Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 01 năm 1980 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ GIỮ GÌN VỆ SINH TRONG THÀNH PHỐ VÀ XỬ PHẠT VI CẢNH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
– Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27 tháng 10 năm 1962 ;
– Căn cứ nghị định số 143/CP ngày 27-5-1977 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ về phạt vi cảnh và thông tư số 24/BYT ngày 24-8-1977 của Bộ Y tế hướng dẫ thi hành điều lệ về phạt vi cảnh.
– Trong khi chờ đợi Hội đồng Nhân dân thành phố quy định cụ thể những vấn đề liên quan đến việc ban hành điều lệ về phạt vi cảnh của thành phố ;
– Xét đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Y tế thành phố ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định tạm thời về giữ gìn vệ sinh trong thành phố và xử phạt vi cảnh.
Điều 2. – Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, phường, xã, theo chức năng và quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành bản quy định tạm thời này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ GIỮ GÌN VỆ SINH TRONG THÀNH PHỐ XỬ PHẠT VI CẢNH
(Ban hành kèm theo quyết định số : 02/QĐ-UB ngày 25-01-1980 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)
Chương I
VỆ SINH CÁC NƠI CÔNG CỘNG
Điều 1. – Cấm phóng uế, tiểu tiện trên đường phố, vỉa hè, gốc cây, công viên, chợ búa, bến xe, bến tàu, v.v…
Điều 2. – Những người đổ rác mướn trong hẻm hoặc xe rác tư nhân phải đổ rác đúng nơi quy định của Công ty Vệ sinh thành phố.
Điều 3. – Cấm đổ rác, súc vật chết, các thứ ô uế ra đường đi, hè phố, nơi công cộng.
Chương II
VỀ SINH PHÒNG CHỐNG DỊCH
Điều 4. – Mọi người đều bắt buộc tiêm phòng và uống phòng để chống các bệnh dịch nguy hiểm như dịch tả, dịch hạch, đậu mùa v.v… trừ những người được cơ quan Y tế khám và quyết định được miễn.
Điều 5. – Các cơ quan Y tế chịu trách nhiệm tổ chức việc tiêm và uống thuốc phòng dịch, cấp giấy chứng nhận định kỳ và đột xuất.
Điều 6. – Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm việc tiêm và uống phòng trong đơn vị mình. Khi bệnh dịch xảy ra trong đơn vị mình do tiêm và uống phòng không tốt thì thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm.
Điều 7. – Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch ở các quận, huyện. Việc khai báo các bệnh dịch nguy hiểm đều bắt buộc đối với toàn dân: Các trường hợp nghi ngờ hoặc khi chết người, chết súc vật với triệu chứng bị bệnh dịch đều phải báo ngay với các cơ quan y tế địa phương để xác minh và kịp thời xử lý. Khi có dịch lớn xảy ra ở một địa phương, sau khi cơ quan y tế đã khoanh vùng, Ủy ban Nhân dân phường, xã, các cơ quan, đơn vị, … trong vùng có dịch phải phối hợp với cơ quan y tế áp dụng các biện pháp khẩn cấp để bao vây, dập dịch. Việc tiêm chủng trong trường hợp này phải được tiến hành mau lẹ, hiệu quả và bắt buộc đối với mọi người trong vùng có dịch và các vùng kế cận. Việc ra vào thành phố hoặc xin giấy đi đường phải xuất trình “Giấy chứng nhận đã tiêm ngừa” mới được mua vé xe, vé tàu, …
Chương III
VỆ SINH THỰC PHẨM – ĂN UỐNG HÀNG RONG
Điều 8. – Các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm, các cửa hàng ăn uống, giải khát, các nhà ăn tập thể,… phải sạch sẽ, gọn gàng, xa nơi ô uế, khói bụi, hơi độc. Bàn ăn, ghế ngồi phải sạch sẽ, trên bàn có gạt tàn thuốc. Dụng cụ nấu ăn, phục vụ giải khát, ăn uống (ly, tách, chén, dĩa, muỗng, v.v… ) phải được rửa sạch, hợp vệ sinh. Hệ thống thoát nước, cầu tiêu, cầu tiểu thường xuyên được quét dọn, tránh gây mùi hôi thối cho khách hàng.
Điều 9. – Những nguyên liệu dùng sản xuất, chết biến thức ăn, thức uống phải hợp vệ sinh, có phẩm chất tốt. Nghiêm cấm bán ra thị trường các loại thực phẩm quá hạn sử dụng, bị ươn, thiu, thối,… (trừ những trường hợp được Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép sau khi có ý kiến của cơ quan Y tế). Dùng nước đã đun sôi để pha chế nước giải khát.
Điều 10. – Nhân viên phục vụ các cửa hàng ăn uống phải ăn mặc sạch, gọn gàng, móng tay cắt ngắn. Khi nấu và dọn thức ăn không được ăn trần, hút thuốc, dùng tay bốc thức ăn.
– Những người mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da v.v… không được phục vụ trong các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm, trong các cửa hàng ăn uống, … Mỗi năm nhân viên phục vụ phải được kiểm tra sức khỏe ít nhất là 1 lần.
Điều 11. – Các gánh, xe, quầy hàng rong phải giữ gìn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể :
– Đồ dùng để gói, đựng thức ăn, nước uống phải sạch, chén, dĩa, muỗng, đũa, v.v… phải được rửa sạch, lau sạch, khô. Nước rửa ly, muỗng, chén, bát … phải được thay luôn và giữ cho sạch sẽ.
– Chỉ bán các thức ăn đã nấu chín, không có mùi, không bị thiu.
– Dùng nước đã đun sôi để chế biến nước giải khát.
– Thức ăn, nước uống phải được che đậy kỹ bằng lồng bàn, vải thưa, không dùng tay bốc thức ăn.
Chương IV
VỆ SINH CHĂN NUÔI HEO
Điều 12. – Những hộ nuôi heo phải bảo đảm vệ sinh chuồng trại và khu vực chung quanh, cụ thể:
– Hàng ngày làm vệ sinh chuồng heo sạch sẽ, không để nước rửa, nước tiểu heo chảy lan nhà bên cạnh, chảy ra đường, phố, …
– Không được đổ phân xuống cống, rãnh, hố xí tự hoại. Các nơi để phân phải kín, có nắp đậy để tránh ruồi, nhặng, tránh mùi hôi thối cho gia đình bên cạnh.
– Phơi phân heo xa nơi có người ở và đi lại.
Chương V
BIỆN PHÁP XỬ LÝ VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. – Những cán bộ, chiến sĩ có trách nhiệm và có thẩm quyền xử phạt đối với những hành động vi phạm quy định tạm thời về giữ gìn vệ sinh trong thành phố là các cán bộ, chiến sĩ có chức danh như sau:
a) Đối với cấp thành : Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Công an.
b) Đối với cấp quận, huyện : Trưởng và Phó ban Công an.
c) Đối với cấp phường xã : Trưởng và Phó ban Công an phường, xã.
d) Các cán bộ và chiến sĩ Công an đang làm nhiệm vụ quản lý trật tự, an toàn xã hội.
Điều 14. – Hình thức xử phạt :
a) Phạt cảnh cáo : áp dụng đối với những trường hợp vi phạm nhỏ, do sơ xuất, do không hiểu biết.
b) Phạt tiền : áp dụng đối với những người không chịu chấp hành điều lệ giữ gìn vệ sinh chung hoặc đã qua một lần cảnh báo nhưng tiếp tục vi phạm. Phạt tiền : phạt từ 1 đồng đến 10 đồng.
c) Phạt lao động công ích từ 1 ngày đến 3 ngày : áp dụng đối với những trường hợp đã phạt tiền nhưng không chịu nộp tiền và không chịu sửa chữa sai phạm.
d) Phạt giam từ 1 đến 3 ngày : áp dụng đối với những trường hợp đã phạt lao động công ích mà không chấp hành.
Điều 15. – Quyền hạn phạt vi cảnh :
a) Cán bộ, chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ quản lý trật tự, an toàn xã hội được quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 đồng đến 3 đồng.
b) Ủy ban nhân dân các cấp (quận, huyện, phường, xã) tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện bản quy định này gồm đại diện Chính quyền, Công an, Y tế. Đoàn kiểm tra (có giấy và phù hiệu kiểm tra) được giao quyền xử phạt theo các mức độ sau đây :
– Trưởng và Phó Công an phường, xã được quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 đồng đến 3 đồng, phạt 1 ngày lao động công ích.
– Trưởng, phó ban công an quận, huyện được quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 đồng đến 10 đồng, phạt lao động công ích từ 1 đến 3 ngày.
– Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Công an được quyền phạt giam từ 1 đến 3 ngày theo đề nghị của Công an cấp dưới.
Điều 16. – Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày bị phạt, người bị phạt được quyền khiếu nại lên thủ trưởng đơn vị của cán bộ, chiến sĩ đã phạt hoặc lên thủ trưởng cơ quan cấp trên của người cán bộ, chiến sĩ đó. Trong khi chờ đợi việc khiếu nại được giải quyết, người khiếu nại vẫn phải chấp hành quyết định phạt đầu tiên nếu là phạt tiền.
Người bị phạt lao động công ích hoặc bị phạt giam chỉ phải chấp hành sau khi việc khiếu nại bị bác bỏ.
Điều 17. – Một người cùng một lúc phạm nhiều điều quy định trong bản quy định tạm thời này thì bị xét phạt riêng từng hành vi.
Điều 18. – Những hành vi phạm đến các điều trong bản quy định tạm thời này xảy ra trong các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, v.v…thì phạt người có hành vi trực tiếp, nếu do lệnh của người chỉ huy, người phụ trách thì phạt những người này.
Điều 19. – Đối với những người vi phạm dưới 14 tuổi thì giáo dục rồi báo cáo cho cha mẹ hoặc người có trách nhiệm biết, yêu cầu họ quản lý và giáo dục con, em họ,
– Đối với người vi phạm từ 14 tuổi đến 16 tuổi thì nặng nhất là phạt tiền, từ 16 tuổi trở lên thì phạt như đối với người lớn. Đối với người vi phạm từ 14 đến 16 tuổi không có tài sản riêng thì cha mẹ hoặc người có trách nhiệm nuôi dạy phải nộp tiền phạt.
Điều 20. – Khi thu tiền phạt phải cấp biên lai.
Điều 21. – Người phạt tiền được hưởng một tỷ lệ tiền phạt theo sự thống nhất giữa Sở Tài chánh và Sở Công an.
Điều 22. – Giám đốc Sở Công an chịu trách nhiệm việc in, cấp thẻ kiểm tra và phù hiệu cho cán bộ, chiến sĩ các cấp được giao nhiệm vụ phạt vi cảnh. Việc cấp thẻ kiểm tra và phù hiệu phải chặt chẽ, có quy định thời gian sử dụng và theo mẫu đính kèm.
Điều 23. – Các đồng chí Giám đốc Sở Y tế, Sở Công an cùng với các ban, ngành liên quan có biện pháp cụ thể để hướng dẫn các ngành, các cấp (kể cả các cơ quan Trung ương, bộ đội đóng tại thành phố) thực hiện nghiêm chỉnh bản quy định tạm thời này.
Điều 24. – Bản quy định tạm thời này có giá trị kể từ ngày ký.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Quyết định 02/QĐ-UB năm 1980 quy định tạm thời về giữ gìn vệ sinh trong thành phố và xử phạt vi cảnh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 02/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/01/1980
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Quang Chánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra