Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2022/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT CÔNG NHẬN ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT/CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 07 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 317/TTr-BVHTTDL ngày 29 tháng 11 năm 2021, Báo cáo số 316/BC-BVHTTDL ngày 29 tháng 11 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Báo cáo thẩm định số 225/BCTĐ-BTP ngày 19 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tư Pháp;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đô thị văn minh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 04 năm 2022. Thông tư số 02/2013/TT-BVHTTDL ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” hết hiệu lực kể từ ngày quy định này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, CN (2b). Tuấn

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Văn Thành

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHÍ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT CÔNG NHẬN ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH
(Kèm theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Quy định này quy định về tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận và công nhận lại phường thuộc quận, thị trấn thuộc huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là phường, thị trấn); quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh) đạt chuẩn đô thị văn minh.

Điều 2. Mục đích

1. Xây dựng cảnh quan đô thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở khu vực đô thị.

2. Làm căn cứ để chính quyền các cấp đánh giá, công nhận đô thị đạt chuẩn đô thị văn minh gắn với việc khuyến khích, vận động toàn dân hưởng ứng Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Làm căn cứ để chính quyền các cấp đánh giá, công nhận đô thị đạt chuẩn đô thị văn minh

Điều 3. Nguyên tắc công nhận

Việc công nhận đô thị đạt chuẩn đô thị văn minh phải đảm bảo: Công khai, dân chủ, minh bạch; đúng tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 4. Thẩm quyền công nhận

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận và công nhận lại đối với phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận và công nhận lại quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh.

3. Thời hạn công nhận:

a) Công nhận lần đầu, sau 02 năm kể từ ngày đăng ký xây dựng;

b) Công nhận lại, sau 05 năm kể từ ngày được quyết định công nhận lần trước.

Chương II

TIÊU CHÍ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT, CÔNG NHẬN PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH

Điều 5. Tiêu chí đánh giá và điều kiện xét công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh

1. Tiêu chí đánh giá gồm:

a) Tiêu chí 1: Quy hoạch đô thị;

b) Tiêu chí 2: Giao thông đô thị;

c) Tiêu chí 3: Môi trường và an toàn thực phẩm đô thị;

d) Tiêu chí 4: An ninh, trật tự đô thị;

đ) Tiêu chí 5: Thông tin, truyền thông đô thị;

e) Tiêu chí 6: Việc làm, thu nhập bình quân, hộ nghèo ở đô thị;

g) Tiêu chí 7: Văn hóa, thể thao đô thị;

h) Tiêu chí 8: Y tế, giáo dục đô thị;

i) Tiêu chí 9: Hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị.

2. Điều kiện xét công nhận và công nhận lại:

a) Có đăng ký phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh với Ủy ban nhân dân cấp huyện;

b) Đạt các tiêu chí tại quy định tại khoản 1 Điều này (nội dung đánh giá theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Quy định này);

c) Thời gian đăng ký:

- 02 năm, đối với công nhận lần đầu;

- 05 năm, đối với công nhận lại.

d) Có từ 90% trở lên người dân hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Điều 6. Tổ chức tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh

1. Ủy ban nhân dân phường, thị trấn tổ chức tự đánh giá cụ thể thực tế mức độ đạt từng tiêu chí theo Bảng đánh giá quy định tại Phụ lục I kèm theo Quy định này; lập Báo cáo kết quả xây dựng đô thị văn minh và gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp để tham gia ý kiến.

2. Ủy ban nhân dân phường, thị trấn gửi văn bản đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức lấy ý kiến của người dân về sự hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh (kèm theo Bảng đánh giá Báo cáo kết quả xây dựng đô thị văn minh sau khi đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp). Báo cáo kết quả xây dựng đô thị văn minh của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn phải được thông báo, công bố công khai để lấy ý kiến trong thời hạn 30 ngày.

3. Hết thời hạn lấy ý kiến, Ủy ban nhân dân phường, thị trấn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổng hợp ý kiến của người dân về sự hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh; tham gia hoàn chỉnh Báo cáo kết quả tham gia xây dựng đô thị văn minh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội.

4. Ủy ban nhân dân phường, thị trấn lập hồ sơ đề nghị công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 7 Quy định này.

Điều 7. Hồ sơ đề nghị công nhận và công nhận lại phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh

Phường hoặc thị trấn nơi đề nghị công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh lập hồ sơ bao gồm:

1. Tờ trình đề nghị công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh.

2. Báo cáo kết quả xây dựng đô thị văn minh.

3. Bản tổng hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, thị trấn về kết quả lấy ý kiến hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh của người dân.

4. Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội về kết quả tham gia xây dựng đô thị văn minh.

Điều 8. Trình tự, thủ tục công nhận và công nhận lại phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh

1. Ủy ban nhân dân cấp phường, thị trấn lập hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Quy định này trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng thẩm định xét, công nhận và công nhận lại phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh (gọi tắt là Hội đồng).

3. Thành viên của Hội đồng bao gồm:

a) Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng;

b) Đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin là Phó Chủ tịch Hội đồng;

c) Đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các phòng Văn hóa và Thông tin, phòng Quản lý đô thị hoặc phòng Kinh tế hạ tầng, các phòng, ngành có liên quan là thành viên Hội đồng.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thành lập, Hội đồng tổ chức họp, thảo luận, bỏ phiếu xét, công nhận và công nhận lại phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Cuộc họp chỉ được tiến hành khi có từ 70% trở lên số thành viên Hội đồng có mặt.

Cơ quan thường trực Hội đồng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận và công nhận lại khi kết quả ý kiến nhất trí của các thành viên Hội đồng dự họp đạt từ 90% trở lên, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định công nhận và công nhận lại phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Trường hợp không công nhận và không công nhận lại phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

6. Giấy công nhận và công nhận lại phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh thực hiện theo mẫu tại Phụ lục III kèm theo Quy định này.

Điều 9. Công bố kết quả công nhận và công nhận lại phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện công bố danh sách phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của huyện.

2. Thời hạn công bố danh sách phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh là không quá 30 ngày, kể từ ngày quyết định công nhận và công nhận lại.

Chương III

TIÊU CHÍ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT, CÔNG NHẬN VÀ CÔNG NHẬN LẠI QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC CẤP TỈNH ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH

Điều 10. Tiêu chí đánh giá và điều kiện xét, công nhận và công nhận lại quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh

1. Tiêu chí đánh giá gồm:

a) Tiêu chí 1: Quy hoạch đô thị;

b) Tiêu chí 2: Giao thông đô thị;

c) Tiêu chí 3: Môi trường và an toàn thực phẩm đô thị;

d) Tiêu chí 4: An ninh, trật tự đô thị;

đ) Tiêu chí 5: Thông tin, truyền thông đô thị;

e) Tiêu chí 6: Việc làm, thu nhập bình quân, hộ nghèo ở đô thị;

g) Tiêu chí 7: Văn hóa, thể thao đô thị;

h) Tiêu chí 8: Y tế, giáo dục đô thị;

i) Tiêu chí 9: Hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị.

2. Điều kiện xét, công nhận và công nhận lại:

a) Có đăng ký quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

b) Đạt các tiêu chí tại khoản 1 Điều này (nội dung đánh giá theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Quy định này).

c) Thời gian đăng ký:

- 02 năm, đối với công nhận lần đầu;

- 05 năm, đối với công nhận lại.

d) Có 100% phường, thị trấn trực thuộc được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh.

đ) Có 100% xã trực thuộc (nếu có) được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn nông thôn mới.

Điều 11. Tổ chức tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh

1. Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh tổ chức tự đánh giá cụ thể thực tế mức độ đạt từng tiêu chí theo Bảng đánh giá quy định tại Phụ lục II kèm theo Quy định này; lập Báo cáo kết quả xây dựng đô thị văn minh và gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để tham gia ý kiến.

2. Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh gửi văn bản đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức lấy ý kiến của người dân về sự hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh (kèm theo Bảng đánh giá Báo cáo kết quả xây dựng đô thị văn minh sau khi đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp). Báo cáo kết quả xây dựng đô thị văn minh của Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh phải được thông báo, công bố công khai để lấy ý kiến trong thời hạn 30 ngày.

3. Hết thời hạn lấy ý kiến, Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổng hợp ý kiến của người dân về sự hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh; tham gia hoàn chỉnh Báo cáo kết quả tham gia xây dựng đô thị văn minh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội.

4. Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 12 Quy định này.

Điều 12. Hồ sơ đề nghị công nhận và công nhận lại quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh

Quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh nơi đề nghị công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh lập hồ sơ bao gồm:

1. Tờ trình đề nghị công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh.

2. Báo cáo kết quả xây dựng đô thị văn minh.

3. Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh về kết quả lấy ý kiến hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận, công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh của người dân.

4. Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội về kết quả tham gia xây dựng đô thị văn minh.

5. Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định.

Điều 13. Trình tự, thủ tục công nhận và công nhận lại quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh

1. Ủy ban nhân dân cấp quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh lập hồ sơ theo quy định tại Điều 12 Quy định này trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định xét, công nhận và công nhận lại quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh (gọi tắt là Hội đồng).

3. Thành viên của Hội đồng bao gồm:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Phó Chủ tịch là Chủ tịch Hội đồng;

b) Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Sở Xây dựng là Phó Chủ tịch Hội đồng;

c) Đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, sở, ban, ngành có liên quan là thành viên Hội đồng.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thành lập, Hội đồng tổ chức họp, thảo luận, bỏ phiếu xét, công nhận và công nhận lại cấp quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh.

Cuộc họp chỉ được tiến hành khi có từ 70% trở lên số thành viên Hội đồng có mặt.

Cơ quan thường trực Hội đồng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận và công nhận lại khi kết quả ý kiến nhất trí của các thành viên Hội đồng dự họp đạt từ 90% trở lên, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định công nhận và công nhận lại quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh. Trường hợp không công nhận và không công nhận lại phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

6. Giấy công nhận và Giấy công nhận lại quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh thực hiện theo mẫu tại Phụ lục IV kèm theo Quy định này.

Điều 14. Công bố kết quả công nhận và công nhận lại quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố danh sách quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của tỉnh.

2. Thời hạn công bố danh sách quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh là không quá 30 ngày, kể từ ngày quyết định công nhận và công nhận lại.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Khen thưởng và kinh phí

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp xem xét, quyết định khen thưởng phường, thị trấn, quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh theo quy định hiện hành.

2. Kinh phí tổ chức thực hiện công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh được bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm của địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước và kinh phí xã hội hóa khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp chỉ đạo, theo dõi, tổng hợp việc tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

3. Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chỉ đạo và giám sát việc thực hiện Quy định này trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng đô thị văn minh. Các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia giám sát, vận động nguồn lực, hỗ trợ thực hiện tiêu chí đánh giá phường, thị trấn, quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm:

a) Chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện Quy định này tại địa phương và bố trí nguồn lực để bảo đảm thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị văn minh;

b) Phân công cơ quan chuyên môn, cán bộ, công chức các ngành làm đầu mối theo dõi, tham mưu thực hiện;

c) Chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tổ chức đánh giá, lấy ý kiến, thực hiện các thủ tục đề nghị công nhận và công nhận lại đô thị văn minh;

d) Chủ trì đánh giá kết quả thực hiện xây dựng đô thị văn minh tại địa phương.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quy định này.

 

PHỤ LỤC I

BẢNG ĐÁNH GIÁ TIÊU CHÍ PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH
(Kèm theo Quy định tại Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

Tên tiêu chí

Nội dung tiêu chí

Tiêu chuẩn đạt chuẩn

1. Quy hoạch đô thị

1. Quy hoạch chung đô thị phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố công khai tại địa bàn.

Đạt

2. Công trình công cộng xây mới đúng quy hoạch; có kiến trúc hài hòa, đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành.

Đạt

3. Trụ sở Ủy ban nhân dân phường, thị trấn, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế được xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn được quản lý và sử dụng đúng mục đích.

Đạt

4. Số hộ có nhà xây kiên cố phù hợp với kiến trúc chung của đô thị.

70%

5. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình công cộng trên địa bàn, phục vụ lợi ích công cộng; không có trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép đất công và công trình công cộng.

Đạt

6. Tổ dân phố trong phường, thị trấn vận động nhân dân thường xuyên tham gia bảo vệ cơ sở hạ tầng đô thị và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Đạt

7. Không có nhà tạm, nhà dột nát.

Đạt

2. Giao thông đô thị

1. Các tuyến đường trên địa bàn phường, thị trấn được rải nhựa hoặc bê tông hóa theo quy hoạch; các tuyến phố chính đều có vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh, cây bóng mát.

Đạt

2. Hệ thống điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, biển chỉ dẫn được lắp đặt đầy đủ theo quy định.

Đạt

3. Hành lang an toàn giao thông đảm bảo mỹ quan đô thị; không có hiện tượng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè kinh doanh, buôn bán, vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Đạt

4. Hệ thống đường điện trên địa bàn phường, thị trấn an toàn theo quy định.

Đạt

5. Số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn.

Đạt

6. Tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng.

90%

7. Tỷ lệ đường khu nhà ở, ngõ phố được chiếu sáng.

70%

3. Môi trường và an toàn thực phẩm đô thị

1. Trồng cây xanh công cộng tại các đường phố, khu vui chơi; các hộ gia đình trồng hoa, cây xanh trong khuôn viên gia đình, trên địa bàn khu dân cư.

Đạt

2. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất kinh doanh cá thể, hộ dân trên địa bàn phải đạt các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường theo quy định; chất thải, nước thải, rác thải được thu gom, xử lý đúng quy định.

Đạt

3. Số hộ gia đình sử dụng nước sạch theo quy định.

100%

4. Số hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch.

100%

5. Hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

100%

6. Không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm lớn (≥30 người mắc) trên địa bàn quản lý.

Đạt

4. An ninh, trật tự đô thị

1. Không để xảy ra hoạt động chống đảng, chống chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết.

Đạt

2. Không để xảy ra các hoạt động phá hoại các mục tiêu, công trình trọng điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc gia.

Đạt

3. Không để xảy ra hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật; hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, tranh chấp, khiếu kiện phức tạp về an ninh trật tự.

Đạt

4. Không để xảy ra hoạt động kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh, trật tự công cộng hoặc lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm được phân công giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đạt

5. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông không tăng so với năm trước; không có vụ việc về cháy, nổ, tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên (trừ trường hợp bất khả kháng), không có đối tượng tham gia đua xe và không để xảy ra tình trạng đua xe trái phép trên địa bàn.

Đạt

6. Phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự.

Đạt

5. Thông tin, truyền thông đô thị

1. Phường, thị trấn có đài truyền thanh và hệ thống truyền thanh và loa truyền thanh thông minh đến các tổ dân phố.

Đạt

2. Phường, thị trấn được trang bị sử dụng công nghệ viễn thông, Internet bằng các nội dung về phường, thị trấn có mạng nội bộ (LAN) bảo đảm an toàn an ninh mạng; cán bộ, công chức phường, thị trấn được trang bị máy tính và có kết nối Internet băng rộng.

Đạt

3. Phường, thị trấn ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành bằng các nội dung cụ thể hơn về ứng dụng hệ thống một cửa điện tử, sử dụng các phần mềm dùng chung và ứng dụng chữ ký số trong quản lý điều hành tại phường, thị trấn.

Đạt

4. Các hộ gia đình có thiết bị nghe nhìn thông minh, có thuê bao Internet băng rộng và tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh.

100%

5. Có kênh giao tiếp chính thức trên mạng xã hội của Việt Nam (Zalo, Mocha, Lotus, Gapo,...).

Đạt

6. Việc làm, thu nhập bình quân, hộ nghèo đô thị

1. Tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động từ 90% trở lên (đối với phường), 80% trở lên (đối với thị trấn).

Đạt

2. Thu nhập bình quân đầu người bằng hoặc cao hơn thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh, thành phố.

Đạt

3. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thấp hơn so với quy định chung của địa phương.

Đạt

7. Văn hóa, thể thao đô thị

1. Có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Nhà văn hóa có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm, được quản lý sử dụng đúng mục đích.

Đạt

2. 90% tổ dân phố thuộc phường; 80% tổ dân phố thuộc thị trấn có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

Đạt

3. Số hộ gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và nếp sống văn minh đô thị theo các quy định của trung ương, địa phương và quy ước của tổ dân phố.

90%

4. Các đội văn nghệ, thể thao, các câu lạc bộ ở phường, thị trấn và các tổ dân phố thường xuyên hoạt động.

Đạt

5. Có tủ sách pháp luật đảm bảo các đầu sách, thường xuyên được bổ sung, cập nhật các loại sách, báo, tài liệu tuyên truyền các quy định của pháp luật.

Đạt

8. Y tế, giáo dục đô thị

1. Phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Đạt

2. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.

90%

3. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) ≤15%.

Đạt

4. Tỷ lệ trường học các cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có ít nhất 60% trở lên số trường học trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Đạt

5. Phổ cập đối với giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

100%

6. Đạt tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học; phổ cập giáo dục trung học cơ sở; xóa mù chữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đạt

7. 70% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc trung cấp). Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học đạt 80% trở lên đối với phường, 70% trở lên đối với thị trấn.

Đạt

8. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt >50% đối với phường; >40% đối với thị trấn.

Đạt

9. Hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị

1. Cán bộ, công chức làm việc tại phường, thị trấn đạt chuẩn theo quy định.

Đạt

2. Hàng năm tổ chức Đảng đạt trong sạch, vững mạnh; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đạt từ loại khá trở lên.

Đạt

3. Thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp đơn giản, thuận tiện, tiến bộ đáp ứng được nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Đạt

4. Triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp theo đúng quy định.

Đạt

5. Phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định.

Đạt

 

PHỤ LỤC II

BẢNG ĐÁNH GIÁ TIÊU CHÍ QUẬN, THỊ XÃ,THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC CẤP TỈNH ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH
(Kèm theo Quy định tại Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

Tên tiêu chí

Nội dung tiêu chí

Tiêu chuẩn đạt chuẩn

1. Quy hoạch đô thị

1. Có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết của quận, thị xã, thành phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố công khai đúng quy định.

Đạt

2. Có đủ công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu hoặc hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng theo quy hoạch xây dựng đối với quận (hoặc thị xã, thành phố).

Đạt

2. Giao thông đô thị

Hệ thống giao thông trên địa bàn quận thị xã, thành phố đảm bảo kết nối thông suốt giữa các phường, xã, thị trấn trên địa bàn và không bị ngập úng theo quy định.

Đạt

3. Môi trường đô thị

1. Có hệ thống thu gom, phân loại, xử lý rác thải trên địa bàn đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường.

Đạt

2. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

>= 90%

3. Tỷ lệ các Khu dân cư trên địa bàn sạch, đẹp.

>= 80%

4. An ninh, trật tự đô thị

1. Cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục trên địa bàn đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự.

Đạt

2. Có hệ thống camera giám sát, bảo đảm an ninh, trật tự được lắp đặt ở các tuyến đường chính.

Đạt

5. Thông tin, truyền thông đô thị

1. Hạ tầng công nghệ thông tin truyền thống: có mạng nội bộ LAN và mạng diện rộng kết nối với các phòng chuyên môn và các xã, phường, thị trấn trực thuộc được bảo đảm an toàn an ninh mạng; tỷ lệ cán bộ, công chức được trang bị máy tính và có kết nối Internet băng rộng.

Đạt

2. Ứng dụng hệ thống một cửa điện tử, sử dụng các phần mềm dùng chung và ứng dụng chữ ký số trong quản lý điều hành.

Đạt

3. Cổng thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định.

Đạt

6. Việc làm, Thu nhập bình quân, hộ nghèo ở đô thị

1. Thu nhập bình quân đầu người cao hơn thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh, thành phố.

Đạt

2. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thấp hơn so với quy định chung của địa phương.

Đạt

7. Văn hóa, thể thao đô thị

Có trung tâm văn hóa, thể thao quận, thị xã, thành phố; có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hiệu quả.

Đạt

8. Y tế, giáo dục đô thị

1 .Trung tâm y tế quận (thị xã, thành phố) đạt chuẩn theo quy định.

Đạt

2. Các trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên.

100%

9. Hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị

1. Hàng năm tổ chức Đảng đạt trong sạch, vững mạnh; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đạt từ loại khá trở lên.

Đạt

2. Thủ tục hành chính phục vụ người dân, thuận tiện, đáp ứng được nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Đạt

3. Có dịch vụ công trực tuyến từ cấp độ 3 trở lên.

Đạt

4. Quận (thị xã, thành phố) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Đạt

 

PHỤ LỤC III

MẪU GIẤY CÔNG NHẬN, CÔNG NHẬN LẠI PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH
(Kèm theo Quy định tại Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

 

(Quốc huy)1

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

 

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN ………………………

 

 

CÔNG NHẬN

“PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH”

 

 

Phường (hoặc Thị trấn) ……………., tỉnh ………………

Đã đạt “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh” năm ………

 

 

Quyết định số: ………………….

Vào Sổ số: ………………………

…, ngày … tháng … năm …

CHỦ TỊCH




……………………………………

 

 

 

Ghi chú: (1): In hình Quốc huy.

 

PHỤ LỤC IV

MẪU GIẤY CÔNG NHẬN, CÔNG NHẬN LẠI QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC CẤP TỈNH ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH
(Kèm theo Quy định tại Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

 

(Quốc huy)1

 

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ………………………

 

CÔNG NHẬN

“QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ CẤP TỈNH ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH”

 

 

Quận ………………………., tỉnh ………………

Đã đạt “…… đạt chuẩn đô thị văn minh” năm …

 

 

Quyết định số: ………………….

Vào Sổ số: ………………………

…, ngày … tháng … năm …

CHỦ TỊCH




……………………………………

 

 

 

Ghi chú: (1): In hình Quốc huy.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 04/2022/QĐ-TTg quy định về tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 04/2022/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/02/2022
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Văn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản