Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 03/2013/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 01 tháng 02 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG CẢI THIỆN NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 29/6/2005;

Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 16/7/2012;

Căn cứ Nghị định 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ về việc Ban hành Điều lệ xây dựng và Quản lý quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”;

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 118/TTg ngày 27 tháng 02 năm 1996 về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở;

Căn cứ Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2000 về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 cải thiện nhà ở;

Căn cứ Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2007 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 118/TTg ngày 27/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở và Điều 3 Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 03/2/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 cải thiện nhà ở;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 140/TTr-SLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo bản Quyết định này Quy định về chính sách hỗ trợ người có công với Cách mạng cải thiện nhà ở trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và bãi bỏ Quyết định số 173/QĐ-UB ngày 14 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Cục kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Sở Tư pháp;
- Báo Lào Cai;
- Công báo tỉnh Lào Cai;
- Như điều 3;
- Lưu: VT, VX, CB, NLN, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Vịnh

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG CẢI THIỆN NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 03/2013/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng xét hỗ trợ cải thiện nhà ở

Người có công với cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính Phủ, bao gồm:

1. Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945.

2. Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945.

3. Thân nhân chủ yếu của liệt sĩ.

4. Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

5. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

6. Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.

7. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

8. Bệnh binh.

9. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

10. Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày.

11. Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

12. Người có công giúp đỡ cách mạng.

Điều 2. Nguyên tắc hỗ trợ cải thiện nhà ở

1. Phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, phong tục tập quán của nhân dân nơi đối tượng cư trú.

2. Căn cứ vào công lao và hoàn cảnh cụ thể của từng người, điều kiện và khả năng của địa phương.

3. Không hỗ trợ đồng loạt hoặc bình quân cho tất cả cho các đối tượng.

4. Việc xem xét để hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở phải được bình xét, công khai dân chủ và phải có văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người có công cư trú và những kiến nghị đó phải được cơ quan có thẩm quyền xác minh trước khi trình lên UBND các cấp quyết định.

Điều 3. Điều kiện hỗ trợ

1. Người có công với Cách mạng có hoàn cảnh khó khăn không thể tạo lập được nhà ở, chưa có nhà hoặc bị mất nhà do thiên tai, hỏa hoạn... thì tùy theo điều kiện của địa phương, hoàn cảnh và công lao của từng người được xét tặng "Nhà tình nghĩa".

2. Người có công với cách mạng đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng nhà ở quá dột nát không bảo đảm điều kiện sống trung bình so với nhân dân địa phương nơi cư trú mà không có khả năng khắc phục thì tùy theo hoàn cảnh của từng người và khả năng của từng địa phương mà hỗ trợ họ cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Chương 2.

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN KINH PHÍ VÀ MỨC HỖ TRỢ

Điều 4. Nguồn kinh phí hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở

Hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì vậy, ngoài ngân sách của Nhà nước, còn được huy động từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác của xã hội thông qua cuộc vận động ủng hộ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” bao gồm:

1. Nguồn kinh phí đối với cấp tỉnh:

Nguồn kinh phí cấp tỉnh hỗ trợ cho người có công cải thiện nhà ở được trích từ nguồn thu quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh hàng năm; Nguồn kinh phí do quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Trung ương hỗ trợ; Nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh; từ các tổ chức chính trị, xã hội, cá nhân trong và ngoài nước.

2. Nguồn kinh phí đối với cấp huyện, thành phố:

Nguồn kinh phí cấp huyện, thành phố hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở được trích từ nguồn thu của quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp huyện, thành phố hàng năm; nguồn kinh phí do tỉnh hỗ trợ; Nguồn kinh phí trích từ ngân sách địa phương do Chủ tịch UBND huyện, thành phố quyết định; từ các tổ chức chính trị, xã hội, cá nhân trong và ngoài nước.

3. Nguồn kinh phí đối với cấp xã, phường, thị trấn:

Nguồn kinh phí cấp xã, phường, thị trấn hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở được trích từ nguồn thu của quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp xã, phường, thị trấn hàng năm; nguồn kinh phí do cấp tỉnh hỗ trợ; nguồn kinh phí do cấp huyện hỗ trợ; nguồn kinh phí trích từ ngân sách địa phương do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn quyết định; từ các tổ chức chính trị, xã hội, cá nhân trong và ngoài nước.

4. Nguồn hỗ trợ bằng vật chất trực tiếp cho Người có công, thân nhân Người có công không thông qua Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp.

Nguồn hỗ trợ cho người có công, thân nhân người có công cải thiện nhà ở không thông qua Quỹ Đền ơn đáp nghĩa là các khoản hỗ trợ của cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong và ngoài nước... thông qua hình thức như: xây tặng nhà tình nghĩa; hỗ trợ nguyên, vật liệu để làm nhà ở; hỗ trợ công dựng, sửa chữa nhà vv..

Đối với hình thức hỗ trợ này thì chính quyền địa phương nơi có đối tượng được hỗ trợ chịu trách nhiệm về nội dung, hình thức, phương pháp hỗ trợ; đồng thời thông báo kết quả thực hiện hỗ trợ (khối lượng và giá trị hỗ trợ) theo quy định về Quỹ đền ơn đáp nghĩa theo phân cấp.

Điều 5. Mức hỗ trợ và nội dung sử dụng

1. Mức hỗ trợ:

Mức hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định và được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương và các văn bản quy định hiện hành.

2. Nội dung sử dụng:

Kinh phí hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng được sử dụng để xây tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ kinh phí để xây hoặc cải tạo nâng cấp để nhà ở kiên cố hơn. Đối với những trường hợp đặc biệt có thể sử dụng kinh phí hỗ trợ để mua nhà ở đã có sẵn theo nguyện vọng của người có công nhưng phải đảm bảo nhà ở lâu dài, bền, chắc. Nghiêm cấm sử dụng kinh phí hỗ trợ cải thiện nhà ở vào mục đích khác.

3. Ngoài số kinh phí được hỗ trợ quy định tại khoản 1 điều này, có thể vận động sự ủng hộ của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc các tổ chức trong và ngoài nước, các cá nhân hỗ trợ thêm cho người có công để mua sắm một số đồ dùng sinh hoạt cần thiết và cùng trao tặng khi bàn giao nhà tình nghĩa theo phương châm xã hội hóa công tác chăm sóc người có công.

Điều 6. Quản lý, sử dụng và cấp phát kinh phí

1. Quản lý, sử dụng kinh phí:

Việc quản lý và sử dụng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thực hiện theo quy định của Chính phủ và các văn bản hiện hành.

2. Cấp phát kinh phí:

a. Căn cứ nguồn thu hàng năm của Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp và nguồn ngân sách địa phương (nếu có). Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất với Ban quản lý Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cùng cấp xây dựng kế hoạch sử dụng, phân bổ kinh phí trình UBND cùng cấp phê duyệt thực hiện hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở.

b. Sau khi được UBND phê duyệt, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp lập danh sách người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ cải thiện nhà ở.

c. Căn cứ danh sách và đề nghị của UBND các cấp, Ban quản lý Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cùng cấp ra quyết định hỗ trợ cho từng đối tượng theo mức kinh phí đã được UBND cùng cấp phê duyệt.

Điều 7. Quy trình hỗ trợ cải thiện nhà ở

1. Thành lập tổ công tác cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng ở cấp huyện, thành phố bao gồm: Trưởng (hoặc Phó) phòng Lao động - Thương binh và Xã hội làm tổ trưởng. Thành viên gồm lãnh đạo các đơn vị: Tài chính - Kế hoạch, Quản lý đô thị, Kinh tế và Hạ tầng; Tài nguyên và Môi trường; UBMTTQ; Hội Cựu chiến binh và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có Người có công được hỗ trợ cải thiện nhà ở.

2. Nhiệm vụ của tổ công tác:

a. Bàn bạc, thống nhất với gia đình về: Quy cách, biện pháp thi công để phù hợp với nguồn kinh phí được cấp và tập quán của địa phương, thời gian khởi công, thời gian hoàn thành. Đồng thời vận động các tổ chức, đoàn thể và nhân dân địa phương sở tại giúp đỡ công lao động như san gạt mặt bằng, vận chuyển vật liệu vv....

b. Khảo sát thiết kế, dự toán khối lượng công việc từng hạng mục công trình, trong đó xác định rõ:

- Phần việc do nhà nước hỗ trợ.

- Phần việc do nhân dân địa phương giúp đỡ.

- Phần việc do gia đình tự lo.

c. Căn cứ Biên bản của tổ công tác, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xem xét, phê duyệt và ra quyết định đầu tư xây dựng. Việc lựa chọn đơn vị thi công, mua và quản lý vật liệu xây dựng, giám sát thi công do chủ hộ tự lo. Nếu chủ hộ không tự lo được hoặc có nhu cầu thì tổ công tác hoặc chính quyền địa phương có trách nhiệm giúp đỡ.

d. Sau khi công trình hoàn thành, căn cứ nội dung biên bản (quy định tại khoản b điều này) tổ công tác sẽ nghiệm thu và trình Chủ tịch UBND huyện, thành phố ra quyết định bàn giao nhà cho gia đình sử dụng. Thủ tục thanh quyết toán công trình gồm Biên bản khảo sát, thiết kế, dự toán, giấy phép xây dựng, quyết định đầu tư, biên bản nghiệm thu, quyết định bàn giao nhà ... (các thủ tục này do tổ công tác có trách nhiệm giúp đỡ người có công hoàn thiện). Riêng công tình sử dụng nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ, gửi 01 bộ hồ sơ quyết toán về Ban quản lý Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để theo dõi.

Điều 8: Đối với trường hợp nhận chuyển nhượng nhà ở: căn cứ vào nguyện vọng của người có công, tổ công tác có trách nhiệm thẩm định giá trị, chất lượng của công trình, trình Chủ tịch UBND huyện, thành phố phê duyệt làm căn cứ để hỗ trợ kinh phí. Các thủ tục chuyển nhượng do chủ hộ tự lo theo quy định của pháp luật.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Hàng năm UBND các huyện, thành phố phải tổ chức thống kê, nắm chắc tình hình nhà ở của những người có công với cách mạng trên địa bàn;

Lập danh sách, phân loại theo thực trạng nhà ở, hoàn cảnh kinh tế của từng người để xây dựng kế hoạch và hình thức hỗ trợ cho phù hợp.

Điều 10. Ban quản lý quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp có trách nhiệm vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế-xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi người dân tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, cùng nhà nước chăm sóc người có công với cách mạng.

Điều 11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát và quản lý kinh phí theo đúng quy định hiện hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh bằng văn bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./