Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2016/QĐ-UBND | Hưng Yên, ngày 26 tháng 02 năm 2016 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26/11/2014;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26/11/2014;
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 29/11/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 20/11/2012;
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15/11/2010;
Căn cứ Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 07/8/2015 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV ngày 28/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính - Nội vụ về ban hành Quy chế phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 193/TTr-SKHĐT ngày 04/02/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP SAU ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2016/QĐ-UBND ngày 26/02/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)
Quy chế này quy định mục tiêu, nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong việc trao đổi, cung cấp, công khai thông tin doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; xử lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; báo cáo tình hình thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
1. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi là UBND cấp huyện).
3. Cơ quan quản lý chuyên ngành, lĩnh vực thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương đặt tại tỉnh Hưng Yên.
1. Cung cấp thông tin doanh nghiệp là việc cơ quan nhà nước được yêu cầu, trong phạm vi chức năng quản lý của mình và theo quy định của pháp luật, gửi thông tin doanh nghiệp có nội dung, phạm vi xác định tới cơ quan yêu cầu để phục vụ công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp.
2. Trao đổi thông tin doanh nghiệp là việc hai hay nhiều cơ quan chức năng cung cấp thông tin doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý cho nhau một cách liên tục hoặc theo định kỳ.
3. Công khai thông tin doanh nghiệp là việc cơ quan nhà nước, căn cứ vào chức năng quản lý của mình và theo quy định của pháp luật, cung cấp, phổ biến thông tin doanh nghiệp một cách rộng rãi, không thu phí.
4. Thanh tra doanh nghiệp là việc xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện pháp luật, chính sách, quyền hạn, nghĩa vụ của doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức có liên quan.
5. Kiểm tra doanh nghiệp là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, đánh giá việc thực hiện pháp luật, chính sách, quyền hạn, nghĩa vụ của doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức có liên quan.
6. Cơ quan chức năng là cơ quan quy định tại Điều 2 Quy chế này.
7. Đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp là chi nhánh, văn phòng đại diện do doanh nghiệp thành lập.
Điều 4. Mục tiêu của việc phối hợp trong quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập
1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập tại địa phương theo hướng:
a) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
b) Phân định trách nhiệm giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
c) Tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp.
2. Phát hiện và xử lý kịp thời những doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, ngăn chặn và hạn chế những tác động tiêu cực do doanh nghiệp gây ra cho xã hội.
3. Góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.
1. Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp phải được phân định rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng cơ quan quản lý nhà nước cụ thể. Các cơ quan nhà nước quản lý doanh nghiệp theo từng ngành, lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, nghề chịu sự quản lý của nhiều cơ quan nhà nước; mỗi cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của doanh nghiệp theo từng ngành, lĩnh vực tương ứng.
2. Trao đổi, cung cấp, công khai thông tin doanh nghiệp phải đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời. Yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin doanh nghiệp phải căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan yêu cầu. Việc sử dụng thông tin doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
3. Phối hợp trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp phải bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra trong cùng thời gian giữa các cơ quan thực hiện thanh tra, kiểm tra; giảm đến mức tối đa sự phiền hà, cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
4. Không làm phát sinh thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động bình thường.
TRAO ĐỔI, CUNG CẤP, CÔNG KHAI THÔNG TIN DOANH NGHIỆP
Điều 6. Nội dung thông tin doanh nghiệp
1. Thông tin đăng ký doanh nghiệp, bao gồm: Tên doanh nghiệp; mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; ngành, nghề kinh doanh; thông tin về người đại diện theo pháp luật; vốn điều lệ, điều lệ công ty; danh sách thành viên, cổ đông sáng lập, người đại diện theo ủy quyền; thông tin về đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp và các thông tin đăng ký doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
2. Thông tin về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm: Đang hoạt động; đang làm thủ tục giải thể; đã giải thể; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tạm ngừng kinh doanh; bỏ địa điểm kinh doanh; tình trạng thực hiện nghĩa vụ thuế; đã chấm dứt hoạt động (đối với đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp).
3. Thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm: Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính, doanh thu, sản lượng, số lao động, xuất khẩu, nhập khẩu và các thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh khác của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
4. Thông tin về xử lý doanh nghiệp có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, bao gồm: Kết luận và kết quả xử lý của cơ quan có thẩm quyền đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về doanh nghiệp, về đầu tư, về quản lý thuế và pháp luật chuyên ngành khác.
Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan trong việc trao đổi, cung cấp, công khai thông tin doanh nghiệp
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối cung cấp và công khai thông tin đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên theo quy định sau:
a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ quan chức năng có thể yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp. Định kỳ trước ngày mùng 10 hàng tháng, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi danh sách kèm theo thông tin đăng ký doanh nghiệp của các doanh nghiệp đã đăng ký trong tháng trước đó đến các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp gồm:
- Tên, mã số, địa chỉ trụ sở chính, tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Tên, mã số, địa chỉ trụ sở, tên người đứng đầu đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp;
- Tên, mã số, địa chỉ trụ sở chính, tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể;
- Tên, mã số, địa chỉ trụ sở, tên người đứng đầu đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.
b) Việc cung cấp, trao đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với các cơ quan quản lý nhà nước khác thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ bằng bản giấy hoặc qua đường điện tử. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có trách nhiệm cung cấp bằng văn bản thông tin cá nhân cán bộ đầu mối (gồm cả thông tin hộp thư điện tử) của đơn vị cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác.
2. Trường hợp phát hiện thông tin đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp chưa chính xác hoặc chưa đầy đủ so với tình trạng thực tế của doanh nghiệp, cơ quan chức năng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đăng ký thay đổi hoặc hiệu đính thông tin đăng ký doanh nghiệp theo quy định. Sau khi doanh nghiệp đăng ký thay đổi hoặc hiệu đính thông tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thông báo kết quả cho cơ quan chức năng có liên quan.
1. Trên cơ sở khai thác từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối cung cấp, công khai thông tin về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư định kỳ đối chiếu thông tin trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với thông tin cơ quan thuế cung cấp về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp ngừng hoạt động quá một năm không thông báo với cơ quan thuế hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định của pháp luật.
1. Các cơ quan chức năng chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; chủ động xây dựng phương án, công cụ trao đổi thông tin doanh nghiệp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh và các cơ quan đầu mối thông tin doanh nghiệp khác để phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.
2. Khuyến khích các cơ quan chức năng trao đổi thông tin doanh nghiệp, chia sẻ cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đồng thời giảm thiểu nghĩa vụ kê khai, báo cáo của doanh nghiệp.
3. Cơ quan chức năng thực hiện công khai thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối công khai thông tin doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư. Thông tin công khai bao gồm: Tên, mã số, địa chỉ trụ sở chính, tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, tình trạng vi phạm của doanh nghiệp.
2. Cục Thuế tỉnh công khai danh sách các doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có hành vi vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế.
3. Cơ quan chức năng khác, ngoài các cơ quan quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, có trách nhiệm công khai thông tin doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có hành vi vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý. Thông tin công khai gồm: Tên, mã số, địa chỉ trụ sở chính, tên người đại diện theo pháp luật, người đứng đầu đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, hành vi vi phạm pháp luật, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
Điều 11. Hình thức, phương tiện trao đổi, cung cấp, công khai thông tin doanh nghiệp
1. Việc trao đổi, cung cấp, công khai thông tin doanh nghiệp giữa các cơ quan chuyên môn thực hiện bằng hình thức gửi bằng bản giấy hoặc qua đường điện tử. Khuyến khích các cơ quan chức năng ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện trao đổi, cung cấp, công khai thông tin doanh nghiệp qua mạng điện tử.
2. Kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan cung cấp thông tin có trách nhiệm phản hồi bằng văn bản không quá 05 ngày làm việc.
1. Nội dung phối hợp trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bao gồm: Phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; phối hợp tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
2. Nội dung phối hợp trong thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm: Phối hợp xác định hành vi vi phạm thuộc trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Nội dung phối hợp trong xử lý doanh nghiệp vi phạm quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện gồm: Phối hợp xử phạt doanh nghiệp; yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
1. Thanh tra tỉnh là cơ quan đầu mối xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên cơ sở tổng hợp yêu cầu về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các cơ quan quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Quy chế này; theo dõi, tổng hợp kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có thể được xây dựng độc lập hoặc là một trong các nội dung của kế hoạch thanh tra, kiểm tra của tỉnh.
2. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm, cơ quan chức năng phải xác định cụ thể doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp dự kiến thanh tra, kiểm tra.
a) Trước ngày 15 tháng 11 hàng năm, các cơ quan quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Quy chế này gửi kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm sau liền kề của mình cho Thanh tra tỉnh.
Chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hàng năm Chánh Thanh tra tỉnh căn cứ vào định hướng chương trình thanh tra, hướng dẫn của Tổng Thanh tra Chính phủ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm xem xét, phê duyệt kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 25 tháng 11 hàng năm.
Chậm nhất vào ngày 05 tháng 12 hàng năm, Chánh Thanh tra sở, Chánh Thanh tra huyện căn cứ vào hướng dẫn của Thanh tra tỉnh trong công tác xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm, kế hoạch thanh tra của Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh và yêu cầu công tác quản lý trình giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, phê duyệt kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 15 tháng 12 hàng năm.
b) Các cơ quan quản lý chuyên ngành, lĩnh vực thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương đặt tại địa phương có trách nhiệm đối chiếu với kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng khác trên địa bàn khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của mình để giảm thiểu trùng lặp; gửi Thanh tra tỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm sau liền kề đã được cấp trên phê duyệt.
3. Thanh tra tỉnh thông báo bằng văn bản tới các cơ quan chức năng có kế hoạch thanh tra, kiểm tra cùng một hoặc một số doanh nghiệp đề nghị các cơ quan này trao đổi, thỏa thuận thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp liên ngành do một cơ quan chủ trì. Trường hợp do yêu cầu đặc thù phải thực hiện thanh tra, kiểm tra độc lập, thủ trưởng cơ quan chức năng phải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bằng văn bản.
4. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước phải được công khai, gửi trước tới đối tượng được thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.
1. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp thành lập đoàn thanh tra liên ngành, các cơ quan liên quan có trách nhiệm cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra theo đề xuất của đơn vị được giao chủ trì. Kết quả thanh tra phải được gửi cho các cơ quan chức năng tham gia. Hành vi vi phạm của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực được xử lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Căn cứ kết luận của đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan thanh tra chuyên ngành ra quyết định hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý theo quy định.
Trường hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, các cơ quan liên quan thống nhất cử một cơ quan chủ trì, các cơ quan liên quan khác cử cán bộ tham gia. Kết quả kiểm tra phải được gửi cho các cơ quan tham gia. Hành vi vi phạm của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực được xử lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Căn cứ kết luận của đoàn kiểm tra, thủ trưởng cơ quan chuyên ngành ra quyết định hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Khi tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có trụ sở chính trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cơ quan chủ trì thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm thông báo cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh để phối hợp thực hiện và gửi kết quả thanh tra, kiểm tra cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh sau khi kết thúc thanh tra, kiểm tra.
2. Trường hợp trong quá trình chuẩn bị hoặc trong quá trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, cơ quan chức năng phát hiện hoặc nhận thấy dấu hiệu doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm thông báo, đề nghị cơ quan có thẩm quyền phối hợp hoặc thực hiện thanh tra, kiểm tra độc lập.
3. Thanh tra tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các cơ quan chức năng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Kết quả thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp phải được công khai theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan trong phối hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
1. Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày xác định hành vi vi phạm của doanh nghiệp theo quy định, phải thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan chức năng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.
3. Trường hợp nhận được thông tin về hành vi vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nếu xét thấy cần thiết phải xác minh thông tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra doanh nghiệp theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có liên quan. Kết quả xác minh thông tin về hành vi vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải được thể hiện bằng văn bản, trách nhiệm cụ thể:
a) UBND cấp huyện có trách nhiệm xác minh việc tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại địa bàn quản lý.
b) Công an tỉnh có trách nhiệm xác minh nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có nghi vấn là giả mạo.
c) Cơ quan, tổ chức quản lý người thành lập doanh nghiệp thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp có trách nhiệm xác minh lý lịch của người thành lập doanh nghiệp đó.
4. Khi nhận được văn bản của cơ quan chức năng xác định hành vi vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Phòng Đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp theo quy định, đồng thời thông báo cho cơ quan chức năng đã có yêu cầu thu hồi.
1. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, cơ quan chức năng quyết định xử phạt theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về điều kiện kinh doanh.
2. Cơ quan chức năng quản lý nhà nước về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Kế hoạch và Đầu tư trong các trường hợp sau:
a) Thu hồi, rút, đình chỉ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc các loại văn bản chứng nhận, chấp thuận khác đã cấp cho doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
b) Đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh.
3. Khi nhận được thông báo bằng văn bản của cơ quan chức năng quy định tại Khoản 2 Điều này, Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời gửi Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và UBND cấp huyện.
4. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND cấp huyện theo dõi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã được Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo yêu cầu tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Trường hợp doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND cấp huyện thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
BÁO CÁO VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP SAU ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP
Điều 17. Nội dung báo cáo về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập
1. Tình hình công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
2. Tình hình thực hiện phối hợp giữa các cơ quan chức năng về các nội dung sau:
a) Trao đổi, cung cấp và công khai thông tin doanh nghiệp;
b) Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp;
c) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
d) Xử lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
đ) Các nội dung khác quy định tại Quy chế này.
Điều 18. Trách nhiệm của các cơ quan trong báo cáo về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp
1. Trong tháng 01 hàng năm, cơ quan chức năng có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý được phân công và tình hình thực hiện phối hợp các nội dung tại Khoản 2 Điều 17 Quy chế này của năm liền trước.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối tổng hợp tình hình thực hiện nội dung phối hợp quy định tại các Điểm a, c và d Khoản 2 Điều 17 Quy chế này.
3. Thanh tra tỉnh là đầu mối tổng hợp tình hình thực hiện nội dung phối hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 17 Quy chế này.
4. Trong tháng 02 hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập của năm liền trước theo các nội dung quy định tại Điều 17 Quy chế này, đồng thời gửi Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ.
Điều 19. Phân công trách nhiệm
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; thực hiện chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
b) Cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho các cơ quan có liên quan và các tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
c) Hàng năm xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp gửi Thanh tra tỉnh trước ngày 15/11 của năm trước năm kế hoạch.
d) Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện nội dung phối hợp quy định tại các Điểm a, c và d Khoản 2 Điều 17 Quy chế này.
2. Cục Thuế tỉnh
a) Rà soát, đối chiếu doanh nghiệp đã đăng ký mã số doanh nghiệp với danh sách doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; cung cấp về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp ngừng hoạt động quá 1 năm không thông báo với cơ quan thuế.
b) Công khai danh sách các doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
c) Thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư danh sách các doanh nghiệp vi phạm Luật Doanh nghiệp không thuộc thẩm quyền xử lý của ngành thuế.
d) Hàng năm, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp gửi Thanh tra tỉnh trước ngày 15/11 của năm trước năm kế hoạch để tổng hợp.
đ) Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý được phân công và tình hình thực hiện phối hợp các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 17 Quy chế này của năm liền trước.
3. Thanh tra tỉnh
a) Hướng dẫn các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của ngành, địa phương.
b) Rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan tránh trùng lặp, gây khó khăn cho doanh nghiệp; xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra của tỉnh đối với các doanh nghiệp trên cơ sở hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu công tác quản lý của tỉnh; tổng hợp chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trước ngày 25 tháng 11 hàng năm;
c) Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện nội dung phối hợp quy định tại các Điểm b Khoản 2 Điều 17 Quy chế này.
d) Định kỳ 6 tháng, cả năm tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư.
4. Công an tỉnh
a) Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống lại các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong doanh nghiệp, tham mưu đề xuất xử lý giải quyết không để các vụ việc xảy ra phức tạp về an ninh trật tự.
b) Tổ chức cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực của ngành công an; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
c) Tiếp nhận, xử lý thông tin về doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng của tỉnh cung cấp; phối hợp quản lý, theo dõi hoạt động của doanh nghiệp, nhằm đảm bảo ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
d) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với doanh nghiệp, kịp thời phát hiện các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước; việc ban hành cơ chế chính sách và thực hiện các quy định của pháp luật mà các doanh nghiệp có thể lợi dụng để trục lợi hoặc gây phức tạp tình hình an ninh trật tự; báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời khắc phục, chấn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
đ) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc xác định tư cách pháp nhân của tổ chức; nhân thân của người thành lập doanh nghiệp, người góp vốn, mua cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với trường hợp pháp nhân, cá nhân đến từ nước ngoài; xác minh, xử lý theo thẩm quyền đối với doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp có hành vi kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
5. Các sở, ban, ngành tỉnh
a) Thực hiện các nội dung quản lý nhà nước chuyên ngành đối với doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật chuyên ngành.
b) Định kỳ hàng tháng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính các thông tin sau đây:
- Các loại giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận hoặc văn bản chấp thuận về điều kiện kinh doanh đã cấp cho doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, người quản lý doanh nghiệp.
- Quyết định xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, người quản lý doanh nghiệp.
c) Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp gửi Thanh tra tỉnh trước ngày 15/11 hằng năm.
d) Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý được phân công và tình hình thực hiện phối hợp các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 17 Quy chế này của năm liền trước.
6. UBND cấp huyện
a) Phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin về hộ kinh doanh hoạt động trên phạm vi địa bàn; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư về tình hình đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn;
b) Tiếp nhận, xử lý thông tin về các doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp; tham gia quản lý, theo dõi hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn;
c) Xác minh việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại địa bàn quản lý có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 20. Kinh phí triển khai, thực hiện Quy chế phối hợp
Kinh phí bảo đảm cho công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị.
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ vào các nhiệm vụ được phân công trong Quy chế này, chủ động tổ chức phối hợp và triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách, đảm bảo chất lượng và có hiệu quả.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc hoặc chưa phù hợp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
- 1Quyết định 45/2015/QĐ-UBND Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 2Quyết định 01/2016/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh An Giang
- 3Quyết định 04/2016/QĐ-UBND Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập
- 4Quyết định 411/QĐ-UBND năm 2016 điều chỉnh Điều 17 Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập kèm theo Quyết định 1731/QĐ-UBND
- 5Quyết định 05/2016/QĐ-UBND Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 1Luật quản lý thuế 2006
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật thanh tra 2010
- 4Luật quản lý thuế sửa đổi 2012
- 5Luật Đầu tư 2014
- 6Luật Doanh nghiệp 2014
- 7Thông tư liên tịch 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV về Quy chế phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng lý thành lập do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ ban hành
- 8Nghị quyết 59/NQ-CP năm 2015 triển khai thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư do Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 45/2015/QĐ-UBND Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 10Quyết định 01/2016/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh An Giang
- 11Quyết định 04/2016/QĐ-UBND Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập
- 12Quyết định 411/QĐ-UBND năm 2016 điều chỉnh Điều 17 Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập kèm theo Quyết định 1731/QĐ-UBND
- 13Quyết định 05/2016/QĐ-UBND Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Quyết định 03/2016/QĐ-UBND Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập
- Số hiệu: 03/2016/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/02/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
- Người ký: Nguyễn Văn Phóng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/03/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra