Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ VĂN HÓA THÔNG TIN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2000/QĐ-BVHTT | Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2000 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ XÂY DỰNG TƯỢNG ĐÀI, TRANH HOÀNH TRÁNG (PHẦN MỸ THUẬT)
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA THÔNG TIN
Căn cứ Nghị định số 81/CP ngày 08/11/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy tổ chức của Bộ Văn hóa-Thông tin;
Căn cứ phần Bản quyền tác giả của Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994 ban hành Điều lệ Quản lý quy hoạch đô thị của Chính phủ;
Căn cứ Công văn số 290/BXD-PC ngày 03 tháng 3 năm 2000 của Bộ xây dựng thỏa thuận ban hành Quy chế Quản lý xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng (phần mỹ thuật);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế Quản lý xây dựng tượng đài và tranh hoành tráng (phần mỹ thuật).
- Quy chế này được áp dụng cho việc quản lý, xây dựng phần mỹ thuật tượng đài, tranh hoành tráng bao gồm: sáng tác mẫu phác thảo, thể hiện, chuyển chất liệu, dàn dựng tranh tượng, phù điêu.
- Đối với phần xây dựng cơ bản nằm trong tổng thể công trình tượng đài, tranh hoành tráng không thuộc phạm vi điều chỉnh Quy chế này.
Điều 2: Quyết định này được thực hiện thống nhất trong cả nước sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Các Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các Cục, Vụ chức năng của Bộ, Giám đốc sở Văn hóa-Thông tin phối hợp với Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện bản Quy chế này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA-THÔNG TIN |
QUẢN LÝ XÂY DỰNG TƯỢNG ĐÀI, TRANH HOÀNH TRÁNG (PHẦN MỸ THUẬT)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2000/QĐ-BVHTT ngày 29/3/2000 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin)
Điều 1: Khái niệm tượng đài, tranh hoành tráng.
a) Tượng đài, tranh hoành tráng là công trình văn hóa nghệ thuật biểu hiện nội dung tư tưởng và tinh thần thời đại, mang hình thái xã hội đương thời, được thể hiện bằng chất liệu bền vững, là bộ phận cấu thành của không gian cấu trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên, các quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, tác động đến nhận thức của xã hội.
b) Tượng và phù điêu, tranh hoành tráng (các chất liệu) khi thể hiện ở công đoạn đất sét gọi là nặn, thể hiện bằng chất liệu đá gọi là tạc, thể hiện bằng chất liệu kim loại, xi măng thạch cao gọi là đúc, thể hiện bằng kim loại lá mỏng gọi là gò.v.v….sau đây được gọi chung là xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng (phần mỹ thuật).
c) Sáng tác mẫu phác thảo tượng đài, tranh hoành tráng được gọi tắt là sáng tác phác thảo.
d) Căn cứ đặc thù ngành Mỹ thuật, thi phác thảo để chọn mẫu của tượng đài, tranh hoành tráng qua đó xác định được tác giả công trình và được áp dụng theo quy định về quyền tác giả của Bộ luật Dân sự vào quá trình thể hiện phần mỹ thuật tượng đài, tranh hoành tráng.
Điều 2: Phạm vi và đối tượng áp dụng của Quy chế.
Nội dung thể hiện tượng đài, tranh hoành tráng (phần mỹ thuật) bao gồm: tượng (khối biểu tượng), đài, tranh, phù điêu.
a) Quy chế này áp dụng cho việc quản lý thể hiện phần mỹ thuật tượng đài, tranh hoành tráng mới hoặc được tu bổ, tôn tạo, sửa chữa, thay thế đối với các công trình tượng đài, tranh hoành tráng đã có, kể cả biểu tượng và phần mỹ thuật gắn với đài kiệt sỹ, công trình xây dựng; tượng trong khuôn viên, trong vườn với nội dung tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng có ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường, văn hóa xã hội.
b) Những phần kiến trúc cấu thành trong tổng thể công trình tượng đài, tranh hoành tráng như: sân vườn, cây xanh, thảm cỏ, ánh sáng,hệ thống chống sét, cấp thoát nước…được quản lý đầu tư, triển khai xây dựng theo trình tự quy định tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ.
c) Các công trình tượng đài, tranh hoành tráng được thể hiện phải phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Việc thể hiện tượng đài,tranh hoành tráng yêu cầu phải bảo đảm chất lượng nghệ thuật và chất lượng kỹ thuật.
e) Nghiêm túc xây dựng những công trình tượng đài, tranh hoành tráng có nội dung tư tưởng trái với đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạo đức thuần phong mỹ tục của dân tộc.
a) Đối tượng:
Các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, công dân Việt Nam, Việt kiều, công dân nước ngoài được phép xây dựng và có trách nhiệm quản lý, tu bổ, sửa chữa, thay thế các công trình tượng đài, tranh hoành tráng theo đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các văn bản pháp luật hiện hành.
b) Nguồn vốn:
- Tượng đài, tranh hoành tráng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước: Nhà nước quản lý về ngân sách quy hoạch, quy trình thể hiện và chất lượng nghệ thuật.
- Tượng đài, tranh hoành tráng không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước: Nhà nước quản lý về quy hoạch tổng thể, quy trình thể hiện và chất lượng nghệ thuật công trình, căn cứ vào mức chi phí chỉ tiêu kinh tế theo quy định của Quy chế này để thỏa thuận thực hiện.
Điều 4: Các hình thức tổ chức quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng.
Tùy theo quy mô tính chất và điều kiện cụ thể của từng dự án người có thẩm quyền quyết định đầu tư lựa chọn quyết định một trong các hình thức quản lý dự án công trình (trong đó có phần mỹ thuật) sau đây:
a) Chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện dự án và chủ nhiệm điều hành dự án (theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng).
b) Chuyển nhượng phác thảo. Chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tác phẩm.
Do tính chất đặc điểm riêng của ngành Mỹ thuật chi phí quản lý dự án là chi phí cho hoạt động của Ban quản lý dự án để thể hiện quản lý phần mỹ thuật bao gồm: Hội thảo, triển lãm phác thảo, tổ chức lấy ý kiến đóng góp …..Mức chi phí tối đa không quá quy định sau:
Số thứ tự | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
Dự toán phần mỹ thuật trước thuế được duyệt (z) Định mức chi phí | < 1 tỷ đồng
| > 1 đến 2 tỷ đồng
1,8% | > 2 tỷ đến 3 tỷ đồng
1,6% | > 3 tỷ đến 4 tỷ đồng
1,4% | > 4 tỷ đến 5 tỷ đồng
1,2% |
Số thứ tự | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Dự toán phần mỹ thuật trước thuế được duyệt (z) Định mức chi phí | < 5 tỷ đến 6 tỷ đồng
1% | > 6 đến 7 tỷ đồng
0,8% | > 7 tỷ đến 8 tỷ đồng
0,6% | > 8 tỷ đến 9 tỷ đồng
0,5% | > 9 tỷ đến 10 tỷ đồng
0,46% |
Dự toán phần mỹ thuật trước thuế được duyệt lớn hơn 10 tỷ đồng thì chi phí được tính theo mức >9 đến 10 tỷ đồng theo quy định ở bảng trên và được cộng thêm 5 triệu đồng cho mỗi 1 tỷ đồng tăng thêm của phần mỹ thuật được duyệt.
a) Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Quy chế Quản lý xây dựng phần mỹ thuật tượng đài, tranh hoành tráng.
b) Hủy bỏ kết quả chấm chọn phác thảo nếu việc tổ chức thi sáng tác phác thảo của chủ đầu tư hay việc chấm chọn của Hội đồng nghệ thuật không thực hiện đúng các điều khoản quy định trong Quy chế này.
c) Đình chỉ thể hiện phần mỹ thuật hoặc thu hồi giấy phép thể hiện khi chất lượng phác thảo hoặc chất lượng thể hiện không đạt yêu cầu nội dung hình thức nghệ thuật.
d) Quyết định sửa chữa , tôn tạo, nâng cấp chuyển chất liệu hoặc hủy bỏ những tượng đài, tranh hoành tráng không đạt yêu cầu về nghệ thuật.
e) Khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng đối với công trình đạt giá trị nghệ thuật cao. Xử lý vi phạm hợp đồng sáng tác phác thảo và thể hiện phần mỹ thuật công trình tượng đài, tranh hoành tráng.
f) Thẩm định dự toán phần mỹ thuật công trình; cùng với Hội đồng nghệ thuật thẩm định chất lượng nghệ thuật.
g) Cấp giấy phép thể hiện mỹ thuật tượng đài, tranh hoành tráng
TÁC GIẢ TƯỢNG ĐÀI, TRANH HOÀNH TRÁNG
Điều 6: Tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tác giả tượng đài, tranh hoành tráng
a) Tiêu chuẩn tác giả;
- Tác giả tượng đài, tranh hoành tráng là cá nhân hoặc một nhóm nhà chuyên môn (đồng tác giả).
- Những tác giả có đủ hai tiêu chuẩn sau đây theo yêu cầu của một số công trình mới được mời đích danh (chỉ định) sáng tác phác thảo:
+ Có trình độ đại học hoặc trên đại học chuyên ngành điêu khắc;
+ Là tác giả từ hai công trình tượng đài, tranh hoành tráng đã được xây dựng thuộc cấp tỉnh,thành phố hoặc cấp trung ương đạt chất lượng cao, có xác nhận của Bộ văn hóa-Thông tin.
- Đối với các công trình cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành và cấp quốc gia, những tác giả không thuộc hai tiêu chuẩn trên đều phải thi tuyển chọn phác thảo mới được chọn để thực hiện.
Những tác giả không có trình độ đại học chuyên ngành điêu khắc khi thể hiện tác phẩm của mình, phải cộng tác với người có trình độ đại học chuyên ngành điêu khắc, có kinh nghiệm thể hiện tượng đài, tranh hoành tráng.
b) Nhiệm vụ:
+ Sáng tác mẫu phác thảo tượng đài, tranh hoành tráng bước một;
+ Sáng tác mẫu phác thảo tượng đài, tranh hoành tráng bước hai;
+ Căn cứ quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự của Nhà nước và đặc thù ngành mỹ thuật, thể hiện tượng đài, tranh hoành tráng là quá trình sáng tạo liên tục ý đồ nghệ thuật từ khâu sáng tác phác thảo, phóng tỷ lệ 1/1, đến chuyển chất liệu và dàn dựng của tác giả. Do đó công tác thể hện tượng đài, tranh hoành tráng phần mỹ thuật được áp dụng theo hình thức chỉ định thể hiện (kể cả những vật liệu, công cụ đơn chiếc đặc trưng riêng của ngành mỹ thuật).
c) Quyền hạn:
+ Tác giả được quyền chọn họa sỹ, nhà điêu khắc có năng lực, hợp với phong cách sáng tác, tham gia công tác thể hiện với mình
+ Tác giả được phép ủy quyền cho người khác thể hiện hoặc chỉ đạo thể hiện phác thảo của mình, khi ấy tác giả được quyền tham gia vào Hội đồng nghiệm thu, ý kiến của tác giả được xem là ý kiến quan trọng.
+ Tác giả trực tiếp thể hiện, được hưởng chi phí thể hiện theo dự toán phần mỹ thuật được duyệt.
+ Tác giả chỉ đạo sáng tác nghệ thuật phần thể hiện, được hưởng kinh phí thấp nhất là 3% dự toán phần mỹ thuật được duyệt trước thuế, chi phí này do đơn vị thể hiện chi trả.
+ Các tượng đài, tranh hoành tráng phải ghi tên tác giả ở vị trí thích hợp.
+ Tác giả được hưởng chế độ nhuận bút, thù lao tác phẩm được sử dụng và các quy định khác về bản quyền do luật pháp quy định.
Điều 7: Chi phí sáng tác phác thảo (nhuận bút):
a) Chi phí sáng tác phác thảo được tính bằng tỷ lệ % dự toán phần mỹ thuật trước thuế được duyệt, tối đa không quá mức sau đây:
Số thứ tự | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
Dự toán phần mỹ thuật trước thuế được duyệt (z) Định mức chi phí | < 1 tỷ đồng
10% | > 1 đến 2 tỷ đồng
8,5% | > 2 tỷ đến 3 tỷ đồng
7,3% | > 3 tỷ đến 4 tỷ đồng
6,8% | > 4 tỷ đến 5 tỷ đồng
6,2% |
Số thứ tự | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Dự toán phần mỹ thuật trước thuế được duyệt (z) Định mức chi phí | < 5 tỷ đến 6 tỷ đồng
5,9% | > 6 đến 7 tỷ đồng
5,6% | > 7 tỷ đến 8 tỷ đồng
5,3% | > 8 tỷ đến 9 tỷ đồng
5% | > 9 tỷ đến 10 tỷ đồng
4,7% |
Nếu dự toán phần mỹ thuật trước thuế được duyệt lớn hơn 10 tỷ đồng thì chi phí cho sáng tác phác thảo được tính bằng mức 4,7% và cộng với 10 triệu đồng cho mỗi tỷ tiếp theo.
2.Tượng đài và tranh hoành tráng chuyển chất liệu hoặc nhân bản lần hai trở đi tỷ lệ 1/1 chi phí sáng tác phác thảo được tính bằng 30% chi phí sáng tác phác thảo theo giá trị của tác phẩm mới.
HỘI ĐỒNG NGHỆ THUẬT TƯỢNG ĐÀI, TRANH HOÀNH TRÁNG
Điều 8: Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng Trung ương.
a) Thành phần Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng;
- Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng ở cấp Trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin ra quyết định thành lập bao gồm các nhà quản lý, điêu khắc gia, họa sỹ, kiến trúc sư có uy tín, chuyên môn cao, phẩm chất tốt (ít nhất phải có 2/3 thành viên Hội đồng nghệ thuật là họa sĩ, nhà điêu khắc có trình độ đại học trở lên được đào tạo theo hệ chính quy).
Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng được thành lập và làm việc ngay sau khi mẫu phác thảo bước một hoàn thành.
b) Quyền hạn Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng:
Trước khi thể hiện tượng đài, tranh hoành tráng, phác thảo (phương án thiết kế mặt bằng không gian tổng thể) phải được Hội đồng nghệ thụât bỏ phiếu chấp thuận. Kết luận của Hội đồng là căn cứ quan trọng về nghệ thuật để người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế mỹ thuật, tổng dự toán dự án đầu tư xây dựng công trình.Nếu quyết định này khác với kết luận của Hội đồng, thì trước khi ra quyết định, người có thẩm quyền quyết định đầu tư phải thỏa thuận lại với Hội đồng bằng văn bản và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
c) Chức năng, nhiệm vụ Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng Trung ương:
Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng Trung ương có nhiệm vụ tư vấn giúp cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin về nghệ thuật các công trình tượng đài, tranh hoành tráng do Trung ương quản lý, hoặc công trình cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vị trí và nội dung quan trọng những việc sau:
- Xét duyệt phác thảo (phương án thiết kế mặt bằng, không gian tổng thể theo yêu cầu của từng công trình).
- Nghiệm thu từng bước thể hiện phần mỹ thuật và cùng với chủ đầu tư nghiệm thu toàn phần hoàn chỉnh tượng đài, tranh hoành tráng.
- Góp ý, giám sát chất lượng nghệ thuật trong quá trình thể hiện xếp hạng phân loại các tượng đài, tranh hoành tráng; kiến nghị Nhà nước trao giải thưởng.
a) Những quy định khi thành lập Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng ở cấp địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thành lập và làm việc ngay sau khi mẫu phác thảo bước một hoàn thành, trong đó nhất thiết phải có đại diện của Sở Văn hóa-Thông tin.
- Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành trước khi ra quyết định thành lập phải thỏa thuận với Vụ Mỹ thuật – Bộ Văn hóa-Thông tin về các thành viên Hội đồng
b) Thành phần Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng của địa phương:
- Gồm 1/3 là cán bộ quản lý, 2/3 là các nhà điêu khắc, họa sỹ có trình độ đại học được đào tạo hệ chính quy trở lên (trong đó có một kiến trúc sư) có uy tín, chuyên môn cao, phẩm chất tốt. Được phép mời thêm các chuyên gia chuyên ngành của Trung ương tham gia Hội đồng trong trường hợp: Số họa sĩ, nhà điêu khắc có uy tín, giỏi chuyên môn của địa phương không đủ tỷ lệ 2/3 thành viên tham gia Hội đồng.
c) Chức năng, nhiệm vụ Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ làm tư vấn và giám sát chất lượng nghệ thuật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương những công trình tượng đài, tranh hoành tráng ở các cấp địa phương quản lý về các việc sau đây:
- Xét duyệt phác thảo (phương án thiết kế mặt bằng không gian tổng thể theo yêu cầu của từng công trình) công trình mỹ thuật cấp địa phương,
- Nghiệm thu các bước thể hiện và cùng với chủ đầu tư nghiệm thu toàn bộ phần mỹ thuật khi công trình đã hoàn thành.
- Góp ý, giám sát chất lượng nghệ thuật trong quá trình thể hiện, kiến nghị khen thưởng và xử lý những vấn đề thuộc chuyên ngành mỹ thuật.
Điều 10: Phương thức làm việc của Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng.
a) Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng làm việc theo nguyên tắc bình đẳng dân chủ giữa các thành viên. Quyết định của Hội đồng được biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc chấm điểm, kết quả phải được trên 50% số thành viên Hội đồng bỏ phiếu thuận mới có giá trị (tính từ số phiếu hoặc điểm cao nhất trở xuống).
- Các thành viên Hội đồng phải thực hiện đúng quy chế, tiêu chí cuộc thi, phương thức chấm chọn và chịu trách nhiệm về kết luận của Hội đồng.
- Trong các phiên làm việc, nếu vắng 1/3 số thành viên Hội đồng nghệ thuật trở lên, thì các quyết định phải được thông qua ở phiên họp sau, hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Văn hóa-Thông tin.
b) Tác giả và đơn vị có liên quan đến việc sáng tác phác thảo và thể hiện tác phẩm không được tham gia Hội đồng nghệ thuật.
c) Hội đồng nghệ thuật thực hiện việc thẩm tra nghệ thuật bao gồm các nội dung sau:
- Ngiên cứu khảo sát thực địa;
- Tìm hiểu thu thập tài liệu;
- Chấm chọn các bước phác thảo;
- Góp ý cho tác giả, nâng cao chất lượng nghệ thuật công trình.
- Nghiệm thu các bước;
- Chi phí Hội đồng nghệ thuật cho các công việc trên thực hiện theo dự toán được thẩm định của Bộ Văn hóa-Thông tin và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chi phí tối đa không quá mức quy định sau đây:
Số thứ tự | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
Dự toán phần mỹ thuật trước thuế Định mức chi phí | < 2 tỷ đồng
| > 2 đến 5 tỷ đồng
1,5%-2% | > 5 tỷ đến 7 tỷ đồng
1%-1,5% | > 7 tỷ đến 10 tỷ đồng
0,8%-1% | > 10 tỷ đồng
|
Dự toán phần mỹ thuật trước thuế được duyệt lớn hơn 10 tỷ đồng thì chi phí được tính theo mức 10 tỷ đồng (cột 5) và được cộng thêm 5 triệu đồng cho mỗi tỷ đồng tăng thêm của dự toán phần mỹ thuật được duyệt.
Khi công trình hoàn thành, Hội đồng nghệ thuật cũng hết nhiệm vụ và được giải thể. Căn cứ cụ thể từng công trình và thành tích đóng góp của các thành viên Hội đồng nghệ thuật vào sự thành công của công trình, có thể được chủ đầu tư khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng
QUY TRÌNH XÂY DỰNG PHẦN MỸ THUẬT CÔNG TRÌNH TƯỢNG ĐÀI, TRANH HOÀNH TRÁNG
Điều 11: Giai đọan sáng tác phác thảo.
a) Chủ đầu tư thực hiện các công viêc chuẩn bị cho bước sáng tác phác thảo như sau:
- Soạn thảo thuyết minh về nội dung, chủ đề tư tưởng, mục đích ý nghĩa. Căn cứ yêu cầu tính chất từng công trình, chủ đầu tư đặt hàng trực tiếp với một tác giả hay tổ chức cuộc thi nhiều tác giả, và thể hiện tượng đài, tranh hoành tráng quy mô kích thước; chất liệu thể hiện; cơ quan quản lý khai thác công trình.
- Soạn thảo tiêu chí, quy chế cuộc thi phác thảo (phương án thiết kế mặt bằng, không gian tổng thể) và cách chấm chọn của Hội đồng nghệ thuật, đảm bảo tính công minh, trung thực, chính xác, bí mật.
- Thành lập Hội đồng nghệ thuật (theo Điều 10 và Điều 11)
b) Sáng tác phác thảo bước một:
- Phác thảo bằng mô hình tìm ý và bố cục. Có kích thước cao 60cm.
- Bản vẽ thiết kế sơ bộ mặt bằng không gian tổng thể kiến trúc bao gồm mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt hoặc mô hình, sa bàn.
- Thuyết minh ý tưởng tạo hình.
- Tổ chức hội thảo, triển lãm (nếu thấy cần thiết).
- Phác thảo phải nói rõ nội dung tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm thông qua sự sắp xếp bố cục hài hòa giữa hình khối đường nét của tượng đài phải gắn với bục bệ; phù điêu, tranh hoành tráng với các công trình kiến trúc phụ trợ như nhà trưng bày bảo tàng, vườn hoa, đài phun nước v.v ….
- Số lượng phác thảo của mỗi công trình tượng đài, tranh hoành tráng được chủ đầu tư đưa ra Hội đồng nghệ thuật duyệt chọn phải có ít nhất 3 mẫu phác thảo khác nhau.
- Mẫu phác thảo (phương án thiết kế mặt bằng không gian tổng thể) dự thi phải thống nhất về kích thước, số lượng, chất liệu sử dụng, thời gian thực hiện và giao nộp.
- Mức chi phí cho việc chuẩn bị đầu tư lập dự án và phác thảo bước một không quá 3% dự toán phần mỹ thuật được duyệt và được tính vào tổng chi phí phần mỹ thuật của công trình.
c) Sáng tác phác thảo bước hai:
Phác thảo bước một (kể cả thiết kế mặt bằng không gian tổng thể) sau khi đã được Hội đồng nghệ thuật duyệt chọn được chuyển sang bước hai. Ở bước này, (mẫu) phác thảo có kích thước cao từ 120cm trở lên. Thể hiện kỹ hơn, có tính hoàn chỉnh để từ đây làm mẫu cho bước phóng lớn,tỷ lệ 1/1.
Lập dự toán chi tiết chi phí thể hiện phần mỹ thuật dựa trên khối lượng thể hiện phù hợp với phác thảo, chất liệu công trình (theo đơn giá chuẩn ngành Mỹ thuật của Nhà nước). Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành (có sự tham gia của Bộ Xây dựng)
Điều 12: Quy trình xây dựng phần mỹ thuật tượng đài, tranh hoành tráng.
a) Quy trình thực hiện:
- Theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng, ngoài ra còn phải thực hiện những công việc mang tính đặc thù ngành Mỹ thuật sau:
- Thẩm định dự toán phần mỹ thuật của Bộ Văn hóa-Thông tin.
- Cấp có thẩm quyền phê duyệt mẫu phác thảo phần mỹ thuật bước 2 (đã được Hội đồng nghệ thuật duyệt chọn) phê duyệt thiết kế kỹ thuật những hạng mục kiến trúc cấu thành của tượng đài, tranh hoành tráng và tổng dự toán công trình.
- Xin cấp phép xây dựng phần mỹ thuật tượng đài, tranh hoành tráng
- Ký hợp đồng thể hiện các bước của phần mỹ thuật.
- Chuẩn bị mặt bằng nhà xưởng để phóng tác phẩm tỷ lệ 1/1, chuyển chất liệu, dàn dựng tại hiện trường.
- Chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra theo dõi hợp đồng thể hiện.
- Nghiệm thu, quyết toán vốn đầu tư, bàn giao và thực hiện bảo hành công trình.
b) Thể hiện phóng lớn tỷ lệ 1/1:
- Chuyển chất liệu, hoàn chỉnh công trình (và các hình thức thể hiện tương ứng).
- Phác thảo khi được phóng lớn phải thể hiện được đầy đủ ý đồ về chủ đề tư tưởng và hoàn chỉnh chất lượng nghệ thuật của mẫu.
c) Đúc đổ khuôn thạch cao tượng đất tỷ lệ 1/1:
Trước khi đổ khuôn trên mẫu đất tỷ lệ 1/1, phải được Hội đồng nghệ thuật nghiệm thu, sau đó chủ đầu tư mới cho phép đổ khuôn và đúc tượng mẫu.
d) Chuyển chất liệu và dàn dựng hoàn thiện tại hiện trường:
- Yêu cầu phải tuyệt đối trung thành với tượng mẫu tỷ lệ 1/1. Tiếp thu chọn lọc có trách nhiệm đối với ý kiến đóng góp của Hội đồng nghệ thuật và người có thẩm quyền để nâng cao chất lượng nghệ thuật công trình.
- Đảm bảo sự hài hòa giữa bục bệ, tượng, phù điêu, với ánh sáng, cây xanh, khuôn viên, tường rào….trong bố cục tổng thể chặt chẽ, thống nhất đảm bảo tính mỹ thuật cao.
e) Nghiệm thu, bàn giao phần mỹ thuật công trình:
Hội đồng nghệ thuật giúp chủ đầu tư nghiệm thu phần mỹ thuật công trình. Đơn vị thể hiện bàn giao cho chủ đầu tư. Hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng và thực hiện chế độ bảo hành công trình.
Điều 13: Cấp giấy phép thể hiện phần mỹ thuật tượng đài, tranh hoành tráng.
a) Đối tượng cấp phép thể hiện phần mỹ thuật:
Phần mỹ thuật công trình tượng đài, tranh hoành tráng, khi xây dựng mới, tu bổ sửa chữa, chuyển chất liệu và hủy bỏ phải có giấy phép và chịu sự quản lý nhà nước về chuyên ngành mỹ thuật của Bộ Văn hóa-Thông tin hoặc Sở Văn hóa-Thông tin.
b) Những hạng mục không thuộc đối tượng cấp phép của ngành Mỹ thuật.
- Những hạng mục kiến trúc xây dựng cấu thành trong tổng thể của công trình tượng đài, tranh hoành tráng được áp dụng theo Nghị định của Chính phủ số 91/CP ngày 17/8/1994 ban hành Điều lệ Quản lý quy hoạch đô thi và Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 ban hành Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng.
c) Thẩm quyền cấp giấy phép thể hiện phần mỹ thuật tượng đài, tranh hoành tráng:
- Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin cấp giấy phép cho các công trình tượng đài, tranh hoành tráng cấp trung ương và công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình cấp tỉnh, thành phố và công trình cấp Bộ, ngành có quy mô to lớn đặt ở trung tâm văn hóa chính trị xã hội, công trình tượng đài nằm trong khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước xếp hạng, công trình tranh tượng tôn giáo cỡ lớn. Tượng đài của nước ngoài xây dựng tại Việt Nam. Trong một số công trình cụ thể Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin ủy quyền cho Vụ trưởng Mỹ thuật cấp giấy phép thể hiện.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng cấp địa phương (không thuộc diện quy định ở phần trên).
Trong một số trường hợp cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể ủy quyền cho Sở Văn hóa-Thông tin cấp phép thể hiện những công trình tượng đài do địa phương quản lý theo quy hoạch kiến trúc đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Hồ sơ xin cấp giấy phép thể hiện tượng đài, tranh hoành tráng phần mỹ thuật:
- Tờ trình xin cấp giấy phép;
- Biên bản các lần duyệt phác thảo của Hội đồng nghệ thuật;
- Các văn bản có liên quan tới công trình;
- Ảnh chụp phác thảo 3 chiều và bản vẽ phương án thiết kế (kích thước nhỏ nhất là 15 x 18);
- Thời gian cấp giấy phép không quá 30 ngày (đối với công trình cấp quốc gia, và không quá 20 ngày đối với công trình cấp địa phương) kể từ khi cơ quan cấp giấy phép nhận được đủ hồ sơ hợp lệ;
- Giấy phép thể hiện tượng đài, tranh hoành tráng có hiệu lực trong thời gian 12 tháng kể từ ngày ký, quá thời hạn trên mà không thực hiện chủ đầu tư phải xin cấp lại.
Điều 14: Nội dung hợp đồng thể hiện phần mỹ thuật tượng đài, tranh hoành tráng.
a) Hợp đồng ký kết giữa một bên là chủ đầu tư và một bên là đơn vị thể hiện có pháp nhân được tác giả ủy quyền đại diện cho tác giả (hoặc chính tác giả đối với công trình có quy mô vừa và nhỏ).
Chi phí chung; mức cao nhất không quá 35% dự toán phần mỹ thuật trước thuế được duyệt.
b) Nội dung hợp đồng phải phân định rõ trách nhiệm của từng bên về các mặt khối lượng, chất lượng kỹ thuật và nghệ thuật, giá cả, thể thức thanh toán, thời gian hoàn thành, điều kiện đảm bảo vật chất, kỹ thuật, quyền lợi tin thần và vật chất của mỗi bên.
c) Hợp đồng thể hiện có thể ký từng phần hay khoán gọn, hợp đồng chuyển nhượng (mua đứt, bán đoạn) giá hợp đồng là giá được tính theo bảng đơn giá ngành Mỹ thuật của Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành (có sự tham gia của Bộ Xây dựng) và dự toán phần mỹ thuật phải được cơ quan quản lý chuyên ngành – Bộ Văn hóa – Thông tin thẩm định, và đã được người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt.
d) Trong quá trình thể hiện khi có khối lượng công việc phát sinh hợp lý, giá cả thay đổi thì các bên được ký hợp đồng bổ sung những điều khoản thích hợp (nhưng không quá dự toán được duyệt, kể cả kinh phí dự phòng).
e) Phác thảo mỹ thuật, phương án thiết kế kiến trúc dự thi không được ký hợp đồng xây dựng thì được hưởng thù lao đầu tư ban đầu hoặc nhận phần thưởng của ban tổ chức (Ban quản lý dự án). Kinh phí này thuộc khoản kinh phí chuẩn bị dự án nếu trong quy định của ban tổ chức có thông báo
Điều 15:Thẩm định dự toán phần mỹ thuật.
a) Thẩm định dự toán phần mỹ thuật:
- Các căn cứ thẩm định:
+ Căn cứ đơn giá ngành Mỹ thuật do Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành có sự tham gia của Bộ Xây dựng và các chế độ chính sách về tài chính hiện hành của Nhà nước;
+ Thẩm định tính hợp lệ của Hồ sơ xin thẩm định dự toán;
+ Thẩm định các chỉ tiêu kinh tế của dự toán đã phù hợp với ý đồ thể hiện bao gồm khối lượng và chất lượng nghệ thuật;
+ Các chi phí trong dự toán đảm bảo phù hợp với đơn giá ngành Mỹ thuật và các chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước.
b) Cơ quan thẩm định dự toán phần mỹ thuật (chỉ ứng dụng với nguồn vốn ngân sách nhà nước):
- Dự toán kinh phí phần mỹ thuật lớn hơn 7 tỷ đồng phải được Hội đồng liên ngành do Bộ Văn hóa-Thông tin chủ trì thẩm định (giúp việc cho Hội đồng có các chuyên viên thẩm định).
- Dự toán kinh phí phần mỹ thuật nhỏ hơn 7 tỷ đồng Bộ Văn hóa-Thông tin (giao cho Vụ mỹ thuật chủ trì) thẩm định (giúp việc cho Vụ trưởng có các chuyên viên thẩm định).
- Công trình có dự toán kinh phí phần mỹ thuật dưới ba trăm triệu đồng do địa phương thẩm định dự toán.
c) Hồ sơ thẩm định dự toán phần mỹ thuật:
- Công văn đề nghị thẩm định dự toán phần mỹ thuật của chủ đầu tư dự án;
- Dự toán kinh phí do tác giả hoặc kết hợp giữa tác giả với đơn vị thể hiện lập;
- Ảnh phác thảo (4 mặt); ảnh hoặc bản vẽ mặt bằng không gian, cỡ ảnh nhỏ nhất là (10x15);
* Ảnh có thuyết minh kèm theo (chất lượng ảnh phải rõ nét);
- Biên bản các phiên họp của Hội đồng;
- Quyết định của cấp có thẩm quyền chọn phác thảo thể hiện;
- Các tài liệu có liên quan tới công trình
- Cơ quan thẩm định phải nộp báo cáo kết quả thẩm định cho cấp có thẩm quyền đầu tư;
- Cơ quan thẩm định dự toán phần mỹ thuật phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luận về kết quả công việc do mình thực hiện.
e) Thời gian thẩm định dự toán phần mỹ thuật:
Đối với công trình từ 7 tỷ đồng trở lên không quá 30 ngày và với công trình dưới 7 tỷ đồng không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận được hồ sơ hợp lệ.
CHUYỂN NHƯỢNG PHÁC THẢO VÀ TÁC PHẨM PHẦN MỸ THUẬT TƯỢNG ĐÀI, TRANH HOÀNH TRÁNG
Công trình tượng đài, tranh hoành tráng có thể chuyển nhượng toàn bộ hay từng công đoạn phần mỹ thuật với các điều kiện sau:
a) Tác phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thể hiện.
b) Tác giả tự bỏ vốn để thực hiện tác phẩm (phần mỹ thuật) và chịu mọi rủi ro nếu có.
c) Trong quá trình thi công, tác giả phải chấp hành các quy định hiện hành của Nhà nước
d) Chất lượng nghệ thuật của phác thảo và tác phẩm phải được Hội đồng nghệ thuật duyệt chọn và thẩm định.
e) Giá cả thỏa thuận giữa bên mua và bên bán dựa trên cơ sở bảng đơn giá ngành Mỹ thuật và phải được thẩm định theo Điều 16 quy chế này.
f) Chủ đầu tư chỉ trình duyệt tổng dự toán sau khi đã được Hội đồng nghệ thuật nghiệm thu và Ban quản lý dự án nhận bàn giao tác phẩm tại xưởng họăc nơi xây lắp công trình.
Điều 17: Các hình thức chuyển nhượng.
a) Chuyển nhượng phác thảo (bản quyền tác gả) chủ đầu tư đặt mua phác thảo đích danh tác giả hoặc mua phác thảo qua hội thi.
b) Chuyển nhượng từng phần tác phẩm.
c) Chuyển nhượng toàn bộ phần mỹ thuật của công trình đã hoàn thiện, dàn dựng lắp đặt xong tại địa điểm.
d) Phạm vi chuyển nhượng đối với các chất liệu:
- Với tác phẩm đúc bê tông, đúc kim loại và chất liệu tổng hợp, có thể chuyển nhượng tới công đoạn tượng mẫu đất tỷ lệ 1/1 và tác phẩm đúc xong
- Với chất liệu sao chép như gỗ, đá, gò kim lọai thì chỉ được chuyển nhượng ở công đọan tác phẩm hoàn thiện chất liệu.
- Chuyển nhượng, đặt hàng toàn bộ phần mỹ thuật đã hoàn chỉnh lắp đặt tại địa điểm xây dựng. Hợp đồng chuyển nhượng, đặt hàng đồng thời với việc nghiệm thu công trình.
Điều 18: Quyền của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm được chuyển nhượng.
a) Phác thảo, tác phẩm tượng đài, tranh hoành tráng đã chuyển nhượng thì quyền sở hữu tài sản thuộc về bên được chuyển nhượng theo hợp đồng.
Các hình thức sử dụng phải được thể hiện đầy đủ trong hợp đồng chuyển nhượng, đồng thời làm rõ trách nhiệm, quyền lợi về vật chất và tinh thần của mỗi bên.
b) Khi phác thảo đã chuyển nhượng, bên được chuyển nhượng có quyền chọn cá nhân, đơn vị thể hiện, chuyển chất liệu, phóng to, thu nhỏ, nhân bản và các điều chỉnh khi thi công.
c) Đơn giá phác thảo được áp dụng theo Điều 8 Quy chế này và cộng thêm tỷ lệ % dự toán phần mỹ thuật trước thuế được duyệt cho việc bán đứt bản quyền (mức cộng thêm tối đa không quá 3%).
ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG NGHỆ THUẬT VÀ BẢO HÀNH CÔNG TRÌNH
Điều 19: Phân loại xếp hạng chất lượng.
a) Sau khi công trình đã nghiệm thu, tất cả các phần việc hoàn thành đúng theo hợp đồng, chủ đầu tư Hội đồng nghệ thuật cùng với các cơ quan cấp giấy phép thể hiện nhận xét, xếp loại công trình.
b) Tiêu chuẩn xếp loại công trình như sau:
- Công trình xếp loại A: Chất lượng nghệ thuật đảm bảo xuất sắc. Toàn bộ công trình: tượng đài, phù điêu, tranh, bục bệ, cây xanh, thảm cỏ, ánh sáng hài hòa thống nhất thời gian xây dựng đúng tiến độ thi công, giữ an toàn tuyệt đối về người và vật chất tác giả, đơn vi thể hiện (bên B) được chủ đầu tư (bên A) khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
- Công trình xếp loại B: Đảm bảo chất lượng chung về mặt nghệ thuật và kỹ thuật, có thể một bộ phận hay chi tiết nhỏ chưa hoàn chỉnh nhưng không ảnh hưởng tới toàn bộ công trình. Thực hiện đúng tiến độ thi công, bảo đảm an toàn về người và vật chất.
- Công trình xếp loại C: Chất lượng về nghệ thuật hoặc kỹ thuật không đạt yêu cầu, Cần truy cứu trách nhiệm thuộc bên nào thì bên ấy phải bồi hoàn và sửa chữa ngay.
Điều 20: Bảo hành công trình tượng đài, tranh hoành tráng:
a) Thời gian bảo hành phần mỹ thuật là 1 năm. Mức tạm giữ kinh phí bảo hành là 2% dự toán phần mỹ thuật trước thuế được duyệt. Nếu không có điều gì xảy ra, được thanh toán hết, sau khi kết thúc thời hạn bảo hành.
b) Mọi hành vi xâm hại tới công trình tượng đài, tranh hoành tráng phải ngăn chặn kịp thời và được xử lý theo đúng pháp luật hiện hành.
Điều 21: Đối tượng thực hiện Quy chế.
Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Điều 22: Hiệu lực của Quy chế.
Bản Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký Quy chế Xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng ban hành kèm theo Quyết định số 568/QĐ-PC ngày 08/5/1992 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin và thể thao, Quyết định số 2910/QĐ-MT ngày 05/11/1994 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin về việc bổ sung, sửa đổi Quy chế xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng ban hành theo Quyết định số 2659/QĐ-PC ngày 16/10/1996 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin và các văn bản của Vụ Mỹ thuật hướng dẫn thực hiện các Quyết định, Quy chế đó không còn hiệu lực kể từ ngày bản Quy chế này có hiệu lực./.
- 1Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật
- 2Quyết định 01/QĐ-BVHTTDL năm 2014 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch hết hiệu lực thi hành tính đến ngày 31/12/2013 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 3Quyết định 485/QĐ-BVHTTDL năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 1Thông tư 07/2011/TT-BVHTTDL sửa đổi, thay thế hoặc bãi bỏ, quy định liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 2Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật
- 3Văn bản hợp nhất 3208/VBHN-BVHTTDL năm 2013 hợp nhất Quyết định về Quy chế quản lý xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng (Phần mỹ thuật) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 4Quyết định 01/QĐ-BVHTTDL năm 2014 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch hết hiệu lực thi hành tính đến ngày 31/12/2013 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 5Quyết định 485/QĐ-BVHTTDL năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018
Quyết định 05/2000/QĐ-BVHTT về quy chế quản lý xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng (phần mỹ thuật) do Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành
- Số hiệu: 05/2000/QĐ-BVHTT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/03/2000
- Nơi ban hành: Bộ Văn hoá-Thông tin
- Người ký: Nguyễn Trung Kiên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 18
- Ngày hiệu lực: 13/04/2000
- Ngày hết hiệu lực: 01/12/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra