công trình.

2. Phạm vi hoạt động: Được làm Chủ nhiệm khảo sát địa chất công trình đối với công trình cấp IV và dự án thuộc loại chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình.

3. Đối với khảo sát địa hình, chủ nhiệm khảo sát được làm chủ nhiệm khảo sát các cấp địa hình theo quy định.

Điều 8. Chủ nhiệm thiết kế xây dựng công trình

1. Yêu cầu về năng lực kinh nghiệm:

a) Có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng chuyên ngành phù hợp với công việc đảm nhận;

b) Đã trực tiếp làm chủ trì thiết kế 04 công trình cấp IV trở lên, hoặc 05 công trình thuộc loại lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình cùng loại.

2. Phạm vi hoạt động: Được làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng công trình cấp IV và công trình chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình cùng loại.

Điều 9. Chủ trì thiết kế xây dựng công trình

1. Yêu cầu về năng lực kinh nghiệm:

a) Có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng chuyên ngành phù hợp với công việc đảm nhận.

b) Đã trực tiếp làm thiết kế chuyên môn từ 04 công trình cấp IV trở lên hoặc 06 công trình chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình cùng loại.

2. Phạm vi hoạt động: Được chủ trì thiết kế xây dựng công trình cấp IV và công trình chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình cùng loại.

Đối với huyện miền núi những cá nhân có bằng tốt nghiệp cao đẳng xây dựng chuyên ngành có thời gian liên tục từ 05 năm trở lên làm công tác thiết kế hoặc thi công xây dựng thì được chủ trì thiết kế công trình xây dựng chuyên ngành phù hợp với chuyên môn đào tạo thuộc loại chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình cùng loại (chỉ dành riêng cho huyện miền núi).

Điều 10. Chủ nhiệm thiết kế qui hoạch xây dựng

1. Yêu cầu về năng lực kinh nghiệm:

a) Có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư;

b) Đã chủ trì thiết kế qui hoạch xây dựng từ 04 đồ án qui hoạch chung xây dựng đô thị loại IV hoặc 05 đồ án qui hoạch chung xây dựng đô thị loại V trở lên.

2. Phạm vi hoạt động:

a) Được chủ nhiệm thiết kế qui hoạch chung xây dựng đô thị đến loại IV, qui hoạch chi tiết thuộc đô thị đến loại IV, khu công nghiệp qui mô dưới 100 ha, qui hoach điểm dân cư nông thôn;

b) Nếu đã chủ trì thiết kế qui hoạch xây dựng từ 03 đồ án qui hoạch chung xây dựng đô thị loại V hoặc trực tiếp thiết kế chuyên môn từ 04 đồ án qui hoạch chung xây dựng đô thị loại V trở lên thì được làm chủ nhiệm thiết kế qui hoạch chung xây dựng đô thị loại V, qui hoạch chi tiết thuộc đô thị loại V, khu công nghiệp qui mô dưới 50 ha, qui hoạch điểm dân cư nông thôn.

Điều 11. Chủ trì thiết kế chuyên ngành đồ án qui hoạch xây dựng

1. Yêu cầu về năng lực kinh nghiệm:

a) Có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư; kỹ sư xây dựng chuyên ngành phù hợp với công việc đảm nhận;

b) Đã trực tiếp thiết kế chuyên môn từ 03 đồ án qui hoạch chung xây dựng đô thị loại IV hoặc 04 đồ án qui hoạch chung xây dựng đô thị loại V trở lên.

2. Phạm vi hoạt động: Được làm chủ trì đối với đồ án qui hoạch chung xây dựng đô thị loại IV trở xuống, qui hoạch chi tiết thuộc đô thị loại IV, khu công nghiệp qui mô dưới 100 ha, qui hoach điểm dân cư nông thôn;

Nếu đã trực tiếp thiết kế chuyên môn từ 04 đồ án qui hoạch chung xây dựng đô thị loại V trở lên thì được làm chủ trì đối với đồ án qui hoạch chung xây dựng đô thị loại V, qui hoạch chi tiết thuộc đô thị loại V, khu công nghiệp qui mô dưới 50 ha, qui hoach điểm dân cư nông thôn.

Điều 12. Cá nhân thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng.

1. Cá nhân trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng.

a) Yêu cầu về năng lực kinh nghiệm:

- Có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư; kỹ sư xây dựng chuyên ngành hoặc giám sát thi công xây dựng phù hợp với công việc đảm nhận;

- Có thời gian liên tục làm công tác thiết kế, thi công xây dựng hoặc giám sát thi công xây dựng từ 05 năm liên tục trở lên;

- Không có vi phạm trong hoạt động xây dựng trong thời gian 03 năm gần nhất.

b) Phạm vi hoạt động: Được trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng cấp IV, công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình;

Nếu có thời gian trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng liên tục từ 05 năm trở lên và đã thực hiện từ 05 công trình trở lên thì được trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình cùng loại đối với cấp cao hơn liền kề.

2. Cá nhân chủ trì công việc kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng

a) Yêu cầu về năng lực kinh nghiệm:

- Có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư; kỹ sư xây dựng chuyên ngành hoặc giám sát thi công xây dựng phù hợp với công việc đảm nhận;

- Có thời gian liên tục làm công tác thiết kế, thi công xây dựng hoặc giám sát thi công xây dựng ít nhất 10 năm liên tục hoặc đã trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng từ 05 năm trở lên;

- Không vi phạm hoạt động xây dựng trong thời giam 03 năm gần nhất.

b) Phạm vi hoạt động:

- Được chủ trì công việc kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng cấp IV, công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình;

- Nếu đã chủ trì công việc kiểm tra và chứng nhận chất lượng từ 05 công trình trở lên thì được chủ trì công việc kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình cùng loại cấp cao hơn liền kề.

Điều 13. Chỉ huy trưởng công trường, chủ nhiệm công trình

1. Yêu cầu về năng lực kinh nghiệm:

a) Có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp với tính chất, yêu cầu của công trình;

b) Có thời gian liên tục làm công tác thi công xây dựng hoặc giám sát thi công xây dựng từ 05 năm trở lên, trong đó đã trực tiếp thực hiện từ 04 công trình cấp IV trở lên hoặc 06 công trình thuộc loại chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật cùng loại.

2. Phạm vi hoạt động:

a) Được làm chỉ huy trưởng công trường, chủ nhiệm công trình xây dựng cấp IV, công trình thuộc loại chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình;

b) Đối với huyện miền núi những cá nhân có bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng xây dựng chuyên ngành có thời gian liên tục làm công tác giám sát thi công hoặc thi công xây dựng từ 05 năm trở lên được chủ nhiệm công trình xây dựng có chuyên ngành phù hợp với chuyên môn đào tạo thuộc loại chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình cùng loại (chỉ áp dụng riêng cho huyện miền núi).

II. Đối với tổ chức

Điều 14. Các tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu chung sau đây:

1. Có đầy đủ tư cách pháp nhân.

2. Đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm tối thiểu theo quy định.

Điều 15. Tổ chức tư vấn khi lập dự án

1. Yêu cầu về năng lực: Có từ 05 người là kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng chuyên ngành, kỹ sư kinh tế trở lên; thành phần chuyên môn phải phù hợp với yêu cầu của dự án và có 02 người trở lên đủ điều kiện làm chủ nhiệm dự án nêu tại Điều 5 của văn bản này.

2. Phạm vi hoạt động: Được lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình. Nếu đã thực hiện từ 05 Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình trở lên thì được lập dự án nhóm C cùng loại.

Điều 16. Tổ chức tư vấn khi làm tư vấn quản lý dự án

1. Yêu cầu về năng lực: Có từ 06 người là kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng chuyên ngành, kỹ sư kinh tế trở lên; thành phần chuyên môn phải phù hợp với yêu cầu của dự án và có 02 người trở lên đủ điều kiện làm Giám đốc quản lý dự án nêu tại Điều 6 của văn bản này.

2. Phạm vi hoạt động: Được quản lý dự án thuộc loại chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Trong trường hợp này, nếu đã thực hiện quản lý từ 05 dự án thuộc loại chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình trở lên thì được thực hiện quản lý dự án nhóm C.

3. Yêu cầu về điều kiện năng lực và phạm vi hoạt động của Ban quản lý dự án áp dụng như quy định đối với tư vấn khi quản lý dự án.

Điều 17. Tổ chức tư vấn khi khảo sát xây dựng

1. Yêu cầu về năng lực

a) Có từ 06 người là kỹ sư trở lên; thành phần chuyên môn phải phù hợp với yêu cầu của dự án và có từ 02 người trở lên đủ điều kiện làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng nêu tại Điều 7 của văn bản này;

b) Có đủ thiết bị khảo sát cần thiết để thực hiện được từng loại công việc khảo sát.

2. Phạm vi hoạt động

a) Được thực hiện khảo sát địa chất công trình đối với công trình cấp IV, công trình thuộc loại chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình;

b) Trong trường hợp này, nếu đã thực hiện từ 06 nhiệm vụ khảo sát địa chất công trình của công trình cấp IV trở lên thì được thực hiện nhiệm vụ khảo sát địa chất công trình cấp III cùng loại;

c) Đối với khảo sát địa hình được thực hiện khảo sát địa hình các cấp địa hình theo quy định.

Điều 18. Tổ chức tư vấn khi thiết kế xây dựng

1. Yêu cầu về năng lực

a) Có từ 07 người trở lên là kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng chuyên ngành, thành phần chuyên môn phải phù hợp với yêu cầu của dự án và có từ 02 người trở lên đủ điều kiện làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng quy định tại Điều 8 văn bản này;

b) Có đủ người làm chủ trì thiết kế các bộ môn phù hợp theo yêu cầu của công trình quy định tại Điều 9 văn bản này.

2. Phạm vi hoạt động:

a) Được thực hiện thiết kế công trình cấp IV, công trình thuộc loại chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình;

b) Trường hợp, nếu đã thực hiện thiết kế từ 06 công trình cấp IV trở lên thì được thực hiện thiết kế công trình cấp III cùng loại.

Điều 19. Yêu cầu về năng lực, phạm vi hoạt động của tổ chức tư vấn khi thiết kế qui hoạch xây dựng như sau:

1. Đối với tổ chức tư vấn khi tham gia thiết kế qui hoạch chung xây dựng đô thị loại IV, loại V và tương đương, qui hoạch chi tiết thuộc đô thị loại IV, khu công nghiệp có qui mô từ 200 ha trở xuống, qui hoạch điểm dân cư nông thôn phải có các điều kiện tối thiểu như sau:

a) Có từ 11 người trở lên là kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng chuyên ngành; thành phần chuyên môn phải phù hợp với yêu cầu của đồ án và có từ 02 người trở lên đủ điều kiện làm chủ nhiệm thiết kế qui hoạch xây dựng quy định tại Điều 10 văn bản này;

b) Có đủ người làm chủ trì thiết kế các bộ môn phù hợp theo yêu cầu của đồ án quy định tại Điều 11 văn bản này.

2. Đối với tổ chức tư vấn khi tham gia thiết kế qui hoạch chung xây dựng đô thị loại V và tương đương, qui hoạch chi tiết thuộc đô thị loại V, khu công nghiệp có qui mô từ 100 ha trở xuống, qui hoạch điểm dân cư nông thôn phải có điều kiện năng lực tối thiểu như sau:

a) Có từ 08 người trở lên là kiến trúc sư , kỹ sư xây dựng chuyên ngành; thành phần chuyên môn phải phù hợp với yêu cầu của đồ án và có từ 02 người trở lên đủ điều kiện làm chủ nhiệm thiết kế qui hoạch xây dựng quy định tại Điều 11 văn bản này;

b) Có đủ người làm chủ trì thiết kế các bộ môn phù hợp theo yêu cầu của công trình quy định tại Điều 11 văn bản này.

Điều 20. Tổ chức tư vấn khi giám sát thi công xây dựng công trình

1. Yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm

a) Có từ 06 người trở lên có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của dự án;

b) Đã giám sát thi công xây dựng từ 02 công trình cấp IV trở lên cùng loại hoặc 03 công trình chỉ yêu cầu cầu lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình có qui mô tương tự.

2. Phạm vi hoạt động

a) Được thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình cấp IV, công trình thuộc loại chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình;

b) Trường hợp, nếu đã thực hiện giám sát thi công xây dựng từ 05 công trình cấp IV trở lên thì được thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình cấp III cùng loại.

Điều 21. Tổ chức thi công xây dựng công trình

1. Yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm

a) Có từ 03 người trở lên đủ điều kiện làm chỉ huy công trường, chủ nhiệm công trình quy định ở Điều 13 văn bản này;

b) Có từ 04 người trở lên là kỹ sư (đối với các doanh nghiệp có trụ sở chính tại các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Kỳ Anh yêu cầu tối thiểu 02 kỹ sư, 05 trung cấp) thuộc chuyên ngành phù hợp với tính chất và loại công trình;

c) Đã thi công xây dựng từ 03 công trình trở lên thuộc loại chỉ yêu cầu cầu lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình cùng loại;

d) Có từ 25 công nhân trở lên có chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận và phải có hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

2. Phạm vi hoạt động

a) Được thực hiện thi công xây dựng công trình thuộc loại chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình;

b) Trường hợp, nếu đã thực hiện thi công xây dựng từ 06 công trình thuộc loại chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình trở lên thì được thi công xây dựng công trình cấp IV cùng loại.

Điều 22. Tổ chức tư vấn thực hiện thẩm tra dự án, thiết kế kỹ thuật, thiết kế qui hoạch xây dựng, dự toán, tổng dự toán công trình xây dựng phải đảm bảo yêu cầu về điều kiện năng lực, kinh nghiệm tối thiểu tương đương với tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế công trình xây dựng, tư vấn thiết kế qui hoạch xây dựng theo quy định tại Nghị định 16/NĐ- CP, Nghị định 08/NĐ- CP và tại các Điều 15, 18 và 19 văn bản này.

Điều 23. Yêu cầu về năng lực của tổ chức tư vấn khi thực hiện công việc kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng như sau:

1. Đối với tổ chức tư vấn khi tham gia thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng cấp I, cấp II, cấp III và cấp IV cùng loại phải có các điều kiện tối thiểu như sau:

a) Có từ 20 người trở lên đủ điều kiện trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng quy định tại Khoản 1, Điều 12 văn bản này. Trong đó phải có từ 05 người trở lên đủ điều kiện trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình cấp I cùng loại và có tối thiểu 03 người đủ điều kiện đảm nhiệm việc chủ trì công việc kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng cấp I cùng loại quy định tại Khoản 2 Điều 12 văn bản này;

b) Có thiết bị đảm bảo yêu cầu của công tác kiểm tra chất lượng công trình xây dựng theo quy định phù hợp với cấp công trình đảm nhận;

c) Đã có thời gian liên tục thực hiện một trong các hoạt động tư vấn: thiết kế xây dựng; giám sát thi công xây dựng, kiểm định chất lượng công trình xây dựng tối thiểu 05 năm và đã thiết kế hoặc giám sát thi công xây dựng hoặc kiểm tra chứng nhận và chứng nhận chất lượng công trình tối thiểu 02 công trình cấp I hoặc 03 công trình cấp II cùng loại.

2. Đối với tổ chức tư vấn khi tham gia thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng cấp II, cấp III và cấp IV cùng loại phải có các điều kiện tối thiểu như sau:

a) Có từ 10 người trở lên đủ điều kiện trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng quy định tại Khoản 1 Điều 12 văn bản này. Trong đó phải có từ 02 người trở lên đủ điều kiện trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình cấp II cùng loại và có từ 02 người trở lên đủ điều kiện đảm nhiệm việc chủ trì công việc kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng cấp II cùng loại quy định tại Khoản 2 Điều 12 văn bản này;

b) Có thiết bị đảm bảo yêu cầu của công tác kiểm tra chất lượng công trình xây dựng theo quy định phù hợp với cấp công trình đảm nhận;

c) Đã có thời gian liên tục thực hiện một trong các hoạt động tư vấn: Thiết kế xây dựng; giám sát thi công xây dựng, kiểm định chất lượng công trình xây dựng tối thiểu 05 năm và đã thiết kế hoặc giám sát thi công xây dựng hoặc kiểm tra chứng nhận và chứng nhận chất lượng công trình tối thiểu 02 công trình cấp II hoặc 03 công trình cấp III cùng loại.

3. Đối với tổ chức tư vấn khi tham gia thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng cấp IV cùng loại, công trình thuộc loại chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình phải có các điều kiện tối thiểu như sau:

a) Có từ 09 người trở lên đủ điều kiện trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng quy định tại Khoản 1 Điều 12 văn bản này và trong đó phải có từ 03 người trở lên đủ điều kiện đảm nhiệm việc chủ trì công việc kiểm tra và chứng nhận chất lượng công trình xây dựng quy định ở Khoản 2, Điều 12 văn bản này;

b) Có thiết bị đảm bảo yêu cầu của công tác kiểm tra chất lượng công trình xây dựng theo quy định;

c) Đã có thời gian liên tục thực hiện một trong các hoạt động tư vấn về thiết kế xây dựng; giám sát thi công xây dựng, kiểm định chất lượng công trình xây dựng tối thiểu 03 năm;

Trong trường hợp này, nếu đã thực hiện từ 07 công trình cấp IV trở lên thì được thực hiện thiết kế công trình cấp III cùng loại.

Điều 24. Tổ chức có chức năng hoạt động xây dựng thì khi thực hiện các hoạt động xây dựng, yêu cầu về điều kiện năng lực, kinh nghiệm và phạm vi hoạt động áp dụng tương ứng như đối với tổ chức hoạt động xây dựng.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân

1. Sở Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước về điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm:

a) Theo dõi, tổng hợp tình hình về điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ 6 tháng và cả năm;

b) Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn;

c) Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân khi hoạt động xây dựng trên địa bàn;

d) Kiến nghị xử lý vi phạm các quy định về điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn;

đ) Xây dựng trang thông tin về năng lực, tình hình hoạt động của các tổ chức tư vấn và xây dựng trên địa bàn theo định kỳ hàng năm. Kê khai và thông tin lần đầu phải được triển khai thực hiện và hoàn thành trong tháng 01/2006.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư trước khi cấp đăng ký kinh doanh cho các tổ chức hoạt động thiết kế công trình, thiết kế quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật phải kiểm tra chặt chẽ các điều kiện dăng ký kinh doanh, đồng thời phối hợp với các ngành thực hiện việc hậu kiểm đăng ký kinh doanh.

3. UBND các huyện, thị xã và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện việc quản lý về điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn.

4. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật và người quyết định đầu tư về việc lựa chọn nhà thầu có ngành nghề phù hợp với yêu cầu công việc và phải đảm bảo điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật và quy định này.

5. Các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn có trách nhiệm:

a) Thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng;

b) Căn cứ yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm theo quy định, tự xếp hạng năng lực hoạt động của mình;

c) Kê khai về năng lực và cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của mình cho Sở Xây dựng theo định kỳ 6 tháng và cả năm để xây dựng trang thông tin. Việc cung cấp thông tin phải đảm bảo chính xác, đầy đủ và trung thực (nội dung theo hướng dẫn của Sở Xây dựng) và phải chịu trách nhiệm pháp lý về thông tin của mình;

Việc kê khai xếp hạng năng lực và cung cấp thông tin lần đầu phải được triển khai thực hiện trong tháng 01 năm 2006.

Điều 26. Nghiêm cấm việc các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng cho thuê, mượn tư cách pháp nhân, con dấu, chứng chỉ hành nghề dưới bất kỳ hình thức nào, nếu vi phạm thì xử lý theo quy định của Pháp Luật.

Tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng vi phạm quy định về điều kiện năng lực thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26/4/2004 của Chính phủ và quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 27. Điều khoản thi hành

Giám đốc Các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông - Vận tải, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuỷ sản, Bưu chính - Viễn thông, Nội vụ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện quy định này;

Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung đề nghị các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan phản ánh bằng văn bản về UBND tỉnh để xem xét giải quyết.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 05/2006/QĐ-UBND quy định điều kiện năng lực, phạm vi hoạt động của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành

  • Số hiệu: 05/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/01/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Lê Văn Chất
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản