Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2024/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 10 tháng 01 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 742/TTr-STNMT ngày 14 tháng 12 năm 2023 và Văn bản số 80/STNMT-MT ngày 04 tháng 01 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2024.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các cơ Sở y tế và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Y tế:
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai;
- Q. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Chánh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, THNC, KGVX, KTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Phi

 

QUY ĐỊNH

VỀ THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Kèm theo Quyết định số 02/2024/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định chi tiết việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

2. Quy định này không quy định về quản lý chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động y tế và các chất thải y tế khác ngoài chất thải y tế quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Việc quản lý chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động y tế thực hiện theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

4. Việc quản lý chất thải y tế khác thực hiện theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ sở y tế bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế dự phòng; cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược và có phát sinh chất thải y tế nguy hại; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý chất thải y tế nguy hại

1. Chất thải y tế nguy hại phải được phân loại, thu gom riêng biệt với các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt trước khi đưa vào khu vực lưu giữ tại cơ sở phát sinh theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế. Trường hợp chất thải y tế nguy hại được tự xử lý, thu hồi năng lượng tại cơ sở thì căn cứ vào công nghệ, kỹ thuật hiện có, chủ nguồn thải chất thải y tế nguy hại được lựa chọn phân loại hoặc không phân loại chất thải y tế nguy hại.

2. Chất thải lây nhiễm sau khi xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được quản lý như chất thải rắn thông thường và được phép thu gom để tái chế theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Không được tái chế chất thải y tế nguy hại để sản xuất các đồ dùng, bao bì sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm.

3. Chất thải y tế nguy hại được xử lý theo thứ tự ưu tiên theo quy định tại khoản 4 Điều 42 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 4. Phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải y tế nguy hại

1. Việc phân định chất thải y tế nguy hại thống nhất thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Việc phân loại chất thải y tế nguy hại thống nhất thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 6 Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

3. Việc thu gom chất thải y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế thống nhất thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

4. Việc lưu giữ chất thải y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế thống nhất thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chương II

PHƯƠNG THỨC THU GOM, VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI

Điều 5. Phương thức thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại

1. Các cơ sở y tế hợp đồng với cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại có hạng mục xử lý chất thải y tế được cơ quan có thẩm quyền cấp phép: việc vận chuyển chất thải y tế nguy hại phát sinh tại cơ sở y tế được thực hiện bởi cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

2. Các Trạm y tế phường, xã, thị trấn ưu tiên thực hiện chuyển giao chất thải y tế nguy hại theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp không ký được hợp đồng với các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm, cụ thể như sau:

a) Cụm 01 - Trung tâm y tế thành phố Biên Hòa: Tiếp nhận, lưu giữ chất thải y tế nguy hại của các trạm y tế trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

b) Cụm 02 - Trung tâm y tế thành phố Long Khánh: Tiếp nhận, lưu giữ chất thải y tế nguy hại của các trạm y tế trên địa bàn thành phố Long Khánh.

c) Cụm 03 - Trung tâm V tế huyện Vĩnh Cửu: Tiếp nhận, lưu giữ chất thải y tế nguy hại của các trạm y tế trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu.

d) Cụm 04 - Trung tâm y tế huyện Trảng Bom: Tiếp nhận, lưu giữ chất thải y tế nguy hại của các trạm y tế trên địa bàn huyện Trảng Bom.

đ) Cụm 05 - Trung tâm y tế huyện Thống Nhất: Tiếp nhận, lưu giữ chất thải y tế nguy hại của các trạm y tế trên địa bàn huyện Thống Nhất.

e) Cụm 06 - Trung tâm y tế huyện Xuân Lộc: Tiếp nhận, lưu giữ chất thải y tế nguy hại của các trạm y tế trên địa bàn huyện Xuân Lộc.

g) Cụm 07 - Trung tâm y tế huyện Định Quán: Tiếp nhận, lưu giữ chất thải y tế nguy hại của các trạm y tế trên địa bàn huyện Định Quán.

h) Cụm 08 - Trung tâm y tế huyện Tân Phú: Tiếp nhận, lưu giữ chất thải y tế nguy hại của các trạm y tế trên địa bàn huyện Tân Phú.

i) Cụm 09 - Trung tâm y tế huyện Long Thành: Tiếp nhận, lưu giữ chất thải y tế nguy hại của các trạm y tế trên địa bàn huyện Long Thành.

k) Cụm 10 - Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch: Tiếp nhận, lưu giữ chất thải y tế nguy hại của các trạm y tế trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.

l) Cụm 11 - Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ: Tiếp nhận, lưu giữ chất thải y tế nguy hại của các trạm y tế trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ.

3. Các Trạm y tế phường, xã, thị trấn theo mô hình cụm quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại phát sinh từ Trạm y tế đến Trung tâm y tế đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Thiết bị đóng gói chất thải y tế nguy hại khi vận chuyển: bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại phải bảo đảm lưu chứa an toàn, không bị bục, vỡ hoặc phát tán chất thải trong quá trình vận chuyển. Bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại phải đảm bảo độ bền, kháng thủng, chịu được hóa chất, chịu được rung lắc khi di chuyển; phải có nhãn bên ngoài bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại ghi đầy đủ các thông tin cơ bản sau: Loại chất thải y tế, nơi phát sinh, ngày đóng gói, khối lượng/số lượng chất thải, dấu hiệu cảnh báo theo TCVN 6707:2009, điểm đến của chất thải.

b) Phương tiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 quy định này.

c) Tần suất vận chuyển: Chất thải y tế nguy hại từ Trạm y tế phường, xã, thị trấn về Trung tâm y tế của các huyện/thành phố với tần suất phù hợp để đảm bảo không được vượt thời gian lưu giữ theo quy định tại khoản 4 Điều 4 của Quy định này.

d) Việc bàn giao chất thải y tế nguy hại giữa Trạm y tế phường, xã, thị trấn và Trung tâm y tế của các huyện/thành phố phải được ghi vào sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

4. Trung tâm y tế của các huyện/thành phố bố trí khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 4 của Quy định này và đảm bảo đủ khả năng tiếp nhận chất thải y tế nguy hại trong cụm.

5. Các phòng khám tư nhân trong trường hợp chưa tìm được cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại phù hợp thì được đăng ký phương tiện để vận chuyển chất thải y tế nguy hại phát sinh tại phòng khám đến các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép dế xử lý theo quy định.

Điều 6. Phương tiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại

1. Phương tiện, thiết bị vận chuyển chất thải y tế nguy hại phải bảo đảm đáp ứng các quy định tại Điều 36, Điều 37 và khoản 3 Điều 42 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Phương tiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 5 phải đăng ký thông tin tại Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố và phải đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này, trong đó: Phương tiện vận chuyển phải có thùng hoặc khoang kín được bảo ôn, phương tiện vận chuyển chính chủ, phải lấp đặt thiết bị định vị và cung cấp tài khoản cho Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát, quản lý.

Chương III

ĐỊA ĐIỂM XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI

Điều 7. Địa điểm xử lý chất thải y tế nguy hại

1. Xử lý tại chỗ:

a) Các cơ sở y tế đã được đầu tư công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo theo quy định thì tự xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh trong khuôn viên cơ sở phải đáp ứng yêu cầu tại khoản 2 Điều 70 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

b) Việc quản lý, vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế tại chỗ thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Xử lý tại các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại có hạng mục xử lý chất thải y tế được cơ quan có thẩm quyền cấp phép:

a) Các cơ sở y tế không được đầu tư công trình xử lý chất thải y tế nguy hại hoặc có công trình xử lý chất thải y tế nguy hại nhưng bị hỏng, hoặc hoạt động không hiệu quả thì hợp đồng với cơ sở xử lý chất thải nguy hại được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

b) Trung tâm y tế của các huyện/thành phố ký hợp đồng chuyển giao chất thải y tế nguy hại tiếp nhận từ các đơn vị trong cụm với cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

c) Các phòng khám tư nhân đối với trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 5 phải có hợp đồng xử lý với các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để xử lý chất thải y tế nguy hại.

d) Các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại phải thỏa thuận ký hợp đồng với các phòng khám tư nhân quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

đ) Số lượng chất thải sau mỗi lần chuyển giao phải được ghi đầy đủ trong sổ giao nhận chất thải theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế và sử dụng chứng từ chất thải nguy hại theo quy định tại mẫu số 04 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 8. Thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại trong trường hợp có phát sinh dịch bệnh quy mô lớn

1. Sở Y tế chủ trì hướng dẫn việc phân định, phân loại, lưu giữ chất thải y tế tại nơi phát sinh dịch bệnh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại từ nơi phát sinh đến cơ sở xử lý chất thải nguy hại.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Quy định này.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế nguy hại đối với các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường hoặc hồ sơ tương đương của Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn, tuyên truyền và phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

d) Chủ trì, phối hợp Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung nội dung quy định khi có sự thay đổi các quy định của pháp luật, hoặc thực tế công tác quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh có những phát sinh cần phải điều chỉnh công tác quản lý.

đ) Tổng hợp, báo cáo kết quả quản lý chất thải nguy hại (bao gồm cả chất thải y tế nguy hại) theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Sở Y tế

a) Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Quy định này. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

b) Chỉ đạo các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch quản lý chất thải y tế của đơn vị; cân đối, bố trí đảm bảo kinh phí, nhân lực để thực hiện quản lý chất thải y tế.

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

d) Kịp thời thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường về các thay đổi trong thực tế công tác quản lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung nội dung Quyết định phù hợp theo quy định.

đ) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa và đơn vị liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp, thay thế các công trình xử lý chất thải y tế theo quy định.

e) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án quản lý chất thải y tế nguy hại (nếu có) theo quy định pháp luật về đầu tư công nhằm đáp ứng yêu cầu chủ động xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh.

4. Công an tỉnh

Chỉ đạo lực lượng thuộc Công an tỉnh, công an cấp huyện, cấp xã thực hiện chức năng phòng ngừa, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường đối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh.

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa

1. Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức thực hiện Quyết định này trên địa bàn quản lý. Tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế và các đối tượng liên quan trên địa bàn quản lý.

2. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế đối với các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền.

3. Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý về việc quản lý chất thải y tế đặc biệt là chất thải y tế nguy hại.

4. Xem xét thông tin, điều kiện phương tiện của các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia vận chuyển chất thải y tế nguy hại theo khoản 2 Điều 8 Quy định này và công bố danh sách các tổ chức, cá nhân được phép thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại trên địa bàn.

5. Hàng năm, xem xét bố trí kinh phí cho công tác quản lý chất thải y tế trên địa bàn.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn

1. Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại của các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý.

2. Phối hợp với các đơn vị liên quan trong hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế nguy hại của các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý.

3. Thông báo đến các phòng khám tư nhân danh sách các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia vận chuyển chất thải y tế nguy hại đã được Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố công bố.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh

1. Thực hiện quản lý chất thải y tế theo đúng quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Phân công lãnh đạo cơ sở y tế phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế; bố trí các bộ chuyên trách về công tác quản lý chất thải y tế; giao nhiệm vụ cho khoa, phòng, bộ phận phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế; bố trí nhân viên của cơ sở y tế hoặc phối hợp đơn vị bên ngoài để thực hiện vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ (đối với cơ sở y tế tự xử lý chất thải).

3. Xây dựng kế hoạch quản lý chất thải y tế hoặc tích hợp trong kế hoạch hoạt động chung hằng năm của cơ sở y tế; bố trí kinh phí để thực hiện việc quản lý chất thải y tế.

4. Thực hiện việc xác định các loại chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế (lưu ý: Thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, không để chất thải y tế lẫn vào chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường) để áp dụng biện pháp quản lý phù hợp theo quy định của Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

5. Thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải theo quy định của pháp luật (trong đó bao gồm cả phương án xử lý trong trường hợp chất thải y tế gia tăng bất thường do dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng).

6. Tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến cho nhân viên, người lao động và các đối tượng có liên quan các quy định về quản lý chất thải y tế.

7. Bố trí đủ kinh phí, nhân lực, ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế.

8. Thực hiện chế độ báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế và hồ sơ quản lý chất thải y tế theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 13. Điều khoản thi hành

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện Quy định này.

2. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện Quy định này và các quy định của ngành y tế.

3. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức quán triệt, tuyên truyền nội dung quy định này đến các cơ sở y tế và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Điều 14. Sửa đổi, bổ sung

Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ Sở y tế và các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 02/2024/QĐ-UBND quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu: 02/2024/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/01/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Võ Văn Phi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản