Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2007/QĐ-UBND | Phan Thiết, ngày 11 tháng 01 năm 2007 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HÓA DẠY NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;
Căn cứ Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;
Căn cứ Quyết định số 1000/2005/QĐ-BLĐTBXH ngày 07/6/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt Đề án “Phát triển xã hội hóa dạy nghề đến năm 2010”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 19/TTr-SLĐTBXH ngày 04/01/2006 về việc ban hành Đề án phát triển xã hội hóa dạy nghề đến năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Phát triển xã hội hóa dạy nghề trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HÓA DẠY NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2007 của UBND tỉnh Bình Thuận)
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA DẠY NGHỀ GIAI ĐOẠN 2000 – 2006
1. Về chỉ đạo điều hành:
Cùng với việc thực hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về dạy nghề, ở tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển xã hội hóa dạy nghề trên địa bàn tỉnh cụ thể như:
- Quyết định số 80/2001/QĐ-UBBT ngày 07/12/2001 về việc ban hành Quy định tạm thời về chính sách hỗ trợ người nghèo học nghề;
- Quyết định số 35/2003/QĐ-UBBT ngày 16/5/2003 về việc quy định một số chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa trên lĩnh vực đào tạo nghề, bao gồm:
+ Chính sách đối với cơ sở dạy nghề (công lập cũng như ngoài công lập);
+ Chính sách đối với người học nghề;
+ Chính sách đối với người dạy nghề.
Cùng với việc ban hành các chính sách nói trên, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X có Nghị quyết số 23/NQ/TU ngày 05/10/2004 về đào tạo nghề, giải quyết việc làm đến năm 2010.
Những văn bản nêu trên đã thể hiện nhận thức mới về xã hội hóa dạy nghề. Các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia phát triển dạy nghề, học nghề. Các cơ sở dạy nghề công lập đã tổ chức thực hiện tương đối tốt chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn (trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số); dạy nghề cho người tàn tật, cho bộ đội xuất ngũ và người thuộc hộ nghèo.
2. Về phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề:
Trước năm 2000, ngoài Trường Trung học Y tế và Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở Lao động - TB và XH) được thành lập vào năm 1997 thì tỉnh chưa có một cơ sở dạy nghề nào được thành lập chính quy; có thể nói tại thời điểm đó Bình Thuận là một tỉnh trắng về cơ sở dạy nghề.
Ngày 19/11/2002, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 71/2002/QĐ-UBBT về Chương trình đào tạo nghề tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2002 - 2010. Trong đó, đề ra mục tiêu đến năm 2005 cơ bản hình thành hệ thống cơ sở đào tạo nghề công lập bao gồm: Trường Dạy nghề tỉnh, Trung tâm Dạy nghề các huyện.
Đến nay toàn tỉnh có 14 cơ sở dạy nghề gồm:
a) Các cơ sở dạy nghề công lập:
- Trường Dạy nghề tỉnh vừa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ dạy nghề ngắn hạn, liên kết đào tạo và giới thiệu việc làm; xây dựng chương trình đào tạo cho các nghề dài hạn, ngắn hạn để triển khai thực hiện trong năm 2007 và những năm tiếp theo;
- Trường Trung học Y tế có dạy nghề dài hạn dược tá và ngắn hạn y tá thôn bản, y học dân tộc;
- Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh có chức năng dạy nghề ngắn hạn, có trang thiết bị để dạy một số nghề như: tin học ứng dụng, may công nghiệp, điện cơ, điện tử, điện lạnh;
- Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc Hội nông dân tỉnh, có bộ máy tổ chức văn phòng làm việc, có đăng ký hoạt động dạy nghề ngắn hạn cho nông dân theo hình thức lưu động;
- Trung tâm Dạy nghề Tuy Phong đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng cơ bản và đầu tư trang thiết bị đầy đủ theo thiết kế được duyệt, triển khai dạy nghề ngắn hạn các nghề điện cơ, điện dân dụng, sửa chữa môtô-xe máy, cơ khí nông - ngư nghiệp, tin học ứng dụng, may công nghiệp và các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo hình thức dạy nghề lưu động;
- Trung tâm Dạy nghề thị xã La Gi đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng cơ bản và trang thiết bị các nghề: may công nghiệp, tin học ứng dụng, sửa chữa cơ khí nông nghiệp, sửa chữa máy thủy, sửa chữa môtô - xe máy; hiện đang dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo hình thức lưu động và dịch vụ đào tạo lái môtô, ô tô các hạng A1, B2, C;
- Trung tâm Dạy nghề Tánh Linh vừa thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ bản vừa tổ chức dạy nghề, đã đưa hạng mục công trình và trang thiết bị dạy nghề của nghề may công nghiệp và tin học ứng dụng vào sử dụng. Hiện nay, Trung tâm Dạy nghề Tánh Linh đang tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn như: thủ công mỹ nghệ, xây dựng dân dụng, tin học văn phòng; liên kết dạy lái ô tô, vận tải nông thôn…;
- Trung tâm Dạy nghề Đức Linh xây dựng cơ bản đã hoàn thành; Trung tâm chưa được trang bị phương tiện dạy nghề, tổ chức bộ máy chưa hoàn chỉnh, hiện Trung tâm đang từng bước thực hiện nhiệm vụ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo hình thức lưu động;
- Trung tâm Dạy nghề Bắc Bình đang triển khai dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn các lớp thủ công mỹ nghệ, nghề gốm, dệt thổ cẩm, may thêu thổ cẩm phục vụ cho việc khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm Chăm;
- Trung tâm Dạy nghề Hàm Thuận Bắc chưa xây dựng cơ bản, văn phòng làm việc được bố trí tạm trong khuôn viên Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, có tổ chức bộ máy 05 người, chưa có trang thiết bị dạy nghề, đã và đang tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo hình thức lưu động như: thủ công mỹ nghệ mây, tre đan, trồng lúa, trồng cây ăn quả, khởi sự doanh nghiệp, xây dựng dân dụng, mộc dân dụng;
- Trung tâm Dạy nghề Hàm Thuận Nam đã có tổ chức bộ máy 03 người, chưa triển khai nhiệm vụ xây dựng cơ bản, chưa có trang thiết bị dạy nghề, đã và đang thực hiện dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo hình thức lưu động.
b) Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập:
Đi đôi với việc hình thành của cơ sở dạy nghề công lập, thời gian qua thông qua các chính sách khuyến khích của Nhà nước, các tổ chức cá nhân đã tham gia vào việc hình thành các cơ sở dạy nghề ngoài công lập góp phần tăng số lượng cơ sở dạy nghề cụ thể là:
- Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Bình Thuận: đào tạo lái mô - tô và ô tô các hạng B1, B2, C, D. Lưu lượng đào tạo 260 học viên. Phục vụ tốt nhu cầu học lái ô tô trên địa bàn tỉnh;
- Cơ sở dạy tin học Sơn Vũ và cơ sở dạy tin học Cinta. Hai cơ sở tin học này chủ yếu dạy tin học ứng dụng: văn phòng, đồ họa máy tính, quản trị mạng, cơ sở dữ liệu và liên kết thi chứng chỉ A, B tin học.
Nhìn chung, mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh từ chỗ chỉ có 02 cơ sở dạy nghề công lập vào năm 2000, đến nay đã có 14 cơ sở dạy nghề; trong đó, có 03 cơ sở dạy nghề ngoài công lập chiếm 21% cơ sở dạy nghề.
3. Về quy mô đào tạo:
Thực hiện các chính sách khuyến khích đã thúc đẩy việc đa dạng hóa loại hình cơ sở dạy nghề, các hình thức dạy nghề phù hợp (tại cơ sở dạy nghề, liên kết đào tạo, dạy nghề lưu động tại thôn bản, hợp tác xã) góp phần tăng quy mô tuyển sinh đào tạo. Từ 3.046 người được đào tạo vào năm 2000, đến năm 2005 số người được đào tạo là 5.302 người (bình quân hàng năm tăng 15%). Trong đó, học viên ngoài công lập chiếm hơn 30% (1.500/5.302 người, năm 2005). Tập trung vào các nghề: tin học văn phòng, lái ô tô các loại, may công nghiệp, thủ công mỹ nghệ (đan tre, lá), điện cơ, điện dân dụng, điện lạnh, nghiệp vụ du lịch, sản xuất nông nghiệp, xây dựng dân dụng. Sau khi tốt nghiệp có khoảng 70% học viên tìm được việc làm ngay.
4. Về đầu tư:
Nguồn lực đầu tư cho dạy nghề bước đầu được quan tâm, Trường Dạy nghề tỉnh và Trung tâm dạy nghề các huyện được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách tỉnh và một phần hỗ trợ từ kinh phí Trung ương (chủ yếu là đầu tư thiết bị dạy nghề) thông qua thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo. Đối với các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, đầu tư cho dạy nghề tin học ứng dụng còn nhỏ lẻ, mang tính chất gia đình. Riêng Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Bình Thuận đầu tư 3,6 tỉ đồng để tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, xây dựng chương trình, giáo trình và bồi dưỡng giáo viên.
Tính bình quân giai đoạn 2001 - 2005, nguồn lực tài chính chi cho dạy nghề ngân sách chiếm 90,6%, ngoài ngân sách Nhà nước 9,4%.
Từ năm 2004, tỉnh đã ban hành chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2004 - 2010, đối tượng chủ yếu là lao động nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp với hình thức đào tạo nghề lưu động: mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn tại các cơ sở thôn, bản, hợp tác xã nông nghiệp, vùng sâu, vùng xa. Trọng tâm là kỹ năng thực hành nghề theo phương thức “Cầm tay chỉ việc”. Với hình thức dạy nghề lưu động này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người học; đồng thời, giúp cho các Trung tâm Dạy nghề cấp huyện thực hiện được nhiệm vụ được giao, trong khi cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
II. MỘT SỐ TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Tồn tại:
- Hệ thống các cơ sở dạy nghề công lập thực chất còn quá yếu, nhất là các Trung tâm dạy nghề cấp huyện, phần lớn chỉ có tên và bộ máy tổ chức từ 03 đến 05 người, chưa đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên. Nên chất lượng hoạt động kém, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao;
- Quy mô đào tạo tuy có tăng nhưng chủ yếu là dạy nghề ngắn hạn, chất lượng đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thị trường lao động; với đối tượng là lao động nông thôn sau khi học nghề xong, một số chưa có điều kiện áp dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, một số sản phẩm làm ra chưa có nơi tiêu thụ (tre, nứa đan, rau an toàn... ) nên chưa phát huy hết hiệu quả công tác dạy nghề, chưa cải thiện đáng kể đời sống một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề;
- Đầu tư cho các cơ sở dạy nghề chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, nhưng vẫn còn ở mức thấp nên chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Tốc độ xã hội hóa dạy nghề chậm so với tiềm năng của xã hội hiện có, lực lượng xã hội ít quan tâm tham gia vào quá trình xã hội hóa dạy nghề;
- Cơ sở dạy nghề ngoài công lập còn quá nhỏ bé, chủ yếu đầu tư đào tạo các ngành nghề chi phí thấp và dễ thu hồi vốn đầu tư (như tin học, ngoại ngữ, lái ô tô);
- Các văn bản pháp luật về dạy nghề còn thiếu và chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho công tác quản lý điều hành;
- Đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ.
2. Nguyên nhân tồn tại:
- Nhận thức của các cấp, các ngành và của người dân về vấn đề xã hội hóa dạy nghề cũng còn khác nhau, chưa có những giải pháp đồng bộ, kịp thời huy động sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội để thúc đẩy phát triển xã hội hóa dạy nghề;
- Một số chính sách ưu đãi phát triển xã hội hóa dạy nghề như: đất đai, thuế, tín dụng… đã ban hành, nhưng chưa thực sự phát huy tác dụng thu hút lực lượng xã hội tham gia;
- Chi phí đầu tư cho dạy nghề lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư;
- Người học nghề chủ yếu là đối tượng nghèo nên khả năng đóng góp không cao; đồng thời, do tư tưởng nặng về bằng cấp nên đào tạo nghề chưa có sức thu hút đối với người học;
- Trình độ, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn ở mức thấp, chưa tạo ra nhiều chỗ làm việc mới thu hút lao động; thị trường lao động còn kém phát triển, nhu cầu sử dụng lao động ít và không ổn định, khó dự báo và gắn kết giữa đào tạo nghề của cơ sở dạy nghề với sử dụng lao động của chủ doanh nghiệp.
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HÓA DẠY NGHỀ ĐẾN NĂM 2010
1. Đào tạo nghề là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp cho sản xuất, dịch vụ, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề nhằm phát huy tiềm năng, nguồn vốn, nhân lực, công nghệ và cơ sở vật chất thiết bị sẵn có trong nhân dân, khuyến khích tối đa và tăng cường sự tham gia của người dân, của toàn xã hội vào phát triển lĩnh vực dạy nghề. Tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo và con em đồng bào các dân tộc thiểu số có cơ hội học tập nghề nghiệp và hưởng thụ thành quả về dạy nghề ngày càng tốt hơn.
3. Xã hội hóa dạy nghề không làm giảm nhẹ vai trò và trách nhiệm của Nhà nước mà ngược lại, càng phải được tăng cường thông qua việc tiếp tục tăng tỉ trọng đầu tư từ ngân sách cho phát triển dạy nghề. Ưu tiên đầu tư vào những ngành nghề có lợi thế phát triển, những ngành nghề đào tạo đặc thù của tỉnh, những nghề khó huy động nguồn lực từ xã hội.
4. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo môi trường phát triển, môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng về mọi mặt giữa các cơ sở dạy nghề công lập và ngoài công lập, nhằm thúc đẩy các cơ sở dạy nghề phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng đào tạo.
1. Số lượng học sinh học nghề vào năm 2010 là 10.000 người. Trong đó, học sinh học nghề trong các cơ sở ngoài công lập chiếm 40%.
Các ngành nghề đào tạo chiếm số lượng học sinh nhiều trong những năm tới là: tin học ứng dụng, lái ô tô các loại, nghiệp vụ du lịch, may công nghiệp, sửa chữa nông - ngư cơ, sửa chữa mô tô-xe máy, thủ công mỹ nghệ, xây dựng dân dụng, cơ khí sắt, hàn, chế biến thủy sản, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, trồng rau, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, thú y.
2. Phát triển nhanh số lượng và chất lượng các cơ sở dạy nghề, đặc biệt là các cơ sở dạy nghề ngoài công lập.
Nâng cấp Trường Dạy nghề tỉnh thành Trường Trung cấp nghề, Trung tâm Dạy nghề Tuy Phong thành Trường Trung cấp nghề, các huyện còn lại đều có Trung tâm Dạy nghề được đầu tư xây dựng và trang thiết bị dạy nghề đầy đủ theo thiết kế được duyệt.
Đến năm 2010, chuyển phần lớn các cơ sở dạy nghề công lập đã được đầu tư đầy đủ và hoạt động ổn định sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ như: Trung tâm Dạy nghề (TTDN) La Gi, Tánh Linh, Tuy Phong, Đức Linh, Trường Dạy nghề tỉnh.
3. Huy động nguồn lực toàn xã hội để phát triển xã hội hóa dạy nghề, gắn cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Để đạt được mục tiêu và định hướng phát triển xã hội hóa dạy nghề, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Công tác tuyên truyền
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về xã hội hóa dạy nghề để các cấp ủy, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và nhân dân được nhận thức đúng, đầy đủ chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề.
Nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là đối với thanh niên, học sinh thông qua các kênh thông tin giới thiệu về thị trường lao động, hội chợ việc làm và học nghề, những điển hình học nghề lập nghiệp. Làm cho thanh niên, học sinh yên tâm và xác định học tập suốt đời. Phát động phong trào thi đua xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến về xã hội hóa dạy nghề.
2. Quy hoạch phát triển xã hội hóa dạy nghề:
a) Quy mô đào tạo:
- Để đạt được quy mô đào tạo như mục tiêu đã xác định, từ nay đến năm 2010, phải mở rộng và nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở dạy nghề hiện có lên 02 lần so với năm 2005; đồng thời, đa dạng hóa các loại hình đào tạo bao gồm: đào tạo nghề dài hạn, ngắn hạn, kèm cặp, truyền nghề, đào tạo lại, đào tạo bổ sung; đào tạo tại chỗ, tại trường lớp; đào tạo lưu động, đào tạo từ xa; đào tạo gắn với địa chỉ sử dụng kết hợp với đào tạo đại trà; đào tạo liên thông;
- Khuyến khích việc hợp tác liên kết đào tạo với cơ sở đào tạo có chất lượng cao ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn, để đào tạo những ngành nghề đặc thù hoặc nghề có kỹ thuật cao mà ở tỉnh chưa có khả năng đào tạo.
b) Phát triển cơ sở dạy nghề:
- Từ nay đến năm 2010, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các cơ sở dạy nghề công lập hiện có, bổ sung trang thiết bị dạy nghề ở mức nâng cao và chuyên sâu cho Trường Dạy nghề và các Trung tâm Dạy nghề Tuy Phong, La Gi, Đức Linh, Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam theo thiết kế được duyệt và thành lập mới Trung tâm Dạy nghề Hàm Tân, Phú Quý khi có đủ điều kiện và nhu cầu;
- Đến năm 2010, thông qua các chính sách khuyến khích, dự kiến thành lập mới tại Phan Thiết hai trường dạy nghề ngoài công lập; và từ 02 đến 03 lớp dạy nghề của các doanh nghiệp, từ 03 đến 05 trung tâm dạy nghề ngoài công lập và mỗi huyện, thị xã có từ 01 đến 03 trung tâm dạy nghề ngoài công lập theo lộ trình sau:
* Giai đoạn 2006 - 2007:
+ Thành lập 01 trường dạy nghề ngoài công lập tại Phan Thiết để dạy các nghề dịch vụ du lịch như: phục vụ buồng, bàn; anh văn giao tiếp; anh văn cho lái xe, bồi dưỡng các nghề kế toán, quản lý điều hành;
+ Mở lớp dạy nghề may tại doanh nghiệp may vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, vừa phục vụ đào tạo đại trà cho mọi người có nhu cầu;
+ Có ít nhất một cơ sở dạy nghề ngoài công lập nâng cấp thành trung tâm dạy nghề, dạy các nghề tin học văn phòng, tin học kế toán, quản trị mạng, đồ họa;
+ Mỗi huyện, thị xã thành lập 01 trung tâm dạy nghề ngoài công lập.
* Giai đoạn 2008 - 2010:
+ Thành lập 01 trường trung cấp nghề ngoài công lập tại Phan Thiết, có đào tạo liên kết trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng; trong đó, có nghề mới về chế biến thủy sản, công nghiệp thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm và các nghề nghiệp vụ du lịch, kế toán...;
+ Mở các lớp dạy nghề nấu ăn, pha chế rượu, phục vụ buồng - bàn, lễ tân, anh văn du lịch tại các doanh nghiệp hoạt động du lịch tại Phan Thiết;
+ Thành lập mới từ 02 đến 03 trung tâm dạy nghề tin học ứng dụng, ngoại ngữ tại Phan Thiết;
+ Thành lập mới từ 01 đến 02 trung tâm dạy nghề dạy tin học văn phòng, sửa chữa xe máy, cơ điện nông thôn tại mỗi huyện, thị xã.
Theo dự kiến trên thì đến năm 2010, số lượng cơ sở dạy nghề trên toàn tỉnh sẽ có từ 29 đến 36 cơ sở dạy nghề. Trong đó, có 12 cơ sở dạy nghề công lập và từ 17 đến 24 cơ sở dạy nghề ngoài công lập.
c) Nâng cao chất lượng dạy nghề:
- Xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề đạt chuẩn, đủ về số lượng, phù hợp với cơ cấu ngành nghề đào tạo. Đến năm 2010, đối với trường trung cấp nghề có ít nhất 10% và trường cao đẳng nghề có ít nhất 30% đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý có trình độ sau đại học;
- Xây dựng chương trình dạy nghề theo chương trình khung 3 cấp trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tiếp tục phát triển chương trình giảng dạy hiện có và đưa chương trình, giáo trình cải tiến vào giảng dạy tại các cơ sở dạy nghề ngoài công lập;
- Đối với các cơ sở dạy nghề phải nghiên cứu xây dựng và áp dụng thực hiện chương trình đào tạo liên thông dọc từ đào tạo nghề ngắn hạn với đào tạo nghề dài hạn, liên thông ngang giữa những nghề cùng nhóm nghề đào tạo với nhau;
- Về trang thiết bị dạy nghề: trang bị đầy đủ theo thiết kế được duyệt, sau đó hàng năm bổ sung thêm theo hướng đổi mới, nâng cao, chuyên sâu, để đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học - công nghệ và đòi hỏi thực tế sản xuất của xã hội;
- Rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở dạy nghề đúng tiêu chuẩn quy định cho từng loại hình cơ sở dạy nghề, phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý giáo dục. Bồi dưỡng, đào tạo lại số cán bộ quản lý hiện có để đạt tiêu chuẩn quy định.
3. Tiếp tục đổi mới chính sách và cơ chế quản lý:
a) Thực hiện công khai các thủ tục hành chính trong việc thành lập các cơ sở dạy nghề ngoài công lập trên cơ sở quy định chi tiết điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động và thực hiện cơ chế kiểm tra sau khi cơ sở dạy nghề được cấp phép hoạt động.
Riêng đối với cơ sở dạy nghề công lập, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích xã hội hóa về dạy nghề ban hành kèm theo Quyết định số 35/2003/QĐ-UBBT ngày 16/5/2003, Quyết định số 80/2001/QĐ-UBBT ngày 07/12/2001 của UBND tỉnh hoặc ban hành mới chính sách khuyến khích xã hội hóa dạy nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đúng với quy định của pháp luật;
c) Tổ chức thực hiện quy chế đấu thầu chỉ tiêu đào tạo nghề do Nhà nước đặt hàng, khuyến khích các cơ sở dạy nghề thuộc mọi thành phần kinh tế nếu có đủ điều kiện, được bình đẳng tham gia đấu thầu theo quy định của Chính phủ;
d) Thực hiện chính sách bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của các cá nhân, tập thể tham gia xã hội hóa; chính sách ưu đãi tín dụng đối với cơ sở dạy nghề ngoài công lập, nhất là cơ sở dạy nghề hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận; chính sách thu hút đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
e) Về đất đai:
Bố trí quỹ đất để xây dựng các cơ sở dạy nghề công lập và ngoài công lập trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố ở những vị trí thuận lợi, bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung và yêu cầu phát triển của địa phương;
f) Các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động xã hội hóa lĩnh vực dạy nghề được hưởng các chính sách theo quy định tại Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập và các quy định khác có liên quan;
g) Bảo đảm các chính sách đối với cán bộ giáo viên, viên chức Nhà nước làm việc trong các cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Có chính sách hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên các cơ sở dạy nghề ngoài công lập;
h) Xây dựng chế độ học phí theo hướng tăng dần khả năng đóng góp của người học trong các cơ sở dạy nghề công lập để đảm bảo chi phí chi việc dạy và học;
i) Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho người học nghề có điều kiện khó khăn để thực hiện chính sách xã hội như: trợ cấp xã hội, học bổng, chính sách hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại và miễn, giảm học phí được cấp trực tiếp cho người thụ hưởng để người thụ hưởng lựa chọn cơ sở dịch vụ theo hướng dẫn của cơ quan tài chính. Thực hiện tốt chính sách dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ, lao động nông thôn, thanh niên là người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người nghèo, người đặc xá và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật. Thực hiện chế độ học phí, lệ phí và trợ cấp xã hội do Nhà nước ban hành và chế độ ưu đãi cho các đối tượng chính sách các đối tượng khó khăn, không phân biệt học ở cơ sở dạy nghề công lập hay ngoài công lập.
4. Tăng cường quản lý Nhà nước về xã hội hóa dạy nghề:
- Hướng dẫn các cơ sở dạy nghề xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng giáo trình giảng dạy, thực hiện quy chế tuyển sinh, đào tạo, kiểm tra, đánh giá, cấp bằng nghề, chứng chỉ nghề và ghi chép sổ sách giáo vụ, quản lý, lưu trữ, thống kê, báo cáo theo quy định;
- Thực hiện cơ chế phân cấp quản lý về hoạt động dạy nghề theo quy định, tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của cơ sở mình;
- Thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề, kiểm tra, đánh giá và cấp văn bằng chứng chỉ nghề;
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, quy định chế độ và trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cấp, đồng thời phát huy dân chủ ở cơ sở để giám sát công việc quản lý của các cấp.
1. Thành lập Ban chỉ đạo:
Ban chỉ đạo thực hiện Đề án Phát triển xã hội hóa dạy nghề trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm trưởng ban, thành viên gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo điểm, nhân rộng việc thực hiện Đề án trên địa bàn toàn tỉnh theo chủ trương xã hội hóa hoạt động dạy nghề của UBND tỉnh và Chính phủ.
Thành phần cụ thể của Ban chỉ đạo do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Nội vụ trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Trách nhiệm của các sở, ngành:
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước đối với hoạt động dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ theo quy định của Nhà nước. Định kỳ sáu tháng, hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện đề án báo cáo về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo;
- Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các ngành liên quan:
+ Hướng dẫn xây dựng quy chế tài chính áp dụng cho các cơ sở dạy nghề công lập hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ, các cơ sở dạy nghề ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận theo quy định của Nhà nước;
+ Hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách đấu thầu cung cấp dịch vụ do Nhà nước đặt hàng. Nghiên cứu phương thức thực hiện việc chuyển phần kinh phí Nhà nước, hỗ trợ cho người được thụ hưởng thông qua các cơ sở dạy nghề sang cấp trực tiếp cho người được thụ hưởng;
+ Cụ thể hóa trình tự, thủ tục miễn, giảm thuế theo chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa dạy nghề theo pháp luật hiện hành.
- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010 theo hướng bảo đảm đủ quỹ đất đáp ứng nhu cầu mở rộng, xây mới các cơ sở dạy nghề công lập và ngoài công lập;
- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan cụ thể hóa cơ cấu tổ chức, cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ, quy chế quản lý, sử dụng cán bộ; chế độ chính sách đối với giáo viên thuyên chuyển từ cơ sở dạy nghề công lập sang cơ sở dạy nghề ngoài công lập và ngược lại;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan cụ thể hóa chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ của Nhà nước cho các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, đặc biệt là các cơ sở hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa các cơ sở dạy nghề.
3. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Huy động các nguồn lực tại địa phương để triển khai thực hiện Đề án theo quy hoạch và hướng dẫn của các ngành chức năng cấp tỉnh;
- Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề đóng trên địa bàn theo phân cấp quản lý, kiểm tra việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực đào tạo nghề. Kịp thời chấn chỉnh những sai sót lệch lạc, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền. Định kỳ báo cáo công tác quản lý dạy nghề và đề xuất với UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội hóa dạy nghề và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo đủ quỹ đất đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để xây dựng (xây mới hoặc mở rộng) các cơ sở dạy nghề trên địa bàn của địa phương mình.
4. Trách nhiệm của các cơ sở dạy nghề:
- Các cơ sở dạy nghề có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các chủ trương chính sách, quy định của Nhà nước về dạy nghề;
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch xã hội hóa của cơ sở dạy nghề phù hợp với kế hoạch xã hội hóa của tỉnh;
- Tuân thủ các mục tiêu hoạt động của cơ sở dạy nghề đã được quy định trong điều lệ, thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng dạy nghề.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan tổ chức thành viên, cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, vận động quần chúng cùng tham gia thực hiện xã hội hóa dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
6. Căn cứ vào nội dung Đề án này, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để theo dõi, chỉ đạo./.
- 1Nghị quyết 23/2012/NQ-HĐND quy định về chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và môi trường của tỉnh Quảng Ngãi
- 2Nghị quyết 28/2012/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 3Tờ trình 9440/TTr-UBND năm 2007 về đề án quy hoạch phát triển xã hội hóa các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, dạy nghề, dân số, gia đình và trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010
- 4Quyết định 2302/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống dạy nghề giai đoạn 2006 - 2015 định hướng đến năm 2020 do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 5Quyết định 54/2008/QĐ-UBND đề án xã hội hóa dạy nghề giai đoạn 2008 – 2010 và những năm tiếp theo do tỉnh Long An ban hành
- 6Quyết định 156/QĐ-UBND năm 2013 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành đến ngày 30/9/2012 đã hết thời hạn, thời hiệu có hiệu lực, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng không còn
- 7Quyết định 2782/QĐ-UBND năm 2013 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành đến ngày 30/9/2013 hết hiệu lực thi hành
- 8Quyết định 812/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 1Quyết định 156/QĐ-UBND năm 2013 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành đến ngày 30/9/2012 đã hết thời hạn, thời hiệu có hiệu lực, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng không còn
- 2Quyết định 2782/QĐ-UBND năm 2013 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành đến ngày 30/9/2013 hết hiệu lực thi hành
- 3Quyết định 812/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 1Quyết định 1000/2005/QĐ-BLĐTBXH phê duyệt đề án "Phát triển xã hội hoá dạy nghề đến năm 2010" do Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành
- 2Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
- 3Nghị định 53/2006/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao do Chính Phủ ban hành
- 6Quyết định 35/2003/QĐ-UBBT ban hành Quy định chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa trên lĩnh vực đào tạo nghề do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 7Nghị quyết 23/2012/NQ-HĐND quy định về chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và môi trường của tỉnh Quảng Ngãi
- 8Nghị quyết 28/2012/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 9Tờ trình 9440/TTr-UBND năm 2007 về đề án quy hoạch phát triển xã hội hóa các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, dạy nghề, dân số, gia đình và trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010
- 10Quyết định 2302/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống dạy nghề giai đoạn 2006 - 2015 định hướng đến năm 2020 do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 11Quyết định 54/2008/QĐ-UBND đề án xã hội hóa dạy nghề giai đoạn 2008 – 2010 và những năm tiếp theo do tỉnh Long An ban hành
Quyết định 03/2007/QĐ-UBND ban hành đề án phát triển xã hội hóa dạy nghề trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010
- Số hiệu: 03/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/01/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
- Người ký: Hồ Dũng Nhật
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra