Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2019/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 30 tháng 01 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHẠM VI VÙNG PHỤ CẬN ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 3621/SNN-CCTL ngày 17 tháng 12 năm 2018.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2019.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các sở, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Giám đốc các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thanh viên khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa; Giám đốc các Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Ủy ban Thường vụ- Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Vụ Pháp chế-Bộ NN & PTNT;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- TTTU, HĐND tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh, các Đại biểu HĐND tỉnh
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, HB, Tle.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Đức Vinh

 

QUY ĐỊNH

PHẠM VI VÙNG PHỤ CẬN ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 30 tháng 01 năm 2019 của UBND tỉnh Khánh Hòa)

Chương I:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này Quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngoài các công trình thủy lợi do UBND tỉnh Khánh Hòa quy định theo quy định tại Điều 40 của Luật Thủy lợi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Kênh chìm: Là kênh có mặt cắt ngang kênh theo thiết kế đào hoàn toàn trong nền đất tự nhiên.

2. Kênh nổi: Là kênh có mặt cắt ngang kênh theo thiết kế đắp nổi trên nền đất tự nhiên hoặc nửa đào, nửa đắp.

3 . Bờ bao thủy lợi: Là công trình phân vùng, ngăn nước để bảo vệ cho một khu vực.

4. Đê bao: Là đê bảo vệ cho một khu vực riêng biệt, làm nhiệm vụ ngăn nước, bảo vệ sản xuất, dân sinh, kinh tế và môi trường khu vực đó, bao gồm:

a) Đê bao liên huyện: Là đê bảo vệ cho khu vực liên quan từ hai huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là huyện) trở lên;

b) Đê bao liên xã: Là đê bảo vệ cho khu vực liên quan từ hai xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) trở lên trong một huyện;

c) Đê bao độc lập: Là đê bảo vệ cho khu vực trong phạm vi một xã.

5. Đập dâng: Là vật kiến trúc chắn ngang dòng chảy để nâng cao mực nước thượng lưu và cho phép dòng chảy tràn qua đập.

6. Tràn xả lũ: Là công trình tháo, xả lũ nhằm đảm bảo cho hồ chứa nước được an toàn.

7. Các công trình trên kênh: là công trình lấy nước, các công trình điều tiết, công trình đo nước, công trình chuyển nước, công trình tiêu nước, công trình xả nước khi có sự cố và xả nước cuối kênh, công trình giao thông và các công trình phục vụ quản lý hệ thống kênh tưới.

Chương II:

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi

1. Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận.

2. Trong phạm vi vùng phụ cận, việc sử dụng đất phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và bảo đảm an toàn công trình; phải có đường đi lại để quan trắc, theo dõi, quản lý và có mặt bằng để tu bổ, sửa chữa và xử lý khi công trình xảy ra sự cố.

Điều 5. Phạm vi vùng phụ cận đối với từng công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh

1. Trạm bơm

- Trạm bơm phải có hàng rào bảo vệ. Phạm vi vùng phụ cận được tính từ mép ngoài móng hàng rào bảo vệ trở ra là 3m, trường hợp nền hàng rào là đất đắp thì tính từ chân mái ngoài đắp trở ra 3m.

- Trường hợp công trình trạm bơm đã xây dựng chưa có hàng rào bảo vệ thì đơn vị trực tiếp quản lý khai thác trạm bơm phải xây dựng hàng rào bảo vệ trong ranh giới được giao đất. Phạm vi vùng phụ cận tính như quy định trên của khoản này.

2. Đập dâng

- Phần thuộc lòng sông, suối: Phạm vi vùng phụ cận tính từ phần xây đúc cuối cùng trở ra, tối thiểu là 30m.

- Phần trên cạn của hai vai đập dâng: Phạm vi vùng phụ cận được tính từ phần xây đúc ngoài cùng trở ra, tối thiểu là 20m.

3. Tràn xả lũ

- Trường hợp Tràn xả lũ nằm trong phạm vi thân đập: Phạm vi vùng phụ cận thuộc vùng phụ cận của đập và hồ chứa được quy định trong Luật Thủy lợi.

- Trường hợp Tràn xả lũ nằm trong ngoài phạm vi thân đập: Phạm vi vùng phụ cận được tính từ phần xây đúc ngoài cùng trở ra mỗi phía tối thiểu là 20m.

4. Đê bao

Phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái đê bao (hai phía) trở ra, cụ thể:

- Ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch, phạm vi vùng phụ cận được tính từ chân đê trở ra 5m đối với với: đê bao liên huyện,đê bao liên xã và đê bao độc lập.

- Đối với các vị trí khác:

+ Đê bao liên huyện: Phạm vi vùng phụ cận tối thiểu là 7m;

+ Đê bao liên xã: Phạm vi vùng phụ cận tối thiểu là 6m;

+ Đê bao độc lập: Phạm vi vùng phụ cận tối thiểu là 5m.

5. Kênh

- Kênh nổi có lưu lượng lớn hơn 1 m³/s đến dưới 2 /s, phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 1,5m; lưu lượng từ 0,5 m³/s đến 1 m³/s, phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 1m, lưu lượng nhỏ hơn 0,5 m³//s, phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 0,8m.

- Kênh chìm: Đối với kênh chìm, phạm vi bảo vệ từ điểm giao mái của kênh trở ra từ 3m đến 5m.

- Khi kênh đi dưới đường dây tải điện hoặc đi song song với đường dây tải điện, các hành lang bảo vệ an toàn tuân theo tiêu chuẩn của đường dây tải điện hiện hành.

- Những đoạn kênh, tuyến kênh có bờ kênh kết hợp làm đường giao thông, phạm vi vùng phụ cận thực hiện theo quy định về hành lang bảo vệ công trình giao thông nhưng không được nhỏ hơn phạm vi vùng phụ cận của công trình thủy lợi.

6. Các công trình trên kênh: Phạm vi vùng phụ cận tính từ điểm xây đúc ngoài cùng của công trình hoặc điểm gia cố bảo vệ ngoài cùng của công trình trở ra là tối thiểu là 3m.

Các phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi chưa được quy định tại Quy định này thì áp dụng theo quy định tại Luật Thủy lợi số: 08/2017/QH14 ngày 19/6/2017.

Chương III:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Trách nhiệm của các sở, ngành; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; tổ chức, cá nhân quản lý khai thác công trình thủy lợi

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, tổ chức hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến công trình thủy lợi thực hiện quy định này.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định hiện hành.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý khai thác công trình thủy lợi rà soát hiện trạng sử dụng đất trong hành lang bảo vệ công trình.

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo thẩm quyền; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan có liên quan thực hiện việc quản lý và sử dụng đất theo quy định.

3. Sở Giao thông Vận tải

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc quy hoạch mạng lưới giao thông thủy, giao thông bộ, xác định lộ giới, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi có kết hợp giao thông, thực hiện cắm biển báo, chỉ giới đảm bảo an toàn giao thông theo quy định hiện hành.

4. Sở Tài chính: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác giải tỏa phạm vi, hỗ trợ, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định hiện hành.

5. Các sở, ngành khác

Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi thực hiện quy định này.

6. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thực hiện quy định này.

b) Tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định này trên địa bàn; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý khai thác công trình thủy lợi, các đơn vị có liên quan trên địa bàn thực hiện quy định này.

c) Thực hiện bảo vệ công trình thủy lợi tại địa phương theo quy định của pháp luật. Xử lý các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi theo thẩm quyền.

d) Tổ chức thực hiện việc thu hồi đất, giao đất theo thẩm quyền.

7. Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Tuyên truyền, phổ biến quy định này tại địa phương.

b) Thực hiện bảo vệ công trình thủy lợi tại địa phương theo quy định của pháp luật.

c) Phối hợp kịp thời với các đơn vị có liên quan rà soát hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định.

d) Kịp thời xử lý những hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ công trình trên địa bàn theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền xử lý thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý.

8. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác công trình thủy lợi

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, rà soát hiện trạng sử dụng đất trong hành lang bảo vệ công trình, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định hiện hành.

b) Lập và bàn giao hồ sơ quản lý phạm vi bảo vệ công trình cho Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn để phối hợp quản lý.

c) Chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, quản lý hành lang, mốc giới bảo vệ công trình. Trường hợp hành lang bảo vệ công trình bị lấn chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nơi có hành lang bị vi phạm để xử lý.

d) Thực hiện chế độ tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

đ) Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm; phối hợp các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức tuyên truyền việc thực hiện quy định này trên địa bàn.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan hướng dẫn tổ chức triển khai việc thực hiện quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các địa phương, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 04/2019/QĐ-UBND quy định về phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

  • Số hiệu: 04/2019/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/01/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Lê Đức Vinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản